Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012
Huy Cận
Nhà thơ Huy Cận từ trần năm 2005, tại Hà Nội, thọ 86 tuổi.
Trong tập Lửa thiêng có 8 bài thơ lục bát, đều được cho là giá trị: "Ngậm ngùi", "Buồn đêm mưa", "Trông lên", "Thuyền đi", "Chiều xưa"," Xuân ý", "Thu rừng". Trong đó, bài "Ngậm ngùi" đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành một bài hát nổi tiếng - Huy Cận cũng thích nhất bài này, trong một bài phỏng vấn, ông gọi nó là bài "toàn bích". Bài "Buồn đêm mưa" cũng được Phạm Đình Chương phổ nhạc cho nhóm ca Thăng Long hát vào thập niên 1950. Hình ảnh "nai cao gót" của bài "Thu rừng" được Bùi Giáng gợi lại trong bài thơ "Chào thu Lục Tỉnh":
Con nai ấy xưa là nai cao gót
Em nhớ không? trời đất vẫn như dường...
Tám bài lục bát này có giai điệu nhẹ nhàng, tạo nên nhiều cảm giác bâng khuâng. Về nội dung thì phần lớn nói về nỗi sầu với cảnh (mùa thu, mưa, khu rừng...), chỉ có bài "Ngậm ngùi" có lời lẽ như những câu tâm tình:
Nắng chia nửa bãi chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ khép đôi lá rầu
Sợi buồn con nhện giăng mau
Em ơi hãy ngủ, anh hầu quạt đây...
Và bài "Thuyền đi" viết lên nỗi buồn biệt ly:
Trăng lên trong lúc đang chiều
Gió về trong lúc ngọn triều mới lên
Thuyền đi, sông nước ưu phiền
Buồm treo ráng đỏ, giong miền viễn khơi...
Phạm Duy:
"Tôi muốn nói qua về những tính chất nhạc tình trong Tân Nhạc Việt Nam. Khi mới thành hình, nhạc tình trong âm nhạc cải cách mang nhiều tính chất lãng mạn với những tác phẩm của Đặng Thế Phong, Lê Thương, Thẩm Oánh, Dzoãn Mẫn v.v... Tình nhân trong những ca khúc đó bao giờ cũng phải có mùa Thu, gió heo may, sông nước, trời mây, hoa cỏ... đến để làm đẹp cho cuộc tình.
Rồi theo với thời gian, nhạc tình tiến tới giai đoạn phát triển của Tân Nhạc, nó rời khỏi khung cảnh lãng mạn (romantique) để tiến tới nhạc tình cảm tính (sentimental). Bây giờ đôi lứa yêu nhau không còn cần đến bối cảnh chung quanh nữa. Trong loại nhạc tình này, chỉ có anh với em mà thôi, nghĩa là chỉ có người nam, người nữ dìu nhau đi trên đường tình. Rồi nhạc tình Việt Nam sẽ tiến tới giai đoạn não tính (cérébral) với Trịnh Công Sơn, nhục tính (sensuel) với Lê Uyên Phương, ảo tính (psychedelique) với Nguyễn Trung Cang... Nhạc tình của tôi ra đời trong giai đoạn 58-68 nằm trong loại nhạc tình cảm tính vậy.
***
Phổ nhạc là chắp cánh cho thơ bay cao.
Đây cũng là lúc mà những bài thơ rất hay như Vần Thơ Sầu Rụng, Hoa Rụng Ven Sông, Thú Đau Thương của Lưu Trọng Lư, Ngậm Ngùi của Huy Cận, Mộ Khúc của Xuân Diệu, Tình Quê của Hàn Mặc Tử và Tỳ Bà của Bích Khê... được tôi biến thành những ca khúc để mỗi cuối tuần gặp người yêu-thi sĩ thì tôi hát tặng Nàng.
Lại có thêm Cung Trầm Tưởng, một thi sĩ trẻ vừa ở Paris về, đưa cho tôi mấy bài thơ để phổ nhạc như Tiễn Em, Mùa Thu Paris, Chiều Đông, Kiếp Sau, Về Đây, Bên Ni Bên Nớ... trong đó, có hai bài hát về Paris do các nữ ca sĩ trẻ đẹp như Thanh Thúy, Thu Hương, Lệ Thanh trình bày hằng đêm tại các phòng trà và được khán giả hoan nghênh. Những bài thơ phổ nhạc đó trở thành những tình khúc của một thời, thi tứ chắc chắn là của các thi sĩ nhưng động lực khiến tôi phổ nhạc, chính là Nàng Thơ của tôi.
Trong số bài thơ phổ nhạc vào lúc này, bài Ngậm Ngùi thành công nhất.
Bài thơ của Huy Cận cũng đã được đàn anh Lê Thương phổ nhạc từ năm 1943 hay 44 gì đó. Tiếc thay, thiên hạ không có dịp hát nó. Tôi may mắn hơn chàng Lê, vừa tung bài thơ phổ nhạc ra là mọi người biết ngay. Được Anh Ngọc hát lần đầu tiên rồi được Lệ Thu làm nó trở thành bất hủ, bài thơ của Huy Cận do tôi phổ thành ca khúc là một thứ giao lưu văn nghệ xẩy ra ngay từ lúc này. Nguyên bài thơ đã là một giao lưu giữa thơ Đường và thơ lục bát Việt Nam rồi.
Thơ hiện diện từ mấy chục năm trước, được trở thành nhạc vào lúc Việt Nam bị phân chia, ca khúc Ngậm Ngùi của Huy Cận-Phạm Duy giao tiếp hai thời thanh bình và khói lửa, giao hoà hai nghệ sĩ ở hai miền đối nghịch. Về phương diện thẩm âm, thẩm mỹ, bài đó xưng tụng một cái đẹp sắp sửa mất, đang mất hay sẽ mất, với lời thơ êm ả, bùi ngùi, thương tiếc, với nhạc điệu ôm ấp, vỗ về, an ủi. Hãy trả lại chúng tôi mộng bình thường mà có lẽ chúng tôi đã, đang hay sẽ mất. Tôi cố tình dùng hơi ''oán'' trong bài ca :
-- Phải nhấn giọng ở chữ ''bãi'' trong câu nắng chia nửa bãi chiều rồi, như ta hát Vọng Cổ, nghe không ca sĩ...
Suốt mấy chục năm liền, Ngậm Ngùi được hát liên miên. Ca sĩ mới ra lò ở Mỹ hiện nay (1991) dù đã ngọng tiếng Việt, cũng vẫn hát Ngậm Ngùi như thường. Dường như chưa hề ra thoát một u buồn triền miên, chúng ta không ngưng nghỉ ru nhau vào giấc mộng bình thường :
Ngủ đi em mộng bình thường
Ru em sẵn tiếng thùy dương đôi bờ
Ngủ đi em ! Ngủ đi em !
Thụy Khuê:
"Tác giả Lửa thiêng là một trong những nhà thơ mới cuối cùng, đã ra đi, mang theo một thời đại, khép lại một cõi thơ: Thơ mới ra đời những năm 30, chính xác hơn, ngày 10 tháng 3 năm 1932 với bài "Tình già" của Phan Khôi, đăng trên Phụ nữ Tân văn số 122. Và cõi thơ ấy đã tồn tại đến ngày nay, với những thăng trầm, dày dạn; đôi khi không ngại dùng quyền lực để tồn tại, như trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, các chủ soái Thơ mới đầy quyền uy như Tố Hữu, Xuân Diệu... đã lạm dụng chức quyền để nghiền nát những nhà thơ trẻ muốn đổi mới thơ ca như Trần Dần, Lê Đạt...
Huy Cận là bạn đồng hành của Xuân Diệu (Xuân Diệu không có vợ, không có con. Ông sống độc thân cho đến lúc mất, vào năm 1985, lúc 69 tuổi), ông cũng là một trong những nhà thơ quan chức cuối cùng còn sót lại của một thời đại, mà đời thơ trùng hợp với đời quan. Huy Cận đã dùng thi ca phục vụ chính trị một cách đắc lực, và cuối cùng, cũng chính con đường quan lộ ấy đã tàn sát thi ca của ông. Ngày nay, những gì mà Huy Cận để lại cho đời, đã và sẽ chỉ còn một ngọn Lửa thiêng đã bùng lên từ thời 20 tuổi, thời mà ngòi bút ông chưa từng nhúng vào hệ lụy của thế quyền".
Nếu các bạn vẫn còn ở trong cõi thơ Huy Cận, xin mời bạn hát và lắng nghe mình hát bài Ngậm ngùi của Huy Cận do Phạm Duy phổ nhạc. Phạm Duy -sành thơ hơn nhiều nhà thơ- khi phổ nhạc, thường hay thay một lời, đổi vài câu, hoặc làm thêm một vài câu thơ khác. Lời thơ mà Phạm Duy thêm vào, đôi khi hay hơn những câu trong chính bản của nhà thơ. Ngậm ngùi là một trường hợp đặc biệt: không những Phạm Duy không thêm thơ, mà ông cũng không thay đổi một chữ nào trong thơ Huy Cận. Ở đây nhạc đã quyến vào thơ như đôi tâm hồn tri kỷ, và, phải nhận rằng, Ngậm ngùi sở dĩ đi sâu vào lòng người Việt đến thế là nhờ sức quyến rũ mãnh liệt, nẩy ra từ sự giao cảm tuyệt vời giữa thơ và nhạc, giữa Phạm Duy - Huy Cận.
Trần Mạnh Hảo:
Huy Cận – Lửa vẫn còn thiêng
Cù Huy Cận lửa thiêng đâu
Huy hoàng xưa mộng lá sầu tử tôn
Hà hơi thế sự vô hồn
Vũ đài ngất ngất biển cồn tang thương
Từ độ Nguyễn Du lục bát hóa đời Kiều để ngự trên ngôi báu thi ca, chừng như long mạch thơ nước Việt đã mấy lần rót về Hà Tĩnh, khơi nguồn cho những dòng thơ lớn khác xuất hiện: Nguyễn Công Trứ, Xuân Diệu và Huy Cận. Sau tám năm từ độ ra đời, Thơ Mới (1932-1945) đang cuồn cuộn chảy như một dòng sông lắm ghềnh nhiều thác, lúc ẩn, lúc hiện, chợt bùng lên rồi lắng lại sững sờ, như ngẩn ngơ, như luyến tiếc cội nguồn? Kể cũng lạ, khi dòng Thơ Mới cuộn chảy, gầm reo tới cao trào với Xuân Diệu thì cũng là lúc nó chợt phình ra giống một cái hồ cho mưa nguồn chớp bể trong hồn sông nước được nghỉ ngơi, trầm lắng, ưu tư mà hoài cổ. Khúc sông giống hồ nước của dòng Thơ Mới ấy chính là Huy Cận với tập “Lửa Thiêng ” gồm 50 bài thơ ra mắt năm 1940.
Nếu không có khúc sông hóa hồ nước Huy Cận giúp Thơ Mới có cơ hội lắng xuống, thảnh thơi và điềm tĩnh, chùng chình và mênh mông lại, biết đâu nó đã chẳng chảy tuột vào bề thẳm Tây phương? Chừng như hình thức complet, cravate của Phương Tây Huy Cận khoác lên người không mang nổi hồn vía Đông phương u uẩn, thẳm vời trong ông? Sau khi nhà thơ từng thổn thức nỗi Verlaine, cái hồn ấy phiêu du ông về vạn cổ, kéo ông lạc vào Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… ngay giữa lòng thế kỷ XX ồn ào phố xá…Thành ra, trong dòng thơ mới sục sôi với tầng tầng lớp lớp thi nhân, Huy Cận tuy không khăn đống áo the như Đông Hồ, không nâu sồng dân dã như Nguyễn Bính, nhưng hồn ông đã ràng buộc với thất ngôn và lục bát xưa.
Ông hóa nỗi buồn xưa mà lênh đênh nguồn cội, một mình bơ vơ ngay giữa “Hội trùng dương”Thơ Mới, bơ vơ ngay giữa hồn mình. Có thể nói, Huy Cận cô đơn ngay cả trong niềm nồng cháy ban đầu Xuân Diệu. Vì sao một gã trai mười chín đôi mươi lại có một tâm hồn nghìn tuổi, một niềm thơ vạn cổ rất tân thời như “Lửa thiêng “59 năm trước?
Ta bắt gặp trong “Lửa Thiêng” một Huy Cận buổi “Tựu trường-Thơ Mới”, tuy không mê đắm đến điên cuồng “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi” như Xuân Diệu, nhưng cũng rất tinh khôi niềm yêu đời, một niềm cách tân cả ý tưởng đến hồn vía:”Tủ mới đánh và lòng trai thơm ngát” (Tựu trường). Chiếc tủ – hình – thức – Tây phương vừa đánh verni, tưởng chỉ có thể treo những bộ áo quần tân thời ý tưởng như câu thơ rất Tây trong bài “Tình tự“: “Sáng hôm nay hồn em như tủ áo / Ý trong veo là lượt xếp từng đôi“. Huy Cận đi giữa tủ, rương như đi giữa những thời đại bảo tàng, những thời đại ngọc ngà dễ vỡ, tưởng chừng ông toan biến đời mình thành chiếc rương cất giữ vẻ tân kỳ hôm nay “Rương nho nhỏ với linh hồn bằng ngọc” (Tựu trường). Một cậu trai thuần khiết “Quần áo trắng đẹp như lòng mới mẻ” thuở ấy ai ngờ lại có thể viết được những câu thơ rất mới, rất Tây :” Anh hãy bận hồn em màu sáng chói”(Tình tự )…”Lòng giắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng” (Đi giữa đường thơm) …hoặc “Bắt gặp mùa tươi lên rún rẩy” (Xuân)…Huy Cận chìa câu thơ thất ngôn truyền thống ra như chìa bàn tay mình để bắt tay ngọn gió mới Tây phương, bằng cách đột ngột gieo một liên từ làm vần cuối câu thơ thứ hai, khiến câu thơ vừa đứt, vừa nối, vừa chênh vênh, hụt hẫng lại vừa an nhiên, tự tại: “Khi bóng hoàng hôn phủ núi xa / Khi niềm tư tưởng vướng chân, và…”(Em về nhà). Ta còn có thể bắt gặp trong “Lửa thiêng” nhiều vẻ đẹp Tây phương mới lạ của Huy Cận, nhất là trong 15 bài thơ 8 chữ khá phóng túng của ông như bài “Trò chuyện ” :”Phố không cây thôi sầu biết bao chừng”,”Buồn vạn lớp trên mái nhà dợn sóng”, “Chiều hiu hiu khêu gợi nhớ nhung hờ”, “Hồn bơ vơ không biết tựa vào đâu / Mây không bay thương nhớ cũng không màu / Nắng không xế và lòng sầu mất hướng“…Huy Cận thậm chí Tây không kém gì Xuân Diệu với nỗi sầu, nỗi chết ban đầu với tận cùng cảm giác kiểu “Tay bồng thân, và tay nữa ôm mồ ” (Trình bày) …”Chiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đường” …”Xương cọ vào xương bớt nỗi hàn” (Ngủ chung)…hoặc ” Ôi chiều buồn sao nắng quá mong manh” (Nhạc sầu).
Ta có một Huy Cận hướng ngoại tới tận trời tượng trưng Verlaine cả trong buồn, vui, sống, chết, trong thế giới khả giác lúc nào như cũng muốn nổi da gà. Có khi, Huy Cận thử tìm tới tất cả, thử vồ vập tất cả nhưng vì sao ông chưa thỏa nỗi rưng rưng, dù khi ông viết về tình yêu thời đi học với những câu thơ hay đến kinh ngạc: “Một hôm trận gió tình yêu lại / Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ“(Học sinh). “Trận gió tình yêu” mới mẻ phương Tây rất nồng nhiệt kia đã thổi bay đi tất cả niềm vui mong manh chớm hé. Chỉ còn lại nhà thơ “Đứng ngẩn trông vời…” hiện tại, dù hiện tại kia, tình yêu kia kỳ diệu tới mức, lãng mạn tới mức thần tiên: “Em lùa gió biếc vào trong tóc / Thổi lại phòng anh cả núi non” (Áo trắng). Nhờ “Em”, nhờ ngọn gió tóc kia mà căn phòng anh được nới rộng ra cả đất trời? Hay chính là “Em” đã nhốt núi non, nhốt cái sừng sững cao vời vào căn phòng thi ca anh để vô hạn hóa cái hữu hạn? Niềm vui tình đầu Huy Cận đẹp thế, hay thế nhưng chỉ là gió thổi qua, chỉ là thoáng chốc. Trong thơ, Huy Cận cần một cách giải thoát khác Xuân Diệu.
Huy Cận đi từ “Ngẩn” tới “Vời”: “Đứng ngẩn trông vời…”, đi từ tha nhân đến bản thân mình, từ niềm vui đến nỗi cô đơn, như chiếc thuyền trong bài “Mưa” sau: “Lòng êm như chiếc thuyền trên bến / Nghe rét thu về hạ bớt mui“. Câu thơ này mới đích thực thần thái Huy Cận; nó hay một cách hoang vắng, se se, tồi tội, khẽ khàng, hiu hắt. Tâm hồn Huy Cận là chiếc thuyền miền sơn cước thi ca, lặng lẽ “hạ bớt mui” khi rét thu về, lặng lẽ rút vào tranh thủy mặc xa xưa mà u tịch. Nếu Xuân Diệu nhảy bổ vào tình yêu như nai kia khát nước nhảy bổ vào nguồn suối, lăn xả vào đời sống con người mà choàng ôm tất cả, mà mê cuồng, say đắm tất cả thì Huy Cận ngược lại, cứ một mình thui thủi tìm về nơi hoang vắng, tránh xa nơi phồn hoa đô hội. Huy Cận tĩnh bên một Xuân Diệu động.
Huy Cận xưa bên một Xuân Diệu nay. Huy Cận buồn bên một Xuân Diệu vui, dù cả hai đều “Hai chàng thi sĩ choáng hơi men” (Tình trai-X.D.). Những bài thơ hay nhất trong “Lửa thiêng” là những bài Huy Cận thu hồn về ở ẩn trong một thiên nhiên hoang vắng, thẫn thờ, như thể ông đã bị cuộc đời dồn đến trước lầu “Ngưng Bích”, cùng Thuý Kiều lẫn vào “Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung “(Kiều). Trong 50 bài “Lửa thiêng”, chỉ có 8 bài thơ lục bát: “Buồn đêm mưa”, “Trông lên”, “Chiều xưa”, “Đẹp xưa”, “Thuyền đi”, “Xuân ý”, “Thu rừng” và “Ngậm ngùi”. Nhưng nếu không có 8 bài thơ lục bát này, “Lửa thiêng ” dù có nhiều bài thất ngôn hay ví như “Tràng giang” thì cũng chưa thể làm nên một Huy Cận vượt thời gian như đã có. Nguyễn Du đại thiên tài lục bát, đã đưa nhịp sáu tám Việt Nam lên tới đỉnh mây trời nhân loại. Nguyễn Du từng ít nhiều ảnh hưởng lục bát ca dao, ảnh hưởng lục bát của Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều để làm ra hàng nghìn câu thiên thu tuyệt diệu riêng mình. Thấm đẫm hồn thơ cha ông, Huy Cận đã hiện đại hóa câu thơ sáu tám Việt Nam. Ông như người kế thừa trung thành của phả hệ lục bát Nguyễn Du rồi phát triển nó về u tịch. Đọc thơ lục bát Huy Cận, cơ hồ như hồn Nguyễn Du phảng phất đâu đây, như thể bút thần xưa được hậu thế cầm lên viết tiếp, như bài “Đẹp xưa”:
“Ngập ngừng mép núi quanh co
Lưng đèo quán dựng, mưa lò mái ngang…
Vi vu gió hút nẻo vàng
Một trời thu rộng mấy hàng mây nao
Dừng cương nghỉ ngựa non cao
Dặm xa lữ thứ kẻ nào héo hon
Đi rồi khuất ngựa sau non
Nhỏ thưa tràng đạc tiếng còn tịch liêu
Trơ vơ buồn lọt quán chiều
Mái nghiêng nghiêng gửi buồn theo hút người…”
Câu thơ “Lưng đèo quán dựng, mưa lò mái ngang” trên của Huy Cận làm ta nhớ đến “Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia “của Tố Như xưa. Huy Cận lấy hồn muôn năm trước mà hiện đại hóa câu thơ lục bát bây giờ, như gió xưa vàng đẫm lá thu nay :” Vi vu gió hút nẻo vàng”. Ngọn gió Huy Cận mặc áo vàng nghìn thu mà hun hút, mà nghiêng nghiêng mái chữ, mái-hiên-người, cũng là mái thơ: “Mái nghiêng nghiêng gởi buồn theo hút người”. Cũng như bài “Đẹp xưa”, bài lục bát “Buồn đêm mưa” và bài “Chiều xưa” hay đến từng câu từng chữ. Cái buồn Huy Cận nơi đây đẹp đến rụng rời, đẹp đến ngơ ngác, hoang vu.
Viết về nỗi bơ vơ kiếp người, về nỗi buồn bản thể, nỗi buồn xa vắng, mù tăm tưởng không ai bằng Huy Cận: “…Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la / Tai nương nước giọt mái nhà / Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn (Buồn đêm mưa).Tưởng chừng Huy Cận phải đội trên đầu cả vòm “Trời nặng nặng” mà nghe “Ta buồn buồn”, rồi thơ thẩn đi hết cõi “Lửa thiêng”, để nghe trọn vẹn trong hư không: “Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi”, “Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ”. Huy Cận gom mình về thành quách xưa mà cô đơn một thuở với trời đất; tuy ông vẫn để ngỏ các cửa thành cho gió ngàn năm bơ phờ cư ngụ: “Gió về, lòng rộng không che”. Thổi hiu hiu, thổi u u trong lục bát Huy Cận loài gió hạc vàng, gió tùng bách, gió khói sóng. Những hồn gió liêu trai từng thổi qua Đường thi, Tống thi, thổi qua sao Khuê ở ẩn Nguyễn Trãi, qua vầng trăng xẻ nửa Nguyễn Du mà thành bờ “lau thưa” Huy Cận:
“Buồn veo theo gió bên hồ
Đèo cao quán chật, bến đò lau thưa
Đồn xa quằn quại bóng cờ
Phất phơ buồn tự thời xưa thổi về
Ngàn năm sực tỉnh, lê thê
Trên thành son nhạt – Chiều tê cúi đầu…” (Chiều xưa)
Nhà ẩn sĩ của nỗi buồn xưa để tâm hồn mình trôi qua hai bờ lục bát như bóng cờ kia quằn quại trôi qua đôi bờ trời chiều và “Thành son nhạt”, càng trôi càng sững lại, càng phải vật vã với gió mà níu lấy hồn xưa ngơ ngẩn. Phải chăng tinh thần của “Lửa thiêng ” là tinh thần của lá cờ quá vãng ăn toàn gió xưa mà tồn tại, mà nghi ngút khói mây :”Phất phơ buồn tự thời xưa thổi về”? Huy Cận mang hồn Nguyễn Du để làm nên giọng điệu lục bát rất riêng, rất mới của mình như bài “Thu rừng” sau đây:
“…Nai cao gót lẫn trong mù
Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về
Sắc trời trôi nhạt dưới khe
Chim đi lá rụng cành nghe lạnh lùng…”
Hai cặp lục bát trên đều đi nhịp đôi khe khẽ, rón rén, thi thoảng, theo kiểu cứ một bước sương lại một bước khói, như trời thu theo nai xuống núi, theo “chim đi” vì không nỡ bay sợ làm động vỡ hồn thu. Huy Cận mượn bút vẽ Tề Bạch Thạch mà vẽ bức thuỷ mặc lục bát “Thu rừng” có một không hai. Chỉ thấy nai, thấy chim, thấy sắc trời, thấy lá rụng, tuyệt nhiên không thấy người đâu, mà không đâu không ám ảnh hồn người. Cảm giác, ấn tượng của những câu thơ trên mạnh tới nỗi rùng mình, người đọc chợt được hòa tan vào từng câu chữ, khiến bài thơ như chợt vượt ra ngoài trang giấy mà hóa vô biên thu, hóa vô tận rừng, hóa mênh mông hồn thu Huy Cận.
Nói đến lục bát Huy Cận, không thể không nhắc tới “Ngậm ngùi”. Bài “Ngậm ngùi ” tuy không tuyệt bích như các bài “Thu rừng”, “Đẹp xưa”, “Buồn xưa”, “Buồn đêm mưa”; nhưng nó mang yếu tố mới của thơ tình, trước đó thơ ta chưa có chuyện người đàn ông “hầu quạt” ru người con gái ngủ. Bài thơ mang được phẩm chất sầu mộng của thời đại, được phổ nhạc thành bài hát rất hay, rất quen thuộc nên người ta dễ nhớ hơn những vần lục bát thần diệu trên. Thơ thất ngôn Huy Cận đạt tới tuyệt đỉnh với “Tràng Giang”, với nỗi buồn hoài cổ tầng tầng lớp lớp sóng, lớp lớp mây tâm trạng, như thể nhà thơ đã kéo dài mạch chảy của những dòng sông thi ca Vương Bột, Thôi Hiệu …, những dòng sông thi ca “Trông vời trời nước mênh mang” Nguyễn Du xưa mà trải hồn mình ra nghìn dặm xưa sau. Huy Cận là nỗi buồn tiếp nối ông cha :”Vạn lý sầu lên núi tiếp mây”, như thể ngàn xưa còn vọng mãi nỗi niềm rơm rớm nắng mưa nay: “Nắng đã xế về bên xứ bạn / Chiều mưa trên bãi nước sông đầy” (Vạn lý tình). Hãy đọc thất ngôn Huy Cận lên để nghe không gian chùng xuống đến tận cùng dây tơ thời gian: “Ôi! nắng vàng sao mà nhớ nhung / Có ai đàn lẻ để tơ chùng? (Nhớ hờ ).
Huy Cận với “Lửa thiêng” còn ở bên trời “đàn lẻ”, là nỗi buồn xưa, hồn xưa lưu lạc tới hôm nay vẻ hiu hắt, ngậm ngùi kiếp người. Ông mang đến cho thi đàn một nỗi buồn đẹp như quê hương, như nước mắt trời xanh. Hình như sự vĩnh cửu từng níu lấy áo Huy Cận mà kéo ông về bất tử thi ca ngay từ thuở vừa ngoài tuổi đôi mươi. “Lửa thiêng” có lẽ là tập thơ toàn bích nhất trong các tập thơ ra đời từ 1932-1945 trong phong trào Thơ Mới? Cây cổ thụ Huy Cận sẽ còn xanh tươi mãi trong vườn thơ Dân tộc như câu thơ ông từng viết trong bài “Họa điệu”: “Cây không đi mà tình cũng nghiêng nghiêng”.
Hiệu Minh
Người ta bảo Thi sỹ có thể chết nhưng nếu bài thơ hay sẽ bất tử. Nhưng điều này chưa chắc đã đúng nếu theo dõi tin mạng.
Vụ án Tiến sĩ/Luật sư Cù Huy Hà Vũ đã khép lại nhưng dư âm vẫn còn đâu đây trên thế giới ảo. Nó chẳng liên quan gì đến thơ ca, đến mảnh đất nhỏ giữa Hà Nôi, nơi vị luật sư này cất tiếng chào đời. Người ta bàn nhiều hơn về dân chủ, công bằng xã hội, quyền con người và sự bất cập.
Tin tức đã lấn át một mảng Thơ Tình đẹp nhất trong thế kỷ 20 ở một đất nước chịu nhiều đau khổ, chết chóc và chiến tranh.
Chợt nhớ hai thi nhân Việt Nam đã khuất núi: Xuân Diệu và Huy Cận cùng nuôi nấng Ts/Luật sư Cù Huy Hà Vũ.
Mỗi lần đi qua đường Điện Biên Phủ, tôi thường đánh mắt vào ngôi nhà số 24. Nơi đó, Xuân Diệu và Huy Cận sống cho đến cuối đời. Bây giờ đang bầy bán xe máy, cạnh có quán café và biển đề “Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ”.
Tịnh không thấy bóng dáng của những câu thơ bay bổng như mái tóc xoăn trước gió của cố thi nhân Huy Cận. Sau những chuyện vừa rồi thì giọng ngân nga của Thơ Tình đã thật sự tắt hẳn và theo ông về bên kia thế giới.
Hôm nay, nhắc đến "24 Cột Cờ" người ta không còn nhớ nụ hôn say đắm và nước mắt chia li, mà họ liên tưởng đến thế hệ con cháu của nhà thơ và của những người cùng thế hệ với thi nhân, đã hành xử và “đối thoại” với nàng Thơ bằng còng số 8 và luật pháp.
Như một định mệnh, trong cuộc sống tình yêu không xuôn xẻ của mình, Xuân Diệu từng viết “Người ta khổ vì thương không phải cách //Yêu sai duyên và mến chẳng nhằm người //Có kho vàng nhưng tặng chẳng tuỳ nơi//Người ta khổ vì xin không phải chỗ”.
“Thương không phải cách” đã biến địa chỉ số 24 thành nơi đong đếm quyền lực và pháp đình. Có lần ngôi nhà đã bị phá tường rào, rồi dọa đưa ra tòa. Mà lẽ ra, nơi đó xứng đáng là “một cõi đi về” của giới văn nhân, của người yêu thơ, giúp những kẻ có trái tim thổn thức tìm lại chốn xưa của một thần đồng thơ Tình để chia sẻ nỗi lòng.
Có lần Xuân Diệu viết về cha mẹ như là khuyên những đứa con “Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong//Ông đồ Nghệ đeo khăn gói đỏ//Vượt đèo Ngang, kiếm nơi cần chữ//Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong//Hai phía đèo Ngang: một mối tơ hồng”.
Rồi “Muốn ăn nhút, thì về quê với bố//Muốn ăn quýt, ăn hồng, theo cha mày mà về ngoài đó//Muốn uống nước dừa, ăn xoài chín đỏ//Muốn ăn bánh tét, bánh Tổ//Thì theo tao, ở mãi trong này… Đội ơn Thầy, đội ơn Má sinh con//Cảm ơn Thầy vượt đèo Ngang bất kể//Cảm ơn Má biết yêu người xứ Nghệ//Nên máu con chung hòa cả hai miền”.
Miền quê “đàng ngoài, đàng trong” thấm đẫm tình người đã sinh ra hai thi nhân tên tuổi lớn. Thế mà trong thời hội nhập, miền đất ấy không dạy nổi đám con cháu sống Nhân ái như trong Thơ các ông từng viết.
Fig. Nhà 24 cột cờ. Ảnh: internet
Xuân Diệu sống độc thân gần suốt cuộc đời, dù có một người đàn bà ở với ông vài tháng và hàng xóm Huy Cận “tối lửa tắt đèn” có nhau.
Ông từng thổ lộ “Anh có nhà có cửa//Nhưng không vợ không con/Sợ cái bếp không lửa//Sợ cái cửa không đèn//Những đêm đi xa về//Tận xa nhìn cửa đóng//Không ánh sáng đón mình//Không có ai trông ngóng”.
Có lẽ khi viết bài thơ này, Xuân Diệu không thể nghĩ, định mệnh “cô đơn” trong thơ đã đúng với ngoài đời sau đó nửa thế kỷ. Nếu hồn xưa có quay về chốn cũ thì vẫn “sợ khung cửa sổ” như ngày nào. Lần này không phải sự cô độc làm tan nát trái tim người thi sỹ.
Biết bao giờ mảnh đất mà Xuân Diệu từng nhắn bạn bè “Nhà tôi 24 Cột Cờ/ Ai yêu thì ghé, hững hờ thì qua” sẽ là nơi tình tự của thơ ca Việt Nam như ông từng viết cho người tình Bạch Diệp:
“Anh không xứng là biển xanh//Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng//Bờ cát dài phẳng lặng//Soi ánh nắng pha lê//Bờ đẹp đẽ cát vàng//Thoai thoải hàng thông đứng//Như lặng lẽ mơ màng//Suốt ngàn năm bên sóng//Anh xin làm sóng biếc//Hôn mãi cát vàng em//Hôn thật khẽ, thật êm//Hôn êm đềm mãi mãi”.
Ước mong sao, một ngày nào đó, một ai đó, với sự kỳ diệu nào đó, sẽ giúp cho Thơ Tình trác tuyệt ở ngôi nhà số 24 Cột Cờ được tiếp tục sang sảng như giọng đọc của Xuân Diệu năm nào.
Tin đọc thêm.
Để bạn nhớ nhà mình, Xuân Diệu có câu thơ dễ thuộc “Nhà tôi 24 Cột Cờ/ Ai yêu thì ghé, hững hờ thì qua”. Phố Cột Cờ sau này đổi thành đường Điện Biên Phủ.
Năm 2002, Bộ Văn hóa – Thông tin ra quyết định thu hồi một phần diện tích nhà đất từng là nơi ở của cố nhà thơ Xuân Diệu và cũng là nhà của Luật sư Cù Huy Hà Vũ để làm Phòng lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu.
Giới văn nghệ sỹ, vốn yêu Xuân Diệu và trân trọng Huy Cận, rất muốn ngôi nhà của thi nhân thuộc về nền Thi ca nước Việt.
Ts/Ls. Cù Huy Hà Vũ cho rằng đây là một quyết định trái pháp luật, và ông đã làm đơn khiếu nại. Vụ việc thêm căng thẳng khi ngôi nhà số 24 bị đập phá hồi năm kia (1-2010).
Thêm vào đó Ts/Ls Vũ có phát biểu về Nhân quyền, Đa đảng, kiện Thủ tướng, và nhiều vụ động trời khác. Ông là tâm điểm chú ý của báo chí trong thời gian dài.
Ts/Ls. Cù Huy Hà Vũ là con trai của Huy Cận, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn Hóa. Ông cũng là con nuôi và là cháu ruột của nhà thơ Xuân Diệu. Mẹ của ông là bà Ngô Thị Xuân Như, em ruột Xuân Diệu, thuộc dòng họ Ngô Đức Kế nổi tiếng.
Source NNS - Lá Thư Úc Châu
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.