Thứ Tư, 6 tháng 9, 2017

Nhật Hàn Du Ký 16


5) Kyoto (京都市 Kyōto-shi) - Tiếp Theo ...

e) Chùa Bạc Ginkaku-ji (Ngân Các Tự 銀閣寺)


Từ ga xe lửa trung tâm Kyoto quý vị có thể đón xe bus số 5, 17 hay 100 để đến Ngân Các Tự (Chùa Bạc).  Nếu quý vị có kế hoạch đi thăm Kim Các Tự & Ngân Các Tự trong cùng một chuyến, quý vị có thể đón xe bus từ ga Kyoto đến Kim Các Tự, sau khi rời Kim Các Tự quý vị có thể băng qua bên kia đường để đón xe bus đi tiếp đến Ngân Các Tự.  Sau khi thăm Ngân Các Tự quý vị có thể tiếp tục đi dạo trên con đường Triết Gia (Phylosopher's Path - LN sẽ đề cập sau).

Kiến trúc chính của chùa Bạc


Ngân Các Tự cũng được xây dựng bởi Ashikaga Yoshimasa vào năm 1482 mô phỏng theo Kim Các Tự (như bài trước đã đề cập).  Ngân Các Tự được xây như một cung điện nghỉ dưỡng, năm 1485 Ashikaga Yoshimasa đã quy y trở thành một vị thiền sư & đến năm 1490 sau khi ông qua đời khu này đã được đổi thành một ngôi chùa Thiền như nguyện ước của ông.  Ngôi chùa này cũng được biết đến với tên Jishō-ji, tên này chính là pháp danh của Yoshimasa.

Hồ nước bên cạnh chùa Bạc


Ngân Các Tự bao gồm một kiến trúc chính đó là Cung Điện Bạc (Silver Pavillion) cùng với một số kiến trúc khác.  Tuy nhiên đến nay chỉ còn cung điện này & một kiến trúc nữa còn tồn tại với sau bao vụ hỏa hoạn & động đất.  Khu kiến trúc này đã được trùng tu nhiều lần, lần trùng tu gần đây nhất bắt đầu từ năm 2008 hoàn tất vào năm 2010.

Vườn cát trong khuôn viên chùa Bạc


Quý vị khi đến đây có lẽ sẽ hơi ngạc nhiên với cái tên Chùa Bạc, vì khi nhìn vào những kiến trúc Lầu Bạc ở đây thì chẳng thấy màu Bạc nào cả.  Nghe nói lúc đầu khi kiến trúc chính ở đây được xây dựng, nó đã được dự định sẽ dát bạc (như Kim Các Tự được dát vàng). Tuy nhiên khi cuộc chiến Onin nổ ra, công trình xây dựng này đã bị đình trệ một thời gian khá dài đến nỗi kế hoạch dát bạc ban đầu cũng bị chìm vào quên lãng.

Đứng trên đồi nhìn xuống chùa Bạc


Ngoài những kiến trúc ở đây, khu này còn nổi tiếng với khu vườn rêu (vườn trồng cây nhưng dưới nền đất được trồng rêu bao phủ xanh mướt thay vì cỏ).  Trước ngôi lầu Bạc là một vườn cát được gọi là Biển Cát Bạc (Sea of Silver Sand). Cát ở đây được tạo thành từng luốn như gợn sóng, nổi bật là một ụ cát lớn trượng trưng cho ngọn núi Phú Sĩ (Mount Fuji).  Sau khi dạo qua khu vườn cát, một lối đi sẽ đưa quý vị lên lưng đồi nơi quý vị có thế nhìn thấy toàn bộ khu kiến trúc Chùa Bạc & cảnh thành phốn Kyoto xa xa.


f) Con Đường Triết Gia (Philosopher's Path 哲学の道, Tetsugaku no michi)

Ra khỏi cổng khu Chùa Bạc rẽ về hướng trái là con Đường Triết Gia,.  Con đường đi bộ này dài chừng 2 cây số.   Dọc theo con này là dòng kênh đào nước chảy róc rách.  Hai bên dòng kênh được trồng hàng trăm cây hoa anh đào, dưới nước có cá bơi lội ẩn hiện trong những đám rong trông thật hữu tình.  Dòng kênh này được nối vào hệ thống kênh Hồ Biwa, hệ thống kênh này có tổng cộng chiều dài khoảng 20km chảy qua nhiều rặng núi & đổ ra hồ Biwa. Kênh này được đào vào thời Meiji với mục đích phục hồi nền kinh tế bị đình trệ trong vùng.  Về sau hệ thống kênh này đã được xử dụng cho nhà máy thủy điện đầu tiên ở Nhật.

Vừa đến cuối con Đường Triết Gia thì trời đổ mưa như trút, phải tìm vào nhà dân trú mưa


Con đường đi bộ được mang tên là con đường Triết Gia bởi nó liên hệ đến một Giảng Sư đại học, một triết gia nổi tiếng của Nhật trong thế kỷ 20 đó là ông Nishida Kitaro.  Ông được cho rằng hàng ngày đã vừa thiền định vừa đi bộ trên con đường này để đến giảng dạy tại trường đại học Kyoto.

Dọc theo con đường quý vị cũng có thể thấy một vài nhà hàng, quán cà phê, tiệm bán đồ lưu niệm v.v.  Một số ngôi đền & chùa cổ cũng nằm gần con đường này như: Hōnen-in, Ōtoyo Shrine, Eikan-dō Zenrin-ji, nghe đồn là cảnh ở những ngôi đền & chùa này rất đẹp vào mùa Thu (LN đã không có thời gian ghé qua những ngôi đền & chùa này).



Xin xem tiếp kỳ sau ...

Làng Nam

09/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.