Thứ Tư, 13 tháng 9, 2017

Nhật Hàn Du Ký 18

7) Nara (奈良市 Nara-shi) 

Nara là một cố đô của Nhật từ năm 710 đến 794, có nhiều chùa & đền cổ được liệt vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO.  Sau cuộc dời đô từ Nara về Kyoto của Hoàng Đế Kanmu vào năm 794 (như đã nói đến một trong bài trước), Nara được biết đến với tên Nanto (南都 - Nam Đô). Năm 2010 vừa qua, Nara vừa kỷ niệm 1300 năm ngày thành lập cố đô.

Đường phố Nara gần ga xe lửa trung tâm

Từ Osaka quý vị có thể đón xe lửa JR đến Nara mất chỉ chừng nửa tiếng. Dân số Nara theo thống kê mới đây chỉ chừng trên 350 ngàn người.   Nara là một thành phố "đi dăm phút đã về chốn cũ" bởi thế theo LN khi đến Nara, quý vị chỉ cần xử dụng xe bus hoặc taxi nếu quý vị muốn đi thăm nhiều chùa đền.  Còn nếu quý vị chỉ thăm ngôi chùa Tōdai-ji (東大寺 - Đông Đại Tự) nổi tiếng ở đây & một vài nơi gần Đông Đại Tự, rồi sau đó đi một vòng dạo phố thì quý vị có thể đi bộ.  Khu phố Nara tuy nhỏ nhưng đẹp & có sắc thái riêng của nó.

Vé xe bus cho một ngày ở Nara

Chùa Tōdai-ji (東大寺 - Đông Đại Tự)

Chùa Đông Đại Tự nằm trong danh sách di sản của thế giới của UNESCO.  Có lẽ đây là một nơi mà du khách nếu đã đến Nara không nên bỏ qua vì lịch sử & những nét độc đáo của nó.  Ngôi chùa được cho là có kiến trúc chánh điện bằng gỗ lớn nhất thế giới.  Trong khu chánh điện này còn có một tượng Phật ngồi toà sen bằng đồng cũng lớn nhất thế giới.  Ngôi chùa này một thời đã từng là một trong những trung tâm truyền dạy Đạo Phật phái Hoa Nghiêm Tông (Kegon) ở Nhật Bản.

Mặt trước của ngôi Chánh Điện

Đông Đại Tự là một trong bảy đại kiến trúc đền & chùa cổ ở Nara.  Trước cổng Đông Đại Tự & một khu đền lân cận, có rất nhiều hươu sao đi lại tự do và thường tìm đến du khách để xin thức ăn.  Hươu sao ở đây được tin là sứ giả của thượng đế, thức ăn khô cho hươu sao được bán nhiều nơi trong khu này.  Có những chú hươu còn biết gật đầu "tạ ơn" khi được cho thức ăn.
Hươu sao đi lại thong dong trong khu vực chùa
Địa điểm Đông Đại Tự tọa lạc hiện nay, xưa kia chính là nơi Nhật Hoàng Shōmu đã cho xây dựng ngôi chùa Kinshōsen-ji (金鐘山寺 - Kim Chung Sơn Tự) vào năm 728 sau khi vị Hoàng Tử đầu lòng Motoi (基王) qua đời chỉ mới một tuổi. Trong thời gian này, nước Nhật đã trải qua nhiều xáo trộn như mất mùa, dịch bệnh, bạo loạn v.v.  Sau những vụ thiên tai & nhân tai này, Nhật Hoàng Shōmu đã phải dời đô 4 lần & ra chiếu chỉ vào năm 741 cho xây nhiều chùa chiền khắp nơi trong nước Nhật với niềm tin là Phật sẽ phù hộ cho đất nước của ông thoát khỏi những tai hoạ.  Đông Đại Tự lúc bấy giờ được gọi là Kim Chung Sơn Tự (Kinshōsen-ji), được sắc phong là một chùa cấp tỉnh thuộc tỉnh Yamato.

Mô phỏng toàn bộ kiến trúc Đông Đại Tự

Đông Đại Tự đã từng đóng một vai trò quan trọng, vào thời Nara Phật Giáo được đặt dưới sự quy định rất chặc chẽ của triều đình.  Đông Đại Tự đã nắm quyền điều hành tất cả các chùa ở các tỉnh khác bao gồm sáu Phật phái ở Nhật thời bấy giờ, sáu phái này bao gồm: Hossō (法相 Pháp tướng), Kegon (華厳 Hoa nghiêm), Jōjitsu (成實 Thành thực), Sanron (三論 Tam luận), Ritsu (律 Luật) và Kusha (倶舎 Cụ xá). Sáu phái này đã có văn phòng và thư viện riêng của họ ở Đông Đại Tự.

Vòm cổng Nam Đại Môn nhìn từ trong
Các nhà sư thời bấy giờ thường được làm lễ quy y ở Đông Đại Tự, cho đến khi trung tâm Phật Giáo được dời về núi Hiei & kinh đô Nhật Bản thời bấy giờ được dời đến Kamakura, vai trò của Đông Đại Tự đã bị sút giảm từ đấy.  Đến nay thì không còn lễ quy y nào được thực hiện ở đây nữa.

Một kiến trúc bên cạnh Chánh Điện

Ngôi chánh điện đã được xây dựng lại hai lần sau những cơn hỏa hoạn. Kiến trúc mà chúng ta nhìn thấy hiện nay đã được xây lại & hoàn thành vào năm 1709 & chỉ bằng 70% so với tầm vóc của kiến trúc nguyên thuỷ.  Tượng Phật bằng đồng cũng được sửa lại nhiều lần vì bị hư hại sau những trận động đất ở đây.

Cổng Nam Đại Môn nhìn từ phía trước
Cổng Nandaimon (Nam Đại Môn) được xây lại vào cuối thế kỷ 12, sau khi ngôi cổng chính đã bị hư hại sau một cơn bão vào thời Heian.  Hai tượng "ông Thiện" (Vi Đà) & "ông Ác" (Tiêu Diện Đại Sĩ) cao 8 mét rưỡi được dựng hai bên Nam Đại Môn cũng được xây dựng cùng thời gian.  Hai tượng này đã được trùng tu vào giữa những năm 1988 & 1993 bởi 15 chuyên gia trong nhóm Bảo Tồn Di Sản Quốc Gia ở Kyoto, với chi phí lên đến 4.7 triệu đô.

Mái cổng Nam Đại Môn

Hãy thử nhìn vào vài con số dưới đây để thấy được sự vĩ đại của những kiến trúc trong khu chùa này:

  • 2 triệu 600 ngàn người đã góp công xây tượng Phật & khu chánh điện bằng cách đóng góp gạo, gỗ, kim loại, quần áo, hay công sức.
  • 350 ngàn người trực tiếp tham gia xây đúc tượng Phật cao 16 mét trong vòng 3 năm
  • 10 ngàn sư tăng & 4 ngàn vũ công tham gia lễ hoàn thành tượng Phật
  • 48 cột gỗ khổng lồ với đường kính 1 mét rưỡi, dài 30 mét dùng để chống đỡ mái chánh điện khổng lồ được lợp bằng ngói sứ màu xanh
  • Hai ngôi tháp cao 100 mét, một kiến trúc cao nhất tại Nhật thời đó, mỗi ngôi tháp có tường bao quanh & có 4 cổng (hai ngôi tháp này đã bị tàn phá sau những trận động đất).

Tượng "ông Ác" (Tiêu Diện Đại Sĩ) bên trong cổng Nam Đại Môn

Tượng Phật có chiều cao 14.98m cân nặng khoảng 500 tấn, trong một cuộc khảo sát bằng X-rays gần đây người ta đã tìm thấy trong đầu gối của tượng có một chiếc răng người, ngọc, gương, kiếm & một số đồ trang sức khác được cho là di vật của Nhật Hoàng Shomu.

Tượng Phật bằng đồng trong chánh điện
Công trình xây dựng này đã gần như làm suy sụp nền kinh tế của Nhật lúc bấy giờ, tiêu tốn rất nhiều đồng & vàng (toàn bộ vàng xử dụng trong công trình này đã được nhập từ nước ngoài).

Tượng Phật nhìn từ phía bên trái

Sau khi đến Nara & đọc một chút lịch sử của cố đô này LN chợt nhớ đến hai câu thơ trong bài "Thăng Long thành hoài cổ" của nữ sĩ Huyện Thanh Quan (*):

"...Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương ..."


Xin xem tiếp kỳ sau ...

Làng Nam

09/2017


(*) Thăng Long thành hoài cổ là bài thơ nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan:

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.


Bà Huyện Thanh Quan làm bài thơ này, sau năm 1802, khi mà Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu Gia Long và định đô ở Huế. Từ đó, Thăng Long mất địa vị trung tâm của đất nước về chính trị và văn hóa.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.