Bush House đã chứng kiến lịch sử phát thanh và dịch vụ internet của BBC trong 60 năm
Trưa ngày 12/7 đánh dấu thời điểm bộ phận tin tức tiếng Anh và cũng là ban cuối cùng của BBC World Service rời khỏi tòa nhà Bush House lịch sử sau 70 năm phát thanh từ trụ sở này.
Nguyễn Hùng của BBC nhìn lại một số nét trong 12 năm làm việc ở Bush House.
Tôi tới tòa nhà Bush House lịch sử của BBC lần đầu tiên vào một ngày tháng Ba năm 2000.
Đó là một tòa nhà lớn với hàng ngàn nhân viên của 43 ban ngôn ngữ trong BBC World Service, phục vụ hàng trăm triệu người nghe ở khắp nơi trên thế giới.
Cho tới tận khi rời Bush House hồi tháng Ba năm nay, tôi vẫn chưa đi hết mọi nơi trong Bush House và cũng không thể nào gặp hết các đồng nghiệp.
Lúc chia tay Bush House, BBC đã nhỏ gọn hơn nhiều.
Tám năm trước, 10 ban ngôn ngữ trong đó có ban tiếng Thái Lan và chương trình Đông Á Ngày nay (East Asia Today) đã bị đóng cửa vì các lý do khác nhau trong đó có sự cởi mở thông tin của các nước Đông Âu như Ba Lan, Cộng hòa Czech và Hungary.
Hồi năm ngoái năm ban ngôn ngữ khác đã phải ngừng hoạt động vì Bộ Ngoại giao Anh cắt ngân sách dành cho BBC World Service trong khi đồng bảng mất giá khiến chi phí cho các văn phòng quốc tế và các chuyến công tác đắt đỏ hơn.
Khi chuyển về trụ sở mới ở New Broadcasting House, BBC World Service chỉ còn gần 2.000 nhân viên, ít hơn khi tôi vào khoảng 1.000 người trong khi số ban ngôn ngữ giảm từ 42 xuống còn 27.
Người phụ trách các ban ngôn ngữ từng nói BBC thậm chí gửi lên Bộ Ngoại giao phương án chỉ giữ lại năm ban ngôn ngữ khi buộc phải cải tổ do sức ép tài chính trong năm 2011.
Công nghệ lỗi thời
Trở lại với tháng Ba năm 2000, ấn tượng đầu tiên của tôi về BBC World Service là sự lạc hậu về công nghệ.
Văn phòng cũ của BBC Tiếng Việt ở Bush House với bức tranh sơn mài thính giả gửi tặng
Trước khi tới BBC, tôi làm một năm cho hãng công nghệ thông tin hàng đầu thế giới IBM ở Hà Nội.
Khi đó IBM đã sử dụng máy tính tốc độ cao, có thể truy cập vào mạng nội bộ công ty từ nhà và cách tổ chức làm việc hết sức chuyên nghiệp.
Bush House mà tôi tới năm 2000 có hệ thống công nghệ thông tin khá cũ kỹ, đi phỏng vấn vẫn thu vào băng cối to, chương trình phát thanh được lưu lại bằng cassette.
Những người trẻ như tôi thường nói với nhau đó là công nghệ "may tay" vì phải dùng dao lam để cắt vất đi những mẩu băng có âm thanh cần loại bỏ.
Cũng vài năm sau khi tôi vào người ta mới giới thiệu hệ thống thu thanh và phát thanh số hóa gọi là radioman.
Nhưng ngay cả chương trình này cũng bị chỉ trích là cục mịch và giờ sang nhà mới đã không còn được dùng nữa.
Hiện tại BBC World Service chung nhà với BBC nội địa và cơ sở hạ tầng cũng như công nghệ chúng tôi sử dụng thuộc loại hiện đại có lẽ không kém công ty truyền thông nào trên thế giới.
Quá khứ và tương lai
Khi chuyển sang BBC New Broadcasting House ở Regent Street, phố mua sắm nổi tiếng thế giới, chúng tôi đã ngưng phát thanh được hơn một năm.
Lượng người nghe ít ỏi trên công nghệ sóng ngắn lạc hậu cộng với sức ép ngân sách khiến Ban Việt ngữ không thể duy trì phát thanh.
Vài năm trước khi rời Bush House, BBC Tiếng Việt đã hiểu rằng sóng ngắn đã quá lỗi thời trong khi tương lai nằm ở dịch vụ tin tức ở dạng văn bản, âm thanh và video trên internet vốn không quá tốn kém như phát thanh hay truyền hình.
BBC World Service làm việc chung với nhiều đài phát thanh nội địa của BBC trong trụ sở mới
Chúng tôi dọn sang nhà mới với dịch vụ duy nhất còn lại là trangbbcvietnamese.com.
Ngay từ những ngày còn ở Bush House, trang web của BBC Tiếng Việt luôn nằm trong danh sách năm trang web có lượng người truy cập nhiều nhất trong số hàng chục ban ngôn ngữ.
Giờ chúng tôi có ít người hơn, ngân sách nhỏ hơn nhưng vẫn cố gắng duy trì số lượt người truy cập mà có lúc lên tới gần 40 triệu một tháng.
Bush House là quá khứ trong đó BBC có lúc phát thanh tới vài tiếng một ngày kể từ khi bắt đầu dịch vụ Tiếng Việt hồi năm 1952.
New Broadcasting House là tương lai của BBC trong đó có BBC Tiếng Việt, nhưng cũng vì là tương lai nên chúng ta khó có thể nói điều gì chắc chắn.
Nhưng một điều không thay đổi là kỷ nguyên analogue mà Bush House chứng kiến đã mãi mãi ở lại sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.