Thứ Tư, 11 tháng 8, 2021

Lịch sử trang phục Tây Phương

Phần 1

Trong lịch sử, nhân loại đã từng trải qua các thời kỳ, tại các địa phương khác nhau hay những nhóm dân tộc khác nhau sẽ có những phong cách khác nhau về trang phục. Quần áo và trang sức phản ánh được người ở nơi ấy đối với cái đẹp có sự cảm thụ như thế nào. Bài viết này đưa độc giả vào những diễn biến lịch sử về trang phục người Tây Phương thời cổ đại(*)

Lịch sử phục trang phục của nền văn minh cổ đại Tây Á

Ai Cập là một nước có nền văn minh cổ đại, tuy nhiên những trang phục được lưu lại là không nhiều; chúng ta chỉ có thể thông qua những bức bích họa cổ để hiểu được hình thức trang phục cổ đại của họ. Do thời tiết vô cùng nóng nực mà người dân ở Ai Cập hầu như mặc rất ít quần áo, vật liệu may mặc cũng chỉ là những chất liệu lanh mỏng.

Những người đàn ông của tầng lớp quý tộc chủ yếu mặc một chiếc váy gọi là “thắt lưng vải”, phần trên thân để trần hoặc mặc một chiếc áo ngắn cổ tròn. Người phụ nữ nơi đây có trang phục là chiếc áo dài Trường Sam bó sát người, cổ tròn hoặc một chiếc váy đầm kéo dài từ phần ngực đến mắt cá chân, kết hợp mang một chiếc đai vắt trên vai. Những người dân bình thường và nô lệ sẽ mặc những loại vải có chất liệu dày hơn, thậm chí họ để thân thể trần, chỉ lấy một miếng vải nhỏ để che phần thân dưới.

trang phuc co dai 1
Phu nhân Ai Cập cùng nô lệ
trong trang phục cổ đại. (Ảnh: epochtimes.com)

Đối với những người Sumer đầu tiên sinh sống tại lưu vực sông Lưỡng Hà, các nhà khảo cổ học hiện đại cũng không biết nhiều về quần áo trang sức của họ. Nhưng từ những pho tượng được khai quật, ít nhất cũng thấy được nửa phần dưới của họ mặc váy hoặc một loại vải choàng qua vai quấn quanh người dài đến mắt cá, được suy đoán là của những người dân du mục từ phía bắc của vùng Trung Á tới. Kiểu áo choàng qua vai có thể dành cho cả đàn ông và phụ nữ, sau đó cách ăn mặc này tiếp tục ảnh hưởng đến những người Babylon và Assyria.

trang phuc co dai 2
Trang phục của người Sumer. (Ảnh: epochtimes.com)

Người Assyria và người Babylon thuộc về tộc người Do Thái đến từ sa mạc Ả Rập, trang phục của họ ngoài áo choàng giống người Sumer, cũng có một loại áo tay ngắn, dài đến đầu gối và một chiếc đai trên phần bả vai. Vật liệu sử dụng chủ yếu là len.

trang phuc co dai 3
Trang phục người của người Babylon. (Ảnh: epochtimes.com)

Cuối cùng là một đế quốc hùng mạnh với quyền lực vượt xa Ai Cập, đó là Ba Tư. Ba Tư thậm chí đã có một số cuộc tấn công vào Hy Lạp cổ đại. Nổi tiếng trong đó là chiến dịch chạy marathon nhằm tấn công thành bang Hy Lạp cổ. Phong cách trang phục nơi đây về cơ bản kế thừa áo choàng từ người Sumer nhưng nó được may rộng hơn, vật liệu không chỉ là len mà còn là lụa, vải lanh đến từ Trung Quốc, ngoài ra trên trang phục còn thêu nhiều hoa văn đẹp mắt. Trong thời điểm đó, kỹ thuật nhuộm vải rất phát triển, quần áo của người dân đa số là màu đỏ, xanh dương, trắng. Quan chức và quý tộc thường mặc quần áo có màu xanh tím than.

trang phuc co dai 4
Trang phục của người Ba Tư. (Ảnh: epochtimes.com)

Thời kỳ cổ đại cũng xuất hiện một loại dạng thức giống như “quần”, trang phục này đối với các dân tộc coi váy làm đồ mặc chủ yếu tại Tây Á về hình thái có chút bất đồng. Trong lịch sử, đại đế Alexander đã chinh phục đế quốc Ba Tư; vì Alexander áp dụng chính sách Hy Lạp hóa trong những khu vực mà ông chinh phục, nên trang phục trên hai bờ sông Lưỡng Hà dần dần trở thành phong cách ăn mặc Hy Lạp.

Diễn biến của trang phục Tây phương

1. Hy Lạp cổ đại – Trang phục váy hình vuông

Hy Lạp cổ đại là gốc rễ của nền văn minh phương Tây, chứ không phải là một vương quốc thống nhất. Hy Lạp do đông đảo các quốc gia (gọi là thành bang) cùng tạo thành một vòng tròn văn hóa, có phạm vi ước chừng từ Macedonia ở Balkan đến Kerry ở biển Địa Trung Hải. Các đảo bao gồm Biển Aegean và nhiều quốc đảo trên Biển Ionian, cũng như các khu vực duyên hải nhỏ của Tiểu Á (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay).

Theo các nghiên cứu khảo cổ học hiện nay, văn hóa Minos trên đảo Crete (đảo lớn nhất và đông dân nhất của Hy Lạp, và là đảo lớn thứ năm tại Địa Trung Hải) nảy nở sớm nhất trong khu vực Địa Trung Hải; theo các hiện vật khai quật được, niên đại thời kỳ hưng thịnh của nó ước chừng từ năm 3.000 đến năm 1.100 trước Công Nguyên.

Từ những bức bích họa có tại cung điện, thấy rằng đàn ông chủ yếu là mặc váy “thắt lưng vải”, áo của phụ nữ là áo ngăn tay bó sát thân kết hợp với một chiếc váy hình chuông nhiều tầng. Đàn ông và phụ nữ đều đeo thắt lưng da để thắt chặt eo. Những trang phục và lời nói người Minos khác với những trang phục của những thành bang khác, vì vậy mà có học giả đem văn minh cổ đại của Minos và văn minh Hy Lạp tách biệt ra độc lập với nhau.

trang phuc co dai 5
Bích họa văn minh Minos trên đảo Crete. (Ảnh: epochtimes.com)

Năm 776 trước công nguyên, người Hy Lạp đã tổ chức Thế vận hội Olympic đầu tiên, đánh dấu sự khởi đầu thời kỳ thịnh vượng của nền văn minh Hy Lạp cổ đại. Trong 250 năm sau, các thuộc địa của các thành phố Hy Lạp cổ đại trải dài trên khắp bờ biển Địa Trung Hải, bao gồm những nơi như Tiểu Á và Bắc Phi. Tại thời điểm này, trọng tâm nền văn minh Hy Lạp cổ đại dần dần tập trung tại Athens và Sparta.

Các thành bang Hy Lạp cổ đại được phân bố rộng rãi, mặc dù trang phục đa phần giống nhau về ngoại hình, nhưng vì sự bất đồng địa phương mà vật liệu may mặc cũng có sự khác biệt nhất định. Trang phục Hy Lạp cổ đại được gọi là bào y (Chitonic), về cơ bản là một tấm vải trắng lớn cuốn quanh người, sự khác biệt giữa đàn ông và phụ nữ không lớn, chỉ ở việc cách cuốn tấm vải trên thân là khác nhau.

Trang phục của nam giới không thay đổi nhiều, quần áo ở phần thân dưới giống như ở Ai Cập và khu vực sông Lưỡng Hà, tất cả đều được sử dụng một chiếc váy. Chlamys là tên một trang phục mặc từ phía trên dành cho nam giới, tương tự như một chiếc áo khoác ngoài, dài 5 thước Anh (1 thước Anh = 0,3048m) , rộng 3 thước Anh, phủ qua vai trái, che cánh tay trái.

trang phuc co dai 6
Trong bức tranh là vua David mặc y phục Chlamys.
(Ảnh: epochtimes.com)

Phong cách của quần áo nữ giới được chia thành ba loại: Doric, Loric và Peplos. Hai cái tên đầu tiên được lấy từ tên của hai cây cột trụ trong ngôi đền Hy Lạp cổ đại, phong cách Doric là phong cách trang phục đơn giản, giản dị còn phong cách Loric nhấn mạnh sự phức tạp cầu kỳ hoa lệ. Sự khác biệt giữ Peplos và Doric là ở phần đai, Doric có phần đai giấu trong áo trong khi Peplos thì lộ ra ngoài.

trang phuc co dai 7
Năm 530 trước Công Nguyên, trang phục Peplos
của phụ nữ Hy Lạp. (Ảnh: epochtimes.com)

trang phuc co dai 8
Mô tả về trang phục Hy Lạp cổ đại. (Ảnh: epochtimes.com)

2. Thời kỳ La Mã cổ đại – Vải dạng hình cung cuốn quanh thân thể

Nền văn minh Hy Lạp cổ đại không chỉ phát triển mạnh trong khu vực Hy Lạp, mà còn lan truyền đến Trung Á và Bắc Phi bởi đại đế Alexander. Sau hàng trăm năm thịnh vượng, cuối cùng cũng không tránh khỏi sự suy sụp. Người La Mã cổ đại chinh phục ngày càng nhiều khu vực Hy Lạp vào năm 146 trước Công nguyên, cùng với đó là sự thừa kế nền văn hóa Hy Lạp cổ đại. Trong khía cạnh quần áo, họ cũng mặc áo choàng giống như người Hy Lạp cổ đại.

Ngoài ra, người La Mã cổ đại cũng đã có phát minh riêng của họ: áo choàng này được gọi là Toga chỉ được mặc bởi công dân La Mã, đó là khoác trực tiếp một miếng vải hình vòng cung dài, tùy thuộc vào các dịp lễ mà nó sẽ được khoác kiểu khác nhau. Các công dân bình thường mặc áo trắng, áo của các quan chức và giáo sĩ có viền màu tím, các quan chức cao cấp có màu đỏ thẫm, các tướng lĩnh và hoàng đế thì được thêu bằng sợi chỉ vàng trên áo choàng màu tím. Ở La Mã cổ đại, màu trắng đại diện cho sự tinh khiết và toàn vẹn, và màu tím được coi là một màu sắc cao quý.

trang phuc co dai 9
Antoninus Pius trong “Ngũ hiền đế” của đế quốc
La Mã mặc áo choàng Toga. (Ảnh: epochtimes.com)

(*) Khái niệm “Tây Phương” trong thời cổ đại được hiểu là các quốc gia khu vực Tây Á và quanh biển Địa Trung Hải 


Phần 2

Trong lịch sử, nhân loại đã từng trải qua các thời kỳ, tại các địa phương khác nhau hay những nhóm dân tộc khác nhau sẽ có những phong cách khác nhau về trang phục. Quần áo và trang sức phản ánh được người ở nơi ấy đối với cái đẹp có sự cảm thụ như thế nào. Bài viết này đưa độc giả vào những diễn biến lịch sử về trang phục người Tây Phương từ thời Trung Cổ đến Thời kỳ Baroque, Rococo.

3. Thời Trung cổ – Từ tính dân tộc, thần tính đến nhân tính

Đế quốc La Mã cổ đại trải qua mấy trăm năm cường thịnh đã bắt đầu rơi vào suy bại; năm 395 sau Công Nguyên nó được chia thành đế quốc La Mã Tây và đế quốc La Mã Đông. Đế quốc La Mã Tây vẫn lấy thủ phủ tại La Mã, thống trị nước Ý cùng các bán đảo thuộc địa Châu Âu. Đế quốc La Mã Đông lấy thủ phủ tại Thổ Nhĩ Kỳ, cai trị các thuộc địa Tiêu Á, Bắc Phi và những nơi thuộc địa Hy Lạp.

Năm 476 sau Công Nguyên, đế quốc La Mã Tây bị xóa sổ bởi những người Nhật Nhĩ Mạn phương Bắc, Châu Âu bước vào thời kỳ Trung cổ hàng nghìn năm, còn được gọi là thời kỳ bóng tối, bởi vì tất cả các phần Châu Âu đều bị chiếm hữu bởi những tộc người man rợ khác nhau. Họ gọi chung là Man tộc, nền văn minh của Man tộc tương đối lạc hậu so với nền văn minh La Mã cổ đại, một số thậm chí không có chữ viết, giao chiến lẫn nhau, luôn xảy ra những vụ tàn sát và bắt cóc, khiến cho vùng đất Châu Âu hỗn loạn bất an, xã hội đang phát triển đột nhiên bị dừng lại, văn hóa thậm chí thụt lùi. Cho đến khi tín ngưỡng của Cơ Đốc giáo chảy vào, văn hóa nơi đây mới được dần dần hồi phục.

Trong hàng ngàn năm thời kỳ Trung cổ, sự thay đổi của trang phục được chia thành ba giai đoạn:

+ Thời kỳ đầu Trung cổ, trong các dân tộc vẫn chưa xuất hiện tín ngưỡng Cơ Đốc giáo nên họ vẫn ăn mặc trang phục La Mã cổ đại, pha trộn với phong cách riêng của quốc gia họ. Bởi vì phần lớn các dân tộc cư ngụ ở phía Bắc, khí hậu tương đối lạnh nên họ thường có thói quen mặc quần. Điều này đã làm thay đổi thói quen không mặc quần khi mặc áo dài, từ đó về sau những kiểu mẫu về quần cho phái nam tại Châu Âu mới bắt đầu phát triển.

+ Vào giữa thời Trung cổ, vì sự thịnh vượng của Cơ Đốc giáo, quần áo trang sức có sự thay đổi rất lớn. Các tín đồ Cơ Đốc bình thường sẽ mặc một chiếc áo choàng có tên là Dalmatic, đặc thù là có hai dải dài treo trên vai. Quần áo của phụ nữ có xu hướng bảo thủ do ảnh hưởng tôn giáo, họ quen với việc dùng khăn che đầu cùng với ống tay áo dài che kín thân thể.

trang phuc tay phuong 1
Bích họa khảm nạm bằng gạch men 
Tượng tín đồ Cơ Đốc giáo. (Ảnh: epochtimes.com)

+ Vào cuối thời Trung Cổ, khi nền kinh tế đã phát triển, những người giàu cũng nhiều hơn, khiến quần áo và trang sức phát triển lên một bước mới. Tại thời điểm này, một thẩm mỹ theo phong cách Gothic đã được phổ biến ở châu Âu; ban đầu nó là một thuật ngữ kiến trúc đề cập đến một nhà thờ với ngọn tháp cao chót vót. Đây là loại thẩm mỹ thể hiện tất cả ra bên ngoài, khá phô trương, màu sắc tươi sáng, và đôi khi áp dụng sự phối hợp màu sắc không đối xứng.

Đàn ông ngoài chiếc trường bào (áo khoác dài) ở bên ngoài, bên trong còn mặc một chiếc áo bó sát người và chiếc quần bó sát chân, kết hợp một chiếc thắt lưng để làm nổi bật vóc người. Phụ nữ chủ yếu vẫn mặc trường bào, đuôi của trường bào rất dài, kéo lê trên đất, đai lưng buộc ngay dưới ngực để lộ phần bụng nếu họ có mang thai, họ cho rằng điều này thể hiện sự tôn kính đối với Thánh Mẫu Maria. Trong các bức tranh được lưu lại, khuôn mặt của các nhân vật trong thời kỳ này rất gầy và nhọn, giày đeo có mũi nhọn, tất cả đều thể hiện phong cách Gothic.

trang phuc tay phuong 2
Chân dung của Arnolfini và vợ của ông, năm 1434
(Ảnh: casaprints)

4. Thời kỳ văn nghệ Phục Hưng – Trang phục làm nổi lên đặc điểm giới tính

Từ “Phục Hưng” (Renaissance) mang ý nghĩa “tái sinh”, lại một lần nữa những người dân Châu Âu xem trọng, tiếp nối suy nghĩ và hành động của nền văn minh Hy Lạp và La Mã cổ đại, bắt đầu từ cuối thế kỷ 14 đến khoảng năm 1.600. Xu hướng này đã quét qua tất cả các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, kể cả trang phục. Thời kỳ Phục Hưng bắt đầu ở Ý, do đó, sự thay đổi trong trang phục bắt đầu ở Ý và dần dần ảnh hưởng đến các quốc gia khác ở châu Âu.

trang phuc tay phuong 3
Bộ khung váy (Crinolines). (Ảnh: epochtimes.com)

Trái ngược với ý tưởng lấy thần làm chủ điểm trong thời kỳ Trung cổ, thời Phục hưng là một “chủ nghĩa nhân văn” bị chi phối bởi con người, nó có sự nhấn mạnh về giới tính trong trang phục. Người đàn ông nhấn mạnh cơ thể mạnh mẽ cường tráng nam tính, áo rộng phồng lên để tôn lên phía cơ bắp bên trên, kết hợp với quần cụt bó chặt người làm nổi bật các bộ phận thể hiện nam giới.  Phụ nữ mặc áo gi-lê, váy có khung bên trong, thắt chặt eo, áo nịt ngực, có miếng đệm mông và giày đế cao để làm nổi bật nữ tính, trang phục có cổ áo cứng và cao kín cổ. Tại thời điểm này, bất kể nam giới và phụ nữ rất chuộng đeo một loại trang trí có dạng tua rua ở cổ được gọi là “Ruff”.

trang phuc tay phuong 4
Chân dung của Nữ hoàng Elizabeth I,
trang phục thời Phục hưng. (Ảnh: epochtimes.com)

trang phuc tay phuong 5
Hình ảnh công chúa Tây Ban Nha Isabella,
thời Phục hưng. (Ảnh: epochtimes.com)

5. Thời kỳ Baroque, Rococo – trang phục từ phức tạp đến sang trọng

Xu hướng văn hóa châu Âu của thế kỷ XVIII đã thay thế thời Phục hưng với phong cách Baroque, khi Pháp trở thành một quốc gia dẫn đầu trào lưu về quần áo. Thế kỷ XVIII có thể được cho là thời đại của Vua Louis XIV của Pháp; trang phục và hành vi của ông là những thứ mà người châu Âu tranh nhau bắt chước. Vào thời điểm này, đàn ông không còn nhấn mạnh nam tính, họ mặc quần áo theo hướng ngược lại: đội tóc giả rất dài và đi giày cao gót.

trang phuc tay phuong 6
Vua Pháp Louis XIV, người lãnh đạo
xu hướng thời đại. (Ảnh: epochtimes.com)

Các cổ áo nhăn tua rua trở thành một phong cách lỗi thời; phong cách mới là một cổ áo rộng. Đàn ông vẫn duy trì kiểu áo và quần, những chiếc áo được thiết kế riêng, quần dài đến đầu gối, quần nội y mặc bên trong bó sát. Đường viền cổ tay, ống tay áo và phần trên quần cùng được trang trí với những đường viền ren lớn, đồ lót cũng được trang trí với một số lượng lớn các dải ruy băng, đồ lót nam cần sử dụng một dải băng dài khoảng 100 mét.

Ngoài ra, trang phục thời kỳ này lưu hành đeo găng tay, đội nón rộng vành thể hiện sự phóng khoáng và khoan thai của người đàn ông. Tại thời điểm này, trang phục của người đàn ông có thể được cho là cầu kỳ nhất trong lịch sử, nếu nam giới trong thời kỳ Phục hưng là một “người đàn ông kiểu khuôn mẫu” thì người đàn ông của thời kỳ Baroque là “Hoa mỹ nam”. Phần váy duy trì dạng thức nhiều lớp, phần ngoài cùng được trang trí rất cầu kì, từ hoa kết cho đến các viền ren, phối hợp với các lớp bên trong, tạo nên màu sắc và tư thế hết sức hoa lệ.

trang phuc tay phuong 7
Bà Pompadour, năm 1759,
với quần áo kiểu Rococo. (Ảnh: epochtimes.com)

Thế kỷ mười tám là một thế kỷ của sự thay đổi lớn lao: Sự khai sáng, Cách mạng Công nghiệp và Cách mạng Pháp diễn ra trong thế kỷ này. Trước cuộc cách mạng vĩ đại, quần áo châu Âu, giống như các lĩnh vực văn hóa khác, đã được phổ biến với phong cách “Rococo”, là một biến dạng phóng đại dựa trên phong cách Baroque, làm cho trang phục trở nên phức tạp và sang trọng hơn.

trang phuc tay phuong 8
“Hôn nhân thời thượng” – William Hogarth.
Phong cách Rococo. (Ảnh: epochtimes.com)

Tại thời điểm này, bộ tóc giả nam thay đổi từ mái tóc dài xoăn thành ngắn xoăn, tóc phía sau lưng được buộc một chiếc nơ với hình dạng kiểu tóc thắt đuôi ngựa. Ba thứ đồ không thể thiếu trong Âu phục của nữ giới là áo gi-lê, váy có khung, áo thắt bụng, thời kỳ này áo gi-lê được mặc ra ngoài, phía trên được trang trí với những hình vẽ cùng trang sức hoa lệ. Trang phục phồng to cùng với kiểu tóc cao đã tạo thành một trong những hình dạng kỳ lạ nhất của trang phục phụ nữ trong lịch sử.


Phần 3

Trong lịch sử, nhân loại đã từng trải qua các thời kỳ, tại các địa phương khác nhau hay những nhóm dân tộc khác nhau sẽ có những phong cách khác nhau về trang phục. Quần áo và trang sức phản ánh được người ở nơi ấy đối với cái đẹp có sự cảm thụ như thế nào. Bài viết này đưa độc giả vào những diễn biến lịch sử về trang phục người Tây Phương

6.Thời kỳ chủ nghĩa tân cổ điển – đặc trưng là tự nhiên, giản dị

Dưới ảnh hưởng của phong trào Khải Mông (thế kỉ 17 đến thế kỉ 18), xã hội Châu Âu bị bao phủ bởi chủ nghĩa lý tính và dân chủ, dẫn đến sự bùng nổ của Cách mạng Pháp năm 1789, lật đổ chế độ vương quyền chuyên chế và thiết lập một chính thể cộng hòa dân chủ. Ý tưởng về “tự do, bình đẳng, bác ái” cũng ảnh hưởng đến nghệ thuật đương đại cùng quần áo và trang sức, mọi người đã từ bỏ sự cường điệu sang trọng của thời kỳ Rococo và cổ xúy cho phong cách trang phục tự nhiên, đơn giản.

trang phuc tay phuong co dai 10
Chân dung của Pierre Sériziat, David (thời kỳ tân cổ điển),
(1795). (Ảnh: epochtimes.com)

Tại thời điểm này người đàn ông không còn đội tóc giả và đi giày cao gót, mà thay thế bằng mũ và ủng dài. Chiều dài của áo khoác và áo gi lê được rút ngắn, cũng có áo đuôi én, cổ áo sơ mi được dựng lên kết hợp cùng với khăn quàng. Ngoài chiếc quần dài đến đầu gối, thời điểm này đã phổ biến hình thức quần dài, chính là nguyên mẫu của bộ đồ hiện đại. Xu hướng suy nghĩ tự nhiên và bình thường cũng ảnh hưởng đến quần áo của phụ nữ; áo khoác, váy và áo nịt ngực đều bị gỡ bỏ, chuyển sang áo choàng với tay áo ngắn, vừa vặn với thân người.

trang phuc tay phuong 11
Chân dung của Nữ hoàng Josephine của Napoléon.
(Ảnh: epochtimes.com)

7. Cận đại – thợ may và hiệu may bắt đầu xuất hiện

Máy may được phát minh vào thế kỷ 19 đã đẩy nhanh sự phát triển của lĩnh vực quần áo của phương Tây. Nhờ những nỗ lực của nhiều người, máy may gia dụng hàng loạt đầu tiên được giới thiệu vào năm 1851. Quần áo thời trang có thể được sao chép và phổ biến với số lượng lớn, không cần phải được sửa chữa theo cách thủ công. May quần áo bằng máy trở thành mô hình chính của việc sản xuất trang phục cho con người.

Quần áo của nam giới về cơ bản theo phong cách gồm ba mảnh (quần, áo, áo khoác), hình ảnh một quý ông người Anh thường thấy trong phim ảnh hoặc trên truyền hình là phong cách ăn mặc điển hình của thời đại này.

trang phuc tay phuong 12
Trang phục điển hình của quý ông người Anh thế kỷ 19.
(Ảnh: epochtimes.com)

Quy luật “vật cực tất phản” lại tái hiện trên quần áo của phụ nữ. Vào thời gian này, phong cách hoa lệ với khung váy to rộng và trang trí rườm rà lại một lần nữa được thổi phồng, người phụ nữ rất coi trọng những đường cong cơ thể, vòng 1 và vòng 3 phải thật đẫy đà nảy nở, họ coi đây mới là vóc người lý tưởng. Vì thế mà người phụ nữ trong thời kỳ này thường mặc những chiếc váy có khung phía sau vổng hẳn lên, hoặc sử dụng miếng độn mông; đồ trang sức cũng bắt đầu nhấn mạnh đường cong xinh đẹp ở phần lưng.

trang phuc tay phuong 13
ng chúa Broggley. (Ảnh: epochtimes.com)

8. Hiện đại – Một niên đại có nhiều sự thay đổi

Trong thế kỷ hai mươi, sau tác động của sự kiện Chiến tranh thế giới lần thứ hai, sự nổi lên của các nhà thiết kế thời trang và phong trào nữ quyền, trang phục của người phụ nữ đã có thay đổi rất lớn, ngược lại với quần áo nam đã trở thành một hình thức cố định, bao gồm chủ yếu là âu phục, cà vạt cùng áo sơ mi phối hợp với quần dài.

Sự thay đổi của quần áo phụ nữ là đặc điểm lớn nhất của ngành may mặc thế kỷ 20. Không giống như xu hướng thời trang của vài thế kỷ qua, hầu hết phải trải qua một trăm năm đến vài trăm năm mới có một sự thay đổi. Quần áo phụ nữ thế kỷ 20 cứ sau 10 năm lại có biến đổi rõ ràng. Từ đầu thế kỷ, chịu ảnh hưởng của phong cách Art Nouveau, theo đuổi những đường cong hình chữ S lãng mạn và nữ tính, bắt đầu biến thành trang phục thực tế hơn, sử dụng áo nịt ngực thắt chặt, sau đó bị ảnh hưởng bởi những người ủng hộ giải phóng nữ quyền mà tự nhiên hủy bỏ nó đi. Tại thời điểm này, quần áo của phụ nữ không còn là lựa chọn đơn giản giữa váy hay áo choàng nữa, mà nhờ vào sự phổ biến của xe đạp, những chiếc quần xuất hiện theo kiểu ống bo chun với phần trên phồng – gọi là quần đèn lồng  – đã trở thành một lựa chọn mới cho quần áo phụ nữ.

trang phuc tay phuong 14
Phong cách váy thoải mái cho phụ nữ
vào đầu thế kỷ 20. (Ảnh: epochtimes.com)

trang phuc tay phuong 15
In lại từ tờ GW Times năm 1983, đội bóng rổ nữ
tại Đại học George Washington, mặc những chiếc quần
đèn lồng nổi tiếng. (Ảnh: epochtimes.com)

Chiến tranh thế giới thứ nhất đã cho phụ nữ cơ hội từ những người phụ nữ gia đình có thể đi ra ngoài xã hội, thay thế đàn ông trong nhiều công việc khác nhau. Quần áo không còn theo phong cách tuyệt đẹp nhưng bất tiện, mà là một bộ quần áo tiện dụng, thiết thực. Sự nổi lên của các nhà thiết kế thời trang đã dẫn đến nhiều trang phục cho nhiều dịp sử dụng khác nhau, chẳng hạn như CoCo Chanel thiết kế trang phục thể thao, đồ bơi nữ vào những năm 1920, đã trở thành một sự kiện kinh thiên động địa. Cô không chỉ được thiết kế quần áo, mà còn mang lại cho phụ nữ sự tự do, đơn giản, và mang ý nghĩa giải phóng.

Ngoài sự dẫn dắt từ các nhà thiết kế, phong cách nghệ thuật thay đổi của nửa đầu thế kỷ 20 cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của trang phục. Trong những năm 1930, sự phổ biến của các bộ phim Mỹ tăng tốc cùng với sự phát triển của trang phục, với tính thẩm mỹ như là dòng chảy chính. Sự trưởng thành quyến rũ thay thế cho nữ tính tự nhiên đã trở thành thời trang; đường cong cơ thể thay thế hình dáng thẳng tắp trước đó; trang phục nữ để lộ lưng trần là kiệt tác riêng của thời kỳ này.

trang phuc tay phuong 16

Chiếc váy đen của Givenchy được thiết kế bởi Audrey Hepburn trong phim “Diffany Breakfast” đã trở thành bộ đồng phục của các cô gái Paris. (Ảnh: epochtimes.com)

Do vật chất của cải thiếu thốn trong Thế chiến II, châu Âu bắt đầu thực hiện chính sách phối ngạch vải vóc, đồng phục cũng từ đó mà xuất hiện. Tại thời điểm này, trang phục trở nên rất tiện lợi, thiết thực và bền bỉ. Cho đến khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai, khi thế giới trở lại hòa bình, phụ nữ mới lấy lại nữ tính trong trang phục. Thời đại này đã tạo ra một bậc thầy trong ngành thời trang Pháp – Christian Dior.

Những đứa trẻ được sinh ra dần dần phát triển thành nhân vật chính trong nửa sau của thế kỷ 20, sự lựa chọn quần áo của họ sẽ ảnh hưởng đến cách ăn mặc của con người trong thế kỷ tiếp theo. Ngoài ảnh hưởng liên tục của phim ảnh và truyền hình Mỹ, văn hóa phổ biến tại thời điểm này, các phong trào chống chiến tranh, giải phóng tư tưởng, phong cách punk và thậm chí cả phong cách Barbie trong cuộc sống thực đều có thể trở thành yếu tố ảnh hưởng đến quần áo. Thế kỷ 20 đã trở thành thế kỷ đa dạng và hỗn loạn nhất trong lịch sử ngành quần áo.

Đương đại – quan niệm “Mặc gì cũng được?”

Internet đã kết nối thế giới vào một ngôi làng toàn cầu, phạm vi lan rộng trên khắp thế giới, việc theo đuổi thời trang đã làm cho quần áo của con người hiện đại trở nên đồng nhất. Không có tiêu chuẩn truyền thống nào về đạo đức, ý kiến công chúng, tầm nhìn xã hội, và thậm chí cả giới tính, mà chỉ nhấn mạnh đến sự giải thoát của cá nhân, nhấn mạnh đến sự thích và không thích của bản thân. Quan niệm “Quần áo gì cũng được, cách ăn mặc nào cũng được” có vẻ đã trở thành đặc tính lớn nhất của quần áo đương đại.

Do phong cách thể hiện khác nhau của quần áo, con người đã để lại nhiều hình ảnh khác nhau trong lịch sử: cao quý, tuyệt đẹp, sang trọng, nam tính, tinh tế, hạn chế, tràn đầy năng lượng và chân thành. Mặc dù phong cách của các thời đại khác nhau trải qua trong hàng ngàn năm, những hình ảnh này luôn được trình bày với một ý nghĩa nhất định về thể hiện cái đẹp.

- Uyển Vân biên dịch 


Source: Lịch sử trang phục Tây Phương thời cổ đại (Phần 1) (mythuatms.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.