Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013

NGÀY XUÂN “NÓI THƠ” MIỀN NAM



Ngày Tết trong Nam ngoài hát “hội ca cầm”, còn có thú vui nói thơ.
Nếu ngâm thơ ngoài Bắc có nhiều cách: sa mạc, bồng mạc, ngâm Kiều, lẩy Kiều, ngâm theo hát ru, hát nói, thì miền Nam có nói thơ theo lối Vân Tiên, Sáu Trọng,..
Nói thơ trong Nam cũng giống như ngâm thơ ngoài bắc, nhưng ngân nga ngắn hơn, dù vẫn lên bổng xuống trầm.
Thang âm nói thơ miền Nam là Do Mi-b Fa Sol La. Nếu câu thơ kết bằng dấu huyền thì về Do, kết bằng không dấu thì về Fa.
Gọi là “nói thơ” vì đây là lối diễn xướng, hát kể, so với “nói” thì “có ca có kệ”, so với “hát” thì ngân nga chưa đủ, so với “đọc” thì lại có phần diễn xuất đi kèm.
Nói thơ Bạc Liêu mang màu sắc dân ca trữ tình, với làn điệu êm nhẹ.
Nói thơ Vân Tiên gằn mạnh hơn, dù không ồn ào nhức tai như hát bội, hay lắp láy ư ử, không xen đều đều những tiếng “a” hay “nga” sau từng chữ như đọc truyện Tàu, không lặp lại vài tiếng hay cả câu ở “khổ trước” như hò; không gấp rút như nói vè, không thúc giục như hò lô tô… Nói thơ Vân Tiên điềm tĩnh, chắc từng tiếng một.
Nói thơ Vân Tiên là cách diễn xướng truyện thơ Lục Vân Tiên, dài 2082 câu của Nguyễn Đình Chiểu, in năm 1865, có tính cách vừa giải khuây vừa giáo dục quần chúng.  Vân Tiên là nhân vật chính trong truyện thơ “Lục Vân Tiên”.
Nói thơ Vân Tiên thoạt đầu chỉ dùng để kể truyện thơ Lục Vân Tiên, sau có thể dùng như một điệu để “nói” thơ khác.
Vân (à ạ) Tiên (ơ) khó nỗi làm thinh,
Chữ ân buộc với chữ tình một khi…
Nói thơ Sáu Trọng gần với điệu hát thờ của Phật giáo Hoà hảo. Sáu Trọng là nhân vật chính trong truyện thơ Sáu Trọng.
Khác với truyện thơ Lục Vân Tiên rất phổ thông, truyện thơ Sáu Trọng gần như thất truyền, tác giả khuyết danh, được in thành sách năm 1905, tái bản lần thứ sáu năm 1916, mặc dù bị Pháp cấm.
Theo bản in năm 1916 của nhà in Bảo Tồn, truyện thơ Sáu Trọng dài 672 câu lục bát, và bức thơ Sáu Trọng gửi cho bà con cô bác, thư thứ nhất dài 34 câu, thư thứ hai dài 62 câu.
Lời thơ trong truyện mộc mạc, có nhiều chỗ sai vần.
Truyện thơ kể lại cuộc đời Sáu Trọng (Lê Văn Trọng).
Mở đầu, truyện giới-thiệu sơ qua về nhân-vật Sáu Trọng:
          Kỷ vì thọ pháp tân trào,
          Người nay lại nghĩa khác nào thuở xưa
          Du nhàn thành-thị sớm trưa
          Có chàng Sáu Trọng tuổi vừa mười lăm.
          Mới mười lăm tuổi, Sáu Trọng đã lên Sài-gòn làm ăn, được mấy năm có chút tiền bạc rủng-rỉnh, về Mỹ-tho thăm mẹ, gặp một cô gái quê đảm-đang là cô hai Đẩu:
          Bỏ đi tính đã mấy năm
          Nay mới trở về thăm viếng mẫu thân
          Có con hai Đẩu ở gần
          Thường đi buôn bán tảo-tần lân-la
          Thấy chàng ăn nói thật thà
          Hỏi thăm: "Anh có vợ nhà hay chưa?"
          Rồi hai bên phải lòng nhau, thề-thốt:
          Đẩu thề: chứng có cao xanh
          Nguyện cùng thiên địa lấy anh trọn đời.
          Sáu Trọng cưới cô Hai Đẩu, mang lên Sài-gòn:
          Ở đây nhiều nỗi thẹn-thuồng
          Mướn xe đồ-đạc chở luôn Bến-thành. 
Sáu Trọng trước làm bồi Tây, sau ham tiền bỏ đi nấu bếp cho  một chiếc tàu của người Anh, lương cao hơn. Hai Đẩu ở nhà cô đơn, kết bạn với Tám Lịch.
Sáu Trọng nổi ghen định giết Tám Lịch, nhưng sau sợ tội lại thôi, chỉ dằn vặt trả thù vợ.
Hai Đẩu không sống được với chồng, bỏ về quê sống với cha mẹ. Tình-cờ, Hai Đẩu gặp một viên ký-lục người Pháp, bên tham tiền, bên tham sắc, Hai Đẩu theo Berbord xuống Trà-vinh:
          Vợ chồng giàu-có vỉnh-vi
          Khiển hư Hai Đẩu, nàng thì lấy trai
          Trai tham sắc gái tham tài
          Vàng đeo cả đống đụng ai không chừa.
          Sáu Trọng hay tin, giận bầm gan tím ruột, về Mỹ-tho đốt nhà cha mẹ vợ rồi xuống ghe đi thẳng xuống Trà-vinh định hành hung vợ cũ.
Hai đàng giáp mặt nhau, tình-cờ Berbord về tới, rút súng định bắn Sáu Trọng. Sáu Trọng phanh ngực ra thách bắn:
          Ký-lục nghe nói ngẩn-ngơ
          Cầm cây súng sáu muốn giơ bắn chàng
          Trọng rằng: "Tôi thật vô can
          Ngực đây thầy bắn cho an một bề
          Tôi đây quyết một không về
          Cam tâm chịu bắn, mỗ thì "ba bơ".
          Ba bơ là pas peur (không sợ). Viên ký-lục không dám bắn, nhưng vu cho Sáu Trọng tội vào nhà ăn trộm chai rượu:
          Đạp bàn đá ghế té nhào
          Lấy chai rượu chát mà phao cho chàng
          "Phẹt mê la pót" vội-vàng
          Kêu lính bắt chàng đem bỏ đề-lao.
          Phẹt-mê la pót là fermer la porte (đóng cửa). Trọng bị kêu án 3 tháng tù ở. Mãn hạn, Sáu Trọng mò xuống Trà Vinh, dùng mác phanh thây vợ cũ, xong tới bót nộp mình:
          Tôi đà giết vợ Be-bo
          Phân thây nơi miếng bằng nay gia hình
          Trọng chịu án tử-hình, không xin ân-xá:
          Trọng còn nói tiếng Lang-sa
          Quan trên dạy chém tôi mà cám ơn
          Tử sanh lòng mỗ chi sờn
          Nào tôi có chịu kêu oan làm gì.
          Lang-sa, hay Phú-lang-sa là France (nước Pháp)…
          Truyện thơ Sáu Trọng đưa ra mẫu người ngang tàng, dám làm dám chịu, không trốn tránh pháp luật, sẵn sàng hành động quá khích miễn đã nư giận và thỏa thù riêng, thích hợp với tâm lý quần chúng thời khai phá nên rất nổi tiếng, không kém truyện thơ thầy thông Chánh…
Cách nói thơ thầy Thông Chánh cũng giống như nói thơ Sáu Trọng, chỉ khác về nội dung.
Truyện thầy Thông Chánh là chuyện thật. Thầy thông Chánh làm thông dịch viên cho tòa án Trà Vinh, biện-lý người Pháp là Jaboin say mê vợ thầy. Để bảo-vệ hạnh-phúc gia-đình, thầy đã nhiều lần xin đổi đi thật xa, nhưng thầy đổi tới đâu, Jaboin lục-tục xin đổi theo tới đó. Ve-vãn vợ thầy không được, Jaboin cưỡng-ép cô Ba, con gái thứ của thầy, là một thiếu-nữ rất đẹp (sau được hãng xà-bông xin ảnh cô, in nổi trong khung trắng của tờ giấy bọc). Thầy thông phẫn-uất bắn chết Jaboin ngay giữa lễ quốc-khánh của Pháp (14.7.1893), xong toan quay súng toan tự-tử, nhưng bị hiến-binh giật mất súng.
Tại ty cảnh-sát Pháp, bị tra-tấn cách nào, thầy thông Chánh cũng nhất-định không hé răng nửa lời dù khai hay nhận tội. Tòa đại-hình Sài-gòn buộc lòng phải giải thầy ra Huế cho triều-đình Việt-nam xét-xử.
Trước mặt vua, thầy quì khai hết đầu đuôi tự sự. Vua không nỡ làm tội, trả lại cho Tây.
Tây giải thầy sang Pháp, rồi từ Pháp điệu về Sài-gòn, từ Sài-gòn lại dẫn xuống Trà-vinh, cuối cùng kêu án tử-hình. Bài vè kể chuyện thầy thông Chánh dài tới 346 câu, phổ-biến rất rộng đến nỗi Pháp phải ra lệnh cấm. Các câu đầu là:
          Nhựt-trình Vĩnh-ký đặt ra
          Chép làm một bổn để mà coi chơi
          Trà-vinh nhiều kẻ kỳ tài
          Có thầy thông Chánh thiệt người lớn gan...
Nhựt-trình Vĩnh-ký tức Gia-Định Báo, tờ báo quốc-ngữ đầu-tiên do Pháp xuất-bản năm 1865, sau giao cho Trương Vĩnh Ký làm chủ-bút (1869), cùng các bỉnh bút Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Tôn Thọ Tường…
Nhìn chung, nói thơ miền Nam nghiêng về giáo dục hơn là vui chơi, dù là trong dịp tết cổ truyền, dù là nói thơ Bạc Liêu, nói thơ Vân Tiên, nói thơ Sáu Trọng hay thầy Thông Chánh.
Nói thơ thì lúc nào cũng được, không cứ gì Tết, nhưng vào dịp tết nhất cổ truyền, nhà cầm quyền Pháp thường phải nới lỏng hơn bằng cách làm ngơ để dân chúng vui chơi, nhưng cho lính kín theo dõi để lập danh sách thành phần chống đối.
Những người yêu nước cũng biết vậy, nhưng mượn dịp đó để tuyên truyền, gây ý thức trong quần chúng, chấp nhận một cái giá phải trả, cốt sao truyền được tiếng lòng.
Ngày nay, sau khi chiếm được quyền cai trị, với thành tích thối nát tham nhũng, bán đất bán biển cho ngoại bang, nhà nước CSVN đã trở thành đối tượng bị chống đối, thỉnh thoảng trong dân gian cũng có những bài vè cán bộ, vè thủ tướng, nhưng chưa rầm rộ thành phong trào như tiếng nói nghiêm nghị của dân gian một thời quá vãng.
Tuy nhiên với cùng một mục đích, đã có tân nhạc thay thế như các bài "Việt Nam tôi đâu", "Anh là ai", "Đồng chí nói",.. Hình thức tuy thay đổi, nhưng nội dung vẫn là tiếng nói của nhân dân trong thời đại bị áp bức.
(nhn) 

Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.