Thứ Năm, 21 tháng 10, 2021

CHÂN MỀM TRÊN ĐÁ - Phần III

HỒ THỦY

19/03 /1975

Trời chưa sáng mấy, cảnh vật mờ mờ trong hơi sương, vẫn đang còn là tiết Xuân mà. Anh Đạt đánh thức mọi người dậy, bắt chúng tôi xuống sông rửa mặt súc miệng làm vệ sinh; Ngân đang nhóm lửa nấu cháo; nước sông ban mai mát lạnh, tôi ngồi trên phiến đá nhúng hai bàn chân đầy vết trầy xước của mình xuống nước, cảm giác thật dễ chịu, đám con gái chạy xuống sông tung tăng vui đùa; cười vang cả một khúc sông, tối hôm qua vc đi hết rồi; còn sống được ngày nào thì cứ cười đùa cho thỏa chí -tôi hét lên thật to cho mọi người nghe như vậy, đang vui bổng nhiên có tiếng rú của Ngân, Ngân ú ớ đưa tay chỉ về phía đầu nguồn của con sông, tiếp đến là tiếng la hét đồng loạt cuả bầy con gái, trời ơi; kinh khủng quá, xác chết của một người đàn ông phình to, thâm tím đang lờ đờ trôi xuôi theo giòng nước về phía chúng tôi; bà An như muốn ngất xỉu trong tay ông An, mấy đứa con gái chạy nhanh lên bờ, đưa tay cố họng móc cho ói ra hết những gì có trong bụng (chỉ toàn là nước mà thôi), mấy người con trai bình tỉnh hơn nhưng cũng khạc nhổ lung tung, Anh Đạt kiếm được mấy khúc cây kêu hết đám con trai cùng nhau hì hục khều, đẩy cái xác, khó khăn lắm mới đưa đươc vào bờ vì nó đã bị sình to; vừa nặng vừa thúi kinh khủng.

– Phải chôn thôi con ạ, để vậy tội quá; không đành lòng… Bà An thở dài nói.

Mấy người con trai lên phía trên bãi cỏ, với cái dao găm của Khải, đã chặt được vài khúc cây nhỏ cắm cúi đào một cái lổ hình chử nhật không sâu lắm;nhắm cũng vừa một người nằm, sau đó mỗi người cầm một khúc cây dài kê dưới cái xác nẩy từ từ cho lọt xuống lổ, rồi sửa sang cho xác người chết nằm gọn gàng trong lổ, chúng tôi cùng tới, một tay bịt mũi;một tay bốc nắm đất thảy xuống, chào vĩnh biệt. mấy người con trai lật đật lấp đất lại, còn đắp đất lên cao thành một nấm mồ. Khải tước vỏ cây làm sợi dây cột 2 khúc cây làm thành 1 cây thánh giá, đóng xuống ngôi mộ, tôi nói:- sao mà giống trong phim quá chừng, và mỗi người chúng mình là một diển viên đang đóng phim… -Khải nói tôi chỉ giỏi tiếu lâm… Công việc xong xuôi thì cũng gần hết một buổi sáng, vì gặp chuyện cái xác trôi sông, Anh Đạt sợ dòng nước đã bị dơ chúng tôi mà uống thì sẻ bịnh, anh nảy ra sáng kiến moi thử một cái lổ sâu trên cát cạnh bờ; nước từ trong lổ ứa ra ngang với mặt nước sông, anh giải thích là cát đã lọc sạch nước; từ nay mỗi lần lấy nước nấu uống, phải moi lổ ven sông, chúng tôi cùng nhau mỗi đứa moi 1 lổ, chờ nước ứa ra, Ngân có nhiệm vụ múc nước đó đổ vô ấm nấu chín để uống, công việc chúng tôi làm giống như một trò chơi, vui quá, tôi nói với Khải “Ước gì đây là một cuộc cắm trại thực sự;” Khải cười nhéo má tôi “em lại mơ mộng nữa rồi”

Mặt trời lên cao, chúng tôi đói cồn cào, mỗi đứa được ăn một ca cháo; dù không no nhưng cũng tạm ấm bụng trước khi tiếp tục cuộc hành trình. Bây giờ phải lội qua con sông này để đi theo lộ trình đã định: lẩn trốn trong những lùm cây và bám dọc theo QL, cặp con sông Êpa để về Tuy Hòa, Minh than: “đi như thế này xa quá, cứ xuôi theo đường chim bay cho gần; “. Anh Đạt mắng: “dốt quá; không thể nào mạo hiểm được, đi loạng quạng, lở mà gặp vc là hết đường về.” Chúng tôi lại bó chân bằng 2 vạt áo dài mà mấy hôm nay đi đã sờn, tôi lấy một mớ lá lót thêm dưới bàn chân cho dày và êm; tước vỏ cây làm dây cột, hai cánh tay áo tôi bó chân cho bé Lan, phải lót thêm 1 lớp lá.

Chúng tôi đi loanh quanh chẳng biết được bao xa thì thấy bên dưới dốc đường mòn có một khúc sông hẹp, anh Đạt quyết định vượt qua bên kia sông, anh cho mọi người ngồi nghỉ còn anh lội thử xem sông cạn hay sâu, mừng quá: sông cạn ngang đầu gối, qua được bên kia sông anh đưa tay ngoắc chúng tôi “- lại đươc đùa dưới nước;” Minh và Khải đội cái sacmarin trên đầu cho khỏi ướt, chúng tôi băng qua sông, nước trong veo thấy được những hòn sỏi dưới đáy sông; tôi thấy nó giống một dòng suối thì đúng hơn. Chúng tôi ngồi nghỉ chờ Đạt; Khải đi thám thính; qua đến bên này rồi tôi thấy nó cũng giống bên kia, một sự yên lặng gần như tuyệt đối, lúc ở bên kia sông chúng tôi có biết bao nhiêu là hy vọng, nhưng rồi… chẳng thấy gì. Anh Đạt về, anh kêu đi tiếp “-. Một đám tàn quân lếch thếch lên đường; “. Tôi nói với ông bà An: ” – hai bác phải cho con nói đùa, có vui hai chân mới bước nhanh, còn buồn rầu nó làm nặng chân đi không nổi;” Ông An cười: – con nói đúng…

Tháng 3, cuối mùa Xuân nắng không còn dịu mà hơi gắt, nắng nóng dội lên đầu chúng tôi, bộ áo quần bị ướt lúc lội qua sông đang khô dần trên người, tôi mệt quá, đầu nặng chỉu, hơi thở nóng ran phát ra 2 lổ mũi như có lữa đốt, tôi bước đi lảo đảo như người say rồi ngã chúi đầu xuống đất, Khải hoãng hốt nhào đến đở tôi đứng dậy, cả đoàn người phải dừng lại, mắt tôi mờ đi và tôi òa khóc nức nở, bao nhiêu nổi niềm đau đớn, khổ sở và sợ hải, căng thẳng mấy ngày qua vở òa như thác đổ, bà An khóc theo, tiếng khóc lây lan từ người nọ qua người kia; chỉ có Đạt nhỏ là ngồi ngó mông lung, chừng như thấy mọi người khóc thế đã đủ, Anh Đạt đứng lên nói; giọng ra lệnh:

– Thôi; khóc bi nhiêu đủ rồi, đứng lên đi tiếp chứ.

Kể ra khóc được nhiều như vậy cũng làm vơi đi những gì đang trỉu nặng trong lòng, Khải đở tôi đứng dậy, ân cần dổ dành – cố gắng lên, về tới Sài gòn tha hồ sướng, anh sẽ dẫn Thủy đi uống cà phê Thanh Bạch, đi ăn pate chaud ở Thanh Thế, xem cinema rạp Eden… tôi vịn vào vai Khải đi như người mộng du. Đã trưa lắm rồi; chúng tôi dừng lại ở một khu rừng thưa, rừng đẹp quá, lá vàng rụng lâu ngày nằm chất chồng lên nhau thành một tấm thãm dày và êm, những cây cổ thụ to cao vươn tán đan vào nhau cho chúng tôi bóng mát, tôi nằm xuống tấm thãm lá êm ái tưởng như mình đang nằm trên nệm, mùi lá khô và hơi ẩm của đất quyện vào nhau nồng nồng, ngái ngái, hăng hăng, tôi vòng hai tay ra sau làm gối kê đầu nhìn lên bầu trời xanh qua kẻ lá, nhìn những sợi nắng nhảy múa lung linh theo gió ở trên cây, cả thân thể và đôi chân được thã lõng, nhưng đầu óc thì nghỉ ngợi lung tung. Chúng tôi đói lắm rồi, số gạo anh Đạt lượm được còn ít, Bà An đòi nấu hết, ăn một bữa no rồi ra sao thì ra, bà nói biết có sống được nữa không hay để chết làm ma đói. Với con số của đoàn người là 21, mà gạo còn vài lon, nấu hết 1 lần ăn cũng chã bõ bèn gì. tôi nhìn bà, mới có mấy ngày thôi mà bà gầy tọp hẳn đi, đôi mắt trũng sâu, má cóp lại, lòng tôi cảm thấy xót xa. Bà An hiền lắm, rất đôn hậu, bà nhẹ nhàng, mong manh dể vỡ, mỗi lần đến nhà chị Bích chơi, tôi thích nhìn vẻ đài các của bà, bà ưa làm nũng với ông An, và ông lại rất thích điều đó, ông cưng chìu bà, tâm hồn ông đầy ắp thơ, tôi thích vì ông bà là một đôi vợ chồng lý tưởng; những người con của ông bà là: Anh Aí lớn nhất Chị Bích, Anh Đạt, Hằng, Khải, Luật, Minh, Kiều, Ty rất hiếu thảo và rất thương yêu đùm bọc nhau, Khải là người nóng tính hay cáu gắt nhưng lại là một chàng trai lãng mạn dể thương. Cả gia đình bây giờ chỉ biết nương tựa vào Đạt và Khải, hình như anh Đạt cảm thấy áp lực đè lên vai anh thật nhiều và thật nặng, anh không thể để cho ai nãn lòng gục ngã, anh cũng không chịu “ăn một bữa cho no rồi ra sao thì ra;” chúng tôi bám víu vào ý chí và tinh thần của anh để có sức lực tiếp tục cuộc hành trình. – Húp mỗi người một lưng cháo, phải dè xẻn chút gạo còn lại, đường đi còn xa lắm – Tôi kéo tay Hằng nằm xuống bên tôi, nói cho Hằng nghe tôi thèm một chén cơm nóng, một tô canh rau dền, một khứa cá kho mặn…

Khải đem tới cho tôi ca nước: – Thủy uống cho khỏe.

Gió hiu hiu làm cho tôi buồn ngủ nhưng anh Đạt hối mọi người chuẩn bị hành trang lên đường, bao giờ gần tối mới được ngừng lại, nấu cháo ăn rồi ngủ để mai đi tiếp.

Bà An khóc: – Mợ đói và mệt lắm rồi con ơi.

Tôi thấy anh Đạt quay lưng chùi nước mắt, mấy đứa nhỏ ngơ ngác nhìn bà ngoại khóc cả bé Lan nửa, trong đôi mắt các cháu cũng muốn nói lên điều bà An vừa nói: đói và mệt; Hớn lên tiếng: ” -Thôi, anh Đạt để Ngân lấy hết gạo đó nấu cơm, mình có nhiều cách kiếm thức ăn mà, nhưng cũng nên đi thêm một đoạn nữa rồi hảy nghĩ “câu nói này làm cho mọi người lên tinh thần được một chút nhưng anh Đạt nói cứ từ từ sau hẳn nấu. Bà An nín khóc, đoàn người đi thêm được một lúc; cho tới khi trời đã ngã về chiều anh Đạt mới chịu ngừng, nơi đây có một con suối nhỏ nước trong veo. Chúng tôi mỗi đứa tìm một gốc cây ngồi dựa lưng, mấy đứa con gái nhỏ làm như không hề lo buồn sâu sắc như người lớn, chỉ cần được nghĩ chân là ngồi chụm vào nhau nói cười vui vẻ, Thấm giải thích rất đơn giản: “có mấy anh lo rồi, tụi em chỉ biết nghe theo, làm theo mà thôi, lo thêm cũng đâu giải quyết được gì, lúc này đang được ở cùng nhau thì cứ vui vẽ vối nhau, ai biết ngày mai sẽ ra sao;” đó là một câu triết lý rất hay. Hằng hỏi tôi đang nghĩ gì, có nhớ nhiều đến pleiku không? riêng Hằng đang nhớ anh Sơn ghê lắm, tôi cũng như Hằng mà thôi; cũng đang nhớ đến một người không nên nhớ; mà vì yêu người đó nên bây giờ tôi mới phải ngồi đây, yêu làm chi cho nặng lòng, vì nặng lòng nên thấy nặng đôi chân; mà chân đã nặng thì đi không được nhanh, bước không được xa… yêu nhiều thì lo lắng nhiều, mà lo lắng nhiều thì… mệt lắm, hai đứa bật cười với những câu ví von của mình, cười xong hai đứa nhìn quanh; sao không thấy bóng dáng của mấy người con trai đâu cả? đi đâu hết rồi? chị Bích nói: – hai cô lo nhớ nhung lung tung, mấy chàng đi kiếm lương thực, tôi tiếc rẽ “uổng quá, phải chi mình đi…;” mải một lúc anh Đạt và đám con trai mới nối đuôi nhau đi về, trên tay mỗi người ôm một thứ, Khải huýt sáo vui vẽ, tất cả để “chiến lợi phẩm;” xuống trước mặt ông bà An và chị Bích; đó là 1 trái bí ngô, 15 trái bắp, 2 trái đu đủ chín và 3 cây mía dài, “cả nhà ” mừng vui hí hững; Minh cười cười khai ra: “đây là những tứ chôm được trong làng;” Khải nói “- làng vắng hoe chắc là họ bỏ làng mà đi như tụi mình “- Anh Đạt phân công: mấy đứa con gái có nhiệm vụ tách hết hôt bắp ra khỏi cùi bắp, mấy đứa con trai hàm răng khỏe thì cắn bể hột, mỗi tối trước khi đi ngủ Ngân bỏ một ít vô cái nón sắt mà ngâm nước qua 1 đêm là nó mềm, sáng dậy sớm nấu sẽ mau chín, Khải chặt mấy cây mía ra từng khúc để dành lấy nước cho bé Ly bú. Chúng tôi vui vẽ thi hành mệnh lệnh của anh Đạt, cứ xem như đây là một trò chơi, vừa làm vừa nói đủ mọi thứ chuyện trên trời dưới đất, Khải chặt mấy cây mía, anh tước vỏ mía, rồi xuống sông lấy nước súc miệng, xong chạy lên ngồi gần tôi, chị Bích đưa Khải bình sữa, Khải nhe 2 hàm răng nhá nhá cho nước mía chảy vô bình, cũng không nhiều nhưng cũng làm cho bé Ly tạm no, anh Đát lấy 2 lóng mía chẻ làm 4 rồi bẻ làm 2 chia cho ông bà An và mấy đứa nhỏ, còn mấy đứa tôi thì chờ cho mấy đứa bé ăn xong nhả xác mía ra là lượm lại nhai và rít đến chừng nào cái bã mía khô rang mới bỏ. Đạt nhỏ không ngồi cắn hột bắp nữa, anh chàng rủ Hưng; Phi; Minh làm 1 cái bếp nướng trái bí, tôi chán trò tách hột bắp vì đau tay quá chừng nên rủ Hằng đi theo, Khải cũng đi theo tôi, Đạt nhỏ đào 1 cái lổ hình tam giác, sai mấy đứa tôi đi lượm củi khô mang về rồi bẻ những cành nhỏ bỏ xuống lổ trước, Khải lấy 2 cục đá chà mạnh vào nhau làm nóng rồi đánh cho tóe lửa; hì hà hì hục mải mới nhóm được bếp, Minh đem về mấy nhánh cây khô lớn đút vào “lò;” lữa bốc nhanh Đạt nhỏ đặt trái bí lên trên lò, vừa chờ trái bí chín vừa nói chuyện, Hằng cười chê Khải: “có diêm quẹt của Hớn đưa không chịu nhóm lửa cho nhanh, làm kiểu này mất thời gian, đói bụng gần chết đây;” Đạt nhỏ nói: “còn phải chờ tới lúc tàn lữa, rồi vùi trái bí ủ trong tro nóng nó mới chín được bên trong ruột”- “sao Đạt giỏi vậy;” – “thì đi nhiều, học hỏi nhiều nên biết được nhiều thứ,”

Buổi tối sau khi mỗi người được ăn một miếng bí ngô nướng chín khét, mùi thơm của vỏ bí bị cháy cùng vị ngọt của nó làm đê mê đầu lưởi; chúng tôi ăn miếng bí ngô nướng bằng cả mắt; mũi và miệng. Hình như trời bắt đầu vào mùa mưa, cũng gần cuối tháng 3 rồi, dù nằm giữa đất trời mênh mông; nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy nóng bức ngột ngạt. Từ rất xa có tiếng nổ ầm…ì… lẻ tẽ vọng lại; những tiếng nổ gieo vào lòng chúng tôi vài tia hy vọng nhỏ nhoi, chúng tôi suy đoán lung tung. Không ngủ được chúng tôi ngồi quây lại thành vòng tròn, tâm sự cho nhau nghe chuyện của mình. Hưng, Phi kể về những tháng ngày vùng vẩy trên nền trời xanh, biết bao thành phố họ đã ghé qua; những phi vụ hiểm nghèo thoát chết trong gang tất; Hưng lái L19; Phi lái C130, đóng quân ỏ Nha Trang, Phi đoàn 114; biệt phái lên Ban mê thuột và bị kẹt lại, tôi muốn hỏi về 1 người nhưng lại thôi… Khải hỏi tôi có nhớ những cành phong lan ở sau vườn nhà không? tôi nói:-” nhớ lắm, nhớ cả thành phố Pleiku đến nhức nhối tâm cang,” Khải kể cho mọi người nghe những lần hành quân của Khải; Khải chỉ đi tìm phong lan trên cây thay vì tìm vc dưới đất, kể từ ngày phải đi lính chưa bao giờ Khải bắn vào một ông vc nào cả dù đôi khi có thấy họ; Hưng nói: – còn tôi; những lần bay thám thính trên vùng đất nghi là có vc, nhiều khi nhìn xuống thấy bên dưới lố nhố, tôi gọi về tổng đài báo sai tọa độ, pháo binh bên mình cứ theo tọa độ tôi báo mà bắn… – Anh Đạt thở dài: – Thế nên bây giờ tụi mình mới ngồi đây, anh cũng chưa hề bắn vc dù anh là lính.

20/03/1975

Một ngày như mọi ngày, vẫn thức dậy thật sớm, ăn một ít bắp, bó chân cho kỷ rồi lên đường, ai cũng bước đi với những bước chậm chạp, dừng lại để nghỉ nhiều hơn vì có lắm lí do; cứ đi chừng vài mươi bước “đôi giày vải ” bị lệch; tuột ra khỏi bàn chân là phải nghỉ để sửa lại, hơi mỏi chân là nghĩ… Hôm nay những bước chân của chúng tôi nặng như đeo đá… Khát nước chút xíu cũng… nghỉ; anh Đạt không cho uống nhiều nước, mỗi lần khát chỉ được hớp 1 ngụm thôi. Chúng tôi mong trời mau tối để được nghỉ lâu và được ngủ 1 giấc dài. Ngày nôm nay không có gì đáng ghi nhớ ngoài việc khi dừng chân nghỉ trưa, Mạnh tách ra khỏi đoàn; đi đâu đó một lúc, khi về Đạt nhỏ cầm theo 1 cái thùng đựng nước và giải thích:

– Không phải lúc nào mình cũng đi được gần sông, có khi phải đi sâu trong rừng, cần có cái thùng đựng nước để dành, lúc nảy tôi thử ra ngoài đường; ghê lắm; mùi thối nồng nặc đồ đạt củng nhiều như khoãng đường hôm trước anh em mình đi lượm đồ, thấy cái thùng đựng nước; mừng quá trời.

Sắp hoàng hôn, nắng chiều đang rong chơi trên những ngọn cây cao, mây chiều bàng bạc trôi lờ lững; cảnh vật mờ trong sương, anh Đạt cho mọi người nghỉ sớm hơn hôm qua. Chị Bích biểu Ngân nấu hết gạo nhưng cái nón sắt đâu nấu được nhiều, chỉ phân nữa số gạo còn lại là đã đầy nón rồi. Mùi thơm của cơm chín bốc cao chui vào lổ mủi tôi quyến rũ quá, những hạt cơm trắng nỏn nà đựơc Ngân xới bung lên bằng hai que tre rừng nằm phơi bày trước mắt chúng tôi làm ai cũng chảy nước miếng. – “Ưu tiên cậu mợ với chị Bích được ăn nhiều, sau đó đến mấy đứa nhỏ, cuối cùng là chúng mình;” – Anh Đạt chia phần như vậy, một cái nón sắt cơm với 22 người ăn thì đâu có được bao nhiêu…Trước khi cho nắm cơm vào miệng; tôi nhắm mắt đưa lên mủi hít một hơi thật sâu cái mùi thơm của nó, thât tuyệt vời… nhưng… – “Cô Thủy ơi con ăn chưa no, cô cho con thêm miếng nữa đi…” tôi mở mắt, bé Lan đứng bên tôi, nhìn tôi một cách van lơn; theo phản ứng tự nhiên của con người, tôi ngậm miệng lại tính nuốt hết, nhưng… tôi đành phải nhả ra cho bé 1 miếng nhỏ bằng ngón tay cái, lòng không mấy vui;- “Có ai được no đâu con;” … Tự nhiên tôi cảm thấy xấu hổ với chính mình; tôi… phàm phu tục tử quá đi thôi… tôi khinh tôi đến ứa nước mắt; ăn có một miếng cơm lạt nhách mà cũng làm như thưỡng thức… một mâm cơm thịnh soạn không bằng; lại còn keo kiệt với một đứa bé… đang lúc chết lúc nào không biết.

Đạt nhỏ mở radio rà tìm đài VOA; – Bây giờ là 21 giờ ngày 20 tháng 3 năm 1975 Hôm nay tin tức xấu hơn hôm qua làm chúng tôi buồn quá, đứa nào cũng nao núng trong lòng, dạy sữ địa và cũng thích chính trị nên tôi biết cao nguyên Daclack, Kontum, Ban mê Thuột là vùng chiến thuật và chiến lược vô cùng quan trọng; năm 1956 ông Ngô Đình Diệm có chính sách di dân lên các vùng cao nguyên nói trên để lập nghiệp; Ông đã đặt trên đó các cứ điểm Quân Sự quan trọng: Bộ chỉ huy của Sư Đoàn 6 Không Quân đóng tại Pleiku mà phi trường Cù Hanh là căn cứ chính; Sư Đoàn 23 Bộ Binh, rồi Biệt Động Quân; Lôi Hổ… và đơn vị Pháo Binh đóng ở núi Hàm Rồng; nhiều lắm… và nhiều lắm; toàn là những sư đoàn thiện chiến nhằm để giữ vững miền đồng bằng, vì những cao nguyên nói trên có độ cao và núi non chập chùng hiểm trở. Để mất cao nguyên cũng có nghĩa là để mất đồng bằng, chỉ cần quân Bắc Việt chiếm được trên đó, họ sẽ tràn về đồng bằng như thác lũ và sẽ cuốn trôi đi tất cả những gì có trên đường. Lúc còn ở Pleiku, nghe tin tức chiến sự; thì ngày 10 /3 /75 VC khởi công đánh mạnh vào BMT để dứt điểm, sau đó Pleiku được lệnh di tãn; ngày 15/3/75 là ngày Pleiku được lệnh phải di tãn hoàn toàn chỉ để lại một thành phố trống rỗng, và ngày 16/3/75 là ngày chúng tôi rời khỏi thành phố Pleiku. Đêm nay là đêm thứ 3 chúng tôi ngủ trong rừng, và là ngày thứ 5 của cuộc di tản. BMT, Ktum và PKu đã mất; có thể nay mai vc sẽ tràn về Nha Trang khi mà họ đang ở thế mạnh. Cuộc chiến này sao mà phi nhân quá; làm cho nhiều người chết oan uổng, đau thương, tức tưởi, làm cho chúng tôi phải trốn chui trốn nhủi trong rừng; chịu biết bao nhiêu đói khát khổ sở. Cả một Quân Đội hùng mạnh oai phong, đẹp đẽ, được trang bị đầy đủ từ dưới chân lên đến đỉnh đầu, mà phải bỏ chạy vì những người rất tầm thường như 2 người mà chúng tôi đã gặp; đáng buồn chưa?… Một chàng lính lãng mạn như Khải: đi hành quân chỉ thích hái lan rừng đem về ngắm; không nở bắn vào kẻ thù không hề biết mặt; một chàng phi công lái máy bay thám thính lúc nào cũng báo sai tọa độ… và bây giờ cùng ngồi với nhau nơi đây, giữa rừng già nghe tin chiến sự mà lòng cay đắng thấy hình như mình cũng có lổi phần nào…

Khó ngủ quá, đêm nay không ai muốn nghe nhạc, mỗi lần nhắm mắt tôi lại thấy máu nhuộm đỏ sông Êpa và cả sông Adun, rồi cảnh người ta cuống cuồng dẩm lên nhau mà chạy, rồi tiếng khóc la, gào thét, rồi tiếng súng pháo kích ầm… ầm… cứ vang vọng mãi như vẫn còn ở đâu đây; rồi những bàn tay quờ quạng, những đôi chân giẩy giụa… tất cả cứ luẩn quẫn trong đầu tôi, bàng hoàng nhức nhối,… Hằng bóp tay tôi thở dài: –

– Cố ngủ đi Thủy, nghĩ ngợi làm gì thêm nhức đầu, cũng đừng nhớ những chuyện đã qua, chẳng giải quyết được gì, tụi mình chỉ là những con sâu cái kiến mà thôi.

Đêm nồng nực, có lẻ ngày mai trời sẻ mưa, cơn mưa đầu mùa… Anh ơi;Có biết bao nhiêu chiều mưa hai đứa mình bên nhau, tay trong tay hạnh phúc tuyệt vời; hả anh? tôi cố ngủ…nhưng những nỗi nhớ như mang đôi giày sắt gót nhọn cứ nhãy múa trong trái tim tôi bằng nhiều vũ điệu làm cho tôi đau nhói…

21/03/1975

Qua một đêm oi nồng, sáng nay thức dậy nhìn lên trời thấy mây nhiều và nặng nhưng vẫn chưa mưa. Nồi bắp đã chín; tôi xuống sông, bên bờ sông có chừng 10 hố nhỏ lưng lững nước, Kiều đang múc từng ca nhỏ đổ vào ấm, anh Đạt kêu mọi người ăn bắp rồi còn lên đường, bắp được nấu mềm, bỏ vào miệng nhai thật chậm; thật kỉ để cho vị ngọt; bùi của bắp ngấm thật lâu; thật sâu trên đầu lưỡi và trong vòm miệng sau đó mới nuốt từ từ vô bụng…

Lại đi tiếp, đôi giày tự chế lót bằng lá rừng và bó lại bằng vải áo; cột bằng vỏ cây tước nhỏ cũng làm êm bàn chân hơn là phải đi chân trần; mỗi người lớn tự làm cho mình một đôi, riêng phần My Cò và bé Lan thì tôi làm. Tôi nói với Hằng quẵng hết những ưu tư phiền muộn trong lòng để nhẹ người để mà đi cho được nhanh, Hằng cười hát: “đường về còn xa xa lắm, xin người ” Chị Bích la ” – xin người đứng lên đi dùm tui;” Anh Đạt và Khải dẫn đầu, chúng tôi theo sau; vừa đi vừa kiếm mấy buôn thượng để xem có thể lượm mót được chút ít thực phẩm của họ trồng quanh làng, đi một đoạn anh Đạt lại mở bãn đồ ra xem rồi cùng bàn bạc với Khải, Mạnh… Đoàn tàn quân chúng tôi bây giờ có vẻ lôi thôi lắm; lúc thì được vào trong rừng đầy bóng mát, lúc thì phải đi ở mé sông không một bóng cây, nóng quá thì cứ để nguyên đồ trên người lội xuống sông cho mát xong lại lên bờ: ướt nhẹp mà đi tiếp, nhờ nắng, gió làm khô quần áo, đi và đi; không nghĩ ngợi suy tư gì, cũng không thèm buồn hay nhớ, cả một đoàn người lầm lủi, cặm cụi, lặng im nối đuôi nhau thành hàng đi như nhũng kẻ mộng du, cho đến khi cái đói làm thúc tỉnh mọi người. Chân tay bủn rủn, hai đầu gối run run, mắt mờ, tai ù, miệng khô:- đói lắm anh Đạt ơi; cậu Đạt ơi cháu đói… ngừng ngay lại… may quá bên kia kìa, đó thấy chưa; một cái chòi canh rẫy của người thượng, chúng tôi chạy ù đến lùng sục khắp chòi mà chẳng thấy gì, chỉ có Khải kiếm được một gói muối nhỏ dấu thật kỷ trên mái chòi;chia nhau mỗi người một hột, vị mặn của muối tan ra trong miệng; dù sao nó cũng làm cho tôi cảm thấy nhẹ nhàng trong người hơn một chút. Mạnh đoán:- rẫy này đả gặt hái lâu rồi;có lẽ từ mùa trước nên không còn gì; nay họ bỏ. Cả đoàn nghỉ lại nơi đây;nấu cơm ăn rồi đi tiếp, số gạo còn lại đươc nấu hết, chị Bích dặn Ngân nấu nhiều nước để có nước hồ cho bé Ly bú. Tôi ngồi cạnh chị nắm bàn tay nhỏ xíu của Ly Ly; bé toét miệng cười rồi phun nước miếng phì phì. Cơm chín, đây là những hạt cơm cuối cùng, tối nay và ngày mai sẽ như thế nào? rồi những ngày sau và sau; sau nữa, làm sao đây? Lúc này thì tôi không còn cảm hứng hay tâm trí gì nữa để mà thưỡng thức miếng cơm đang ngậm trong miệng; dù đó là miếng cơm cuối cùng… Tôi nói với Khải:

– Anh ơi, Thủy buồn ngủ với lại mệt lắm; nói anh Đạt khoan hẳn đi.

Bà An cũng đòi nghỉ thêm lâu lâu một chút; mắt bà van lơn như muốn khóc; ông An ôm bà vào lòng dổ dành, tôi nhìn kỷ bà mà thương bà quá; đôi mắt bà trõm lơ; sâu hoắm;gò má tóp lại với da mặt sạm hẳn; nét mặt bà bơ phờ mệt nhọc với hơi thở nặng nề; đâu rồi một người đàn bà tươi đẹp đài các mà tôi rất ngưỡng mộ; anh Đạt có vẻ buồn, anh nói chỉ sợ cứ nghĩ ngơi mãi rồi đâm ra nghỉ ngợi nhiều chỉ làm mọi người dể nãn lòng, anh cũng mệt lắm;trách nhiệm là cả một áp lực đè nặng lên vai anh; đó là cha mẹ; chị em và các cháu của anh, anh phải đưa tất cả đến nơi mong muốn được bình an, nguyên vẹn. Mặc dù tất cả mọi người trong gia đình chị Bích rất thương quí tôi; nhưng không hiểu sao tôi vẩn mang mặc cãm mình cũng đóng góp phần nào gánh nặng cho anh Đạt nói riêng và cả gia đình anh nói chung, ý nghĩ này cứ đeo đẳng tôi mãi kể từ ngày theo gia đình chị cùng đi di tãn, ngữa tay nhận một nắm cơm hay được chia một chút phần ăn là tôi lại áy náy…nhưng cái đói làm cho con người ta không còn gìn giử được sĩ diện hay lòng tự trọng, và tôi đang chính là con người đó, tôi buồn lắm nhưng không thể bày tỏ cùng với ai…

Dù là ban trưa nhưng mặt trời đang bị mây che phủ; gió mát hiu hiu, giữa một nơi thanh vắng như thế này giá như mà được ngũ một giấc thì thật là sung sướng; nhưng giấc ngũ không dễ gì đến với tôi khi mà tôi cứ ưa suy nghĩ lung tung, hết suy nghĩ lại nhớ nhung, hết nhớ nhung lại buồn rầu. Những đám mây trắng chen lẩn cùng mây xám lặng lờ trôi…ước gì tôi được như là những đám mây kia nhỉ? Chỉ biết trôi đi và trôi đi mãi theo chiều gió thổi, không ưu tư phiền muộn, chẵng nhớ nhung buồn sầu…như tôi.

Phải cố gắng lắm tôi mới rủ bỏ được những nổi buồn, lo và mặc cảm trong lòng mình để đi vào giấc ngủ, tuy chỉ là một giấc ngủ ngắn thôi nhưng cũng đủ mang đến cho tôi đôi chút thư thái trong tâm hồn và một ít sức lực để đi tiếp chặng đường dài không biên giới, không biết ngày được ngày tới đích. Khải đang ngồi bên cạnh tôi, anh cười khi tôi vừa mở mắt thoát ra khỏi giấc ngủ xế chiều, cảm ơn Khải vì anh đã ở bên cạnh tôi lúc này, tôi vươn vai ngồi dậy đưa mắt nhìn mông lung ra phía xa xa của chân trời…Tương lai sao mà mờ mịt quá, đường đi thì có lắm chông gai, mọi hiểm nguy lại luôn luôn chờ chực chúng tôi.

Vì trời không có nắng, cũng chẳng có mưa, mà chỉ êm êm; dìu dịu, như những ngày đầu mùa Thu của xứ Huế , nhìn màu mây xám nhẹ trôi lờ lững ở lưng trời, tôi nhớ da diết thành phố Pleiku và ngôi trường Trung Học Pleiku, nhớ đập nước Phú Thọ, ngôi giáo đường nhỏ của cha Nam, đó là nơi có nhiều kỷ niệm của tôi và anh ấy, tôi bồi hồi với sắc trời, với không gian nơi đây, vào lúc này và chợt làm nhớ đến bốn câu thơ của Hồ Dzếnh mà tôi rất thích lúc vừa mới quen anh:

 

“Trời không nắng cũng không mưa
Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung
Chiều buồn như mối sầu chung
Lòng êm nghe thoảng tơ chùng chốn xa”

 

Khải nhìn lên trời; hình như đang khóc. Anh Đạt an ủi cả nhà: “- cố đi thêm một đoạn đường nữa thôi, anh sẽ kiếm một nơi thật nên thơ để chúng ta nghỉ lại đêm nay; bây giờ vẫn còn sớm; nghỉ lúc này uổng thời gian lắm.” Cả đoàn người uể oải đứng dậy đi tiếp, không biết được bao nhiêu đoạn đường, chỉ biết trời đã về chiều, anh Đạt lại muốn tìm khúc sông hẹp để vượt qua bên kia, chúng tôi tới gần một nhánh phụ lưu của con sông cái Êpa, còn xa lắm mới gặp được con sông chính, đành phải dừng chân nghỉ ngơi thôi, nhưng mà…mọi người ai cũng đói cả, phải có cái gì đó có thể ăn được;bỏ vào bao tử mà ngủ cho qua một đêm, cứ vừa đi vừa bứt bất cứ thứ lá cây gì không có mủ là bỏ vô miêng mà nhai, mà nuốt, không biết chúng tôi ăn được bao nhiêu thứ lá cây trong rừng, mổi thứ lá có một mùi vị khác nhau…nhưng cái đói thì quá ư dể sợ, chẵng những vậy còn phải nhìn lên cao; biết đâu gặp một cây gì đó có trái ăn được…thế là chúng tôi trở thành những chàng và những nàng Thi sĩ bất đắc dỉ; không tìm thi hứng mà chỉ lo tìm…cái ăn, Đạt nhỏ chạy lên trước anh Đạt, anh chàng nhảy qua qua 1 cái hố nhỏ và reo lên:

– Có rồi… một cây sung nhiều trái lắm.

Mọi người chạy tới chổ Mạnh và cùng nhìn lên cây, những trái sung tròn; dẹp giống như trái vã xứ Huế quê tôi nhưng nhỏ hơn, bám chi chít trên thân cây, Đạt nhỏ leo lên nhanh như một con sóc, anh ta hái những chùm trái chín thả xuống, chúng tôi đưa tay chụp; tôi nắm vạt áo trước chìa ra để hứng, anh ta lại la oai oái “kiến, kiến quá trời, nó cắn… ái dà…”

Anh Đạt lựa những trái lớn nhất đưa cho bố mẹ, chúng tôi ngồi lựa những trái lớn chia nhau; cũng không nhiều gì mấy, mỗi người chỉ vài trái. Bé Lan, Ty anh, Ty em, My cò ngồi mân mê đếm những trái sung trên tay; lựa chọn – “trái này ăn liền nè; trái này để dành nè;” rồi mấy đứa nhỏ đưa lên miệng cắn, đứa nào cũng nhăn mặt, nhắm mắt lắc đầu: “chát quá mẹ ơi; con không nuốt được;” chị Bích dổ dành:- “cố nuốt đi các con, nhìn ông bà, mẹ và các cậu; các dì đây này…” chị Bích nhai trái sung mà nước mắt chị lăn dài trên má, cũng may còn mấy lóng mía để dành cho Ly Ly. Tôi cắn làm đôi trái sung, trong ruột của nó màu hồng, với những sợi tơ mịn màng như nhung giống ruột trái vả; mùi thơm của nó thật dể chịu nhưng khi ăn… không dể đâu, Khải nói cắn từng miếng nhỏ xíu nhai từ từ mới nuốt được, phải kiếm một trò chơi gì đó liên quan tới ăn để có thể nuốt trái sung vô bụng, Hằng cắn một miếng hát: 1, 2, 3 là con gà bước ra…(nuốt; chát quá) 4, 5, 6 là con gà chảy máu…(nuốt; ái dà) 7, 8, 9, là con gà sắp chín… (nuốt)… mấy đứa nhỏ với trò chơi của dì Hằng đã ăn được vài trái sung, Trong đoàn người đi này có 2 bà mẹ đang nhìn các con mình mà chảy nước mắt; đó là Bà An và chị Bích. Khải đến ngồi gần tôi buồn bã:

– Thủy có hối hận khi đi chung với gia đình anh không?

– Thủy không nghĩ gì hết, nhưng nếu không đi chung với gia đình anh; Thủy cũng chẳng biết mình như thế nào nữa, thành phố vắng hoe; Thủy thì không có người quen, lúc đó Thủy sợ lắm… à, anh Khải, anh đừng gắt với mợ anh; Thủy thấy thương bà quá.

Khải im lặng thở dài; mắt nhìn đâu đâu, anh lấy tay vẻ nghệch ngoặc xuống đất, rồi nói với tôi:

-Nhiều khi nhìn mợ anh đau lòng lắm chỉ muốn khóc; nhung hể mỗi lần thấy mợ khóc là anh rối cả ruột; mợ chịu khổ không quen. Thủy biết không; cứ chui rúc mải như thế này anh muốn điên lên mất; may mà có em; đời còn dễ thương… để mà đi tiếp, Thủy có nhớ lúc còn ở pleiku; mỗi chiều được đến trường đón Thủy đi dạy về anh vui lắm, nhưng anh cũng rất buồn vì em lúc nào cũng chỉ nghỉ đến anh chàng pilot kia.

Tôi sợ nghe những lời tâm sự này của Khải, vì làm sao mà tôi quên được; có biết bao nhiêu kỷ niệm, biết bao nhiêu buổi chiều anh Bang đến trường đón tôi, lúc đó chúng tôi không muốn rời nhau dù chỉ trong chốc lát, nhắc chi cho thêm buồn, rồi sau đó… tôi cũng nhớ có những buổi chiều khi dạy xong tôi về; nhưng vừa ra đến cổng trường thì thấy Khải đang đứng chờ tôi, với bộ đồ lính mặc trên người; tay mân mê cái nón nỉ, trông Khải vừa phong sương lại vừa có vẻ nghệ sỉ, anh chàng nhìn tôi cười ngượng ngùng, e ngại… đã xa thật là xa… làm sao mà quên được… cũng may anh Đạt đứng dậy vươn vai; ẹo lưng – cho giãn gân cốt – anh nói thế, tôi biết lại phải chuẩn bị lên đường nữa rồi. Đoàn người tiếp tục đi cho tới khi gặp một nơi thật đẹp anh Đạt mới cho ngừng. Tôi nhìn quanh; nơi đây thật tuyệt vời, chúng tôi nghỉ ở ven rừng, phía dưới là giòng sông uốn khúc quanh co, chiều lắm rồi và chiều nên thơ quá; như một câu thơ tôi thuộc từ thủa bé: ” “trời chiều bãng lãng bóng hoàng hôn, mấy cánh chim bay tận cuối trời…” Ở đây có tới 22 cánh chim lận. Màu trời chiều lúc nào cũng làm cho tâm hồn tôi nhức nhối; lòng cảm thấy buồn mênh mang, chơi vơi.

Đêm xuống nhanh; sương đêm mõng trắng bàng bạc bao phủ chung quanh. Ông bà An; chị Bích, mấy đứa con gái và những cháu bé đã ngủ say, chỉ còn lại những người “lở cở;” như tụi tôi xuống bờ sông ngồi tâm sự, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, chuyện nam tào bắc đẩu rồi đến chuyện của từng đứa, anh Đạt, Khải… so sánh với anh Hưng, Phi chuyện người bay trên trời, người hành quân trong rừng, bay trên trời thấy toàn là trời xanh mây trắng, còn đi trong rừng chỉ có cây cối và gai góc… nhưng trong rừng đẹp lắm, nên thơ lắm, đầy hoa bướm lạ… Tại sao đêm nay không ai buồn ngủ? hay cũng như tôi “ngổn ngang trăm mối tơ vò.”

Nữa đêm có tiếng sấm sét gầm rú rung chuyển trời đất, những tia chớp màu xanh lạnh tóe sáng rực trời trông thật khủng khiếp, gió thổi mạnh và cơn mưa trút xuống như thác đổ mà không báo trước, mưa đầu mùa lớn quá; chúng tôi giật mình thức giấc cuống cuồng tìm những lùm cây rậm chui vào, không cảm thấy đau đớn vì bị trầy xướt; thật buồn cười, núp mưa kiểu này chẳng khác nào: lấy vải thưa che mắt thánh Nước từ trên cao đổ xuống, len lỏi qua mọi ngỏ ngách không chừa một chổ nào, chúng tôi cố gắng co mình lại; nghỉ rằng càng cuộn nhỏ người bao nhiêu càng đở bị ướt bấy nhiêu, mấy đứa bé được người lớn ôm chặt trong lòng. Chúng tôi vừa ướt; vừa lạnh cọng thêm cái đói ập đến bất ngờ nên run cầm cập, run như cầy sấy, lúc này thì nước mắt cũng tuôn trào lai láng hòa cùng với nước mưa, vị mặn của nước mắt; vị ngọt lạnh của nước mưa chảy vào miệng; thấm vào lưỡi chúng tôi ngon khó tã. Ngồi khum lưng mỏi rã rời mà vẫn cứ ướt “như chuột lột;” tôi liều chui ra khỏi lùm cây; nằm dài trên nền đất, lắng nghe cảm giác những sợi nước nhỏ đang chảy dưới lưng mình; vừa nhột nhạt lại vừa như được ai đó đang xoa vào lưng: nhẹ nhàng; êm ái; mơn man, nước từ những chiếc lá trên cao rơi xuống mặt, xuống người tôi lành lạnh như có những mủi kim châm vào…

Cuối cùng thì cơn mưa cũng tạnh, nhưng sấm chớp vẫn xẹt ngang xẹt dọc trên bầu trời đêm; ánh sáng xanh lè như lưởi thép vừa ma quái vừa hung hãn đe dọa chúng tôi. Sau một hồi ra oai thì sấm lặng; chớp tan, chúng tôi ngồi chụm lại với nhau, chị Bích mừng rở vì lúc trời vừa đổ mưa, Khải, Minh, Đạt kịp lấy cái poncho nhà binh chùm cho bố mẹ và cái sacmarin đựng áo quần và những giấy tờ quan trọng của gia đình (và tôi cũng là người trong gia đình), nhưng ngày mai cũng vẫn phải xem lại mọi thứ. Mọi người đều lạnh nhưng không làm sao đốt được lữa để sưởi ấm, đành ôm nhau; lấy hơi người mà sưởi ấm cho nhau. Khải hỏi tôi: – Thủy sợ không? Tôi khóc: -Ai mà không sợ; hỏi lạ chưa.


Source: https://buonvuidoilinh.wordpress.com/2016/12/11/chan-mem-tren-da/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.