Đặng Tiến
Tiếc thương Nguyễn Mộng Giác, 1940-2012
MÙA BIỂN ĐỘNG
MÙA BIỂN ĐỘNG
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác
Une saison d homme
Entre deux marées
Quelque chose comme
Un chant égaré
Aragon
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác vừa qua đời tại Mỹ, ngày 02- 7- 2012 sau một cơn bệnh dài, là tác giả hai bộ trường thiên tiểu thuyết Mùa biển động1, tiểu thuyết thời sự, sáng tác tại Hoa Kỳ 1982- 1989, gồm năm tập, 1 800 trang, và bộ tiểu thuyết lịch sử Sông Côn Mùa Lũ, viết trong nước, 1978- 1981, 4 tập, 2000 trang , là hai bộ tác phẩm đồ sộ nhất trong ngành tiểu thuyết Việt Nam, sau Cửa biển2, của Nguyên Hồng xuất bản trong nước đã lâu.
Tác phẩm Mùa biển động đã được độc giả hải ngoại đón tiếp nồng nhiệt. Tập một, Những đợt sóng ngầm, in năm 1984, đã được tái bản nhiều lần, Bão nổi (1985) cũng vậy; tập ba mang tên toàn bộ Mùa biển động, 1986, đã tái bản. Bèo giạt in năm trước, 1988, thì năm sau tác giả cho in tập cuối, dài nhất, là Tha hương.
Tiểu thuyết Mùa biển động là một biến cố quan trọng trong nền văn chương Việt Nam ở hải ngoại, cần được chào đón xứng đáng, và cần được phân tích, thảo luận, phê phán cặn kẽ, bên ngoài cái vòng khen chê tùy hứng và lẩn thẩn, hay cuồng nộ theo những định kiến chính trị hay phe phái.
Bài này giới thiệu từng tập một, theo giá trị ở thời điểm xuất bản, và cuối cùng sẽ có phần tổng luận về năm tập. Để bạn đọc có thể đặt Mùa biển động vào thể loại văn học của nó, tôi có bài khác, về tiểu thuyết trường thiên nói chung – đăng kèm.
Nguyễn Mộng Giác sinh năm 1940 tại Bình Định, đã có tác phẩm in tại Sài Gòn trước 1975: Ba truyện dài, hai tập truyền ngắn và một tiểu luận. Vượt biển năm 1981, ông khởi viết Mùa biển động ngay từ trại tị nạn Kuku, và viết tiếp tại Hoa Kỳ. Nguyễn Mộng Giác có một sức viết, một ý chí lao động nghệ thuật đặc biệt: trong tám năm tha hương, phải làm nhiều nghề vất vả để sinh nhai, ông đã xuất bản năm truyện dài, hai tập truyện ngắn3 và viết nhiều bài nghiên cứu văn học giá trị. Từ 1985, ông chủ trương tạp chí Văn học nghệ thuật, từ 1986 đổi tên là Văn học, hiện nay là tờ báo văn nghệ Việt Nam thuộc loại đứng đắn và hay nhất, so với nhiều tạp chí khác cả trong lẫn ngoài nước. Khi viết xong – nghĩa là rảnh nợ Mùa biển động - Nguyễn Mộng Giác có tâm sự: «Từ bảy năm nay, tôi vừa viết vừa lo đánh máy, vừa tự bỏ tiền in mấy bộ truyện dài này, trong khi vẫn phải dành thì giờ cho việc kiếm sống… Xin bạn đọc hiểu cho rằng đây là tim óc tôi, là mồ hôi của tôi, là máu của tôi»4. Một gương cần mẫn, một tình yêu văn nghệ, một cống hiến cho tiếng nói dân tộc, ở mức ấy, ở một người Việt lưu vong, đáng cho nhiều người suy nghĩ.
Nguyễn Mộng Giác là người di tản, độc giả của ông, trước hết là người di tản. Tác phẩm của ông phản ánh thế giới quan của người bỏ nước ra đi; ông không mấy cảm tình với chế độ cộng sản, điều đó dễ hiểu và không quan hệ gì với nghệ thuật.
Mùa biển động kể lại đời sống, vật chất và tinh thần, một thế hệ thanh niên đồng lứa tuổi với Nguyễn Mộng Giác, quay chung quanh mươi nhân vật nam và nữ, thuộc ba gia đình ở Huế. «Tôi muốn qua cuộc đời thăng trầm của ba gia đình, phản ánh giai đoạn có nhiều thăng trầm bể dâu nhất của người miền Nam, từ lúc chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ đến ngày tôi vượt biên »4 – 1981.
Nhân vật chính của Nguyễn Mộng Giác toàn là những thanh niên trí thức thành thị, phần nhiều thuộc thành phần khá giả, bị cuốn vào những cơn bão của lịch sử, trong non hai mươi năm. Tác giả đưa vào tiểu thuyết những sự kiện có thật, nhân vật có khi trùng tên thật của nhiều người thật, nhưng khẳng định rằng Mùa biển động không phải là tiểu thuyết lịch sử mà chỉ là «biến chuyển tâm trạng của [một] thế hệ thanh niên trưởng thành trong chiến tranh […], cuối cùng trôi nổi theo một nhân vật chính đến chỗ tha phương »5 (nhưng cuối cùng, các nhân vật chỉ «tha hương» mà không «tha phương»).
Hai tập đầu, Những đợt sóng ngầm (1984) và Bão nổi (1985), gợi lại phong trào tranh đấu miền Trung khoảng 1964-67 với những biểu tình, xô xát, tuyệt thực, hội thảo, bàn thờ Phật xuống đường, xe tăng lựu đạn đàn áp…. Không khí tiểu thuyết sôi nổi, biến cố dồn dập, các nhân vật thường xuyên dao động trong thời sự nóng bỏng, được tác giả phản ánh dồi dào, trung thực. Nhưng cái hay là tâm trạng của một lớp thanh niên: họ làm chính trị hàng ngày, hàng giờ, với lập trường, quan điểm, vì cơn bão lịch sử đã thổi tạt họ vào một đám cháy, chứ bản thân họ không phải là những con người chính trị. Và sự lựa chọn của họ, chỉ tự do trong chừng mực nào đó, trong những điều kiện xã hội nào đó mà thôi.
Khi hai tập đầu ra mắt, đã có một số người phản ứng mãnh liệt trên vài tờ báo chống cộng ở Bắc Mỹ. Đại khái họ chê trách Nguyễn Mộng Giác o bế những nhân vật thân cộng, sau này theo Mặt trận giải phóng, như Tường, bôi bác quân đội Sài Gòn qua nhân vật Lãng, và cả chế độ Sài Gòn nữa, và tác giả đã đánh bóng cho phong trào Phật giáo, v. v. Khi sự công kích trở thành thô bạo, đã có nhà văn lên tiếng bênh vực Nguyễn Mộng Giác, và ông cũng có lần trả lời, đại ý rằng bộ tiểu thuyết chưa xuất bản toàn bộ, vậy không thể đánh giá lập trường tác giả qua hai cuốn đầu tiên.
Thật ra thì Nguyễn Mộng Giác đã viết Những đợt sóng ngầm và Bão nổi với tất cả tấm lòng tha thiết với kỷ niệm, với tất cả những mất mát của bản thân; nếu ông có nâng niu sự cố này hay nhân vật kia, thì đó cũng là tình cảm thường tình của người mẹ với những đứa con – dù là con hư. Mà dù trong thâm tâm Nguyễn Mộng Giác có nuôi nấng chút tình cảm nào đó với phong trào tranh đấu miền Trung 1964-67, thì cũng chưa chắc gì ông đã tán thành quan điểm chính trị và phương pháp hành động của phong trào đó. Nguyễn Tuân, khi đề cao tài chém treo ngành của một đao phủ hay lòng yêu nghệ thuật của một cai ngục, không chắc gì đã ưa nghề đao phủ hay cai ngục. Thậm chí, viết văn, đôi khi chỉ là cách vân vê một vết thương trong đời mình.
Nhà văn Nhật Tiến yêu thích hai tác phẩm này là có lý do sâu sắc 6.
Nhưng dường như Nguyễn Mộng Giác cũng thấm đòn. Đến Mùa biển động, tập 3 (1986, không có tên riêng), ông đã thận trọng hơn, chừng mực hơn, «giữ võ» kỹ hơn. Động tác chỉ xảy ra mấy ngày Tết Mậu Thân 1968 tại Huế, với những trận đánh, những vụ «xử lý» chôn người mà mọi người đều biết; tác giả mô tả cảnh thảm sát ở một chương áp chót và giải thích hiện tượng đó ở chương cuối, như một tư liệu. Nhắc lại những tàn bạo của các đơn vị Mặt trận giải phóng tại Huế, Nguyễn Mộng Giác chỉ nêu lên một sự thật lịch sử, một trong nhiều sai lầm của phe giải phóng, nhưng thuộc loại tàn bạo nhất. Nhưng cũng là một cách chứng tỏ rằng ông không phải là người thân cộng, với những ai cần biết rõ điều đó để an tâm.
Về cuộc tổng công kích Mậu Thân 1968 tại Huế, ngày nay ta có nhiều tác phẩm tư liệu: từ Giải khăn sô cho Huế (1969), Tình ca cho Huế đổ nát (1967) của Nhã Ca, đến bút ký của một số nhân vật đã từng sống trong Mùa biển động như Hoàng Phủ Ngọc Tường (Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu, 1971), hay Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Quang Hà, Tô Nhuận Vỹ (Huế những ngày nổi dậy, 1979), hoặc của tướng Lê Chưởng, chính ủy mặt trận Huế thời đó (Đất nước vào xuân, 1979). Đây là những chứng từ có giá trị lịch sử và văn chương. Ngoài ra còn có những hồi ký mặt trận của các tướng Lê Tự Đồng, Trần Quý Hai. Có lẽ Nguyễn Mộng Giác chưa đọc, chỉ dựa vào hồi ký của tướng Lê Minh và cuốn The battle for the Tet 1968 của Keith William Nolan.
Tuy nhiên Mùa biển động III là một cuốn sách hay, qua thuật kể chuyện trầm tĩnh, chừng mực và hấp dẫn. Tác giả khéo gạn lọc những chi tiết làm nổi bật tâm lý của người Huế trung bình lúc đó. Chúng ta lại có dịp so sánh để thấy đặc tính của ba thể loại văn chương: Hoàng Phủ Ngọc Tường viết bút ký, Lê Chưởng viết hồi ký, Nguyễn Mộng Giác viết tiểu thuyết. Họ khác nhau không phải chỉ ở «lập trường» hay vị trí quan sát, hay cách nhìn, mà còn ở hành văn, ở thể loại. Điểm cuối cùng này về mặt văn học, tôi rất thích thú.
Đến Bèo giạt, tập 4, dường như Mùa biển động đã đưa Nguyễn Mộng Giác đến Tiền Đường. Nợ tình đã trả xong trong hai cuốn đầu, ân oán cũng đã phân minh với cuốn 3, tác giả phát triển tài năng của mình thoải mái. Trước hết, ông đổi không gian: từ Huế, động tác chuyển vào Qui Nhơn, và phần nào Sài Gòn. Thời gian cũng im ắng hơn: kỷ niệm Mậu Thân đang kéo da non thành sẹo, người ta lo lắng cho hòa bình. Chuyện xảy ra từ 1968 đến Hiệp định Paris 1973: Ngữ, nhân vật chính, một hạ sĩ quan đã làm việc tại tòa tỉnh trưởng Thừa Thiên, được chuyển vào Sài Gòn, học thêm, thi tú tài, vào trường sĩ quan Thủ Đức, rồi được về làm việc tại tiểu khu Quy Nhơn. Không khí chính trị bớt căng thẳng: không còn những đấu tranh sôi nổi của hai tập đầu, cũng không còn sự ngột ngạt giữa hai lằn đạn như trong tập 3. Bèo giạt là sự chờ đợi, suốt thời gian hòa hội Paris. Cuộc tranh chấp chính trị, giới hạn trong phạm vi cá nhân, quyền bính và địa phương, không phản ánh được sự chuyển mình của miền Nam lúc đó; ngược lại, các nhân vật sống nhiều hơn đời sống riêng tư của mình: tình yêu, tình gia đình, tình bạn xen kẽ vào những chương trình thời sự. Lời kể chuyện nhẹ nhàng, linh hoạt, hấp dẫn hơn, «tiểu thuyết» hơn; các nhân vật thoát ly phần nào ra khỏi từ trường của thời đại, đã xê dịch, sinh hoạt, đối thoại tự nhiên hơn. Về phương diện kỹ thuật, Bèo giạt có những ưu điểm nhất định.
Những ưu điểm đó cần được trả giá: trước hết là sự chênh lệch so với ba tập trước. Từ một không khí nặng trĩu thời cuộc đè bẹp định mệnh, những nhân vật như Tường, Ngô, Nam, bước sang Bèo giạt người đọc như hụt hẫng khi nghe các ông trung tá, đại tá, giữa những canh mạt chược, đàm luận về cách làm tỉnh trưởng: tỉnh lớn phải thế này, tỉnh nhỏ phải thế kia. Trong khi đó, những năm 1970-73 miền Nam đang đi vào khúc quanh quyết định: hòa hội Paris, chính sách Việt Nam hóa chiến tranh, mặt trận Trị Thiên, mùa hè đỏ lửa, cuộc đấu tranh tại các đô thị chống tham nhũng, độc tài… Tác giả có viện lý do không viết tiểu thuyết lịch sử đi nữa, thì người đọc vẫn mong đợi nhiều âm vang hơn của thời sự, dù chỉ là thời sự của tỉnh Bình Định, một địa phương quan trọng, thời đó có nhiều sự cố.
Để vớt lại nhược điểm đó, tác giả đưa ra nhiều nhận định tổng quát về chính trị: về chế độ Ngô Đình Diệm (tr. 1076), về tác dụng vụ tấn công Mậu Thân (tr. 1080) – cả hai nhận định đều không mấy liên quan đến Bèo giạt, có liên quan là những ý kiến về chương trình bình định nông thôn (tr. 1068), tiếc rằng những trang viết này vừa dài dòng, vừa sơ lược và nằm ở ngoại vi tiểu thuyết.
Tóm lại, Bèo giạt dễ đọc hơn ba cuốn trước nhờ lối kể chuyện của tác giả. Nhưng cũng như toàn bộ Mùa biển động, tác phẩm mang nặng tâm tình của tác giả - một Nguyễn Mộng Giác bớt say đắm và trầm tĩnh hơn.
Mà kỷ niệm vẫn thiết tha, đằm thắm: tiếng cửa sắt mở hé ở tòa soạn Bách Khoa; tiếng đánh máy chữ lóc cóc giữa tiếng ì ầm của máy in, ở tòa soạn báo Văn, hai chữ «tình thân» ở cuố thư, vẫn còn gợi nhiều âm hưởng da diết đối với nhiều người, trong đó có Nguyễn Mộng Giác, có cả tôi: chúng tôi bắt đầu yêu, yêu cuộc sống, yêu văn chương qua những âm hưởng đó. Và nay, đọc lại Nguyễn Mộng Giác, sau bao nhiêu mùa biển động, bầu trời trong tôi bỗng ánh ỏi rất nhiều tiếng chim vườn cũ.
Hoàng Xuân Sơn
m ộ t c h ữ t h à n g (*)
Hồi còn bên nhà, lúc bắt đầu khởi nghiệp (chướng) viết lách lai rai vào khoảng thập niên 63/64 -giai đoạn hiển lộng của những cây bút miền trung trên các diễn đàn Văn, Văn Học v.v . - tôi chưa thấy tên tuổi Nguyễn Mộng Giác hiện diện trên các mặt báo. Đùng một cái, anh xuất quân ồ ạt như thác lũ, bắn những phát trọng pháo đầu tiên vào trường văn chương chữ nghĩa. Thật thế, Nguyễn Mộng Giác (NMG) xuất hiện trên văn đàn, khởi từ Bách Khoa, như một hiện tượng. Chẳng phải là nhờ bàn tay phù phép, lăng xê của một ai, anh đến với văn chương bằng tài năng đích thực của mình ( mặc dù NMG là một trong những đồng hương mật thiết với nhà văn uy tín, gốc Bình Định, Võ Phiến thời bấy giờ ). Những gì NMG viết ra đã gặt được lòng tin cậy của bạn đọc cũng như văn giới. Trước tác của NMG, hầu hết, nặng ký. Anh viết nhiều thể loại khác nhau : truyện ngắn, truyện dài, tiểu luận, nhận định văn học v. v. Mỗi một dòng chữ viết ra được dẫn giắt bởi một ngòi bút cẩn trọng, chín chắn, luôn luôn tạo một ấn tượng hay đặt để một điều gì đó cần suy gẫm nơi bạn đọc. Chẳng phải là những sáng tác hời hợt, đọc lướt qua, thỏa mãn một nhu cầu giải trí nào đó. Nói điều khiêm nhượng như thi gia tiền bối Nguyễn Du từng thố lộ, những trước tác dù mua vui cũng được một vài trống canh của NMG cũng đã đoạt được một vài giải thưởng văn học nghệ thuật quan trọng ( hình như là Bóng Thuyền Say hay Đường Một Chiều, nếu không nhầm trong trí nhớ tồi tệ của tôi ). Trong anh còn tiềm tàng một nguồn lửa sáng tạo âm ỉ đốt, và rất mãnh liệt khi cần bùng cháy. Chẳng thế mà những bộ trường thiên Mùa Biển Động, Sông Côn Mùa Lũ viết trong hoàn cảnh khó khăn cũng đã rỉ rả góp mặt với đời tạo được nhiều tiếng vang đáng kể .
Tôi không quen biết NMG từ trước. Hoạ chăng chỉ có người bạn lâu năm của tôi, nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn (HNT), ( đã giã biệt chúng ta năm hai ngàn lẻ năm vừa qua ) là có mối dây liên lạc mật thiết và tình thân đậm đà với NMG. Nói trộm vía HNT ( và cả NMG, giờ đây ) tôi cũng lấy làm lạ là hai người hai cá tính khác biệt mà có thể gần gũi nhau được: NMG mực thước, thâm trầm trong lúc HNT có phần luông tuồng, buông thả trong giao tiếp. NMG đã dung chứa HNT một khoảng thời gian khá dài ở Bình Định (?)- theo lời HNT kể- khi bạn ta bị sa cơ ( Tuấn đi lính thứ dữ, chịu trận không nổi, tự cho phép mình giải ngũ ). Theo tôi, NMG có lòng lân tài, hết mình thương bạn lúc thất thế, có thể chịu đựng được cái nết bất thường nơi bạn. Cái khó là còn chị Diệu Chi, phu nhân nhà văn NMG nữa chi ?! Một chữ thàng Bình Định rõ nét! Một điểm son cho tình bằng hữu qua thời nhiễu nhương. Có người nghĩ tếu, cho rằng chẳng qua NMG/HNT thân nhau là vì cùng ở một lò Võ Phiến/Bách Khoa Lê Ngộ Châu mà ra. Thật ra chẳng có lò bệ gì ráo. Võ Phiến &Bách Khoa chẳng qua đúng lúc, kịp thời giới thiệu được tài năng của NMG/HNT ra trước công chúng. Có lẽ qua HNT, NMG có biết chút đỉnh về tôi. Cho nên khi cộng tác với tờ Văn Học (VH) ở hải ngoại sau này, tôi không bị bỡ ngỡ, và có cảm tưởng như đã thân thiết từ lâu. Cũng là một cái tài khéo xử của một trong những vị chủ báo văn nghệ lâu năm. NMG còn là người chung thủy, hết lòng với văn học (viết thường và viết hoa ), và giỏi lèo lái nữa. Kể từ khi kế nhiệm tờ Văn Học Nghệ Thuật và sau đó cải đổi thành Văn Học ( khoảng 1986/87 ) từ tay Võ Phiến/Lê Tất Điều, đứng mũi chịu sào là NMG. Lèo lái con thuyền Văn Học qua phong ba cũng NMG. Ai cũng biết làm báo văn nghệ tại hải ngoại thì chỉ có từ chết tới bị thương. Vậy mà anh gồng mình chịu được cũng tài. Có những lúc đuối sức phải tạm trao y bát cho Hoàng Khởi Phong, Khánh Trường, cho Trịnh Y Thư, Cao Xuân Huy . Nhưng rồi thuyền chưa tới bến anh cũng đành chèo chống trở lại. Đó là cái tình, cái lòng của NMG; bao hàm cả sự hi sinh trong đó nữa. Vác ngà voi mà không bị cơm nhà trách cứ thì thật là nhất anh! Tròm trèm hai mươi năm đâu có ít ỏi gì !
Tôi cũng biết ơn anh NMG và VH đã vui vẻ tiếp thu bài vở HXS từ những bước đầu hội ngộ. Hầu như sáng tác nào gởi cho VH cũng được chiếu cố . Nhờ đó mà tôi có được chút phấn kích để nuôi lửa (tịch mịch ?), cộng tác với VH qua nhiều “ triều đại ”và còn thơ thẩn nhì nhằng cho tới giờ này .
Tôi định cư tại xứ tuyết Gia Nã Đại từ cuối năm 1981. Mãi tới năm 93, lần đầu tiên tôi mới có dịp ghé thăm miền Cali nắng ấm. Lẽ dĩ nhiên là có liên lạc với ông chủ báo và ghé thăm tòa soạn VH . Tôi đã được anh chị Giác/Chi niềm nỡ tiếp đón. Và được hưởng một buổi dạ tiệc hội ngộ đông vui có đàn ca thơ phú với các bạn văn nghệ cũ mới tại tư gia hai vị này. Nhớ có Nguyễn Xuân Hoàng/Trương Gia Vy, anh chị Mai Kim Ngọc, vợ chồng Nghiêu Đề (hỡi ơi đây là lần cuối gặp bạn! ), Quỳnh Giao/Nguyễn Xuân Nghĩa, Phan Nhật Nam, Nguyễn Chí Kham . . . và nhiều bạn khác nữa. Hôm sau còn được chị Diệu Chi cho ăn bữa cơm gia đình có mắm cà, dưa món và trách cá nục kho đúng điệu Huế mền, ngon hết sẩy và không thể nào quên được.
NMG là người ít nói, trầm ngâm, từ tốn đúng vẻ con nhà mô phạm. Tôi có thể ăn nhậu bốc phét, suồng sã một tí với các bạn Cao Xuân Huy, Trịnh Y Thư, Khánh Trưòng . . .Nhưng với anh Giác, vẫn còn một cái kẽ nhỏ giữ đâu đó. Tuy nhiên không đến nỗi hời hợt quá, xã giao qua quít. Trong chừng mực nào đó, chúng tôi có thể ngồi lại bên nhau đàm đạo chuyện trên trời dưới đất, văn chương chữ nghĩa, kể cả chuyện đời thường.
Khoảng cuối năm 2004, tuổi đời và tình trạng sức khỏe không cho phép NMG tiếp tục công tác văn học nữa. Anh chính thức giã từ vũ khí, trả lại ngà voi, về ăn cơm nhà đuổi gà cho vợ. Và tờ VH cũng được trao tay, không biết lần thứ mấy, cho Cao Xuân Huy với sự trợ giúp của Trịnh Y Thư ( cũng vẫn hai chàng khinh binh tuyến đầu dễ thương này ). Phần tôi, bệnh trạng không kém, cũng bớt hăng hái văn nghệ văn gừng, liên lạc mật thiết với các bạn văn như thuở ban đầu. Tuy nhiên, cứ mỗi lần cầm tờ VH trên tay, tôi lại nhớ đến anh; Nguyễn Mộng Giác của một thời. Một Nhà Văn đúng nghĩa với chức năng .
Con người thàng hậu ấy !
(Cuối tháng tám hai nghìn lẻ sáu)
(*) Bài viết này vốn đã được đăng trên Văn Học 233 –tháng 9&10/2006- số đặc biệt về Nguyễn Mộng Giác.
Nguyễn Mộng Giác
Biography
- Sinh năm 1940 tại Bình Định, miền Trung Việt Nam.
- Học trung học ở trường Cường Để Qui Nhơn, trường Võ Tánh Nha Trang và trường Chu Văn An Sài Gòn (2)
- Học một năm ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn rồi ra Huế học Đại học Sư phạm ban Việt Hán
- Tốt nghiệp thủ khoa Đại học Sư phạm Huế năm 1963, khóa Nguyễn Du (1)
- Dạy học tại trường Đồng Khánh Huế (1963-1965), trường Cường Để Qui Nhơn (1965-1973)
- Là Chánh Sự Vụ Sở Học Chánh tỉnh Bình Định (1973-1974) và làm chuyên viên nghiên cứu giáo dục Bộ Giáo Dục, Sài Gòn (1974-1975) (2)
- Bắt đầu viết văn năm 1971, đã cộng tác với các tạp chí Bách Khoa, Văn, Thời Tập, Ý Thức.
- Vượt biển tị nạn năm 1981 qua ngả Nam Dương, đến định cư tại Hoa Kỳ cuối năm 1982.
- Cộng tác với các báo Đồng Nai, Việt Nam Tự Do, Người Việt, Văn, Văn Học Nghệ Thuật.
- Chủ bút tạp chí Văn Học, California, Hoa Kỳ, từ 1986 đến tháng Tám /2004.
- Hiện định cư tại thành phố Westminster thuộc quận Orange, California, cùng với gia đình.
-Mất ngày 2 tháng 7 năm 2012 (nhằm ngày 14 tháng 5 năm Nhâm Thìn):
Danh Sách Tác Phẩm
1. Tác phẩm xuất bản tại miền Nam trước năm 1975:
- Nỗi băn khoăn của Kim Dung (tiểu luận, nxb Văn Mới, Sài Gòn 1972)
- Bão rớt (tập truyện ngắn, nxb Trí Đăng, Sài Gòn 1973) *
- Tiếng chim vườn cũ (truyện dài, nxb Trí Đăng, Sài Gòn 1973)
- Qua cầu gió bay (truyện dài, đăng trên tạp chí Bách Khoa từ số 350 đến số 357, nxb Văn Mới, Sài Gòn, in thành tập năm 1974)
- Đường một chiều (truyện dài, Giải thưởng Trung tâm Văn bút Việt Nam, 1974, nxb Nam Giao, Sài Gòn 1974)
2. Tác phẩm xuất bản ở hải ngoại:
- Ngựa nản chân bon (truyện ngắn, nxb Người Việt, Hoa Kỳ 1984)
- Xuôi dòng (tập truyện ngắn, nxb Văn Nghệ, Hoa Kỳ 1987)
- Mùa biển động (trường thiên tiểu thuyết, nxb Văn Nghệ, Hoa Kỳ, xuất bản từ 1982-1989) gồm tất cả 5 tập:
. Những đợt sóng ngầm, 1984
. Bão nổi, 1985
. Mùa biển động, 1986
. Bèo giạt, 1988
. Tha hương, 1989
Tái bản lần thứ 6 năm 2001.
- Sông Côn mùa lũ (trường thiên tiểu thuyết, 4 tập, viết từ năm 1977-1981)
. Nhà xuất bản An Tiêm (Hoa Kỳ) xuất bản những năm 1990,1991
. Nhà xuất bản Văn Học (Hà Nội) và Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học tái bản lần thứ nhất năm 1998
. Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học, nhà xuất bản Văn Học và nhà sách Văn Lang (Sài Gòn) tái bản lần thứ nhì năm 2003
. Nhà xuất bản Văn Học và Nhà sách Thanh Nghĩa tái bản lần thứ ba năm 2007
- Nghĩ về văn học hải ngoại (tiểu luận, nxb Văn Mới, Hoa Kỳ 2003)
- Bạn văn, một thuở…(tạp luận, nxb Văn Mới, Hoa Kỳ 2005)
Biography
- Sinh năm 1940 tại Bình Định, miền Trung Việt Nam.
- Học trung học ở trường Cường Để Qui Nhơn, trường Võ Tánh Nha Trang và trường Chu Văn An Sài Gòn (2)
- Học một năm ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn rồi ra Huế học Đại học Sư phạm ban Việt Hán
- Tốt nghiệp thủ khoa Đại học Sư phạm Huế năm 1963, khóa Nguyễn Du (1)
- Dạy học tại trường Đồng Khánh Huế (1963-1965), trường Cường Để Qui Nhơn (1965-1973)
- Là Chánh Sự Vụ Sở Học Chánh tỉnh Bình Định (1973-1974) và làm chuyên viên nghiên cứu giáo dục Bộ Giáo Dục, Sài Gòn (1974-1975) (2)
- Bắt đầu viết văn năm 1971, đã cộng tác với các tạp chí Bách Khoa, Văn, Thời Tập, Ý Thức.
- Vượt biển tị nạn năm 1981 qua ngả Nam Dương, đến định cư tại Hoa Kỳ cuối năm 1982.
- Cộng tác với các báo Đồng Nai, Việt Nam Tự Do, Người Việt, Văn, Văn Học Nghệ Thuật.
- Chủ bút tạp chí Văn Học, California, Hoa Kỳ, từ 1986 đến tháng Tám /2004.
- Hiện định cư tại thành phố Westminster thuộc quận Orange, California, cùng với gia đình.
-Mất ngày 2 tháng 7 năm 2012 (nhằm ngày 14 tháng 5 năm Nhâm Thìn):
Danh Sách Tác Phẩm
1. Tác phẩm xuất bản tại miền Nam trước năm 1975:
- Nỗi băn khoăn của Kim Dung (tiểu luận, nxb Văn Mới, Sài Gòn 1972)
- Bão rớt (tập truyện ngắn, nxb Trí Đăng, Sài Gòn 1973) *
- Tiếng chim vườn cũ (truyện dài, nxb Trí Đăng, Sài Gòn 1973)
- Qua cầu gió bay (truyện dài, đăng trên tạp chí Bách Khoa từ số 350 đến số 357, nxb Văn Mới, Sài Gòn, in thành tập năm 1974)
- Đường một chiều (truyện dài, Giải thưởng Trung tâm Văn bút Việt Nam, 1974, nxb Nam Giao, Sài Gòn 1974)
2. Tác phẩm xuất bản ở hải ngoại:
- Ngựa nản chân bon (truyện ngắn, nxb Người Việt, Hoa Kỳ 1984)
- Xuôi dòng (tập truyện ngắn, nxb Văn Nghệ, Hoa Kỳ 1987)
- Mùa biển động (trường thiên tiểu thuyết, nxb Văn Nghệ, Hoa Kỳ, xuất bản từ 1982-1989) gồm tất cả 5 tập:
. Những đợt sóng ngầm, 1984
. Bão nổi, 1985
. Mùa biển động, 1986
. Bèo giạt, 1988
. Tha hương, 1989
Tái bản lần thứ 6 năm 2001.
- Sông Côn mùa lũ (trường thiên tiểu thuyết, 4 tập, viết từ năm 1977-1981)
. Nhà xuất bản An Tiêm (Hoa Kỳ) xuất bản những năm 1990,1991
. Nhà xuất bản Văn Học (Hà Nội) và Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học tái bản lần thứ nhất năm 1998
. Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học, nhà xuất bản Văn Học và nhà sách Văn Lang (Sài Gòn) tái bản lần thứ nhì năm 2003
. Nhà xuất bản Văn Học và Nhà sách Thanh Nghĩa tái bản lần thứ ba năm 2007
- Nghĩ về văn học hải ngoại (tiểu luận, nxb Văn Mới, Hoa Kỳ 2003)
- Bạn văn, một thuở…(tạp luận, nxb Văn Mới, Hoa Kỳ 2005)
Source NNS - Lá Thư Úc Châu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.