Thứ Năm, 21 tháng 10, 2021

CHÂN MỀM TRÊN ĐÁ - Phần IV


HỒ THỦY

22/03/1975

Mãi gần sáng chúng tôi mới ngủ được, giấc ngủ của sự mệt mỏi, của một đêm dài ướt mưa, khi thức giấc thì nắng đã lên cao, hôm nay trời đẹp quá, từng cụm mây trắng lững lờ trôi trên nền trời trong xanh. Tất cả những áo quần, đồ đạc trong sacmarin được lôi ra phơi nắng;dù không bị ướt nhiều thì cũng ướt ít, rất may là những giấy tờ; bằng cấp; và cuốn sổ nhỏ để trong cái ví học trò của tôi không bị ướt, tôi thử lại cây viết của Paker cha tôi tặng sau khi đậu tú tài; không bị sao cả, còn được 1 ống mực secour, cái ví học trò là món quà của người chị tinh thần tặng khi tôi lên Pleiku, nó to bằng cuốn vở, đựng được nhiều giấy tờ và vài thứ linh tinh, may mà có nó, tôi mừng quá… Mấy trái sung hôm qua để dành; sáng nay lấy ra ăn, cũng hơi quen vị chát của nó nên nuốt dể hơn một chút. Trải qua một đêm mưa lớn, hôm nay nước sông dâng cao và đục ngầu; đang cuồn cuộn chảy, đó là nước trên nguồn đổ về;lúc này dòng sông không còn hiền lành; êm dịu và nên thơ nữa, tiếng nước ầm ầm mạnh như thác đổ; hung hăng đầy sự đe dọa cho chuyến đi này của chúng tôi, nhưng dù có như thế nào thì tôi vẫn thấy con sông này thật đẹp, tôi rủ Hằng xuống bờ sông ngồi để nắng làm khô quần áo trên người mà đêm qua mưa làm ướt hết, anh Đạt vẫn tính chuyện vượt qua bên kia sông, Hằng ưa hát:- này người yêu… tôi than với Khải: – cứ lội qua, lội về hoài – , Hằng cười vì: – bên kia sông là ánh mặt trời – Hôm nay chúng tôi lên đường rất trể, trời mới nắng đẹp đó mà đã chuyển qua hanh rồi, mây từ đâu tụ lại thật nhiều trên không, đêm nay xin đừng mưa như đêm qua. Một đoàn người với những đôi chân mang giày làm bằng lá đi theo sau lưng anh Đạt, Hưng nói:

– Chắc tôi bỏ cuộc thôi, tại sao cứ phải chịu khổ sở như thế này,

Anh Đạt gắt nhẹ: – ông đừng làm nản lòng “chiến hữu ” chứ, nếu muốn quay trở lại thì tùy, nhưng tôi vẫn phải đưa gia đình tôi đi tiếp – . Mặc dù Hưng nói vậy nhưng vẫn đi theo với chúng tôi, bây giờ thì tiến thoái lưỡng nan rồi. Tất cả chúng tôi mỏi rã rời như muốn bịnh vì trận mưa đêm qua nhưng vẫn phải lê từng bước theo anh Đạt, con đường đầy chông gai, khi thì leo dốc; lúc xuống đồi, có khi lại quanh co uốn khúc. Rừng thật đẹp; tôi vừa đi vừa nhìn ngắm chung quanh, đến một nơi quá đẹp chúng tôi ngừng lại để nghỉ, Khải nằm dài lên một thân cây bị ngã trong rừng, anh chàng nhìn lên trời; tay se se cánh lá vàng miệng hát “she nowt when I love somme; “…tôi thích nghe Khải hát, giọng Khải nhẹ nhàng du dương, Mạnh đi loanh quanh đâu đó rồi mang về một mớ trái giống trái sung nhưng nhỏ hơn; đựng trong vạt áo, Mạnh nói đây là trái Ngái – cùng họ với trái Sung – mùi của nó lại thơm hơn, ăn được dù cũng rất là chát; không thua gì trái sung, cốt yếu làm sao cho đở đói mà đi tiếp, Đạt nhỏ khuyên mọi người hảy cứ đi, đừng nghỉ ngợi chi cho lắm mà mất tinh thần, cứ coi như là cả nhà đi cắm trại trong rừng. Hằng, Minh, Khải và tôi thích ngồi đây lâu hơn vì nơi đây đẹp quá, tâm hồn chúng tôi để dàng rung động trước vẽ đẹp của thiên nhiên dù bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu… Nhưng thôi; phải lên đường.

Hôm nay thật là may, chúng tôi gặp 1 buôn Thượng nhỏ, lơ thơ mấy mái nhà rông, chúng tôi mừng quá ghé vào. Trong buôn vắng vẽ, chỉ có vài người già và con nít, họ bu lại nhìn chúng tôi có vẻ tò mò rồi chỉ chỏ líu lo nói chuyện với nhau bằng thứ ngôn ngữ của họ, hình như họ cũng biết chút ít tiếng Kinh. Anh Đạt dùng tất cả khả năng điệu bộ mình có để nói chuyện với họ, anh đưa tay chỉ vào bụng của chúng tôi nói một chử “đói;” rồi chỉ lên miệng, vẻ mặt anh buồn như muốn khóc, sau cùng anh nói một tiếng “ăn;” người đàn bà thượng hỏi giọng lơ ló: “người kinh xin cái ăn hớ?” tất cả chúng tôi vội vã gật gật đầu, bà ta và mấy người đứng bên cạnh bỏ đi, một lát sau họ quay lại, mỗi người đeo một cái gùi sau lưng, họ ngồi xuống trước mặt chúng tôi rồi lôi những thứ đựng trong gùi ra, khoảng 10 trái bắp khô, 1 trái bí, 3 trái đu đủ, một nải chuối, người đàn ông đứng bên bà (có lẻ là chồng) lắc lắc đầu ra dấu với chúng tôi, ông ta nói “nghèo nhiều, nghỉ; nghỉ xuống…” Đạt nhỏ giải thích: ” ổng nói là họ nghèo lắm, ổng kêu tụi mình ngồi ở đây nghỉ.” chúng tôi mừng rở cảm động cám ơn họ. Tôi rủ Hằng, Khải, Minh xin họ đi quanh trong làng, cũng bằng một vài điệu bộ và mấy chử ngắn gọn, họ hiểu và gật dầu, thế là mấy đứa tôi lang thang trong buôn làng người thượng, tôi cảm xúc bởi vẻ đẹp hoang sơ ở nơi đây, sự gần gủi với thiên nhiên trong cuộc sống của họ tạo cho họ có một tâm hồn mộc mạc, trong sáng, bình dị, tấm chân tình của họ mang đến cho chúng tôi sự cảm thông và chia sẽ, Minh reo lên, cậu bé đưa tay chỉ về một góc ở cuối làng; nơi đó có một bụi mía cao, Hằng mừng quá vổ tay reo: “- xin mía cho bé Ly bú đi Khải ” . Bốn đứa quay về nơi cả nhà đang ngồi, Hằng kể anh Đạt nghe, lại quơ tay ra dấu lại nói lơ ló mấy tiếng, người đàn ông gật đầu quay đi, lát sau đem về đưa cho anh Đạt 5 cây mía, chị Bích mừng đến ứa nước mắt; thế là bé LyLy có 1 bình nước mía bú ngon lành, Mạnh hỏi mượn cây dao (ngoài Huế kêu là cái rựa), có dao; Đạt nhỏ cạo sơ vỏ cây mía rồi chặt mỗi cây làm 5 khúc để bó lại cho gọn, ông An nói anh Đạt chia cho mỗi người 1 lóng mía. Lóng mía chỉ dài chưa bằng 1 gang tay nhưng ngon và quí biết là bao, chúng tôi tước vỏ ra; cắn gảy từng miếng nhỏ nhai thật kỷ; ép cho ra hết chất nước trong lóng mía, nó ngọt ngào như không có thứ gì ngọt hơn. Tôi rủ Khải:-” mỗi lần gặp làng Thượng tụi mình xin họ cho tụi mình đi lùng quanh làng, vui ghê,” Khải cười gật đầu.

Nhờ có một ít lương thực của những người Thượng tốt bụng mà chúng tôi cảm thấy trong lòng phấn chấn nên đi nhanh hơn, đến quá trưa chúng tôi mới nghỉ chân, Đạt nhỏ chuẩn bị nướng bí, mấy trái đu đủ đã chín vàng nên anh Đạt xẻ ra chia cho mỗi người 1 miếng nhỏ, chị Bích lựa miếng chín nhất cho bé Ly ăn, bé mút mút miếng đu đủ rồi vổ tay cười thích thú. Trưa và chiều nay cả đoàn được ăn nhiều đồ ngọt, thật là sung sướng, số bắp khô được tách hột cắn nhỏ chiều nay sẽ nấu, tối mới được ăn, nhưng chỉ ăn phân nửa mà thôi, phân nữa dành sáng mai ăn lấy sức mà… đi, còn nải chuối chưa được chín thì để dành. Ngồi buồn Mạnh nảy ra sáng kiến lấy râu bắp làm sợi thuốc lá, còn lá bắp thay giấy vấn bên ngoài, thế là các anh con trai có được những điếu thuốc lá bằng râu bắp hút cho đở ghiền, ngồi với nhau phì phèo nhã khói lên trời;cả nhà khen Mạnh nức nở, tôi và Hằng, Minh cũng bắt chước nhưng chịu không nổi, ho sặt sụa, bị chị Bích la cho một tăng. Rừng bao giờ cũng đẹp, đầy bí ẩn và nhiều nguy hiểm mà chúng tôi thì cứ phải đi trong rừng, sông lúc nào cũng nên thơ, nước sông lúc nào cũng mát dịu nhưng gặp cơn mưa lớn, sông bổng thét gầm dữ dội và chúng tôi lại không thể đi xa được con sông.

Mấy hôm nay cứ lẩn lút trong rừng, men theo sông, theo suối mà đi, đêm nằm ngủ thì cứ ngã lưng trên đất, trên cát hoặc trên lá cây rừng, cái đói là bạn thường trực với chúng tôi, hình như không ai có ý niệm gì về thời gian nữa, cứ sáng đi; trưa nghỉ, xế trưa đi; chiều nghỉ… riêng tôi; tôi chỉ ghi đươc rất ngắn gọn vào quyễn sổ nhỏ của mình, để không quên ngày tháng và những chuyện đã xảy đến với chúng tôi. Tôi nằm trên đám lá khô dưới một gốc cây lớn, hai tay khoanh lại làm gối kê đầu nhìn lên trời, những đám mây trắng nõn nà lẫn trong màu xám bạc đang lững lờ bay dưới nền trời xanh, đẹp quá đi thôi… Đang lim dim buồn ngủ thì bé Lan rụt rè đến bên tôi, tự nhiên tôi cảm thấy thương nó quá, mấy hôm nay tôi đã thờ ơ; vô tình với nó dù bé vẫn lặng lẽ đi bên cạnh tôi, vẫn thích nắm lấy tay tôi; thế nhưng trong lòng tôi vẫn không có sự hiện diện của bé Lan hay của Hưng; Phi, tâm hồn tôi vẫn cứ lãng đãng nơi đâu dù chân vẫn bước; mắt vẫn nhìn. Bé Lan cũng bơ vơ như tôi, số phận của bé còn thê thãm hơn tôi vì bé không biết cha mẹ bé đang ở đâu? còn sống hay đã chết? còn tôi, tôi biết cha mẹ mình còn ở Nha Trang, đang yên lành chờ mong tôi về nhà. Tôi nhìn bé Lan và lòng bổng dưng thương bé quá, tôi nắm tay bé kéo xuống nằm bên tôi, mái tóc bé rối bời, nó đưa bàn tay gầy trơ xương lên đếm:

– 1 nè; 2 nè; 3 nè… cô ơi mình đi được mấy ngày rồi hả cô? sao đi hoài vẫn chưa về tới nhà hả cô?

– Mình đi đươc 5 ngày rồi, làm sao cô biết được chừng nào mới về đến nhà, cứ đi theo chú Đạt là về tới nhà thôi.

– Cô ơi; chắc ba má cháu đã về nhà rồi đó cô, kỳ lắm cô, buổi tối hôm đó cháu đang ngủ ngon tự nhiên ba má kêu cháu dậy, ba má bồng em bé, dắt tay cháu nói là cả nhà mình đi chơi xa, – bé òa khóc – cô Thủy ơi cô biết ba má cháu đi đâu không? cháu nhớ quá cô à.

– Nín đi con, kể cô nghe ở nhà bé Lan làm gì? ba má làm gì?

– Ba đi lính, má bán hàng ngoài chợ, cháu biết quét nhà bồng em cho má. Cô ơi, cháu kể cô nghe; hồi đêm cháu mằm mơ thấy ba má với lại bé Xíu nhìn cháu cười mà sao cháu kêu hoài không ai chịu nghe, cháu buồn lắm đó cô, cô Thủy ơi, mình đừng đi với chú Đạt, cháu mỏi chân lắm, cô đưa cháu về nhà cháu nghe cô…

Làm sao nói cho bé Lan hiểu bây giờ? Tôi ngồi dậy ôm bé Lan vào lòng, dấu mặt tôi vào mái tóc khét nắng của bé, tôi khóc thầm, có biết bao câu hỏi nhưng không có được một câu trả lời, chính tôi đây; tôi cũng không hiểu nổi tại sao và vì sao.

Khải đến ngồi bên tôi, hai đứa nhìn xuống dòng sông bên dưới; Khải mơ mộng:

– Nơi đây đẹp quá Thủy nhỉ, anh không muốn đi tiếp nữa, hay… em ở lại cùng anh…

Tôi cười:

– Ở đây để làm người tiền sử hả? Khải không sợ chết đói à? rồi đủ mọi thứ thiếu thốn…

Khải ngắt lời tôi:

– Vậy chứ người Thượng họ cũng sống được đó thôi.

Tôi lắc đầu:

– Họ khác; mình khác.

– Ối dà, đừng lo; ngày ngày anh đi kiếm đồ ăn đem về cho Thủy, bất quá mình cũng làm rẫy như họ…

Tôi xô Khải ngả chổng chân lên trời:

– Anh làm như tụi mình đóng phim kiếm hiệp vậy đó, cứ xách kiếm te te đi chơi, không làm gì mà cũng có cơm ăn, vậy là tụi mình giống… cái bang rồi…

Có tiếng Hằng cười khanh khách sau lưng:

– Con nhà Khải mơ mộng quá trời, em tôi lại sống trên mây rồi.

Mấy đứa tôi cùng cười lớn, bao nhiêu ưu phiền mệt nhọc theo tiếng cười bay đi mất. Anh Đạt đứng ở trên đồi vổ tay ra lịnh:

– Mấy đứa, mau mau mang giày vào; đi tiếp. Mất nhiều thời gian lắm rồi đó nghe,” -“Đi thì đi..”. Tôi sửa lại đôi giày cho bé Lan; tôi nói với bé mai cô sẻ gội đầu cho bé, từ bây giờ tôi sẽ chú ý chăm sóc cho bé, gần gủi với bé nhiều hơn; tôi nhớ đến giấc mơ bé kể lúc nảy và tôi sợ… Tôi nhìn lại nơi tuyệt đẹp này, cũng có phần nào lưu luyến, Khải lôi tay tôi: “còn nhiều nơi đẹp lắm; đi thôi”

Đang đi thì Đạt Nhỏ lượm được 1 miếng cơm cháy khô queo dính cát nhỏ bằng bàn tay nằm cạnh 1 cái chốt của vc, Đạt Nhỏ bẻ ra chia cho mỗi người 1 miếng nhỏ xíu bằng lóng tay, chúng tôi gở cát dính trên đó rồi bỏ vào miệng ngậm, nước miếng làm mềm những hột cơm cháy, thèm cơm quá đi thôi.

Anh Đạt mở bản đồ ra xem; hiện giờ chúng tôi đang ở khoãng giữa dòng sông Adun và nhánh nhỏ của sông Êpa, chương trình của anh Đạt là đưa mọi người ra khỏi khu rừng này, cặp theo sông, gặp được khúc sông nào cạn sẽ lội qua, khi qua được bên kia sông rồi thì… tiếp tục đi trong rừng, bám dọc theo đèo Măngyang; từ đó xuôi xuống theo sông Êpa về đến Tuy Hòa. Ý nghỉ về lộ trình này cứ đeo bám trong đầu anh Đạt, đã mấy ngày rồi mà chúng tôi chưa tới được sông Êpa, hiện giờ đoàn người đang ở trên 1 ngọn đồi cao, phía đưới là 1 nhánh sông nhỏ, có vẻ sâu, anh Đạt hối mọi người phải đi nhanh mới được, anh chỉ vào mấy điểm màu trên bản đồ và giải thích cho chúng tôi biết: nơi nào có dân, nơi nào là sông, nơi nào là đường…. v… v… nhưng nhũng nơi như thế này chỉ có người dân tộc thượng dựng làng sinh sống, còn người kinh thì ở đồng bằng, phố thị. Anh Đạt nói phải đi làm sao để chiều mai đến được chấm đen này, anh chỉ cho tôi xem “cái chấm đen;” ấy trên bản đồ, tôi chẵng hiểu và chẵng nhìn ra được cái gì cả. Thật tình tôi thấy anh Đạt thế nào ấy, hể ở bên này sông thì anh chỉ mơ tưỡng bên kia sông; mà qua bên kia sông rồi anh lại muốn về lại bên này. Bà An phải dựa vào ông An mà đi, bà có vẻ mệt ghê lắm, hôm nay bà không nói chuyện với các con, bà cũng không cười với các cháu, có lẻ bà bịnh?

Chiều xuống rất nhanh, khi chúng tôi dừng chân là khi trời nhá nhem tối, Ngân đang nấu số bắp đã xin được lúc trưa, bao nhiêu người lớn là bấy nhiêu cái “máy cắn bắp;” người nào cũng bỏ vô miệng vài hột; cắn bễ làm đôi, vừa làm vừa nói chuyện tiếu lâm chọc cho nhau cười, Khải đang ép mía cho bé Ly Ly bú, chị Bích nằm dài trên đám lá khô, Bé Ly nằm trên người chị đang ra sức bú những giọt sữa rất hiếm hoi của mẹ. Tiếng anh Đạt vang lên phá tan sự im lặng của mọi người:

– Ngày mai sẽ vượt sông, đoạn sông này không sâu lắm, chừng ngang ngực của mình thôi, mấy người lớn cõng mấy cháu bé trên vai, còn các cô bám vào nhau mà lội qua, đồ đạt thì khi đưa các cháu qua rồi, quay trở lại mang đồ sang. – Ông An hỏi:

– Làm sao con biết là cạn, nhỡ như khúc sông này sâu thì sao? nguy hiểm lắm con ạ.

– Con vừa thăm dò xong, không sâu đâu cậu à, phải cố mà đi cho nhanh, mùa mưa đến sớm như thế này mình dể bị kẹt ở trong rừng…

Anh Đạt bước ra chổ khác ngồi, nhìn anh có vẻ đăm chiêu; tôi biết anh đang rất lo. Tôi hỏi riêng anh Đạt:- “bên kia sông có gì mà sao anh cứ bắt mọi người chạy qua chạy lại hoài, đi như hình ziczac vậy đó ?” -“Anh cũng không biết bên kia sông có gì nữa, nhưng có cái gì đó cứ thôi thúc anh phải qua bên kia; dù rằng sau khi qua bên kia rồi anh lại thấy… phải trở lại bên này, tự nhiên anh cảm thấy mình không phải là mình mà là ai đó, nói ra sợ cả nhà lo, Thủy giữ kín cho anh.” Anh Đạt nói với tôi điều này xong; hình như anh có vẻ nhẹ đi một chút; nhưng tôi lại cảm thấy lòng mình trở nên nặng nề hơn. Hưng thắc mắc: -“Tại sao không ra đường cái quan mà đi, tôi biết đèo Măngyang đẹp lắm đó, chứ mình cứ đi mãi trong rừng như thế này biết bao giờ mới tới Tuy Hòa, mà biết đâu về tới đó, nó cũng mất như pleiku. ”

Anh Đạt gắt: – Đã là mình đang cố tránh vc, ra đường nhựa là gặp họ ngay, lúc đó họ lùa mình về lại Pleiku, rồi bắt mình đi nô dịch khổ sai có mà chết, còn đi trong rừng như thế này có nhiều hy vọng về đến Nha Trang, Nha trang có mất thì mình vượt biên vào Sài Gòn…

Những điều anh Đạt nói làm cho mọi người bồi hồi, lòng đầy hy vọng và phấn chấn tinh thần, tôi nhớ cha mẹ tôi lắm, nhớ hàng dừa trước sân nhà, nhớ giếng nước trong veo ngọt nhất vùng, nhớ nhà thờ Vĩnh Phước… nhớ bãi biển cát trắng, nước xanh, và tôi như nghe được tiếng sóng vỗ rì rào… rì rào… Ngày mai sẽ “sang sông;” chưa bao giờ tôi nôn nao như vậy, tôi nói với Hằng:-” sông này sao giống… sông Bến Hải; nó chia cắt đôi bờ, nên mình cứ muốn qua bên kia.” Chúng tôi gồm những người như: Anh Đạt, Hưng, Phi, Khải, Mạnh là những quân nhân, chị Bích, Hằng và tôi là những giáo sư, còn Minh, Hoa, Kiều, Ty, Ty Anh, là học sinh… Và thêm nữa là Ông Bà An; đang ngồi bên này sông để mơ về “nơi bình yên chim hót “.Mỗi chiều khi ngừng nghỉ Hằng lại hát “này người yêu, Người yêu tôi ơi…” bên kia sông, rồi bên kia nữa; có anh bên đó không? Tôi nhớ; tôi mong; tôi chờ đợi và tôi suy tư, cuộc chiến này hoàn toàn phi lý và phi nhân mà cái chết là sự kết thúc không báo trước. Cả một thành phố nhốn nháo, cuống cuồng chạy trốn vì sợ, một nỗi sợ vô hình, mà sự sợ hãi rất dể lây lan, nó như một bịnh dịch không sao ngăn chặn nổi, vc hay quá, đã làm cho người dân sợ chết khiếp, nhất là những gia đình có người đi lính… mà nhà nào lại chẳng có người bị đi lính và phải đi lính kia chứ, đó là sự bắt buộc rất hiển nhiên và tự nhiên thôi.

Trời tối dần, phía bên kia sông chỉ còn là một màu tím thẫm, nồi bắp cũng đã nhừ, chúng tôi mỗi người chỉ được một nắm bắp, bắp của người Thượng trồng thật ngon; nó vừa ngọt vừa bùi lại vừa dẻo, mùi thơm dể chịu. Tôi bỏ vài hột vào trong miệng; nhai thật lâu, thật kỷ để cảm nhận thật đầy đủ những hương vị đặt biệt của từng hạt bắp, dù sao cũng cứ nghỉ rằng: “ăn là một nghệ thuật;” và làm bớt đi cái phàm tục của mình, tôi nuốt thật chậm để cho cổ họng mình cũng được hưỡng nhờ cái vị ngon của bắp…, bé Lan lại đến bên tôi, tôi đếm đúng 10 hột chia cho bé ( thật ra là chỉ 5 hột đã cắn làm đôi). Chỉ sợ đêm nay trời đổ mưa, anh Đạt moi từ dưới đáy sacmarin lấy ra cái poncho, phòng hờ trời có đổ cơn mưa, dùng nó để che mưa thật là tuyệt. Buồn quá, chúng tôi rủ nhau ra mé bờ sông ngồi chơi, trên trời có những vì sao đang lấp lánh, một số ngôi sao đã bị mây che phủ. Bà An đang ngồi nói chuyện với Kiều, Ty và mấy đứa cháu, tôi nghe tiếng bà cười vui; lâu lắm rồi; kể từ ngày leo kên chiếc GMC đến nay mới nghe được tiếng cười của bà, mấy đứa chúng tôi vui lây. Tôi ôm bé Lan vào lòng; đu đưa nhè nhẹ, Hưng; Phi tới ngồi gần tôi; chúng tôi nói chuyện, hỏi thăm nhau, kể từ lúc nhập vào đoàn nhà chị Bích, đây là lần đầu tiên 3 đứa tôi nói chuyện nhiều với nhau, Hưng hỏi tôi đủ thứ chuyện, tôi kể cho 2 người nghe đại khái đôi chút về mình:

– Cha mẹ tôi ở Nha Trang, quê tôi làng Phủ Cam; Huế; cha tôi là Dân Biểu Quốc Hội khóa 2 của thời ông Ngô Đình Diệm, Dòng họ HỒ – ĐẮC, lúc nhỏ tôi học trường JEAN – D’ARC, sau Mậu Thân cả nhà vào Nha Trang, học trường Lê Qúi Đôn, đậu tú tài 2 lên Đà Lạt học đại học Văn Khoa và Sư Phạm, rồi xin lên Pleiku dạy, ở nơi tận cùng bằng số đó chẳng sợ ai để ý kỷ luật vì tôi ưa gom giờ dạy lại gần liền nhau; dành những giờ trống để bay lên Đà Lạt chơi.

-Thủy dạy trường nào? Kể cho tụi anh nghe chuyện của Thủy đi.

– Tôi dạy trường Nam Trung Học Pleiku, môn Văn – Sử – Địa, học trò của tôi có đứa cao bằng cô giáo, trường ở trên đường Hoàng Diệu; nằm giữa trường Tuyên Đức của Tàu và Trường Phao Lồ của các Soeur, trên một ngọn đồi; qua khỏi trường đến cuối con đường, qua bên kia đường có một thung lũng, tôi đặt tên là Thung Lũng Hồng, vì mỗi sáng sớm ra đó nhìn xuống dưới thấy cỏ có màu phớt hồng của nắng, đẹp lắm.Ngoài những giờ dạy ở trường Pleiku tôi còn dạy thêm môn Pháp Văn của trường Tư Thục Minh Đức 2 ở Phú Thọ…

Phi nói đùa:

– Học trò lớn mà cô giáo còn nhỏ như thế có bị xảy ra chuyện vòng tay học trò không?

– Cũng có vài lá thư tỏ tình của mấy “chú bé con” mới lớn, đọc cũng vui vui.

Anh Phi cũng ở Nha Trang, phi đoàn 114, lên Ban Mê Thuột bị kẹt lại, phải di tãn bằng đường bộ, anh hỏi tôi:

– Khải là gì của Thủy? rồi chị Bích, Hằng…

– Tôi dạy cùng trường Nam Tr. học với chị Bích, với lại cũng dạy trường Minh Đức 2 ở Phú Thọ chung với Hằng, tụi mình đang đi cùng với cả gia đình chị Bích, Bố mẹ của chị là ông bà An, cả nhà kêu bằng cậu mợ vì ngày xưa ở ngoài Bắc gia đình chị thuộc giới quí tộc, Đạt là em kế, rồi đến Hằng, Khải, Luật, Minh, Kiều, Ty, còn Thấm là em vợ của anh Đạt, mấy cô nhỏ kia là em họ của chị, anh hỏi Khải là gì của tôi? tôi cũng không biết nữa, nhưng Khải lãng mạn và hát rất hay, còn Minh là 1 chàng trai đang lớn, đúng hơn đó là một thiếu niên rất dễ thương, rất tình cảm; chững chạc, ít nói, tâm hồn sâu sắc lắm đó… mà thôi, sao tôi nói nhiều quá, tôi sẽ không nói thêm nữa đâu.

– Thủy kể chuyện hay lắm đó? với lại Thủy có cái răng khểnh rất xinh… biết không?

Tôi cười:

– Biết chứ, ai cũng khen như vậy. Khải từ trên dốc chạy xuống kêu tôi “- Thủy ơi; mợ gọi em kìa;” Khải nắm tay tôi kéo đến chổ bà An, tôi hỏi: – mợ nói gì con? -con biết từ lâu, cậu mợ quí con lắm, mợ mong khi về đến Sài Gòn con sẽ là con của cậu mợ nhé; con đồng ý không?.

Tôi không trả lời được câu hỏi của bà, nhất là vào lúc này, sự sống còn không biết có giử được hay không đây nói gì đến chuyện xa vời kia, tôi không trách bà, lúc này bà đang vui trong lòng, niềm vui hiếm hoi ít ỏi mới tìm lại được. Thời gian đến chơi với gia đình chị Bích là thời gian tôi đang sống ngập trong nổi đau khổ và nhung nhớ, tôi loay hoay tìm kiếm cho mình một phương thuốc để xoa dịu nổi đau đớn đó; nhưng tất cả chỉ là tạm thời trong chốc lát mà thôi. Đã khuya lắm rồi, anh Đạt ra lịnh:

-Thôi nào, mọi người đi ngủ thôi. Mợ đừng làm cho Thủy bối rối, cứ để mọi chuyện được tự nhiên mợ à ,(cám ơn anh Đạt lắm lắm).

Đêm nào cũng thế, hể nhắm mắt dổ giấc ngủ là tôi lại thấy những ánh chớp bừng lên, rồi sắt thép cùng xác người tung lên cao, rồi máu đỏ thắm đất, máu nhuộm cả một giòng sông, văng vẳng bên tai tiếng khóc la kêu gào, là tiếng nổ rung trời chuyển đất, những hình ảnh của chết chóc cứ ám ảnh tôi, nó ở mãi trong đầu tôi chẳng chịu buông tha cho tới lúc tôi phải khóc một hồi rồi mới ngủ được. Đêm nay ngồi nói chuyện với 2 anh chàng phi công này, tâm hồn tôi hơi xao xuyến bâng khuâng vì họ ở cùng phi đoàn của anh ấy… ngày xưa…

23/03 /1975

Mặt trời lên cao; nắng ban mai nhảy nhót trên những ngọn cây; len lỏi vào từng kẻ lá như những sợi chỉ vàng óng ánh, nắng chiếu vào mặt, nắng soi vào mắt, lúc đó chúng tôi mới thức dậy, anh Đạt là người nôn nóng lên đường mà cũng dậy trể như mọi người, chúng tôi nhào xuống sông, nước mát lạnh làm cho chúng tôi tỉnh táo. Một ngày mới đầy tươi đẹp, đầy màu sắc: mây trắng, trời xanh, nắng hồng óng ã, gió thì dìu dịu phất phơ… nếu không vì chuyến đi về vùng tự do đầy gian khổ này; mà được ở lâu nơi đây thì thích quá. Mỗi người chúng tôi được 1 nắm bắp như đêm qua, ăn xong chuẩn bị hành trang lên đường. Hôm nay bà An có vẽ rất mệt mỏi hơn bao giờ hết, hình như sức khỏe của bà rất kém.

Sáng nay chúng tôi phải lội qua sông, sau cơn mưa đêm hôm nọ nước trên nguồn đổ về dâng cao và chảy mạnh nên chúng tôi phải mò mẩm từng bước mới lội qua được bên kia bờ, con trai phải đi làm 2 chuyến: sau khi cõng mợ và các cháu nhỏ qua bên kia rồi, phải lội ngược trở lại; đội đồ đạc trên đầu, mỗi người nắm tay 1 đứa con gái dắt qua, đến giữa dòng Ngân loạng choạng trượt chân ngã xuống, 2 tay chới với đang lúc nước chảy mạnh, chúng tôi la hét vang cả một góc trời, cũng may Hớn kéo tay Ngân lên kịp. Khi tất cả chúng tôi qua sông được an toàn, mọi người ngồi nghỉ mệt, ai cũng hú hồn hú vía vì chuyện vừa rồi, áo quần đứa nào cũng bị ướt, thôi thì cứ để nguyên trên người nhờ nắng hong khô, chỉ mấy đứa bé là không bị ướt, dù sao cũng phải cố mà đi tiếp. Một đoàn người áo quần sũng nước đội nắng mà đi; lôi thôi; lếch thếch như một đám ăn xin du mục, cũng chẳng khác nào một lũ điên, đâu rồi hình ảnh của những chàng Sĩ Quan QĐVNCH oai phong lẫm liệt, đâu rồi hình ảnh của các quí cô tiểu thư khuê các? bây giờ thì mất hết cả rồi, chỉ còn một đám… tàn binh trông rất thê thảm.

Nắng nóng bỏng, trời oi bức nồng nực không có lấy 1 ngọn gió, tôi thở khó nhọc; lổ mũi như có khói bốc ra, mắt tôi cay mờ, đầu nặng như đeo đá, chân bước không muốn nổi, anh Đạt thì luôn miệng hối:” -nhanh lên nào, sao mà chậm quá cứ như là rùa bò,” Tôi đi như người bị mộng du, bây giờ đến lượt cơn đói hành hạ chúng tôi, đoạn rừng này không có trái gì để ăn, kể cả trái sung hay trái ngái, một nơi hoang vu, không có con đường mòn nào để chứng tỏ có bước chân của người Thượng; mà chỉ toàn là rừng cây với núi đá. Đạt Nhỏ ngừng lại nói với anh Đạt:

– Phải để 2 bác và mọi người nghỉ, không ai đi tiếp nổi đâu, bây giờ tất cả ngồi đây chờ tôi đi dọ đường, cố kiếm 1 con đường mòn, có đường mòn là có làng thượng đâu đó hoặc là nương rẫy của họ, tới lúc đó mình tùy cơ ứng biến.

Nói xong Đạt Nhỏ bỏ đi, chúng tôi ngồi bệt xuống đất chờ đợi, không biết thời gian bao lâu Mạnh mới trở về, mọi người chăm chăm nhìn anh chàng để đoán kết quả, Đạt Nhỏ thở ra có vẻ nhẹ nhỏm: – Gần đây có một làng Thượng nghèo, nhưng vẫn tốt hơn là không có, nào cùng đi…

Chúng tôi uể oải đứng lên đi theo Đạt Nhỏ, len lỏi sâu trong rừng 1 tí, xuôi theo bóng nắng 1 đoạn rồi chếch về bên trái gặp 1 con suối nhỏ (đổ về sông Êpa) nơi đây có 1 buôn thượng nghèo nàn, với vài nóc nhà sàn chơ vơ hiu quạnh, anh Đạt mở bản đồ ra xem, nhưng vì làng quá nhỏ nên chi không có trong bản đồ, nhưng theo trong này nếu đi ngược lên phía đèo Măngyang thì nơi đó có 1 buôn làng lớn tên là AnTrưng, nhưng nếu đi ngược lên phía trên là về lại… Nơi Chốn Cũ…Tôi chỉ vào mấy con đường vẻ trên bản đồ, nói với anh Đạt:

– Ngày đầu gặp vc, đoàn mình ở gần đèo Măngyang, mình cũng đã bò ra khỏi rừng để tới con đường này, rồi anh lượm được bịch gạo với cái nón sắt, sau đó cả đoàn rút vô rừng, đi mấy ngày trời mà cũng chỉ loanh quanh lòng vòng, lên đồi, xuống dốc, vô rừng ra suối, qua bên kia sông rồi về bên này sông…đoàn mình đâu có đi được bao nhiêu đâu, nếu bữa đó mình cứ đi thẳng xuống; không chừng mình đi được nhiều…

Anh Đạt nhíu mày: – Không phải đâu, lúc anh và Khải bò ra lượm đồ, thì tụi mình ở gần buôn Hra, chỉ là đầu đường đèo mà thôi, sau đó mình rút về đi theo sông Ađun -Thủy xem đây này – anh Đạt chỉ vào 1 điểm trên bãn đồ – Ở đầu cây cầu này là nơi cả đoàn xe bị chận lại, ngay Phú Bổn lúc đó vc pháo kích tưng bừng khói lửa, ngày gặp mấy ông vc là tụi mình ở chổ này, sau đó bò ra quốc lộ, rồi lùi ngược sông Ađun, vì sông này gần thị trấn Măngyang, không xa Hàm Rồng bao nhiêu, anh phải đưa cả nhà đi băng rừng để tránh vc. Pleiku mất rồi, thành phố bỏ ngỏ mà, thấy chưa.

À, thì ra là vậy, như vậy Phú bổn là tâm điểm của Qui Nhơn, Ban mê Thuộc và Pleiku. Trong bản đồ có 1 con đường nhỏ tách ra từ QL19, con đường này cặp theo sông Êpa tới thị trấn Cheo Reo, hai con sông Adun và Êpa gặp nhau nhập chung làm 1 dọc theo sông này có 1 con đường lớn, con đường và giòng sông chạy song song với nhau đi qua các buôn làng nhỏ, sau đó đến thị trấn KrongPa, cuối thị trấn là ranh giới của Tuy Hòa… Như thế chúng tôi phải đi rất nhiều cây số đường rừng, lại lên đồi; xuống dốc, lại loanh quanh loằng ngoằng nhưng dù sao khi gặp được làng Thượng ai nấy đều vui mừng, thở phào nhẹ nhỏm.

Mặc dù đây chỉ là 1 buôn Thượng nghèo nhưng có còn hơn không, đám con trai lại đi tảo thanh lương thực, Tôi và Hằng dù mệt vẫn muốn đi theo nhưng bị la: chỉ vướng chân. Tôi nhìn quanh chổ mình ngồi: nơi đây là một rừng tre dại; thân tre nhỏ bằng cườm tay của tôi, không cao vút như tre làng Phủ Cam của tôi, nó cũng mọc từng bụi, chúng tôi xuống sông rữa mặt, nước sông mát rượi làm dịu cơn mỏi mệt. Bao nhiêu lần vượt sông là bấy nhiêu lần hy vọng, nhưng bên này sông hay bên kia sông cũng thế mà thôi, vẫn chỉ là sự hoang vắng, là rừng cây; bãi cát cùng với sự thinh lặng của không gian. Tôi cảm thấy chung quanh mình mịt mù vây phủ không lối thoát. Chiều nay; ngồi trên đồi với một rừng tre xanh mướt, tôi nhìn xuống dòng sông bên dưới, tôi nghỉ về mình, tôi tìm tôi trong kỷ niệm, kỷ niệm của tôi lãng đãng mờ hơi sương, tại sao tôi cứ mãi nhớ nhung về những tháng ngày đã qua? đi như thế này lắm lúc tôi muốn nổi loạn, muốn gào thét thật to, rồi tôi lại muốn khóc; khóc thật lớn, khóc cho bể cả không gian mà trút tất cả mọi thứ đang chất chứa trong tâm hồn tôi để không còn lại một thứ gì, cho tâm hồn tôi được nhẹ nhàng thanh thãn.

Bé Lan lay lay vai tôi làm tôi tỉnh “cơn mê;” trở về với thực tại, bé đưa tay chỉ ngược lên phía trên giòng sông:

– Cô Thủy ơi, xem kìa;

Tôi nhìn theo tay bé chỉ và reo to:

– Có người kìa, chị Bích ơi, Hằng ơi, lẹ lẹ lên…

Đó là 2 người Thượng đen thui, một đàn ông và 1 đàn bà, tôi đoán đó là 2 vợ chồng, họ đang lưới cá ở khúc sông phía trên, tôi nắm tay bé Lan chạy tới gần để xem, 2 người họ; mỗi người 1 bên, 2 tay cầm 2 góc của 1 miếng vải mùng dài độ 3m; 2 góc cho chìm sâu dưới nước, 2 góc ở phía trên, họ cúi sát xuống cho tấm vải nằm dựng đứng theo chiều ngang ngăn dòng nước rồi đi tới từ từ, sau đó họ nâng tấm vải lên theo thế nằm ngữa, trên tấm vải mùng có mấy con cá nhảy lưng tưng, chúng tôi ngạc nhiên lẩn thích thú nhìn cảnh lưới cá đơn sơ mộc mạc này, họ làm đi làm lại nhiều lần như vậy, số cá lưới được, họ xâu vào 1 thanh tre chẻ nhỏ, sau đó treo trên một cành cây ven sông, ở trên bờ chúng tôi lẻo đẻo đi lên đi xuống theo 2 người đó (trông chúng tôi lúc này thật buồn cười, như 1 bầy con nít khù khờ tội nghiệp). Nhìn những con cá của họ; đứa nào cũng… thèm. Mấy chàng trai sau khi “tảo thanh lương thực;” họ mang về mấy trái bí, đu đủ, chừng chục trái bắp, tôi chạy lên lôi tay Khải xuống, mấy người con trai chạy theo, Minh vổ tay reo lên:

– Mình bắt chước họ, lấy cái mùng bắt cá đi anh Đạt.

Cả một khúc sông đầy tiếng reo vui của đám trẻ nhỏ và người lớn. Vậy là cái mùng có thêm 1 công dụng, khi 2 người thượng lên bờ đi về nhà họ, anh Đạt, Khải, Minh, Đạt Nhỏ, Phi, Hớn nhào xuống sông, 6 chàng trai với 1 cái mùng vật lộn với giòng sông kiếm cá, vui quá là vui, mỗi lần kéo tấm mùng lên trong đó có mấy con cá vùng vẩy Ty Anh, Ty em, My cò, bé Lan vổ tay reo hò, chị Bích bồng Ly ly xuống coi mấy cậu bắt cá, sinh hoạt này điễn ra một cảnh thanh bình vui vẽ, chúng tôi tạm rời xa mọi thực tại đáng buồn. Mãi đến khi trời tắt hẳn nắng chúng tôi mới kéo nhau… “tung tăng đi về nhà “.

Số cá lưới đựơc là 27 con; to bằng ngón tay cái, mấy trái đu đủ chỉ mới chín hườm, Chị Bích dặn Ngân lấy cá nấu canh với đu đủ, cho vào 1 chút muối (gói muối Khải cất kỉ lắm nên khi trời mưa vẫn không bị ướt), ấm nước dùng để nấu canh, còn cái nón sắt nấu bắp, thế là… bao nhiêu người là bấy nhiêu cái máy cắn bắp, chúng tôi vừa làm vừa nói chuyện vui đùa. Ôi chao; nhờ những con cá bé nhỏ mà chúng tôi có được niềm vui lớn, cùng với một luồn sinh khí mới thổi vào tâm hồn mỗi người trong chúng tôi.

Tối nay chúng tôi được ăn canh đu đủ nấu với cá, chất tanh của cá hòa quyện với vị ngọt của đu đủ, vị mặn của muối sao mà ngon, mà quyến rũ quá đi thôi, cọng thêm với những nắm bắp vừa dẻo vừa thơm lại vừa bùi… những thứ đó cùng đưa vào miệng ngậm chung với nhau… Ai ơi đừng nuốt vội, hảy cứ nhai từ từ mà thưỡng thúc; mà cảm nhận; thích lắm đó, hảy cứ ngậm cho lâu rồi phân tích từng vị một: đâu là ngọt; là tanh; là thơm tho; là dẻo, bùi và mằn mặn…(sao tôi phàm tục thế)… Nhưng…tôi đang thưỡng thức tinh hoa của trời và đất thôi mà.

Bà An đòi nghỉ ngơi vài ngày ở đây vì bà rất mệt, hơn nữa ở lại nơi đây cũng vui;còn hơn là cứ lầm lủi đi mãi trong rừng; nhưng anh Đạt không chịu anh muốn đưa cả đoàn đi tiếp, lòng anh đang nôn nóng lo cho vợ và 3 con của anh. Anh cho rằng “mẹ nhỏng nhẻo với bố;” với lại bà thiếu ý chí, tinh thần suy nhược nên cơ thể bị yếu theo. Nửa đêm Bà An khóc, giữa rừng khuya; khi vạn vật đều thinh lặng, tiếng khóc của bà nghe nảo nề làm sao, ông An vổ về bà, giọng ông nhừa nhựa vì đang cơn ngái ngủ. Phía dưới kia là tiếng róc rách của giòng nước đang chảy về xuôi, không ai ngủ được nữa vì tiếng khóc của bà An, Khải rủ tôi ra bờ sông ngồi nghe Khải hát; vẫn là những bản nhạc của LOBO, giọng Khải sao mà buồn quá. Tôi ngồi nơi đây mà nghe: giọng khóc tỉ tê của bà An, giọng vổ về buồn ngủ của ông An, tiếng nước dưới sông đang chảy với tiếng hát của Khải buồn buồn… tất cả đang xoáy sâu vào lòng tôi đau nhói, có ai trả lời được dùm tôi : biết chừng nào chúng tôi mới ra khỏi nơi đây? Tâm hồn chúng tôi đều tan nát như nhau, ai cũng có một nổi miềm riêng. Đêm về thường ưa suy nghĩ lung tung và thường rất sợ hãi.

Trời lại không thương chúng tôi rồi, nửa đêm bổng đổ cơn mưa lớn, mưa như thác nước trút đầu gềnh; lớn hơn cả cơn mưa hôm trước, chúng tôi vội vã chui vào những lùm tre, ngồi thật sát vào nhau cố tránh những giọt nước phủ phàng đang tuôn lên người chúng tôi một cách vô tình không thương xót, mặc dù đang bị khốn khổ vì ướt; nhưng tôi vẫn cố lắng tai để nghe những âm thanh của nước đang cùng nhau hòa tấu: Tiếng ầm ầm từ trên nguồn đổ về nghe vọng dội, tiếng róc rách chảy qua các gềnh đá nhỏ nhẹ êm tai, tiếng rủ rỉ khi nước lách qua những gốc cây và tiếng mưa rơi rì rào… rì rào…trên lá. Sấm chớp xẹt sáng xang lè cả một góc trời, dù nhắm mắt thật kỷ nhưng ánh sáng rợn người vẫn lóe trong mắt tôi nhức nhối. Tôi ôm chặt bé Lan, bé cố thu người thật nhỏ; thật sát vào tôi; nó khóc nức nở, cả người bé run rẫy trong lòng tôi làm tôi cũng khóc theo. Nước ở đâu trên trời mà nhiều quá, trút xuống mải không ngừng nghỉ, không cạn nguồn, nước chảy qua chân; qua mông đít, nước len lỏi vào từng ngóc ngách trên người chúng tôi làm ước đẩm, lạnh buốt. Chiều nay được ăn một miếng canh cá nấu với đu đủ và một nắm bắp hầm nhừ, niềm sung sướng hạnh phúc chưa tan thì đã phải trả giá bằng một cơn mưa quá chừng quá đổi… mưa và mưa mãi…

24/03/1975

Mãi đến gần sáng mưa mới tạnh, nước trên cao vẫn chảy mạnh len lỏi qua các khe đá kêu róc rách, tất cả đồ đạt áo quần của chúng tôi mang theo đều ướt chèm nhẹp, trời không có nắng để phơi đồ nhưng cũng phải trải trên những ngọn cây nhờ gió thổi cho khô. Bà An lên cơn sốt, mọi người rất là lo lắng, nhất là anh Đạt, anh không muốn ở lại đây lâu, chờ chừng nào đồ đạc hơi khô sẽ đi tiếp, anh bàn với chị Bích và Khải: – phải làm 1 cái cáng để thay nhau khiêng mợ. Ông An và chị Bích không chịu; sợ đi kiểu đó bà sẽ mệt hơn, bà cần phải được nghỉ ngơi một cách tuyệt đối, điều trở ngại lớn nhất là sau cơn mưa đất đai đều ẩm ướt làm sao nằm nghỉ lại ở nơi đây? Đạt nhỏ nói: – hay là làm 1 cái giường dã chiến cho mợ nằm, cũng không khó, lấy 4 khúc tre đóng xuống 4 góc đất, chẽ tre làm vạt giường, rồi làm mái nhà che mưa, lấy lá tre lợp nhà… Hằng trề môi: – nói nôm na là làm 1 cái chòi, nhưng tại sao lại tính chuyện lâu dài vậy? Anh Đạt đứng lên, thở phù 1 cái nói với bố: “- con sẽ đi tìm 1 cái chòi thượng bỏ trống, thường thì họ làm 1 cái chòi ở trong rẫy để canh mùa màng, cậu mợ và cả nhà ở đây chờ con, cùng chăm sóc mợ cho kỉ .” Anh quỳ gối ôm 2 vai bà, dổ dành, trấn an:

– Mợ đừng lo gì cả, mọi chuyện đã có chị em con lo, bên cạnh mợ có đầy đủ cậu và chúng con, mợ cố vui khỏe cho chúng con vững tinh thần.

Tuy nói thế nhưng tôi thấy trong mắt anh có 2 giọt nước long lanh chỉ muốn trào ra, khi anh đứng dậy, tôi cảm thấy thương cho anh quá. Anh Đạt đi lâu lắm, chúng tôi sốt ruột; lo lắng bồn chồn, cứ nhìn về lối mòn anh đi lúc nảy…ôi mừng quá, anh đã về, anh báo tin vui :” – Cách đây chừng 1 cây số có cái chòi của Thượng bỏ không, nhìn còn rất tốt, trong chòi lại có rất nhiều bắp, chúng mình đưa mợ đến đó nghỉ ngơi vài ngày.

Ai nấy đều mừng rở, Khải cõng mẹ đi theo anh Đạt, chúng tôi lỉnh kỉnh xách đồ đạc theo sau, Khải mệt rồi tới phiên Mạnh, tôi cảm động thay cho gia đình chị Bích khi thấy Mạnh nhiệt tình như người trong một nhà, đường đi tới cái chòi khúc khuỷu quanh co, nó nằm chơ vơ giữa 1 rẫy bắp củ, trong chòi có rất nhiều bắp khô, có lẽ đây là những trái bắp được họ chọn lựa để dành làm giống cho mùa sau, bà An được đặt nằm trên sàn chòi. Tôi nhìn kỷ cái chòi canh này và nhận thấy đây hình như không phải là chòi canh, mà là nơi để họ nghỉ ngơi khi gặt hái mùa màng và làm kho cất giử giống má. Họ làm cái chòi này một cách tỉ mỉ khéo tay đến không thể nào ngờ được; nó có hình chử nhật, tôi đoán một bề dài chừng 4m bề kia chừng 3m, sàn chòi là những thanh cật tre chẻ nhỏ; vót láng được xếp đều đặn ngay ngắn dọc theo chiều dài của nó và được đan dính vào với nhau bằng những sợi cật tre mãnh; nhỏ xíu, nhờ vậy mà sàn chòi phẵng lì vừa êm vừa mát, khi nằm lên đó nó sẽ cho ta một cảm giác thật dể chịu, phía trên mái của chòi họ làm công phu hơn, vô cùng tinh tế và có một kỷ thuật thẩm mỹ đến cao độ: những thanh tre được chẽ rất đều, vót thật trơn gát lên mái nhà chòi – có độ cao và nhọn chảy dốc xuống – từng thanh tre nhỏ xếp cách đều nhau chừng 1 phân; đặt lên trên nhũng cây đòn tay và được cột lại với nhau bằng những sợi tre như ở dưới sàn, sự đều đặn và cách khoãng nhau giửa các đòn tay và các cây xà ngang không thể nào chính xác hơn được nữa, họ dùng lá tranh để lợp mái, và cách lợp cũng vô cùng công phu, ba phía của chòi được che kính bằng những phên tre cũng được làm một cách rất tỉ mỉ, họ chừa trống 1 phía, riêng cả 3 phía kia họ treo từng lớp bắp sát vào nhau không chừa 1 kẽ hở nào; nó đều đặn như vảy cá; để phơi nắng và hong gió, như vậy chắc chắn đây là nơi để dành giống cho mùa sau đồng thời là nơi phơi giống cho khô, đầu óc họ thật tuyệt vời.

Số bắp hôm qua bị ướt mưa bây giờ đem ra nấu, nhờ vậy nó mau nhừ, nhưng phải thật nhừ như cháo để bà An dể ăn, trán bà nóng hổi mà người bà lại run lập cập, anh Đạt, Khải, Minh; lật đật đốt lửa trước chòi để sưởi ấm cho bà, ông An, Minh, Khải ngồi bên cạnh đang chà xát tay chân bà cho bớt lạnh, mọi người ai cũng lo lắng và buồn đến chảy nước mắt. Bà tỉnh dậy đòi uống nước, cháo bắp cũng đã nhừ, chị Bích đút cháo cho bà ăn nhưng bà nuốt rất khó khăn, mỗi lần nuốt 1 muổng cháo là bà nhăn mặt khổ sở, cả nhà ngồi bên cạnh dổ dành năn nỉ bà ăn, cố gắng cho mau khõe để về Sài Gòn gặp Luật, tôi thấy bà nhướng mắt lên để nuốt miếng cháo và nuốt luôn cả nước mắt, bà gầy gò, má cóp trơ xương, 2 hố mắt sâu hun hút, mặt bà vêu vao da vàng vọt, những ngón tay teo tóp, đôi chân bà khẵng khiu, tôi xót xa ứa nước mắt leo lên ngồi cạnh bà, nắm bàn tay bà bóp nhẹ, bà nhìn tôi hơi mỉm cười sau đó bà nhắm mắt như muốn ngủ. Cả nhà thay phiên nhau ngồi cạnh bà, riêng ông thì không rời bà lấy nữa bước, ông buồn rầu, đôi mắt ông luôn nhìn bà xót xa đau đớn. Ngồi mãi cũng chán, tôi bỏ ra ngoài tìm chổ nghỉ trưa, Hằng cũng ra ngồi bên tôi, mặc dù 2 đứa khác nhau về nhiều mặt: tính tình, sự suy nghỉ và những cái khác nửa nhưng chúng tôi lại rất hiểu nhau, thường chia sẽ cho nhau những lúc cần thiết nhất, tôi quí Hằng vì Hằng biết cách im lặng nghe tôi khóc bởi một lý do nào đó và kịp lúc dẩn tôi ra phố để cho tôi nguôi ngoai nổi buồn.

Chiều xuống chầm chậm, tôi thích buổi chiều nhưng rất sợ đêm tối đến. Có công việc để làm rồi đây, số bắp trên chòi đủ để nuôi sống chúng tôi trong thời gian chờ đợi; với điều kiện người Thượng không đến lấy và đuổi chúng tôi đi. Bây giờ chúng tôi cùng nhau gở hột bắp, nói nôm na là “lẩy bắp hay tẻ bắp;” vì phải làm nhiều nên mấy ngón tay của mọi người bị sưng phồng đau đớn, nhưng vẫn phải cố gắng tẻ cho thật nhiều để dành cho những ngày sau không sợ bị đói khi đi trong rừng, phải hy sinh 2 cái áo sơ mi của ông An để làm bọc đựng bắp; cứ trải rộng cái áo ra đổ bắp vào rồi túm cái áo lại, cột chặc, thế là xong, thật đơn giản, trong cái khó thường ló cái khôn; cũng như việc nhóm lữa nấu nướng, vì hộp quẹt diêm đã hết, Mạnh đã nghỉ ra cách: mỗi lần nấu nước hay bắp, lúc nào cũng phải đút vào 1 cây củi khô và to, khi tàn ngọn sẽ vùi cây củi đó vào tro để nó cháy âm ỉ hôm sau lên đường thì xách nó theo…nên không còn khó khăn mỗi lần nhóm bếp, chúng tôi gọi đùa là : “bếp lữa lang thang “.

Vừa tẻ bắp vừa nói chuyện cho đến khi 2 tay không thể làm nổi nữa, nhìn lại số bắp tẻ được cũng khá nhiều, vài đứa ngồi hát vu vơ, chiều xuống nhẹ nhàng, chung quanh cảnh vật mờ mờ hơi sương, Ngân cũng đã nấu xong nồi bắp, chúng tôi quây quần cùng ăn tối; phần ăn được nhiều hơn những lần trước. Tối nay không ai còn lòng dạ nào mà nghe radio, mỗi người đều mang một tâm trạng riêng, nhất là bà An đang bịnh, không ai còn muốn nghe những câu hứa hẹn hảo huyền, và những lời tuyên bố viễn vông cùng với thái độ huyênh hoang lớn lối. Thà rằng cứ sống trong hy vọng mơ hồ của chính mình, bây giờ thì niềm tin của chúng tôi đã bị lung lay ít nhiều, điều duy nhất chúng tôi muốn là làm sao sớm đoàn tụ với gia đình. Ngọn lữa bên chòi đang cháy bập bùng; sáng lung linh, ông An, chị Bích và các cháu nhỏ đang ngủ say, Ngân, Thắm, Hoa, Kiều nằm cạnh nhau kễ chuyện ma, chúng vừa la nho nhỏ vì sợ, vừa rúc rích cười vì thích thú, đó là những cô bé chỉ trên dưới tuổi 18, vẫn rất hồn nhiên vô tư, cứ cuống cuồng chạy theo gia đình, không hiểu vì sao phải chạy, cũng không biết vc là ai, như thế nào và ra làm sao. Bên đống lửa lúc này chỉ còn Anh Đạt, Hằng, Khải, Minh, Hớn, Đạt nhỏ, Hưng, Phi và tôi, buồn quá Khải hát, thế là chúng tôi làm 1 đêm văn nghệ “bỏ túi;” giữa núi rừng nương rẫy để tạm quên đi những gì đang đè nặng trong tâm hồn mỗi đứa, chúng tôi đang mò mẫm đi tìm lại chính mình thuở trước với những ước mơ, những đam mê ngọt ngào, Khải vẫn hát những bản nhạc của Lobo và thêm bãn Let it be của The Baetle, làm cho hồn tôi thổn thức, Hằng cứ thích hát Cỏ Hồng, còn anh Hưng ca bài Tuyết trắng… Đêm nay; bên ánh lửa buồn này, có những người ngồi nhớ 1 vùng trời đã mất, 1 quê hương đã xa và 1 cuộc tình đã chết, lòng nhói buốt run rẫy đến từng sợi lông tơ. Tôi nhớ cha mẹ, nhớ vú, nhớ anh em tôi; và tôi còn nhớ anh ấy đến quay quắt, quặn thắt cả ruột gan… muốn khóc lắm mà sao nước mắt cứ chảy ngược vào tim, trong chúng tôi ai cũng có một nổi nhớ và muôn ngàn nổi lo.

Bé Lan nằm gối đầu trên đùi tôi ngủ từ lâu, hai chân tôi tê cứng, tôi nâng đầu bé lên rút chân ra từ từ, tội nghiệp con bé quá, Hằng lấy mền trải ra, chúng tôi nằm xuống, mong cho đêm đừng dài và mong cho ngày mau đến, thỉnh thoãng bé lan kêu lên trong giấc ngủ “ba ơi, má ơi;” tôi xoa xoa lưng bé, tôi lại nghỉ về giấc mơ của nó hôm nào… qua ánh lữa nét mặt nó còn đọng vẻ kinh hoàng, tôi nắm lấy bàn tay của bé, lòng xốn xang khi nhớ bé cầm mấy trái sung trên tay ngắm ngía rồi đếm lui đếm tới: “- cô ơi, trái này ăn liền, trái này để dành mai ăn, nhưng mà nó chát quá cô à…”. Ngọn lữa đã tàn, đêm nay trời có trăng; trăng không tròn lắm; ánh trăng bàng bạc phủ lên mặt nước sông mờ ảo ẩn hiện ở phía dưới xa kia; gợn sóng lăn tăn đẹp nảo nùng như cảnh liêu trai…đêm trăng ơi, có biết trăng đã gợi lên trong lòng tôi nổi nhớ xót xa quay quắc về những đêm trăng ngày xa xưa ấy khi chúng tôi còn bên nhau, chúng tôi đã cùng đi bên nhau dưới ánh trăng lung linh huyền ảo, ngồi cạnh nhau bên đập nước Phú Thọ để xây mộng mai sau…còn bây giờ thì bên cạnh tôi có 1 cuộc đời bé bõng nhưng mang những mất mác quá lớn lao. Đêm nay trăng đẹp quá mà lòng tôi thì rất buồn.

Source: https://buonvuidoilinh.wordpress.com/2016/12/11/chan-mem-tren-da/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.