Đêm mùa hạ rung động vì tiếng vỗ của một bàn tay, cũng như thiên nhiên tự nghìn xưa cất tiếng vì cú nhảy của một con ếch. Và Basho đã "nghe" tiếng vang của nước, tiếng vỗ của bàn tay mà giác ngộ được Thiền.
Quần đảo Phù Tang nằm duỗi mình như một mỹ nhân, gối đầu lên sóng nước cận Bắc Cực và thả chân vào vùng biển nhiệt đới Thái Bình Dương. Chính vì vị trí địa lý đặc biệt như vậy mà đất nước này có một thiên nhiên tuyệt đẹp, dịu dàng tinh tế nhưng cũng rất hung bạo: động đất, núi lửa, sóng thần… thường xuất hiện như những biểu tượng kinh hoàng của nguyên lý hủy diệt.
Có lẽ vì vậy mà người Nhật thường cảm nhận cái đẹp trong từng khoảnh khắc chứ không hướng về cái đẹp của sự trường tồn, vĩnh cửu. Người Nhật tôn kính hoa anh đào (sakura) vì hoa rơi khi đang độ tươi thắm, đó là biết "chết" một cách cao đẹp, tựa như tinh thần võ sĩ đạo (samurai). Nhật Bản là một cửa hàng thời tiết, trưng bày những biến đổi tinh tế của bốn mùa. Mỗi lần đổi mùa, thiên nhiên như mời mọc ta bước vào một nhịp điệu mới, với một vẻ quyến rũ và gợi cảm vô song. Khởi đầu là mùa xuân (haru) với những làn gió ấm áp, dịu dàng đã bắt đầu thổi về từ cuối tháng hai, những cánh hoa mơ trắng muốt mà đôi khi lầm lẫn, không biết đó là hoa hay tuyết điểm trắng những nhánh cành. Tháng tư đến với những làn mưa mùa xuân êm đềm, làm tan hết tuyết giá trên núi, hoa anh đào nở rộ và thiên nhiên như đang mỉm cười. Hoa anh đào, hoa anh đào khắp nơi. Trên các vườn hoa, công viên, cánh đồng, thung lũng, núi đồi… những cây anh đào trùng điệp với muôn nghìn bông hoa hồng nhạt tràn ngập không gian. Dưới những đám mây hoa đó, người ta mặc quần áo lễ hội, vui chơi, ca múa, ngắm hoa và uống rượu sakê. Cái gì kia đang rơi tuyết ư như bọt sóng trên trời ồ không, chỉ hoa rơi lặng lẽ nhưng hoa gì mà trắng thế? (tanka - khuyết danh) Sang tháng năm, có hoa đỗ quyên, tử đằng với vô vàn các loại diên vĩ và những bông hoa dại. Mùa hạ đến với hơi nóng và những cơn mưa tháng sáu, người Nhật gọi là mùa ướt át (tsuyu – mai vũ), nhưng khi hết mưa, lại là những ngày đầy nắng ấm. Sứ giả của mùa hạ là loài chim đỗ quyên, nó nhỏ hơn bồ câu, lông xám, sống trong rừng núi, thường hót khi bay lượnvào ban đêm. Mùa hạ là mùa của côn trùng và hoa mẫu đơn, các nhà thơ Nhật nhắc đến côn trùng tự nhiên như khi họ nhắc đến các loài hoa vậy. Cơn gió nhẹ ban mai những lông tơ rung động trên thân con ngài (haiku - Buson) Mùa thu lộng lẫy với sắc vàng, cam và đỏ rực của cây phong (momiji). Những con đường, hàng cây, thung lũng, rừng núi… rừng rực màu lửa cháy. Lá phong rất đẹp, màu sắc hài hòa với bảy thùy đều đặn, xòe ra như bàn tay. Cây phong là biểu tượng của mùa thu như hoa anh đào là biểu tượng của mùa xuân, và ngắm cây phong mùa thu cũng là một lễ hội truyền thống như ngắm hoa đào mùa xuân. Một ngọn đồi đỏ thắm ai mang áo trắng mà đi qua đồi và áo kia lấp lánh màu lá thu sáng ngời (tanka - khuyết danh) Làm đẹp những sớm mai mùa thu là hoa Asagao (Triêu nhan - gương mặt sớm mai), một loài hoa dây leo bình dị thuộc họ bìm bìm với màu sắc rực rỡ: đỏ thắm, hồng tím, xanh da trời và trắng muốt. Hoa mỏng manh và mau tàn, nở rực rỡ giữa đêm khuya, khoảng bốn giờ sáng và tàn héo trước chín giờ sáng. Mùa đông bắt đầu từ tháng mười hai, các cánh đồng và núi non trở nên nâu xám vì các cành cây đều trụi lá. Thiên nhiên khoác lên mình chiếc áo choàng trắng lạnh lẽo u tịch của tuyết, vạn vật mang một vẻ đẹp cổ kính tự ngàn đời. Trăng, tuyết mùa đông và lá chết là những hình ảnh thơ ca mà người Nhật yêu thích. Trên đám cây sa thảo dưới bóng hàng thông tuyết nằm diễm ảo có cách nào giữ lại cho tuyết đừng tan không? (tanka - Sakanoemo Iratsume) Những điều ấy đã tạo cho người Nhật một cảm nhận đặc biệt tinh tế trước vẻ đẹp thiên nhiên qua hình ảnh, màu sắc, âm thanh, mùi vị… Thơ ca của họ thường chứa đựng chủ đề bốn mùa và tình yêu của con người đối với thiên nhiên. Haiku Từ "haiku" (俳句) được phiên âm từ Tiếng Hán là hài cú hay bài hài, nghĩa là nguyên một bài thơ chỉ có một câu, mang tính chất hài hước vui nhộn. Theo Miyazaki Toshiko, chữ haiku xuất phát từ "haikai renga no hokku" (những dòng khởi xướng cho bài thơ liên ca). Đặc điểm của loại thơ này là rất ít từ ngữ, chỉ cô đọng trong 17 âm tiết theo thể vận 5-7-5. Haiku bắt nguồn từ thể thơ truyền thống tanka (đoản ca). Haiku thật ra là phần đầu của bài tanka, tanka còn gọi là waka (Hòa ca) tức là thơ của người Nhật Bản. Waka nguyên là tên chung cho các loại thơ Nhật khác nhau (như choka, tanka và sedoka), nhưng tanka dần dần chiếm ưu thế và từ cuối thế kỷ VIII trở đi, chữ waka được xem là đồng nghĩa với tanka. Xét về phương diện thi luật, tanka rất đơn giản. Một bài tanka gồm 31 âm tiết và có năm câu, mỗi câu có 5 hay 7 âm tiết xen kẽ nhau, có thể chia làm hai phần: Thượng cú (kami no ku) Câu 1 – 5 âm Câu 2 – 7 âm Câu 3 – 5 âm Hạ cú (shimo no ku) Câu 4 – 7 âm Câu 5 – 7 âm Tanka hiếm khi thể hiện những cảm xúc dữ dội như sự cuồng nộ, uất hận, những khát vọng điên cuồng, sự kinh hoàng… Nếu như tao nhã và dịu dàng là cái đẹp của tanka thì đó cũng là giới hạn của nó. Khi quyển Shinkokinshu ra đời trong khoảng năm 1185-1333, thơ tanka bắt đầu xuống dốc và một loại khác gọi là "renga" được phổ biến. Renga (連歌, Liên ca) là một kiểu đối thoại bằng thơ. Một nhà thơ soạn ba câu đầu (5-7-5) và người khác sẽ soạn hai câu còn lại (7-7), kéo dài cách làm này ta có renga. Đôi khi chỉ bốn, năm người mà sáng tác cả trăm khổ thơ. Ba câu đầu trong thể renga được mệnh danh là "hokku" (発句, Phát cú), tức là vần thơ khởi xướng, luôn là khổ thơ quan trọng nhất và được biết đến nhiều nhất. Renga thường xuất hiện trong các buổi họa thơ, luật thơ do hai thi sĩ Fujiwara Sadaie và Fujiwara Sadatake lập ra vào năm 1186. Trong khoảng thời gian 1392-1568 (thời Muromachi*), thi sĩ Iio Sogi đã nâng renga lên hàng văn học bằng những bài renga đầy tính nghệ thuật của ông. Cho rằng luật tanka khoa trương mà sáo rỗng, Sogi cùng một số thi sĩ khác bắt đầu sử dụng từ ngữ rộng rãi hơn để đưa sự hóm hỉnh vào thơ. Nói một cách khác, hình thể của renga được giữ lại nhưng cái hồn của tanka thì bị vứt bỏ. Loại thơ liên kết bình dị này gọi là "renku", nhưng ba câu đầu vẫn được gọi là hokku. Loại renku mới này còn có tên là "haikai renga" (俳諧連歌, Bài hài liên ca), và dần dần cái tên haikai được hiểu cùng nghĩa với hokku. Khi haikai trở thành thể thơ độc lập, không phụ thuộc vào renga nữa, nó mới có tên là haiku. Đó là do hai từ haikai và hokku được ghép với nhau, tạo ra chữ haiku, cái tên quen thuộc mà ta thấy ngày nay cho thể thơ cực ngắn 17 âm tiết. Haiku là một sản phẩm đặc biệt của các nhà thơ Nhật Bản. Tác giả của loại thơ này chủ yếu là các vị thiền sư, hoặc các thi sĩ có tâm linh hướng về Thiền (Zen). Về mặt hình thức, thơ haiku đơn giản như vậy là vì theo thời gian, haiku được thai nghén, chắc lọc rất tự nhiên từ những tâm hồn hết sức tĩnh lặng, như mặt nước hồ thu, bóng nhạn lướt qua không còn dấu vết. Tâm thức yên tĩnh ấy diễn tả nên một thực tại sinh động, không hề vướng mắc, đó là thời điểm để một bài haiku ra đời. Nhạn quá trường không Ảnh trầm hàn thủy Nhạn vô di tích chi ý Thủy vô lưu ảnh chi tâm Thiên nhiên hiện ra một cách đơn sơ và huyền diệu trong thơ haiku. Không chỉ có trăng, tuyết mà còn có bùn, cỏ. Không chỉ có hoa đào, chim đỗ quyên mà còn có chấy rận, sâu bọ. Không chỉ có hương thơm mà còn có mùi ẩm mốc. Đó là thế giới của thực tại, một thiên nhiên không tô vẽ. Haiku chỉ ra sự vật trong thiên nhiên như hoa, hạt cát, côn trùng… rồi dừng lại, không giải thích, không miêu tả. Haiku luôn có một không gian rộng lớn cho người đọc tự cảm nhận những khoảnh khắc đơn sơ, mộc mạc nhưng tuyệt đẹp của thiên nhiên. Haiku trong trẻo, tinh khôi như đóa asagao trong một buổi sớm mai. Thử lắng nghe haiku nói về mùa xuân: Bên dòng Sumida chú chuột kia uống nước mưa mùa xuân pha (haiku – Issa) Trong làn mưa xuân êm đềm, những cánh hoa anh đào rơi lả tả, bên dòng sông Sumida, con chuột nhỏ bé tưởng chừng bị xóa nhòa giữa thiên nhiên rộng lớn, nhưng không nó vẫn thong thả uống mùa xuân từng ngụm, uống đất trời từng ngụm. Cái khoảnh khắc những ngụm nước hòa mưa xuân ấy tan chảy trong con chuột, cũng chính là khoảnh khắc mùa xuân dịu ngọt tan chảy vào vạn vật. Con chuột hèn mọn đã trở thành một phần của mùa xuân và mùa xuân trở nên tuyệt vời. Haiku đi với cuộc đời bình thường mà không hề tầm thường, đạt đến cảnh giới không phân biệt trong một vũ trụ thuần khiết. Và do đó, dù haiku nói đến những sự vật nhỏ nhoi nhất, ta vẫn thấy nó mênh mông, hùng vĩ và huyền diệu lạ thường. Matsuo Basho Từ tên gọi ban đầu là hokku, thể thơ haiku từng bước thoát khỏi sự dung tục, vượt qua sự giải trí đơn thuần, để rồi định mệnh đưa haiku rơi vào tay Matsuo Basho. Ông đã sáng tạo một phong cách haiku mới, dung hợp sự trào lộng đời thường của haikai hiện đại với yếu tố cao nhã tâm linh của renga cổ điển trong một khổ thơ vỏn vẹn 17 âm tiết. Matsuo Basho (松尾笆焦, Tùng Vĩ Ba Tiêu, 1644-1694), thiền sư thi sĩ lỗi lạc của thời Edo (江戶) Nhật Bản, tên thật là Matsuo Munefusa. Basho thuộc dòng dõi samurai cấp thấp Matsuo Kinsaku thời Tokugawa (1603-1868). Lên chín tuổi, ông được lãnh chúa Iga vời vào phủ làm bạn đồng học của con trai mình Yoshitada, một thiếu niên chỉ lớn hơn Basho vài tuổi. Cả hai trở thành đôi bạn thân, cùng nhau chơi đùa và học hành. Nhưng rồi công tử Yoshitada lâm bệnh và mất vào năm 24 tuổi. Basho rất đau lòng, ông quyết định rời bỏ Iga dù không được phép của lãnh chúa. Năm 1666, ông đến Kyoto và sống ở đây 5 năm, tiếp tục học cổ văn Nhật với Kitamura Kigin, nhà thơ và nhà phê bình xuất sắc đương thời, nghiên cứu cổ văn Trung Quốc và cả thư pháp. Mùa xuân năm 1672, Basho rời Tokyo đến Edo, thủ phủ của chế độ Mạc phủ Tokugawa. Ông nhanh chóng gia nhập vào giới văn đàn Edo, bắt đầu mở lớp dạy thơ haikai. Mùa xuân năm 1679, Basho được phong tước hiệu Sosho (bậc thầy dạy thơ haikai). Năm sau ông dời đến một ngôi nhà nhỏ ở Fukagawa, gần dòng sông Sumida. Trong sân nhà có một cây chuối do học trò trồng cho ông. Ở Nhật, cây chuối không có trái và người Nhật gọi nó là basho (芭蕉, Ba tiêu). Nhưng Basho rất thích nó và đã lấy cây chuối ấy làm bút hiệu cho mình. Khách đến thăm gọi nhà ông là Bashoan (芭蕉庵, Ba Tiêu am). Cũng trong những năm ở Edo, Basho tu tập Thiền đạo dưới sự hướng dẫn của thiền sư Buccho ở chùa Chokeiji. Mặc dù danh tiếng ngày càng rực rỡ, nhưng nghi vấn về bản thể, tâm linh, thiền tông và nghệ thuật không ngớt thúc bách Basho đi tìm con đường cho chính mình để đạt được đại ngộ. Mùa thu năm 1684, ông từ bỏ cuộc sống yên ổn ở Ba Tiêu am và bắt đầu làm một lữ nhân (旅人, Tabibito), lang thang khắp mọi miền đất nước. Cuộc đời Basho là những cuộc hành hương vô tận, những con đường gió bụi qua các thị trấn, những đồng không mông quạnh, những hẻm núi và vực thẳm… Basho là một con người thanh thản tắm mình trong biển Thiền, mỗi vần thơ ông viết đều tràn đầy thiền vị. Haiku thường được Basho nhắc đến qua những xúc cảm như sabi (linh hồn tịch liêu): Tịch liêu thấu xuyên vào đá tiếng ve kêu. như wabi (những điều đơn sơ nghèo nàn): Mái lều êm một con chim gõ kiến gõ ngoài trụ hiên và như karumi (niềm khinh thanh dịu nhẹ): Mưa mù sương phù dung một đóa làm mùa lên hương Nếu ta nói với người Nhật của thế kỷ XVII rằng Basho là bậc thầy của thơ haiku thì có thể họ rất ngạc nhiên. Cái mà hiện nay ta gọi là haiku thì thời đó mọi người và cả Basho gọi nó là hokku, tức là vần thơ khởi xướng của liên ca mà ta đã nhắc tới ở trên. Thời ấy Basho không nổi tiếng vì thơ haiku mà vì ông là bậc thầy của liên ca. Basho chỉ thật sự thành công với thể thơ haiku kể từ bài thơ về con quạ, viết vào năm ông 37 tuổi. Kare eda ni karasu no tomari keri aki no kure Trên cành khô cánh quạ đậu chiều thu Bài thơ trở thành môt hiện tượng thơ ca, mở đầu cho phong cách Basho, cho điều gọi là Shofu (蕉風,Tiêu phong) Ở đây, không đơn giản chỉ là trên phong cảnh héo úa đậu xuống một chiều thu giống như hình bóng một con quạ, nó còn là sự tương phản của thân hình đen muội nhỏ nhoi của con quạ với cái âm u bao la vô định hình của mộ cảnh. Hình ảnh một cánh quạ cô đơn đậu trên cành cây trơ trụi giữa một chiều thu mông mênh của Basho đã cuốn hút ta vào thế giới của u huyền và cô tịch, ném ta vào trầm mặc hư vô. Chữ "đậu" trong nguyên tác là "tomari" viết theo chữ Hán là "chỉ". "Chỉ" có nghĩa là dừng lại, đứng lại. Trong các từ ngữ diễn tả sự thiền định có từ "chỉ quán", cho thấy thiền định là làm cho tâm dứt mọi vọng niệm, mọi ảo tưởng để quan sát thực tại đầy đủ và thâm sâu. Con quạ và buổi chiều thu dường như cũng đang thiền định. Cả vũ trụ lúc đó cơ hồ đang thiền định. Hình ảnh trong bài thơ là sự cô tịch (sabi). Cành cây, con quạ, chiều thu là sự cô tịch mà Basho mang trong trái tim mình khi ông lắng nghe niềm im lặng bất tuyệt của hư vô. Sức mạnh của cô tịch chính là sức mạnh của hư vô. Dù gợi lên nhiều ý nghĩa nhưng ở đây không phải là sự chết hay sự bất động. Bài thơ đưa ta đến với cô tịch, tiếp xúc với cô tịch chứ không phải với sự chết. Vài ba năm sau, Basho lại làm cho thế giới thơ ca chấn động vì cái nhảy của một con ếch. Đó là con ếch nổi danh nhất trong thơ ca. 古池や 蛙飛び込む 水の音 Furu ike ya kawazu tobikomu mizu no oto Ao xưa con ếch nhảy vào vang tiếng nước xao Biết bao lời bình đã được viết ra về bài thơ kì bí này. Toàn bộ thơ ca Nhật Bản từ năm bài thơ ra đời (1686), dường như chỉ là tiếng vang của nước (mizu no oto - thủy âm) mà con ếch của Basho đã khuấy động lên. "Ao xưa" không nằm ở đâu cả mà đồng thời nằm trong Basho, trong chúng ta. Nó cũ từ nghìn xưa nhưng cũng có mặt ngay bây giờ bởi vì nó là thiên nhiên. Một con ếch đánh thức thiên nhiên dậy bằng bước nhảy của chính mình. Ta nhỏ nhoi như con ếch và ta là con ếch đang nhảy vào cuộc sống, đồng thời ta là cái ao cũ và là tiếng vang chính ta, tiếng vang của thiên nhiên. Có thể tìm thấy tính thiền của Ao xưa trong một bài haiku khác của Basho Ta vỗ bàn tay dưới trăng mùa hạ tiếng dội về ban mai Đêm mùa hạ rung động vì tiếng vỗ của một bàn tay, cũng như thiên nhiên tự nghìn xưa cất tiếng vì cú nhảy của một con ếch. Và Basho đã "nghe" tiếng vang của nước, tiếng vỗ của bàn tay mà giác ngộ được Thiền. Thơ của Basho luôn hướng về sự nhẹ nhàng thanh thoát ngay giữa cuộc đời ô trọc, một niềm khinh thanh êm đềm bay lượn giữa tro than và cát bụi cõi trần. Horo horo to yamabuki chiru ka taki no oto Nghe thác nước reo những cánh hồng núi đây đó rơi theo Hoa, mặt trời, thác nước, nhà thơ và vũ trụ... tất cả như đang thể hiện một vũ điệu. Vũ điệu của sinh tử và cũng là vũ điệu của vĩnh cửu. Khi hoa rơi xuống thác nước, hoa như mượn tiếng nước reo mà cất lời từ biệt. Nan no ki no hana towa shirazu nioi kana Từ cây hoa nào mà ta không biết một làn hương trao Hoa biết cách giấu mình trong hương cũng như biết cách giấu mình trong vĩnh cửu, giấu mình trong tiếng chuông chiều, nối dài niềm cô tịch. Kane kiete hana no ka wa tsuku yube kana Chuông chùa tàn dần hương hoa đào buổi tối vẫn còn vang ngân Trên con đường hành hương, Basho đã đến tòa thành Takadata, nơi người anh hùng dân tộc Nhật Bản Yoshitsune và những kẻ tùy tùng trung nghĩa cuối cùng bị sát hại (**). Từ trên cao, ông có thể nhìn thấy đồng bằng Haraizumi, nơi các thị tộc Fujiwara xưa kia từng sống một thời huy hoàng, giờ chỉ còn là một vùng cỏ dại xanh rì, ông đã than thở: 夏草や 兵共が ゆめの跡 Natsu gusa ya tsuwamono domo ga yume no ato Hầu như không thể nào làm sống dậy bài thơ qua bản dịch, vì không tìm ra nổi từ ngữ tương xứng để diễn đạt ý. "Natsu gusa" có nghĩa là tất cả những loài cỏ dại mùa hè, phát triển rất nhanh. "Tsuwamono" nghĩa chữ là "tráng sĩ", một danh hiệu dành cho kẻ chinh chiến thời trung đại vẫn còn khá cổ đối với cả thời đại của Basho. "Domo", một tiếp ngữ số nhiều. "Yume" là mộng, với hai nghĩa phụ: huy hoàng rực rỡ và nhân sinh nhược đại mộng. Và "ato", một từ có nghĩa nền tảng là "sau", bao hàm các khái niệm: thành tích, dấu vết, hậu quả, những gì bỏ lại đàng sau... Dấu xưa xanh cỏ tháng hè tráng sĩ tráng sĩ hề mộng lữ Trong nguyên ngữ, bài thơ dẫn truyền một cảm xúc tiếc thương dữ dội, ít nhất một phần do triền âm cuồn cuộn của "tsuwamono domo", và sau đó là tiếng răng rắc rạn gãy của "ato". Dù tính cách hoà nhã và tâm linh thiền định, Basho vẫn là người thuộc dòng dõi samurai, và ông chỉ đang sống trong một thời kỳ mà samurai không còn bao nhiêu kỳ tích vẻ vang nữa. Trong haiku, nhà thơ và thiền sư được đánh đồng với nhau, không còn phân biệt. Basho cũng vậy, nhiều bài thơ của ông chẳng khác nào những thiền thoại, ngôn từ chân phương mộc mạc, không chút trau chuốt. Một đêm trăng trên đường hành hương, Basho gặp một nhóm các nghệ sĩ đang thưởng trăng và hòa thơ. Ông được mời làm thơ trước, Basho liền thốt lên: Vầng trăng non dại Cả nhóm cười ồ lên, vì có lẽ họ nghĩ: trăng thế này mà non dại. Bình thản mỉm cười, Basho cứ vậy mà tiếp nhịp: theo tôi từ độ ấy ai có ngờ hôm nay Ồ! Tiếng ngạc nhiên của các thi sĩ cùng nhẹ nhàng thốt lên sau khi lắng nghe một tuyệt tác. Con đường hành hương đưa Basho qua nhiều cảnh đời khác nhau, những giấc mơ, những nỗi buồn tục lụy, tình người, cái chết... Có lần, Basho ngủ trọ trong một lữ quán, có hai cô du nữ (kỹ nữ) từ xa đến trọ. Thấy ông mặc áo hành giả bèn đến làm lễ và rưng rưng nước mắt. Dưới mái quán, Basho lắng nghe những câu chuyện buồn của họ, những câu chuyện của đời người. Dưới mắt kẻ khác, họ là hiện thân sa đọa, là một chủng loại đã rơi xuống quá thấp trong thế giới con người. Nhưng Basho nâng họ dậy, đặt họ vào giữa những đóa hoa đinh hương và vầng trăng bên trời Quán bên đường các du nữ ngủ trăng và đinh hương Nơi nào Basho đi qua hầu như đều mọc lên những tấm bia kỷ niệm. Những tấm bia này có khắc thơ haiku của Basho nên được gọi là kuhi (cú bi). Có hơn ba trăm tấm như thế trên khắp đất nước Nhật Bản. Trên lưng một tảng đá ở đồi Kemari-zuka, dưới bóng một cây dẻ cổ thụ là bài haiku: Ngón tay nhỏ nhoi hạt dẻ còn trong vỏ xin mùa thu đừng rời Ngày nay, quanh bài thơ ấy, những hạt dẻ vẫn còn rơi, những mùa thu ra đi và trở lại. Mùa xuân năm 1694, trên đường đi thăm phương Nam, Basho đến Osaka, ông được các văn nhân ở đó đón tiếp trọng thể. Nhưng Basho lâm bệnh nặng, môn đồ khắp nơi nghe tin đều tụ về bên giường bệnh của nhà thơ mà họ tôn quý. Một đêm mùa đông năm 1694, Basho gọi đem bút mực lại, viết một bài "từ thế chi ca": Dang dở cuộc hành trình chỉ còn mộng tôi phiêu lãng trên những cánh đồng hoang Và Basho mất vào ngày 12 tháng 10 năm 1694 tại Osaka trong khi giấc mộng còn lang thang phiêu bạt trên những cánh đồng hoang, trên những ngã đời hư huyễn, trên những con đường sâu thẳm, vô danh... Gần ba trăm học trò đưa tiễn thầy đến nơi an nghỉ cuối cùng. Basho dường như là nhà thơ có nhiều môn đồ nhất, trong đó có mười người trở thành những nhà thơ haiku nổi danh, được gọi là "Ba Tiêu thập triết" (***) Nếu như Nguyễn Du băn khoăn không rõ ba trăm năm sau có ai còn nhớ đến ông nữa không, để khóc về ông, khóc vì ông và khóc với ông. Bất tri tam bách dư niên hậu Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như Thì Basho cũng băn khoăn không biết con đường mình đi, con đường Shofu ấy có còn ai đi về nữa không. Kono michi ya iku hito nashi ni aki no kure Trên con đường này giữa chiều thu ấy đi về không ai Con đường Shofu (Tiêu phong), đó là con đường thơ haiku, hài-cú-đạo (haiku no michi). Basho chẳng những đã làm cho haiku trở thành thơ ca thật sự, mà còn biến nó thành một con đường, con đường trong nghĩa thâm sâu của phương Đông: Đạo. Cũng như không bao giờ chúng ta quên Tố Như, ba trăm năm sau Basho, trên con đường ấy thiên hạ vẫn còn hành hương. Haiku đã vươn xa ra ngoài biên giới Nhật, trở thành một dòng thơ lớn của thế giới. Ảnh hưởng của haiku trong thế kỷ XX có thể thấy qua thơ ca của hầu hết các ngôn ngữ: Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Hi Lạp, Ả Rập... Các nhà thơ như R.M.Rilke, G.Seferis, P.Eluard, A.Machao... đều đã từng thể nghiệm thể thơ huyền diệu này. Các tên tuối lớn như E.Pound, W.Stevens, R.Wright, J.J.Tablada... cũng nhiều lần đặt tâm hồn vào thơ haiku. Khá nhiều tạp chí chuyên về thơ haiku đã xuất hiện trên thế giới trong nhiều năm nay, như các chuyên san Frogpond, Mayfly, Dragonfly Cicada, Haiku Review... Bình mẫu đơn trên nụ hoa trắng một dấu môi hôn (Alexis Rotella) Dòng chữ viết mực cạn dần biển xanh dâng (Geogre Seferis) Và haiku ở Việt Nam: Không về bể đông hạt sương trên cỏ buông mình thong dong (Thiền sư Huyền Tri) Ướp hương quanh mình đồi hoa lan trắng dìu dịu trăng (Thiền sư Huyền Tri) Bên đồi đêm nay sương về nằm mộng trăng vung vãi đầy (Thiền sư Huyền Tri) Con đường thơ mà Basho tưởng chừng quạnh vắng lại vô cùng đông đảo. Chiều thu cô tịch mà Basho hình dung lại biến thành một ngày xuân vĩnh cửu. Ba trăm năm sau ngày Basho mất, ta có dịp nhìn lại ông, thi hào vĩ đại của quần đảo hoa anh đào, nhìn lại thơ haiku mà ông đã hoàn thiện. Và ta chợt nhận ra con đường sâu thẳm mà ông đi, hài-cú-đạo, con đường tâm linh ấy chính là con đường bình thường giữa cuộc đời. Cũng như Geothe là Đức, Tagore là Ấn Độ, Hafiz là Ba Tư... Basho là Nhật Bản. http://www.facebook.com/notes/theo-d%C3 … 9216677560 --------------- Chú thích: (*) Thời Muromachi (1333-1603) được mệnh danh là thời Chiến Quốc (Sengoku). Chiến tranh giữa hai triều đình Nam và Bắc, giữa Thiên hoàng Godaigo và Thiên hoàng Komyo, gọi là chiến tranh Nam Bắc triều (1333-1392). Chiến tranh giữa các dòng họ võ gia. Đầu thế kỷ XVI toàn cõi Nhật Bản chìm trong khói lửa, có nhiều phong trào nổi dậy của nông dân. (**) Yoshitsune: Cuối thời Heian (794-1192) có hai gia tộc kình chống nhau là Taira và Minamoto. Cuộc chiến tranh giữa hai thế lực ấy đã đưa đến ngày tàn của thời đại hoàng kim Heian. Cuối cùng, Minamoto chiến thắng, thủ lĩnh Yoritomo trở thành tướng quân (Shogun) và thiết lập chế độ mạc phủ (bakufu) ở Kamakura. Yoritomo có người em trai lừng danh là Yoshitsune. Yoshitsune là một kiếm sĩ tài ba, tập kiếm thuật từ năm 14 tuổi. Truyền thuyết cho rằng yêu tinh của rừng thường cùng chàng đấu gươm luyện võ. Chàng là cánh tay đắc lực của Yoritomo. Thế nhưng sau khi thành tướng quân, bị ám ảnh bởi vinh quang và lòng đố kỵ, Yoritomo đã âm mưu ám sát em trai mình. Tòa thành bị vây kín, Yoshitsune chỉ còn cách tự sát như một samurai chân chính theo lối mổ bụng (seppuku). Khi Yoshitsune tiến hành nghi thức seppuku, Benkei, người võ sĩ thân tính đã đứng che cho chủ tướng. Tên của Yoritomo bay vào ông như mưa, và ông chết trong tư thế kiên cường như vậy. Sau cái chết, Yoshitsune càng được dân chúng yêu mến, chàng trở thành đề tài của nhiều tác phẩm văn học và nghệ thuật. (***) Ba Tiêu thập triết (Basho Jittetsu): mười hiền triết của Basho, đó là mười môn đồ nổi danh nhất của nhà thơ, gồm có: Etsujin, Hokushi, Joso, Kikaku, Kyoroku, Ransetsu, Shiko, Sanpu và Yaha. Tuy nổi tiếng và hầu hết đều lập trường phái riêng, nhưng họ vẫn không phải là những trụ cột có thể sánh vai với Basho. Trong số họ, đặc sắc và nổi bật hơn cả là Kikaku (1661-1707), trẻ hơn thầy 17 tuổi. Nguồn tham khảo 1. Nhật Bản trong chiếc gương soi - Nhật Chiêu, NXB Giáo Dục, 1999 2. Thơ ca Nhật Bản - Nhật Chiêu, NXB Giáo Dục, 1998 3. Các website: http://vietart.site.voila.fr http://haiku.mypunbb.com http://www.shadowpoetry.com http://www.thuvienhoasen.org (yenlang.net) Theo nhanmonquan.net |
Source: http://www.hoalinhthoai.com/news/detail/news-4389/Tho-Haiku-va-thien-su-Basho-cai-vo-cung-trong-khoanh-khac.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.