Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

Tuần này 40 năm trước

Tuần này của 40 năm trước bắt đầu bằng các cuộc di tản tràn ngập vào Sài Gòn và thị xã Vũng Tàu chứ không còn ở xa. 

Quân đội thì di tản chiến thuật, dân thì tị nạn. 

Họ chạy từ khắp nơi, từ Tây Nguyên, từ miền Trung kéo về với những tin đồn: «Từ vĩ tuyến 13 đến vĩ tuyến 17 sẽ là vùng trái độn, vùng trung lập». Đài BBC liên tục tiên đoán thời gian các tỉnh sẽ rơi vào tay quân giải phóng; thật tai hại vì người dân và các sĩ quan trong quân đội đã quá tin vào BBC cho nên khi nghe tiên đoán là bỏ quân sĩ mà đem vợ con chạy... và cuối cùng thì tiên đoán trúng phóc, đến nỗi Tổng thống Thiệu trong bài diễn văn từ chức đã cho rằng việc mất một phần lãnh thổ là do lỗi của đài BBC Luân Đôn. 

Ngày từ chức, ông Thiệu tỏ ra mất bình tĩnh và căm hận chính sách của Mỹ nhiều. Ông nói huỵch toẹt ra tất cả những bí mật trong diễn tiến hoà đàm Paris, về định nghĩa thế nào là quân ngoại nhập và nặng nề nhất vẫn là về việc Mỹ cắt giảm viện trợ quân sự. Khi Phó tổng thống Trần Văn Hương đã nhận chức Tổng thống, ông Thiệu vẫn cay đắng, chạy lên cầm micro nói tiếp: «Ông Kissinger bảo là vì tôi còn tại vị nên ngưng viện trợ, vậy thì bây giờ tôi từ chức để xem Mỹ có viện trợ tiếp hay không!!!» 

Và ông cũng cam kết ở lại Việt Nam trong tư thế một ông tướng tiếp tục chiến đấu. Tiếc rằng, chỉ vài ngày sau đó, ông đã kín đáo được hộ tống lên máy bay nhỏ, cùng gia đình qua Đài Loan để không bao giờ còn cơ hội trở lại. 

Cũng trong tuần này, Cựu Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ trong quân phục và lon thiếu tướng cùng Linh mục Trần Hữu Thanh tuyên bố ở lại chiến đấu đến cùng. Ông Kỳ cho là đã quen ăn mắm tôm, sẽ không ra đi. Số dân chúng từ các nơi chạy về Vũng Tàu không còn kiểm soát nổi, binh sĩ chạy tứ tán và không tìm được cấp chỉ huy. 

Phủ Tổng ủy Công vụ nhận được yêu cầu của trung tâm huấn luyện cán bộ quốc gia Vũng Tàu tăng cường nhân lực để thực hiện công tác cứu trợ. Nhìn quanh quẩn không lấy đâu ra người, đại tá Quách Đình Hà liên hệ trường Quốc gia Hành chính (QGHC) xin người. 

Lúc ấy thì các sinh viên thực tập ở Đà Lạt chạy về cũng đông và trường chưa biết phải đối phó ra sao, do đó Giáo sư Viện trưởng chỉ thị tôi thay mặt, đi cùng một trung tá của Phủ Tổng ủy Công vụ đem một số sinh viên thực tập ra Vũng Tàu... Ngày hôm ấy, xe vừa tới địa phận Biên Hoà thì Dinh Độc Lập bị thả bom (người thực hiện phi vụ đó hình như là Nguyễn Thành Trung)! 

Chúng tôi vẫn tiếp tục đi Vũng Tàu, bàn giao anh em cho đại tá Bé 
(tác giả bộ sách rất giá trị Những ý tưởng trên đường xây dựng quê hương) chỉ huy trưởng trung tâm. Được đại tá  mời ở lại ăn bữa cơm trưa, nghe lóm một vài tin, tôi cho rằng nơi đây là đơn vị cuối vẫn giữ được kỷ luật. 

Trên đường về đến Thủ Đức thì lệnh cấm xe hơi vào thành phố, chỉ trừ xe quân đội mới được chạy, chúng tôi đành bỏ xe, lội bộ rồi thuê Honda ôm về nhà. Hoang mang cực kỳ... 

Ngày 26/4, Giáo sư Viện trưởng ra lệnh các giáo sư, sinh viên tập họp để làm danh sách di tản chi đó( tôi thì theo vào họp với GS Nguyễn Ngọc Huy nên không rõ nội dung.)

Nhưng cũng lúc ấy, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy lại yêu cầu sinh viên và giáo sư gặp ông tại một giảng đường khác để nghe ông nói chuyện. Mà ở trường này, tuy Giáo sư Viện trưởng giữ chức vụ cao nhất nhưng hầu hết giáo sư và sinh viên lại có cảm tình và kính nể đặc biệt đối với Giáo sư Huy. Vì thế mà phía bên Giáo sư Viện trưởng, số sinh viên, giáo sư tụ tập chẳng bao nhiêu, nhưng phòng Giáo sư Huy thì lại chật cứng! 

Giáo sư Huy cho rằng bỏ chạy là vô lý, sẽ chỉ đạp lên nhau mà chết... Hãy ở lại chiến đấu! Đại úy Nguyễn Tầm, Trưởng lớp Đốc sự 21 cũng lên cho biết là tình hình không đáng ngại, còn khả năng chiến đấu, anh Nguyễn Tầm là đại úy thuộc phòng 7 TTM trước khi vào trường, lại là trưởng lớp, anh em sinh viên lại càng thêm tin tưởng. Nhìn qua lớp đàn em, Đốc sự 22 lại có một thiếu tá quân cảnh, một thiếu tá hạm phó Chiến hạm Cam Ranh, anh Nguyễn Ban, cũng cương quyết ở lại. Anh em hăng hái tô biểu ngữ dán khắp nơi: Nên hoà hay chiến, hội nghị Diên Hồng... chẳng còn ai nghĩ đến chuyện lập danh sách ra đi. 

Nhưng với cương vị sinh viên thực tập của trường, ngồi kiểm điểm thì thật là thê thảm. Trường có 3 lớp, mỗi lớp chỉ có khoảng 15 quan võ nhưng chưa hẳn đã cầm súng, cộng thêm mỗi lớp có 5 anh Võ bị Đà Lạt thuộc diện thương phế binh như lớp tôi, Đốc sự 21 có 5 anh khoá 19, trong đó có thiếu tá Lê Trường Hậu, Tiểu đoàn phó Thủy quân lục chiến thì gãy một chân, đại úy Phan Văm Nhậm Đại đội trưởng TQLC bị mất một mắt, đại úy Hạnh thì bị sang máu nhiều sau một lần trọng thương, người lúc ửng hồng, lúc xanh lét! Ba lớp cộng lại chưa được 60 mạng, mà đa số toàn quan to, các giáo sư của trường và sinh viên thuần túy thì cả đời chưa sờ đến súng. Quân số đã thế, vũ khí lại càng thê thảm hơn vì cả trường có đúng 3 khẩu carbine M1 mà đạn thì cũng chưa bao giờ nhìn thấy vì cả lũ chúng tôi dù là quan to hay học trò vào trường thì cũng biến thành "nhân dân tự vệ", có bao giờ phải cầm đến súng! 

Vì thế mà các biểu ngữ «hoà, chiến» chỉ dán la liệt, chứ bảo là tổ chức chiến đấu thì cho dù có thêm vài ông tướng 2, 3 sao ra đấy cũng chịu chết. 

Trong lúc ấy thì Tổng thống Hương cũng chẳng biết phảilàm sao để chiến đấu tử thủ, đại tướng Cao Văn Viên ra đi chẳng bàn giao, tướng Vĩnh Lộc lên thay, đọc một bài diễn văn đầy tinh thần trách nhiệm, lên án đại tướng Viên đào ngũ để rồi khi tiếng của tướng Vĩnh Lộc vẫn oang oang trên đài phát thanh thì ông và ca sĩ Minh Hiếu đã ngồi trên Đệ thất Hạm đội. 

Tổng thống Hương vẫn biết là ông chỉ nhận chức vụ theo danh nghĩa vì đã già quá, việc lãnh đạo phải tìm người để giao phó. Ông có 2 chọn lựa là tướng Kỳ và tướng Dương Văn Minh. Áp lực quốc tế và các đoàn thể chính trị ngả theo tướng Minh nhiều hơn. Đa số cho rằng tướng Minh đã có đường giải quyết theo hướng hoà hợp, hoà giải dân tộc, nhưng Tổng thống Hương không tin tưởng lắm vì tướng Minh quả thật không trình bày được một đường lối nào cả. Đây là vài đoạn phát biểu trước Quốc hội Lưỡng viện mà tôi cho rằng rất trẻ con trong lúc đất nước nguy vong: 

Lời Tổng thống Hương: «Tôi là tổng thống mà không lẽ lại đi tìm đến nhà đại tướng, do đó, chúng tôi đã gặp nhau tại nhà một người bạn chung (có lẽ là nhà cụ Nguyễn V Huyền, Chủ tịch Thượng viện) và tôi đã mời đại tướng đảm nhiệm chức vụ thủ tướng. Nhưng đại tướng Minh lại nói với tôi rằng: «Thày đã hy sinh nhiều rồi, bây giờ thì thày nên hy sinh nốt chức vụ Tổng thống, giao cho tôi để cứu nước». 

Chính vì lời tường thuật này của Tổng thống Hương mà Quốc hội Lưỡng viện đã ủng hộ Tổng thống Hương tiếp tục lãnh đạo để rồi vài ngày sau, khi tình thế không còn cứu vãn nổi, Quốc hội Lưỡng viện lại biểu quyết với đa số, vượt hiến pháp để Tổng thống Hương trao quyền cho đại tướng Minh (vì theo hiến pháp, nếu Tổng thống Hương không đủ sức lãnh đạo thì phải trao quyền cho Chủ tịch Hạ viện chứ không phải muốn trao cho ai thì trao). 

Ngày 29.4.1975 

Thủ đô Sài Gòn đã thực sự loạn lạc, tiếng súng nhỏ chưa có nhưng âm thanh của hoả tiễn 130 ly, đại bác và những người bị trúng đạn đã có, hoả tiễn xuyên thủng một hệ thống nước thải chung cho cả thành phố, hệ thống này do Mỹ xây dựng và ngày họ thực hiện, mọi người vẫn đồn đại là dùng để chuyển quân vì nó kiên cố, vuông vức, rộng lớn và kéo dài khắp nơi. Những người bị thương được anh em nhảy dù băng bó, người chết thì chẳng được ai đem đi, chỉ được che mặt bằng giấy và vải... Phi trường Tân Sơn Nhất bị tê liệt vì đạn pháo kích. Ngoài những người tìm đường di tản, cũng có nhiều người lo chạy đi hôi của và khiêng gạo vì Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Hảo đã biết lo xa cho dân, cứ vài góc đường lại có một xe vận tải chở đầy gạo để sẵn. Trên radio và TV, thông báo, quyết định được đọc đi đọc lại, Bộ trưởng Vũ Văn Mẫu phổ biến yêu cầu cơ quan DAO (Defense Attached Office) của Hoa Kỳ phải ra khỏi Việt Nam trong vòng 48 giờ. Xen vào giữa những thông báo là một bài hát hình như của hướng đạo được sửa lại lời, tôi chỉ còn nhớ vài câu đầu: 

«Đừng chạy Bắc, đừng chạy Nam cũng đừng chạy Tây làm gì. 
Chúng ta là, chúng ta là Việt Nam thuần túy. 
Cùng sinh ra, cùng mẹ cha... 
...cùng ngồi hiệp thương...» 

Nghe bài ca là cả một sự thê thảm! 

Ra đi và ở lại 

Tôi nhớ là trước ngày ông Thiệu từ chức, người Mỹ có kế hoạch di tản cho các nhân viên phục vụ cho Mỹ. Toà đại sứ của họ tràn ngập người muốn di tản. Đã từng làm việc cho họ trước kia, tôi cũng đến và rồi cũng chen chân vào được. 

Sau khi xòe đủ các giấy tờ cần thiết, một nhân viên Tòa Đại sứ bảo: 

«Tụi tao chỉ lo cho các gia đình những người mà mạng sống của họ bị đe dọa và đang làm cho tụi tao thôi, mày hết làm từ 1971 lại đang là công chức chính phủ Việt Nam nên không làm thủ tục được.» 

«Thế thì mày nghĩ rằng những năm tháng làm cho chúng mày không nguy hiểm cho tao à... 525 quân báo Hoa Kỳ, 173 nhảy dù HoaKỳ, bộ Việt Cộng nó để yên à?» 

«Thôi được, làm thủ tục như mọi người thì không được, nhưng tao có thể giải quyết cho mày ở đây rồi đi luôn vì mày mà ra khỏi Tòa Đại sứ thì khó mà vào trở lại!» 

«Vợ con tao thì sao?” 

“Không biết, tụi tao chỉ lo cho mày...” 

Tôi ra khỏi Tòa Đại sứ sau đó, từ chối một ân huệ của một đám chủ bạc bẽo. 

Trong đời, tôi đã làm nhiều việc có vẻ đúng lúc này nhưng lại sai lúc khác và ngược lại, nên thường tự an ủi theo lối tái ông thất mã, nhờ sai nên lại may mắn nhờ cái sai ấy. Học hành khá nhưng lại chỉ thích làm lính, chẳng thích làm quan, tôi tình nguyện vào làm lính. Khi Hoa Kỳ làm giấy lo thủ tục cho qua Hoa Kỳ học khóa sĩ quan OCS năm 69, tôi cũng bỏ thủ tục nửa chừng. Năm 72 lại được QĐ Việt nam cho qua Mỹ học về kỹ thuật để rồi đến ngày đi may quần áo xuất ngoại thì tôi cũng xin hủy bỏ để thi vào QGHC. Chẳng bao giờ cương quyết một điều gì lo cho công danh, sự nghiệp cả! 

Chiều 29/4, anh tôi lái xe về với một thùng tiền - là tiền mà mẹ tôi bán căn nhà từ năm ngoái rồi gửi ở ngân hàng nơi anh tôi làm giám đốc - và khuyên tôi một lần cuối: «Phải ra đi, vì ở lại quá nguy hiểm». Địa điểm lên tàu anh tôi đã cho, cùng với cách tự giới thiệu để học cho lên; nói chung là anh tôi vẫn chu đáo lo lắng cho các em... Mẹ tôi cũng khuyên, vì thế mà tôi đem cả vợ con hướng bến Bạch Đằng. Tàu anh tôi bảo đến là một chiếc tàu sắt khá to, dân chúng đứng chen chúc ngoài bến nhưng không lên được vì một trung tá TQLC đứng ngay cầu tàu với M16. Được dặn trước, tôi và vợ con lên tàu dễ dàng. Vào trong tàu rồi, nhìn xuống lòng tàu thì thấy toàn là bao gạo, thì ra tàu này đang chuẩn bị chở gạo đi đâu đó và được trưng dụng cho các quan chức di tản. 

Lúc ấy khoảng 4 giờ chiều, tiếng hoả tiễn 130 ly thỉnh thoảng vẫn gây rợn người, mặc dù đã biết chắc là nếu còn nghe được tiếng đạn thì có nghĩa là đạn đã rơi vào nơi khác. 

Nhìn lên bầu trời Sài Gòn... thương quá đất nước này. 

Nghĩ về tương lai xứ người, tôi thấy cũng chẳng đáng lo, làm việc với người Mỹ từ 19 tuổi, tôi biết là kiếm ăn ở nước người không khó, muốn chết đói cũng không dễ. 

Nhưng... 

Đất nước này, Việt Nam yêu dấu này sẽ chấm dứt chiến tranh nay mai thôi, cơ hội đóng góp cho quê hương lúc thanh bình mà mình ấp ủ từ bao năm nay, đây là cơ hội để mang sức thanh niên ra đóng góp thì sao lại bỏ đi? Còn tính về tội, kiểm điểm lại, trong suốt cuộc chiến, tôi chưa hề có cơ hội dùng M16 bắn thẳng vào đối phương, có chăng là chửi nhau qua lại mà tôi là người ngồi trên trực thăng Mỹ thời gian 1969, hai bên là 2 giàn loa, mỗi giàn 25 cái loa sắt mở những bài hát chiêu hồi như "Từ đó em buồn", tôi thích bài này lắm nên mở cho hát đi hát lại trong những đêm phụ trách chương trình MEDCAP của 173 nhảy dù HK (Medical Civic Action Program) tại các LZ (Loading Zone) của Mỹ vùng tam biên, trực thăng bay lên, cứ mỗi tối, chỉ riêng tôi cũng ném xuống rừng hàng ngàn cái radio bé tí để người Mỹ hy vọng quân nhân phe kia nhặt được và mở ra nghe chương trình phát thanh chiêu hồi, người Mỹ còn cẩn thận gói ghém thêm cả pin dự trữ nếu pin trong máy bị hết! Ngược lại, cứ mỗi hoàng hôn tại vùng tam biên này, chúng tôi cũng co cụm lại trên đồi, bảo vệ mình và đồng đội và mìn định hướng, thỉnh thoảng các "người anh em" cũng dùng loa giấy chửi vọng lên, nhìn vào ống kính, họ cũng chỉ là những người dân, bắn xuống nhầm là lại sinh chuyện, thôi thì mặc kệ, họ chửi mình lúc này, lúc khác mình chửi to hơn... hòa và công bằng. 

Vì thế mà tôi đã ngồi yên trên tàu rồi mà cứ nghĩ vẩn vơ và cuối cùng thì bắt vợ con xuống tàu! 

Đang cãi nhau với vợ vì vợ nhất định đi thì anh tôi lên tàu. 

Anh em nói chuyện, thôi thì tôi ở lại cũng phải vì ở nhà chỉ còn bà mẹ và mấy đứa em gái, một thằng em trai bệnh tật và một thằng em nhất định tử thủ, gọi về cũng không chịu về ở trường sĩ quan cảnh sát Thủ Đức, chẳng biết nó sẽ ra sao! 

Anh tôi còn căn dặn, khuyên lấy xe hơi của anh mà đi, lại còn dặn trong xe có cả súng, cần thì dùng vì lúc ấy tình hình an ninh không còn ai lo, cảnh sát biến mất hết và cả thành phố do anh em nhảy dù gìn giữ trong khi anh em biệt động quân tan hàng và cướp phá khá nhiều khi họ cần phương tiện (tại bệnh viện Nguyẽn V Học, họ dùng súng bắn khóa các xe Honda và lái đi mà chẳng ai dám ngăn cản). 

Tôi cũng chẳng cần dùng xe hơi, bỏ luôn nó ở bến Bạch Đằng, dùng Honda chở vợ con trở về trong sự ngạc nhiên, khóc lóc của mẹ tôi và tiếng cằn nhằn của bà vợ. 

Đêm 29, thủ đô chỉ còn tiếng trực thăng di tản của Mỹ và tiếng đạn bắn lên trời của nhiều anh em quân nhân uất ức vì bị bỏ rơi, pha vào đấy là những tiếng bom đạn từ xa dội về... 

6 giờ sáng 30.4.1975 

Anh LTN, một đại úy biệt động quân gọi cửa khẩn cấp. 

Anh đến để kéo chúng tôi đi vì tìm ra một nơi có tàu, hoàn toàn không mất tiền vì đều quen biết cả, tôi vẫn từ chối, anh bực lắm nhưng cũng cho tôi một kỳ hạn, trước 9 giờ sáng tại một garage ở đường Mạc Đĩnh Chi. Tôi gặp anh Nhật lần ấy là lần cuối cho mãi đến 1989 mới gặp lại ở Cali. Anh đã trở thành một nhạc sĩ. 

7 giờ sáng, đài phát thanh phát đi lệnh gọi quân nhân các cấp trình diện để chiến đấu tại biệt khu thủ đô, ý thức được trách nhiệm, tôi cũng phóng Honda đến nhưng chẳng thấy ai phụ trách tiếp nhận, đành lái xe trở về nhà... Hình ảnh một quân nhân nhảy dù lấy băng cứu thương để cấp cứu cho một em bé mặt be bét máu vì đạn pháo kích trước cổng nhà thờ Tân Định cũng là hình ảnh cuối tôi thấy ở một quân nhân QLVNCH lúc còn cầm súng. 

Toà đại sứ Mỹ đã thực hiện xong các phi vụ di tản cuối cùng. 

Giờ thứ 25 cho một thành phố, thủ đô của một quốc gia tự do đã bắt đầu. 

Khoảng hơn 9 giờ, một thông báo từ đài phát thanh kêu gọi dân chúng đón chờ thông điệp của Tổng thống Dương Văn Minh. 

Khoảng 10 giờ, thông báo được phát đi, tiếng thu rất rè... Tổng thống Minh yêu cầu quân đội hai bên ai ở yên đó để xúc tiến thủ tục bàn giao trong vòng trật tự... Tất nhiên là chẳng ai ngồi yên cả, mỗi người ở mỗi vị thế có những hành động khác nhau... 

Ngoài đường Võ Tánh, ngã tư Phú Nhuận (Hoàng Văn Thụ), các quân nhân QLVNCH bắt đầu trút bỏ quân phục. 

Gia đình tôi thì khóa cửa thật chặt đề phòng cướp bóc. 

Đến khoảng một giờ trưa thì hàng xóm kháo nhau âm ĩ. Quân đội giải phóng miền Nam đã đến! 

Tôi mở cửa ra đường để xem. 

Trên các molotova, bộ đội trẻ quá, nhiều người chắc chỉ 16 tuổi, mà sao lại ăn mặc sạch sẽ như vừa thay quần áo... Ôi, non choẹt thế mà đánh nhau được à? Về sau này mới biết, đó chỉ là những anh em được tuyển chọn để vào tiếp quản thành phố, còn các anh em chiến đấu thứ thật thì vãn còn đang lo giải quyết các nút chặn cuối cùng. 

Những ai đã được xem qua TV cảnh quân đội Mỹ tiến vào Iraq sẽ nhận ra một điểm khác biệt: những quân nhân Hoa Kỳ lúc tiến vào Baghdad rất căng thẳng, còn khi các molotova tiến vào Sài Gòn, nhìn mặt bộ đội trông rất vui vẻ và ngây ngô. 

Còn phản ứng của dân chúng cũng y hệt nhau và tôi khinh miệt thái độ chạy theo chiều gió của rất nhiều người, có lẽ chỉ có lúc Ngô Đình Diệm truất phế Bảo Đại mới có những phản ứng trật tự, ôn hoà. Qua đến cuộc lật đổ Tổng thống Diệm rồi ngày 30/4, cả hai chẳng khác gì ngày dân chúng ủng hộ Tổng thống Saddam Hussein và ngày Mỹ tiến vào Iraq! Những thành phần hèn hạ chạy theo thời cuộc, bán rẻ liêm sỉ ấy tại Sài Gòn ngày đó được gọi là "bọn 30 tháng Tư", chính họ đã đóng góp rất nhiều vào việc làm cho dân chúng sớm chán ghét chế độ và gây nên những làn sóng liều chết ra đi của chính quyền lãnh đạo sau này, đây cũng chính là nhận định của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong lần trả lời báo chí gần đây, ông cho rằng nếu được làm lại chắc sẽ không làm như thế, cũng như ngày kỷ niệm hôm nay tại Việt Nam vẫn có triệu người buồn. 

Thế hệ tiếp nối chắc chắn sẽ phải là thế hệ giải quyết được mâu thuẫn này bằng cách xóa đi được khác biệt chính kiến, tôn trọng tự do dân chủ và lãnh đạo bằng luật pháp.


Minh Trinh

Source FB.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.