Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2019

NGÀY XUÂN ĐỌC THƠ HAIKU - TOẠI KHANH


TOẠI KHANH

Từ lúc đầu biết đến, tôi vẫn chỉ yêu lối thơ Hài Cú của Nhật bằng cảm nhận đơn sơ của một thằng bé nhà quê giàu tưởng tượng khi đứng trước mấy con hạc gỗ, chó đá trong đình làng. Tôi hiểu chúng theo cách riêng của tôi. Kích cở mỗi bài thơ Hài Cú ngắn gọn đến mức gần như khuyết tật, nhưng cái khoảng trống nằm đàng sau đó thật mênh mông. Tôi thấy mình có thể bước hẳn vào đó để tắm sông hái trái như cách tôi đã từng đối với mấy câu chuyện Thiền Tông. Tôi như chỉ có một cách ghé mắt nhìn vào, cái nào không bắt mắt thì lờ đi. Cái nào thấy được thì tha hồ mộng mị.

Đêm trừ tịch, trước giờ giao thừa xuân Bính Tuất, nằm một mình đọc chơi một tập thơ Haiku để chờ giấc ngủ, rồi thì sẵn ngọn bút chì ở đầu giường, tôi ngoáy vội những câu chữ tiếng Việt bất thần chảy ra khi mắt liếc vào bản dịch Anh Ngữ. Tôi không phải một thi sĩ hay dịch giả chuyên nghiệp. Bài viết này chỉ là chép lại những gì nửa vời đã khai sinh trong đêm xuân ấy. Ai đó lấy tự điển hay sách văn phạm để phiền trách tôi thì cũng đành vậy. Trong những câu thơ dịch này, tôi không hề phân biệt đâu là hoa lài, hoa lý hay hoa ngâu. Tập Haiku có non ngàn bài, tôi chỉ có thể đọc hiểu chưa được một phần mười trong số đó. Khoảng cách giữa lòng tôi và các tác giả người Nhật xa xôi quá, tôi không thể đọc hiểu tiếng Nhật, đành hiểu họ qua một trung gian không lấy gì làm trung thực. Do chút bệnh nghề nghiệp, đôi lúc người viết buộc người đọc phải cực lòng dừng chân ở những nơi chốn không thuộc về mình.

Under hazy moon
Water and sky are obscured
By the frogs

(Buson)

Trăng suông
trời đất giao hoà
một con ếch nhảy
vỡ oà thái không.

Hình ảnh này sao mà giống hệt một chỗ trong Tâm Pháp A-Tỳ-Đàm Nam Truyền. Một dòng tâm thức chủ quan đang trôi chảy yên bình, bỗng một Hữu Phần Dao Động xuất hiện và sau đó là một chuỗi lăn tăn những tâm thức khách quan. Mười bảy sát-na biến mất, mặt nước Hữu Phần tiếp tục yên ả. Và cạnh đó là một cái gì có vẻ cận nhân tình hơn. Một dòng chảy nhân sinh đang lượn lờ trên dòng lịch sử bình ổn, bỗng dưng xuất hiện những cá tính bất thường. Xung đột nổ ra, thương hận tình thù hoặc núi xương sông máu một thời, rồi gì cũng qua. Dòng tử sinh muôn đời là chuỗi ghép nối của những êm ả và ba đào ấy.

Ah ! Summer grasses !
All that remains
Of the warrior's dreams

(Basho)

Trong mơ
Anh lính mỉm cười:
Một vùng cỏ hạ
Bên trời
Mênh mông?

Ai cũng có một cõi riêng của mình. Dòng chảy của cuộc sống có thể xô đẩy ta về một phương trời biền biệt nào đó, nhưng nỗi riêng vẫn đau đáu đâu đó trong tim người. Điều sinh tử hệ trọng là cõi quê hương sau cùng đó của mỗi người là đâu, yên bình hay lửa đạn. Ai cũng cần một chốn về và nơi chốn ấy hoàn toàn nằm trong sự chọn lựa cá nhân. Anh lính có thể chết trong chiến chinh, nhưng cõi riêng của anh luôn là một vùng cỏ hạ.


A kite
In the same place
In yesterday?s sky

(Buson)

Lưng trời
thả cánh diều bay
Ừ thì cũng chính chỗ này
Hôm qua !

Có phải con người vẫn nghìn đời vùi mình trong những ngộ nhận ngậm ngùi. Trên dòng dịch chuyển vô thủy vô chung từ vạn đại tiền thân, chưa một vui buồn nào hiện hữu quá một sát-na. Ai đó đã bảo, ta không thể hai lần tắm cùng một chỗ trên dòng nước. Ta nắm níu tưởng tiếc một cánh hoa đã trôi mất trên dòng, và từ đó, cõi nhân gian buồn nhiều hơn vui. Thay vì tất cả phải được nhìn ngắm như thật, không đắng không ngọt, mọi hiện hữu chỉ là cái gì đó mệt nhoài cũ rích và cần được vượt qua như một đoạn sông, cần được bỏ lại như những chiếc bè cỏ nặng nề khi người viễn khách đã sang bờ khác. Đã hay Sẽ hoặc Đang chỉ là những tên gọi khác nhau cho một sự tình ở các thời điểm.

Peach-blossoms
But the ferryman
Is deaf?

(Shiki)

Hoa đào trong gió
Hát ca
Ông đò nghễnh ngãng
kể là như không.

Nhận thức luôn cần thiết cho cả sự hiện hữu và giải thoát. Biết để dấn thân, và biết để vượt thoát. Và khả năng đó chỉ có được từ sự lắng nghe. Chân lý chỉ hiển hiện cho người có mắt muốn thấy, có tai muốn nghe. Đánh mất khả năng nghe nhìn là muôn đời giam mình trong ngục tối của mê lầm. Dòng đời vẫn trôi qua trong sự vô tri của những tâm hồn gỗ đá. Thực tại vẫn đầy ắp chung quanh, liệu con người có lắng lòng để nghe thấy.

With every falling petal
The plum-branches
Grown older.

(Buson)

Tuổi đời
Là mỗi cánh hoa
cội mai từ đó
thêm già mỗi xuân

Một cách thơ mộng mà cũng không kém phần ngậm ngùi, đời người là chuỗi dài của những lần lớn ròng của sông nước, của từng bữa ăn, từng đêm tối chong mắt và từng buổi chiều vàng vọt. Ba vạn sáu ngàn ngày là vừa đủ cho một kiếp người trăm năm. Phật còn dạy đời người cần được tính đếm qua những hơi thở, những giây phút buồn vui, những khoảnh khắc thiện ác. Thời gian chỉ là một khái niệm giả lập mặc ước trên sự hiện hữu của các hiện tượng sinh tử. Nên chăng những lễ hội tưng bừng để mừng ngày mình thêm một tuổi vào dịp xuân sang, thêm một bước tiến gần về mộ địa. Lớn tuổi để thêm vững vàng có lẽ vẫn tôt hơn là để trắng thêm vài sợi tóc buồn.

That's good, this too is good
New Year's day
In my old age !

(Royto)

Vui sao
Vui thiệt là vui
Đón xuân để nhớ rằng
Tui đang già !

Ai cũng muốn sống lâu, nhưng không ai muốn già. Lão thiền sư đã đón  xuân bằng niềm tỉnh thức của riêng mình. Ông nói thế, liệu ông có vui thật không ? Có thể ông đã cười giùm thiên hạ thì đúng hơn. Như ai đó đã từng nói về kiểu tượng Bồ tát Di-Lạc của Trung Hoa: Đại phúc năng dung, dung thế gian nan dung chi sự- từ nhan thường tiếu, tiếu thế gian khả tiếu chi nhân (Bụng ngài to là để chứa những chuyện đời khó bao dung, gương mặt hiền kia luôn cười là để cười lên những nghịch lý đáng cười). Cũng hệt chuyện vui xuân, thiên hạ muôn đời vẫn chối bỏ cái mình cần và chạy theo cái mình thích. Và khổ thay đó lại là cuộc trốn chạy kẻ nuôi dưỡng mình và kiếm tìm kẻ xoay lưng với mình. Trong cách nhìn nào đó, thiên hạ muôn đời vẫn là những trẻ con ham chơi quên mất dặm về.

Planting my stick
In the quagmire
The first sun of the year.

(Issa)

Ngày xuân
Trồng một nhánh cây
xuống giữa đầm lầy
năm sau ngày này
có cái chống đi

Tôi có dịch sai chăng ? Chẳng sao hết, cứ thích lối ngẫm nghĩ đó. Thế là đủ, tôi đâu phải một nhà khoa học đang  đối diện một công trình khoa học nào đâu. Chuyện đời lắm lúc vẫn cần đến những cách hiểu như thế để thấy ra vài khía cạnh chuyên biệt và rõ ràng thực tại luôn có nhiều ngõ vào. Tôi chỉ thấy ở bài thơ Haiku đó cái tâm sự của một ông lão giữa ngày xuân vẫn còn nhớ ra buổi về của đời mình, và cũng là nhớ về một chuyến đi xa không ngày trở lại. Buổi đẹp trời nào cũng có một hoàng hôn hun hút chờ đợi ở cuối ngày.

The smoke
Is now making
The fisrt sky of the year

(Issa)

Một làn khói tết
nhẹ bay
Gửi năm sau
một chút mây
gọi là.

Nghĩ mà thương quá chừng. Một chút khói ngày xuân bỗng tự có một sứ mạng lớn quá, chút thán khí bay lên từ một bếp lò nhà quê hay đụn rơm ngoài nội chợt ngang nhiên sánh vai với một đám mây trời, dù chỉ là đám mây của một ngày đang chờ hẹn. Không có gì trên đời này là tầm thường vô dụng hết, chỉ cần một định hướng, nói xa hơn, một tâm hồn, thì gì cũng có thể thăng hoa. Thi nhân lúc này trong nỗi niềm lãng đãng đã kịp tự nhận một trách nhiệm trong cuộc chơi phù sinh, để đem cái lãng mạn lòng mình chắp cánh cho một làn khói vô tri và trao nó một ý nghĩa tồn tại, dù chỉ là sự tồn tại của phù vân !

New Year's present:
The baby in the bosom
Holds out her tiny hands

(Issa)

Quà xuân cho mẹ
Có gì
Ngoài bàn tay chú nhóc tì
Ngo ngoe.

Bài thơ có ít nhất hai cách hiểu, tôi chọn cách nghe như sai. Qua giao thừa này, tôi đã băm bảy tuổi. Tôi thật sự xa quê rời mẹ bảy năm rồi. Và thật lạ, ngày tôi nhớ mẹ nhiều nhất thường không phải Vu Lan mà là những ngày tết. Có lẽ tôi chưa từng có một kỷ niệm nào với mẹ vào dịp Vu Lan. Thằng con nào chẳng thế, còn mẹ thì cứ xem Vu Lan là của ai đó chẳng dính dáng chi với mình. Người ta nói thượng đế không thể cùng lúc có mặt khắp mọi nơi nên đã tạo ra những bà mẹ và món quà ngài tưởng thưởng cho các bà mẹ chính là những gì vẫn làm khổ họ. Đạo Phật vẫn nhắc đến một triết lý tương tự: Người ta phải luôn yêu lấy những thứ làm khổ mình để có cái mà trầm luân. Trở lại đời thường, mẹ chỉ có thể chịu đựng mọi thứ bằng niềm vui có con để khổ. Nhưng nói vậy là lạc đề rồi, tôi không muốn ai lấy câu này đặt vào trường hợp tình mẹ. Tôi thường dị ứng với những lời lẽ hiếu để sướt mướt, ở đây chỉ muốn tô lại một góc nhỏ của bài thơ hài-cú trên: Đến một ngày vui nhất trong năm, mẹ cũng chẳng muốn gì hơn nữa, khi bà đã sở hữu một thứ gọi là Lòng Mẹ. Người ta thành Phật được cũng nhờ vào một tấm tình gần giống vậy, với tất cả chúng sinh. Mọi khổ nạn trần gian trong tim người lúc đó cứ như những quà tặng ngày xuân. Lạy Phật từ bi, con xin nguyện cầu cho mẹ con ở cuối trời và tất cả bà mẹ trong đời có một mùa xuân vui.

In my hands a branch of plum-blossoms
Spoke the greetings
Of the New Year

(Shiki)

Nhánh mai
cầm trên tay người
đã nói nghìn lời
cung chúc tân xuân

Tôi chợt nhớ hai câu thơ chữ Hán đã đọc được đâu đó có nội dung, theo tôi, gần giống bài hài-cú trên này: Ngô đồng nhất diệp lạc-thiên hạ cộng tri thu (một chiếc lá ngô đồng rụng xuống, đủ để thiên hạ biết mùa thu sắp về). Ngày xuân ở Việt Nam có mai vàng, dù chỉ một nhánh nhỏ bên hiên cũng đủ khiến thiên hạ rộn ràng. Nhật Bản hẳn là cũng có những loài hoa báo xuân kiểu đó. Tôi chưa có dịp về Nhật và chữ Plum trong bản tiếng Anh cứ khiến tôi ngại ngần, dù tôi chỉ đang cảm thơ chứ không phải dịch thơ. Mà sao cũng được, chỉ cần nhìn một nhánh hoa báo xuân trên tay người, ta sẽ thấy ra một ngày tết vui. Cũng như  cảm nhận một tình người, dù chỉ từ một bàn tay hành khất, ta sẽ tin được tính thiện vẫn tồn tại trong nhân gian. Nói kiểu mênh mang thơ mộng, không sợ ly kinh nhất tự, thì ở đâu có từ bi ở đó là thiên đường, ở đâu có tỉnh thức ở đó có hiền thánh.
Nếu chỉ một cành hoa báo xuân đủ để biết Tết, sao người đời tiếc gì một tín hiệu thiên đường và màu áo hiền thánh cho nhân gian bớt đi những chuyện buồn không đáng có !

New Year's day
What luck! What luck !
A pale blue sky

(Issa)

Ngày xuân
May quá, không mưa
Cho bầu trời Tết
được vừa đủ xanh

Tôi tình cờ nhặt được chữ Vừa Đủ và bất chợt thấy ra dường như chủ ý của tác giả cũng xa gần quanh đấy. Ngày xuân, ông không nhắc nhở bánh mứt, rượu thịt, hoa trái. Ông chỉ thâm tạ thiên nhiên đã bỗng nhiên hào phóng dễ thương không trái gió trở trời để có thể chừa lại một chút trời xanh cho người trần vui Tết. Ông không dám mong nhiều hơn nữa. Người hành giả luôn thế. Hoàn cảnh nào cũng có thể tương nhượng, thỏa hiệp, dễ thương lượng, và tự tại vô ngại. Ngày xuân không cầu Vạn Sự Như Ý, chỉ mong được Ý Như Vạn Sự. Liệu còn nỗi vui xuân nào minh triết hơn thế nữa. Vui xuân tỉnh táo như thế, có lẽ không mùa nào trong năm có thể làm khó được thi nhân !

New Year's day
I do not hate
Those who trample on the snow

(Yayu)

Tết đến
giữa mùa đông lạnh giá
giận sao đành
người đạp tuyết tầm mai !

Rõ ràng tôi đã cố hiểu bài thơ theo cách của mình, một phần có lẽ do vướng vít với bốn chữ Đạp Tuyết Tầm Mai, bỏ đi thì tiếc quá. Thôi thì đã trót vui xuân, chuyện gì cũng nên hỷ xả. Trong chúng ta có ai từng là một người tình của tuyết trắng, yêu đến điên mê thứ vật chất xốp nhẹ, trắng nõn, như có như không kia, mà không phải ở chốn lạnh lẽo nào cũng có được. Tuyết đẹp một phần vì nó cũng là bèo bọt ngắn ngủi. Nắng lên, tuyết sẽ tan. Yêu được cái mong manh trong niềm tỉnh thức cũng là một nghệ thuật. Vì yêu được tuyết, người ta phải yêu cả cái lạnh lùng thê thiết của nó. Giống hệt bao thứ hệ lụy khác trên đời này vậy. Và ngay trong lúc ngắm nghía, chiêm ngưỡng người tình tuyết trắng của mình, nhà thơ đã nghe ra những bước chân tục tử  đang dày xéo, dẩm đạp lên cái trinh nguyên nõn nà của thảm tuyết đang trải rộng mênh mông kia. Ông thương tiếc và cũng muốn giận dỗi, bỗng nhớ ra nỗi giá lạnh se sắt từ người tình trái nết của mình đang thấm sâu vào những kẻ du xuân nọ. Họ cũng yêu cái đẹp mà ông đang yêu và phải trả giá, như ông đã yêu và cũng đang trả giá. Nếu đã đồng bệnh sao lại không thể tương lân, và một ngày đẹp như Tết thì hẹp hòi gì mà không có nỗi một đại lượng cho người. Khi mai này xuân rồi cũng qua, tuyết kia nếu vẫn còn mùa thì cứ sau mỗi đêm, cô người tình ấy lại tiếp tục trinh nguyên tinh khôi như cũ. Vì mọi thứ ở nàng luôn nằm trong cuộc tử sinh của một kiếp đời bèo bọt, mất đi rồi sẽ có lại, thiệt gì. Thế là ta có được một bài thơ đẹp.

The first day of the year
I remember
A lonely autumn evening

(Basho)

Ngày xuân
cứ nhớ nao nao
một chiều thu quạnh
buổi nào
xa xôi

Người ta vẫn bảo người đa tình thường dễ phụ tình. Kỳ thực, họ đa tình nhưng còn có tính đa mang. Gì cũng vơ vào rồi khổ suốt bình sinh. Cuộc đời là một chuyến đi. Đường càng xa, càng nên thu vén hành lý. Ta khó lòng xê dịch ngàn trùng khi quá  nặng vai. Đôi lúc thiên hạ khổ chỉ vì tự đặt ra cho mình quá nhiều nhu cầu, gì cũng thấy cần nên cứ thấy tiếc. Nỗi niềm đó nhiều lúc càng vô lý khi cái họ cưu mang chỉ còn là một xác khô của quá khứ, một nhánh hoa đã trôi mất và còn đọng lại trong tâm tưởng, vừa đủ cho một niềm tưởng tiếc vô duyên.

Tự thâm tâm, chẳng hiểu vì sao tôi lại không hề nghĩ trên đây là một hoài niệm của nhà thơ trong ngày xuân mới, mà là một tiếng cười chế giễu ném vào những người cực lòng đuổi bắt muộn màng những khoảnh khắc thực tại vốn sinh động tinh tuyền. Bẩm sinh con người không đến nỗi thiếu tự do, nhưng thiên hạ vẫn cứ thích cái thú vui đau thương như một hình thức khác của dục cảm. Thế là nô lệ một đời. Người ta thích đóng khung tâm cảnh của mình chỉ vì e sợ cái bao la bát ngát dễ khiến họ choáng ngộp. Trong bối cảnh tôn giáo dường như cũng thế. Người ta thích dựng lên những thần tượng để có dịp tùng phục nhằm chạy trốn trách nhiệm tự ngộ, thích chật hẹp để tìm chút ấm cúng.
Có người hỏi tôi trong Phật giáo Nam truyền dường như không khích lệ việc trì niệm hồng danh đức Phật A-Di-Đà. Tôi nhớ đã từng lắc đầu không do dự rằng đó chỉ là một ngộ nhận đáng trách. Chúng tôi đúng là có trì niệm hồng danh Di-Đà, nhưng bằng chữ Phạn, chứ không phải qua âm Hán Việt. Và câu niệm chữ Phạn ở đây là Namo Amitabuddhànam (cũng có thể phiên âm là Nam Mô A-Di Đà-Phật, nhưng chữ A-Di-Đà ở đây tương đương với chữ Hằng-Hà-Sa), nghĩa Việt là "Con Xin Kính Lễ Vô Lượng Phật, hay Tất Cả Chư Phật". Trong khi câu niệm phổ thông trong khắp vùng Đông Á là Namo Amitàbhabuddhàya, phiên âm là Nam Mô A-Di-Đà Phật và chỉ có nghĩa là "Con Xin Kính Lễ Một Vị Phật Có Hồng Danh Là Vô Lượng Quang", vì ánh sáng quanh Ngài nhiều vô kể. Trì niệm một đức Phật sao bằng tất cả chư Phật. Nếu quả thật có các Phật Quốc, một sự lựa chọn chật hẹp sao sánh bằng sự thoải mái tùy duyên.
Ô hay, tôi đã đi quá xa bài thơ của thi hào Tùng Vĩ Ba Tiêu, có lẽ chỉ vì cái cảm giác vui xuân mà quá chén chăng ? Xin được chút độ lượng trong ngày mừng xuân mới vậy.

This New Year's day
That has come at last
It is just a day.

(Horo)

Chào mừng
tết đã đến đây
Ngẩm ra
lại cũng một ngày phù du !

Nên chăng đôi lời thưa gởi nhảm nhí cho một bài thơ như vậy. Buổi tiệc nào cũng tàn, giọt lệ nào rồi cũng khô. Nhân gian đã tìm đủ cách níu lại bước đi lạnh lùng của cái gọi là thời gian, như trò chơi thả diều của trẻ con. Diều có lúc được gió, có khi đứt dây. Mệt nhoài hay hào hứng đến bao nhiêu rồi kẻ chơi cũng phải thu dây, rời bãi khi chiều đã xuống quá sâu. Tôi có lầm không khi nghĩ rằng tất cả nền văn hoá trên trái đất đều được nhào nặn ra chỉ để phủ nhận bài thơ này ?

New Year's day
The hut just as it is
Nothing to ask for.

(Nanshi)

Xuân sang
thì mặc xuân sang
am cỏ nghèo nàn
khách đến
chào suông.

Nói vậy đã quá đủ cho một nếp nhà thanh bạch của người ẩn sĩ. Ngó trước trông sau chỉ là một mái che mưa nắng với bốn phía vách sẳn chổ cho gió lùa quanh năm. Cái duy nhất đáng giá của thảo am có chăng chính là tâm hồn cao rộng của người am chủ giữa cuộc đời tất bật áo cơm và danh lợi hảo huyền. Đón xuân trong một am nghèo như thế có thể không phải là nghèo. Hay có nghèo cũng cũng chẳng đến nỗi hèn.

New Year's day
What I feel, has been to much
For the words.

(Daio)

Ngày xuân
Trăm nỗi
buồn vui
Ta chẳng đủ lời
Nên lại vô ngôn.

Người ta nói nhiều chỉ vì một trong vài lý do rất dễ hiểu: Không đủ ngôn từ nên phải dây dưa, hoặc vấn đề vốn chẳng có gì đáng nói đành phải lê thê để gọi là, hay cũng có thể là ngôn ngữ được dùng như lớp vỏ bọc cho một tâm hồn nghèo túng. Nhà thơ của chúng ta có thể không nằm trong trường hợp nào cả. Trong mắt ông, có những chuyện nói bao nhiêu cũng không đủ và nếu nói được cũng chẳng để làm gì. Ngày xuân có lẽ không nên để phí bằng một việc hoài công như vậy. Chi bằng nằm khoèo ra đó lắng nghe đất trời chuyển dịch hồn nhiên, để thêm cơ hội hiểu ta hiểu đời.

The first day of the year
Through the door of my hut
A field of barley.

(Shoha)

Am nghèo
ngồi đón xuân sang
ngó qua cửa
cánh đồng vàng
mênh mông.

Muốn đủ thì sẽ đủ, muốn vui thì tự nhiên vui. Có người từng bảo Dục An Tất An hình như nhằm nói chỗ này. Có gì đổi được một tâm thái cao vời thanh thản đủ để trọn vui với hình ảnh một cánh đồng lúa chín trong một ngày xuân mà không cần bận lòng chuyện gì ngoài ra nữa. Một văn hào đương đại lừng danh của Nhật từng bảo rằng ông có tận lực kiếm tiền cũng chỉ để có thời gian rỗi rảnh làm việc mình thích. Nhà hiền triết Diogene của Hi Lạp xưa khi được vua A-Lịch-Sơn hỏi cần gì để chu cấp cho, cũng chỉ uể oải yêu cầu sau một cái ngáp vặt là xin được để yên để tắm nắng sáng mà không bị ai quấy rầy han hỏi. Quà xuân kiểu nầy cao sang lắm vậy, vì không phải ai cũng thưởng thức nổi !

The stream through the field
Ah ! the sound of the water
It is New Year's day

(Raiyan)

Rạt rào
nước chảy qua nương
Ô hay, nhớ lại
Ngày xuân đang về.

Có nhiều con đường để đi vào một cảnh giới. Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền. Có người phải thấy một cành hoa báo xuân mới hay tết đến. Có kẻ chỉ nghe một tí gió thổi, nước chảy  đã thấy trọn vẹn một ngày tân xuân. Có người liễu đạo bằng cả một đời khổ tu trên non cao rừng thẳm, khắc khổ kiêng khem chay tịnh. Có kẻ chỉ nghe qua một câu nói cũng đủ thấy ra lẽ huyền.

The first dream of the year
I kept it a secret
And smiled to myself.

(Sho-u)

Giữ riêng mình
giấc mơ xuân
lặng cười đã đủ
đâu cần kể ai !

Đạo khả đạo phi thường đạo. Nói ra được bằng lời thì đâu còn là Đạo nữa. Ngôn ngữ chỉ để ám tả gián tiếp cái bóng mờ của thực tại. Ôm chặt ngữ ngôn là dán mắt vào ngón tay chỉ trăng, ngàn đời không thể thấy được mặt trăng. Kinh điển Bắc truyền có một đóng góp đáng giá là đã tạo ra được những cách nói ởm ờ thơ mộng khó tìm thấy trong Phật ngôn truyền thống. Nhưng âm thanh nào cũng chỉ đưa ta đến cửa. Đoạn đường còn lại là của thể nghiệm, thực chứng. Có lẽ đó là lý do hiền thánh xưa nay chỉ đưa người một đoạn và luôn im lặng khi có ai đó hỏi về cảnh giới giác ngộ của các ngài. Niềm vui ngày xuân của một cao sĩ cũng là một nỗi riêng không thể nói hết bằng lời. Vì họ không hề vui xuân bằng những mai vàng pháo đỏ. Họ có cõi riêng. Muốn hiểu họ, hãy là họ.

The New Year's day
The desk and bits of paper
Just as last year

(Matsuo)

Ngày đầu xuân
Tôi với tôi
Thư trai cứ quạnh
Như hồi lập đông.

Cái thâm hậu của người Thiền là có thể thấy ra thực nghĩa của thời gian. Nó có thực không, có đến và đi không? Nó chỉ có thực khi ta thấy đó là chuyện cần thiết. Thiên hạ vui xuân vì thấy có một thời gian đến và đi, họ sợ mùa đông để yêu mùa xuân. Người hành giả không yêu cái chi, cũng không ghét cái gì. Họ không hề tiễn biệt mùa đông hay đón tiếp mùa xuân. Nói nôm na, thấy Như Thị chỉ đơn giản là lúc nào cũng thấy NÓ thế thôi. Họ đùa rỡn với khái niệm thời gian như một đứa bé giỏi chơi diều. Nó luôn trong tay người chơi. Đêm xuân đọc được bài thơ kiểu vậy, độc đáo lắm thay.


Calm days
The swift years
Forgotten

(Taigi)

Tháng ngày biền biệt
chảy xuôi
Chuyện nhân gian ấy
gì rồi cũng quên

Thời gian có thực không ? Đó là một câu hỏi ám ảnh tôi suốt một thời tuổi trẻ. Bây giờ đã qua nửa đời, tôi tự cho phép mình thôi thắc mắc. Có ai đó từng bảo rằng toàn bộ cuộc tu chỉ gói gọn trong khả năng chống chèo một cái lá trên dòng nước chảy xiết. Huyền nhiệm lắm thay. Buồn vui từ đó chỉ là những người khách lạ bên thềm, kể gì những hồi ức chỉ vừa đủ làm nặng thêm chiếc lá bình sinh.


A little bit of a nuisance
These flowers blooming
The sleeping Buddha.

(Issa)
Hoa nghịch ngợm
nở tung niềm tĩnh  mịch
tượng Phật nằm
mắt khép
đọng từ tâm

Phật giáo có ít nhất ba loại kinh điển: Kinh chữ, Kinh người và Kinh tượng. Chữ để đọc, người để noi và tượng để chiêm ngắm. Nhiều lúc nhìn thấy một khuôn mặt đẹp trên bức tượng Phật nào đó, người ta cũng có thể thấy ra lắm điều về những gì Ngài đã chứng ngộ, sở đắc và thuyết giảng. Chỉ riêng sự lặng lẽ trên mặt tượng cũng là một cuốn kinh ngàn trang diễm tuyệt. Một cái hoa nở, một chiếc lá rụng, đôi lúc cũng là quá ồn ào bên cạnh niềm tĩnh lặng vô bờ ấy. Nhưng không phải ai cũng thấy chừng đó âm lượng là ồn ào. Nhà thơ đã có được lỗ tai thứ ba.

I will knock
At the gate in the darkness
Where the U flowers leaves off

(Kyorai)

Ta gõ cổng
giữa mịt mùng trường dạ
cánh hoa nào vừa rụng xuống bên hiên

Gọi cửa giữa đêm không phải một việc làm vô cớ, hẳn phải có một duyên sự. Dù người gõ cổng là chủ hay khách. Và trong tâm cảnh chật hẹp đó, vẫn có người còn có thể nghe ra một tiếng hoa rụng, thậm chí cảm nhiều hơn nghe. Bài thơ là một dấu lặng mênh mông với mùi hương nhẹ nhàng mộng mị của một đoá dạ lan cuối vườn. Thế giới sẽ đẹp hơn khi thiên hạ có thêm những người đủ sức tham dự vào dấu lặng ấy. Nhân gian đau thương vì quá hiếm người thích lắng nghe thứ tiếng động vô thanh này.


From what flowering tree
I know not
But ah, the fragrance

(Basho)

Ta đâu biết
loài hoa nào đang nở
chỉ bất ngờ
đâu đấy
một mùi hương.

Từ ngọn nguồn nào trên non cao mà chảy về đây, bao nhiêu miền đất đã từng cưu mang nó,..Tất cả câu hỏi đó đôi lúc không cần thiết khi người ta đang đứng bên một dòng suối tuyệt đẹp. Tại đây và bây giờ, thế đã đủ. Những hòn đá rêu mốc giữa dòng, những đoá hoa dại ven bờ, những chùm bọt nước trắng xoá tung lên dội xuống trong một không gian mờ đục bụi nước, không đủ để người du khách đắm mình hay sao ? Truy tìm cái xa hơn dòng suối trước mắt chẳng là một kiểu hoang phí đấy sao ? Ai không thưởng thức được từng giây phút hiện tại sẽ suốt đời đau khổ. Câu  nói đó nghe như quá đáng, nhưng xem chừng không gì đúng hơn. Một đoá hoa, một mùi hương, đôi lúc chừng đó đã đủ rồi. Hãy tận hưởng nó thay vì cứ loay hoay với những tìm hiểu lý tính. Thưởng hoa nhờ vậy được nâng lên một chiều cao nghệ thuật khác.

By a house collapsed
A pear-tree is blooming
Here a battle was fought.

(Shiki)

Bên căn nhà đổ nát
Cội lê vẫn ngát hương
Ai ngờ đâu hôm trước
Ở đây bãi chiến trường

Đời sống, nói kỳ cùng, cũng chỉ là một sự đắp đổi giữa những gương mặt khác nhau của vạn hữu trong cuộc biến diệt không ngừng từ thiên thu đến ngàn sau. Khả năng sinh tồn một cách thông minh hình như phải là khả năng tùy duyên nhi hoá. Không thể thay đổi được cuộc đời thì người ta cũng có thể thay đổi cách nhìn đối với nó, từ một khía cạnh khác hay bằng một thái độ khác. Ta muốn buồn thì ở cung son vẫn buồn, ta có thể tự vui thì căn nhà đổ nát sau chiến cuộc cũng luôn sẵn có những thứ để thưởng thức. Một chút hoa dại bên hè, một làn khói xám len lỏi giữa trời chiều, chẳng hạn.

A pear-tree in bloom
In the moonlight
A woman reading a letter.
(Buson)
Đêm rằm
lê nở mặc lê
nàng ngồi
dưới bóng trăng thề
xem thư
Có thể nhà thơ chỉ muốn vẽ một bức tranh nhẹ nhàng, đơn giản. Nhưng bệnh nghề nghiệp cũng dắt tôi vào một lối đi riêng lẻ. Xa xa trên ngọn đồi kia là một thư sinh, có thể một người làm thơ, đang ngồi nhìn trăng mà độc ẩm. Dưới chân đồi, trên lối mòn dẫn về phố, có đôi tình nhân đang dìu nhau bước đi trong trăng. Bên chân bảo tháp trong hậu viên một ngôi chùa cổ, có vị tăng đang lặng lẽ tĩnh toạ. Và đâu đấy trong những lùm bụi, tôi như nghe được âm thanh khản đặc của một loài chim ăn đêm nào đó. Trong một cõi trăng rằm, tùy hoàn cảnh, mỗi người một việc. Đời sống là một sự lựa chọn.

The old pond
The frog jumps in:
The sound of water !

(Basho)

Ao hoang
Lau lách mấy chòm
Một con nhái bén
nhảy tòm:
nước xao?

Một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của thi hào Tùng Vĩ Ba Tiêu. Đã có trên mười bản dịch tiếng Việt cho nó. Tôi dịch cho vui, không hề tự cho là một thách đố. Hình như đã có hơn hai bản dịch tiếng Anh đã hạ chữ Plops ở cuối bài thơ để diễn cái âm thanh từ cú nhảy của con vật. Do hoàn cảnh, tôi dịch chữ Frog là Nhái thay vì là Ếch. Đành chịu thôi. Không hiểu thiên hạ đã cảm và hiểu bài thơ này ra sao, ở đây tôi tiếp tục đi lẻ loi trên con đường của mình, và thấy ra một hành giả Thiền Quán. Ba thứ Căn, Trần (cảnh), Thức gặp nhau trong thoáng hiện của Xúc ( trong Viniscaya cũng gọi Xúc là Trikasamnipàta: Chỗ tương hội của Lục Căn, Lục Trần và Lục Thức). Nói vậy cũng có nghĩa rằng đây chính là bức tranh minh hoạ cho toàn bộ cái gọi là Thế Giới. Bởi nói theo A-Tỳ-Đàm thì thế giới này có thể thu tóm trong một chữ Xúc ở nghĩa rộng. Các nhân duyên gặp nhau và hình thành nên cái gì đó. Sinh hay diệt đều là thời khắc hội ngộ của chư duyên. Các pháp có thể xuất hiện từ sự góp mặt của những nhân tố nào đó, và cũng có thể xuất hiện nhờ vào sự vắng mặt của những thứ nào đó. Có hay không, đôi khi cũng là một kiểu trợ duyên, và đều có thể là nhân tố tạo sinh. Miễn là khi chư duyên hội tụ hợp lý thì vạn vật hình thành. Ta gọi đó là Xúc ở nghĩa rộng nhất. Tôi đọc bài thơ trên của Basho với một liên tưởng như vậy. Và bên cạnh lý do âm vận, tôi cũng đã thử kết thúc bản dịch tiếng Việt của mình cho bài thơ trên bằng một hình ảnh để nhìn, thay vì là một âm thanh để nghe như bao dịch giả khác vẫn chọn lựa.

Hình như Nghe hay Nhìn là hai con đường khác nhau để ta đi vào hai cảnh giới không giống nhau. Ở đây phép tượng thanh đã được thế chỗ bằng cuộc chơi tượng hình.
(Còn tiếp)
Onceland, Giêng Bính Tuất
TOẠI KHANH


Source: http://hatcat79.com/Vanhoc/NXdocthohaicu.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.