Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

Nhật Hàn Du Ký 20

8) Thủ Đô Nam Hàn - Seoul (서울) 


Từ Busan đi xe lửa cao tốc KRail chừng hơn hai tiếng thì đến Seoul.  Di chuyển bằng xe lửa so với máy bay có một điểm thú vị là được ngắm phong cảnh trên đường.  Nam Hàn kiến trúc nhà cửa rất giống Nhật Bản, tuy nhiên nhà cửa ở Nam Hàn có lẽ lớn hơn so với nhà cửa ở Nhật.  Một điểm giống nhau nữa giữa Nam Hàn & Nhật Bản là ở vùng quê thường có chung cư cao tầng.  Có lẽ mật độ dân số cao nên việc xây chung cư ở vùng quê cũng là một ý tưởng hay.  Cảnh đồng ruộng nằm cạnh ngay những khu nhà cao tầng chắc mai đây sẽ là một cảnh rất thông thường cho nhiều quốc gia trên thế giới khi dân số tăng cao ...

Một cổng thành cổ ở Seoul


Seoul là thành phố lớn nhất ở Nam Hàn và là thành phố lớn đứng thứ 16 của thế giới, dân số khoảng 10 triệu người. Một thành phố có tổng sản lượng kinh tế được xếp hạng thứ 4 trên thế giới vào năm 2014. Seoul là một thung lũng được bao quanh bởi núi đồi, thành phố nằm bên cạnh sông Hàn (có lẽ vì vậy mà người Việt gọi là Hàn Quốc chăng?).  Lịch sử của nơi này trải dài gần 4 ngàn năm, bắt đầu từ thế kỷ 18 trước Công Nguyên. Seoul có 4 di tích lich sử được UNESCO liệt vào danh sách tài sản văn hóa thế giới.   Trong khu vực quanh Seoul vẫn còn một số tường thành cổ còn tồn tại với niên đại gần 4 ngàn năm.

Đường phố Seoul


Như đã đề cập ở bài trước, Seoul là một thành phố bị chiếm & được tái chiếm nhiều lần giữa quân đội Bắc Hàn (được ủng hộ bởi Nga & Trung Quốc) & quân đội Nam Hàn (được ủng hộ bởi Mỹ & Đồng Minh). Thành phố đã bị tàn phá nặng nề trong cuộc chiến, theo ước lượng có khoảng ít nhất 191 ngàn buildings, 55 ngàn căn nhà và khoảng 1 ngàn nhà máy bị phá hủy.

Một khu chợ trời ở Seoul


Sau cuộc chiến Bắc Nam, Seoul được xây dựng lại, nền kinh tế Nam Hàn bắt đầu phát triển mạnh vào thập niên 1960s, công cuộc đô thị hóa đã cuốn hút nhiều nhân công đến Seoul làm việc.  Đến thập niên 1970s khu vực Seoul đã được nới rộng đến những vùng lân cận.  Theo kết quả thống kê năm 2012, dân số Seoul chiếm khoảng 20% dân số Nam Hàn.

Một khu chợ trời ở Seoul


Seoul là nơi tổ chức Thế Vận Hội vào năm 1988, FIFA World Cup năm 2002.  Seoul có sân bay quốc tế Incheon được bầu là sân bay số một trên thế giới suốt 9 năm liền (từ 2005 đến 2013).  Ngoài ra Seoul còn có Lotte World Tower cao 556 mét với 123 tầng, với một phòng trưng bày nghệ thuật (Art gallery) cao nhất thế giới, một rạp chiếu phim Lotte Cinema có màn hình lớn nhất thế giới, và một khu mua sắm dưới lòng đất Seoul COEX Mall cũng lớn nhất thế giới.

Seoul By Night


LN không có dịp đến khu mua sắm COEX Mall, chỉ có dịp đến khu shopping ở trung tâm Seoul nhưng cũng đã choáng ngợp với tầm cỡ của khu shopping này.  Nếu so sánh với những khu shopping ở Melbourne hay Sydney ở Úc, theo nhận xét của LN thì những khu shopping ở Seoul lớn hơn rất nhiều. Bởi thế nếu ai có tính thích mua sắm khi đến Seoul chớ bỏ qua những khu shopping ở đây.

Seoul By Night


Đến Seoul quý vị cũng nên cố gắng đi xem Nanta show một lần, vì đây là show độc nhất vô nhị chỉ có ở Seoul.  Nanta có thể tạm diễn tả là một màn trình diễn âm nhạc với nhạc cụ là những dụng cụ nấu nướng (nồi niêu xoong chảo) với bối cảnh cảnh một nhà bếp, mỗi diễn viên đóng một vai trò nào đó từ bếp trưởng đến hầu bàn dọn dẹp vv.

Sân Khấu Nanta Show


Điều độc đáo ở đây là các diễn viên trình diễn nhạc qua những động tác làm bếp & màn trình diễn này không đơn thuần chỉ là những màn trình diễn âm nhạc mà được pha trộn với những tính chất độc đáo của một chút hài hước, một chút ảo thuật & cả luôn một chút võ thuật.  Toàn show chỉ là những màn trình diễn không lời nhưng khán giả có thể cảm nhận được rất rõ ràng tính nghệ thuật pha trộn với tính hài hước, vì thế mà những tràng vỗ tay cùng những tràng cười như không bao giờ dứt, nhất là những khán giả trẻ.

Sân Khấu Nanta Show


Trong một bài trước đây LN có đề cập đến tắm Onsen ở Nhật, ở Nam Hàn cũng có nhiều nơi quý vị có thể thưởng thức một cách tắm tương tự.  Ở Seoul LN có ghé đến Siloam Sauna gần ga xe lửa trung tâm Seoul (địa chỉ: 49, Jungnim-ro, Jung-gu, Seoul, Korea - 서울특별시 중구 중림로 49 (중림동)).



So với Spa World ở Osaka thì Siloam Sauna có phần nhỏ hơn.  Siloam Sauna gồm 4 tầng, tầng dưới cùng dành cho spa (các hồ hồ tắm nước nóng & lạnh), tầng này là tầng tắm khoả thân nên nam nữ riêng biệt. Tầng 2,3 & 4 dành chung cho cả nam lẫn nữ nên quý vị lên những tầng này cần mặc quần áo được để sẵn ở những nơi thay đồ.

Cảnh phố đêm gần khu Siloam Sauna


Tầng 4 dành riêng cho sauna (các phòng xông hơi nóng & lạnh), các phòng xông hơi nóng có nhiệt độ từ 27oC cho đến 86oC, có một phòng lạnh nhiệt độ là âm 16oC (-16oC).  Điều khác biệt giữa các phòng sauna ở đây đối với các phòng sauna ở Úc là nhữnh phòng này tầm cỡ lớn hơn rất nhiều, dưới nền được trải sỏi hay muối khoáng. Quý vị có thể nằm ngâm mình trong sỏi và muối khoáng, có những phòng được thiết kế những ô nằm cá nhân để quý vị có thể nằm ngủ ở đây.

Cảnh phố đêm gần khu Siloam Sauna


Tầng 2 & 3 có nhà hàng ăn uống, phòng tập thể dục vv. Ngoài tầng dưới cùng ra, các tầng còn lại được thiết kế với nhiều không gian cho sinh hoạt gia đình hay một nhóm bạn. Ở những nơi sinh hoạt chung này LN thấy mọi người ăn uống ngồi nằm thoải mái, có người còn nằm ngủ nhưng không khí có vẻ yên tĩnh nhẹ nhàng, không ồn ào.  Vào khu sauna & spa này quý vị có thể ở đây cả ngày thư giãn với giá tương đối rẻ từ 10 cho đến 15 ngàn Won khoảng ($10-$15 đô Úc) cho một người.

Một cổng thành cổ ở Seoul


Đến đây LN xin được kết thúc loạt bài Nhật Hàn Du Ký, hy vọng LN đã chia sẻ một vài điều thích thú nào đó với quý vị & cũng hy vọng trong thời gian nào đó trong tương lai LN sẽ có cơ hội đi thăm một nơi thú vị nào đó & sẽ vẫn còn duyên để chia sẻ với quý vị ...

Một xe bán cá nướng dạo ở Seoul


****

Một sự ngẫu nhiên khi viết những bài về Nhật & Nam Hàn này thì cũng là lúc vùng này đang trở thành một nơi biến động nhất thế giới.  Bắc Hàn liên tục thử hỏa tiễn liên lục địa, bom nguyên tử & có những hành động khiêu khích đến Nam Hàn, Nhật Bản & Mỹ.  Nam Hàn, Nhật, Mỹ & đồng minh tập trận ở vùng biển Triều Tiên. Trung Quốc & Nga cũng tập trận trong vùng biển này.  Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ xoá sổ Bắc Hàn nếu Bắc Hàn có hành động đe doạ đến nước Mỹ v.v. làm cho cả thế giới lo lắng theo dõi.

Khu chợ trời gần trung tâm Seoul


Theo LN nếu Bắc Hàn nằm ở một vị trí địa lý cách xa Trung Quốc & Nga, có lẽ Kim Jong Un đã cùng chung số phận với Saddam Hussein ở Iraq hay Muammar Gaddafi ở Lybia.  Một số nhà bình luận cho rằng nếu chiến tranh xảy ra, có lẽ Bắc Hàn sẽ chọn Seoul làm mục tiêu tấn công đầu tiên.  Nhật & ngay cả Mỹ & Úc cũng nằm trong tầm bắn của Bắc Hàn.

Toà Nhà Bưu Điện Seoul


Qua chuyến du lịch hai nước vừa qua, LN thật sự có cảm tình với đất nước, con người & và văn hóa của hai quốc gia này.  Chỉ cầu mong cho khu vực này nói riêng & cho thế giới nói chung được hoà bình, vì nếu chiến tranh xảy ra ở đây cơ hội rất cao nó sẽ là một cuộc chiến tranh nguyên tử, mà chiến tranh nguyên tử thì thế giới chẳng biết ai mất ai còn ....

Gần khu trung tâm shopping Seoul


Nhà khoa học Albert Einstein đã nói trong một cuộc phỏng vấn với Alfred Werner năm 1949: "I know not with what weapons World War III will be fought, but World War IV will be fought with sticks and stones."
Tạm dịch "Tôi không biết vũ khí nào sẽ được xử dung trong Đệ Tam Thế Chiến, nhưng vũ khí cho Đệ Tứ Thế Chiến sẽ là gậy và đá".  Qua câu nói này chúng ta có thể hiểu ông tiên đoán nếu Đại Chiến thế giới lần thứ 3 xảy ra, thì ai may mắn tồn tại cũng sẽ trở về sống lại với thời kỳ đồ đá ...

Sân bay Incheon


Những con người bình thường trên thế giới này có lẽ ai cũng mong rằng một cuộc đại chiến mới sẽ không bao giờ xảy ra.  Chỉ hy vọng những tham vọng của các đế quốc đang trỗi dậy không làm mờ đi lý trí về sự tồn vong của cả nhân loại ...

Sân bay Incheon


Làng Nam


09/2017

Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

Nhật Hàn Du Ký 19

8) Busan (Nam Hàn)

Từ Osaka Nhật Bản quý vị bay chừng hai tiếng là đến thành phố Busan Nam Hàn. Busan chỉ cách hai đảo Honshu & Kyushu của Nhật Bản chừng 190km. Ở Busan hay Nam Hàn nói chung, giá taxi tương đối rẻ bởi thế LN đã không dùng đến phương tiện xe lửa hay xe bus.

Đường phố Busan


Busan phát âm theo tiếng Hàn là "pusan" (tên thành phố trước đây là Pusan), một thành phố đông dân (khoảng 3.6 triệu dân) đứng thứ hai của Nam Hàn sau thủ đô Seoul. Đến thành phố này quý vị sẽ nhìn thấy có những khu dày đặc những chung cư cao tầng, có thể đoán là mật độ dân số ở đây rất cao.

Xa xa là những khu chung cư


Busan được cho là trung tâm kinh tế, văn hóa & giáo dục của vùng Đông Nam Hàn Quốc.  Busan cũng là một phố cảng lớn nhất Nam Hàn & là cảng đứng hạng thứ 10 trên thế giới.  Thành phố này cũng là nơi có khu trung tâm shopping Shinsegae Centum City được cho là lớn nhất thế giới.

Một building đang được xây cất ở Busan



Một chút về lịch sử Busan & Triều Tiên


Những di tích khai quật được từ núi Geochi (Geochilsan-guk) đã cho thấy dân cư nơi này đã được phát triển rất sớm từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 4 sau công nguyên.  Đến thế kỷ 15, triều đình Triều Tiên lúc bấy giờ đã phát triển Busan thành một thương cảng thông thương với Nhật Bản và cho người Nhật cư ngụ ở đây. Năm 1592 Nhật xâm chiếm Triều Tiên, sau cuộc chiến tranh này Busan được phép xây dựng lại thành phố. Năm 1876, Busan đã trở thành một cảng quốc tế đầu tiên ở Triều Tiên. Trong suốt thời Nhật đô hộ Triều Tiên, Busan đã được phát triển thành một địa điểm nối giữa Nhật & Triều Tiên.

Cổng China Town đối diện ga xe lửa trung tâm Busan

Từ năm 1910 cho đến cuối Đệ Nhị Thế Chiến, Triều Tiên bị Nhật đô hộ, năm 1945 với sự thoả thuận giữa Nga & Mỹ, Triều Tiên được chia đôi vào năm 1948.  Cuộc chiến tranh Nam & Bắc Triều Tiên bắt đầu khi quân đội Bắc Hàn xâm lăng Nam Hàn vào ngày 25/6/1950.  Hai ngày sau đó, ngày 27/6 Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chấp thuận gởi quân đồng minh đến Triều Tiên đẩy lui cuộc xâm lăng của quân Bắc Hàn.  Lực lượng quân đồng minh gồm 21 quốc gia, với Mỹ cung cấp 88% quân số.

Trước một tiệp tạp hóa

Trong hai tháng đầu của cuộc chiến, quân Nam Hàn & Mỹ bị đẩy lui & lập một vòng đai phòng thủ quanh Busan trong mùa Hè và mùa Thu năm 1950. Đến tháng 9 năm 1950, quân đồng minh đã mở cuộc tổng phản công bắt đầu từ Incheon, chia cắt quân Bắc Hàn ra làm nhiều mảnh, quân đồng minh đã nhanh chóng tiến về dòng sông Yalu biên giới giữa Bắc Hàn & Trung Quốc.  Tuy nhiên vào tháng 10 cùng năm Trung Quốc bất ngờ mang đại quân vượt qua sông Yalu để tham chiến ủng hộ quân Bắc Hàn.  Quân Mỹ đã rút lui dần về hướng Nam cho đến giữa năm 1951.

Một góc phố ngoại ô Busan

Trong suốt thời gian giao tranh dằng co này, Seoul đã 4 lần đổi chủ, hai năm cuối cuộc chiến đã biến thành chiến tranh tiêu hao và mặt trận thường nằm gần vĩ tuyến 38.  Tuy nhiên những cuộc không chiến thì chưa bao giờ dứt.  Bắc Hàn đã hứng chịu những cuộc dội bom long trời lở đất.  Các phản lực cơ thực hiện các vụ không chiến lần đầu tiên trong lịch sử, những phi công Nga Sô thường thực hiện những phi vụ bảo vệ đồng minh cộng sản Bắc Hàn của họ.

Một góc phố ngoại ô Busan

Cuộc chiến đã kết thúc vào ngày 27/7/1953, khi một hiệp ước đình chiến đã được ký kết chia đôi Nam & Bắc Hàn bằng khu phi quân sự tại vĩ tuyến 38 và thực hiện những cuộc trao trả tù binh.  Tuy nhiên chưa có một hiệp ước hoà bình nào được ký kết, bởi thế hai miền Nam & Bắc Hàn trên lý thuyết vẫn còn đang trong tình trạng chiến tranh.

Một tiệm lò rèn nằm trong trung tâm thành phố Busan (gần khu bán vàng bạc)

Trong cuộc chiến giữa Nam & Bắc Triều Tiên, Busan là một trong hai thành phố đã không bị quân đội Bắc Hàn chiếm đóng.  Bởi lý do đó mà Busan cùng với Daegu đã trở thành những trung tâm tỵ nạn.  Busan cũng đã đóng vai trò như một thủ đô tạm thời của Nam Hàn trong cuộc chiến này.

Một bức tường trong khu China Town được trang trí hình những nhân vật trong chuyện Tam Quốc

Khi nhắc đến sự kiện này LN nhớ lại biến cố năm 1975 ở Việt Nam, lúc đó LN còn nhỏ tuổi nhưng vẫn còn nhớ khi Buôn Mê Thuột & Pleiku thất thủ, một số chức sắc & các vị niên trưởng đã tụ họp ở nhà ông Nội của LN để bàn bạc kế hoạch cố chạy vào miền Nam với hy vọng lịch sử của cuộc chiến Triều Tiên năm xưa sẽ tái diễn ở Việt Nam.  Tuy nhiên họ đã thất vọng khi Mỹ đã thực sự bỏ miền Nam Việt Nam và lịch sử Nam Bắc Triều Tiên đã không lập lại ở Việt Nam...

Tiệm Phở Bay trong ga xe lửa trung tâm Busan



Chợ cá Jagalchi & Thức ăn đường phố


Chợ cá Jagachi nằm ở địa chỉ: 52, Jagalchihaean-ro, Jung-gu, Busan - 부산광역시 중구 자갈치해안로 52 (남포동4가), là một chợ cá lớn nhất Nam Hàn nằm cạnh bờ biển .

Cổng chợ cá Jagachi

Chợ cá được thành lập sau cuộc chiếc Nam Bắc Hàn, bán đủ loại hải sản tươi và khô kể cả thịt cá voi.  Chợ này không chỉ nổi tiếng ở Busan mà còn nổi tiếng cả Nam Hàn.  Chợ được bày bán cũng giống như kiểu chợ ở Việt Nam, tuy nhiên nhìn sạch sẽ và đặc biệt là không thấy ruồi nhặn.

Đường đi giữa các quầy bán hải sản

Theo hướng dẫn thì quý vị có thể mua cá hay hải sản tươi ở những quầy bán cá ở tầng 1 và họ sẽ nấu tại chỗ cho quý vị thưởng thức ở tầng 2 với giá 4 ngàn Won một người.  Tuy nhiên LN đã vào một nhà hàng ở đây chọn món ăn từ menu chứ không xử dụng dịch vụ nấu tại chỗ này.

Rong biển & hải sản


Theo nhận xét riêng của LN thì quý vị có thể đến đây ăn cho biết, vì cách nấu đồ biển ở Nam Hàn cũng khác với những nơi khác. Tuy nhiên LN có lẽ thích những món ăn đường phố (street foods) hơn.  Tại cổng của khu chợ cá Jagalchi, băng qua bên kia đường là khu bán những món ăn đường phố.  Khu này vừa bán đồ ăn đường phố vừa có hàng quán chung quanh bao gồm nhiều đường phố ngõ ngách ở đây kéo dài cũng khoảng vài cây số,  rất đông đúc về đêm. Khi đến đây quý vị tha hồ thưởng thức những món ăn địa phương.



Bãi Biển Haeundae (Haeundae Beach - Haeundae haesuyogjang 해운대해수욕장)


Haeundae là bãi biển nổi tiếng nhất Nam Hàn, trước khi đến đây LN đã nghe một ông bạn Nam Hàn nói rằng bãi biển này sẽ rất đông đúc từ giữa Tháng 7 đến cuối Tháng 8 hàng năm vì thời gian này là thời gian nghỉ Hè ở Nam Hàn.  Bãi biển này kéo dài chừng 12 cây số, có rất nhiều khách sạn sang trọng nằm dọc theo bãi biển trông giống như bãi biển Gold Coast ở Úc. Tuy nhiên nước biển tương đối lạnh không được ấm như biển Gold Coast, LN nghĩ vào mùa Đông chắc nước biển ở đây lạnh cũng ngang ngửa như nhiệt độ nước biển ở Melbourne.


Bãi Biển Haeundae


LN nhận thấy hệ thống tổ chức cứu hộ ở bãi biển này rất quy củ, lúc nào cũng có một chiếc ca nô & hai chiếc jetski chạy dọc theo bãi biển để canh giữ an toàn cho người bơi. Chỉ cần thấy người bơi ra gần vùng phao cấm, hoặc có biểu hiện không an toàn là nhân viên cứu hộ sẽ đến ngay.  Có lẽ chỉ chừng dưới 10% số người ở đây là người nước ngoài, đa phần những du khách nước ngoài ở đây trông giống người Nga.

Bãi Biển Haeundae


Nếu muốn đến tắm ở bãi biển này, quý vị không cần mang quần áo bơi theo vì quý vị có thể mua quần áo bơi ở đây chỉ với giá khoảng từ $10 đến 20 đô một bộ.  Quý vị cũng có thể thuê phao và các dụng cụ bơi khác ở đây với giá phải chăng.

Bãi Biển Haeundae


Xin xem tiếp kỳ sau ...


Làng Nam


09/2017

Thứ Tư, 13 tháng 9, 2017

Nhật Hàn Du Ký 18

7) Nara (奈良市 Nara-shi) 

Nara là một cố đô của Nhật từ năm 710 đến 794, có nhiều chùa & đền cổ được liệt vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO.  Sau cuộc dời đô từ Nara về Kyoto của Hoàng Đế Kanmu vào năm 794 (như đã nói đến một trong bài trước), Nara được biết đến với tên Nanto (南都 - Nam Đô). Năm 2010 vừa qua, Nara vừa kỷ niệm 1300 năm ngày thành lập cố đô.

Đường phố Nara gần ga xe lửa trung tâm

Từ Osaka quý vị có thể đón xe lửa JR đến Nara mất chỉ chừng nửa tiếng. Dân số Nara theo thống kê mới đây chỉ chừng trên 350 ngàn người.   Nara là một thành phố "đi dăm phút đã về chốn cũ" bởi thế theo LN khi đến Nara, quý vị chỉ cần xử dụng xe bus hoặc taxi nếu quý vị muốn đi thăm nhiều chùa đền.  Còn nếu quý vị chỉ thăm ngôi chùa Tōdai-ji (東大寺 - Đông Đại Tự) nổi tiếng ở đây & một vài nơi gần Đông Đại Tự, rồi sau đó đi một vòng dạo phố thì quý vị có thể đi bộ.  Khu phố Nara tuy nhỏ nhưng đẹp & có sắc thái riêng của nó.

Vé xe bus cho một ngày ở Nara

Chùa Tōdai-ji (東大寺 - Đông Đại Tự)

Chùa Đông Đại Tự nằm trong danh sách di sản của thế giới của UNESCO.  Có lẽ đây là một nơi mà du khách nếu đã đến Nara không nên bỏ qua vì lịch sử & những nét độc đáo của nó.  Ngôi chùa được cho là có kiến trúc chánh điện bằng gỗ lớn nhất thế giới.  Trong khu chánh điện này còn có một tượng Phật ngồi toà sen bằng đồng cũng lớn nhất thế giới.  Ngôi chùa này một thời đã từng là một trong những trung tâm truyền dạy Đạo Phật phái Hoa Nghiêm Tông (Kegon) ở Nhật Bản.

Mặt trước của ngôi Chánh Điện

Đông Đại Tự là một trong bảy đại kiến trúc đền & chùa cổ ở Nara.  Trước cổng Đông Đại Tự & một khu đền lân cận, có rất nhiều hươu sao đi lại tự do và thường tìm đến du khách để xin thức ăn.  Hươu sao ở đây được tin là sứ giả của thượng đế, thức ăn khô cho hươu sao được bán nhiều nơi trong khu này.  Có những chú hươu còn biết gật đầu "tạ ơn" khi được cho thức ăn.
Hươu sao đi lại thong dong trong khu vực chùa
Địa điểm Đông Đại Tự tọa lạc hiện nay, xưa kia chính là nơi Nhật Hoàng Shōmu đã cho xây dựng ngôi chùa Kinshōsen-ji (金鐘山寺 - Kim Chung Sơn Tự) vào năm 728 sau khi vị Hoàng Tử đầu lòng Motoi (基王) qua đời chỉ mới một tuổi. Trong thời gian này, nước Nhật đã trải qua nhiều xáo trộn như mất mùa, dịch bệnh, bạo loạn v.v.  Sau những vụ thiên tai & nhân tai này, Nhật Hoàng Shōmu đã phải dời đô 4 lần & ra chiếu chỉ vào năm 741 cho xây nhiều chùa chiền khắp nơi trong nước Nhật với niềm tin là Phật sẽ phù hộ cho đất nước của ông thoát khỏi những tai hoạ.  Đông Đại Tự lúc bấy giờ được gọi là Kim Chung Sơn Tự (Kinshōsen-ji), được sắc phong là một chùa cấp tỉnh thuộc tỉnh Yamato.

Mô phỏng toàn bộ kiến trúc Đông Đại Tự

Đông Đại Tự đã từng đóng một vai trò quan trọng, vào thời Nara Phật Giáo được đặt dưới sự quy định rất chặc chẽ của triều đình.  Đông Đại Tự đã nắm quyền điều hành tất cả các chùa ở các tỉnh khác bao gồm sáu Phật phái ở Nhật thời bấy giờ, sáu phái này bao gồm: Hossō (法相 Pháp tướng), Kegon (華厳 Hoa nghiêm), Jōjitsu (成實 Thành thực), Sanron (三論 Tam luận), Ritsu (律 Luật) và Kusha (倶舎 Cụ xá). Sáu phái này đã có văn phòng và thư viện riêng của họ ở Đông Đại Tự.

Vòm cổng Nam Đại Môn nhìn từ trong
Các nhà sư thời bấy giờ thường được làm lễ quy y ở Đông Đại Tự, cho đến khi trung tâm Phật Giáo được dời về núi Hiei & kinh đô Nhật Bản thời bấy giờ được dời đến Kamakura, vai trò của Đông Đại Tự đã bị sút giảm từ đấy.  Đến nay thì không còn lễ quy y nào được thực hiện ở đây nữa.

Một kiến trúc bên cạnh Chánh Điện

Ngôi chánh điện đã được xây dựng lại hai lần sau những cơn hỏa hoạn. Kiến trúc mà chúng ta nhìn thấy hiện nay đã được xây lại & hoàn thành vào năm 1709 & chỉ bằng 70% so với tầm vóc của kiến trúc nguyên thuỷ.  Tượng Phật bằng đồng cũng được sửa lại nhiều lần vì bị hư hại sau những trận động đất ở đây.

Cổng Nam Đại Môn nhìn từ phía trước
Cổng Nandaimon (Nam Đại Môn) được xây lại vào cuối thế kỷ 12, sau khi ngôi cổng chính đã bị hư hại sau một cơn bão vào thời Heian.  Hai tượng "ông Thiện" (Vi Đà) & "ông Ác" (Tiêu Diện Đại Sĩ) cao 8 mét rưỡi được dựng hai bên Nam Đại Môn cũng được xây dựng cùng thời gian.  Hai tượng này đã được trùng tu vào giữa những năm 1988 & 1993 bởi 15 chuyên gia trong nhóm Bảo Tồn Di Sản Quốc Gia ở Kyoto, với chi phí lên đến 4.7 triệu đô.

Mái cổng Nam Đại Môn

Hãy thử nhìn vào vài con số dưới đây để thấy được sự vĩ đại của những kiến trúc trong khu chùa này:

  • 2 triệu 600 ngàn người đã góp công xây tượng Phật & khu chánh điện bằng cách đóng góp gạo, gỗ, kim loại, quần áo, hay công sức.
  • 350 ngàn người trực tiếp tham gia xây đúc tượng Phật cao 16 mét trong vòng 3 năm
  • 10 ngàn sư tăng & 4 ngàn vũ công tham gia lễ hoàn thành tượng Phật
  • 48 cột gỗ khổng lồ với đường kính 1 mét rưỡi, dài 30 mét dùng để chống đỡ mái chánh điện khổng lồ được lợp bằng ngói sứ màu xanh
  • Hai ngôi tháp cao 100 mét, một kiến trúc cao nhất tại Nhật thời đó, mỗi ngôi tháp có tường bao quanh & có 4 cổng (hai ngôi tháp này đã bị tàn phá sau những trận động đất).

Tượng "ông Ác" (Tiêu Diện Đại Sĩ) bên trong cổng Nam Đại Môn

Tượng Phật có chiều cao 14.98m cân nặng khoảng 500 tấn, trong một cuộc khảo sát bằng X-rays gần đây người ta đã tìm thấy trong đầu gối của tượng có một chiếc răng người, ngọc, gương, kiếm & một số đồ trang sức khác được cho là di vật của Nhật Hoàng Shomu.

Tượng Phật bằng đồng trong chánh điện
Công trình xây dựng này đã gần như làm suy sụp nền kinh tế của Nhật lúc bấy giờ, tiêu tốn rất nhiều đồng & vàng (toàn bộ vàng xử dụng trong công trình này đã được nhập từ nước ngoài).

Tượng Phật nhìn từ phía bên trái

Sau khi đến Nara & đọc một chút lịch sử của cố đô này LN chợt nhớ đến hai câu thơ trong bài "Thăng Long thành hoài cổ" của nữ sĩ Huyện Thanh Quan (*):

"...Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương ..."


Xin xem tiếp kỳ sau ...

Làng Nam

09/2017


(*) Thăng Long thành hoài cổ là bài thơ nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan:

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.


Bà Huyện Thanh Quan làm bài thơ này, sau năm 1802, khi mà Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu Gia Long và định đô ở Huế. Từ đó, Thăng Long mất địa vị trung tâm của đất nước về chính trị và văn hóa.


Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2017

Nhật Hàn Du Ký 17

6) Hiroshima (広島)

Cái tên Hiroshima đã quá phổ biến sau chiến tranh thế giới II với vụ Mỹ thả trái bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới xuống thành phố này vào năm cuối cùng của cuộc chiến.

Từ Osaka quý vị có thể đón xe lửa JR tốc hành (bullet train) đến Hiroshima mất chừng 2 tiếng rưỡi.  Với dân số chỉ trên một triệu người, thành phố Hiroshima trông có vẻ vắng vẻ (giống thành phố Melbourne của gần 30 năm trước đây).

Quang cảnh phố gần ga xe lửa trung tâm Hiroshima

LN chỉ có một ngày để thăm thành phố vì thế chỉ có thể thăm viếng được hai nơi đó là Công Viên Tưởng Niệm Hoà Bình Hiroshima (Hiroshima Peace Memorial Park) & đền Itsukushima (Itsukushima Shrine).  Nếu quý vị đến đây trong một ngày thì LN xin góp ý quý vị có thể đón xe bus hoặc xe điện (Electric Railway) từ ga xe lửa trung tâm Hiroshima (JR Hiroshima Station) đến khu Công Viên Tưởng Niệm Hoà Bình Hiroshima (Hiroshima Peace Memorial Park).

Xe điện (Electric Car) Hiroshima
Sau khi thăm chơi ở đó xong quý vị có thể đón tiếp xe điện (Electric Railway) từ đây đi cho đến trạm cuối & đón phà (ferry) ra đảo Itsukushima thăm khu đền Itsukushima (Itsukushima Shrine).  Tuy nhiên lúc đi từ bến phà ở đền Itsukushima về ga trung tâm, quý vị có thể đón xe lửa để đỡ mất thời gian.

Bản đồ xe bus & xe điện ở Hiroshima


a) Một chút lịch sử về Hiroshima 

Hiroshima được thành lập vào năm 1589 bởi một lãnh chúa quyền lực Mōri Terumoto, ông ta đã chọn nơi này làm thủ phủ của ông và cho xây dựng lâu đài Hiroshima (Hiroshima Castle) vào năm 1593.  Từ năm 1619 đến năm 1871, Hiroshima được cai trị bởi gia tộc Asano.

Sau khi chế độ lãnh chúa bị xóa bỏ vào năm 1871, Hiroshima đã trở thành một thành phố lớn, những trường dạy tiếng Anh được chính quyền mở ra tại đây.  Trong thập niên 1880, thị trưởng thành phố Hiroshima đã cho xây dựng cảng Ujna biến Hiroshima trở thành một thành phố cảng quan trọng.

Trạm xe bus phía sau ga trung tâm Hiroshima
Trong cuộc chiến Trung Nhật lần đầu, đường xe lửa đã được xây dựng nối đến cảng Hiroshima cho mục đích quân sự.  Chính quyền Nhật cũng đã tạm thời dời về đây trong thời gian này. Nhật Hoàng Meiji đã cư ngụ tại lâu đài Hiroshima từ 15/9/1894 đến 27/4/1895.  Nhiều nhà máy kỹ nghệ đã được xây dựng tại Hiroshima trong thế kỷ 19.  Thành phố càng được kỹ nghệ hoá hơn nữa để sản xuất hàng cho quân đội trong cuộc chiến Nga Nhật năm 1904.

Trong Đệ Nhất Thế Chiến Hiroshima trở thành một trọng điểm của quân đội Nhật, khoảng 500 tù binh người Đức (vì Nhật nằm về phe đồng minh trong Đệ Nhất Thế Chiến) được giam giữ ở đảo Ninoshima thuộc vịnh Hiroshima.  Sau Đệ Nhất Thế Chiến, thành phố Hiroshima tiếp tục phát triển bởi đây là một địa điểm truyền giáo chính của giáo hội Công Giáo ở Nhật .

Trong Đệ Nhị Thế Chiến, bộ tổng chỉ huy Quân Đoàn 2 đóng ở Hiroshima, & bộ chỉ huy của Thủy Quân Lục Chiến Nhật đóng ở cảng Ujina.  Thành phố này đã trở thành một trong những trung tâm quân sự lớn của Nhật.

Toà nhà (The A-Bomb Dome) nguyên thủy còn tồn tại sau vụ thả bom nguyên tử trong khu Công Viên Tưởng Niệm Hoà Bình (Peace Memorial Park)


Vào ngày Thứ Hai 6/8/1945 lúc 8:15 sáng, một trái bomb nguyên tử đã được thả xuống thành phố Hiroshima bởi một chiếc máy bay B-29, con số thương vong trực tiếp vào khoảng 70 ngàn người.  Đến cuối năm đó, số thương vong của những người bị thương & do  ảnh hưởng phóng xạ tăng lên đến khoảng 166 ngàn người, 70% các kiến trúc trong thành phố bị tàn phá.

Năm 1949, một thiết kế đã được chọn để xây dựng công viên Tưởng Niệm Hoà Bình Hiroshima (Hiroshima Peace Memorial Park).  Khung của một toà nhà còn tồn tại gần nhất nơi trái bom nguyên tử phát nổ đã được chọn nằm trong khu công viên Tưởng Niệm này.  Khu tưởng niệm đã được mở cửa vào năm 1955.

Ngày 27/05/2016, Barrack Obama vị tổng thống Mỹ đầu tiên đã viếng thăm thành phố Hiroshima kể từ sau vụ thả bom nguyên tử.


b) Đền Itsukushima (Itsukushima Shrine - 厳島神社 Itsukushima-jinja) 

Đến Hiroshima quý vị nên cố gắng thăm đền Itsukushima. Đây là một ngôi đền nằm trên đảo Itsukushima, được UNESCO công nhận là di sản thế giới & được chính quyền Nhật đặt trong danh sách di sản bảo tồn quốc gia.

Cổng nổi của khu đền Itsukushima


Ngôi đền nổi tiếng với một cổng đền nổi, cổng đền được xây lấn ra biển, mỗi khi thuỷ triều lên cổng đền trông như một kiến trúc nổi trên mặt nước.  Tuy nhiên nếu quý vị đến đây lúc thuỷ triều xuống thấp, quý vị có thể đi bộ ra đến sát chân cổng đền để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ của nó.

Chuyến phà từ đất liền ra đảo Itsukushima
Trên chiếc phà từ đất liền chạy ra đảo, khi gần tới đảo quý vị có thể nhìn thấy cổng đền từ xa cùng những kiến trúc khu đền dựa vào chân núi trông vừa đẹp vừa thanh thoát.

Cảnh đền Itsukushima nhìn từ xa


Kiến trúc cổng đền được xây lần đầu tiên vào năm 1168, tuy nhiên cổng đền mà quý vị có thể thấy hiện nay đã được xây lại vào năm 1875.  Cổng đền được xây với một loại gỗ có thể chống lại sự hủy hoại của nước biển.

Một ngôi tháp trong khu đền Itsukushima

Ngôi đền đã bị tàn phá & được trùng tu nhiều lần.  Kiến trúc đầu tiên của khu đền được xây vào thế kỷ thứ 6.  Ngôi đền hiện nay được xây dựng vào giữa thế kỷ 16, nó được mô phỏng theo kiến trúc của khu đền được xây vào thế kỷ 12 bởi lãnh chúa Taira no Kiyomori vào năm 1168.

Một kiến trúc trong khu đền Itsukushima có mái được lợp bằng vỏ cây

Vào khu đền này quý vị sẽ được chào đón bởi những con nai (loại hươu sao) mình có đốm đi lại thong dong & hay thường tìm đến du khách để xin đồ ăn. Quý vị có thể mua những bánh đồ ăn khô cho nai ở những tiệm bán đồ lưu niệm trong khu đền. Itsukushima không phải là nơi duy nhất có nai được thả đi lại trong đền, ở Nara (và một vài khu đền khác ở Nhật) nai cũng được thả đi lang thang trước cổng các ngôi đền chùa (LN sẽ đề cập sau).

Những thanh gỗ khổng lồ được dùng làm móng sàng cho ngôi đền chính

Vào ngày 5/9/2004, trận bão lớn Songda đã tàn phá một phần các kiến trúc trong khu đền. Một số mái đền bị hư hại, khu đền đã được đóng cửa để sửa chữa một thời gian.  Nói đến mái đền ở đây, theo LN nhìn thấy, mái của một số kiến trúc trong khu đền được làm bằng vỏ cây (trông có vẻ giống vỏ cây thông).  Mái được tạo thành bằng lớp lớp vỏ cây ép lại với nhau trông rất lạ & đẹp.

Mái đền được lợp bằng vỏ cây
Ngôi đền này được xây để thờ ba vị nữ thần mà ông Kiyomori tin là đã phù hộ ông.  Ba vị nữ thần này được tin là con gái của thần Susano-o no Mikoto một vị thần của biển & bão tố, vị thần này được tin là anh của nữ thần mặt trời Amaterasu.

Cổng chính của đền được làm bằng đá
Đảo Itsukushima được tin là rất thiêng liêng, bởi thế những người dân thường trước đây không được lên đảo.  Về sau để những tín đồ có thể được phép đến viếng đền, ngôi đền đã được xây như một bến tàu nhô ra mặt nước trông giống như nó được tách ra khỏi đảo.  Chiếc cổng nổi được xây lấn ra biển cũng với cùng mục đích này, những người dân thường phải đi qua chiếc cổng nổi trước khi vào đền.

Cầu tàu dẫn vào đền


Để bảo vệ sự linh thiêng & tinh khiết của đảo, từ năm 1878, sự chết và sự sinh sản không được xảy ra trên đảo.  Cho cả đến hôm nay, những phụ nữ có thai sắp đến ngày sinh, những người bị bệnh nặng hoặc những người quá già yếu sẽ được chuyển vào đất liền.  Chôn cất người đã mất trên đảo cũng bị nghiêm cấm.

Phía trong khu đền chính



Xin xem tiếp kỳ sau ...

Làng Nam

09/2017