Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

Mùa thu chết

Mùa thu chết được Phạm Duy sáng tác năm 1965, rất nổi tiếng trong thập nên 70 ở miền Nam, lấy ý từ bài Thơ L'Adieu của Guillaume Apollinaire.




" Phạm Duy: Ta ngắt đi một cụm hoa Thạch thảo

Em nhớ cho: Mùa Thu đã chết rồi! "



1. Hoa Thạch thảo.



Theo Lê Trung Ngân:



" Hoa Thạch thảo ( Aster amellus L) thuộc họ Cúc (Asteraceae). Tất cả các loại thạch thảo đều trong gia đình Ericaceae, có một loại hoa thạch thảo duy nhất thuộc giống Calluna, ngoài ra là loại Erica.



Tại Việt Nam, người miền Nam hay gọi là Cúc Sao, Cúc Cánh mối, người Bắc gọi là Thạch thảo. Thạch thảo hay mọc thành bụi, nhiều bông với cánh đơn xoè rộng ra. Hoa Thạch thảo có ba màu chính: tím, hồng, trắng. Thạch thảo ngày nay được lai tạo thêm thành loại hoa cánh kép. Hoa Thạch thảo cánh mối cũng như các loại hoa cúc thường nở vào mùa Thu, khi mà đa số các loại hoa khác đã tàn.



Như vậy, hoa Thạch Thảo (hay cúc Sao, cúc Nhật, cúc Cánh Mối) là 1 tên Việt của loài Aster amellus L. thuộc họ Cúc ( Asteraceae), tên Anh ngữ là Aster và Pháp là Astère.

Nhóm Cúc (cả trồng làm hoa hay mọc hoang) thường được gọi chung là Chrysanthemum/Aster, trong đó các loài mọc hoang thường có 1 chùm lông ở cuối mỗi hột (khi trái chín) và phát tán nhờ gió (nên mọc hoang, rải rác vào mùa xuân khi có nắng ấm ở Âu châu, hoa chỉ sống trong vài tháng!).

Các loài cúc trồng thì không phát tán tự nhiên được vì hột không có lông như Vạn Thọ (marigold), cúc Giấy (zinnia). Có loại được trồng từ hột, có loại trồng bằng củ; cúc Thạch Thảo (cúc sao/Aster), và nói chung loại nhiều loại cúc thường trồng từ cây con nhảy chồi (do mọc thành bụi, hoa thường bất thụ).



Hoa Thạch thảo Âu châu là thuộc cây Bruyère (tiếng Pháp) hay Heather (tiếng Anh) còn gọi là Common Ling hay Briar.



Nếu nói về ý nghĩa của màu hoa Thạch thảo thì Thạch thảo trắng tượng trưng cho sự che chở, cho sự mong mỏi. Thạch thảo mầu hồng tượng trưng cho may mắn, và màu xanh lạt lavender tượng trưng cho cô đơn, sự hâm mộ thán phục.



2. Bùi Giáng dịch L'Adieu của Guillaume Apollinaire (1880-1918):



L'Adieu



J'ai cueilli ce brin de bruyère

L'automne est morte souviens-t'en

Nous ne nous verrons plus sur terre

Odeur du temps brin de bruyère

Et souviens-toi que je t'attends



Bản dịch của Bùi Giáng



Lời vĩnh biệt (1)



Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo

Em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi

Chúng ta sẽ không tao phùng đựợc nữa

Mộng trùng lai không có ở trên đời

Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi

Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó ...



Lời Vĩnh Biệt (2)



Đã hái nhành kia một buổi nào

Ngậm ngùi thạch thảo chết từ bao

Thu còn sống sót đâu chăng nữa

Người sẽ xa nhau suốt điệu chào

Anh nhớ em quên và em cũng

Quên rồi khoảnh khắc rộng xuân xanh

Thời gian đất nhạt mờ năm tháng

Tuế nguyệt hoa đà nhị hoán tam.



Lời Vĩnh Biệt (3)



Mùa thu chiết liễu nhớ chăng em?

Đã chết xuân xanh suốt bóng thềm

Đất lạnh qui hồi thôi hết dịp

Chờ nhau trong Vĩnh Viễn Nguôi Quên

Thấp thoáng thiều quang mỏng mảnh dường

Nhành hoang thạch thảo ngậm mùi vương

Chờ nhau chín kiếp tam sinh tại

Thạch thượng khuê đầu nguyệt diểu mang.





3. Guillaume Apollinaire (August 1880- November 1918)



Guillaume Apollinaire : tên thật Wilhelm Albert Vladimir Apollinaris Kostrowitcki, nhà thơ Pháp gốc Ba Lan, sinh ở Roma, Italy.

Nãm 1887 Wilhelm Kostrowitzky cùng gia đình mẹ chuyển về Monaco và học ở Monaco, Cannes. Từ nãm 1899 chuyển về sống ở Paris, làm thơ, viết báo với bút hiệu Guillaume Apollinaire, ông cộng tác với một số tờ báo như La Revue blanche, La Plume và Le Mercure de France. Năm 1903, ông lập ra các tờ tạp chí của chính mình Le Festin d''Esope (November 1903-August 1904) và La Revue immoraliste (1905).

Năm 1912 ông cùng bạn bè thành lập tạp chí "Les soirées de Paris" và làm chủ bút từ năm 1913. Cũng trong năm này in bài thơ nổi tiếng nhất của ông: Le Pont Mirabeau và trường ca Zone. Năm 1913 ông phát hành tập thơ Alcools (Rượu), và năm 1914 có xuất bản một số bài thơ viết theo kiểu tạo hình. Apollinaire mất ngày 9 tháng 11, năm 1918 tại Paris. Mộ ông chôn ở nghĩa trang Père Lachaise ở Paris.



Apollinaire làm bài thơ L'Adieu sau khi đi thăm mộ con gái của Đại Văn hào Victor Hugo vào ngày 16 September 1913.



Arnaud Laster, Giáo sư văn chương tại trường Sorbonne (University of Paris III), trong một bài viết đã đặt câu hỏi: "Có phải Apollinaire đã viết bài L'Adieu này để tưởng nhớ Victor Hugo sau khi đi thăm mộ người con gái của Hugo tên là Léopoldine đã chết đuối cùng chồng ở biển tại tỉnh Villequier vào năm 1843". Bài này có thể có liên hệ với bài Demain, dès l'aube của Victor Hugo và là nguồn cảm xúc để Apollinaire sáng tác bài L'Adieu chăng?



Hoa Thạch thảo (bruyère) được nhiều Thi sĩ mang vào Thơ, nhưng có thể nói rằng hoa Thạch thảo đã được đời đời gắn liền với bài thơ Demain, dès l'aube của Victor Hugo và L'Adieu của Guillaume Apollinaire.



Có phải chăng thu miền viễn đông,

Nơi có Thạch thảo mọc ven sông,

Hoa chuông nho nhỏ vờn trong gió

Gợi nhớ thành sầu chĩu mênh mông?
 
Tony Son Nguyen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.