Từ Osaka Nhật Bản quý vị bay chừng hai tiếng là đến thành phố Busan Nam Hàn. Busan chỉ cách hai đảo Honshu & Kyushu của Nhật Bản chừng 190km. Ở Busan hay Nam Hàn nói chung, giá taxi tương đối rẻ bởi thế LN đã không dùng đến phương tiện xe lửa hay xe bus.
Đường phố Busan |
Busan phát âm theo tiếng Hàn là "pusan" (tên thành phố trước đây là Pusan), một thành phố đông dân (khoảng 3.6 triệu dân) đứng thứ hai của Nam Hàn sau thủ đô Seoul. Đến thành phố này quý vị sẽ nhìn thấy có những khu dày đặc những chung cư cao tầng, có thể đoán là mật độ dân số ở đây rất cao.
Xa xa là những khu chung cư |
Busan được cho là trung tâm kinh tế, văn hóa & giáo dục của vùng Đông Nam Hàn Quốc. Busan cũng là một phố cảng lớn nhất Nam Hàn & là cảng đứng hạng thứ 10 trên thế giới. Thành phố này cũng là nơi có khu trung tâm shopping Shinsegae Centum City được cho là lớn nhất thế giới.
Một building đang được xây cất ở Busan |
Một chút về lịch sử Busan & Triều Tiên
Những di tích khai quật được từ núi Geochi (Geochilsan-guk) đã cho thấy dân cư nơi này đã được phát triển rất sớm từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 4 sau công nguyên. Đến thế kỷ 15, triều đình Triều Tiên lúc bấy giờ đã phát triển Busan thành một thương cảng thông thương với Nhật Bản và cho người Nhật cư ngụ ở đây. Năm 1592 Nhật xâm chiếm Triều Tiên, sau cuộc chiến tranh này Busan được phép xây dựng lại thành phố. Năm 1876, Busan đã trở thành một cảng quốc tế đầu tiên ở Triều Tiên. Trong suốt thời Nhật đô hộ Triều Tiên, Busan đã được phát triển thành một địa điểm nối giữa Nhật & Triều Tiên.
Cổng China Town đối diện ga xe lửa trung tâm Busan |
Từ năm 1910 cho đến cuối Đệ Nhị Thế Chiến, Triều Tiên bị Nhật đô hộ, năm 1945 với sự thoả thuận giữa Nga & Mỹ, Triều Tiên được chia đôi vào năm 1948. Cuộc chiến tranh Nam & Bắc Triều Tiên bắt đầu khi quân đội Bắc Hàn xâm lăng Nam Hàn vào ngày 25/6/1950. Hai ngày sau đó, ngày 27/6 Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chấp thuận gởi quân đồng minh đến Triều Tiên đẩy lui cuộc xâm lăng của quân Bắc Hàn. Lực lượng quân đồng minh gồm 21 quốc gia, với Mỹ cung cấp 88% quân số.
Trước một tiệp tạp hóa |
Trong hai tháng đầu của cuộc chiến, quân Nam Hàn & Mỹ bị đẩy lui & lập một vòng đai phòng thủ quanh Busan trong mùa Hè và mùa Thu năm 1950. Đến tháng 9 năm 1950, quân đồng minh đã mở cuộc tổng phản công bắt đầu từ Incheon, chia cắt quân Bắc Hàn ra làm nhiều mảnh, quân đồng minh đã nhanh chóng tiến về dòng sông Yalu biên giới giữa Bắc Hàn & Trung Quốc. Tuy nhiên vào tháng 10 cùng năm Trung Quốc bất ngờ mang đại quân vượt qua sông Yalu để tham chiến ủng hộ quân Bắc Hàn. Quân Mỹ đã rút lui dần về hướng Nam cho đến giữa năm 1951.
Một góc phố ngoại ô Busan |
Trong suốt thời gian giao tranh dằng co này, Seoul đã 4 lần đổi chủ, hai năm cuối cuộc chiến đã biến thành chiến tranh tiêu hao và mặt trận thường nằm gần vĩ tuyến 38. Tuy nhiên những cuộc không chiến thì chưa bao giờ dứt. Bắc Hàn đã hứng chịu những cuộc dội bom long trời lở đất. Các phản lực cơ thực hiện các vụ không chiến lần đầu tiên trong lịch sử, những phi công Nga Sô thường thực hiện những phi vụ bảo vệ đồng minh cộng sản Bắc Hàn của họ.
Một góc phố ngoại ô Busan |
Cuộc chiến đã kết thúc vào ngày 27/7/1953, khi một hiệp ước đình chiến đã được ký kết chia đôi Nam & Bắc Hàn bằng khu phi quân sự tại vĩ tuyến 38 và thực hiện những cuộc trao trả tù binh. Tuy nhiên chưa có một hiệp ước hoà bình nào được ký kết, bởi thế hai miền Nam & Bắc Hàn trên lý thuyết vẫn còn đang trong tình trạng chiến tranh.
Một tiệm lò rèn nằm trong trung tâm thành phố Busan (gần khu bán vàng bạc) |
Trong cuộc chiến giữa Nam & Bắc Triều Tiên, Busan là một trong hai thành phố đã không bị quân đội Bắc Hàn chiếm đóng. Bởi lý do đó mà Busan cùng với Daegu đã trở thành những trung tâm tỵ nạn. Busan cũng đã đóng vai trò như một thủ đô tạm thời của Nam Hàn trong cuộc chiến này.
Một bức tường trong khu China Town được trang trí hình những nhân vật trong chuyện Tam Quốc |
Khi nhắc đến sự kiện này LN nhớ lại biến cố năm 1975 ở Việt Nam, lúc đó LN còn nhỏ tuổi nhưng vẫn còn nhớ khi Buôn Mê Thuột & Pleiku thất thủ, một số chức sắc & các vị niên trưởng đã tụ họp ở nhà ông Nội của LN để bàn bạc kế hoạch cố chạy vào miền Nam với hy vọng lịch sử của cuộc chiến Triều Tiên năm xưa sẽ tái diễn ở Việt Nam. Tuy nhiên họ đã thất vọng khi Mỹ đã thực sự bỏ miền Nam Việt Nam và lịch sử Nam Bắc Triều Tiên đã không lập lại ở Việt Nam...
Tiệm Phở Bay trong ga xe lửa trung tâm Busan |
Chợ cá Jagalchi & Thức ăn đường phố
Chợ cá Jagachi nằm ở địa chỉ: 52, Jagalchihaean-ro, Jung-gu, Busan - 부산광역시 중구 자갈치해안로 52 (남포동4가), là một chợ cá lớn nhất Nam Hàn nằm cạnh bờ biển .
Cổng chợ cá Jagachi |
Chợ cá được thành lập sau cuộc chiếc Nam Bắc Hàn, bán đủ loại hải sản tươi và khô kể cả thịt cá voi. Chợ này không chỉ nổi tiếng ở Busan mà còn nổi tiếng cả Nam Hàn. Chợ được bày bán cũng giống như kiểu chợ ở Việt Nam, tuy nhiên nhìn sạch sẽ và đặc biệt là không thấy ruồi nhặn.
Đường đi giữa các quầy bán hải sản |
Theo hướng dẫn thì quý vị có thể mua cá hay hải sản tươi ở những quầy bán cá ở tầng 1 và họ sẽ nấu tại chỗ cho quý vị thưởng thức ở tầng 2 với giá 4 ngàn Won một người. Tuy nhiên LN đã vào một nhà hàng ở đây chọn món ăn từ menu chứ không xử dụng dịch vụ nấu tại chỗ này.
Rong biển & hải sản |
Theo nhận xét riêng của LN thì quý vị có thể đến đây ăn cho biết, vì cách nấu đồ biển ở Nam Hàn cũng khác với những nơi khác. Tuy nhiên LN có lẽ thích những món ăn đường phố (street foods) hơn. Tại cổng của khu chợ cá Jagalchi, băng qua bên kia đường là khu bán những món ăn đường phố. Khu này vừa bán đồ ăn đường phố vừa có hàng quán chung quanh bao gồm nhiều đường phố ngõ ngách ở đây kéo dài cũng khoảng vài cây số, rất đông đúc về đêm. Khi đến đây quý vị tha hồ thưởng thức những món ăn địa phương.
Bãi Biển Haeundae (Haeundae Beach - Haeundae haesuyogjang 해운대해수욕장)
Haeundae là bãi biển nổi tiếng nhất Nam Hàn, trước khi đến đây LN đã nghe một ông bạn Nam Hàn nói rằng bãi biển này sẽ rất đông đúc từ giữa Tháng 7 đến cuối Tháng 8 hàng năm vì thời gian này là thời gian nghỉ Hè ở Nam Hàn. Bãi biển này kéo dài chừng 12 cây số, có rất nhiều khách sạn sang trọng nằm dọc theo bãi biển trông giống như bãi biển Gold Coast ở Úc. Tuy nhiên nước biển tương đối lạnh không được ấm như biển Gold Coast, LN nghĩ vào mùa Đông chắc nước biển ở đây lạnh cũng ngang ngửa như nhiệt độ nước biển ở Melbourne.
Bãi Biển Haeundae |
LN nhận thấy hệ thống tổ chức cứu hộ ở bãi biển này rất quy củ, lúc nào cũng có một chiếc ca nô & hai chiếc jetski chạy dọc theo bãi biển để canh giữ an toàn cho người bơi. Chỉ cần thấy người bơi ra gần vùng phao cấm, hoặc có biểu hiện không an toàn là nhân viên cứu hộ sẽ đến ngay. Có lẽ chỉ chừng dưới 10% số người ở đây là người nước ngoài, đa phần những du khách nước ngoài ở đây trông giống người Nga.
Bãi Biển Haeundae |
Nếu muốn đến tắm ở bãi biển này, quý vị không cần mang quần áo bơi theo vì quý vị có thể mua quần áo bơi ở đây chỉ với giá khoảng từ $10 đến 20 đô một bộ. Quý vị cũng có thể thuê phao và các dụng cụ bơi khác ở đây với giá phải chăng.
Bãi Biển Haeundae |
Xin xem tiếp kỳ sau ...
Làng Nam
09/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.