Blao, ngày 2/9/1964
Dao Ánh thân mến,
Cơn mơ kéo anh trở dậy vào lúc 3 giờ sáng.
Bây giờ đồi núi Blao còn đêm mù sương và im lìm ngủ. Anh thắp nến trắng viết thư cho Ánh và trùm chăn quanh mình. Miền cao nguyên này lạnh suốt ngày.
Ánh ơi,
Anh hơi lạ lùng là suốt những ngày lên đây anh thường nằm mơ có Ánh. Có Ánh rất yên lành qua những con đường xa lạ của một mùa Hè đã qua mà phượng vẫn còn đỏ ngời. Hình như trời vừa qua một cơn bão lụt nên con đường có vẻ xơ xác. Ánh mặc áo nâu, tóc mềm như mây có cả chiếc nơ màu nâu nhạt cài lên rất huyền hoặc. Anh còn nhớ là suốt con đường đi đó không khí bỗng ấm áp vô cùng. Anh đã trở dậy trong sự trống vắng dai dẳng ở đây.
Đáng lẽ kỳ này anh vào dạy nhạc ở Sư phạm Quy Nhơn (1) nhưng Cường và Cung (2) bảo anh nên thử liều lên nằm ở miền Cao nguyên một lần xem sao. Ở đây mà chờ ngày vào Thủ Đức (3). Thế cũng xong Ánh ạ. Có điều anh không ngờ là vùng đất này buồn đến thế. Những ngày đầu anh lên đây anh ngỡ là mình vừa mang một bản án treo đày về một hoang đảo. Anh chưa bao giờ đối diện với một dáng buồn lạ lùng và bi thảm như thế này. Không thể kể xiết sự hoang vắng bủa vây quanh mình những chiều những đêm có mưa hạt nhỏ qua đây. Buổi sáng thức dậy sương muối xuống đầy cả vùng trước mặt, cây cỏ trắng xóa và những người Thượng đi lấy củi sớm ở những đồi chè xung quanh không còn nhìn thấy nữa. Buổi chiều, có những chiều khô, hay mưa cũng thế, ngồi ở căn phòng, anh nghe rõ cả tiếng kèn đồng thổi về từ một đồn lính ở trên đồi cao rất buồn rất buồn. Như tiếng kèn trong phim Tant qu’il y aura des hommes (4).
Anh có cảm giác mình là một hóa - thân - phiền - muộn treo lửng lơ trong một khoảng không nào đó. Không là đỉnh cao. Không là vực sâu. Một cái gì mang mang không rõ ràng.
Căn nhà anh ở nằm chênh vênh ở một triền dốc. Buổi chiều ở đây chỉ còn tiếng gió hú thật não nuột về ru anh ngủ mà thôi. Anh cảm thấy như mình càng ngày càng đi vào những bất lực và vô vọng to tát hơn. Càng cố vùng vẫy thì càng bị siết lại hay càng bị ngợp chới với hơn.
Thủ bút một lá thư nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi cho Dao Ánh.Ảnh tư liệu
|
Bây giờ đã xa tất cả. Anh em. Người thân. Bạn bè. Vùng đất này như một miền bỏ hoang mà anh đã hiện diện ở đây làm loài củi mục.
Suốt ngày im câm như một số phần không tên, không tuổi, không còn dĩ vãng - tương lai. Ngôn ngữ nào của đô thị, của thành phố ở dưới kia mà anh ao ước được nghe lại, được nói lại vô cùng Ánh ạ.
Hôm nay anh lên Đà Lạt (trước khi về đây), gặp Kim Vui (ca sĩ) lấy xe đưa anh đi chơi quanh thành phố đến khuya. Buổi chiều sắp tối anh có thấy thoáng ai giống như Vũ - anh gọi mà không nghe.
Ở đây đi Đà Lạt và Sài Gòn rất gần. Nhưng anh vẫn thấy có gì cách biệt xa xôi như không liên hệ gì đến nhau.
Đêm ở đây anh thường vào ngủ sớm (9 giờ) bởi vì thành phố không có một sinh hoạt vui chơi nào.
Thành phố cũng chưa có số nhà - ban đêm thì tối mù vì chưa có đèn đường. Trông bi đát lắm. Chán lắm Ánh ạ. Suốt ngày, ngoài những giờ làm việc buổi sáng, anh ngồi nhìn chiều và đêm về trên những con đường dốc đất đỏ, mây thì xuống thật gần thật thấp. Chao ôi là buồn. Có lẽ anh cũng phải tìm cách nào để thoát khỏi nơi đây dù phải làm bất cứ gì để sống. Đời chúng anh phiêu bạt quá nên càng ngày càng tự du mình ra xa những yên lành cũ. Có lẽ một ngày nào đó Ánh cũng gặp lại anh như gặp lại một sự - xa - lạ, một inconnu, một étranger (5) của một thời nào chưa hề có tên để gọi. Đất đai của chúng anh ở dưới kia, vực thẳm bi đát vừa tráng lệ. Anh mong rằng một ngày nào đó con người sẽ căng nọc mình ra trước một tòa án công minh của trời đất để thú tội để trả lời với sự sáng suốt trước mặt... - Sau đó - sau đó sẽ không còn gì hay nếu còn con người thì những con người đó yêu thương nhau, yêu chân lý, yêu sự thật, không dối lừa, không gạt gẫm mình, không sống bằng phù phép ảo tưởng. - Mọi người bây giờ đang đánh lừa mình bằng ảo tượng. Không ai biết sống thực. Chưa ai biết sống cả Ánh ạ. Trên sân khấu rộng lớn vĩ đại của cuộc đời này anh đã bắt gặp được đủ loại người: già, trẻ, giàu, sang, hèn, ngu, giỏi. Tất cả đều chạy tìm ảo tượng. Từ đó đâm ra phỉnh phờ bởi vì phỉnh phờ là yếu tố chính của những cuộc bán buôn. Nhưng rồi anh nghĩ rằng mọi người đều đáng thương, đều là những tội nhân đáng được ân huệ, tha bổng.
***
Bây giờ là đêm lại. Tiếng hát Thái Thanh và Người ra đi (6) của Phạm Duy thật buồn. Thật buồn. Anh nhớ tất cả những người thân, nhớ vô cùng và thấy ấm ức vô cùng. Đêm đã mù sương ngoài kia. Anh không đủ can đảm để nói mãi chuyện buồn của mình. Ánh đã đi học lại chưa. - Mùa thu lá có rụng nhiều ở Huế không.
Làm sao không nhớ những vết tích đã qua. Ôi những gì êm ả đâu còn đâu còn. Anh mong nhận được thư của Ánh về vùng Blao này những mùa lạnh ở đây sẽ ấm cúng hơn. Anh còn cả bao nhiêu tháng ngày rộng mênh mông trải dài cuốn hút đằng trước mặt. Thật ghê rợn như một ám ảnh đen điu.
Bây giờ tháng 9. Anh gởi về cho Ánh sương mù và mây tháng 9 ở đây. Không có quà gì đẹp và buồn hơn nữa cho Ánh.
Anh cầu mong Ánh còn vui hoài và bình an vô cùng ở đó.
Anh không biết phải gửi về cho Ánh ở đâu nên gửi nhờ Thúy đem qua hộ. Đừng phiền. Mong tin Ánh và J’irai pleurer sous la pluie (7).
Trịnh Công Sơn
***
Ngày 3/9/1964
Ánh ơi,
Anh vừa thức dậy. Ngoài cửa sổ mây buổi chiều đã đen từ chân đỉnh đồi. Cơn mưa đã xuống đó. Thật to. Và gió cũng hú dài như một con thú hoang.
Buổi chiều nào cũng buồn như nhau. Cũng chừng ấy hoang vắng. Khung cảnh cũng là mây đen xám, con đường dốc đất đỏ và những bãi cỏ xanh. Anh đã sắp thuộc lòng vẻ buồn ở đây. Mỗi ngày anh tự nhìn rồi tự nhắc lại lầm nhầm như một câu kinh nhật tụng.
Đường dốc bây giờ đã ướt và trắng xóa vì mưa. Chốc nữa anh đi bỏ thư cho Ánh đường sẽ trơn vô cùng. Mưa to lắm Ánh ạ.
Huế chắc cũng sắp gần với những cơn mưa như thế này. Mùa Đông chắc buốt lạnh vô cùng. Anh không hiểu rồi những con đường Ánh sẽ đi học ngang lá có còn xanh như bây giờ không. Suốt hơn một tháng ở Sài Gòn trước khi lên đây anh vẫn hằng đêm vào ngồi ở dancing (8) đến sáng. Đêm nào cũng nghe LinhĐa hát Et j’entends siffler le train... (9) và tiếng hát cũng làm anh đã bao nhiêu lần nhớ lại tiếng hát của Ánh. Đôi lần trở về khuya, còn mang tiếng hát đó trên tóc, anh định viết thư về cho Ánh nhưng lại thôi. - Như hiện tại anh cũng dụ dự lắm vì không hiểu Ánh sẽ như thế nào. Nhưng anh nghĩ là dù thế nào thì điều đó cũng không quan trọng. Từ lâu anh đã quen xem thường những điều bất nhã và không hay đã xảy đến cho mình. Nên anh vẫn gửi thư đi vì lúc này, trong thâm tâm anh thấy là nhớ đến Ánh và cần viết vài hàng về thăm. Như thế là đủ.
Mưa cũng bắt đầu tạnh rồi đó. Trời hơi sáng hơn. Sự yên tĩnh ở đây làm mọi người có cảm tưởng là đang được nằm yên trong một nhà mồ. Yên đến ghê người. Và nỗi buồn thì căng như một sợi dây thòng lọng dài đen buộc lấy cổ. Siết dần. Siết dần. Đến ngột ngạt. Bi đát.
Auras tu jamais le temps de revenir (10). Anh đang hỏi thầm anh. Đang hỏi thầm về đời mình. Thành phố còn người - người thân ở đó. Anh ngại rồi mọi người thân thuộc đang đánh mất dần mình hay ngược lại. Nếu có dịp anh sẽ kể cho Ánh nghe nhiều chuyện vui suốt mùa Hè này. Đã qua. Đã qua, mà anh rất ít gặp Ánh. Chuyện vui của anh - thật lý thú vô cùng.
Thôi anh sắp đi bỏ thư cho Ánh đây. Nếu có thì giờ hãy gửi thư về đây cho vui. Rất mong đó Ánh.
Anh chúc Ánh đời đời quay về đó. Về đó.
Và xin mặt trời ngủ yên. Để Ánh là tournesol (11) mãi mãi. Anh tưởng tượng một khuôn mặt profil (12) mà một đường sáng hồng của mặt trời chạy dài từ chân tóc đến trán - mũi - cằm. Thật huyền thoại như tượng.
Trịnh Công Sơn
Địa chỉ: Bà Trần Thị Phi
Ty Công chánh Lâm Đồng, Blao
(Nhờ đưa lại cho ông Trịnh Công Sơn)
Địa chỉ: Bà Trần Thị Phi
Ty Công chánh Lâm Đồng, Blao
(Nhờ đưa lại cho ông Trịnh Công Sơn)
Chú thích:
(1) Trường Sư phạm Quy Nhơn, đến năm 1977 là Trường Đại học sư phạm Quy Nhơn, hiện là Trường Đại học Quy Nhơn. Trịnh Công Sơn học tại Trường Sư phạm Quy Nhơn hai năm (1962 – 1964)
(2) Hai họa sĩ Đinh Cường và Trịnh Cung
(3) Trường bộ binh Thủ Đức, nơi đào tạo sĩ quan trừ bị của quân đội Sài Gòn
(4) Phim Mỹ (tên nguyên bản là From here to eternity), trắng đen, sản xuất năm 1953, đoạt tám giải Oscar, đạo diễn: Fred Zinnemann, các diễn viên chính: Burt Lancaster, Montgomery Clift, Deborah Kerr, Frank Sinatra, Donna Reed… Phim được chiếu ở Sài Gòn những năm đầu thập niên 1960
(5) Kẻ vô danh, người xa lạ
(6) Bài Tiễn người ra đi của nhạc sĩ Phạm Duy
(7) Ca khúc Mỹ, nguyên tác Crying in the rain (Khóc trong mưa) do Howard Greenfiled và Carole King hát, lời Pháp J’irai pleurer sous la pluie do Richard Anthony hát.
8) Vũ trường
(9) Ca khúc Pháp Et j’entends siffler le train (Nghe tiếng còi tàu) do Richard Anthony sáng tác năm 1962
(10) Lời trong bài hát Et J’entends siffler le train, tạm dịch “Thời gian có bao giờ trở lại”
(11) Hoa hướng dương.
(12) Nhìn nghiêng
***
Trịnh Công Sơn -
Chủ nhật 20/9/1964
Dao Ánh,
Buổi sáng Đà Lạt mưa. Trời lành lạnh. Ở Đà Lạt chắc sẽ có rét Nàng Bân suốt mùa.
Những người đi lễ sớm đã băng qua khoảng đường anh nhìn thấy được từ trên này. Chuông nhà thờ đổ lúc anh còn nằm yên ấm trong mền.
Trưa này đã về lại Blao.
Chốc nữa ra phố mua bì thư - uống cà phê và loanh quanh những đồi dốc trải nhựa (không như Blao) - sao anh vẫn thích vẻ tráng lệ của những thành phố hơn Ánh ạ. Rồi ở đó tự đày ải mình vào cái buồn thú hơn. Mình cần phải góp ngôn ngữ của mình vào đám đông. Anh thấy tối cần đó.
Anh xin lỗi phải viết “Bic” vì những chuyến đi surprise[ 26] như thế này chẳng mang viết lách gì theo cả.
Ánh ơi,
Những lời nói từ Đà Lạt gởi về cho Ánh như thế này đây.
Xin gói những hương hoa ở đây về cho Ánh. Ngô Vũ Dao Ánh.
Trịnh Công Sơn
***
Sài Gòn 28/9/1964
Ánh ơi,
Anh viết thư cho Ánh luôn như thế này những ngày anh ở trong giai đoạn buồn bã nhất của tuổi anh. Khi anh nghiêng mình xuống một hình ảnh trong mát của Ánh anh bỗng thấy mình già nua - quá khứ đã chồng lên cao ngất. Anh thấy mình chưa có một may mắn nào từ khi vào đời. En moi, tout se réduit au minimum. Từ một niềm vui, một nỗi buồn. Từ bạn bè đến tình yêu. Rất đạm bạc, rất bé mọn đó Ánh. Chỉ còn mình Ánh để anh hàn huyên về những khoảng trống đau nhói của mình. Ngoài Cường và Cung. Đó là những "trous" những "hiatus"-vực-thẳm chôn mình bằng những cơn xoáy cuốn hút. Ánh rồi cũng làm loài chim di xám bỏ miền-giá-buốt này mà đi. Lúc đó anh chỉ còn ngồi nghe một lời bể động.
Thành phố đã ồn ào dưới kia. Căn phòng của anh Cung đầy những tranh, đĩa hát, sách báo, giấy tờ, mùng màn, quần áo. Chúng anh sống như thế đó, buồn phải không Ánh. Anh còn những chuyện sẽ kể cho Ánh nghe nếu Ánh thấy thích về những ngày chúng anh sống chuồi mình về phía trước vừa rực rỡ vừa hẩm hiu. Lắm chuyện để tạo dựng nên mình buồn thảm. Chốc anh sẽ ra nhà dây thép bỏ thư. Poste ở đây rộng và cao. Đẹp lắm. Anh nghĩ đến hai bụi hồng của nhà bưu điện Blao. Như một bé bỏng ấu thời. Rồi cũng trở về nằm cho hết những ngày bể dâu.
Anh muốn biết Ánh sáng nay làm gì. Đã có lần Ánh giận anh. Những hôm đó anh buồn và nghĩ là câu nói vô tình của mình mang đầy ích kỷ.
Cầu mong cho Ánh những gì Ánh hằng mong.
Phố sẽ nhộn. Anh sẽ uống một tách cà phê thật đậm ở Pagode. Chiều hôm qua đến tập B. Yến Xin mặt trời ngủ yên hát ở dancing.
Trịnh Công Sơn
Một trang thư tay của Trịnh Công Sơn gửi cho Dao Ánh. Ảnh tư liệu.
|
Blao, 17/2/1965
Ánh,
Bây giờ là đêm Blao.
Buổi chiều anh xách valise trở về căn nhà thật hoang vắng.
Anh ngồi hằng giờ tưởng như vực sâu mở rộng quanh mình. Không thể nói là nhớ Ánh nữa mà cơ hồ như đã mất đi. Như Ánh đã chết và anh trở về sau những ngày tang chế. Ôi hư vô trên đời - sống - anh làm sao Ánh hiểu thấu. Ánh chưa có giờ phút nào gần anh để nhìn thấy được anh bằng con mắt chân thành. Bấy lâu Ánh chỉ... (mất một đoạn thư gốc).
Những ngọn nến còn sót lại của buổi chiều cuối cùng Ánh ngồi đó. Ôi hư vô là tháng ngày, là những ân - huệ - tình - yêu - hư - vô.
Anh trải chiếc khăn tay nhỏ của Ánh trước mặt và cũng chỉ còn đó là di tích duy nhất của những ngày mùa xuân. Cả cuốn La porte étroite[ 61]. Anh muốn bày biện những gì của Ánh để xua bớt sự vắng lạnh quanh anh. Mọi người đã ngủ yên.
Còn anh ngồi đây chong đèn nhớ Ánh. Cho anh bàn tay trái có năm ngón giá buốt để anh vào giấc ngủ đêm nay. Bàn tay vẫn thường lạnh băng như mùa đông đã về ngủ đó.
Ánh ơi Ánh ơi Ánh ơi Ánh ơi Ánh ơi Ánh
Anh mong một tai biến nào đó đến cuốn phăng tất cả mất hút đi để anh còn Ánh đời đời. Nếu Ánh còn đó thì một ngày nào anh cũng sẽ mất đi.
Đêm đã dày. Trăng sáng mênh mông trên vùng đồi đã ngủ mê. Anh mong vào giấc ngủ này có năm ngón tay dài giá rét. Ánh cũng đã ngủ rồi có lẽ thế. Bây giờ anh còn ai còn ai. Ánh đã xa rồi làm sao nghe được những lời kêu rêu âm thầm này, như ngôn ngữ của một loài kiến nhỏ. Anh gọi Ánh bằng niềm hư - vô - thần - thoại yêu dấu. Anh sẽ nằm nhắm mắt và ngủ, giấc ngủ có những chồi -non - ngón - tay - mùa - xuân - thần - thoại.
Ôi hư vô đã đầy một đời người.
Ánh ơi Ánh ơi
Đã hằn thù anh từ bao giờ mà xua anh về đày ải nơi đây.
***
Ngày 18/2/1965
Buổi sáng đầu tiên anh dậy trên miền cao này.
Vẫn còn thấy mình bị đày ải vì không khí đầm ấm vừa qua.
Buổi sáng có sương rất mỏng. Anh ngồi hong mình trước thềm nhà rồi đi qua những con đường đất đỏ như vẫn hằng đi.
Nắng cũng lên rồi đó.
Anh phải nói là đời sống mình bị xé rách mới phải. Trở lại nơi đây những ngày đầu thường bị mất thăng bằng. Mong cho nó chóng qua. Mỗi lần đi xa là mỗi lần đánh mất. Cho nên không thể nào khỏi lo lắng. Trừ những tâm hồn kiêu hãnh tuyệt đối mà thôi. Ánh có thể là một kiêu - hãnh - tuyệt - đối. Bạn bè thì ngàn năm vẫn thế. Nhất là nhóm chúng anh.
Những gì xem như tuyệt đối thì không thể biện bạch. Tình yêu cũng là một tuyệt đối.
Anh đang mong tin Ánh. Dĩ nhiên là mong tin vui.
Ánh ở đó dù buồn vẫn còn bạn bè. Anh ở đây thì tuyệt nhiên không có ai.
Càng sống nhiều thì càng độ lượng, càng độ lượng thì càng thấy mình già nua, càng già nua lại càng đánh mất. Bởi vì mỗi ngày mình đã di mình ra xa những nề nếp sống tầm thường. Đó cũng là một loại chu - kỳ - định - mệnh.
Ex nihilo nihil fit
Du rien rien ne se fait.
Mỗi người đã đi từ một đời sống hư vô và sẽ trở về một cái chết hư vô. Ai sẽ đi từ một tình - yêu - hư - vô và trở về cô - đơn - hư - vô.
Ôi Ánh - hư - vô, Ánh - không - hư - vô những ngón tay anh giữ rồi có là mây khói. Thật tội nghiệp cho mỗi người. Rồi một ngày nào đó làm những kẻ lạ với nhau. Buổi sáng trước khi lên đây anh đi bỏ thư cho Ánh và ra ngồi một mình ở Pagode.
Thành phố như chìm chết. Hay anh chìm chết. Nhạc lên từ một góc nhỏ mais la vie sépare ceux qui s’ aiment tout doucement sans faire de bruit[64]. Có những lá me rất nhỏ lăn tăn như từng tích buồn bên kia công viên. Tất cả như muốn âm mưu, toa rập trên vẻ hư vô mênh mang anh đang chịu đựng. Anh bỏ đi và về nhà nằm úp mặt không còn lời nói. Chiều nay rồi Ánh ngồi một mình đốt nến với ai. Tóc đã cài hoa hồng chưa sao anh không nhìn thấy. Một ngày một tháng một năm buồn đi cho hết tuổi nhỏ.
Ánh ơi,
Buổi chiều. Anh vừa thức dậy nghe tiếng gió hú ngoài kia như một bầy sói rừng đến đánh thức. Buổi chiều vắng ngắt không còn nghe gì ngoài tiếng gió cũng không còn thấy gì ngoài bãi cỏ lao xao. Gió thổi những đám bụi đỏ đuổi nhau ngoài con đường dốc.
Buồn ơi xa vắng mênh mông là buồn [ 65]. Vẻ vắng lặng làm anh thấy bàng hoàng khó tin được mình vừa ở một vùng xanh non trôi nổi về một nơi cằn cỗi như thế này. Ám ảnh của những ngày tương đối êm đềm ở đó vẫn còn chan chứa trong anh. Anh như còn thấy Ánh bước đi, ngồi hát, như còn thấy những ngón tay với hình dáng quen thuộc mà anh hằng nhìn để nhớ trên mỗi buổi chiều. Bóng Ánh như xao động trước mắt anh. Tất - cả - Ánh còn đó còn đó. Anh đã bị đày ải thật rồi đây.
Ánh đã mất đã xa đi ngoài vạn dặm. Phải gọi là niềm chua xót chứ không phải là nhớ đơn thuần.
Nắng vàng đổ xuống và gió cuốn từng bóng nắng đi. Cho anh gọi thêm bao nhiêu lần tên Ánh nữa cho gió mang về.
Gió cũng buồn như mắt người yêu. Buổi chiều thứ năm. Ánh hình như không đến trường. Ánh ở nhà có thắp nến mà nghe gió xa về không.
Những ngày vui qua mau quá. Làm sao giữ nổi một ngày vui cho mình.
Dao Ánh Dao Ánh Dao Ánh
Ở đây anh còn có đâu hy vọng mỗi chiều Ánh sang. Mỗi lần đến là mỗi lần xa lạ hẳn lên. Bỗng nhiên anh lại có cảm tưởng lạ lùng thế.
Đã có bao nhiêu lần anh kể cho Ánh nghe về vẻ hoang vu của những buổi chiều ở đây. Mỗi lần trở dậy là mỗi lần thấy mình bị tước đoạt tất cả. Từ một tình cảm nhỏ đến một tình cảm lớn. Thấy không còn gì không còn gì, như đã bị hắt hủi và mình không còn là mình nữa.
Này Ánh của anh,
Hãy hát lại lời ca của những bài hát quen thuộc đó cho anh nghe.
Buổi chiều nay anh đã chẳng còn ai nữa. Một épave trôi giạt về đây nghe tiếng nói của mình, bước chân của mình, hơi thở của mình là anh đó.
Anh đã có tất cả để rồi không còn gì. Hư vô đã choán chật khoảng sống nhỏ. Từng espace vitale [66]. Ôi buồn là đó là từng sợi thạch nhũ rơi xuống âm thầm quanh đời sống anh có Ánh đứng nhìn như một vì sao buổi chiều, anh làm người chăn cừu trở về trong những tiếng chuông lục lạc. Anh chờ mong thư Ánh và những lời - nói - cho - ngày - tháng ở đây.
Nhớ Ánh - thần - thoại như bao giờ bao giờ.
Cho anh được ru những ngón tay mùa xuân vào thiên thu.
Ánh ơi Ánh ơi
Những ngày tháng còn nghĩa lý gì khi một người đã mất tài sản quí báu nhất của đời mình.
Anh nhớ!
Ánh nhớ Ánh nhớ nghìn năm yêu dấu vô cùng.
Bao giờ hư vô biến mất trên cuộc đời này trên đời anh hở Ánh.
Ánh ơi gió đã đầy cả căn phòng anh trọ. Nhớ Ánh rất thê thiết.
Trịnh Công Sơn
(Trích Thư tình gửi một người, Trịnh Công Sơn, NXB Trẻ 2011)
***
Trịnh Công Sơn -
Blao, tối thứ bảy 20/2/1965
Ánh
Một chiều thứ bảy nằm chơ vơ xa vắng tất cả. Anh bỏ một buổi trưa nằm đọc Porte étroite nhưng những tiếng hát buồn và sự im khô của buổi chiều đã kéo anh dậy nửa chừng. Này đây là Come back to Sorriento, Beau Danube bleu, Secret love [67] và bao nhiêu khúc hát khác dâng lên dâng lên như thủy triều ngập trên bãi - hoang - thân - phần - anh.
Viết quá nhiều để bày tỏ những muộn phiền của mình là một yếu điểm. Có thể Ánh sẽ chán nản trên những kêu rêu đó. Có thể anh sẽ tầm thường hơn dưới mắt Ánh. Nhưng anh đâu cần những độ lượng, anh chỉ thấy mình tha thiết muốn đối thoại với người thân yêu, nên anh phải viết vội buổi chiều quá buồn như đã từng kể lể nhiều rồi. Chiều thứ bảy mà cuốn chăn nằm heo hút ở đây thì không thể tưởng tượng được nữa. Radio thì vẫn la ầm những tin đảo chính. Chốn này thì vẫn ngủ ngon không hề có một xáo động nào về những biến chuyển đó. Thật như mình không còn một liên hệ nào với những đớn đau của quê hương này nữa.
Ánh ơi,
Anh không thể dối mình là ít nhớ Ánh được. Có thể rồi dần dà sẽ quen đi, nhưng bây giờ thì thật nhớ thật nhớ đến nỗi không thể kìm hãm mình yên ổn được. Anh chưa thể ổn thỏa nhanh chóng mình với vẻ hoang vu ở đây. Có thể Ánh không tin lắm nhưng ngày tháng còn đâu được nhiều để lừa dối nhau.
Buổi chiều thứ bảy và chủ nhật bao giờ cũng buồn và nhớ nhiều hơn, bởi vì ngày đó anh biết rằng mọi người đều rảnh rỗi như nhau. Sự rảnh rỗi sẽ làm mọi người gần nhau hơn tí nữa. Mùa này cỏ đã khô và những bụi tournesol chỉ còn những nụ đen cháy. Buổi sáng anh thức dậy sương mù xuống từng bãi rộng. Sương mù làm anh càng nhớ Ánh hơn. Ánh đừng bêu rêu trên sự nhớ nhung của anh nghe Ánh.
Dao Ánh qua nét vẽ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
|
Chiều nắng đã mất. Ánh đang làm gì ở đó. Ngày mai hình như Trang thăm Ánh phải không. Gió lùa vào lạnh hết hai bàn tay anh. Có Ánh chắc tay Ánh đã đông băng rồi.
Anh đã ngồi đốt bao nhiêu điếu thuốc rồi không còn nhớ nữa. Chiều rồi Ánh ngồi một mình có buồn ngủ không. Mắt Ánh thì bao giờ cũng buồn như thế. Hư vô như đã vào trong đó từ bao giờ.
Buổi chiều vàng vọt xám. Những con chim về kêu trên những vùng cháy nám của cỏ khô. Anh thì âm thầm nghe những lao đao trong mình trầm xuống. Ôi kể làm sao hết những nhớ mong này và làm sao tin được. Không phải anh bi quan nhưng chỉ thử dẫn dắt Ánh về những điều có thể bây giờ Ánh đang ghét bỏ.
Chúng anh có cần gì bi quan bởi vì cuộc đời sẽ nuôi sống tất cả. Điều anh muốn nói là tại sao người ta không dám đập đổ những công thức xã hội cũ kỹ để sống người hơn, nhân loại hơn và tự do hơn. Trên quê hương nhỏ nhắn của chúng mình, người ta không bao giờ biết nhàm chán những công thức, những ước lệ, những ngụy biện giả tạo. Người ta chỉ có thể trở thành những nhà - đo - lường giỏi và bằng lòng với tài năng đó. Sau đó thì họ yên tâm và đời sống đó đã trôi đi hằng bao nghìn năm rồi trên đất đai này.
Như thế đó Ánh, có phải anh đã nguyền rủa đấy không, mà nguyền rủa để làm gì. Đời sống này đã như một loại thổ ngữ ghi trên đá xưa rồi. Có thêm anh hay bớt anh thì cũng từng đó thôi.
Đêm đã rất dày rồi đó Ánh. Gió cũng đã lạnh hơn.
Anh đã bắt đầu ngồi trên ghế này, trước cửa sổ, từ 3g đến bây giờ là 10g15 - trừ hơn một giờ cơm chiều - để nghĩ đến Ánh và viết thư cho Ánh. Như thế có phiền cho Ánh lắm không. Ánh cũng đâu cần tin điều đó.
Anh vừa ra đứng ở sân. Tiếc là không có Ánh lúc này để Ánh nhìn đêm sương mù. Những khoảng đèn néon ở xa và trên đỉnh nhà thờ đã nhòa nhạt làm thành những vùng - ánh - sáng - tròn mơ hồ trông thực lạ lùng, thực huyền hoặc.
Cho anh thăm Trang và Diệm, Hoa bạn Ánh. Những người con gái rồi lớn lên rồi đi qua như từng bóng mây qua trời, như từng buổi chiều đẹp mất đi, như những vết chim di trên biển. Chúng anh là những kẻ còn sót lại để ca tụng từng vẻ đẹp phù du đó. Ánh thừa thông minh để hiểu tất cả. Phần bội bạc có bao giờ là chúng anh. Trừ một số nghệ sĩ vô liêm mới tệ thế. Ánh có thể nghi ngờ tất cả nhưng không nên nghi ngờ chúng anh. Đừng tạo nên không khí hiềm thù âm thầm trong đó, mỗi người sống cạnh nhau như một bầy thú dữ. Hãy nhân loại hơn. Hãy để trái tim trên mỗi bàn tay mà nói chuyện với nhau. Đêm đã về. Trước mặt anh bây giờ có hai khoảng xanh đen của trời và đất.
Một chiều thứ bảy đã mất đi vĩnh viễn. Ánh có buồn hơn không. Nếu một mai Ánh cũng mất đi vĩnh viễn như thế thì lúc đó có lẽ anh mới tin được rằng anh đã có Ánh ngàn - đời - ngàn - năm dù lúc đó sự khổ đau có bủa xuống làm khốn khổ đời mình hơn bao giờ bao giờ. Nhưng làm gì có điều đó phải không Ánh, và cũng mong không bao giờ có điều đó. Sự ích kỷ cũng vô biên như lòng độ lượng. Độ lượng với chính phần số mình.
Một ngày nào đó chính Ánh sẽ giao lại những chữ Destin Destin cho anh đồ lại rõ nét hơn. Rồi bao giờ cũng chỉ còn lại chúng anh ngồi viết hoài những chữ đó. Quê hương mình làm gì có một ngày sẽ xóa bỏ những nề nếp sống cũ đi.
Mây xám về bỏ những giọt mưa thưa trên đồi rồi biến đi. Có lẽ đêm nay thì mưa lớn và anh sẽ nằm yên đóng kín cửa nghe gió về hú ngoài sân, như từng đàn sói rừng mỗi đêm về ru giấc ngủ.
Mùa nắng ở đây như vậy đó, cũng có nhiều sương mù và những lần mưa lớn qua nhanh trên đồi trông rất tội.
Ánh có còn nhớ những câu trong bản hát Ánh đã chép cho anh:
…J’attendrai l’orage et la pluie pour pleurer
Je t’aime encore mais tu dois ignorer le chagrin de ma vie.
Et j’irai pleurer sous la pluie [68]
Anh muốn nghe lại tiếng hát đó cao lên trong buổi chiều này nhưng làm sao có được. Trong Porte étroite có chữ này anh thấy hay: je t’idolâtre. Tình - yêu - thần - tượng Ánh xem đã có từ hồi Gide rồi đó. Cuốn sách lại xuất bản lần đầu vào năm 1909 nghĩa là chữ đó đã lớn hơn mầy lần tuổi anh.
Trong Porte étroite Ánh thích Ánh là ai. Chỉ mới đọc được một nửa thì anh thấy thương Juliette quá. Những lá thư của Alissa cũng tội phải không. Đêm nay anh sẽ nằm đọc tiếp.
Chiều đã chiều hơn rồi đó. Những tiếng chim sẽ cũng trầm hơn. Còn tiếng chuông nhà thờ đổ xuống. Sao Ánh không thể cho anh một cái ảnh dù rất nhỏ để anh giữ nơi này. Có thể cắt ra từ một tấm hình nào đó. Nếu Ánh e ngại gì thì thôi.
Đêm nay Ánh thắp bạch lạp và đốt đến mấy giờ.
Sương mùa Hạ thì không lạnh lắm. Ở đây chỉ có hai mùa nên anh gọi thế. Một mùa lạnh đã qua. Đà Lạt cũng thế.
Trong thành phố này ít ai còn ngồi thức sau 10 giờ. Giấc ngủ rất dễ đến nhờ sự yên lặng xung quanh. Ánh có thể an lòng vì những điều anh viết cho Ánh dù có ngâm nga lên cũng chẳng còn ai nghe nổi. Sáng mai Ánh có thể dậy muộn hơn vì còn nguyên một ngày nghỉ. Anh đoán là Ánh rất bằng lòng về điều đó.
Anh hút thuốc quá nhiều nên dù buổi trưa không ngủ anh vẫn chưa thấy buồn ngủ tí nào.
Bây giờ anh sắp thắp nến, trùm chăn và đọc tiếp đoạn sau của Porte étroite. Sáng mai anh còn nhiều thì giờ để viết thư cho Ánh. Chẳng lo gì. Bonne nuit, bien chère [69].
Cho anh mượn năm ngón - tay - mùa - xuân đó.
***
21/2/1965
Đêm hôm qua anh đọc nốt cuốn sách đến 1 giờ khuya thì xong.
Đọc xong thì buồn. Buồn theo từng nỗi tuyệt vọng của Juliette và Alissa. Tuyệt vọng của Alissa là một thứ tuyệt - vọng - đức - hạnh. Đức hạnh đó đưa về một hạnh - phúc - ảo - tưởng - trên - cao. Yêu rồi hủy diệt tình yêu đó, quay lưng trước tình yêu đó. Như thể đã rõ ràng có sự lựa chọn giữa Chúa và Jérôme. Hiện tượng xung đột trong tâm hồn Alissa là một xung đột ngụy trang, giả tạo. Anh không thể chấp nhận đức hạnh đó dù là thứ đức hạnh thần thánh, cao cả. Anh gọi hành động đó là một hành động phi - nhân - bản. Đó cũng có thể xem như là một chọn lựa ích kỷ thoát ra ngoài thân - phận - làm - người (condition humaine).
Riêng anh, anh cho nỗi tuyệt vọng của Juliette “người” hơn, đáng thương hơn. Một tuyệt vọng còn mãi bị hành hạ, khổ sở, bị giằng co không ngừng. Hai bàn chân còn dính liền với đất. Hai bàn tay cùng thân thể đó gắn liền với thân phận. Juliette chỉ chọn lựa có một lần và lần đó là mãi mãi cho đến gần hai mươi năm sau còn có những giọt nước mắt trên những - gì - đã - mất - đi. Ánh đọc lại những câu này ở đoạn cuối cùng (tr.177):
“Alors tu crois qu’on peut garder si long temps dans son coeur un amour sans espoir? ...Et que la vie peut souffler dessus chaque jour sans l’éteindre”. [70]
Tất cả cuộc đời sau này của Juliette chỉ là một bằng lòng buông thả mà thôi. Tất cả nỗi tuyệt vọng của Juliette cũng ở trong câu nói cuối cùng: “Allons! Il faut se réveiller” [71]. Ánh có thấy được một cái gì gắng gượng nản lòng ở đó không. Một cái gì đã vùi tắt đời đời không còn trỗi dậy nổi. Câu chuyện thật nản lòng. Nỗi tuyệt vọng cuối cùng đó đã kéo anh đi xa vào giấc ngủ mỏi mê. Anh định trỗi dậy viết thư tiếp cho Ánh ngay lúc đó, bởi vì đã buồn hơn và sương cũng xuống nhiều hơn trắng mù bay như mưa nhỏ. Những ánh đèn néon chỉ còn là từng đốm sao nhỏ bất động. Nhưng rồi anh đã ngủ quên đi trong chuyện buồn đó và nến trắng cũng mòn từ bao giờ. Buổi sáng chủ nhật sương cũng giăng mù trên thành phố. Anh dậy thay áo ấm ra tiệm ngồi ăn mua bao thuốc và cũng vừa trở về để viết và nghĩ đến Ánh.
Buổi sáng trời âm u, có nắng rất mỏng, anh thì quanh quẩn trong căn phòng này. Cũng như bao giờ, anh ngồi đối diện với sự vắng lặng quanh anh. Hơn bao giờ hết, anh bỗng thấy rằng mỗi người phải có lòng tin lẫn nhau mới có thể kéo dài cuộc sống này được.
Ánh ơi Ánh ơi,
Chiều anh sẽ trở dậy với vẻ buồn bã của những chiều chủ nhật hoang vu. Anh sẽ viết tiếp.
***
Anh vừa dậy. 3 giờ. Ngồi đọc lại đoạn cuối thì thấy Alissa cũng đáng thương. Nỗi tuyệt vọng nào cũng mang vẻ tráng lệ như nhau. Dù sao thì cách cư xử của những người trong truyện cũng đẹp. Những lúc này đọc truyện thấy buồn hơn mà thôi. Điều anh chợt nghĩ đến trước tiên khi vừa mở mắt dậy là thành phố có những hàng lá muối Ánh đi qua thật là xa vời với đồi cao này. Nỗi bàng hoàng như mọc nấm trên cơ thể.
Những điều để nhớ lại là những điều đã mất đi hay ít nhất cũng thuộc về quá khứ. Mỗi ngày mình bước tới là mỗi lần mình bỏ lại một quá khứ nho nhỏ sau lưng. Anh chỉ mong sao có thật ít quá khứ. Người có nhiều quá khứ thường phải buồn nhiều hơn. Anh thấy mình nhớ Ánh nhiều hơn lần trước. Có lẽ vì lần trở về này - dù có nhiều chuyện phiền lòng nho nhỏ.
Buổi chiều im nắng. Phía đồi trước nhà anh ở trọ đã mọc thêm hai căn nhà mới. Gió đã lao xao ngoài kia. Anh ngồi chờ ở đây và biết rằng sẽ không ai đến cả.
Anh vẫn ngồi thắp thuốc một mình và nỗi sống rời rã hẳn đi.
Chiều nay không ai đến thăm. Chiều nay không còn năm ngón tay nồng nàn giá buốt. Làm sao yên tâm.
***
22 /2/1965. Buổi sáng
Sương mù trên những bụi hồng ở nhà bưu điện anh đi gửi thư cho Ánh mà nhớ hơn bao giờ, trên vẻ hoang vu này làm sao gửi hết sương này về cho Ánh.
Anh đang viết ở bưu điện, quanh anh sương không còn nhìn thấy nhau. Buổi sáng hoa hồng nở rất tuyệt diệu. Anh không còn lời nào để nói bởi vì tất cả đã âm thầm biến mất khỏi anh.
Anh chỉ còn một ngôn ngữ này để gửi về: Ánh có còn đó không. Nhớ nhung ngút ngàn.
Dao Ánh. Bao nhiêu sương mù mang tên đó, trên vùng cao anh mãi ngước nhìn.
Hãy kể cho anh nghe. Hãy nói chuyện với anh. Đã có gì qua ở đó.
Anh nhớ mãi một loài nga mang tên Dao Ánh và mang tên hoa mặt trời.
Hoa hồng và sương mù xin chất đầy trên hai tay Ánh đây.
Anh
Trịnh Công Sơn
***
Trịnh Công Sơn -
Blao, 26/2/1965
Dao Ánh,
Anh đọc thư Ánh từ chiều hôm qua. Cũng như tháng 8 năm ngoái, thư Ánh vẫn là thư đầu tiên trong những ngày mọn mọt của anh ở đây. Anh đã đọc thư bao nhiêu lần. Và để mừng những tờ thư đó, anh đã mặc áo ấm vào đêm, uống thật say một mình rồi trở về cầm những tờ thư còn thơm mùi thơm quen thuộc đó mà ngủ. Bạch lạp thì cháy âm thầm trên giấc ngủ đó của anh.
Những ngày nay anh vẫn chưa làm được gì ngoài phí bỏ những giờ dài dẳng để ngồi đốt thuốc và nhìn hoài khoảng đất trời trước mặt. Anh đã viết xong một bản nhạc cho Ánh. Ru mãi ngàn năm hay Ru em từng ngón xuân hồng.
Bây giờ buổi chiều. Anh đã hết cả ngôn ngữ để nói về vẻ ảm đạm của những buổi chiều ở đây.
Thứ sáu đã gần xuống hết, những mảng đất đang mang màu nâu bạc. Những con sâu đất và dế cũng đã reo rất sớm ngoài kia. Có lẽ anh lại phải nằm thêm một thứ bảy và một chủ nhật ở đây nữa.
Bây giờ Ánh đang làm gì, bờ sông thì vẫn có những hàng cây. Những hàng cây nhìn xuống một đời nước mãi chảy và những màu lá xanh, đỏ của mỗi ngày, của mỗi tháng, của mỗi năm. Anh thấy Ánh đi qua những khung hình quen thuộc đó và mỗi ngày Ánh đã lớn lên, đã xa dần từng ngày tháng cũ. Đã bỏ sau lưng từng buổi chiều êm ả, đã quên mất những yêu dấu của một tuổi nồng nàn nhất trong đời một người con gái. Rồi sau đó còn gì ngoài một đời sống đều đặn hơn, ngăn nắp hơn và những kỷ niệm đã được trút bỏ âm thầm (như anh đã có lần nói).
Một cơn mưa qua bất chợt ở chót con đường dốc. Anh đã biết được một vài người như thế. Sau lưng họ như đã có một bức tường dựng lên che khuất những ngày tháng dĩ vãng. Có lúc họ cũng quay lại nhưng để nhìn những gì đã qua với một vẻ thản nhiên của núi rừng. Sao anh lại nói đến điều này. Có phải nghĩ rằng một ngày kia Ánh cũng bỏ ra đi như thế không. Điều đó đã hẳn rồi. Anh nghĩ mình sẽ mãi như đứa trẻ vụng về bốc từng nắm cát và để trôi qua kẽ tay. Ôi những điều quý giá có bao giờ giữ mãi được.
Đêm bỏ xuống chỗ anh ngồi và ngoài kia. Những giờ rỗi rảnh ở đây, anh tình cờ đọc được cuốn Những cặp kính màu của Võ Đình Cường. Cuốn sách viết đã lâu, hơn 17 năm, bây giờ mới xuất bản. Giọng văn đã xưa nhưng tình tiết buồn đến vỡ mật. Có những đoạn journal của Thu như của Alissa. Những ý nghĩa về tình yêu của một người con gái bao giờ cũng dễ thương, cũng nồng nàn và cũng buồn. Trong cuốn truyện có hai người con gái: một Huế và một Hà Nội. Cuối cùng thì không còn ai và Lạc đã xót xa nhận chịu những mất mát đó với một hư vô nặng nề trùm lên đời sống. Mọi người đã không ai hiểu ai. Mọi người đã nhìn nhau qua một cặp kính màu. Anh đã buồn như khi đọc Porte étroite.
Một trang thư Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh. Ảnh tư liệu
|
Bây giờ anh đã gần trở lại hẳn với vẻ bình thản cũ của anh, nhưng anh cho đó cũng chỉ là một gắng gượng giả tạo mà thôi. Anh thấy khó thích nghi mình vào với đời sống này. Dù có già nua hơn nữa. Anh nghe một người quen vừa ở Sài Gòn lên cho biết đã có danh sách động viên khóa 20. Có lẽ anh đã có tên ở đó. Vào tháng tư thì giấy gọi bắt đầu gửi đến. Không hiểu khi vào đó thì anh sẽ ra sao nữa. Thôi cũng đành mà thôi. Những vùng đất lạ đày đọa vẫn mở không ngừng trước lối đi của anh. Tất cả đời sống anh đã bị cuốn hút vào một cơn gió độc sẽ rã rời hơn nữa. Sẽ kêu rêu hơn nữa. Để rồi ích gì. Sẽ đánh mất và quên dần nhau. Định mệnh luôn luôn đào sâu những vực thẳm giữa anh và niềm an bình. Định mệnh chắc đã mãi theo dõi anh bằng đôi mắt hằn thù. Có lẽ anh đã quá ích kỷ như Ánh nói. Anh đã nghĩ về mình quá nhiều. Anh đã nhìn thấy anh và quên rất nhiều người xung quanh. Bao giờ có tin chắc chắn về chuyện đi lính của anh, anh sẽ cho Ánh hay. Sẽ có dịp để đặt mình vào những giới hạn khác. Sẽ bắt đầu một cuộc đời học trò gian nan hơn. Sẽ bỏ vào lòng súng từng viên đạn phi lý để nhắm vào đầu vào mắt vào tim nhau. Anh đã hèn nhát hay vì chiến tranh này quá thô bạo. Nhưng thôi anh sẽ câm bớt lại. Trong xã hội này lý lẽ của kẻ yếu bao giờ cũng dễ biến thành những lời ngụy biện.
Từ một cái nhìn vào xã hội - vào thành kiến đã có - đến tất cả tất cả.
Đêm đã dày và một cơn mưa vừa trút xuống. Những tiếng hát cũng đã dấy lên rất xa xưa.
Anh ngồi đây và bỗng nhận ra rằng tất cả một cuộc đời này rồi cũng chỉ là một hoài công vô ích kéo dài hằng bao nhiêu thế kỷ nữa.
Ánh hãy quay ra cửa nhìn đồi với anh. Đồi thì đen sẫm và mưa đan nhỏ dưới bóng đèn.
Anh đang bị rơi vào những ngao ngán thường trực. Những lúc này anh đang bị dao động bởi hai thứ tình cảm khác ngược, vừa yêu thương tất cả vừa chẳng cần ai. Anh nghĩ đến vai trò của mỗi người trên vùng đất này sẽ diễn biến theo những công thức cố định để rồi kết thúc theo một phương châm bi đát như nhau. Bởi thế anh hay lo sợ vẻ kệch cỡm ngụy trang của con người. Anh tự hào khởi từ những ngày lớn khôn anh chưa hề dối lừa ai.
Đêm cũng chưa khuya mà sự yên tĩnh đã nghe rất rõ. Anh nhớ Ánh rất nhiều và điều đó chỉ có thể âm thầm nói cho riêng mình nghe. Ánh có thể nghi ngờ điều đó vì Ánh chỉ đọc nó qua những dòng chữ rời rã, khô cằn. Làm thế nào mà biện bác được. Cả một vòm trời ngoài khung cửa chỉ còn có một vì sao rất sáng. Cơn mưa đã ngưng từ bao giờ anh không biết rõ.
Những tiếng súng đại bác của đêm đã nổ rất gần. Mọi người đã ngủ yên. Mấy đêm nay anh ngủ ít hơn chẳng hiểu vì sao.
Những lời nói của Ánh như bắt đầu dấy lên: Anh sẽ đền gì cho Ánh, cho Ánh, cho Ánh.
Tiếng súng nổ đã rung cả cửa kính trước mặt. Anh sẽ đền bù cho Ánh tất cả, tất cả.
Bây giờ là giờ bạch lạp. Anh thắp nến để viết tiếp cho Ánh. Anh nằm dài trong mùng và viết đây.
Những tiếng súng vẫn nổ rền rất đáng ngại cả những tiếng xe nhà binh lao vút vào đêm.
Những ngón tay Ánh có còn lạnh không. Anh nhớ Ánh cùng những ngón tay dài đó.
Bây giờ thì hãy vào giấc ngủ. Đêm đã muộn màng. “Thôi em hãy ngủ anh hầu quạt đây” [72].
***
Sài Gòn 28/2/1965
Tưởng đã không về được nhưng rồi đã về. Đến đây từ chiều thứ bảy. Anh ra phố tìm Hà được đi phép. Đi suốt đêm và ngủ rất muộn.
Rồi cả ngày chủ nhật lên Thủ Đức để lại trở về phố cùng Hà và long dong trên những con đường phố rất vắng - rất đông. Những lá me bay, những tiếng nhạc rất nhỏ. Gặp Cung. Tất cả những nhọc nhằn anh phải vui theo Hà theo Cung. Và đã buồn rời nhau. Mỗi người trở về để tiếp tục công việc ê chề của mình. Thật nản.
Anh trở về đây (nhà anh Cường) nằm dài và như mê đi trong cơn - rời - rã - vô - biên. Thật không còn biết nói gì vui vẻ với nhau lúc này. Anh chưa bao giờ thấy ảo não hơn.
Đã qua thêm một chiều thứ bảy, một ngày chủ nhật. Những khuôn mặt con gái rất đẹp, rất sang, rất nhã, rất cao đi bên cạnh những ngoại kiều trên đất nước này. Ôi làm sao giải thích cho hết những ô nhục, những khúc mắc, những rối rắm trên mặt đất này nữa.
Ánh ơi Ánh ơi,
Khi anh quay về gọi Ánh thì đã cảm thấy an tâm hơn. Có một cái gì rạng rỡ từ đó. Anh vừa từ nhà một người quen ăn anniversaire đứa bé trở về. Uống rượu rất nhiều và càng thấy mê mỏi hơn. Đã hơn 10 giờ. Suốt đêm qua anh đã phải chong mắt suốt đêm để chờ đúng 5 giờ 30 sáng thức Hà dậy cho kịp giờ trở về quân trường để canh gác.
Anh mong giấc ngủ đêm nay sẽ an bình. Trời đã nóng lắm. Những cơn mưa chưa về đây. Vào mùa hạ thì trời ở đây thường bắt đầu mưa.
Anh đang nhác nhớm muốn trở về Blao rồi. Có lẽ đến trưa thứ ba anh sẽ về trên ấy.
***
1/3/1965
Buổi sáng anh thức dậy trong căn nhà chỉ còn một mình anh. Mọi người đã đi làm việc, ra chợ, đi học. Ở đâu rồi anh cũng vẫn rơi vào sự tăm tối ngấy ngẩm.
Những lúc này câu “l'enfer c'est les autres” [73] của Sartre anh thấy mất cả nghĩa lý. Anh đang cần có bạn bè, có người thân yêu hơn thế. Không thể cô lập, rút về một an nghỉ mà chỉ còn có mình với mình. Ánh hãy tiếp tục da du với bạn bè ở đó đi - Với Hoa với Trang với những ai Ánh thấy cần.
Trời đã nắng, 8 giờ 30.
Có lẽ giờ này Ánh đã ngồi yên ở lớp học nhìn những hàng cây sắp hàng ngoài cửa sổ.
Anh Cường vẫn còn dạy ở đó. Định vào đây nhưng anh khuyên ở lại. Ở đâu rồi cũng thế cũng dậy, cũng đi cũng trở về rất buồn bã nếu không còn ai có ai.
Anh ra phố bây giờ để mua ít sách và xem danh sách động viên ở Tòa đô sảnh.
Buổi chiều sẽ viết cho Ánh nhiều hơn.
Cả buổi chiều đã qua.
Danh sách động viên vẫn chưa có. Không hiểu vì sao. Bởi vì đến 20/3 này đã phải nhập ngũ.
Trời ở đây oi bức đến rã rượi. Anh tìm ít cuốn mua cho Ánh, nhưng chẳng thấy cuốn nào hay. Cuốn Les enfants qui m’aiment mua cho Ánh lúc trước Tết trong nhà dọn dẹp để đâu tìm chưa ra. Anh tìm xong sẽ gửi ra ngay.
Thành phố này bây giờ chỉ còn lại tiếng động và sự oi bức. Khó yên tâm làm được gì ở đây. Anh sợ phải phơi mình ngoài phố. Chỉ một buổi ra phố đã thấy mình phờ phạc hẳn đi.
Trưa mai anh lại trở về Blao để hóa thân trên đó. Không có điều gì vui vẻ hơn để nói với Ánh. Ánh đang buồn hay vui hay bình thường. Có lúc rồi đời sống mình cũng âm thầm trôi đi như giòng sông. Anh nghĩ về Ánh rất nhiều nhưng rồi không viết gì được cả.
Mọi ý nghĩ đã lắng xuống hay đã bay biến mất. Sẽ viết cho Ánh khi đầu óc sáng suốt dễ dàng hơn.
Bây giờ đã 9 giờ tối. Anh định ra phố một lát, ngồi uống gì rồi về, nhưng nhác nhớm quá nên thôi. Anh cần nằm nghỉ và nhớ Ánh như bao giờ.
Anh.
Trịnh Công Sơn
Source Internet.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.