Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Lấy Mỹ

Tác giả: Lệ Hoa Wilson
 
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ
Hoa, sinh năm 1940 tại Cần Thơ. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là
“Có Tội Hay Không Có Tội”, tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết
hôn với một chàng hải quân Hoa Ky.ø “Hai đứa gặp nhau khi ông xã làm
việc tại bệnh viện Hải Quân Hoa Kỳ, núi Non Nước Đà Nẵng. Cưới nhau:
1972, hiện có 5 con. Tới Mỹ năm 1975. Từ 1985, hai vợ chồng mở v/p Di
Trú và Thuế Vụ tại Long Beach.”
Sau đây là bài viết của bà.
 
***
Bất cứ người con gái nào lớn lên, đến tuổi trưởng thành cũng đều mơ
ước một ngày bước lên xe hoa để làm vợ.
Có những người đầy đủ phước đức, sanh ra, lớn lên, lấy chồng, làm vợ,
làm mẹ, làm bà, sống trong danh dự, chết trong thương yêu. Có những
người thiếu kém nghiệp lành, sanh ra, lớn lên, lấy chồng, làm vợ, làm
mẹ, làm bà, sống trong đau khổ, chết trong cô đơn.
Dù kém nghiệp lành hay đầy đủ phước đức thì những người đàn bà nầy đã
hạnh phúc với hay khổ đau do một ông chồng ViệtNam nên được xã hội
ViệtNam trân trọng tặng cho cái danh dự “bà vợ”.
Tôi đã lấy chồng, làm vợ, làm mẹ, làm bà nhưng tôi đã hạnh phúc hay
đau khổ với một ông chồng người Mỹ nên được xã hội Việt Nam khinh khi
ban cho danh từ “Me Mỹ”!
Ở cùng một hoàn cảnh, ăn mặc cùng một kiểu, nói bá láp cùng một câu,
phạm cùng một lầm lỗi nhưng “bà vợ” thì được cảm thông và tha thứ vì
bà tuy nói ác mà tốt bụng, tuy ăn mặc hở hang mà tánh rất đàng hoàng,
tuy có ra ngoài vòng lễ giáo một chút nhưng hoàn cảnh thật đáng thương
v.v.., còn “me Mỹ” thì sẽ nhận đựợc một bản án nặng nề, không hồi tố,
không biện minh, không chống đỡ.
 
Một người khách đến văn phòng tôi làm giấy tờ bảo lãnh thân nhân.
Trong khi tôi điền đơn ông vui miệng hỏi chớ cô ở Mỹ bao lâu rồi mà
giỏi vậy và có đứa con nào chưa? Tôi trả lời cháu ở Mỹ đã 19 năm (thời
điểm 1994) và có được năm con. Chồng cháu người Mỹ.
Ông khách nhìn tôi kinh ngạc và hạ một câu: “ Cô Lấy Mỹ mà cũng đẻ dữ
vậy hả!”. Âm thanh khinh bạc trong câu Lấy Mỹ của người khách đáng
tuổi cha chú làm tôi hơi khựng lại và trong một phút vô minh trong óc
tôi cố nghỉ ra một câu gì tương xứng với hoàn cảnh của ông để nói lại
cho trái tim mình đở rướm máu, nhưng đức Phật Quan Âm đã mau hơn cái
phút vô minh đó nên tôi chỉ từ tốn trả lời: “Dạ vợ chồng cháu định có
bảy đứa nhưng ở đây nuôi con cực quá nên dừng lại ở năm đứa.”.
Chắc ông khách cảm nhận được sự lỡ lời của mình và thái độ từ hoà của
tôi nên có vẻ bẽn lẽn.
 
Ngày hôm đó tôi được mặc cái áo Lấy Mỹ mà đẻ nhiều con !.
Lại có một cô đáng tuổi em út nhờ tôi kêu điện thoại lên tòa án dàn
xếp một vụ hiểu lầm rắc rối do cô gây ra. Mọi việc ổn thỏa rồi cô cám
ơn tôi và nhận xét: “ chị lấy Mỹ mà cũng biết làm nghề nầy nữa há.”.
Có nghiã là nghề văn phòng phải do mấy bà vợ đảm nhận mới phải. Mấy bà
nầy ngày xưa bên ViêtNam là người có học, nay tiếp tục văn phòng là lý
đương nhiên. Còn chị lấy Mỹ sao lại ngồi đây ?, sao dám chen chân
trong vòng danh lợi nầy ? Sao lại ăn nói nhẹ nhàng giúp đở đồng hương?
Đáng lẻ chị phải tiếp tục bán bar, bồi phòng hay cái gì hạ tiện một
chút, ăn nói có một chút chữi thề, thái độ có một chút sắc sảo thì mới
hợp lý chớ .
Tôi nhìn người đồng hương hiền lành ít học và nhẹ nhàng nói :” Nghề
nào cũng vậy thôi em à. Nghề nào làm ra tiền để nuôi con thì bà mẹ nào
cũng làm hết, bất kể sang hèn.”. Ngày hôm đó tôi được mặc chiếc áo Lấy
Mỹ mà biết làm nghề văn phòng !.
 
Một hôm có một ông lạ hoắc ở tận Canada, do một người mách bảo, tới
văn phòng tôi để xin băng giảng kinh Phật. Lúc đó chưa có CD, băng
kinh còn rất hiếm. Sau khi chuyện vãn tôi tặng ông băng của thầy Thanh
Từ, thầy Nhất Hạnh, thầy Thiện Huệ, sư cô Như Thủy v..v.., ông vui
mừng cám ơn rối rít:
“Không ngờ cô lấy Mỹ mà cũng biết tu hành dữ vậy!”. Tôi mĩm cười chọc
ông: “ Vậy là ông nói tôi đi sai đường phải không? Đáng lẻ tôi đi theo
quỷ Sa Tăng mới đúng. Đáng lẽ tôi phải vào trà đình, tửu quán, tay cầm
ly rượu, tay cầm điếu thuốc thì mới đúng điệu me Mỹ chớ me Mỹ gì mà sờ
mó kinh sách, thật là ốt dột ông há”. Ông khách biết mình nói quá lố
vội xin lỗi, tôi lại mỉm cười.
Vậy là tôi lại được mặc thêm một chiếc áo Lấy Mỹ mà cũng biết tu hành!.
 
Bạn tôi, sau khi cằn nhằn, phê phán, chê trách con dâu và bà xuôi gia
đủ điều liền hạ một câu kết luận: “ thằng con tôi là thằng chúa ngục.
Không biết sao mà nó mê con quỉ nầy dữ vậy? Má nó là cái thứ lấy Mỹ
thì làm sao biết dạy con?!” Thêm một chiếc áo nữa Lấy Mỹ không biết
dạy con!
 
Tôi thường hay thắc mắc tự hỏi không biết mình làm vợ Mỹ thì có khác
biệt gì với mấy người làm vợ ViệtNam ? và người chồng Mỹ của mình có
khác biệt gì với người chồng ViệtNam?
Khi vui tôi cười, khi buồn tôi khóc. Khi nấu ăn bị đứt tay, máu cũng
đỏ thắm. Khi nhìn đồng bào lầm than trong đói nghèo, lụt lội thì ruột
tôi cũng mềm. Khi chồng thất nghiệp hay gặp cảnh gian nan thì tôi cũng
đở nâng, an ủi. Khi chồng vụng dại, lỡ lầm thì tôi cũng gây gổ, giận
hờn.
Khi chồng tôi cầm bảng học bạ đầy chữ A của các con thì mặt mày cũng
tươi vui hớn hở. Khi bị trường kêu lên mắng vốn thì cũng buồn bã lo
âu. Khi con nhỏ ốm đau thì cũng thức trắng đêm lo thang thuốc. Khi con
nên vợ nên chồng thì cũng hãnh diện, mừng vui. Buổi sáng hôn nhau từ
giã hăng hái đi làm nuôi con. Buổi tối hôn nhau cám ơn một ngày bình
an, hạnh phúc.
Chúng tôi cũng có những luật lệ riêng của gia đình. Khi các con còn
nhỏ ngồi ăn cơm chung với cha mẹ, ăn xong trước rồi muốn ra khỏi bàn
ăn phải xin phép. Khi cha nói NO rồi thì không được nhõng nhẻo qua hỏi
mẹ. Khi cha mẹ đang coi TV thì không được tự động đổi đài khác.
Chồng tôi người Mỹ mà lại tin vào chánh sách ‘thương con cho roi cho
vọt’ của VN, nhưng ảnh không đánh con trong sự giận dữ. Ảnh bắt chúng
nằm sấp xuống ghế, nói cho chúng biết chúng đã phạm lỗi gì và hình
phạt ra sao (một roi chổi lông gà hay không có TV một tuần hay 8 giờ
tối phải vô phòng không được hội họp với gia đình v..v..). Tôi không
bao giờ xen vào binh vực cải cọ lúc ảnh răn dạy các con dù đôi khi cây
roi hạ xuống một tiếng chát, thằng nhỏ rú lên, lòng mẹ nghẹn ngào. Sau
mỗi hình phạt, tôi dẫn các con đi rửa mặt, cho chúng ly cà rem, cái
bánh ngọt rồi dẫn chúng vào phòng xin lỗi cha.
Các con ơi, dù cha không phải lúc nào cũng đúng khi răn dạy các con,
nhưng hãy nhìn mỗi buổi sáng, dù nắng dù mưa, dù mạnh giỏi dù khó
chịu, cha chúng con vẫn ra xe đi làm. Cái lap top, cái cell phone, cái
phòng ngủ, cuốn sách, áo quần, sách vở,máy sưởi, nước nóng, sự hiểu
biết, sự tiện nghi, sự trưởng thành…trăm ngàn thứ trong cuộc đời con
đang hưởng thụ đều đổ lên hai vai của người cha đó thì đôi khi một vài
hiểu lầm có đáng là bao. Vợ chồng tôi không hoàn toàn nhưng đã cố gắng
dạy con the best we know.
 
Tôi được người đời tặng cho nhiều chiếc áo khác nhau nhưng ít có chiếc
nào nhuộm lòng Từ Bi và Hiểu Biết. Tôi lẳng lặng nhận những chiếc áo
khắc nghiệt đó, không oán trách cũng chẳng hạ mình. Tôi không có gì
phải cúi mặt khi nói cho người đối diện biết chồng tôi người Mỹ. Trái
lại những lời khinh bạc, những dè bỉu trước mặt hay sau lưng đó đã
giúp tôi tăng thêm phần nhẫn nhịn, thứ tha và thông cảm hơn đối với
những chúng sanh bạc phước khác. Và tôi tin rằng vì thế tôi hoá giải
được một phần những oan khiên, nghiệp chướng của kiếp nầy cũng như của
những kiếp trước. Quả nhiên phiền não là bồ đề và cuộc đời thì không
có gì là tuyệt đối hết. Cũng có người thương tôi. Tôi xin gởi lời cám
ơn với tất cả trái tim chân thành đến các đồng hương tại Long Beach đã
từng dùng qua các dịch vụ của văn phòng tôi và đã thương mến tôi như
một con người, đã đối xử với tôi như một “bà vợ”.
 
**
Tôi đóng cửa văn phòng lái xe thẳng ra nghĩa trang thăm mộ con. Chúng
tôi mất một đứa con trai trong một tai nạn xe hơi lúc cháu vừa 16
tuổi. Từ xa tôi thấy một người ngồi bên cạnh mộ, hai đầu gối cong lên,
hai tay ôm lấy đầu gục xuống chân. Tôi lại gần. Té ra là Ron, chồng
tôi. Tôi quì xuống trước mặt anh, hai tay nâng đầu anh lên, để trán
tôi cụng vào trán anh. Anh nhìn tôi thì thầm : “ Honey, help me,
please help me. I can not go through our son’s loss without your love
and your support.” ( em ơi, giúp anh, em hãy giúp anh. Anh không thể
nào vượt qua cơn đau khổ mất con nầy mà không có tình yêu và sự chia
xẻ của em ). Tôi ngồi xuống bên anh, bên cạnh mộ đứa con yêu dấu.
Tôi để đầu anh dựa vào má tôi và dịu dàng nói : “ Em yêu anh. Chúng ta
sẽ cùng nhau vượt qua nổi đau khổ nầy !”
Một giọt nước mắt của anh thấm vào miệng tôi.
 
Giọt nước mắt của người chồng Mỹ với người vợ Việt, của người cha Mỹ
khóc thương cho đứa con trai vắn số cũng mặn như giọt nuớc mắt của bất
cứ người chồng người cha nào khác.
Có khác gì đâu.
 
Vô thường!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.