Thứ Năm, 21 tháng 10, 2021

CHÂN MỀM TRÊN ĐÁ - Phần I




HỒ THỦY

  • Sinh năm 1952
  • Mất tại SàiGòn ngày Chủ nhật 26 tháng 7 năm 2015 hưởng dương 63 tuổi.
  • Nguyên quán : làng Phú Cam - Huế.
  • Thuở nhỏ học trường Jeanne d' Arc - Huế,
  • 1968 học trường bán công Lê Quí Đôn - Nha Trang.
  • 1971- 1973 học Sư Phạm-Văn Khoa Đà Lạt.
  • 1973-1975 dạy trường Nam Trung Học Pleiku.
  • 1976- 1980 dạy Nguyễn Thái Bình quận Tân Bình,
  • 1980- 1982 dạy Lạc Long Quân Quận 11 Sài Gòn.
  • 1982 nghỉ dạy, ở nhà.






  • 1.

    15/03/1975

    Gia Lai Kontum là một tỉnh lớn của cao nguyên trung phần Việt Nam, với diện tích là 23,536m2; nơi có một vị trí đặc biệt thuận lợi: Phía Đông giáp ranh Quảng Ngãi Bình Định, Tây giáp biên giới Lào, Phía Nam giáp Đắk Lắk (Ban Mê Thuộc). Đó là một cao nguyên rộng lớn ở độ cao 1480km, thị xã Pleiku nằm giữa ngã tư giao lộ của Quốc Lộ 14 và 19. Từ thành phố Pleiku theo Quốc lộ 14 đi về phía Nam sẽ đến Đắk Lắk, ngược lên phía Bắc là đến Quảng Nam Đà Nẳng, nếu theo Quốc lộ 19 về hướng Đông sẽ gặp Qui Nhơn, còn theo hướng Tây sẽ đến biên giới Lào.


    Pleiku là một thành phố nhỏ bé “Đi dăm phút trở về chốn cũ “nhưng Pleiku lại có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Biển Hồ, thác Yaly, đèo Mang Giang. Phố chính với con đường nhỏ có hai hàng thông già cao vút “Lặng đứng hứng bụi xa”, về mùa nắng Pleiku bụi đỏ mù trời, mờ mắt, mùa mưa thì sình lầy bám nặng gót giày, bùn lấm chân. Vừa ra khỏi thành phố tầm nhìn của ta không còn bị giới hạn; không gian bao la với những đồi cỏ xanh mướt chạy dài và những nương rẫy ngút mắt. Ngoài những cảnh đẹp thiên nhiên, Pleiku còn là nơi đóng quân của SĐ 23 bộ binh, căn cứ chính đặt tại Kontum. Gồm các đơn vị Biệt Động quân, Lôi Hổ. Nổi tiếng là đơn vị Pháo Binh trấn ở núi Hàm Rồng; Pleiku còn có Sư Đoàn 6 Không Quân với phi trường Cù Hanh đìu hiu buồn bã.

    Tôi đến Pleiku vào một chiều cuối tháng 9 - 1973 với tờ Sự Vụ Lệnh trong tay. Nhiệm sở là trường Nam Trung Học Pleiku. Máy bay đáp xuống Phi trường Cù Hanh lúc 4 giờ chiều, trời lất phất mưa nên đường bay loang loáng nước, dọc theo sân bay là hàng rào kẽm gai chạy dài tít tắp, ngoài hàng rào kẽm gai là những luống bắp xanh mượt mà, đất đỏ quánh bên dưới còn mây xám giăng lưng trời.


    Tôi lên xe Ca về thành phố. Tâm hồn vừa hoang mang lo lắng vừa bồn chồn nao nức vì khung cảnh xa lạ, đìu hiu và cuộc sống mới đang chờ đợi tôi: cô sinh viên vừa mới rời khỏi ghế giảng đường trường Đại Học Đà Lạt.

    Xe chạy qua những vùng đất trống đầy cỏ non, nương rẩy toàn là một màu xanh của cây và lá. Gần vào thành phố mới thấy được vài dảy nhà, có lẽ là trại gia binh, nằm hiu hắt chơi vơi buồn trong mưa.

    Thành phố nhỏ bé đẹp một cách hoang sơ; nhà lẩn trong cây và phố ẩn trong mây, có rất nhiều lính đi lại trên đường. Đây là thành phố của Quân Đội, những anh chàng phi công bay bướm với calor đội lệch trên đầu; lãng mạn trong bộ Conbinaison, các chàng Biệt Động Quân, Lôi Hổ,Biệt Kích, ngang tàng oai phong trong bộ đồ rằn ri… Vừa xuống xe ca tôi giật thót mình khi nghe những tiếng đại bác “ầm ì” từ xa vọng lại, nhưng chung quanh tôi mọi người vẫn có vẽ bình thản dửng dưng như đã quá quen thuộc với thứ âm thanh này.


    Những ngày sau đó tôi bận rộn với bao nhiêu là công việc, trước tiên trình diện với ông Hiệu Trưởng, mướn nhà ở, nhận lớp, nhận thời khóa biểu, mua sách và tài liệu để dạy học.. Tôi tạm quên đi nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ vú, vả lại nơi thành phố này còn có người yêu của tôi đang ở, nên tôi không cảm thấy buồn. Nhờ vợ thầy hiệu trưởng giới thiệu nên tôi mướn được một căn phòng nhỏ trên gác xép của ngôi nhà số 7 Đường Tăng Bạt Hổ, đối diện hông nhà thờ Quân Đội. Anh chị chủ nhà tên Ninh, trước cổng nhà có cây hoa ngọc lan tỏa hương thơm ngào ngạt. Mặc dù phi trường Cù Hanh cách thành phố Pleiku khoãng chừng 05km nhưng nếu lắng tai vẫn nghe được tiếng các loại máy bay, khu trục bay lên đáp xuống, trực thăng và L19 suốt ngày lượn ngang lượn dọc trên bầu trời đầy mây; nó đã trở thành một hình ảnh quen thuộc đối với người dân trong thị xã; mà phần đông họ là những người thân của lính. Xa xa tiếng súng đại bác từ căn cứ Hàm Rồng vọng về ì ầm hòa nhịp với tiếng phi cơ bay lượn vù vù trên không làm cho Pleiku; vốn rất hiền lành mộc mạc nên thơ và lãng mạn lại mang sắc thái của chiến tranh; vừa có vẻ đe dọa vừa trấn an vỗ về. Những ngày mới đến đây lòng tôi đầy sợ hãi nhưng rồi cũng quen dần, lâu ngày lại cảm thấy điều đó thật bình thường, có những đêm hỏa châu chiếu sáng một góc trời, phía phi trường Cù Hanh có nhiều tiếng nổ rung chuyển mặt đất, máy bay bay vụt lên hối hả trong đêm đen, đó là lúc phi trường bị pháo kích dử dội, tôi thường giật mình thức giấc… nhưng mãi rồi cũng quen.


    Trong năm học 69-70, trường được bổ túc các giáo sư vừa tốt nghiệp Đại Học sư phạm Huế như: thầy Nguyễn Đăng Dự, thầy Trần đình Khuông, thầy Lê ngọc Bưu …

    - Vào đầu năm 1971, theo Chỉ thị của Bộ Giáo Dục, chương trình giáo dục chuyển sang hệ 12 năm. Bậc tiểu học từ các lớp 1 đến 5, trung học từ lớp 6 đến lớp12 và bỏ hẳn cách gọi tên lớp kiểu cũ.

    - Niên khoá 1971-1972, học sinh lớp mười (đệ Tam cũ) chỉ còn nam sinh do trường nữ TH Pleime bắt đầu mở các lớp đệ nhị cấp.

    - Trường lúc này đặt dưói quyền quản trị của Sở Học Chánh Pleiku do giáo sư Thái văn Duy làm Chánh Sở. Sở Học Chánh Pleiku trực thuộc Khu Học Chánh Cao Nguyên Trung Phần tại Nha Trang và bộ Giáo Dục tại Saigon.

    - Trong khoảng thời gian này, nhiều giáo sư vừa tốt nghiệp Viện Đại Học Đà Lạt, Huế và Sài Gòn hay thuyên chuyễn từ các tỉnh lân cận được bổ nhiệm về trường như: cô Thái Thị Lựu, thầy Lê Mậu Phúc, Cô Hồng Ân, Cô Thủy, thầy Võ Thu Lương, cô Trương thị Ân, cô Phan Thị Lựu, cô Hà thị Mười Một (từ TH Pleime)...

    - Đầu năm 1973, Bộ Văn Hóa và Giáo Dục VNCH ra quyết định bãi bỏ kỳ thi Tú tài 1 vào cuối năm lớp 11 trên toàn quốc và học sinh tốt nghiệp trung học sẽ thi một kỳ thi tú tài duy nhất sau khi hoàn tất lớp 12.

    - Đầu năm học 72-73, thầy Lê văn Lập được bổ nhiệm Hiệu Trưởng Trung học Pleiku thay thế thầy Nguyễn Đức Trung chuyển công tác về Bộ Giáo Dục tại Saigon.

    1973-1974: - Đầu niên học 73-74, Bộ Giáo Dục ra chỉ thị cải tổ giáo dục: đổi kỳ thi viết Tú tài bằng kỳ thi trắc nghiệm (thường được gọi là Tú Tài IBM). Năm này giáo sư Phan Mỹ Thọ về dạy Triết lớp 12 của trường…


    Ngày tháng trôi qua thật êm đềm, tôi đã thân thiết với từng ánh mắt nụ cười đơn sơ của các em học trò, lòng đầy nhiệt thành với những bài giãng trong lớp học. Những con đường trong thành phố trở nên quen thuộc đáng yêu khi người ta chỉ cần “đi dăm phút trỡ về chốn cũ”. Tôi đã hòa chung hơi thở cuộc sống của mình vào với con người và vạn vật nơi đây, nghỉ rằng sẽ chẳng bao giờ rời xa. Thế nhưng cuộc đời không bình lặng như lòng ta mong muốn, đầu năm 1975 mọi việc thay đổi một cách khác thường; tiếng đại bác ầm ì liên tục, dồn dập hối hã cấp bách suốt ngày, giấc ngủ được ru bằng số đếm… ấm… 1 quả… Ầm… 2 quả… Ầm… 3 quả…, ban ngày trong phi trường máy bay gầm rú bay lên đáp xuống; trực thăng và L19 lượn quanh nền trời trong xanh như những con chuồn chuồn kim chuồn chuồn ớt, ban đêm hỏa châu sáng rực nhiều nơi, lúc nào cũng nghe “cắm trại, cấm quân “.Đến gần cuối tháng 2/1975 tin tức chiến sự nóng bỏng trên các trang báo, các đài phát thanh…, đâu đâu cũng chỉ nói về chiến tranh; pháo kích dồn dập như cơm bữa, súng nổ nghe như sát bên tai, giấc ngủ thường xuyên bị tiếng súng đại bác làm giật mình, tỉnh giấc giữa đêm lòng đầy ưu tư suy nghỉ. Đọc một bài báo nghe một bản tin để rồi bàn tán lo âu suốt ngày: Các Sư Đoàn Quãng Trị rút về Huế, Huế bôn tẩu vào Đà Nẵng, Đà Nẵng rút nhanh vào Qui Nhơn…. Các từ: “di tãn, tử thủ, bỏ ngỏ”, luôn được nhắc đi nhắc lại và trở thành đề tài chính trong các câu chuyện ở bất cứ mọi lúc mọi nơi. Những gia đình giàu có bắt đầu thu xếp hành lý ra đi, Air Việt Nam đông nghẹt người chen lấn, các sĩ quan cao cấp có quyền hành và phương tiện vội vã đưa vợ con lên xe hoặc lên máy bay chạy trốn thành phố nhỏ bé này để về Nha Trang hay Sài Gòn. Người đi trên phố nét mặt lo âu căng thẳng, chân bước vội vàng hấp tấp như tiếng súng dồn dập; tiếng nổ gần, tiếng nổ xa, tiếng nổ lớn, tiếng nổ nhỏ, mọi âm vang trộn lẫn vào nhau…. các quận lỵ như: Thanh An, Pleime, Dacto, Lệ Trung… nghe rằng đã xuất hiện rất nhiều bóng dáng VC; lính bỏ đồn đóng quân cũng khá nhiều. Không ai dám nói ra nhưng trong lòng ngầm hiểu với nhau rằng…


    Tôi vẫn đến trường trong nổi hoang mang lo lắng, học sinh theo cha mẹ di tản nghĩ từ từ, lớp học vơi dần nên sân trường luôn vắng vẻ, cả thầy và trò đều không còn tinh thần để dạy hay để học. Phần lớn các Giáo sư dạy ở những trường trong thị xã Plei ku đều tốt nghiệp từ các trường Đại học Sư Phạm Huế hay Đà Lạt; được bổ nhiệm về đây nên hoàn cảnh giống nhau là sống xa gia đình, trong tình hình này chúng tôi có cùng tâm trạng lo lắng, sợ hải và cô đơn như nhau, riêng tôi càng đặc biệt hơn, tôi lạc lỏng mất phương hướng và vô cùng hoảng hốt. Dù biết có đến trường cũng chẳng dạy được gì nhưng vẫn cứ đến; đến để gặp nhau vài phút, hỏi nhau vài câu, chia sẽ với nhau nổi lo lắng sợ hãi, sau đó kéo nhau về nhà chị Bích nghe nhạc - chị Bích là giáo sư dạy môn Toán; cùng trường với tôi, chị có chồng và 4 đứa con; ở nhà thường gọi là các con chị bằng những tên: Ty Anh, Ty Em, My Cò và Bé Ly Ly, chồng chị là anh Hồ Thi đại úy Biệt Động Quân được biệt phái vào Sài Gòn học khóa sĩ quan đặc biệt, nhà chị nằm trong khu cư xá sĩ quan, gia đình chị khá đông, gồm có bố mẹ là ông bà An, Hằng cũng dạy học ở trường Minh Đức, Anh Đạt, Khải, cũng là sĩ quan Bộ binh, Biệt động quân như anh Thi, Luật đang hoc Đại học ở SG, Minh, Kiều, Ty (là em trai út) đang đi học; còn Ngân và Hoa là em họ của chị nhà ở Đà Nẵng nhưng học các trường trong thành phố Pleiku;


    Mỗi lần tôi đến nhà chị Bích chơi, Hằng thường mở cassette để nghe nhạc và pha cà phê uống, nhìn những giọt cà phê nhỏ xuống ly đầu óc tôi mông lung trống rổng…. Lúc này tôi rất muốn vào Phi trường Cù Hanh tìm Bang để nhờ vả 1 chổ ngồi trên 1 chiếc máy bay nào đó…, nhưng tự ái của tôi đã ngăn tôi lại, mấy lần xe lam dừng trước cổng phi trường, tôi chỉ đứng bên ngoài nhìn khung cảnh người ta nhốn nháo, chen lấn, la hét, cải cọ nhau; như một khán giã nhìn các diển viên trên sân khấu; thế thôi, rồi tôi buồn bã quay trở về phòng trọ lặng lẽ khóc: “anh ơi, anh rất gần mà lại cũng rất xa;” Phi trường Cù Hanh không còn đìu hiu vắng vẻ nữa, với chiến sự này ai cũng muốn dành lấy cho mình một phương tiện nhanh nhất, an toàn nhất để rời khỏi Pleiku. Thời gian này tâm hồn tôi luôn giao động, âu lo và tuyệt vọng. Mỗi lần thầy trò gặp nhau, đều nhìn nhau quyến luyến như thể sẽ không bao giờ còn được thấy nhau. Những ngày này tôi khóc nhiều lắm, may mà có gia đình chị Bích, có Hằng, Khải… bên cạnh.

    Một buổi sáng tôi nhận được điện tín của cha tôi từ Nha Trang gởi lên; đề ngày: 3-3-1975 với giòng chữ “Mẹ bịnh nặng, con về gấp;” tôi hốt hoảng cầm tờ điện tín chạy đến nhà chị Bích, cả nhà chị trấn an tôi;

    - Cha mẹ muốn Thủy về gấp đó mà, mấy giáo sư xa nhà đều nhận được điện tín như thế này.

    Tôi cố trấn tỉnh cầm tờ điện tín chạy ra Air Việt Nam, cô nhân viên bán vé trả lời cộc lốc: “Hết chổ”, tôi hít vào một hơi thật sâu rồi thở ra thật dài, đi từng bước nặng nề về phòng trọ, nằm dài ra giường nhìn lên trần nhà, không chịu nổi sự vắng lặng của căn phòng tôi ngồi bật dậy chạy ra bến xe lam, tới cổng phi trường bước xuống xe chỉ đứng im mà lòng thì ngổn ngang trăm mối, tôi muốn gào thật to ‘ Anh Bang ơi, ra đưa Thủy về ,” nhưng tiếng gào của tôi dội ngược vào trong tim, nghẹn cứng, đắng nghét cả đầu lưỡi, tôi lại quay về trên chiếc xe lam ban nảy, bác xe lam hỏi tôi :

    - Cháu tìm ai mà sao không vào?

    - Dạ, không tìm ai cả.

    Tôi không dám về phòng mình nữa nên đến thẳng nhà chị Bích, ở đó có Hằng, có Khải, Minh…. Tôi bớt cô đơn và sợ hãi phần nào.

    Tờ Điện tín thứ 2, thứ 3, dồn dập gởi đến, vẫn nét mặt vô cảm “Hết chổ”,


    cho đến ngày 8 - 3 - 1975 Air Việt Nam đóng cửa với tấm bãng thông báo “Ngưng hoạt động”. Đến lúc này thì không thể kềm chế được nữa, tôi òa khóc ngay trên phố, không chỉ mình tôi khóc mà còn có rất nhiều người cũng khóc như tôi. Tôi chạy nhanh ra bến xe lam, leo lên xe với hai hàng nước mắt rơi đầy trên má, lại đến cổng phi trường lại đứng nhìn mọi người chen lấn, sau cùng tôi ngồi gục xuống nói thầm - “Anh ơi, sao anh không đưa Thủy về Nha Trang? ”. Tôi chẳng biết mình ngồi đó được bao lâu, nhưng khi đứng lên tôi nói lớn “vĩnh biệt anh.” Đó là lần cuối cùng tôi đến phi Trường Cù Hanh.

    15/03/1975

    Khi tôi vừa bước vào phòng Gíao Sư, thì thấy ở đó một nhóm các anh chị đứng lố nhố trước tấm bảng thông báo của nhà trường, anh Cẩn đọc lớn:

    - Hiệu trưởng Trường Trung Học Pleiku thông báo cho toàn thể Gíao Sư được rõ: theo thông tư mới nhất của Sở Gíao Dục; yêu cầu các giáo sư phải đến trường dạy học như thường lệ, ai vắng mặt xem như ĐÀO NHIỆM và sẽ bị đưa ra hội đồng kỷ luật.

    Pleiku - Ngày 14/03/1975

     tên:

    HT: LÊ VĂN LẬP

    Chúng tôi ngạc nhiên, rồi ngơ ngác nhìn nhau, tờ thông báo có vẻ mĩa mai khôi hài quá, khi quanh trường chỉ độ 10 em học sinh đang đưng chơ vơ lạc lỏng. Chị Bích, anh Cầu, anh Cẩn, Thoa, Thắng… và tôi đi nhanh đến nhà ông Lập; đúng hơn là nơi gia đình ông ở, nằm phía sau phòng kế toán của nhà trường, anh Cầu kêu lớn: “Lập ơi, Lập, có trong đó không?”, cửa nhà không khóa, trong nhà không một bóng người, các tủ mở banh trống rổng; thế có nghĩa là sau khi viết thông báo xong thầy Lập là người đầu tiên đào nhiệm. Chúng tôi không ai bảo ai cùng tuôn chạy về nơi ở của mình, bỏ lại sau lưng ngôi trường trống vắng cùng lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay trong gió lạnh ban mai, cây cờ này sẽ đứng vững được bao lâu nữa thì ngã xuống? Và tôi; tôi sẽ ra sao? Tôi đi nhanh về nhà trọ, ngôi nhà trống trải vắng lặng không một bóng người, chiếc xe Jeep của anh chị Ninh không còn trong sân, con chó vẫn thường vẩy đuôi mừng mỗi khi tôi về nhà cũng biến đâu mất, tôi mở cửa phòng mình; một tờ giấy rơi ra từ khe cửa:

    “Cô Thủy, gia đình anh chị phải đi gấp, mấy hôm nay cô ở đâu không về? cố gắng thu xếp đi nhanh, anh chị mong gặp cô tại Nha Trang, tạm biệt. Anh chị: Ninh;”

    Tôi gục xuống nền nhà co người lại khóc nức nở; Thế là hết, thành trì cuối cùng trong tôi sụp đổ tan nát; cũng tại tôi mấy ngày qua lang thang quá nhiều, và bây giờ tôi đang phải đối diện với nổi kinh hoàng quá lớn cùng sự cô đơn khủng khiếp, dù sao cũng phải chổi dậy mà đi… Cuối cùng tôi cố gắng đứng lên lau nước mắt thu xếp áo quần và giấy tờ quan trọng, đem theo vài đĩa nhạc cổ điển của Mozart, Beethoven, mấy đĩa nhạc hòa tấu của Paul Mauriat, France Pourcell và hai đĩa nhạc của Connie Francis mà tôi yêu thích… rất nhanh tôi vội vả ra khỏi ngôi nhà nơi tôi ở trọ, nhìn lần cuối cây ngọc lan trước cổng, ôi cây ngọc lan yêu dấu từng làm thơm chuyện tình của chúng tôi. Bổng nhiên tôi cảm thấy cả thể xác lẩn tâm hồn rã rời mệt mỏi, tôi sẽ đi đâu bây giờ? tôi sẽ đi với ai đây? sao tôi bơ vơ quá thế này? Hay thôi cứ ở lại chấp nhận mọi điều xảy đến rồi ra sao thì ra, nổi sợ hãi lớn nhất của con người là cái chết, đừng sợ chết thì không có gì phải sợ cả, điều đó có đúng không? tại sao tôi lại dễ dàng buông xuôi thua cuộc; trong khi tôi chưa hẳn đối đầu trực diện với cuôc chiến, chưa hề biết nó như thế nào. Sao tôi yếu đuối hèn nhát thế kia? Còn nhiều điều chưa biết ở phía trươc, tôi còn rất trẻ và rất trẻ, tôi chỉ mới 23 tuổi… cuối cùng tôi cắn răng nuốt nước mắt cùng nổi sợ hãi vào lòng, thẳng lưng, hít một hơi dài đầy lồng ngực, ngẩn cao đầu, xách vali thầm nói: “Đi thôi, đến nhà chị Bích thôi, ở đó có đông người cho mình nương tựa”. Đi được nữa đường thì gặp Khải từ dưới dốc đi lên, Khải nhào đến xách vali cho tôi, cười cười nói:

    - Anh đến trường đón Thủy mà không có Thủy; anh lo quá, Thủy đi với gia đình anh nhé? À; mà có ai đưa Thủy đi không?

    - Không một ai, Thủy xách vali mà chạy, cả nhà chị Ninh đi hết rồi, Thủy sợ quá.

    Tôi đi bên cạnh Khải, con đường quen thuộc mỗi ngày bổng dưng xa lạ, nhà nào cũng đóng cửa im ĩm, không phải chỉ có tôi và Khải đi trên con đường này, mà hầu như đường phố nào cũng có người tay xách nách mang, gồng gánh đồ đạt, bồng bế nhau bước đi vội vả như tôi và Khải, mọi người đổ dồn ra đường và người ta tìm mọi cách để ra khỏi thành phố này bằng tất cã mọi phương tiện mà họ có, họ muốn thoát khòi Pleiku bằng mọi giá dù nơi đó có tài sản, và cuộc sống của họ, tại sao thế?. Khải muốn nói điều gì đó với tôi nhưng tôi vờ như không biết, khoãng thời gian sau này cả nhà Khải ưa gán ghép tôi cho Khải, nhưng đối với tôi, Khải chỉ là một chàng lính nghệ sĩ hát hay và lãng mạn, Khải chỉ có thể làm cho tôi vui đôi chút nhưng không thể nào lấp được khoãng trống trong tâm hồn tôi, một khoãng trống quá lớn mà anh Bang đã để lại khi anh ấy và tôi chia tay nhau một năm trước đó, vào một tối trời mưa rất to… Gia đình chị Bích là một sự kết hợp đầy tính chất nghệ sĩ của tất cả mọi người, hôm nay thì chẳng ai dấu đươc vẽ lo lắng: ông bà An, Chị Bích, Hằng, Khải, Minh, Kiều, Ty; có cả anh Đạt, đang đóng quân ở Kontum bỏ chạy về, nhưng vợ anh đã đưa 3 con nhỏ đi chuyến xe trước, riêng có Thấm là em vợ anh bị kẹt lại ở nhà chị Bích.

    Cả nhà thấy tôi và Khải từ ngoài bước vào mọi người mừng rỡ, tôi nhìn trên mặt của 16 người, là 16 nổi lo âu cộng lại, vì cậu bé Ti là em út trong gia đình chỉ mới 12 tuổi thôi với Ty Anh, Ty Em, My Cò và bé Ly Ly hình như cũng đang lo lắng theo mọi người; nên ngồi im lặng căng thẳng nhìn người lớn thu dọn áo quần, đóng gói đồ đạc. Cảm thấy ngột ngạt và buồn quá, tôi bỏ ra sau vườn nhà chị Bích, ngậm ngùi nhìn những luống rau ông An trồng; vẫn xanh mơn mởn, tràn đầy sức sống, những cành lan rừng Khải mang về sau mỗi lần hành quân vẫn bình yên khoe sắc, hương thơm thoang thoãng bay trong gió. Tôi sắp xa nơi này, mãi mãi không bao giờ còn được đứng nơi đây, hay đi trên những con đường bụi đỏ đầy ắp kỷ niệm, đầy tiếng guốc khua vang của tôi bên tiếng giày của anh ấy, sẽ không còn được uống ly chanh đường mỗi chiều ở cà phê Vị Thủy, hay ly cà phê sữa nóng mỗi sáng ở cà phê Văn, không còn những sáng những chiều đến lớp, đứng trên bục giãng nhìn xuống những khuôn mặt học trò thân yêu với những giờ học vui nhộn giữa thầy và trò; không còn những lần đợi chờ đưa đón đã trở thành như hơi thở, như thịt da… nghĩa là sẽ không bao giờ tôi ở đây hay trở lại nơi chốn này theo một nghĩa nào đó mà tôi sắp phải dự phần vào.

    Hằng ra đứng bên tôi hai đứa nhìn nhau với nổi buồn như nhau, cùng chung một mất mát lớn lao, tôi biết Hằng đang nhớ anh Sơn – chàng nghệ sĩ hát hay với cây đàn guitar làm Hằng luôn xao xuyến, mấy ngày nay anh không đến chơi có lẽ anh đã đi rồi, còn tôi, tôi cũng đang nhớ anh Bang ghê lắm. Ở trong nhà chị Bích và bà An đang hối thúc mọi người: Ngân, Hoa, Kiều, Thấm…. thu dọn đồ đạc cho nhanh, còn Khải thì cứ càu nhàu điều gì đó, tôi và Hăng trở vào nhà, thấy tôi nét mặt cau có của Khải dãn ra cố tạo một nụ cười mềm mại, nhưng sao lại trở nên méo mó thế?. Chị Bích khóc thút thít “Không chờ đươc anh Thi, làm sao đây? ”. Tuần trước chị nhận được thư anh hẹn sẽ về đưa gia đình đi di tãn…, chị nấn ná mấy ngày nay cố để chờ đợi anh.

    Cả gia đình chị Bích gồm 16 người, thêm tôi nữa là 17 hối hả xách đồ đạc ra khỏi nhà, nhìn đông hồ là 9 giờ 45. Từ cư xá sĩ quan đến ban Quân vận không xa là mấy, trên đường đi chúng tôi gặp rất nhiều người tay xách nách mang như mình, làm như cả thành phố Pleiku rũ nhau cùng đi du lịch, một cuộc du lịch vĩ đại và bắt buộc; Đến Ban quân vận, khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được chổ đứng, ôi chao; người đâu mà đông quá; ai ai cũng có vẻ bồn chồn lo lắng, chúng tôi gặp gia đình ông Lập và một số giáo sư của trường đang đứng chung một nhóm, chị Bích hỏi ông Lập:

    - Sau khi viết thông báo cho chúng tôi, anh đến đây ngay chứ gì?

    Ông Lập cười:

    - Thật sự tôi chỉ kịp dán tờ thông báo cho mấy thầy cô rồi đưa gia đình ra đây.

    Chị Bích ghi tên cả nhà vào một tờ giấy (trong đó có tôi) rồi nộp vào bàn thâu nhận danh sách của những người đi di tản. Những chiếc GMC nối đuôi nhau thành một hàng dài, nhích dần lên từng chút một, xe nào cũng chậc cứng người và đồ đạc. Đoàn người chờ đợi càng lúc càng đông, danh sách càng lúc càng dày cộm trên tay anh lính Quân Vận, chờ đợi mỏi mòn, đến trưa mà chúng tôi vẫn chưa được gọi tên, mọi người đều đói cồn cào cả ruột gan, nhất là bà An, bà có vẻ mệt ghê lắm, Khải chen lên hỏi thăm anh lính quân vận; thì với tình hình đông như thế này mai mới đến lượt gia đình. Tất cả mọi người lỉnh kỉnh “khăn gói quả mướp “quay về nhà, trời đã về chiều, tiếng súng rất gần, rất lớn và nổ dồn dập liên tục không ngớt, nhất là tiếng đạn pháo kích cứ đều đặn một cách vô tình, như đang muốn đùa cợt với nổi sợ hãi của những người trong thành phố nhỏ bé này. Riêng tôi; tôi tự hỏi: VC là ai? là gì mà làm cho người ta sợ đến thế? có giống như những nhân vật tàn ác trong các câu chuyện cổ tích dành cho con nít? Tôi nhìn lên tờ lịch hôm nay là ngày 15 tháng 3 năm 1975, tôi bắt đầu ghi nhớ các sự kiện sẽ xảy đến từng ngày liên quan đến cuộc đời và chuyến viễn hành này của tôi……

    16/03/1975

    Sáng nay Chúa Nhật, tôi thức dậy thật sớm bởi những tiếng nổ rất lớn của đạn đại pháo mà cả hai bên đang thay nhau bắn vào nhau; cùng hòa nhịp với tiếng súng của chiến tranh là tiếng chuông thanh bình của nhà thờ chánh tòa đang đổ liên hồi, mời gọi các con chiên đến dự lễ ngày Chúa Nhật, trời vẫn còn lờ mờ tối, hơi lạnh và sương đêm vẫn còn đọng lại quanh nhà và vạn vật, tôi rủ Hằng cùng tôi đi lễ, dù Hằng là người ngoại đạo, buổi lễ sớm nhất của ngày Chúa nhật, hai đứa co ro trong chiếc áo len đến nhà thờ, hôm nay thánh đường đông nghẹt người, không còn chổ chen vào, làm như đây là buổi thánh lễ cuối cùng trong cuộc đời mình nên ai cũng sốt sắng cầu xin ơn cứu rỏi, người ta đứng tràn cả ra sân; im lặng lắng nghe đoạn phúc âm Linh Mục đọc; từng lời, từng chữ, và vị linh mục giãng về đoạn Phúc âm đó “Ngày tận thế sắp đến, hãy dọn mình chờ đợi như các trinh nữ cầm đèn chờ hoàng tử đến dự tiệc cưới... “ Phía bên ngoài nhà thờ tôi chia lòng chia trí, nghe câu được câu mất vì tôi đang mãi nhìn khung cảnh sáng dần khi bóng tối tan nhanh; phía bên kia đường là phố xá, cửa hiệu,... người ta đang hối hã chất đồ lên xe, những chiếc xe nhà 4 bánh còn mới, mọi hoạt động diễn ra trong im lặng, hình như hôm nay là ngày cuối cùng, là hạn chót của những người trong thành phố, những ai cố gắng tin tưởng vào sự vững chắc của một quân đội hùng mạnh cứ chần chừ, nấn ná ở lại, hôm nay cũng nản lòng đành vội vã thu xếp ra đi. Thành phố đang hấp hối, đang giẩy chết. Tiếng súng nổ hôm nay nghe gần hơn hôm qua, liên tục, dồn dập, thúc hối, với ánh sáng mờ mò của một ngày mới, với không khí lành lạnh cùng những bóng người đi lại hối hã, cấp bách… chừng đó cọng lại vẻ nên một bức tranh sống động nhưng đầy sự hãi hùng.


    Rồi thì buổi lễ cũng chấm dứt linh mục ban phép lành cho con chiên, chưa bao giờ chúng tôi nhận lảnh phép lành đầy ý nghĩa và thành kính như hôm nay. Trời hửng sáng tôi và Hằng ra về, Hằng ao ước “giá như mọi chuyện chỉ là giấc mơ, một ngày cũng như mọi ngày hai đứa sẽ vào quán Cao Nguyên ăn Pate chaud và uống một ly cà phê sữa nóng riêng tôi thì tôi rất mong được một chăm sóc ân cần, một mắt nhìn tha thiết, một bàn tay ấm áp của anh ấy nắm lấy tay tôi như ngày xưa khi hai đứa còn bên nhau, mà một thời như từ xa xôi lắm tôi đã từng được nhận bằng cả trời hạnh phúc… Khi tôi và Hằng về đến nhà thì Ngân và Hoa đã nấu xong một nồi cháo với một nồi cơm, bà An nói ăn cháo xong sẽ lên đường, còn cơm bà nắm từng nắm đem theo ăn dọc đường với muối mè.

    Khi chúng tôi ra khỏi nhà, những tia nắng đầu tiên của một ngày mới đang nhảy nhót trên những ngọn thông già cao vút. Trời hôm nay đẹp quá, cái đẹp làm nhức nhối lòng tôi, phố dần vắng thưa người qua lại vì mọi người đều dồn đến Ban Quân Vận. Trong lúc chờ đợi chúng tôi được nghe kể đủ thứ chuyện ly kì rùng rợn, người ta bớt một thêm hai để câu chuyện của mình tăng thêm phần hấp dẫn, ai cũng muốn có một mẩu chuyện nào đó liên quan đến cuộc di tản này để kể, có người còn cho mình là người trong cuộc. Tôi cảm thấy vừa hiếu kỳ vừa mệt mỏi, mãi đến 3 giờ chiều chúng tôi mới được lên xe, chiếc GMC chở đầy người và đồ đạc, phía trước cabin ngoài anh lính tài xế ra còn có một sĩ quan đi theo ngồi bên cạnh để hộ tống, 3 giờ 15 chiều xe lăn bánh chúng tôi thở phào nhẹ nhỏm sung sướng vẩy tay chào những ngươi còn lại. Tôi ngồi chổ sau cùng trên cái vali của mình lưng đưa về phía trước, ngồi như thế này tôi chỉ nhìn được phía sau, đây là một chổ ngồi tốt không bị che chắn bởi ai cả, tầm mắt của tôi bao quát cả một không gian rộng lớn và nhìn được phong cảnh chạy lùi về phía sau. Thành phố ở lại trong tiếng súng và sự vắng vẻ, còn chúng tôi ra đi trong ồn ào nhưng trật tự, chúng tôi đang đi về miền tự do; Sẽ chẳng bao giờ tôi trở lại nơi chốn này, nơi đầy ắp kỷ niệm của một cuộc tình đắm đuối mà với tôi mỗi hơi thở là một nhành cây ngọn cỏ, mỗi tiếng cười là một tầng sóng vang vọng mãi trong không gian, mỗi bước chân là một hằn sâu dấu vết trên từng con đường bụi đỏ và nước mắt là nổi khổ đau tận cùng của một hạnh phúc đã vuột mất.

    Đoàn xe nối đuôi nhau dài dằng dặc; nhìn trước không thấy đầu nhìn sau chẳng thấy đuôi, một dòng xe uốn lượn ngoằn nghoèo nối theo nhau như một con rắn khổng lồ đang bò quanh co. Tốc độ xe khi ra khỏi thành phố nhanh hơnmột chút, từ đây có 2 ngã đường về Nha Trang đó là: một theo QL 14 tách qua thị trấn Chư Srê xuống quận Cheo Reo (còn có tên gọi là Aynpa) đến Phú Bổn rồi về Tuy Hòa, và một: theo QL 19 đến Suối Đôi qua đèo Măng Yang tới thị trấn An Khê rồi Song An trở xuống hướng Qui Nhơn từ đó theo QL1 qua Phú Bổn đến Tuy Hòa, sau đó là về đến Nha Trang, đoàn xe này đang đi theo hướng QL 19 (vì nếu theo QL 14 sẽ đến ranh cao nguyên Ban mê thuột, nhưng vùng đất này lại đang giao tranh ác liệt. Nếu VC chiếm được BMT họ sẽ tràn về đồng bằng mạnh như thác đổ). Ông Thiệu thì tuyên bố: “Phải tử thủ BMT” Sẽ có không biết bao nhiêu người lính phải chết vì cái lịnh Tử thủ quái ác này? Ở thị trấn Pleime đang đánh nhau dữ dội, những tin tức này chúng tôi biết được mỗi khi đoàn xe bị nghẻn lại vì một lý do nào đó. Tâm trạng của chúng tôi bây giờ ổn hơn được một chút khi càng lúc xe càng chạy xa vùng nguy hiểm, theo dự đoán của các anh sĩ quan bảo vệ người dân di tãn thì không chừng ngày mốt; tức ngày 18 - 3 - 1975 chúng tôi sẽ về đến Nha Trang, nhưng với điều kiện đoàn xe không bị nghẽn.

    Khoảng 6 giờ chiều chúng tôi đến gần thị trấn MangYang, xe ngừng lại. Nơi đây chúng tôi thấy có thật nhiều lính dù, thủy quân lục chiến, bộ binh, biệt động quân… họ tràn cả ra đường, nét mặt đầy căng thẳng, có anh đốt điếu thuốc lá Quân tiếp vụ rít một hơi thẩy xuống đất đưa chân mang đôi bốt đờ sô dí mạnh xoáy xoáy cho điếu thuốc nát bấy xong lại đốt điếu khác rồi thẩy xuống… cứ thế mắt không nhìn một ai, không nhìn một chổ nào nhất định, một số sĩ quan và lính đang cố gắng tìm cách cho đoàn xe đi tiếp, khi có xe nào chết máy lập tức được đẩy qua một bên còn số người trên xe đó dồn vào những xe khác. Đoàn xe tiếp tục chạy, trời tối nhanh tất cả các xe phải bật đèn lên, ánh đèn pha của đoàn xe nối đuôi nhau sáng lóa lấp lánh dài vô tận trong đêm đen hun hút, tôi ví von gọi đó là con rắn đom đóm khổng lồ.


    Nơi đây tiếng súng và tiếng pháo kích nghe như gần ghê lắm, mang đầy sự đe dọa. Trong giây phút ngắn ngủi lạ kỳ này tự nhiên tôi quên đi sự sợ hãi của mình mà để cho hồn tan biến vào không gian, lòng rung động sâu xa đầy bí ẩn, tôi muốn mình được tan chảy, hòa lẩn vào trong màn đêm sâu thăm thẳm này….

    Bất ngờ xe đươc lịnh dừng lại tắt hết đèn tất cả chìm vào màn đêm âm u lạnh lẽo, có tiếng người nói bên xe:

    - Đồng bào cố gắng ngủ một giấc mai đi tiếp, đi vào ban đêm nguy hiểm lắm, chúng ta đang ở gần thị trấn Mangyang vẫn chưa tới được chân đèo Măngyang… cũng còn khá xa .

    Anh Đạt hỏi thăm:

    - Mình đi theo lộ trình nào vậy anh?

    - Có hai ngã về Nha Trang: nếu đi từ Ban Mê Thuộc thì sẽ đổ xuống Qui Nhơn rồi từ Qui Nhơn về đến Phú Bổn, qua Tuy Hòa là đến Nha Trang, còn đi từ Pleiku sẽ phải qua đèo Măngyang, cũng đến Phú Bổn vậy. Hiện giờ đoàn xe từ Qui Nhơn đổ về cũng nhiều lắm…bây giờ thì đoạn đường nào trống là cứ cho xe chen vào…nhưng,,,không còn con đường nào trống cã.

    Tôi nhắm mắt cố ngủ nhưng sao mà khó quá, vì phải ngồi co ro hai chân gập lại sát vào người nên mỏi nhừ, trong sự thinh lặng của đêm tối, đất trời là một màu đen giao hòa nhau mà lòng tôi thì ngổ ngang trăm mối, làm sao phân tích được tâm trạng của mình lúc này? Nổi nhớ nào xoáy buốt làm cho tôi đau đớn nhất đây?: Nhớ cha mẹ, anh em, hay nhớ anh Bang? giờ này anh ấy đang làm gì? ở đâu? anh có kịp lên máy bay để đi, hay đã tan xác bởi một trái pháo nào trong phi trường? Nếu còn sống anh có tưởng tượng nổi tôi đang ở đây lo sợ và chậm rì trong từng phút từng giây chạy trốn. Không hiểu sao tôi không giận anh ấy như những tháng ngày qua tôi đã giận; đã buồn, mà tôi chỉ cảm thấy rất lo cho anh ấy, lo còn hơn cả lo cho tôi. Tôi nhìn lên bầu trời trên cao, không thấy gì ngoài những vì sao đang lấp lánh, đêm càng về khuya trời càng lạnh, người ta chen chúc nhau trong những chiếc xe chật hẹp tù túng, thỉnh thoãng có tiêng khóc của trẻ nít rồi tiếng ho tiếng đằng hắng của ai đó, những âm thanh này cho chúng tôi biêt sự tồn tại của mình trong đêm nay, “Thủy ơi cố ngủ đi đừng nghĩ ngợi lung tung ngày mai trời lại sáng,” Đêm nay sao dài quá.

     

    ... CÒN TIẾP ...



    Source: http://vietvanmoi.fr/HOTHUY_saigon.html

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.