GS Tôn Thất Trình – Câu chuyện tình yêu ở xã hội thượng lưu Nga thế kỷ thứ 19: A Na Kha Lệ Ninh (Anna Karenina) của Tolstoy
Nhân dịp phim mới ra mắt ở Hoa Kỳ tháng 9 ( ? ) năm 2012 về chuyện tình duyên, yêu đương một kiệt tác của văn hào Leo Tolstoy, theo cái nhìn của giám đốc đạo diễn Joe Wright và nữ tài tử chánh Keira Knightley, được xem là táo bạo, gan góc dám làm, thèm khát liều lĩnh, những từ có thể dùng chung cho nhân vật nữ chính và giám đốc đạo diễn của phim và cả thiên tiểu thuyết A Na Kha lệ Ninh.
Văn hào Leo Tolstoi đã viết ra hai tiểu thuyết trứ danh thế giới: Chíến Tranh và Hòa Bình – War and Peace xuất bản năm 1869 và A Na Kha lệ Ninh – Anna Karenina năm 1875 , ngoài những chuyện dài- ngắn cũng nổi tiếng khác, nhất là các chuyện ngắn như Cái chết của Ivan Ilyich - the Death of Ivan Ilyich năm 1886 và Hadji – Kẻ hành hương hồi giáo Murat, một lọai chuyện kể với cấu tạo âm mưu bí mật ở vùng Caucase và Nga thời Nga Hòang Nicolas I năm 1904. Thú thật là suốt thời gian thơ ấu 1945 -47, các sách này đã được dịch ra tiếng Việt, nhưng chúng tôi chưa đủ lịch lãm để thưởng thức và khi lớn khôn hơn vào các năm 1970 – 75 lại bị hòan cảnh chiến tranh và các truyện Kim Dung -Hồng Kông và Quỳnh Dao – Đài Loan ( sau này mới biết là nhiều cốt truyện lãng mạn Qùynh Dao mô phỏng các truyện Âu – Mỹ ) hút hồn, nên cũng không mấy nghĩ tới các sách truyện Tolstoi. Mãi khi về nghĩ hưu ở Hoa kỳ mới đủ thì giờ xem cuốn phim Chiến Tranh và Hòa Bình bất hủ do tài tử Henry Fonda đóng một vai chánh và những cảnh thảm bại đại quân Nã Phá Luân rút lui khỏi Nga, bị quân Nga phản công tiêu diệt tại chiến trường Borodino, sau chiến lược vườn không nhà trống, tiêu thổ kháng chiến ở Mạc Tư Khoa của tổng tư lệnh quân đội Nga Hòang; Việt Minh đã mô phỏng áp dụng ( ?) phần nào ở cuộc Chiến tranh Việt Nam thứ Nhất chống Pháp 1945- 54 .
Tóm tắt thân thế Tolstoy
Tolstoy tên Nga là Bá tước Lyev Nicholayevich Tolstoy, sinh ngày 9 tháng 8 năm 1828 ở tỉnh Tula, Nga. Năm 1844, Tolstoy đã được nhận vào viện đại học Kazan ( ? ) để học luật và sinh ngữ đông phương, nhưng sau đó bỏ học lên thủ đô Saint Peterburg năm 1851, sống một cuộc đời phóng đảng, rượu chè be bét, trụy lạc lung tung … rồi đăng làm trung úy pháo binh ở vùng Caucase, tham dự chiến tranh Crimea năm 1855 ở Sevastopol – Constantinople, Istanbul( ? ) ngày nay. Năm 1856, Tolstoy đi ra ngọai quốc, rồi năm 1862 lấy vợ tên là Sefya ( viết theo Mỹ là Sophia) Andreevna Behrs, sinh hạ được 13 người con. Tolstoy mất ngày 20 tháng 11 năm 1910.
Lạm bàn về cốt truyện sách A Na Kha lệ Ninh
Sách A Na Kha Lệ Ninh thật sự lúc đầu có tên là Hai cuộc hôn nhân, Hai cặp tình yêu – Deux Marriages, Deux Couples . Cặp đầu là hạnh phúc yên thắm cuộc hôn nhân thành thật giữa Levine và Kitty Chicherbalk và cặp sau là say mê điên cuồng đầy nhục nhã, đầy thảm nảo giữa Anna Karenina và Alexis Wronski. Đăng tải theo truyện nhiều hồi đọan trên nhật báo Nga Courrier Russe- Rousky Vestmule, lôi thôi lớn với tổng biên tập báo Mikhial Katkov về nội dung chánh trị hồi đọan cuối cùng. Truyện hồi đọan này rất ăn khách vào thế kỷ thứ 19, đến nổi nhiều bà danh giá xã hội Nga lúc bấy giờ sai người hầu hạ đến tận nhà in mỗi ngày, mua đem về đọc hồi đọan vừa phát hành.
Cốt truyện sách là một ảo tưởng công trình cuối cùng của Tolstoy, thuật câu chuyện khởi đầu bằng một tán tỉnh vô hại, dần dần trở thành một số phận bi thảm giữa Karenina và bá tước Vronsky. Anna lấy một ông chồng giàu sang, phú quí, nhưng già hơn và đang sống một cuộc đời sung túc, nhàn hạ nhưng không có tí gì là nhộn nhịp xúc động; một cuộc sống đầy thói quen hằng ngày, không thú vị, không thích thú gì cả. Đó là một cuộc sống Anna quen dần, mãi cho đến khi Anna gặp Vronsky, tao nhã, lịch sự và bị tiếng sét ái tình, yêu đương đụng nhằm. Anna phải trả một giá rất đắt về ngọai tình hay cách tìm kiếm một ổn định hôn nhân và từ bỏ những tiếng dội con tim mình, một thử nghiệm tìm kiếm linh hồn tạo bất ổn cho gia đình Anna và gia đình người luyến ái mình. Thực chất là Anna rời bỏ ý nghĩa cuộc sống của mình và đeo đuổi cuộc sống thú vị. Đòi hỏi tuyệt đối này không thích hợp với những tiện nghi ích kỷ đương thời của xã hội thượng lưu quí phái thủ đô Saint Petersbourg, cuối thế kỷ thứ 19. Anna Karenina sẽ trải qua một kinh nghiệm đớn đau vô vàn. Anna khác bà Bovary ( nhân vật lảng mạn cũng ngọai tình của sách văn hào Pháp Gustave Flaubert, xuất bản trước sách A Na Kha Lệ Ninh chừng 20 năm ) là không biết nói dối hay lừa đảo, cho nên cảm giác một sự khinh bỉ sâu đậm về những ai kết tội mình say mê ngọai tình, nhân danh đạo đức, luân lý. Trước tiên là chồng mình, hiện thân hòan hảo của thế giới ông sinh sống, nghĩa là chú tâm đến vẽ ngòai hơn là đau buồn vì vợ phản bội. Bi kịch của người đàn bà thông minh, nhạy cảm và quyến rũ này, không phải là đã ngã gục vì say mê dày xéo bá tước Vronsky cảm ứng, mà là đã hy sinh mọi điều cho Vronsky: bà ta, đời sống làm vợ, đời sống làm mẹ. Cuối cùng, Vronski chán ngán, tìm lại những lạc thú cuộc sống quí tộc, thượng lưu. Trong sự cô độc không dò được, Anna không còn có thể ra mắt mọi người bên cạnh Vronski nữa, Anna chỉ còn vỏ khí duy nhất là lòng ghen tuông nhục nhã để làm sống lại những hơi thở cuối cùng của cuộc tình duyên tuyệt vọng. Nhưng đòi hỏi uổng công, vì Anna đã “ một đàn bà sa ngã, ngã quỵ rồi’.
( Irvine , Nam Ca Li – Hoa Kỳ , ngày 1 tháng 12 năm 2012 )
Source http://khoahocnet.com/2012/12/04/gs-ton-that-trinh-cau-chuyen-tinh-yeu-o-xa-hoi-thuong-luu-nga-the-ky-thu-19-a-na-kha-le-ninh-anna-karenina-cua-tolstoy/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.