Một thân hữu yêu cầu giải thích thật gọn về ý nghĩa, hình thức, cách dùng của tục ngữ, thành ngữ, ca dao, cách ngôn, châm ngôn, phương ngôn, điển tích,.. Vậy xin ngắn gọn:
Ca dao hay phong dao: câu hát dân gian, phần nhiều bằng thể lục-bát, điệu khúc không nhất định, mang ý nghĩa tả cảnh, tả tình, răn đời, kinh nghiệm về đời sống, nghề nghiệp hoặc có tính cách phong tục.
Thí dụ:
Ai về em gửi bức tranh,
Tô con chim sáo đậu nhành lan chi.
Ai làm nên bước phân ly,
Cám công mưa nắng người đi kẻ về.
Cách ngôn: (cách: phép tắc, khuôn mẫu; ngôn: lời nói) lời nói ngắn gọn, ý nghĩa có tính cách đạo đức, dùng làm mẫu mực để hướng dẫn hay phê phán hành vi con người.
Thí dụ:
. Rau nào sâu nấy.
. Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng.
Châm ngôn: (châm: răn dạy) như cách ngôn, nhưng thường có vần điệu, dùng để khuyên bảo.
Thí dụ:
. Ăn trông nồi, ngồi trông hướng.
. Học ăn, học nói, học gói, học mở.
Điển cố: (điển: sách xưa; cố: cũ) phép tắc cổ điển, nặng về nhận định.
Thí dụ:
. Tăng Sâm giết người.
. Lưu Bị mượn Kinh Châu.
Điển tích: (tích: chuyện cũ); lấy chuyện xưa làm gương mẫu, thường dùng làm cách nói.
Thí dụ:
Quạt nồng ấp lạnh; Mạnh Tông khóc măng (trong Nhị thập tứ hiếu).
Phương ngôn, phương ngữ: (phương: một vùng) cách ngôn của một địa phương.
Thí dụ:
. Giặc bên Ngô, đô Trà lũ.
. Khôn sống mống chết.
Thành ngữ: (thành: làm thành) nhóm chữ chưa tròn câu, được dùng để diễn tả sự việc, ý niệm hay trạng thái một cách gọn gàng và mạnh mẽ.
Thí dụ:
. Trắng như bông bưởi; đen như cột nhà cháy,..
. Đứng mũi chịu sào
. Nói toạc móng heo.
. Oan gia trong ngõ hẹp.
Tục ngữ: (tục: thói quen; ngữ: lời nói) câu nói ngắn gọn, tóm tắt kinh nghiệm của người đời, hoặc quan niệm luân lý, được lưu truyền rộng rãi, dùng trong giao tế xã hội.
Thí dụ:
. Có khế ế chanh.
. Ở quen thói, nói quen sáo.
. Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp.
(nhn)
Source Internet.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.