Basho là một nhà thơ rất nổi tiếng của Nhật bản vào thế kỷ 17. Những bài thơ haiku của ông đượm màu sắc của thiên nhiên và nhân sinh. Ông có một cái nhìn rất sâu sắc về vẻ đẹp tự nhiên của đất trời, của cảnh vật chung quanh. Đối với ông không có vật gì là bình thường hay tầm thường hết. Những bài thơ hài cú của Basho, thường nói về những sự việc rất đơn sơ, mộc mạc, ta gặp thường ngày. Nhưng dường như trong cái đơn sơ tự nhiên đó ta bắt gặp được một điều gì rất nhiệm mầu, hiện hữu trong một thực tại trống không và thinh lặng.
Ta nhìn sâu xa
Bên hàng giậu nở
cành Nazuna
(Nhật Chiêu dịch)
Bài thơ ấy ghi lại một sự kiện rất đơn sơ và bình thường. Nhưng trong cái bình dị ấy ông chợt khám phá ra được một thực tại rất nhiệm mầu: một cành hoa đang nở. Có lẽ Basho đang đi một mình trên con đường quê nhỏ vào một buổi sáng mờ sương. Có lẽ trời đang mưa phùn, những hạt mưa bụi nhẹ bay như sáng hôm nay. Trên đường đi, ông nhìn thấy có một cái gì đó là lạ nơi hàng giậu cũ kỹ đổ nát bên đường, ông bước lại gần và thấy một cành hoa nazuna đang nở. Và trong giây phút ấy ông chợt thấy mình là một với hiện hữu.
Ngày mưa, hàng giậu, đóa hoa, con đường quê và chính ông... tất cả đột nhiên trở thành một. Không phân biệt. Ông là hoa mà hoa cũng là ông. Nếu tâm ta tĩnh lặng và trong sáng, đôi khi ta lại tìm thấy những kỳ diệu ở những cái mà mình cho là tầm thường nhất.
Học giả D.T. Suzuki, trong quyển Thiền và Phân tâm học, cũng có so sánh kinh nghiệm trong bài thơ ấy của Basho với lại của một thi hào Anh, Alfred Tennyson, khi ông này đứng trước một đóa hoa mọc trên kẽ nứt của một bức tường,
Đóa hoa trên một bức tường nứt nẻ
Ta ngắt mi ra khỏi những kẽ nứt
Cầm mi trong bàn tay, rễ, hoa và tất cả
Đóa hoa nhỏ kia ơi - nhưng nếu ta có thể hiểu được
Mi là gì, rễ, hoa và tất cả.
Thì ta cũng sẽ hiểu được con người và Thượng đế là chi.
Bài thơ này của thi hào Tennyson cũng có chút gì gần gũi với bài thơ của Basho, mặc dù hai thái độ hoàn toàn khác hẳn nhau. Basho đứng yên lặng nhìn đóa hoa bên hàng giậu và thấy được cả trong ấy một hiện hữu nhiệm mầu. Trong khi Tennyson bứt nhổ cành hoa ra khỏi tường, quan sát hoa, cành với rễ trong bàn tay, mà vẫn thắc mắc và không hiểu được chính mình và sự sống.
Có lẽ đó cũng là sự khác biệt giữa Đông phương và Tây phương, một cái nhìn của tuệ giác và một cái nhìn của sự phân tách và lý luận! Một bên sống hoà hợp với thiên nhiên, một bên lại muốn đi khám phá, chiếm hữu và sử dụng những gì có mặt chung quanh mình.
Tôi nghĩ trong đời sống, đa số chúng ta cũng đi tìm hạnh phúc giống như trong bài thơ của Tennyson vậy. Chúng ta có một thói quen tìm kiếm, phân tích và tạo dựng nên những hạnh phúc theo ý mình, thay vì biết tiếp nhận tự nhiên trong tĩnh lặng như thi hào Basho. Chúng ta có thói quen muốn sửa đổi thực tại để sắp đặt hạnh phúc theo sự phân tách và lý luận của mình. Nhưng dầu ta có khéo léo đến đâu thì đó cũng không còn là một thực tại như nó đang là nữa. Và rất nhiều khi những khổ đau phát sinh, là do sự tìm cầu hạnh phúc và trốn tránh thực tại đang có mặt, của mình.
Ngày mưa trên mái hiên, trưa nắng qua con phố nhỏ, áng mây trôi trong tách cà phê buổi sáng, những chiếc lá rơi trong trời thu... chúng có bao giờ là tầm thường đâu bạn hả! Mỗi ngày tôi vẫn thấy có một mặt trời đỏ hồng trên con đường đi, tôi thấy ánh trăng soi trên mặt hồ im lặng, tôi thấy con đường đê nhỏ có hai hàng cây thật cao, tôi thấy mưa bay trên sông, tôi thấy tách cà phê nóng và người bạn thân... Thật ra tôi nghĩ, những gì đang có mặt, hay xảy đến với ta, chúng không quan trọng. Điều quan trọng là thái độ và một cảm nhận trong sáng của tâm mình.
Rồi có lẽ, vào một buổi sáng nào đó trên con đường nhỏ ta đi, có thể bạn sẽ chợt đứng lại nhìn và thốt lên rằng,
Bên hàng giậu nở
Cành Nazuna
Nguyễn Duy Nhiên
Source: https://nguyenduynhien.blogspot.com/2017/07/hoa-no-ben-hang-giau.html?fbclid=IwAR0n5AHIJMWBrIT12jeOG1rwHSs0FV10h-eRS9NEcYBnkOBQpIgqe_Fn1U8
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.