Thứ Năm, 15 tháng 8, 2019

Thơ Haiku Nhật Bản



Nhật Bản là một đất nước cực kỳ chú trọng đến việc sử dụng những phương thức giao tiếp đầy ngụ ý, mà điều này thể hiện không chỉ ở những cuộc trò chuyện thường ngày, mà còn ở phim ảnh, sách báo và thơ ca. Trong số đó, thơ Haiku là một thể thơ đầy sự ngụ ý về hình ảnh, âm thanh và lồng ghép một cách đầy tinh tế những suy nghĩ của tác giả. Hãy cùng tìm hiểu về thơ Haiku và phân tích một vài bài thơ dưới đây nhé.

Thơ Haiku là gì?

Thơ Haiku (俳句) là một thể thơ Nhật Bản thường có 17 âm tiết trong 3 câu (được chia theo 5+7+5). Đây có thể được xem là một thể thơ ngắn nhất thế giới. Thơ Haiku được ra đời vào khoảng thế kỷ 17 và phổ biến rộng rãi ở thời Edo (1603-1867). Thiền sư thi sĩ lỗi lạc Matsuo Basho đã được thừa nhận là người khai sinh ra thể thơ Haiku và Yosa Buson, Masaoka Shiki là 2 người đã hoàn thiện nó trở thành thể thơ mà ta thường thấy ngày nay.
Đặc trưng của thơ Haiku là không mô tả cảm xúc và được sử dụng chủ yếu để ghi lại sự việc xảy ra trước mắt. Vì số từ bị giới hạn trong 17 âm tiết nên thơ Haiku thường chỉ diễn tả 1 sự kiện xảy ra ngay lúc đó, ở thì hiện tại. Sự kiện này có thể liên kết hai ý nghĩ, hay hai ý tưởng khác nhau mà ít khi người ta nghĩ đến cùng một lúc.

Phân tích một số bài thơ Haiku

Một số bạn sẽ nghĩ viết thơ Haiku cực kì đơn giản như
Thơ haiku
viết vài câu ta lại
xuống dòng.
Tuy nhiên, ý nghĩa thật sự của thơ Haiku đòi hỏi người đọc phải tưởng tượng đến ngữ cảnh viết thơ của tác giả cũng như ý nghĩa tượng thanh tượng hình của các sự vật được nhắc đến trong đoạn thơ. Thơ Haiku tuân thủ 2 nguyên lý đó là miêu tả mùa và tính tương quan của 2 hình ảnh trong 1 bài thơ. Tác giả không được nhắc đến mùa mà phải thông qua những hình ảnh mang tính đặc trưng của mùa đó để miêu tả một mùa bất kỳ trong năm. Ví dụ, hoa anh đào ám chỉ mùa xuân, tuyết trắng ám chỉ mùa đông, lá vàng mang ý nghĩa mùa thu đã gõ cửa, v.v… Vậy nên, không chỉ tác giả, người đọc cũng cần phải thật tinh tế và có một mức độ cảm thụ văn chương nhất định để có thể hiểu hết ý nghĩa của một bài thơ haiku.
Dưới đây là một số bài thơ Haiku để bạn dễ hình dung.
Làng này, vùng núi này
Nơi không ai lui tới
Sẽ rất buồn nếu không buồn.
Thế giới này như giọt sương kia
Có lẽ là một giọt sương
Tuy nhiên, tuy nhiên…
Tiếng ve kêu râm ran
Như tan vào trong than trong đá
Ôi, sao tĩnh lặng quá!
Không biết khi đọc những bài trên, bạn có cảm thấy man mác buồn hay chỉ đơn giản là thấy khô khan vì bài thơ kết thúc quá đột ngột, cứng nhắc? Chúng ta có thể tham khảo cách phân tích một bài thơ haiku nổi tiếng của thi sĩ Matsuo Basho nhé.
古池や (furu ike ya)
蛙飛込む (kawazu tobikomu)
水の音 (mizu no oto)
Dịch nghĩa
Ao xưa
Con ếch nhảy vào
Tiếng nước xao.
Trước hết, ta hãy cùng phân tích hình ảnh của mùa nào ẩn chứa trong bài thơ Haiku này nhé. Thoạt nhiên, chúng ta không thể tìm thấy một hình ảnh mang tính đặc trưng của mùa nào trong bài thơ, nhưng theo quan điểm của người Nhật, con ếch sau thời kỳ ngủ đông sẽ tỉnh dậy vào mùa xuân. Mùa xuân cũng là mùa mà những con ếch bắt đầu xuất hiện sau một thời gian dài biến mất vào mùa đông. Vậy nên, có thể phân tích rằng bài thơ Haiku này được viết vào mùa xuân với hình ảnh biểu tượng là con ếch. 
Tiếp theo, ta phân tích tiếp tính tương quan của 2 hình ảnh trong bài thơ trên. Nhật Bản là một đất nước trân trọng việc hòa hợp với thiên nhiên, cả trong lĩnh vực trồng trọt lẫn phong cách sống của bản thân mình. Bất kể người Nhật Bản nào cũng đều sẽ học tập phong cách sống của thế hệ tổ tiên và đó chính là “Con người và tự nhiên như 2 mà 1”. Hình ảnh chiếc ao xưa như phản ánh chính suy nghĩ đó của tác giả vậy. Phải là một người rất yêu tự nhiên mới có thể nhìn thấy một chú ếch bé nhỏ nhảy vào ao đúng không nào? Tác giả đã ngầm thể hiện tình yêu đối với thiên nhiên thông qua hình ảnh trên. Hiểu rộng hơn, ta còn có thể suy nghĩ rằng chiếc ao xưa hay chính là lối sống xưa cũ, bó hẹp tù đọng đang hiện ra trước mắt nhà thi sĩ Matsuo Basho, con ếch hay chính là bản thân ông ngán ngẩm cảnh vật lặp đi lặp lại đầy tính bó buộc và đang muốn tạo ra những bước ngoặt trong cuộc đời mình? 2 hình ảnh này có thể được phân tích theo nhiều hướng khác nhau.
Một nét tài tình trong bài thơ này là lấy “động” để tả “tĩnh”. Hình ảnh chú ếch nhảy vào ao tạo ra sự xáo động trong ao như ám chỉ cảnh vật xung quanh rất tĩnh lặng. Một khung cảnh bình yên đến mức gần như không một tiếng động, vậy nên hình ảnh chú ếch nhảy mới trở nên rõ nét như vậy. Đây chính là nghệ thuật ẩn dụ đầy tinh tế và sâu sắc mà không phải ai cũng có thể áp dụng được.
Thơ Haiku có rất nhiều ẩn ý và các hình ảnh trừu tượng đòi hỏi bạn phải có một tâm hồn thơ ca, đồng thời đồng cảm với suy nghĩ của tác giả để có thể “cảm” được nội dung thật sự mà nhà thơ muốn truyền tải. Hy vọng bài phân tích về thơ Haiku trên sẽ gợi cho bạn hứng thú tìm hiểu thêm về thơ Haiku Nhật Bản nhé.
Source: https://we-xpats.com/vi/guide/as/jp/detail/839/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.