K hi tôi thi đậu Tú Tài hai, cha mạ tôi liền tập họp cả nhà lại với nhau để bàn tính tương lai cho tôi, có hai anh trai tôi đi lính đóng quân ở Sài Gòn được dượng tôi ưu ái cấp phép nghỉ cùng một lúc để về nhà ăn mừng " cô Tú" là tôi đây., và thêm đứa em trai út, không thiếu mặt người nào Lẽ dĩ nhiên là tôi phải được vào Đại Học để sau này còn làm " cô Cử" nũa chứ vì tôi là niềm vinh dự cho gia đình mà. Cha tôi hỏi:
- Con thích học ngành chi?
Tôi trả lời ngay:
- Dạ, nghành Báo Chí, con thích làm phóng viên…
Cha lắc đầu:
- Không được, con gái nết na thùy mị không thể đi lung tung để săn lùng tin tức…, học ngành khác đi.
- Rứa thì con học Luật, con thích làm luật sư.
Hai anh khoát tay phản đối:
- Em như trái mít ướt, hơi tí là khóc, chưa cải được chi cho thân chủ, bị hù dọa là khóc liền ở trước tòa, không được, học ngành khác.
Tôi sụ mặt:
- Hai ngành con thích mà không cho học, con biết học ngành chi chừ.
Đến lượt mạ lên tiếng:
- Thôi, học cái chi mà ra làm giáo sư ấy.
- A, đúng rồi, học Sư Phạm hợp với con lắm đó.
Tôi lắc đầu:
- Con không thích ngành Sư Phạm, chán lắm, để từ từ con nghỉ coi, còn lâu mà, con mới đậu thôi, đã lấy bằng tú tài mô.
Cuộc họp tạm thời chấm dứt khi Vú dọn cơm ra bàn, cha mạ tôi vui nhất, rồi tới Vú. Bửa cơm hôm nay Vú nấu nhiều món ngon để khao "cô Tú ". Tôi thật là hạnh phúc.
Anh hẹn gặp tôi ở dốc đồi dòng Phanxico, vú là người đưa thư hẹn hò vì cha mạ không cho tôi dính vô chuyện tình cảm khi phía trước của tôi là cả một tương lai sáng lạn. Nhưng mà…ai cấm nổi trái tim tôi đừng yêu.
Anh nhìn tôi cười và hỏi:
- Răng? Thủy chọn học ngành chi?
Tôi than:
- Thủy muốn học Báo Chí hoặc là Luật mà nhà không cho, chán ghê.
- Rứa thì để anh chọn cho ha, chịu không?
- Anh thích Thủy học chi chừ?
- Anh thích Thủy học Sư Phạm, mai sau làm cô giáo, anh thích vợ mình là cô giáo, vừa đi làm mà lại có thì giờ lo cho chồng con, Thủy hiền lắm, làm cô giáo rất hợp. Anh sẽ đợi, mấy năm anh cũng đợi, cho tới khi mô Thủy ra trường đi dạy học thì hai đứa mình cưới nhau.
Anh nói tiếp:
- Lên Đà Lạt cho gần, anh hỏi thăm rồi, ở trường trên nớ có ngành Sư Phạm đó.
Tự nhiên tôi thấy yêu nghề dạy học quá, vậy là tôi quyết định học Sư Phạm. Thật là mau lẹ và đơn giản. Buổi tối trong bửa cơm tôi nói với cả nhà:
- Con quyết định học Sư Phạm với Văn Khoa, sau này dạy Văn chương.
Mọi người thở phào vui vẻ, bây giờ tới lượt: Học ở đâu? Sài Gòn chăng? - không được, trong đó xô bồ dể hư thân. Huế à? - ái chà, xa quá. Vậy thì Đà Lạt? - Được đó. Thế là xong.
Trong khi chờ đến ngày tựu trường tôi và anh vẩn hẹn hò gặp gở nhau, vẩn viết thư cho nhau dù ở rất gần nhau và Vú là người làm công việc " chim xanh" cho hai đứa. Khi thấy tình cảm của chúng tôi lớn dần theo ngày tháng thì cha mạ tôi bắt đầu can thiệp: ngăn cấm không cho quen nhau nữa nhưng ông bà đã chậm mất rồi…
Tôi nhập học, nhờ sự giới thiệu của Đức cha Nguyễn văn Thuận mà tôi được nhận vào ờ trong Đại Học Xá Bình Minh. Tôi bắt đầu làm quen với đời sinh viên và thích thú vì được sống xa nhà.
Đà Lạt đẹp và tình tứ, lãng mạn, nên thơ, tôi chấm điểm mười cho thành phố của Hoa Anh Đào, Mimosa, Dã Qùy, Pensée…Viện Đại Học nằm trong một khu đất rất rộng, trong khu đất đó có nhiều ngọn đồi và trên mổi ngọn đồi là một giãng đường như: Minh Thành 1,2,3,4, giãng đường Spenmell… khu Năng Tỉnh có một ngôi Thánh Đường nhỏ và một dảy phòng dành riêng cho các Giaó Sư từ SG hoặc Huế nghỉ lại. khu Năng Tĩnh này nằm trên một ngọn đồi có vị trí đẹp nhất, yên tỉnh nhất, còn có một câu lạc bộ dành cho sinh viên nữa.
Mới vào ở đại học xá có năm ngày thôi thì anh ấy đã bay lên thăm tôi, câu đầu tiên anh nói khi ôm tôi vào lòng là:
- Anh nhớ Thủy dể sợ.
Anh chỉ có hai ngày phép để lên ĐL, không có gì sung sướng hạnh phúc cho bằng khi hai ngày đó chúng tôi lúc nào cũng ở bên nhau, chỉ trừ buổi tối tôi phải về đhx để ngủ mà thôi. Đây là bí mật của chúng tôi, cha mạ tôi không hay biết gì.
Tôi vui lắm, làm sinh viên trường đại học không giống học sinh thời trung học. Tôi cảm thấy mình lớn hẳn, trưỡng thành và chững chạc, bản lãnh hơn, mặc dù lúc nào cũng bị kêu: "Thủy mi nhon", có lẽ tại tôi có một dáng dấp rất dễ thương và đặc biệt?
Những ngày nghỉ học các anh chị lớp lớn thường tổ chức những đêm " Văn nghệ bỏ túi" ở một giãng đường nào đó mượn được trong viện đại học. Được đi dự những đêm văn nghệ bỏ túi tôi thích lắm. Vì là lính mới tò te nên tôi rất ngưỡng mộ các chị ở lớp trên, đặc biệt trong số đó có hai chị hát rất hay, đó là chị Lựu và chị Thu Hiền. Người nào muốn đêm văn nghệ do mình tổ chức có " giá trị" thì phải cố làm sao mời cho được chị Lựu, chị Hiền. Chỉ cần một cây đàn guitare, với giọng ca chị Lựu thì Mái Tóc Dạ Hương trở nên óng ã như một dãi lụa đào. Hay Suối Tóc trở nên đen mượt như nhung. Và Ngày Xưa Hoàng Thị, chị Thu Hiền luôn làm cho lòng người nghe phải xao xuyến bồi hồi. Mấy đứa sinh viên đàn em năm thứ nhất như tôi rất ngưỡng mộ hai chị ấy nhưng hình như hai chị không hề để mắt tới…
Chỉ còn mười ngày là đến lể giáng sinh, anh viết thư hẹn với tôi ngày 23/ 12 anh sẽ lên thăm tôi hai ngày. Tôi như được bay bổng trên mây thì bất ngờ cha tôi lên trước anh một ngày, " áp tải" tôi về Nha Trang ăn mừng lễ giáng sinh với gia đình. Tôi buồn quá chừng. Anh gởi tặng tôi một hộp kẹo chocolat, quà không đến tay tôi mà lại đến tay cha tôi, thế là hộp kẹo đang được gói giấy kiếng hoa màu rất đẹp bị cha tôi biến nó thành một thứ đồ phế thải, và mạ tôi lại còn mang lên nhà cô của anh trả lại với một câu buộc tội:
- Hắn bỏ bùa mê trong kẹo cho con Thủy ăn…
Đêm Noel tôi khóc quá chừng.
Thời gian qua nhanh, tôi được lên năm thứ hai với số điểm khá cao mặc dù môn chử Nôm tôi không sao học nổi, và chỉ viết được có ba chử: họ và tên cuả mình. Hình như khi tôi lên năm hai thì giá trị của tôi trong con mắt cha mạ càng lớn, sự cấm đoán càng cao. Cha mạ tôi cương quyết đến tuyệt đối không cho tôi gặp gở anh ấy, đến nổi chỉ cần tôi và anh ấy nhìn nhau khi anh đi ngang qua nhà tôi, mạ lôi ngay tôi vào trong nhà mắng xối xã. Nhưng mà đối với tôi thì mổi lần bị cấm, bị mắng tôi lại càng thích thú, càng quyết tâm lao đầu vào yêu.
Mạ tôi lúc nào cũng đem anh ấy ra để"vạch lá tìm sâu" và cha tôi cứ tìm cách nhét những con sâu đó vào trong cái đầu của tôi, còn tôi thì khi nhận những con sâu ấy tôi đã đem băm vằm cho nó nát bấy và chôn thật sâu. Tôi nghỉ rất đơn giản: " người già thì có nhiều sâu hơn người trẻ". Và tôi càng yêu anh nhiều hơn, yêu luôn cả những con sâu anh có mà mạ tôi chưa kịp vạch ra.
Đến ngày nhập học, hai đứa tôi hẹn gặp nhau ở bến xe, anh sẽ đưa tiển tôi lên Đà Lạt. Tôi gởi hành lý cho bác tài xế, và leo lên ngồi sau chiếc xe gắn máy mà anh mượn của bạn, anh nói:
- Anh chở Thủy đi ăn sáng rồi đưa ra xe, sau đó anh về phi đoàn để đi bay.
Tôi không ngờ mạ tôi đã có sự nghi ngờ nên bà nhờ người quen chở ra bến xe tìm tôi, chỉ thấy đồ đạt mà không thấy tôi, bà giận điên người nên khi tôi từ trên xe anh bước xuống trước cổng bến xe, tôi vừa đến bên xe là mạ tôi bay vào túm tóc tôi đánh đấm túi bụi trước mặt đám đông như người ta đánh ghen. Bác tài xế nhảy vào can thiệp, lớn tiếng la mạ tôi là "ác mẩu", bác đẩy tôi vào trong xe, đóng sầm cữa lại…Anh có thấy hay không?
Suốt chặng đường từ Nha Trang lên Đà Lạt, tôi chỉ có một suy nghỉ duy nhất là: không bao giờ tôi rời xa anh.
Khi tôi học năm hai thì hai chị Lựu và chị Hiền học năm cuối, các chị vẫn được mời hát cho những đêm văn nghệ bỏ túi của sinh viên. Và một lần chị hát bài: "Còn một chút gì để nhớ", một bài hát rất mới, rất hay, từng lời từng chử thấm sâu vào trong tâm hồn tôi và tôi nghỉ rằng nhất định một ngày nào đó mình sẽ lên dạy học ở trên đó. Mổi cuối tuần sinh viên mới có thời khóa biểu cho tuần tới tùy theo sự sắp xếp của các Giaó sư ở SG nên có những tuần sinh viên phải học bù đầu bù cổ, ngược lại có tuần thì rất rãnh rang. Hai khoa: Sư Phạm và Văn Khoa không phải học gắc gao như bên Chính Trị Kinh Doanh hay Khoa học mà cứ tà tà…vừa học vừa rong chơi nên tôi có lắm thời gian " đuổi hoa bắt bướm".
Ngày nghỉ lể tôi phải về thăm nhà vì cha tôi bắt buộc như vậy, sợ rằng anh sẽ lên thăm tôi. Chưa bao giờ tôi có một mùa Gíang Sinh vô nghĩa đến như thế khi mà tôi bị cha mạ canh chừng như canh tù, cha tôi còn bắt tôi phải vào nhà thờ, mở sách thánh ra rồi đặt tay lên đó mà thề là không được yêu anh ấy nữa. Tôi nhất định không chịu mặc cho cha mạ tôi hò hét khóc lóc. Dù bị nghiêm cấm nhưng nhờ Vú che đậy và em trai tôi " đưa đường dẫn lối" nên hai đứa tôi cũng thường xuyên được gặp nhau.
Một ngày gần cuối năm cha mạ tôi thông báo một tin động trời:
- Cha mạ sẽ gả con cho anh H. con của ông N. Qua tết làm đám hỏi, chừng mô con ra trường thì đám cưới.
Tôi biết anh H. này rồi, nhà anh ta ở bên Đồng Đế, tôi ví nhà đó như một lò sản xuất ra toàn là giáo sư; cha của anh ta dạy pháp văn trường Lasan, anh của anh ta vừa là linh mục vừa là giáo sư thần học của Giaó Hoàng Học Viện Đà Lạt, em gái cũng là giáo sư, lạ một điều là cả nhà họ đếu dạy tiếng Pháp ở những trường nổi tiếng. Dưới con mắt của cha mạ tôi thì đó là một " mối ngon".
Cha tôi ép buộc tôi phải đi chơi, đi xem ciné, uống cà phê, ăn kem…v. v…và…v. v với anh H., sự ép buộc của cha cộng thêm mấy con sâu mạ tôi vừa bắt được ở nơi anh ấy tạo cho tôi một áp lực quá lớn. Tôi nhận lời đi chơi với anh ta cho khỏi bị tra tấn.
Anh H. đưa tôi đi ăn kem, tôi ngồi im lặng từ đầu tới cuối, anh ta nói nhiều lắm, vẽ ra cho tôi thấy một bức tranh đẹp trong đó có tôi và anh ta, anh ta nói đến chử hiếu và đạo làm con mà tôi phải thực hiện, cuối cùng anh ta nói một câu chắc nịch:
- Cha mạ em đã hứa gã em cho anh rồi đó, em phải nghe theo lời người lớn, quên anh chàng phi công đó ngay.
Trời đất, tôi nghỉ đầu óc anh H. này có vấn đề hơi lộn xộn, nơi anh ta có một con sâu róm khổng lồ đầy lông lá rất đáng sợ mà sao cha mạ tôi lại không nhìn thấy?
Ăn xong ly kem tôi nhất định đòi về. Tới cổng nhà tôi vừa quay lưng thì anh ta đưa tay nắm lấy tay tôi, tôi rùng mình ớn lạnh, lật đật rút tay ra và đi thật nhanh vô nhà, tôi ra sau sàn nước lấy xà bông rữa tay cho thật sạch, vừa kỳ cọ bàn tay tôi vừa cảm thấy có lổi với người yêu của mình khi đã để cho người khác chạm vào tay tôi, vì ngoài anh ấy ra không một ai được đụng vào tôi.
Em trai tôi chở tôi đi lễ nhà thờ DCCT Nha Trang, thật sự thì em tôi chở tôi đến chổ hẹn hò với anh, cha mạ tôi đã giao tôi cho em tôi canh giữ, tôi mừng lắm vì ông bà đã " giao trứng cho ác" mà không biết.
Tôi khóc với anh và bàn tính kế hoạch cho hai đứa:
- Anh ơi, anh xin đổi lên Pleiku làm việc đi anh, học hết năm nay Thủy sẽ lên sau. Năm thứ ba, thứ tư không cần phải thường xuyên có mặt trong giãng đường, lên đó mổi tháng Thủy về Đà Lạt lấy cour học hàm thụ cũng được, cuối năm thứ ba làm dự án, năm thứ tư làm luận án ra trường là được rồi. Có như rứa hai đứa mình mới được tự do yêu nhau, gặp nhau. Cha mạ bắt Thủy phải lấy ông H. đó anh.
Anh cũng than thở với tôi:
- Anh không thể xa Thủy, mà gặp nhau thì không được, yêu nhau lại bị cấm, khổ quá trời. Ừ thôi anh xin đổi lên Pleiku, lên trên đó buồn lắm à nghe, xứ toàn người Thượng không hà.
Tôi an ủi anh:
- Chỉ cần hai đứa mình có nhau, ở bên nhau là vui rồi.
Anh đổi lên Pleiku thật, nhận được thư anh kể về phố núi Pleiku buồn da diết, cuối thư anh còn viết: " Thủy mà không lên đây với anh chắc anh buồn mà chết quá," tôi thương anh đứt ruột và xót xa trong lòng. Tôi quyết định bằng mọi giá phải lên trên đó với anh.
Tôi biết ở Pleiku có Linh mục Nguyễn Viết Nam là bạn thân với cha tôi thời kỳ ông còn làm trưỡng khu dinh điền ở trên đó theo lệnh của TT Ngô Đình Diệm, tôi xin cha tôi địa chỉ của Ngài và viết thư thăm hỏi, nhờ vả…May mắn thay trường Trung Học Minh Đức 2 của ngài thiếu giáo sư trầm trọng vì nó ở rất xa thành phố, thế là tôi có hậu thuẩn mạnh mẽ. Không ai biết anh ấy đã đổi lên Pleiku được mấy tháng và đang nóng lòng chờ đợi tôi.
Tết năm đó tôi không về nhà ngay mà mua vé máy bay lên thăm anh, tôi ra bưu điện đánh điện tín cho anh biết chuyến bay, giờ máy bay cất cánh và giờ máy bay hạ cánh. Rồi tôi viết cho cha mạ một lá thư, xin phép cho tôi qua nhà cô bạn cùng lớp ở Thái Phiên chơi mấy ngày trước khi về nghỉ Tết. Tôi đã nói láo một cách rất là trơn tru…
Khi máy bay quay vòng và đáp xuống phi trường, nhìn qua khung cửa sổ nhỏ tôi thấy anh đang ngồi bên thềm nhà khách, trời ơi, giây phút chờ cho động cơ máy bay ngừng hẵn sao mà dài như cả thế kỷ, rồi khi người ta mở cánh cửa máy bay ra tôi đã thấy anh đứng ngay bên dưới, sát chân cầu thang, tôi nhảy từng ba bật một, vèo một cái là anh đã ôm gọn tôi vào lòng…
Tôi ở nhà xứ của cha Nam một tuần, chúng tôi vô cùng hạnh phúc sung sướng, cả bầu trời, cả thế giới là của chúng tôi. Hai đứa tôi kể hết sự tình cho cha Nam nghe và xin ngài giử im lặng dùm, nếu không thì tôi sẽ bị nhốt vào " tù"…Dĩ nhiên là ngài đồng ý để " đôi bên cùng có lợi". Trước tết hai ngày tôi mới về lại Nha Trang, và nhất đình không trả lời bất cứ câu hỏi nào của hai quan tòa: cha và mạ.
Sau những ngày nghỉ Tết tôi trở lại Đà Lạt tiếp tục học cho hết niên học và nóng lòng chờ đợi câu trả lời của vị cứu tinh: cha Nam.
Nhận được sự vụ lệnh do cha Nam gởi về, tôi đưa cho cha mạ xem, ông bà mừng lắm, cứ nghỉ rằng tôi mà lên đó dạy học là coi như không thể nào tiếp tục yêu, tiếp tục gặp anh ấy vì ông bà đinh ninh anh vẩn đang làm việc ở Nha Trang. Và nhất là tôi được vào dạy ở ngôi trường lớn nhất thành phố Pk, chừng năm sau ông bà sẽ tiến hành cho anh chàng H.cưới tôi…
Tháng chín tôi lên Pleiku, anh đón tôi ở phi trường Cù Hanh, hai đứa tôi choán ngợp vì hạnh phúc khi được ở bên nhau. Tôi đến trình diện thầy Lập- hiệu trưỡng trường trung học PK- người đầu tiên tôi quen là cô thư ký của trường tên Tuyết Nhung, vì đồng trang lứa lại là đồng hương nữa nên dễ làm thân, tiếp đến là bác Vơn- kế toán của nhà trường. Thầy Lập viết cho tôi mấy chữ, biểu tôi xuống phòng giám học đưa cho anh Cư để nhận lớp. Anh Cư biểu tôi ngồi chờ ở phòng giáo sư, anh sẽ xếp thởi khóa biểu cho tôi sau.
Đang ngồi ngơ ngác nhìn quanh phòng thì một anh- sau này mới biết là anh Cẫn giám thị trường- đến đuổi tôi ra ngoài vì " đây là phòng giáo sư, học sinh không được ngồi trong này". tôi nhìn lại bộ áo dài trắng mình đang mặc trên người, nó rất dễ gây ngộ nhận.
Nhờ vợ thầy Lập chỉ dùm mà cha Nam mướn được cho tôi một căn phòng nhỏ trên gác xép của anh chị Ninh, số 7 đường Tăng Bạt Hổ, nói đúng hơn đây chỉ là một cái kho cất toàn những thứ " hằm bà lằn xắn cấu" đầy mùi ẩm mốc, nhưng không sao, anh nói chừng nào hai đứa cưới nhau tôi sẽ về ở cùng anh trong cư xá, anh sẽ năn nỉ sang thêm cái phòng bên cạnh của người bạn để nới ra cho rộng thành " tổ ấm của chúng mình".
Thời khóa biểu của tôi như sau: từ thứ hai cho đến chiều thứ tư tôi dạy ở trường trung học Pleiku, mấy ngày đó tôi ở nhà chị Ninh. Chiều thứ Tư anh đưa tôi về Phú Thọ dạy trường của cha Nam cho đến chiều thứ bảy, những ngày đó tôi ở trong nhà xứ của cha. Nếu Chúa nhật không thích ở trên phố thì chiếu thứ bảy anh về Phú Thọ với tôi để sáng thứ hai đưa tôi lên phố thật sớm cho kịp giờ tôi dạy học và anh vào phi trường để bay, thường thì hai đứa vào cà phê Văn uống một ly cà phê sữa nóng, anh đưa tôi đến tận cổng trường rồi mới quay đi.
Những tháng ngày được ở bên nhau thật tuyệt vời, có những buổi chiều khi tôi ở Phú Thọ anh lái máy bay lượn mấy vòng tròn trên tháp chuông nhà thờ, chỉ cần nghe tiếng ù ù của chiếc L19 tôi biết ngay đó là anh, tôi chạy ra sân thấy rỏ anh đang nhìn xuống vẩy vẩy tay chào, khoãng chừng một giờ sau là anh từ ngoài con đường đất đỏ lững thững đi vào. Chúng tôi lúc nào cũng tay nắm lấy tay nhau không muốn rời ra dù là chỉ một phút hay thậm chí là một giây, thích nhất là những ngày trời mưa, anh không đi bay, tôi được nghỉ dạy vài giờ, chúng tôi ngồi bên nhau, tay trong tay bên ly cà phê sữa nóng trong quán Vị Thủy, nhìn mưa rơi bên ngoài, cảm giác ấm cúng, ngọt ngào không sao diễn tả cho hết, hai đứa bàn chuyện về con cái: sẽ có bao nhiêu con, mấy trai mấy gái…, về cách sống với nhau, anh hứa sẽ nhường nhịn, nâng niu tôi, sẽ không để cho tôi buồn rầu, đau khổ hay phải chịu vất vã cực nhọc thân xác…
Buồi tối anh thích ngồi trên cái giường sắt của tôi ngủ để nhìn tôi chấm bài, mổi khi tôi chấm bài cho học trò, anh hay hỏi:
- Có lá thư tình nào của học trò nhét trong đó không?
Vì một lần anh lấy được từ trong xấp bài tập của học trò ra một lá thư tình gởi cho "cô Thủy". Tôi cười trả lời anh:
- Đã nói là Thủy chỉ cần có anh mà thôi.
Hai đứa tôi rất thích bàn tính chuyện mai sau, và dành dụm tiền để lo cho đám cưới. Anh nói với tôi:
- Đám cưới của tụi mình anh sẽ mặc lể phục không quân, Thủy mặc áo dài Trắng, anh xin với cha Tuyên Uý còn Thủy thì xin cha Nam, hai cha cùng làm lể cưới cho tụi mình, cha mạ anh ngoài Huế vô với mấy đứa em, không có cha mạ Thủy, Thủy có tủi không?
Tôi cười trong sung sướng:
- Thủy chỉ cần có anh thôi, anh Thăng với Thống hứa sẽ lên, hai người làm nhà gái.
Pleiku nhỏ xíu, đi lên đi xuống đã về chốn cũ rồi. Ngày nào anh cũng đến trường đón tôi, ngày nào hai đứa cũng đi lên đi xuống lòng vòng mấy con đường, ngồi quen ở mấy quán cà phê. Một lần trong phi đoàn của anh mở tiệc sinh nhật của phi đoàn, anh không dự mà đến với tôi, đưa tôi đi ăn cháo tôm, đi xem cinéma ở rạp Diệp Kính, ngồi trong rạp anh cầm tay tôi đưa lên ngực phía bên trái tim anh mà nói:
- Thủy ở mải nơi đây, trong trái tim anh, không bao giờ mình xa nhau nghe Thủy.
Tôi gật đầu và nép vào vai anh, hạnh phúc thật tràn trề. Khi hết phim chúng tôi đi về trên con đường thanh vắng, trăng sáng ở trên cao soi bóng tôi hòa vào bóng anh. Trước cổng nhà chị Ninh có cây hoa Ngọc Lan, nó là nhân chứng thầm lặng và làm thơm chuyện tình của chúng tôi.
Tôi yêu anh nồng nàn say đắm bằng tất cả trái tim, anh cũng yêu tôi vô cùng tận.
Chuyện của chúng tôi không dấu mãi được, cha mạ tôi biết chuyện đã xin cơ quan nghỉ mấy ngày lên tận Pleiku để làm dữ, bắt buộc tôi phải về Nha Trang "- không dạy học thì thôi…nhưng con phải xa hắn ra",cũng may anh ở trong phi trường, tôi báo tin cho anh biết, tạm thời hai đứa không gặp nhau, cứ " án binh bất động" chờ tới lúc ông bà về lại Nha Trang. Riêng tôi thì cứ " bình chân như vại", mấy ngày đó không được gặp nhau hai đứa tôi nhớ nhau điên cuồng.
Tôi đang làm luận án năm cuối để ra trường, ra trường rồi chúng tôi sẽ làm đám cưới, không còn cảnh hai đứa ở hai nơi như bây giờ: đứa thì trong phi trường, đứa ở ngoài gác trọ…mà chúng tôi sẽ ở chung một nhà, không có gì chia lìa được chúng tôi.
Tôi đâu có ngờ, cuộc tình của chúng tôi đẹp như mơ, cứ ngỡ rằng không bao giờ chia lìa nhau. Anh về tận Huế để làm cho tôi tờ Sơ yếu lý lịch số ba rồi bắt tôi đưa khai sinh để anh xin phép bên an ninh làm hôn thú với tôi, nhưng cùng lúc đó bác Vơn kêu tôi làm hồ sơ đề xin vào ngạch trật, tôi lưỡng lự chưa vội đưa khai sanh như lời anh nói. Rồi đến một buổi chiều cha Nam đi ra phố về, kêu tôi lại, đưa cho tôi một lá thư và nói:
- Đây là thư của cha con gởi cho con, đọc xong thì đốt đi, không được đưa cho anh ấy xem. Nhớ nhé.
Tôi hồi hộp, tim đập mạnh, những mạch máu trong người như muốn vở ra, tôi đọc thật nhanh vì tôi thường có cảm giác sợ hải bất an mổi lần nhận được thư cha, khi mắt tôi bắt gặp giòng chử " cha mạ cho phép hai đứa cưới nhau" thì tôi sung sướng quá, không cần đọc gì thêm, tôi khoe với cha Nam:
- Cha ơi, tin vui mà, cha mạ con đồng ý cho hai đứa con cưới nhau rồi.
Cha Nam bỉu môi:
- Xì, con ngu bỏ mẹ, không hiểu ông ấy muốn viết gì à? Nghe lời khuyên của cha, đốt lá thư này đi.
Tôi không hiểu điều gì khiến tôi bỏ đi lời khuyên của cha Nam mà lại đưa lá thư ấy cho anh xem vào một tối khi anh đến thăm tôi như thường lệ, tôi chỉ nghỉ một điều: cha mạ tôi đã đồng ý cho hai đứa lấy nhau…
Đọc xong lá thư của cha tôi, anh ra về sớm hơn mọi lần, anh còn mượn lá thư đem về để đọc cho kỷ. Đêm sau anh đến, nói với tôi một câu làm cho tôi nghẹn thở:
- Anh nghỉ kỷ rồi, hai đứa mình chia tay nhau thôi.
Rồi anh ra về. Đi nhanh như chạy trốn tôi, đó là một đêm mưa rất to.
Phố núi buồn như chưa bao giờ buồn. Những ngày tháng xa anh ấy tôi như bị một làn sương mù dày đặc vây quanh, nhìn đâu cũng thấy mọi thứ đều mờ mờ ảo ảo như người bị mắc bịnh quáng gà, tôi đi đến đâu cũng mang theo trong tim ngàn vạn nổi nhớ về anh và một tâm hồn rướm máu, vì bất cứ nơi đâu cũng đều ghi dấu chân kỷ niệm của chúng tôi. Cha mạ tôi có biết rằng chính ông bà đã giết chết tôi trong nổi đau đớn này không? Làm sao mà tôi có thể quên được anh ấy khi giữa hai chúng tôi có biết bao kỷ niệm với đủ thứ mùi vị chua cay đắng mặn và những tháng ngày hạnh phúc tuyệt vời trong men say mật ngọt. Cha mạ tôi đã phá nát mối tình đầu của tôi, làm cho trái tim tôi lúc nào cũng nhức nhối.
Tôi bắt đầu đi chơi nhiều, chiều nào tan trường cũng lên phòng thư ký rủ Nhung đi lang thang, điểm dừng của hai đứa tôi bao giờ cũng là một quán cà phê nào đó, không nhất thiết phải là Vị Thủy, hay là một hàng bún, phở, bánh bèo…chẳng có mục đích gì cả, Nhung ưa hỏi tôi:
- Răng Thủy buồn hoài rứa?
Tôi trả lời:
- Thủy muốn chết đây, chớ buồn mà sá chi.
Nhung xoa xoa sau lưng tôi, không hỏi tiếp. Tôi rất sợ sau mổi lần đi chơi, về lại phòng trọ nhà chị Ninh, nghe tiếng nhạc từ phía rạp ciné Thanh Bình vọng lại, những bản nhạc Pháp mà tôi và anh thường nghe mổi lần ngồi bên nhau, trong căn gác xép này, cũng từ rạp hát vọng qua, tim tôi như bị dao đâm, đau đớn không thể nào chịu nổi, và khi chịu không nổi thì chỉ có khóc mà thôi. Đêm về trong giắc ngủ chập chờn tôi luôn bị hoãng loạn trong một nổi cô đơn vô cùng khủng khiếp. Chị Ninh thắc mắc:
- Sao lâu quá mà không thấy cậu B. đến thăm em? Chừng nào thì hai đứa cưới?
Tôi không nói cho chị biết là chúng tôi đã chia tay nhau rồi.
Mùa hè đến, học sinh bải trường nhưng tôi không về nhà mà ở lại xin được làm giám thị phòng thi của khoa thi tú tài toàn.
Phòng thi tôi làm giám thị có một anh chàng cao cao ốm ốm, đôi mắt rất đẹp, tôi kiểm phiếu báo danh để biết tên: Nguyễn thành Tấn, lính không quân…cái gì có dính líu về anh ấy dù chỉ một chút xíu thôi cũng làm cho tim tôi nhói một cái.
Tôi đến bên cạnh Tấn, nói với cái giọng rất là cô giáo:
- Làm bài đi chứ, đọc cho kỷ rồi đánh dấu vô chử A hay B, C, D…
Tấn cà rởn với tôi:
- Cô chỉ bài cho tôi nghen, thi đậu tôi cưa cho cô nữa cái bằng.
Tôi trả lời:
- Lở thi hỏng thì răng?
Anh chàng cười, nói đùa rất bạo:
- Thì tôi cưa cho cô phân nữa đời tôi đây nè.
Tôi ngượng quá bỏ đi lên bàn, ngồi nhìn xuống phía dưới, trong lòng chỉ là một sự trống trải to lớn vây quanh. Buổi sáng thi xong cậu học trò của trường chở tôi về gác trọ, buồn và cô đơn kinh khủng, tôi lại xuống phố tới vào nhà sách tìm một cuốn truyện nào đó mua về đọc để giết thời gian …thì gặp Tấn từ dưới dốc đi lên, anh chàng cười chào tôi, hỏi:
- Cô đi đâu cho tôi theo với.
Không chờ câu trả lời của tôi, Tấn quay lại đi theo tôi một đoạn đường, lại hỏi:
- Cô tên gì? Dạy trường nào? Nhà ở đâu?
- Tôi tên Thủy, dạy trường Trung Học Pleiku, nhà ở Nha Trang.
- Sao cô nói giọng Huế?con gái nói giọng Huế hay ghê, tôi thích lắm đó. Cho tôi làm quen với cô há, tôi đưa cô về há?, cô mướn nhà ở đâu?
Tôi cười vì Tấn hỏi một loạt không ngừng để cho tôi kịp trả lời.
- Anh nghe đây: quê nội ngoại tôi ở Huế, tôi mướn một căn gác xép nhỏ xíu trên đường Tăng Bạt Hổ. Còn hỏi chi nữa không?
- Còn chớ, cô học ở đâu mà lên cái xứ khỉ ho cò gáy này để dạy vậy? Ngày mai cô còn gác thi phòng tôi nữa không? Gác phòng tôi cho vui nha, chỉ bài cho tôi nữa.
Đã đến nhà rồi, tôi chào tạm biệt Tấn rồi lên phòng, chị Ninh kêu xuống ăn cơm, chị ưa nấu canh trứng, cà chua với mẽ, cái mùi mẽ khó chịu tôi không sao ăn nổi, lúc trước mổi lần tôi làm biếng ăn cơm, anh thường dẩn tôi đi ăn ở tiệm, lương tháng của phi công không nhiều, nuôi cơm tôi gần hết. Bây giờ tự mình vô chợ ăn tầm bậy tầm bạ cho no bụng.
Tấn rất hay đến tìm tôi nơi nhà chị Ninh, sau khi gác thi xong tôi về nhà xứ của cha Nam ở, cha cứ mắng tôi ngu mổi lần thấy tôi khóc vì nhớ và buồn, cha đã dặn rồi, đốt lá thư của ông ấy đi, đừng đưa cho anh xem, thế mà… mắng cho đã cơn giận cha lại an ủi:
- Thôi con ạ, rồi thời gian sẽ làm lành mọi vết thương trong lòng con.
Tấn tìm đến tận Phú Thọ thăm tôi rất nhiều lần, một buổi sáng Tấn xuống Phú Thọ rất sớm và rủ tôi đi lên phố xem ciné, tôi cũng đi nhưng khi ra tới phố, lúc Tấn vào tiệm Cao Nguyên mua bánh Paté chaud để vừa xem phim vừa ăn thì tôi nhất định đòi về. Nhiều khi tôi không còn hiểu được mình, hình như cuộc sống của tôi bị mất phương hướng, cây kim chỉ nam trong đầu tôi cứ quay lung tung.
Cha mạ tôi viết thư thúc hối tôi về Nha Trang, nghỉ hè trôi qua đã hai tháng rồi mà không thấy tăm hơi tôi đâu cả. Nhưng không thể nào không về nhà, tôi không nói gì với cha mạ, và khi cha mạ vừa mới khơi chuyện thì tôi bỏ đi. Buồn lắm, khi thành phố Nha Trang không nơi nào mà không có bóng hình anh.
Tôi quyết liệt phản đối chuyện cha mạ tôi tổ chức lể hỏi cho tôi và anh H, tôi nói rất cứng rắn là tôi sẵn sàng chết hơn là lấy anh ta, tôi cũng nói với ông bà rằng:
- Cha mạ đã giết chết con một lần rồi, đừng giết con thêm lần nữa.
Tôi cũng nói riêng với anh H.
- Anh đừng cưới tôi, bây giờ tôi chỉ là cái xác không hồn mà thôi.
Không hiểu sao tôi trở lại Pleiku để dạy tiếp, hình như tôi cứ bị trôi đi trong vô thức. Tuyết Nhung vẩn là người bạn thân duy nhất để tôi tìm đến mổi khi tôi buồn và khóc, mà ngày nào thì tôi cũng buồn.
Cha Nam nhận thêm một giáo sư tên Hằng vào dạy, bấy giờ tôi mới biết Hằng là em của chị Bích dạy cùng trường với tôi ở trên phố, hai đứa con gái đồng trang lứa nhanh chóng quen nhau. Hằng cho biết đang ở cùng với bố mẹ, chị Bích và các em.
Hằng rủ tôi về nhà chơi, nhà Hằng đông người quá trời, tôi đếm có đến mười bảy người, có em trai của Hằng là Khải đi lính bị thương đang được ở nhà dưỡng thương. Tôi thường đi chơi với chị em của Hằng, tôi đang rất buồn và đang muốn quên, mà tôi nào còn phướng hướng gì đâu?
Thật bất ngờ khi Pleiku chộn rộn chuyện di tản, những ngày đó tôi cứ chạy ra chạy vào cổng phi trường, chạy qua chạy lại nhà chị Bích. Rồi khi sự hoãng loạn trong thành phố lên đến đỉnh điểm, một sáng tôi vô phòng thư ký của trường để kiếm Nhung thì… trống không. Nhung đi đâu mất tiêu, chạy về nhà chị Ninh thì chỉ nhận được một mảnh giấy nhỏ anh chị viết gởi lời chào tạm biệt tôi.
Gia đình chị Bích là cái phao để cho tôi bám vào trong lúc này, tôi không dám xa gia đình chị một bước. Cám ơn Chị và tất cả những người trong gia đình chị đã đưa cái phao ra cho tôi bám vào, mãi mãi tôi không bao giờ quên.
Tôi rời xa thành phố có rất nhiều kỷ niệm của tôi và anh ấy, thành phố mà từng con đường, từng góc phố đều in dấu bước chân của chúng tôi; vào một ngày mà tất cả mọi người cùng nhau bỏ ra đi để lại một Phố núi quạnh hiu buồn tủi.
Một buổi sáng ngày thứ năm, tháng năm của năm 1975, lúc đang lang thang trên con đường Nguyễn Huệ ở Sài Gòn, thì tôi tình cờ gặp lại Tấn như một mối tơ duyên tiền định. Tấn theo tôi về nhà và từ đó hai đứa tôi trở nên thân thiết. Tấn làm cho tôi quên được những năm tháng đau buồn, tôi trở thành một người khác: vui vẻ, yêu đời trở lại, đôi mắt tôi không còn bị vương vướng bởi cái màng mỏng mờ mờ ảo ảo, nó đã được Tấn xé rách.
Nhưng Pleiku với tôi là huyền thoại, mà huyền thoại thì bao giờ cũng đẹp, cũng đáng yêu, đáng nhớ. Không phải là " còn chút gì để nhớ" mà còn rất…rất…nhiều đ ể nhớ.
Source: http://vietvanmoi.fr/index3.8157.html