Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

SƠ LƯỢC VỀ NHẬT BẢN VÀ TRUNG HOA



    Nhật Bản gần như là “khắc tinh” của Trung hoa trên con đường phát triển. Trung hoa từng có hai cơ hội bứt phá quan trọng, nhưng đều vì Nhật Bản mà “đứt gánh giữa đường”.
Hình ảnh vẽ lại về cuộc chiến trên biển giữa Trung - Nhật.

Xin giới thiệu bài viết của Mã Dũng, nhà nghiên cứu lịch sử cận đại (Viện Khoa học xã hội Trungcộng) đăng trên Hoàn cầu Thời báo và Tân Hoa xã:
Đây đang là lần thứ ba Trung hoa khởi động tiến trình hiện đại hóa. Trải qua 34 năm cải cách mở cửa, đất nước đông dân nhất thế giới đang bước vào một giai đoạn then chốt.
Dư luận đang đặt ra câu hỏi, liệu Trung cộng có “mất cả chì lẫn chài” lần nữa và tiến trình hiện đại hóa lần thứ 3 này có bị người Nhật chặn đứng hay không?
Tơi tả trong chiến tranh Thanh - Nhật
Năm 1861, sau khi trải qua hai cuộc chiến tranh nha phiến khốc liệt, cuối cùng Trung hoa đã tỉnh ngộ và bắt đầu học tập phương Tây, lịch sử Trung Quốc gọi đó là “phong trào Dương Vụ” hoặc “Đồng Quang trung hưng” (Đồng Quang: chỉ hai đời hoàng đế thứ 10 Đồng Trị và hoàng đế thứ 11 Quang Tự thời nhà Thanh).
Vài năm sau đó, kinh tế Trung hoa đã có sự thay đổi rõ rệt, nền tảng công nghiệp và giai cấp tư sản Trung hoa mới nổi từng bước trưởng thành, thể chế chính trị, đặc biệt là hệ thống luật pháp sau một thời gian điều chỉnh dần dần hội nhập với thế giới. Việc xây dựng một đất nước Trung hoa hoàn toàn mới có địa vị bình đẳng với các nước trên thế giới không phải là chuyện quá xa vời.
Chiến tranh Thanh - Nhật là cuộc chiến tranh giữa triều đình Mãn Thanh của Trung hoa và Nhật Bản diễn ra từ 1-8-1894 đến 17-4-1895. Cuộc chiến tranh này đã trở thành biểu tượng về sự suy yếu của nhà Thanh và chứng tỏ sự thành công của quá trình hiện đại hóa do công cuộc Minh Trị Duy Tân ở Nhật Bản mang lại so với phong trào Dương Vụ ở Trung hoa.
Tuy nhiên, trong lúc Trung hoa đang tiến bước theo lộ trình đã hoạch định, giai cấp sĩ đại phu, giới quân sự diều hâu bắt đầu có tư tưởng tự mãn, khinh địch.
Trung hoa đã thay đổi những chính sách bí mật đã định khi phong trào Dương Vụ tiến hành được 33 năm, vì tương lai của Triều Tiên mà khai chiến với Nhật Bản qua cuộc chiến tranh Thanh Nhật (hay còn gọi là chiến tranh Giáp Ngọ ).
Chỉ trong vòng mấy tháng ngắn ngủi, quân đội nhà Thanh đã bị đánh tơi tả,huyền thoại “Đồng Quang trung hưng” một đi không trở lại.
Sự thảm bại của hạm đội Bắc Dương đã khiến người Trung Quốc phải nén đau thương để suy nghĩ và tỉnh ngộ, và rất nhiều người cho rằng, đó là do quan điểm “Trung thể Tây dụng” (học lấy những tri thức hữu dụng của phương Tây, nhưng vẫn giữ lấy những giá trị bản thể cốt lõi của Trung Quốc) gây tai họa.
Và thế là, năm 1895, Trung Quốc đã thay đổi toàn bộ chiến lược đã phát triển mấy chục năm, hướng về phương Đông, bắt chước Nhật Bản và bước vào “thời kỳ Duy Tân”.
Sau đó, Duy Tân, Tân Chính, Quân Hiến, quân chủ lập hiến rồi lại Quân Hiến... tất cả đều đi theo vết xe của Nhật Bản.
Tàu chiến của hải quân Trung hoa trước đây.
Trượt dốc vì hung hăng
Hạm đội Bắc Dương là một trong bốn hạm đội tối tân  nhất của hải quân Trung hoa vào cuối thời nhà Thanh. Hạm đội này nhận được sự hậu thuẫn lớn từ Lý Hồng Chương, Tổng đốc Trực Lệ. Hạm đội Bắc Dương thống trị châu Á trước khi chiến tranh Trung Nhật lần thứ nhất xảy ra. Cuối những năm 1880, hạm đội Bắc Dương được coi là “mạnh nhất châu Á” và “mạnh thứ 8 thế giới”.
Cho đến nay, lịch sử vẫn chưa thể phán đoán sự chuyển hướng của Trung hoa năm 1895 là tốt hay xấu.
Tuy nhiên, hầu hết các học giả Trung hoa vẫn phải thừa nhận rằng, việc quốc gia này chấm dứt phong trào Dương Vụ là đáng tiếc.
Giả sử năm 1894, Trung hoa không vì tương lai của Triều Tiên mà khai chiến với Nhật Bản, giả dụ lúc đó Trung hoa nghe theo lý do phản đối chiến tranh của các đại thần nhà Thanh như Lý Hồng Chương, Tôn Dục Văn, nghe ý kiến đánh giá của các chính trị gia quốc tế về quan hệ Trung - Nhật, tìm mọi cách để né tránh chiến tranh, tiếp tục con đường “Trung thể Tây dụng” thì 20 năm sau đó, Trung hoa sẽ thế nào?
Khi mới bắt đầu phong trào Dương Vụ, Trung hoa chỉ học hỏi và phát triển khoa học kỹ thuật; 10 năm sau đó tập trung phát triển kinh tế đối ngoại, mở rộng đầu tư, chấp nhận các công ước quốc tế; 10 năm tiếp nữa, Trung hoa thảo luận tính khả thi của phong trào cải cách chính trị... Nếu đi theo lộ trình đó, e rằng Trung hoa sẽ không tụt hậu quá xa so với thế giới.
Tuy nhiên, lịch sử quá đỗi vô tình. Sau chiến tranh Thanh – Nhật, mọi thứ đều trở về con số không. Trung hoa lại trải qua 30 năm sóng gió, năm 1928 tái thiết thống nhất và bước vào công cuộc xây dựng hiện đại hóa mới.
Nếu đánh giá trong vòng 1 thập kỷ (1928 – 1937) là giai đoạn “hoàng kim” để Trung hoa phát triển chủ nghĩa tư bản có thể là hơi quá, nhưng đích thực đây là giai đoạn rất có tiềm năng để Trung hoa tiến hành hiện đại hóa.
Chiến tranh Trung Nhật, Chiến tranh Thế giới thứ hai đã làm thay đổi cục diện thế giới và thay đổi đất nước Trung hoa.
Khác với cuộc chiến Thanh – Nhật trên biển năm xưa, hầu hết học giả Trung hoa cho rằng, chiến tranh chống Nhật của Trung hoa là “không thể tránh khỏi”, nhưng cho dù thế nào thì đó cũng là lần thứ hai Nhật Bản chặn đứng tiến trình hiện đại hóa của Trung hoa, khiến “thời kỳ hoàng kim” của chủ nghĩa tư bản Trung hoa tan thành mây khói.
14 năm dài chờ đợi, 8 năm khổ chiến chống chọi, tiến trình hiện đại hóa mà Trung hoa phải trả giá rất đắt bằng sức người, sức của đã biến thành con số không tròn trĩnh.
Kỳ hạm Matsushima, tàu do Đô đốc Sukeyuki Ito chỉ huy trong trận hải chiến Hoàng hải 1894.
'Mồi lửa' chiến tranh
Hiện tại, Trung cộng lại bắt đầu bước vào thời kỳ phát triển then chốt. 34 năm cải cách mở cửa đã khiến Trung cộng có quyền được nói “không” nếu muốn.
Những tranh chấp về lãnh thổ trên vùng quần đảo mà Trung cộng gọi là Điếu Ngư và Nhật Bản gọi là Senkaku cùng mồi lửa chiến tranh có thể bùng phát bất cứ lúc nào đã khiến người Trung cộng thực sự phẫn nộ.
Mặc dù những năm tháng nghèo đói bần cùng đó đã trở thành quá khứ đối với người Trung hoa, nhưng hai lần Nhật Bản đập tan giấc mơ hiện đại hóa của quốc gia tỉ dân này là bài học khiến Trung hoa mãi mãi không thể quên.
Ngày nay, sự lớn mạnh đã khiến Trung cộng có nhiều không gian lựa chọn chiến lược hơn. Tuy nhiên, làm thế nào để không phải trả giá quá đắt, để những tranh chấp trên vùng quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) không thể trở thành tảng đá chặn đứng bước tiến của Trung cộng đang là một bài toán vô cùng đau đầu cho chính quyền Bắc Kinh, đồng thời cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn Trung Hoa.
Sự phát triển của kinh tế Trung cộng trong vòng 34 năm qua đã khiến nội bộ Trung cộng nảy sinh ra hàng loạt vấn đề, nhiều học giả Trung cộng cho rằng nguyên nhân quan trọng khiến Nhật Bản “gây gổ” với Trung cộng là họ tin rằng: Nếu tiếp tục cho Trung cộng 20 năm hòa bình nữa, hàng loạt vấn đề nảy sinh trong nội bộ đất nước Trung cộng sẽ được giải quyết một cách ổn thỏa.
Đến lúc đó, Nhật Bản không thể sánh với Trung cộng về tổng GDP mà còn để mất đi thế mạnh vượt trội so với Trung cộng đã duy trì hơn một thế kỷ qua.
Giả dụ Trung cộng sẵn sàng khai hỏa đối đầu, kể cả giành chiến thắng trong cuộc chiến này, nhưng tiến trình hiện đại hóa lần thứ ba của Trung cộng rất có thể sẽ bị chặn đứng, mọi vấn đề đang tồn tại trong nội bộ xã hội Trung cộng không những không được giải quyết mà có thể sẽ bị kéo dài một cách vô thời hạn.
Trần Quỳnh Hương
(Theo Hoàn cầu thời báo)

Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.