Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Tản Mạn về Dòng Họ Đỗ Việt Nam

BS. Đỗ Văn Hội

Lịch sử Việt Nam có từ 5000 năm. Trước đó lâu đời đã có những truyền thuyết, nay dần dần được sáng tỏ qua những khám phá di tích gần đây. Rất nhiều dòng họ tồn tại và phát triển trong lịch sử dân tộc như Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Phạm, Nguyễn, Trịnh, Trương, Bùi, Đặng, Đoàn, Đỗ, Phan, Tôn Thất, Võ, Vũ, Hồ, Hoàng, Mạc, Dương, v.v… Dù xuất xứ như thế nào, tất cả đã vun bồi lịch sử đất nước và văn hóa Việt Nam trong nhiều ngàn năm, sản sinh nhiều nhân tài để chúng ta có quyền hãnh diện. Đó cũng chứng minh vì sao dân tộc Việt Nam vẫn giữ được nền độc lập trước bao phen bị ngoại bang dày xéo, nhất là từ phương Bắc cả ngàn năm.
Là một người mang họ Đỗ lại viết về dòng họ của mình có thể bị cho là chủ quan. Tuy nhiên, tự hào về dòng họ, nhận là hậu duệ của một họ lâu đời trong lịch sử Việt Nam, đó cũng là lý do tại sao tác giả đã tìm tòi, nghiên cứu và viết tản mạn về dòng họ Đỗ hầu cống hiến quý vị độc giả thưởng lãm và góp ý kiến, nhất là những người cùng mang dòng họ Đỗ.

Chúng tôi mong quý độc giả bỏ qua những sơ xuất trong bài viết ngắn ngủi này. Cũng xin thưa cùng các tác giả của tài liệu sách báo mà chúng tôi trich dẫn ở đây, vì khó khăn ngăn cách địa dư không thể liên lạc để xin phép, xin quý vị lượng thứ. HVĐ.
***
350px-distribution_of_vietnamese_family_namesTheo thống kê đăng trong website: Các Dòng Họ Việt Nam, dân số những người mang họ Đỗ được xếp hạng thứ 10 sau các dòng họ Nguyễn, Trần, Lê, Phạm, Hoàng (Huỳnh), Phan, Vũ (Võ), Đặng, Bùi.
Về nguồn gốc, họ Đỗ được xếp vào một trong những dòng họ lâu đời nhất tại Việt Nam . Theo những chứng tích mới tìm thấy, họ Đỗ đã có mặt trên 5000 năm lịch sử lập quốc.

Họ Đỗ Việt Nam được phân biệt với họ Đỗ bên Tàu. Chưa có tin tức chính xác nào cho thấy có sự liên hệ giữa họ Đỗ Việt Nam nguyên thủy bắt nguồn từ họ Đỗ bên Trung Hoa ngoại trừ  một số tài liệu cho biết vào thời nhà Ngô, cha ông Đỗ Cảnh Thạc có gốc gác từ Trung Quốc. Nhưng theo tài liệu của Cụ Phùng Khắc Khoan thì chi tiết của tài liệu này khác xa với những gì Cụ Khoan đã tìm thấy qua gia phả họ Đỗ.
 
  Bên cạnh họ Đỗ, họ Đậu cũng được coi như cùng dòng với nhau, nhưng không rõ vì sao họ Đỗ lại được đổi thành Đậu. Theo một giả thuyết thì ở miền Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa, người dân thường phát âm chữ “đỗ” với giọng rất nặng, do đó “đỗ” thành “độ”, lâu ngày thành “Đậu”.. Cũng vậy, ngoài Bắc thường gọi tên một loại hột ngũ cốc là đỗ, trong khi miền trong gọi là “đậu”; “thi đỗ” đựợc gọi là “thi đậu” cũng cùng lý do phát âm.

Về chứng liệu, hiện nay tại Việt Nam có nhiều sách báo, trang mạng toàn cầu chuyên thông tin về dòng họ  Đỗ Việt Nam như: www.hodovietnam.vn  vàwww.hodovietnam.net . Ngoài ra còn rất nhiều bài tham khảo, nghiên cứu về dòng họ đăng rải rác trong các sách báo, mạng toàn cầu, blogs..
 
Gần đây, trong nước có phát hành sách “Họ Đỗ Việt Nam tập I và tập II” sưu tầm lịch sử dòng Họ Đỗ, tuy chưa đầy đủ những cũng cung cấp nhiều tin tức giá trị mà chúng tôi trich nhiều trong bài viết này. Theo sách trên, có “khoảng 320 chi , nhánh họ Đỗ ở các làng xã (trong đó có 124 chi họ Đỗ ở vùng Nghệ - Tĩnh, Nam Thanh Hoá, gọi là Đậu ), thực tế con số này chỉ là một phần nhỏ trong tổng số các chi nhánh họ Đỗ ở khắp mọi miền tổ quốc. Qua tìm hiểu sơ bộ một số nơi cho thấy: Các chi, nhánh họ Đỗ Việt Nam ở các làng xã khắp nơi còn rất đông; chẳng hạn tỉnh Vĩnh Phúc có 150 xã, phường, thị trấn thì có tới 144 xã có người họ Đỗ định cư, trong khi hai tập sách chúng tôi  mới chỉ giới thiệu được 5 nơi . Không ít làng, xã có tới 5 - 9 chi, nhánh họ Đỗ có gốc thuỷ tổ khác nhau. Những tư liệu này cho thấy không gian sinh sống của cộng đồng cư dân họ Đỗ khá rộng lớn.”.
Trong bài ngắn này, chúng tôi xin đưa ra một số thông tin về nguồn gốc họ Đỗ trong lịch sử nước Việt cùng với một số danh nhân tên tuổi trong quá khứ. Bài sau, chúng tôi sẽ liệt kê những người mang họ Đỗ hiện nay tại Việt Nam và ở hải ngoại. Rất mong bài viết này sẽ tạo cơ hội cho những người họ Đỗ hải ngoại tìm lại gần  nhau.

Những Người mang họ Đỗ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam
Các cuộc nghiên cứu trong nước gần đây cho thấy họ Đỗ đã bắt nguồn rất lâu đời trong lịch sử dựng nước (*).
Theo các tài liệu này, người Việt họ Đỗ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam được biết là cụ bàĐỗ Ngoạn, tức công chúa Đoan Trang, thường được gọi là cụ bà Đỗ Quý Thị. Chồng của cụ tên Nguyễn Minh Khiết (tức là vua Đế Minh) cách đây khoảng 5000-6,000 năm, trước thời đại đầu tiên là nước Văn Lang, trước cả vua Hùng Vương thứ nhất. Hai cụ sinh con trai tên Lộc Tục (sau này khi làm vua đổi thành Kinh Dương Vương).
Vì bất hòa với chồng, bà cụ mang con trai đi tu ở Động Tiên (huyện Lạc Thuỷ thuộc tỉnh Hoà Bình ngày nay). Bà cụ có 8 người em trai: Đỗ Xương, Đỗ Tiêu, Đỗ Kỷ, Đỗ Chương, Đỗ Dũng, Đỗ Bích, Đỗ Trọng, rất tài giỏi, hết lòng dạy dỗ cháu Lộc Tục thành tài, sau này nối ngôi cha là Đế Minh, đặt vương hiệu Kinh Dương Vương, đặt tên nước là Xích Quỷ. Mộ và miếu thờ bà cụ hiện nay vẫn còn ở Ba La, thị xã Hà Đông miền Bắc Việt Nam .
 
Các người em này của Cụ được gọi là Bát Bộ Kim Cương vì có công phò vua, chấn hưng đất nước, người đời phong cho là Thành Hoàng (bảo vệlàng, xã, đất đai…). Hiện vẫn còn mộ bia hình “Con Cóc” tại ở vùng Ba La, thị xã Hà Đông cách mộ của cụ bà Đỗ Quý Thị không xa.
Vào “đời Hùng Vương thứ Sáu có Đỗ Phụng Chân ở trang Khê Kiều, huyện Thư Trì, tỉnh Thái Bình ngày nay, đã có công đánh giặc Ân, được dân làng tôn làm Thành Hoàng.”
Thời Hùng Vương thứ 17 (Hùng Nghị Vương), “tại trang Nhân Lý, nay là làng Tiểu Quan (Châu Giang, Hưng Yên) có một gia đình họ Đỗ (Đỗ Quang) gồm 3 người con đã có công giúp nước, trong đó có một con gái.”
Đời Hùng Vương thứ 18, có nhiều nhân vật lịch sử họ Đỗ xuất hiện, như ở trang Cổ Tiết (Thái Bình) có gia đình Đỗ Công Điềm và ba con trai là Đỗ Quân Tấu , Đỗ Lục LangĐỗ Điền Khánh và con gái là Liên Nương đã có công đánh giặc, giúp nước, được suy tôn làm Thành Hoàng, hiện có miếu thờ.
Từ đầu thiên niên kỷ thứ nhất Tây Lịch, đặc biệt kể từ thời Hai Bà Trưng, các nhân vật họ Đỗ ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Một tài liệu cho biết thầy giáo của hai bà Trưng là người mang họ Đỗ (xem ở phần dưới).
Họ Đỗ, dòng Họ Hiếu Học, Đỗ Đạt Cao, 60 Tiến Sĩ trong vòng 2 thế kỷ
 
Dòng họ Đỗ Việt Nam là một dòng họ hiếu học, có nhiều người đỗ đạt cao. Theo tông phả tính từ đời thứ 5 đến đời thứ 12 thời Lê - Mạc (từ 1463 đến 1733 tức trong vòng 270 năm) dòng họ đã có 60 người đỗ đại khoa.
 
- Có 8 người đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ (2 Trạng nguyên, 2 Nhất giáp, 3 Bảng nhãn và 1 Thám hoa);  13 người đỗ Hoàng giáp và 39 người đỗ Tam giáp Tiến sĩ. Người khởi đầu giai đoạn này là Đỗ Hân, con ông Đỗ Viên Đạo, quê ở xã Cao Ly, huyện Thanh Miện, Hải Dương, thi đỗ Hoàng giáp khoa Quý Mùi (1463)’ làm quan Tả Thị Lang. Em cùng cha khác mẹ là Đỗ Nhuận (như sẽ nói ở phần dưới) ở xã Kim Hoa, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) đi thi Hội đỗ Đệ Tam Giáp Tiến Sĩ khoa Bính Tuất (1466). Đỗ Nhuận là người thông minh hiếu học, làm quan đến chức Thượng thư, thời vua Lê Thánh Tôn.
 
- Sau có 10 người nữa cũng thành đạt trong đời vua Lê Thánh Tôn, niên hiệu Hồng Đức, như Đỗ Thuần Nhân, tam giáp Tiến sĩ năm 1472; Đỗ Vinh, tam giáp Tiến sĩ năm 1475; Đỗ Toàn nhị giáp Tiến sĩ năm 1475;Đỗ Bá Linh tam giáp Tiến sĩ năm 1481; Đỗ Duy Kiểm nhị giáp tiến sĩ năm 1490;  Đỗ Công Cẩn tam giáp Tiến sĩ năm 1490; Đỗ Nhân Cươngnhị giáp Tiến sĩ năm 1493; Đỗ Toại tam giáp Tiến sĩ năm 1496; Đỗ Hoằng tam giáp Tiến sĩ năm 1496; Đỗ Túc Khang tam giáp Tiến sĩ năm 1496. Trong số 10 người này đáng chú ý là Đỗ Nhân Cương tức Đỗ Nhạc, con trai ông tổ đời thứ 6 Đỗ Viên Tể, 20 tuổi đỗ Hoàng giáp, làm quan tới chức Hộ bộ Thượng thư, Đô ngự sử, Đông Các Đại Học Sĩ Nhập Thị Kinh Diên. Con trai Đỗ Nhạc là Đỗ Tổng, đỗ Trạng nguyên khoa Kỷ Sửu nhà Mạc (1529), làm quan tới Hình bộ Tả thị lang, Đông các đại học sĩ. Đỗ Tấn, em ruột Đỗ Tổng, đỗ tam giáp Tiến sĩ năm 1535; Đỗ Trực, em Đỗ Tấn, đỗ nhị giáp Tiến sĩ năm 1580.
 
- Đời vua Lê Hiến Tông có 6 người đỗ đại khoa. Đỗ Lý Khiêm là con trai thứ tư của ông Đỗ Viên Đức, thi đỗ Trạng nguyên khoa Kỷ Mùi (1499), làm quan tới chức Đô ngự sử, Chánh sứ sang sứ nhà Minh. Đỗ Huỳnh, em Đỗ Lý Khiêm, thi đỗ Hội nguyên năm 1508. Cùng thời còn có 3 người nữa là Đỗ Bá Huân, tam giáp Tiến sĩ năm 1505, Đỗ Hoàng (Miện), tam giáp Tiến sĩ năm 1505, Đỗ Văn Trung, tam giáp Tiến sĩnăm 1505. Hai người đỗ vào đời vua Tương Dực (1514) là Đỗ Cảnh, nhị giáp Tiến sĩ, con ông tổ đời thứ 7 và Đỗ Văn Hãng, con ông tổ đời thứ 5 là Viên Phúc làm quan võ ở trong cung.
 
- Đời vua Quang Thiệu có hai người đỗ là Đỗ Văn Quýnh, con trai thứ ba tổ đời thứ 5 chi trưởng Đỗ Viên Ngạn, thi đỗ tam giáp Tiến sĩ năm 1520;Đỗ Dương, có tài văn chương nổi tiếng, thi đỗ tam giáp Tiến sĩ năm 1518. Đỗ Tam Cương, em Đỗ Dương, đỗ tam giáp Tiến sĩ đời Thống Nguyên năm 1523.
 
- Trong thời nhà Mạc có 11 người,  ngoài 3 anh em Đỗ Tổng kể trên còn 8 người khác cũng đỗ đạt cao. Đỗ Uông, con trai cả của Cụ Đỗ Viên Trinhđời thứ 7, thi đỗ Bảng nhãn (1556), làm quan tới chức Lại bộ Thượng thư.Đỗ Hiểu, con của Đỗ Hiếu, đỗ tam giáp Tiến sĩ (1574). Đỗ Uông, con ông chú là Đỗ Phi Tán, đỗ tam giáp (1544), làm quan tới chức Thượng thư, Thiếu bảo. Đỗ An, con ông tổ đời thứ 5 chi thứ là Đỗ Văn Lan, thi đỗ nhị giáp Tiến sĩ (1568).
 
- Thời Lê Trịnh, có 22 người đỗ đại khoa, một số đỗ cao như Đỗ Tất Đại, con của Đỗ Phi Tán (làm quan với nhà Mạc) đỗ đệ nhất giáp chế (1556), làm quan Đông các đại học sĩ. Em là Đỗ Tế Mỹ cũng đỗ đệ nhất giáp Chế (1565), làm quan tới chức Thượng thư. Con Đỗ Tế Mỹ là Đỗ Công Liêm đỗ tam giáp Tiến sĩ năm 1670, làm Giám sát ngự sử. Gia đình Đỗ Phi Tán đã có 4 người đỗ đạt. Một gia đình 3 cha con đều đỗ Tiến sĩ là Đỗ Văn Tổng, con Tả đô đốc Khương hầu Đỗ Viên Khang. Con trai cả Đỗ Văn Tổng là Đỗ Văn Luân 26 tuổi đỗ tam giáp Tiến sĩ năm 1659. Con trai thứ là Đỗ Công Toản đỗ tam giám Tiến sĩ năm 1683. Một nhà hai cha con đều đỗ Tiến sĩ là Đỗ Công Bật, con ông tổ đời thứ 8 là Thượng tướng đô đốc Đỗ Viên Thành.  Con trai Đỗ Công Bật là Đỗ Công Đĩnh đỗ Hội nguyên năm 1760. Đỗ Huy Kỳ đỗ Đình nguyên Thám hoa năm 1731, đi sứ nhà Thanh. Đỗ Công Trấn thi đỗ Bảng nhãn năm 1728, làm quan tới chức Thượng thư bộ Binh, Bồi tụng.
 
Ta không thể kể hết tên 60 người đã đỗ đạt cao trong bài viết ngắn này, nhưng có thể kết luận đây là một trong những dòng họ có nhiều người đỗ đại khoa nhất ở nước ta. Hoàng giáp Đỗ Thiện Chính có công lập Bản Tông phả này, ông làm quan ở Thăng Long và đã từng đi nhiều nơi để tìm hiểu về dòng họ của mình.
 
Những Danh Nhân Họ Đỗ Trong Lịch Sử Việt Nam
Trong lịch sử dựng nước và bảo vệ đất nước của dân tộc, Việt Nam có rất nhiều danh nhân mang họ Đỗ, chẳng những làm vang danh dòng họ mà còn đóng góp tích cực cho đất nước và dân tộc. Vì chưa đủ tài liệu, hoặc vì thất truyền, chúng tôi chỉ xin liệt kê ra đây một số danh nhân họ Đỗ quan trọng cùng những công lao của họ qua các tài liệu hiện có.
Về những người mang họ Đỗ trong lịch sử cận đại, mang dòng họ Đỗ nhưng có những trọng trách khác nhau trong các chế độ chính trị khác nhau hiện đang còn tranh cãi, chúng tôi sẽ chỉ nêu tên trong bài viết kỳ tới mà không đi vào chi tiết để tránh gây những chia rẽ trong dòng họ hoặc tạo những thắc mắc cho mọi người.
Sau đây là bảng sắp theo phân loại tương đối dòng họ Đỗ đã thành danh:
-  219 nhân vật lịch sử, xưa và nay.
-  132 vị Đại khoa thời trước:  5 vị bậc Tam Khôi, Trạng Nguyên , Bãng nhãn, Thám hoa; 18 Tiến sĩ Đệ Nhị Giáp; 62 Tiến sĩ Đệ Tam Giáp; 8 Phó Bảng. 
-  167 vị đỗ Trung khoa (Hương cống, Cử nhân).
-  Sứ Thần cũ có 26 vị.
-  Có 27 vị Chân tu trong các Tôn Giáo.
-  Có  62 được phong là Phúc Thần và Thành Hoàng làng (thần giữ làng).
Dưới đây là danh sách những người họ Đỗ được lưu danh trong lịch sử:
Cụ Bà Đỗ Quý Thị
Như đã nói ở trên, bà Cụ Đỗ Quý Thị là người họ Đỗ lâu đời nhất được biết trong lịch sử Việt Nam. Cụ Bà còn giữ vai trò quan trọng, là mẹ của vua Kinh Dương Vương, một trong những vị vua đầu tiên của  nước ta. Hiện nay có đền thờ ở Ba La, thị xã Hà Đông (miền Bắc Việt Nam).
Bát Bộ Kim Cương họ Đỗ gồm có 8 vị: Đỗ Xương, Đỗ Tiêu, Đỗ Kỷ, Đỗ Chương, Đỗ Dũng, Đỗ Bích, Đỗ Trọng (như đã trình bày ở trên).
Đỗ Năng Tế, thầy dạy của Hai Bà Trưng, có công rèn luyện Hai Bà (Theo “Phụ quốc Đại thần Đỗ Tế Công phu phụ Ngọc phả”).
 
 
 
 
 
 
Đền thờ Đỗ Tướng Công Đỗ Năng Tế
 
 
 
 
Dòng chữ ghi trên mộ chí: Mộ chí Tướng công Phù Trưng Vương diệt Đông Hán…
(Theo nhà giáo Lương Nghị viết trong cuốn “Chuyện kể thầy giáo và học trò thời đại Hùng Vương”, Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin xuất bản 2009, ông đã sưu tập, tìm thấy được các chứng tích liên quan tới 18 thầy liên quan tới thấy dạy học, 37 học trò trong thời đại Hùng Vương; thời Hai Bà Trưng đã tìm thấy dấu tích liên quan tới 18 thầy làm nghề dạy học và 28 học trò…Thấy Đỗ Năng Tế là 1 trong 38 thầy và Hai Bà Trưng là 2 trong 65 học trò thời Hùng Vương. Cũng theo Nhà giáo Lương Nghị, ông đã sưu tầm được thời Hùng Vương và Hai Bà Trưng có 98 ngôi trường được thành lập tại 16 địa phương từ Nghệ An trở ra…)- Trích từ “THĂM MỘ PHẦN CỦA TƯỚNG CÔNG ĐỖ NĂNG TẾ, THẦY HỌC CỦA HAI BÀ TRƯNG” của nhà văn Phạm Viết Đào.
Đỗ Cảnh Thạc (912-967), danh tướng tài giỏi thời Nhà Ngô (939-965).Theo Thần phả Đỗ tướng công, “Đỗ Cảnh Thạc sinh năm Nhâm Thìn (912), thân phụ là Đỗ Quảng Lăng, mẹ là Trần Thị Thọ, ở Đỗ Động Giang, ấp Động, nay thuộc Thanh Oai, Quảng Oai (Hà Nội). Lúc thiếu thời ông đã nổi tiếng thông minh, khôi ngô, khỏe mạnh. Năm 12 tuổi đã biết cưỡi ngựa, bắn cung, thường theo cha đi săn muông thú.”  Ông giữ chức Chỉ Huy Sứ, có nhiều công lao giúp Ngô Vương Quyền chống xâm lăng, đại phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (lần thứ nhất) năm 938. Ông đã có công phục hồi nhà Ngô bị soán ngôi, thành lập nhà Hậu Ngô. Sau này nhà Ngô tan rã, đất nước loạn lạc, ông lập sứ quân lớn mạnh nhất trong 12 sứ quân để cát cứ một phương, uy thế dũng mãnh, xưng  là Đỗ Cảnh Công, sau bị Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan.
 
Đỗ Thái Hậu: mẹ của vua Lý Cao Tông, tính tình nhân hậu, trái với Lê Thái Hậu (Lê Thị). Lê thị tư thông với quan triều đình, nắm toàn quyền bính tạo rối loạn trong triều.
 
Đỗ Nhuận (1439-?), Danh sĩ đời vua Lê Thánh Tôn, quê làng Kim Hoa, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phú. Thuở nhỏ thông minh, ham học, nhưng rất tinh nghịch. Đỗ tiến sĩ năm 1466, nổi tiếng về văn chương, được vua Lê Thánh Tôn quý mến phong làm Đông Các Đại Học Sĩ, cùng với Thân Nhân Trung giữ chức phó nguyên soái Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú (vua Lê Thánh Tôn là Nguyên Soái); làm quan tới chức Thượng Thư; cùng soạn thảo Thiên Nam Dư Tập, bài ký Văn Bia Tiến Sĩ năm 1484. (Nguồn: Tri thức Việt); Wikipedia:Đỗ Nhuận (Hậu Lê)
 
Đỗ Cận: trước tên là Đỗ Viên, sau vua Lê Thánh Tôn cho đổi thành Đỗ Cận, người xã Thống Thượng, huyện Phổ Yên (nay thuộc tỉnh Thái Nguyên). Đỗ Tiến Sĩ khoa Mậu Tuất (1478), thời vua Lê thánh Tôn, Hồng Đức thứ 9, làm quan đến chức Thượng Thư, có đi sứ sang Tàu. Ông là tác giả tập “Kim Lăng Ký” (theo Dương Quảng Hàm).
 
Đỗ Túc Khang, (1470-1534), tiến sĩ, quán tại làng Tác Vỹ, Xã Hà Vỹ, Tổng Hà Lỗ, Huyện Đông Ngàn, Đạo Kinh Bắc. Nay là Thôn Giao Tác, Xã Liên Hà, Huyện Đông Anh, Hà Nội. Cụ có 04 người em đều là những nhà trí thức lớn của Việt Nam gồm: Đỗ đại Uyên (em thứ ba), thi đỗ tiến sĩ gọi là cụ nghè Me (làng Me, Xã Hương Mạc, Huyện từ Sơn- Tỉnh Bắc Ninh). Đỗ Túc Khiêm(em thứ 4), thi đỗ Thám Hoa (trên Tiến sĩ) ở làng Mỹ Đình, Xã Phú Mỹ, Huyện Từ Liêm Hà Nội. Đỗ Danh (tức Đỗ Vinh em thứ 5), đỗ Tiến sĩ làm quan thượng thư (hiện con cháu ở thôn Tức Mạc, xã Lộc Vượng, thị xã NamĐịnh). Đỗ Viên Nghị được triều đình nhà Lê phong "Phục tướng quân, Bắc quản đô đốc, chánh quản thần vũ vệ, Xuyên đinh quang hầu", ở làng Bồng Sơn, xã bồng Trung, Huyện Vĩnh Lộc- Tỉnh Thanh Hoá.
 
Đỗ Chân Thiết. Chí sĩ nổi tiếng ở Bắc Hà đầu thế kỷ XX, người làng Thịnh Hào, tỉnh Hà Đông, nhiệt tình yêu nước, bỏ khoa cử đi làm cách mạng, thảo bản “Hưng Quốc Sách” định dâng lên vua Thành Thái yêu cầu vua xét lại hiệp ước Giáp Thân với Pháp, đòi quyền tự trị. Sau ông ðứng ra khuếch trương thương mại, gây tài chánh giúp quỹ Ðông Kinh Nghĩa Thục. Ông vượt biên giới sang Tàu hợp tác cùng cụ Phan Bội Châu và các nhà cách mạng nhằm lật đổ chính quyền thực dân. Sau ông bị bắt khi đưa vũ khí về nước, bị tòa án quân sự Yên Bái tuyên án tử hình, hy sinh cùng 17 đồng chí ngày 2-12-1914. Ông có một con trai tên Đỗ Bàng, con gái tên Đỗ Thị Tâm, cả hai tham gia Việt Nam Quốc Dân Đảng sau bị Pháp bắt và hy sinh.
 
Đỗ Đức Tường, linh mục Thiên Chúa Giáo, tham gia Việt Nam Quang Phục Hội chống Pháp thời tiền bán thế kỷ XX, chỉ huy Quang Phục Quân Hà Tĩnh. Ông bị bắt đầy ra Côn Đảo rồi chết ở đó.
 
Đỗ Hành, tướng nhà Trần, bắt được Nguyên Soái giặc là Ô Mã Nhi và tướng Tích Lệ Cơ Ngọc trong trận Bạch Đằng (tháng 3, Mậu Tí, 1288).
 
Đỗ Minh Tâm,  tục gọi là Nhiêu Tâm, tự Minh Giám, quê Vĩnh Long, nhà thơ trào phúng miền Nam đầu thế kỷ XX.
 
Đỗ Pháp Thuận (915-990), danh tăng nhà Tiền Lê, thường vào triều bàn việc nước với vua Lê Đại Hành, giỏi văn học; giả làm lái đò đón sứ nhà Tống, trổ tài ứng đối khiến sứ Tống rất  phục.Thiền sư mất năm 990, để lại tập “Bồ Tát Hiệu Sám Hối Văn”.
 
Đỗ Lễ, Đại tướng thời vua Trần Duệ Tông (1872-1877). Ông ngăn vua đừng xua quân tấn công thành Đồ Bàn của Chế Bồng Nga, nhưng vua không  nghe nên bị phục kích và thua trận.
 
Đỗ Thành Nhơn (hoặc Đỗ Thanh Nhân), còn có tên khác là Hữu Phương, danh tướng nhà Nguyễn Ánh, anh hùng đất Định Tường, người làng Minh Hương, Hương Trà, Thừa Thiên, vào Nam ngụ tại Phiên An Trấn, tập hợp hào kiệt, chiêu mộ hơn 3000 quân binh chống lại nhà Tây Sơn. Theo Chúa Nguyễn Phước Thuần, rồi chúa Nguyễn Phước Ánh đánh bại quân Tây Sơn, sau sang dẹp loạn ở Chân Lạp. Tính tình cương trực nhưng nóng nảy nên gây oán thù, Nguyễn Vương nghe lời dèm pha nên xử trảm ông năm 1781 tại Gia Định. (Theo Trần Trọng Kim).
 
Đỗ Thị Tâm, quán ở Dư Hàng, gần Hải Phòng, con gái của nhà cách mạng Đỗ Chân Thiết, gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng chống Pháp. Cuộc khởi nghĩa thất bại, cô chống trả kịch liệt, sau bị bắt, tra tấn tàn nhẫn, phải nuốt giải yếm tự vẫn lúc mới 18 tuổi. (Theo Nhượng Tống, Nguyễn Thái Học)
 
Đỗ Thúc Tịnh, nhà yêu nước nhiệt tình, quê ở Quảng Nam, chiêu mộ nghĩa dõng tạo phong trào kháng Pháp sôi nổi (Theo Phan Khoang).
 
Đỗ Trinh Thoại (-1861), chiến sĩ chống pháp thời hạ bán thế kỷ XIX ở miền Nam, giữ Tri Huyện Gò Công. Sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông, ông khởi nghĩa, cầm 600 quân đánh úp Gò Công ngày 22-6-1861, bị Pháp phản công, tử trận cùng với nhiều nghĩa binh khác.
 
Đỗ Văn Sửu, tổ nghề dệt gấm ở nước ta, người Hà Đông, có công phát triển nghề dệt gấm, giúp nhiều người thành công, nên tôn ông  làm ông tổ.
 
Đỗ Xuân Cát, Danh sĩ thời nhà Nguyễn, người huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, đỗ cử nhân thời vua Thiệu Trị, có tài kinh tế. Ông gửi vua Tự Đức bản điều trần 5 điểm tu sửa đê điều ởBắc, được vua triệu về triều đình, nhưng ông thấy không hợp nên cáo bệnh vềnhà. Sau khi chết, ông được phong hàm Hàn Lâm Viện Biên Tu. Tác phẩm của ông: Châu Tâm Văn Tập; Gia Phả Tự Lệ; Lâm Hành Tạp Lục. (Theo Cao Xuân Dục).
 
Đỗ Cơ Quang, tự là Chân Thiết (Xem Đỗ Chân Thiết)
 
Đỗ Khắc Chung, thời nhà Trần, quê huyện Giáp Sơn (Hài Hưng), năm 1285 khi quân Nguyên đánh Thăng Long, ông tình nguyện sang do thám trại địch và đưa thư giảng hòa, ứng đối khôn ngoan nêu cao chính nghĩa. Sau ông đổi thành họ Trần, làm quan cao trong triều tới chức Thượng Thư Tả Bộc Xạ. Năm 1307 ông đưa công chúa Ngọc Trân từ Champa về nước. Ông mất năm 1330.
 
Đỗ Quang (1807-1866), sĩ phu yêu nước thời Nguyễn, quê ở Hải Hưng, đỗ tiến sĩ năm 1832, giữ nhiều trọng trách ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ, và triều đình Huế. Khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông, ông bí mật về Gò Công cùng với Trương Định chống Pháp. Sau hòa ước 1862, ông bị điều làm tuần phủ Nam Định, rồi tuần phủ Bắc Ninh, sau chết tại quê nhà.
Đỗ Bá Công Đạo, tinh thông địa lý phong thuỷ, người vẽ bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam vào thế kỷ thứ 16. Ông còn có tên là Đỗ Công Luận, người làng Bích Triều, tỉnh Nghệ An, truyền dạy được nhiều học trò giỏi. Khoảng thời đại Chính Hoà (1680-1705), Ông từ quan đi đây đó vượt Thuận Hóa, qua các nước Chiêm Thành, Chân Lạp, bí mật nghiên cứuđịa lý vẽ bản đồ các xứ Thuận Quảng trở vào, dâng cho chúa Trịnh hiến kế Nam Chinh. Chúa Trịnh bèn giao cho ông vẽ “Tứ Chí Lộ Đồ” trong đó tài liệu vẽ và chú giải hai quần đảo Hòang Sa và Trường Sa trước đây gọi là “bãi Cát Vàng”.
***
Trên đây chỉ là một số danh nhân dòng họ Đỗ trong lịch sử dựng nước và bảo vệ đất nước. Còn rất nhiều vị khác trong quá khứ cũng như hiện tại, ở nhiều lãnh vực, nhưng vì trang giấy có hạn, hơn nữa tài liệu chưa được đầy đủ chính xác, nên chúng tôi tạm ngưng ở đây, hẹn trong một bài khác sẽ có thêm nhiều nhân vật, đặc biệt là những nhân vật họ Đỗ trước đây ở trong nước và hiện nay tại hải ngoại. 
BS Đỗ Văn Hội
Hải ngoại, Tháng Tư, 2012.
____________________________________________
 
Tài liệu tham khảo:
 
(*) Sách "Họ Đỗ Việt Nam" Tập 1, NXB, VH-TT, Hà Nội, năm 2001, trang 239-244 do PGS Đỗ Tòng chủ biên và sách "Việt Nam cội nguồn trăm họ" của GS Bùi Văn Nguyên, NXB, KH-XH, Hà Nội 2001, tr 75-83.
 
Họ Đỗ Việt Nam website
 
Xích Quỷ (An việt Toàn Cầu)
 
Wikipedia: Đỗ Cảnh Thạc
-Thần phả thờ Đỗ Tướng Công được cụ Phùng Khắc Khoan phát hiện và giới thiệu
-Danh nhân Đất Việt, cuốn 4, Quỳnh Cư, Nguyễn Anh, NXB Thanh Niên, 1999, trang 108-172 (Đỗ Nhuận).
-Việt Nam Danh Nhân Từ Điển, Nguyễn Huyền Anh, NXB Khai Trí, in lần thứ ba, 1970.
-Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim, nxb Miền Nam tái bản.
-Từ Điển Bách Khoa Việt Nam, cuốn 1, Trung Tâm Biên Soạn Từ Điển Bách Khoa Việt Nam, 1995.



Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.