Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

Sa La Lu Du Ký - 5


...San Franc phố núi mờ sương
Có xe điện cổ có đường quanh co
Cầu treo lớn, phố Tàu to
Clam Chowder soup chẳng lo đói lòng

Phố SF nổi tiếng với những chiếc xe điện cổ (kiểu giống xe tram ở Úc, đúng ra nên gọi là xe dây cáp, nhưng xin tạm gọi là xe điện cho bà con dễ hình dung). Theo lời anh hướng dẫn viên du lịch (captain Ben) thì SF đã đi vòng quan thế giới sưu tầm mua lại rất nhiều xe điện cũ (cổ), không phải để trưng trong viện bảo tàng mà để tu sửa chở du khách chạy vòng quanh thành phố.

Lái xe điện ở đây cũng lắm công phu, những anh tài xế xe điện thường trông rất lực lưỡng. Phải lực lưỡng như thế thì mới lái nổi những chiếc xe điện này (không phải kiểu bấm nút như xe điện Melbourne). Những anh tài xế xe điện khi chạy xe đến cuối đường rây, phải nhảy xuống đẩy xe vào một bệ quay, rồi xoay chiếc xe một vòng 180 độ, trước khi có thể cho xe chạy ngược lại (không phải kiểu xe tram chạy hai đầu tân thời như ở Úc).

Trong lúc lái cũng vậy tài xế phải cật lực dùng hết sức bình sinh kéo thắng kéo ga (cần nối với dây cáp ngầm), chứ không nhàn nhã ngồi vắt giò như những tài xế xe tram ở Úc. Lúc đầu tiểu mỗ cũng thắc mắc tại sao xe điện mà chẳng thấy dây điện hay chỗ nối vào dây điện ở đâu cả, về sau tìm hiểu mới biết xe điện ở SF chạy bằng dây cáp ngầm, không phải chạy bằng motor điện như xe ở Úc. Ở dưới mỗi đường rây là một hệ thống dây cáp, giữa hai đường rây là đường khe hở để cần nối của xe có thể móc/kẹp vào dây cáp & xe di chuyển bởi lực kéo của dây cáp. Mỗi lần muốn xe chạy anh tài xế đẩy chiếc cần nối, cần này sẽ móc kẹp vào dây cáp & dây cáp lôi chiếc xe đi. Khi muốn xe dừng lại, anh kéo cần nối nhả ra khỏi dây cáp, và kéo thắng cho xe đứng lại. Nghe thì đơn giản nhưng đường ở đây dốc rất đứng, tưởng tượng các tài xế này phải điều khiển những khối sắt nặng như thế thật không dễ chút nào.

Tụi này mua vé đi xe điện 3 ngày nên có thể đi bất cứ nơi đâu trong thành phố bằng xe điện trong 3 ngày đó. Một trong những thắng cảnh ở SF có thể đón xe điện đi đến nơi đó là con đường quanh co nhất SF (tiểu mỗ chưa thấy đường nào quanh co như thế trước đây). Đây là một con đường rất dốc, được làm theo kiểu hình những chứ S nối với nhau từ đỉnh dốc xuống chân dốc. Hai bên đường là những ngôi nhà kiến trúc rất đẹp và những vườn hoa với rất nhiều lọai hoa được trồng bón chăm tỉa xinh xắn. Con đường này không dài lắm, tiểu mỗ phỏng đoán chắc chỉ dài trên dưới 200 mét gì đó nhưng xe cộ (phần lớn của du khách) tuôn chảy không ngừng, chưa kể khách bộ hành đi bộ dọc bên đường và đứng chụp hình ở hai đầu đường.

Nói chuyện chơi thời cũng nên nói chuyện ăn. Có lẽ, ai cũng biết đồ ăn ở Mỹ rẻ rề so với Úc, tuy SF có hơi mắc một chút so với LA nhưng giá cả cũng phải chăng. Đặc sản SF thì chắc có nhiều nhưng món phổ biến mà đi đâu cũng thấy là món Clam Chowder. Nếu ai chưa nếm qua thì tiểu mỗ xin tạm mô tả, như tên gọi nó là món soup được nấu chính bằng những con ngao biển (clam) cùng với cheese và một số gia vị khác. Nó đặc biệt ở chỗ thay vì ăn bằng tô như những món soup khác thì họ lại dùng một ổ bánh mì chua hình tròn giống như cái tô, móc ruột bánh mì bên trong ra & đổ soup vào. Thiên hạ ăn món này bằng cách vừa ăn soup, lâu lâu thích thì vét ruột bánh mì ăn chung với soup. Món này khi sang Las Vegas & LA vẫn thấy bán tuy nhiên phải công nhận Clam Chowder ở SF vẫn là số dách.

Có một đặc sản nữa của SF mà khi ra khu nhà hàng gần cảng nhìn đâu cũng thấy hình tượng này, đó là cua. Tuy nhiên nếu quý vị nào muốn "mò cua bắt ốc" (nhậu cua) thì nhớ cầm lòng chờ sang LA hẵn nhậu, bởi cua ở LA giá chỉ bằng 1/3 cua SF. Tụi này có thử vô một nhà hàng gần cảng SF nhậu cua, giá tính trung bình khoảng ba mươi mấy đô một con. Sau này khi về LA một con như thế chỉ còn có $10US nên tụi này đã nhậu "trả thù" một bữa chỏng vó ...

Xin xem tiếp kỳ sau ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.