Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

ĐỌC BÊN THẮNG CUỘC, NGHĨ VỀ BÊN THUA CUỘC


BTC của HĐ từ lúc gần ra đời đến nay đã làm xôn xao dư luận - nói như một học giả người Mỹ trong Vietnam Studies Group (từ ĐH Washington) thì cuốn sách là một sensation. Người khen thì rất nhiều, kẻ chê cũng không ít, nhưng dù yêu dù ghét thì mọi người đều phải đồng ý một điều: đây là cuốn sách đầy đủ nhất về lịch sử VN sau năm 1975, cho dù tất nhiên vẫn rất phiến diện, như chính tác giả cũng thừa nhận và dự liệu.
Như rất nhiều người Việt khác ở trong và ngoài nước, tôi cũng háo hức tìm và đọc cuốn sách này. Vì cuốn sách rất dày, nên tôi chỉ mới lướt qua toàn bộ cuốn sách (Phần 1: Giải phóng) và đọc kỹ những phần mình quan tâm nhất, đó là những chương về cuộc sống ở SG sau năm 75, trong đó có các chương mà nhiều người khen hay như các chương Cải tạo, Đánh tư sản, Nạn kiều. Nhưng có lẽ không giống với nhiều người khác, tôi không có ấn tượng gì mấy về những chương vừa nêu. Những chi tiết trong các chương ấy đa phần tôi đã biết quá rõ và gần như có thể tự viết ra được mà chỉ dựa vào trí nhớ. Vì đó chính là một phần không bao giờ quên được của cuộc đời tôi.

Trước khi "giải phóng", tôi chỉ là một đứa trẻ con chưa đầy 15 tuổi, nhưng sau ngày 30/4/1975 tôi đã từ vai trò một đứa con thứ trong gia đình (tôi thứ ba, có cả anh trai và chị gái, nên hầu như chẳng bao giờ được giao việc gì quan trọng) bỗng trở thành một trụ cột, khi anh chị tôi đi "di tản" theo dòng người đông nghẹt leo lên những chiếc tàu để chở quân nhân Mỹ rời VN vào chiều 29/4.  Ba tôi thì làm việc với chế độ mới không được bao lâu rồi xin tự nghỉ việc vì "mất sức lao động". Ông  vốn có bệnh glaucoma (cao nhãn áp) từ trước, đến sau 30/4 thì trở nặng, phải vào Bệnh viện Bình Dân vài lần, tôi và mẹ tôi phải nuôi bệnh khá vất vả, đặc biệt là những ngày sau năm 75 thiếu thốn đủ thứ. Ra viện, ba tôi có đi làm thêm ít lâu nhưng đi làm về rất căng thẳng, hay kêu nhức đầu (từ trước 1975 ông đã bị "thiên đầu thống" tức là đau nửa bên đầu) rồi cuối cùng làm đơn xin nghỉ việc.

Lúc ấy, việc tự động xin nghỉ việc của ba tôi đã làm cho mẹ tôi có chút ít oán trách, vì không phải ai cũng được chế độ mới lưu dụng - thậm chí có thể nói là "trọng dụng" như ba tôi: ông là một công chức hành chính rất giỏi của chế độ cũ, tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành chính của VNCH, trước năm 75 làm việc tại Sở Thuế Quận 5 với chức vụ gì đó khá cao, nhưng sau năm 75 sau mấy ngày đi học tập (3 ngày?), ông vẫn được làm việc với chế độ mới. Tôi còn nhớ ông làm tại Phòng Thu Quốc Doanh thuộc Sở Thuế TP HCM với trụ sở đặt trên đường Đồng Khởi, chuyên phụ trách mảng thu thuế của các công ty sản xuất của tư nhân mới được chế độ mới tiếp quản; lúc ấy tôi còn đến đó một vài lần để đưa giấy tờ gì đó trong thời gian ba tôi nằm bệnh viện. Tôi vẫn nhớ trước khi ông quyết định nghỉ thì ba mẹ tôi có tranh cãi với nhau khá nhiều về điều đó, và mẹ tôi cố khuyên ông cố gắng đi làm vì con cái (lúc ấy là tôi) cần có lý lịch "cha (mẹ) làm việc cho nhà nước" để thi đại học, nhưng cuối cùng ông vẫn nghỉ và tôi đã đi thi đại học với cái lý lịch "mẹ buôn bán nhỏ, cha trước 1975 làm việc cho chế độ cũ, sau 1975 đi làm tại ..., đến năm 1977 nghỉ việc vì mất sức lao động."

Mãi đến sau này, khi tôi quyết định nghỉ việc khỏi cơ quan cũ (cũng chính là trường đại học mà tôi đã thi vào, đậu, là sinh viên rồi sau đó được giữ lại làm giảng viên đến mấy chục năm) như một hành động phản đối (dù chỉ lặng lẽ và không nói ra cho ai biết), tôi mới nhớ lại hành động nghỉ việc của ba tôi hồi ấy, và tự hỏi, phải chăng ông đã quyết định nghỉ vì không thể chịu nổi những chính sách vô lý, vô nhân của chính quyền mới mà lúc bấy giờ ông phải cam tâm làm người thực hiện, và thậm chí phải đóng vai người tham mưu? Câu hỏi này không ai có thể trả lời cho tôi được, vì cũng như nhiều người thuộc bên thua cuộc còn ở lại VN sau năm 75, ông đã ra đi mang theo tất cả những suy nghĩ của ông về chế độ mới và thời đại mới xuống tuyền đài mà không kịp chia sẻ cho ai.
Cũng vì rút hồ sơ để nghỉ việc nên tôi mới có dịp nhìn thấy trên tờ khai lý lịch đi thi đại học của tôi đã được cán bộ tuyển sinh năm ấy ghi chú ở trên là "con ngụy quyền". Chẳng rõ dòng chữ ấy trên lý lịch có làm ảnh hưởng gì đến "sự nghiệp chính trị" của tôi không, chỉ biết sau khi ở lại trường thì tôi luôn bị lẹt đẹt, chậm chạp hơn những bạn bè cũng lứa trong việc xét biên chế chính thức, xét tăng lương, xét cử đi học, vv. Nhưng cũng chẳng hiểu tại sao tôi chưa bao giờ thắc mắc về những điều ấy cả, mà luôn chấp nhận đương nhiên bị đối xử tệ hơn, "vì mình là con ngụy, lý lịch lại xấu, anh chị đi di tản, định cư ở Mỹ" mà. Tôi luôn nghĩ như tôi mà được đi học, lại có việc làm trong nhà nước (thay vì phải đi buôn bán ở chợ như nhiều người khác cùng lý lịch), thì dù có bị kỳ thị đôi chút (!), lẹt đẹt đôi chút, cũng là đương nhiên, và thực ra là may mắn lắm rồi!

Nói thẳng thừng ra, thì chúng tôi còn sống sót đã là may, vì chúng tôi là bên thua cuộc!
Vâng, suốt mấy chục năm đó từ ngày 30/4/1975, ở phía bên thua cuộc là tôi và gia đình tôi, rồi các chú, các bác, cô dì cậu mợ và con cháu của họ hàng tôi và sau này là gia đình ông xã tôi - vốn là một TNXP, đi theo lời kêu gọi của ông VVK để tìm cách gột rửa lý lịch như HĐ đã viết trong chương về thanh niên xung phong - có biết bao nhiêu là bi kịch đã xảy ra. Bà con tôi, bạn bè tôi và hàng xóm tôi có rất nhiều người phải đi học tập cải tạo, có người trốn trại cải tạo bị bắn chết, có người đi vượt biên bị bắt, khi công an còng tay đã nhảy xuống biển chết, có người đi vượt biên bị mất tích cả gia đình, có người bị đánh tư sản, tịch thu nhà cửa, mất toàn bộ gia sản nên phát điên, suốt ngày đi lang thang, nói năng lảm nhảm.  Ông xã tôi sau khi đi TNXP được ít lâu bị đưa sang Campuchia khi đang chiến tranh thảm khốc, khi ba chồng tôi bị bệnh mất thì ông xin phép về chịu tang cha rồi bỏ đi vượt biên luôn nhưng không thành, bị cắt hộ khẩu, cũng đã có lúc phải lê la ở chợ trời buôn bán thuốc tây.
Tôi và đứa em kế cũng đã từng được cha mẹ cho làm đơn đi "bán chính thức", đóng tiền mỗi người cả chục cây vàng (chả biết do ai mách bảo, dẫn mối), nhưng vừa mới đi đến Vũng Tàu (giả dạng làm khách du lịch) thì được báo là "động, không xuống ghe được" nên lại về chờ. Rồi ngay sau đó là vụ rồi chìm tàu ở SG (không rõ có phải là vụ Cát Lái trong sách của HĐ không?), vụ này tôi cũng biết rõ, vì lúc ấy ở khu Ông Tạ, Xứ An Lạc có nguyên cả một HTX đan len gồm mấy chục gia đình với cả trăm nhân mạng cùng đi và mắc nạn trong chuyến đi định mệnh ấy. Các xác chết được nhận về, đem về Nghĩa trang Chí Hòa (bây giờ là Công viên Lê Thị Riêng) "người nào người nấy đã trương lên, to như con bò", tôi nghe mấy đứa hàng xóm kể như vậy khi chúng rủ nhau lên nghĩa trang để xem, chúng rủ cả tôi nhưng tôi sợ ma, không dám đi.  Khăn tang trắng cả một xóm, rất thê lương. Chính vì vụ này mà ba tôi ngừng hẳn không còn bao giờ dám nghĩ đến chuyện cho con cái đi vượt biên nữa, nên tôi vẫn còn ở VN đến tận bây giờ.
Sau này, mỗi khi có dịp nghĩ đến những sự kiện đã xảy ra, thỉnh thoảng tôi vẫn tự hỏi, những nạn nhân xấu số của bên thua cuộc ấy đã nghĩ gì, và cảm nhận những gì, trong những phút giây đau đớn cuối đời?
Nhưng rồi thì người ta cũng phải quên đi để mà sống. Trong số bạn bè có lý lịch thuộc "phía bên kia" giống tôi (có lẽ phải khá hơn tôi một chút, vì ngoài việc thuộc về phe thua cuộc thì tôi còn là Bắc di cư, Công giáo,  cha ngụy quyền, anh chị di tản), cũng có những người sau này vào Đảng, nắm giữ những chức vụ quan trọng. Nhiều người cố gắng học hành để đi làm cho công ty nước ngoài khi VN bắt đầu mở cửa, lương bổng tử tế, cuộc sống khá ung dung. Một số không nhỏ đi định cư ở nước ngoài theo diện HO của cha sau khi đi cải tạo về, hoặc lấy chồng, lấy vợ là con của những người HO và sau đó được bảo lãnh để đoàn tụ gia đình. Mọi việc rồi cũng nguôi ngoai, cuộc sống cứ tiếp diễn, bạn bè, đồng nghiệp, sui gia có nhiều người thuộc phe chiến thắng, là Đảng viên ĐCS ... Tưởng như cuộc chiến đã hoàn toàn qua đi, sự chia rẽ giữa những người Việt thực sự đã không còn... Mà cũng chẳng ai muốn nhớ đến hoặc nhắc đến những ngày tháng đen tối ấy để làm gì. Chỉ giữ ở trong lòng, vì nó là một phần cuộc đời mình, thế thôi.

Không ai trong chúng tôi lại có thể ngờ có ngày những ký ức và sự kiện lịch sử ấy lại được một người từ bên thắng cuộc viết ra. Những dòng chữ trong cuốn sách của HĐ được tác giả viết bằng giọng văn rất bình thản, khách quan, chẳng thấm vào đâu so với những ký ức đầy cảm xúc của chúng tôi, những người đã thực sự phải trải nghiệm những thí nghiệm của một chế độ mới đối với những người anh em thua cuộc của họ. Nhưng cũng chính vì giọng văn bình thản đó mà những sự vô lý đến không thể tưởng tượng và không thể tin được của những chính sách sau ngày "giải phóng" mới càng lộ rõ. Những thông tin trong cuốn sách không làm tôi xúc động - vì chăc chắn các chi tiết mà tôi có thể kể ra từ kinh nghiệm cá nhân còn lâm ly và kỳ bí hơn nhiều - mà chỉ làm cho tôi thắc mắc, không biết đến bao giờ thì những người anh em thắng cuộc mới thực sự hiểu  đầy đủ những người thua cuộc, và ý thức rõ những điều phi nghĩa, phi nhân mà họ đã làm đối với những người anh em kém may mắn của họ?
Nếu bên thắng cuộc không chịu thực tình tìm hiểu và không chân thành nhận lỗi, thì sẽ không bao giờ có sự hòa giải thực sự.

Để tồn tại, những người thua cuộc đã phải chấp nhận - dù muốn dù không - từ đó đến nay, đã cố nguôi ngoai để quên đi và chung sống, nên chắc chắn họ không cần sự hòa giải này. Giờ đây, những người thực sự cần hòa giải phải là bên thắng cuộc chứ không bao giờ là bên thua cuộc nữa. Bên thắng cuộc chỉ có một cơ hội duy nhất để có thể dễ dàng có được sự hòa giải thôi, đó là có sự độ lượng và công bằng đối với bên thua cuộc ngay khi họ vừa chiến thắng.
Vì khi đối xử bất công, và thực hiện chính sách trả thù với bên thua cuộc, lại trong suốt một thời gian dài như vậy, thì bên thắng cuộc đã cho phép bên thua cuộc tự giải thoát khỏi nỗi đau thua cuộc của mình bằng sự khẳng định chắc chắn rằng phe thắng cuộc chẳng qua thắng được  là vì họ tàn ác hơn. Nỗi đau thua cuộc đã được gột rửa bằng niềm tự hào rằng chính mình mới là người có chính nghĩa.
Và tôi tự hỏi, liệu ai sẽ là người đầu tiên viết lên những trang sử VN đương đại từ cái nhìn phía của những người thua cuộc đây?
VTPA

***

Vì sao tôi viết?


Không ai có thể đi đến tương lai một cách vững chắc nếu không hiểu trung thực về quá khứ, nhất là một quá khứ mà chúng ta can dự và có phần cộng đồng trách nhiệm.
Cuốn sách này bắt đầu bằng những câu chuyện xảy ra trong ngày 30-4-1975. Ngày mà tôi, một cậu bé mười ba, trước giờ học chiều, đang vật nhau ven đồi thì nghe loa phóng thanh truyền tin “Sài Gòn giải phóng”. Thay vì tiếp tục ăn thua, chúng tôi buông nhau ra.
Miền Nam, theo như những bài học của chúng tôi, sẽ chấm dứt “20 năm rên xiết lầm than”. Trong cái thời khắc lịch sử ấy, trong đầu tôi, một sản phẩm của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, xuất hiện ý nghĩ: Phải nhanh chóng vào Nam để giáo dục các bạn thiếu niên lầm đường lạc lối.
Nhưng, hình ảnh miền Nam đến với tôi trước cả khi tôi có cơ hội rời làng quê nghèo đói của mình. Trên quốc lộ Một bắt đầu xuất hiện những chiếc xe khách hiệu Phi Long thỉnh thoảng tấp lại bên những làng xóm xác xơ. Một anh chàng tóc ngang vai, quần loe, nhảy xuống đỡ khách rồi đu ngoài cánh cửa gần như chỉ trong một giây trước khi chiếc xe rú ga vọt đi. Hàng chục năm sau, tôi vẫn nhớ hai chữ “chạy suốt” bay bướm, sặc sỡ sơn hai bên thành xe. Cho tới lúc ấy thứ tiếng Việt khổ lớn mà chúng tôi nhìn thấy chỉ là những chữ in hoa cứng rắn viết trên những băng khẩu hiệu kêu gọi xây dựng chủ nghĩa xã hội và đánh Mỹ.
Những gì được đưa ra từ những chiếc xe đò Phi Long thoạt đầu thật giản đơn: Mấy chiếc xe đạp bóng lộn xếp trên nóc xe; Cặp nhẫn vàng chóe trên ngón tay một người làng tập kết vừa về Nam thăm quê ra; Con búp bê nhựa – biết nhắm mắt khi nằm ngửa và có thể khóc oe oe – buộc trên ba lô của một anh bộ đội phục viên may mắn.
Những cuốn sách của Mai Thảo, Duyên Anh… được các anh bộ đội giấu dưới đáy ba lô đã giúp bọn trẻ chúng tôi biết một thế giới văn chương gần gũi hơn Rừng Thẳm Tuyết Dày[1], Thép Đã Tôi Thế Đấy[2]… Những chiếc máy Akai, radio cassettes, được những người hàng xóm tập kết mang ra, giúp chúng tôi biết những người lính xa nhà, đêm tiền đồn còn nhớ mẹ, nhớ em, chứ không chỉ có “đêm Trường Sơn nhớ Bác”. Có một miền Nam không giống như miền Nam trong sách giáo khoa của chúng tôi.
Tôi vẫn ở lại miền Bắc, chứng kiến thanh niên quê tôi đắp đập, đào kinh trong những năm “cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”. Chứng kiến khát vọng “thay trời, đổi đất sắp đặt lại giang san” của những người vừa chiến thắng trong cuộc chiến ở miền Nam… Chứng kiến cũng những con kênh đó không những vô dụng với chủ nghĩa xã hội mà còn gây úng lụt quê tôi mỗi mùa mưa tới.
Năm 1983, tôi có một năm huấn luyện ở Sài Gòn trước khi được đưa tới Campuchia làm chuyên gia quân sự. Trong một năm ấy, hai cô em gái của Trần Ngọc Phong[3], một người bạn học chung ở trường sỹ quan, hàng tuần mang tới cho tôi bốn, năm cuốn sách. Tôi bắt đầu biết đến rạp chiếu bóng, Nhạc viện và sân khấu ca nhạc. Cho dù, đã kiệt quệ sau 8 năm “giải phóng”, Sài Gòn với tôi vẫn là một “nền văn minh”. Những năm ấy, góc phố nào cũng có mấy bác xích lô, vừa mỏi mòn đợi khách vừa kín đáo đọc sách. Họ mới ở trong các trại cải tạo trở về. Tôi bắt đầu tìm hiểu Sài Gòn từ câu chuyện của những bác xích lô quen như vậy…
Mùa Hè năm 1997, một nhóm phóng viên vì nhiều lý do phải rời khỏi tờ báo Tuổi Trẻ như Đoàn Khắc Xuyên, Đặng Tâm Chánh, Đỗ Trung Quân, Huỳnh Thanh Diệu, Nguyễn Tuấn Khanh, Huy Đức… Chúng tôi thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ và trao đổi với các đồng nghiệp như Thúy Nga, Minh Hiền, Thế Thanh, Cam Ly, Phan Xuân Loan… Thế Thanh lúc ấy cũng vừa bị buộc thôi chức Tổng biên tập báo Phụ Nữ Thành Phố, và cũng như Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Kim Hạnh trước đó, chị không được tiếp tục nghề báo mà mình yêu thích.
Chúng tôi nói rất nhiều về thế sự, về những gì xảy ra trên thế giới và ở đất nước mình. Một hôm ở nhà Đỗ Trung Quân, nhà báo Tuấn Khanh, người vừa gặp rắc rối sau một bài báo khen ngợi ca sỹ bị coi là chống cộng Khánh Ly, buột miệng nói với tôi: “Anh phải viết lại những gì diễn ra ở đất nước này, đấy là lịch sử”. Gần như không mấy ai để ý đến câu nói đó của Tuấn Khanh nhưng tôi thì cứ bị nó đeo bám. Tôi tiếp tục công việc thu thập tư liệu với một quyết tâm cụ thể hơn: Tái hiện giai đoạn lịch sử đầy bi kịch của Việt Nam sau năm 1975 trong một cuốn sách.
Rất nhiều thế hệ, kể cả con em của những người đã từng phục vụ trong chế độ Việt Nam Cộng hòa, sau ngày 30-4-1975, cũng trở thành sản phẩm của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, nhiều người không biết một cách chắc chắn điều gì đã thực sự xảy ra thậm chí với ngay chính cha mẹ mình.
Không chỉ thường dân, cho đến đầu thập niên 1980s, nhiều chính sách làm thay đổi số phận của hàng triệu sinh linh như “Phương án II”[4], như “Z 30”[5] cũng chỉ được quyết định bởi một vài cá nhân, nhiều người là ủy viên Bộ chính trị cũng không được biết. Nội bộ người Việt Nam đã có nhiều đụng độ, tranh cãi không cần thiết vì chỉ có thể tiếp cận với lịch sử qua những thông tin được cung cấp bởi nhà trường và bộ máy tuyên truyền. Không chỉ các thường dân, tôi tin, những người cộng sản có lương tri cũng sẽ đón nhận sự thật một cách có trách nhiệm.
Cuốn sách của tôi bắt đầu từ ngày 30-4-1975. Ngày nhiều người tin là miền Bắc đã giải phóng miền Nam. Nhiều người thận trọng nhìn lại suốt hơn ba mươi năm, giật mình với cảm giác bên được giải phóng hóa ra lại là miền Bắc. Hãy để cho các nhà kinh tế chính trị học và các nhà xã hội học nghiên cứu kỹ hơn hiện tượng lịch sử này. Cuốn sách của tôi, đơn giản chỉ bắt đầu kể những gì đã xảy ra ở Sài Gòn, ở Việt Nam sau ngày 30-4: cải tạo; đánh tư sản; đổi tiền… Cuốn sách của tôi cũng nói về hai cuộc chiến tranh cuối thập niên 1970s, một với Khmer Đỏ và một với người Trung Quốc. Cuốn sách của tôi cũng nói về làn sóng vượt biên sau năm 1975, nói về sự “đồng khởi” của nông dân, của các tiểu chủ, tiểu thương để dành lấy cái quyền được tự lo lấy cơm ăn áo mặc.
Tư liệu cho cuốn sách được thu thập trong hơn hai mươi năm và trong vòng ba năm (từ tháng 8-2009 đến tháng 8-2012) tôi đã dành toàn bộ thời gian của mình để viết. Bản thảo cuốn sách đã được gửi tới một số thân hữu và một số nhà sử học, trong đó có 5 nhà sử học hàng đầu của Mỹ chuyên nghiên cứu về Việt Nam. Sau khi sửa chữa, bổ sung, tháng 11-2012, bản thảo hoàn chỉnh đã được gửi đến một số nhà xuất bản trong nước, tuy nhiên, nó đã bị từ chối. Cho dù một số nhà xuất bản tiếng Việt có uy tín tại Mỹ và Pháp đồng ý in, như để lãnh trách nhiệm cá nhân và giữ cho cuốn sách một vị trí khách quan, tác giả quyết định tự mình đưa cuốn sách này đến tay bạn đọc.
Đây là công trình của một nhà báo mong mỏi đi tìm sự thật. Tuy tác giả có những cơ hội quý giá để tiếp cận với các nhân chứng và những thông tin quan trọng, cuốn sách chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót, chắc chắn sẽ còn được bổ sung khi một số tài liệu được Hà Nội công bố. Hy vọng, bạn đọc sẽ giúp tôi hoàn thiện nó trong những lần xuất bản sau. Lịch sử cần được biết như nó đã từng xảy ra và sự thật là một con đường đòi hỏi chúng ta không bao giờ bỏ cuộc.
Sài Gòn – Boston (2009-2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.