Ở
Việt Nam người ta hay nói đến bằng A, bằng B, bằng C để định mức cho
trình độ ngoại ngữ tiếng Anh được học ở các "Trung Tâm Đào Tạo" (TTĐT)
ngắn hạn, hoặc bằng cử nhân Anh Văn cho bậc đại học chính quy dài hạn 4
năm.
Tiếng
là bằng cấp hay đúng hơn là một loại chứng chỉ (certificate) của các
TTĐT ngắn hạn (vocational centre) nhưng đừng xem thường nó à nha!.
Như
đã kể ở bài trước, có một dạo tôi làm việc cho một công ty của Thụy Sĩ
có chi nhánh ở Việt Nam . Quanh năm ngày tháng tôi hết ở Hà Nội rồi đến
Sài Gòn, những lúc ở Sài Gòn, buổi tối tôi cũng thường hay la cà bụi
đời nơi mấy cái quán bar ở Phạm Ngũ Lão (Sài Gòn) để nhìn "tây ba lô"
cho đỡ nhớ xứ “xứ người”. Lúc đó, ngồi đía dóc với mấy người đẹp chân
dài làm pha chế cho quán bar ở đây, tôi đã vài lần được các nàng cho
biết các nàng cũng đang theo học bằng B, bằng C tiếng Anh ở các TTĐT
trong phố. Để chứng minh, các nàng còn "khè" cho tôi coi một số bài tập
của thầy cho đem về nhà làm. Nhìn các bài tập này tôi thấy
nó khó dàn trời mây luôn đối với một thằng đã ở Úc trên 10 năm, và cũng
có chút học hành lem nhem ở đây như tôi.
Tình
thật mà nói nếu cho tôi làm một bài luận văn của học viên đang học
tiếng Anh ở mức bằng C ở trong nước thì tôi... bí lù. Làm được chết
liền! Vậy thì trình độ ngoại ngữ của dân mình ở trong nước phải giỏi
lắm chứ. Bởi vì hầu như ai cũng có vài cái bằng cấp phải học bằng ngoại
ngữ hết. Bằng B, hay bằng C là loại "lôm côm" nhất chứ người ta còn có
đến bằng Thạc sĩ hay Tiến sĩ , Giáo sư đào từ các đại học ngoại nữa
kìa...
Cho
đến một hôm, công ty (nước ngoài) nơi tôi đang làm việc có nhu cầu
tuyển thêm một số nhân viên địa phương mới. Thằng sếp thấy tôi là (gốc)
Việt Nam , lại biết nói tiếng Việt "very well" (rất nhiều "vi kê" khác
về nước làm không biết nói tiếng Việt đâu nha!) nên đẩy cho tôi ôm cái
công việc mà tôi không khoái tý nào, đó là phỏng vấn các ứng đơn xin
việc để tuyển người.
Phải
công nhận là ở Việt Nam mình chuyện gì thì chậm chứ chuyện đăng báo
tuyển người thì vô cùng hiệu quả, rất là nhanh. Mẩu quảng cáo đăng lên
báo chỉ có 1 ngày thôi thì phòng nhân sự đã nhận được trên 40 hồ sơ xin
việc. Công ty tôi chỉ tuyển có mấy người nên sếp giao cho tôi làm cái
chuyện khó nuốt là chuyện sàn lọc để loại bớt.
Ngày
phỏng vấn, tôi chỉ cho hẹn chục 12 người, chọn lựa những ai có đơn xin
việc tương đối thích hợp nhất mà tôi đã tham khảo trước...
Thú
thật là lần đầu tiên xem hồ sơ của các bạn trẻ trong nước tôi có chút
ngạc nhiên là sự đồng bộ giống y khuôn nhau trong các hồ sơ xin việc.
Người nào cũng có một cử nhân hay cao đẳng hệ chính quy nào đó, ai cũng
có vài chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh bằng B hay C, và ai cũng có thêm
vài bằng vi tính loại sử dụng thành thạo các thứ Office Word, Excel,
Power Point, Asset v.v... Người này giống y chang người kia.
Đọc
xong xấp hồ sơ của các ứng viên tôi mới thấy cái khó cho người chọn
lựa. Ai cũng như ai thì biết chọn... ai đây? Vì vậy tôi đành phải xem
qua mấy... tấm hình dán trong đơn xin việc để làm tiêu chí mà "sàn lọc"
bớt số đơn thặng dư. Tôi xin thành thật mà nói là tôi biết rõ các công
việc của công ty tôi đang muốn tuyển chẳng có liên quan gì đến chuyện
hình ảnh xấu đẹp của ứng đơn hết, nhưng tôi đành phải "tội nghiệp " cho
những ai đi xin việc ở trong nước (nhất là mấy cô) mà không có "ngoại
hình" loại "điện nước đầy đủ" (dễ nhìn).
Đành
rằng có rất nhiều công việc tuyển dụng chẳng có chút xíu liên quan gì
đến ... điện nước của mấy nàng, nhưng như đã nói khi mà hai ứng đơn
giống nhau y chang về văn bằng, về chứng chỉ chuyên môn thì người tuyển
chọn chỉ còn biết "trông mặt mà bắt hình dong" thôi chứ làm cách nào
khác giờ.
Cuối
cùng tôi cũng chọn ra hơn chục bộ hồ sơ loại "ngon cơm" nhất, và nghĩ
là buổi phỏng vấn chỉ cho có lệ, chỉ gặp để nhìn rõ "dung nhan" của
nhau thôi chứ người nào trong nhóm xin việc này cũng có trình độ toàn
hàng "chiến đấu" không hà. Nhất là cái khoản tiếng Anh và vi tính, nhìn
cả đống bằng cấp và những chứng chỉ mà họ đính kèm thì tôi biết mấy thứ
này họ giỏi hơn tôi là cái chắc rồi chứ còn phỏng vấn phỏng viếc làm gì
nữa.
Ấy!
Nghĩ vậy mà không phải vậy đâu bạn mình ơi! Tôi không biết khi đi xin
việc ở nơi khác người ta phỏng vấn ra sao. Còn tôi thì như đã nói, tự
biết "tài" của mình, nên tôi không dám ba xí ba tú hỏi lôi thôi sẽ dễ
bị lộ tẩy mấy cái dốt của tôi trước mặt các ứng viên. Hơn nữa phần vi
tính các công việc mà tôi đang tuyển không cần phải đòi hỏi trình độ
cao siêu để biết cách đút "phần mềm" vào hay rút "phần cứng" ra (khi nó
không còn... cứng nữa) khỏi ổ máy v.v... Tôi chỉ cần họ biết đánh văn
bản trên computer thôi, vậy là đủ. Vì vậy tôi không dám múa rìu qua mắt
thợ (ở Việt Nam rất nhiều bạn trẻ rất giỏi về computer), tôi
chỉ đẩy cái laptop của tôi đang xài cho anh chị ứng viên đang phỏng vấn
xin việc, và nhỏ nhẹ ... nhờ "em gõ dùm cho tôi chừng 10 câu, một bài
ca, bài thơ hay bất cứ cái gì mà em thuộc".
Tôi
tin rằng chỉ cần nhìn người nào dạo chừng 2 câu trên bàn phím thôi chứ
đừng nói gì đến 10 câu là tôi có thể biết được khả năng đánh máy của họ
như thế nào rồi chứ cần gì nhìn cái bằng cấp ghi là một phút mấy chữ.
Vậy
mà các bạn có biết chuyện gì xảy ra không? Thiệt là không tưởng tượng
được trong 12 người dự phỏng vấn với Word, Excel, Power Point thứ gì họ
cũng có bằng cấp chứng chỉ, với chú thích đạt yêu cầu loại "khá", nhưng
khi cần gõ máy thì họ nhìn cái bàn keyboard như nhìn cây "thiên ma cầm"
trong phim chưởng vậy. Dấu chấm, dấu phẩy, xuống dòng v.v... Họ chăm
chú tìm trên bàn phím như thầy pháp tìm bùa lỗ bang.
Đó
là chưa kể trong buổi phỏng vấn này tôi đã khám phá thêm vài "bí kiếp"
tuyển dụng chắc là khá "đại trà" ở trong nước. Nếu như các cô chân dài
có lợi điểm dùng ngoại hình để đánh bại đối thủ khi đi xin việc thì
phía các anh cũng biết tận dụng thủ tục "đầu tiên" (tiền đâu) để lót
tay người phỏng vấn.
Hôm
đó tôi thực hiện buổi phỏng vấn với riêng từng người, và trong phòng
riêng khi chỉ có "sếp" và người xin việc thì đã có hai ứng viên nam,
một mạnh dạn đẩy cái bao thơ (tiền) về phía tôi với câu chào mở đầu
"Sếp cho em gửi các cháu ăn quà.." , còn anh thứ nhì đã quên luôn mục
đích của anh đến gặp tôi là để phỏng vấn xin việc làm, anh thân thiện
đến bất ngờ, cứ nằn nì rủ rê tôi (như rủ bạn anh vậy) chiều tan việc đi
uống bia với anh. Anh giới thiệu là “có biết có cái quán mới mở ở Tân
Định toàn "hàng" (nữ tiếp viên) chiến đấu không hà... sẵn sàng phục vụ
từ A đến Z"
Còn
phía "chân dài" các nàng cũng không lép vế, không phải ai cũng vậy
nhưng một vài nàng đã biểu diễn vài "chiêu" thật ngoạn mục. Các nàng
gọi "sếp" bằng anh xưng em ngọt như mía lùi. Đứng lên ngồi xuống luôn
thể hiện kiểu cách y như đang đi thi hoa hậu. Có một nàng trong nhóm
xin việc hôm đó, cứ chống tay lên cầm mà nhìn ông "sếp" đang phỏng vấn
mình cười cười mỉm mỉm thiệt là đẹp mê hồn làm cho tim tôi nhảy muốn
rớt ra ngoài luôn.
Còn
chết người hơn nữa là cái cách của nàng này nhìn người đang phỏng vấn
nàng, là tôi đây, y chang như trong tiểu thuyết ba xu của Mỹ gọi là
nhìn kiểu "love at first sight", còn tiếng Việt mình các nhà văn trữ
tình cũng diễn tả đó là "tiếng sét ái tình" hay "yêu ngay lần đầu" gì
đó... Kể luôn cụ Nguyễn Du thi nhân đại tài của nhà mình năm xưa cũng
đưa kiểu nhìn này vô tác phẩm Đoạn trường tân thanh của cụ. Đó là
"Người đâu gặp gỡ làm chi, trăm năm biết có duyên gì hay không..."
Má
ơi! Cũng may là "sếp" (dỏm) này chưa được công ty cho tiêu chuẩn tuyển
thư ký riêng cho mình nên đành vừa tụng kinh vừa ngó lơ chỗ khác để
tránh ánh mắt "ba đào dị nịch nhân" đắm đuối đến làm người ta chết chìm
được của cô em chân dài đi xin việc hôm đó...
Kết
quả có 8 ứng viên trong số 12 đơn có đủ các loại văn bằng chuyên môn về
“phần cứng phần mềm” nhưng không gõ được vài dòng chữ cho liền lạc bằng
keyboard...
Phần
tiếng Anh cũng vậy, như đã nói, tôi vốn hơi "ớn ợn" với trình độ tiếng
Anh của mấy trung tâm ngoại ngữ trong nước nên cũng chẳng dám hỏi han
gì nhiều mà chỉ yêu cầu các ứng đơn "xin bạn kể cho tôi nghe bằng tiếng
Anh, sáng giờ bạn làm gì. Thí dụ bạn thức dậy lúc mấy giờ, ăn sáng món
gì, bạn đi bằng cách gì đến đây, bạn có thể chỉ đường cho tôi đi từ đây
ra hồ... con rùa hay không””
Chỉ
đơn giản vậy thôi. Tôi nghĩ rằng nếu anh chị nào đó có thể nói được cho
tôi nghe chừng năm ba câu thôi thì tôi có thể nhắm mắt mà phê đại mấy
chữ "đạt yêu cầu" vô phần tiếng Anh của họ cái cho rồi.
Nhưng
tiếc thay! Cũng như phần vi tính, phần tiếng Anh cũng hầu như không ai
thể hiện được điều gì như trình độ của các bằng cấp hay chứng chỉ mà họ
có. Cuối cùng chỉ có 3 anh chị giọng nói tuy chưa được hay lắm, nhưng
khả năng Anh ngữ của các anh chị này cho tôi tin là họ có học thật chứ
không phải loại có bằng thật mà học dỏm.
Thì
ra, sau buổi phỏng vấn tôi mới hiểu tại sao các hồ sơ xin việc lại có
nhiều sự đồng bộ như vậy. Rất nhiều các loại chứng chỉ ngoại ngữ, chứng
chỉ vi tính được các trung tâm đào tạo "bán" cho người xin việc như
người ta bán một cần thiết phải có trong đơn xin việc chứ không cần
chất lượng của bằng cấp hay chứng chỉ đó. Rất nhiều TTĐT ở trong nước
chỉ cần có học viên ghi danh, có đóng đủ học phí là có chứng chỉ, không
nhất thiết là phải có học hay khảo sát (thi) đạt yêu cầu...
Điều
này đã làm cho trình độ của các chủ nhân của bằng cấp chứng chỉ thành
đồng bộ, và đã làm cho rất nhiều người tuyển chọn phải lấy những tiêu
chí không liên quan đến chuyên môn để mà chọn lựa như "ngoại hình",
"điện nước", “”bao thơ” v.v...Trong đó mém chút nữa là cũng có tôi luôn.
Hôm
đó nếu không kịp nhớ lại tôi vừa tự mình ký bản án chung thân với một
"tiger" biết nói tiếng người, bây giờ đang làm mẹ của 2 đứa con gái
tôi, thì tôi đã tuyển cô nàng "love at first sight" kia vô công ty chỗ
tôi đang làm rồi.
Thế
thì, có lẽ các bạn đang thắc mắc là bộ mấy ông chủ tuyển dụng nhân sự
hoặc các sếp phỏng vấn nào cũng nhận bao thơ hay "tiếng sét ái tình"
(như tôi) và để cho mấy cái bằng dỏm "lướt" đi một cách dễ dàng vậy sao?
Không
hẳn là vậy, nhưng sự thật thì cũng có rất nhiều sếp không có trình độ
(vi tính hay tiếng Anh) như các loại bằng cấp chứng chỉ thể hiện, nên
không có khả năng khảo sát chất lượng thật của người "đã học" các loại
bằng cấp này là học thiệt hay học dỏm.
Chuyện
này cho đến hôm nay vẫn còn khá phổ biến ở nước mình. Đó là những bằng
dỏm và bằng giả, bằng cách nào đó, đã len lỏi vào lực lượng nhân sự của
tất cả mọi vị trí trong đủ các loại ngành nghề ở phía chính quyền lẫn
tư nhân, và được chấp nhận y như bằng... thiệt.
Xin
mở ngoặc ở chỗ này để quý bạn đọc ở nước ngoài hiểu thêm, ở nước mình
bây giờ người ta phân biệt hai chữ "bằng dỏm" và "bằng giả" là hai loại
khác nhau. Việc này đã được một "cao nhân" sử dụng bằng dỏm (hay giả)
tự định nghĩa một cách rõ ràng cách đây cũng khá lâu. Đó là vị Chủ tịch
ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, một tỉnh nằm cạnh Nha Trang ở đâu đó
ngoài miền Trung.
Nếu
tôi nhớ không lầm là năm 98 hay 99 gì đó. Khi bị báo chí phanh phui là
bằng cấp ông này đang sử dụng, là một cần thiết cho chức vụ Chủ tịch mà
ông đang làm - hình như là bằng tốt nghiệp phổ thông lớp 12 thì phải -
là bằng giả. Ông chủ tịch của mình đã "nổi dóa" đăng đàn mở họp báo lớn
tiếng ong óng cãi lại là:
"Tôi
công nhận tôi không có học mà có bằng là vi phạm, nhưng bằng này là
bằng thật chứ không phải bằng giả. Con dấu thật, chữ ký thật do Giám
đốc sở giáo dục tỉnh Đồng Nai cấp đàng hoàng (không tin hỏi ổng coi!)
sao lại gọi là giả được".
Sự
việc được "khui" thêm ra là 2 ông chức sắc ở tỉnh Phú Yên và tỉnh Đồng
Nai đó đã áp dụng tính ưu việt của nền "kinh tế đối lưu" trong thời bao
cấp trước đây. Lúc còn bao cấp người ta ít khi xài tiền, mà là dùng
hàng hóa để trao đổi (như thời... đồ đá vậy). Ông Phú Yên có biển, có
rừng nên cho ông Sở Giáo Dục Đồng Nai ít gỗ vụn để xây nhà, xây dư thì
bán đi cho người ta làm củi chụm cũng được mà. Có... vài ngàn mét khối
thôi chứ mấy.
Ngược
lại ông Đồng Nai có cái Sở Giáo Dục hàng năm "búng" ra cả vài chục ngàn
cái bằng trung học phổ thông thì tiếc gì không "búng" cho bạn mình một
cái. Bằng thiệt, chữ ký thiệt đàng hoàng ai dám bảo là bằng... giả đâu.
Bó
tay luôn phải không quý vị! Lúc đó báo chí trong nước đã bầu cho câu
nói của ông Chủ tịch Phú Yên là "câu nói hay nhất trong năm" của quan
chức nước mình. Và (có lẽ) từ đó chữ "bằng dỏm" được ra đời để chỉ loại
bằng có con dấu thiệt, chữ ký thiệt, có lưu chiếu vào sổ bộ thiệt đàng
hoàng, nhưng chủ nhân của nó không cần do học (thiệt) mà có. Và cũng từ
đó trong lý lịch của một số quan chức trong phần trình độ văn hóa học
vấn, nhiều vị khai tốt nghiệp cử nhân kinh tế, cử nhân luật v.v... Có
vị cẩn thận hơn đã mở ngoặc đóng ngoặc mấy chữ (có học thiệt) để chú
thích phân biệt với các loại bằng, cũng thiệt y như
của họ, nhưng là học dỏm.
Còn
loại bằng giả khác với bằng dỏm vừa kể là bằng giả không có con dấu
thiệt, không có chữ ký thiệt, không có lưu chiếu. Người có được (bằng
giả) là do in ấn nháy hiệu cho giống y thiệt, rồi lấy củ khoai tây tự
khắc thành con dấu giả, nháy theo dấu thiệt, như đồng hồ nháy hiệu vậy,
hoặc cạo sửa từ bằng thiệt của người khác rồi bỏ đại (mẹ) tên mình vô.
Như
vậy thì người xài bằng giả và bằng dỏm về hình thức thì khác nhau,
nhưng có một điểm giống nhau là cả hai không ai cần phải đi học (thiệt)
để có bằng.
Ngày
nay ở nước mình, sự kiện bằng dỏm & và bằng giả không chỉ ở những
loại "lôm côm" như mấy cái chứng chỉ vi tính hay bằng B, bằng C của
tiếng Anh để đi xin việc, hoặc bằng tốt nghiệp trung học phổ thông như
ông chủ tịch Phú Yên năm xưa mà còn "leo cao" hơn đến các bằng Thạc sĩ,
Tiến sĩ, Giáo sư v.v... đã không còn là chuyện hiếm thấy...
Bằng
dỏm và giả với học vị càng cao thì người sử dụng nó, thường là có chức
quyền hay tiền, nên càng dễ đạt được yếu tố "tiêu cực" lúc dự tuyển bổ
nhiệm vào các chức vụ cao (đa số là viên chức, công chức cấp cao của
nhà nước), hoặc là vì bằng ở loại học vị cao nên nơi nhận (việc) cho
các loại bằng cấp này, vì không có trình độ khảo sát nên đã dễ dàng để
bằng dỏm hay giả biến thành bằng... thiệt.
Trong
tháng (7-2010) vừa qua, chắc quý bạn đọc cũng đã biết rồi, báo chí
trong nước lại lùm xùm lu xa bu thêm hai bằng Tiến sĩ "dỏm" do không
học mà có, mà lại còn ác liệt hơn nữa, các bằng Tiến sĩ dỏm kỳ này
ngoài chuyện có chữ ký thật, con dấu thật nhưng lại được mấy trường đại
học "không có thật" (trường ma) cấp.
Không
biết các chủ nhân của hai bằng Tiến sĩ này có mạnh miệng cãi là "bằng
của tui là bằng thật có con dấu thật, chữ ký thật chỉ do trường... dỏm
cấp mà thôi nên không thể gọi là bằng giả được..." như ông Phú Yên năm
xưa hay không.
Hai
bằng Tiến sĩ mà báo chí mới phanh phui kỳ này. Một là của ông Giám đốc
Sở "Văn hóa & Du lịch” Phú Thọ, và bằng thứ hai là của ông Phó bí
thư Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái.
Theo
báo chí trong nước thì ông "Sở văn hóa" Phú Thọ có bằng Tiến sĩ được
đào tạo ở nước ngoài, nghĩa là phải học bằng tiếng Anh, mà khả năng
tiếng Anh của ông thì lại "xem xem" với mấy anh xin việc mà tôi phỏng
vấn lúc trước.
Nghĩa
là ông không kể được bằng tiếng Anh hồi sáng này ông ăn sáng món gì,
tối hôm qua ông đi bia ôm ở quán nào, có vụ... A đến Z với mấy cô tiếp
viên ở đó không... chứ đừng nói gì đến việc ông làm luận án khoa học
bằng tiếng Anh để được cấp bằng Tiến sĩ...
Và
ông Phó Yên Bái thì còn "thần đồng" hơn nữa, từ lúc ông có quyết định
lãnh tiền của nhà nước hỗ trợ cho ông đi học cho đến lúc ông "khè" cái
bằng Tiến sĩ ra cho thiên hạ ớn chơi chỉ có... 6 tháng.
Chuyện
mà báo chí trong nước thấy đáng nói là cả hai bằng Tiến sĩ này đều có
giá "học phí" (dù chẳng cần đi học) là 17,000 đô Mỹ để có. Cả hai đều
nằm trong tiêu chuẩn sử dụng tiền "quỹ hổ trợ" của nhà nước dành cho
cán bộ hiếu học muốn nâng cao trình độ để lấy cái bằng này.
Chuyện
của hai ông Tiến sĩ dỏm ở Phú Thọ và Yên Bái lấy tiền nhà nước, không
đi học mà vẫn có bằng dường như đã làm ức lòng đến hai ông Tiến sĩ
(thiệt) đang làm việc tại các đại học và viện nghiên cứu của Úc đó là
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn (Sydney) và Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hưng
Quốc (Melbourne)
Giáo
sư Tuấn qua bài viết "Thêm bằng chứng về bằng giả trường dỏm" cho rằng
ông Phó bí thư Yên Bái bị (trường dỏm) lừa gạt, hay là ông sẵn sàng (để
cho) bị lừa gạt khi tốn 17 ngàn để lấy cái bằng ở một trường đại học
không có thật, và cái bằng đó chỉ là một tấm giấy lộn chứ không có giá
trị gì hết.
Và
ở một bài khác "Bằng tiến sĩ dỏm giá 17,000 đô - Hãi" Ông Tuấn cho biết
lý do người sử dụng bằng dỏm (ở trong nước) không chỉ mục đích lòe
thiên hạ cho oai mà còn là một nhu cầu cho chức quyền.
Đồng lúc đó Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc cũng viết 2 bài "Bằng giả và bằng dỏm" và "Tiến sĩ dỏm ở Việt Nam"
Ông
Quốc cho là xài bằng giả để lòe thiên hạ cho sướng thì vấn đề chỉ là
tâm lý và đạo đức chứ không liên quan đến pháp luật, chính quyền không
can thiệp nhưng nếu sử dụng cái bằng dỏm hay giả ấy để mưu lợi thì lại
khác. Ví dụ để xin dạy trong các trường học hoặc để thăng quan tiến
chức như ông Phó bí thư Yên Bái thì: Nó trở thành một hành động lừa
bịp...
Và cũng cùng lúc này tờ báo mạng TuanVietnam.net
ở trong nước cũng có bài châm biếm sự giải trình của chính chủ nhân cái
bằng Tiến sĩ dỏm không biết tiếng Anh là ông Giám đốc Sở văn hóa Phú
Thọ.
Cũng như ông Chủ tịch Phú Yên năm xưa. Ông giám đốc Sở Phú Thọ này cũng đăng đàn họp báo, ông đến tận tòa soạn báo TuầnViệtNam.Net,
nhờ tiếng nói của tờ báo này để giải trình qua hình thức phỏng vấn hỏi
đáp về việc ông tốn 17,000 đô để "học" cái bằng Tiến sĩ ở nước ngoài mà
không cần biết một chữ tiếng Anh
Trong bài hỏi đáp của TuầnViệtNam.net
ông Giám Đốc Sở Phú Thọ này hé lộ me mé ra là còn đến... 10 quan chức
khác cũng có bằng Tiến sĩ ở cùng trường "dởm" với ông. Mấy ông học bằng
cách "online" (hàm thụ từ xa qua mạng) và nơi dạy không yêu cầu người
học phải biết tiếng Anh. Ông khai những người khác (cũng là quan chức
nhà nước ở Phú Thọ và Hà Nội) cũng học cùng "lò" nơi ông học, cũng được
cấp bằng như ông, nhưng người ta không ai bị gì cả, còn ông chỉ là...
"Tại tôi không may thôi!"
Đúng
là "pó toàn thân" luôn chứ không thèm "pó tay" nữa với chuyện "quê nhà
xứ huyện" của nước mình phải không quý vị? Dùng tiền của nhà nước (là
tiền của dân) "mua" một bằng cấp là một "tấm giấy lộn không giá trị gi
hết" để "thăng quan tiến chức" và "mưu lợi" cho cá nhân mình. Khi bị đổ
bể đối với mấy ông không là "một hành động lừa bịp" mà chỉ là "Tại tôi
không may thôi!"
Không biết câu nói này có nên bầu là "câu nói hay nhất trong năm" của quan chức mình lần nữa không các pác nhẩy!
Phương "N"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.