Thứ Ba, 20 tháng 8, 2019

BASHO & Môn đệ luận thơ hài cú



Basho mất lúc mới năm mươi tuổi. Ông không lập gia đình. Cuộc đời ông gắn bó với thi ca và môn đệ. Học trò kính trọng và yêu mến ông. Đến đâu ông cũng được họ đón mừng với hoa, tiệc tùng và sự chăm sóc. Họ làm nhà cho ông ở. Một môn sinh trồng tặng ông cây chuối bên nhà và ông lấy bút hiệu mới: Basho (cây chuối Ba tiêu).
Tượng BASHO
Kyorai, một môn sinh thân cận Basho đã ghi lại những lời bình của ông và học trò, trong các buổi bình thơ hài cú. Sau đây là một số bài hài cú và lời bình, do Donald Keene dịch sang Anh ngữ, Robert Hass trích đăng trong cuốn The Essential Haiku.
1- Yuku haru wo
Omi no hito to
Oshimikeru.
Basho
Xuân sắp hết
Với những người sống bên hồ Omi
Tôi than thở.
Thầy (Basho) nói:
- Shôhaku bình rằng tôi có thể viết “Tamba” thay cho “Omi”, hoặc “Năm sắp hết” thay vì “Xuân sắp hết”. Lời bình này anh nghe ra sao?
Kyorai thưa:
- Shôhaku bình vậy tức không nắm được ý. Còn gì tự nhiên hơn là thấy luyến tiếc mùa Xuân sắp mất khi sương phủ mờ nước hồ Omi thành một cảnh đẹp mê hồn như thế kia? Hơn nữa, chỉ đặc biệt người nào sống gần hồ mới thích hợp để viết nên bài thơ ấy.
Thầy bảo:
- Phải. Các thi sĩ thời trước yêu mùa Xuân nơi tỉnh này cũng bằng như họ yêu kinh thành vậy.
Xúc động vì những lời này, Kyorai tiếp:
- Nếu thầy ở Omi vào lúc năm sắp hết, làm sao thầy có thể tiếc nuối được? Hoặc giả, nếu thầy ở Tamba lúc cuối xuân, chắc thầy sẽ không có cảm xúc ấy. Một người thực sự rung động trước thiên nhiên, cảm xúc người ấy hàm chứa chân lý cao đẹp biết bao!
Thầy bảo:
- Kyorai, anh đúng là người hợp tôi về nói chuyện văn thơ.
2- Kogarishi ni
Futshuka no tsuki no
Fukichiru ka.
Kakei
Vầng trăng mới hai ngày
Có bị thổi bay khỏi trời
Bởi gió đông chăng?
Kogarashi no
Chi ni mo otosanu
Shigure ka na.
Kyorai
Bị gió đông cản
Không rơi được xuống đất
Cơn mưa phùn lất phất.
Kyorai bình:
- Con thấy bài của Kakei siêu tuyệt hơn bài con. Với câu hỏi có bị bay khỏi bầu trời không, anh ấy khiến cho hình tượng vầng trăng non mới hai ngày tuổi được diễn đạt tinh tế hơn nhiều.
Basho đáp:
- Bài thơ Kakei được kết cấu trên các từ “trăng hai ngày”. Lấy các từ ấy đi, bài thơ chẳng còn gì. Bài của anh không dựa hẳn trên cơ sở nào rõ ràng. Nó được cái hay toàn diện.
3- Kiyotaki ya
Nami ni chiri naki
Natsu no tsuki.
Basho
Thác trong veo!
Dưới những lượn sóng tinh khiết
Trăng mùa hạ.
Một hôm, đang nằm trên giường bệnh ở Osaka, thầy gọi Kyorai đến bảo:
“Bài thơ này giống một bài tôi làm cách đây không lâu ở nhà của Sonome
Shiragiku no
Me ne tatete miru
Chiri mo nashi.
Basho
Hoa cúc trắng muốt
Dù nâng ngang mắt
Vẫn trắng tinh khôi.
Cho nên tôi đã đổi bài “Thác trong veo” ra thế này:
Kiyotaki ya
Nami ni chirikomu
Ao matshuba.
Basho
Thác trong veo!
Rải trên các lượn sóng
Những sợi lá thông xanh.
Bản nháp của bài thơ đầu chắc chắn ở tại nhà Yamei. Anh hãy hủy nó đi.”
Nhưng muộn quá. Bài thơ đã xuất hiện trong nhiều tuyển tập. Giai thoại này cho thấy Basho cẩn trọng biết bao với mỗi bài hài cú, dù đã là bậc thầy.
4- Ta no heri no
Mame tsutai yuku
Hotaru ka na.
Banko
Dọc bờ ruộng
Theo các hàng cây đậu
Đom đóm bay.
Bài này Bonchô sáng tác và thầy đã sửa. Trong khi chúng tôi sưu tập bài cho Tuyển tập thơ Áo choàng của chú khỉ, Bonchô nhận xét:
- Bài này không có gì đặc biệt. Ta nên bỏ nó ra.
Kyorai nói:
- Ánh sáng bầy đom đóm bay theo các hàng cây đậu dọc bờ ruộng gợi hình ảnh một đêm đen rất sinh động.
Nhưng lời Kyorai không thuyết phục nổi Bonchô. Thầy bèn bảo:
-  Nếu Bonchô quăng nó, tôi sẽ lượm. May mắn một trong những nhà thơ Iga tình cờ có một bài tương tự nên tôi đã chỉnh thành bài này.
Rốt cuộc, bài thơ xuất hiện với tên tác giả là Banko.
5- Kiraretaru
Yume wa makota ka
Nomi no ato.
Kikaku
Bị đâm chết!
Giấc mơ tôi thật không?
Dấu rận cắn.
Kyorai nói:
- Kikaku diễn tả hay thật. Ai mà nghĩ tới chuyện làm thơ bị rận cắn?
Thầy bảo:
- Anh nói đúng. Hắn là ông hoàng Teika của thơ Haiku. Hắn luôn dùng đao to búa lớn, bé xé ra to.
Tôi thấy lời thầy bình luận tả nghệ thuật của Kikaku thật chính xác.
6- Iwahana ya
Koko ni mo hitori
Tsuki no kyaku.
Kyorai
Bờ vách núi cheo leo
Đây thêm một người
Khách trăng.
Kyorai nói:
- Shadô nghĩ câu cuối nên đổi “khỉ dưới trăng”, nhưng con cho “khách trăng” hay hơn.
Thầy bảo:
- Làm sao y lại đề nghị chữ “khỉ”? Anh nghĩ đến gì khi viết bài này?
Kyorai đáp:
- Một đêm, con đang dạo trên núi trong ánh trăng rằm mùa thu tìm ý thơ thì chợt thấy một nhà thơ khác đang đứng cạnh bờ vách núi.
Thầy dạy:
- Bài thơ sẽ thi vị biết bao nếu mấy câu sau anh nói về chính mình. Anh phải là nhân vật chính của bài thơ.
Nghệ thuật chơi chữ trong thơ hài cú
Thi ca Nhật sử dụng nghệ thuật chơi chữ bằng cách dùng những từ gọi là “kake - kotoba”, những từ như có trục xoay, xoay nhiều phía để làm nghĩa biến đổi.
Cách nói lái trong tiếng Việt cũng là một cách chơi chữ, nhưng không giống kiểu “kake - kotoba” Nhật Bản.
Cũng trong cuốn The Essential Haiku, Robert Hass đơn cử nhiều bài thơ để minh họa. Đây là một bài của Buson.
zetchô no / shiro tanomoshiki / wakaba kana
fontress’s / heights peaceful  /  young leaves!
của pháo đài / đỉnh núi cao yên bình / lá xanh non.
Theo cấu trúc ngữ pháp tiếng Nhật, từ “tanomoshiki” (bình yên) đi với từ “wakaba” (lá xanh non) để bổ nghĩa: “đám lá xanh non trông thật bình yên.” Nhưng đọc câu thơ lần đầu sẽ có ấn tượng từ “tanomoshiki” bổ nghĩa cho “zetchô no shiro” để thành: “pháo đài trên đỉnh núi cao yên bình”, hoặc: “pháo đài trên đỉnh núi cao gợi cảm giác rất bình an”. Bàn tay phù thủy Buson sắp đặt cho người đọc toan hiểu “ngôi pháo đài nằm trên đỉnh núi cao cho cảm giác an ổn”, rồi ông lại xóa mất cấu trúc ấy: “Chính màu xanh tươi mát của đám lá non mùa Xuân khiến ta thấy bình yên.” Mark Morris diễn dịch:
Đám cây lá xanh non
Cho lòng ấm bình yên
Cho pháo đài vững chãi trên chóp núi.

Một cách diễn dịch nữa theo lối chiến lược hoàn toàn khác, lược bỏ luôn cả trò xảo thuật bất ngờ của Buson:
Ngự trên chóp núi
Huy hoàng trong thế đứng uy nghiêm
Tòa pháo đài giữa rừng cây xanh lá.

Thêm chi tiết khác, Buson chọn từ kép Hoa-Nhật “Zetchô” (pháo đài) chứ không dùng từ Nhật thuần túy “itadaki”, và bạn sẽ thấy chi tiết này rất khó diễn dịch qua ngôn ngữ khác. Shiki nhận xét từ này đọc lên âm thanh nghe cứng cỏi, giúp tạo một tương phản mạnh với từ “wakaba” (lá non xanh), một từ ám chỉ mùa Xuân với sự tươi mát, mềm dịu. Có lẽ nên dịch:
Pháo đài cổ trên non cao
Giữa vẻ tươi mát
Của đám lá xanh non.

Nhưng vẻ thú vị của bài hài cú, cái giúp nó khỏi rơi vào vẻ đẹp quá tĩnh lặng, cứng nhắc, chính là nghĩa hàm chứa trong câu dịch dài dòng của Mark Morris.

Viên Thể (Lược dịch theo The Essential Haiku của Robert Hass)


Source: https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=77C611

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.