Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Chiến binh siêu giáp trọng kỵ – những “chiếc xe tăng” thời cổ đại

Được coi là “cỗ xe tăng” thời cổ đại, mạnh mẽ không gì có thể ngăn cản được và là nỗi ác mộng của 10.000 người La Mã sống sót sau thảm kịch tại Carrhae.
Những chiến binh với bộ giáp sắt kín người và cả ngựa
Những chiến binh với bộ giáp sắt kín người và cả ngựa

Trong ngôn ngữ cổ đại, từ “Cataphract” được người La Mã và Hy Lạp sử dụng để mô tả những kỵ binh siêu nặng trên chiến trường. Nhưng bạn có từng hỏi, tại sao họ lại được gọi là kỵ binh siêu nặng?
Mọi người đều biết rằng, kỵ binh được chia làm 2 loại: kỵ binh nặng và kỵ binh nhẹ. “Nặng” và “nhẹ” là khái niệm dùng để chỉ lượng trang bị mà một kỵ binh mang theo, đó có thể là áo giáp, vũ khí, mũ mão, áo choàng sắt cho ngựa.
Nhưng với riêng các Cataphract, lượng trang bị mà họ mang nhiều hơn quá mức so với một kỵ binh nặng thông thường. Vì thế, người ta gọi Cataphract là lớp kỵ binh siêu nặng.
Các kỵ binh Cataphract là kiệt tác thời cổ đại
Khái niệm về kỵ binh nặng đã có từ rất lâu, những ghi chép cổ nhất cho thấy kỵ binh nặng đã xuất hiện từ thế kỷ thứ 6 TCN tại khu vực Kwarezm, vùng đất thuộc châu Á gần biển Aral ngày nay.
Kỵ binh nặng dần thay thế chiến xa (chariot) và trở thành phần tử chủ lực trong quân đội của người Assyrian, người Achaemenid và Macedonia của Alexander Đại đế.
chien-binh-giap-sat2
Khái niệm “kỵ binh nặng” thời đó dần trở nên thông dụng, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chiến thuật thời cổ đại lúc bấy giờ.
Từ Cataphract (tiếng Latin cataphractus, tiếng Hy Lạp kataphractoi) bắt đầu xuất hiện để chỉ những kỵ binh “nặng” nhất.
Nếu như các kỵ binh Hetairoi (kỵ binh dưới thời Alexander Đại đế) thường được trang bị áo giáp ngực thì Cataphract lại vận giáp kín người bao gồm: mặt nạ, bọc tay, bọc chân và toàn bộ những phần cơ thể còn lại. Chưa kể có vậy, ngay cả những chú ngựa cũng được bọc trong những bộ giáp dày và nặng nề.
chien-binh-giap-sat3
Bản thân từ Cataphract trong tiếng Hy Lạp không có nghĩa mô tả lượng áo giáp khổng lồ mà một chiến binh phải mang theo tuy nhiên sau này, nó đã dần biến thể theo chính danh từ mà nó mô tả. Đến bây giờ trong tiếng Anh, Cataphract vừa có thể là tính từ (bọc kín trong giáp sắt) vừa có thể là danh từ (siêu giáp trọng kỵ).
Các học giả cổ sau này đều viết về Cataphract như thể đó là một tuyệt tác của thế giới cổ đại. Sallust (86 – 34TCN) nói “Bộ mặt của kỵ binh Cataphract chính là sắt” trong khi Ammianus Marcellinus (mất năm 350) lại cho rằng: “Những vòng tròn thép bọc vòng quanh cơ thể sẽ hoàn toàn che kín dù là bó cơ nhỏ nhất của chiến binh”.
chien-binh-giap-sat4
Ammanius ca ngợi các kỵ binh Cataphract như là “những bức tượng được làm dưới bàn tay Praxiteles”(nhà điêu khắc thiên tài thời cổ đại) và khiến đối thủ của họ phải tỏ ra e dè ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Hoàng đế La Mã Aurelian khi lần đầu nhìn thấy các kỵ binh của Đế chế Palmyrene trong trận Emesa năm 270 đã phải thốt lên: “Họ quá tự tin vào những bộ giáp nhưng quả thực chúng thật sự chắc chắn và an toàn”. Nhiều tài liệu cho biết, dưới những lớp giáp sắt, các kỵ binh còn mặc thêm giáp làm bằng da thú hoặc hợp kim đồng.
Kỵ binh Cataphract của đế chế Parthia và người Armenia.
Kỵ binh Cataphract của đế chế Parthia và người Armenia.
Làm sao một con người cũng như một chú ngựa có thể mang trên mình một khối lượng giáp khổng lồ như vậy mà không thấy mệt? Dĩ nhiên là họ sẽ rất nhanh mệt nhưng theo sử gia Heliodorus, các kỵ binh Cataphract đều được tuyển chọn kỹ càng – đó phải là những người có ngoại hình cùng kích thước cơ thể vượt trội.
Cả những chiến mã cũng phải trải qua vòng tuyển chọn gắt gao. Sử sách ghi lại rằng, chỉ có giống ngựa Nisean là thích hợp để làm vật cưỡi cho các kỵ binh Cataphract.
chien-binh-giap-sat8
Đây là giống ngựa có nguồn gốc từ vùng cao nguyên Nisean (Iran ngày nay), sở hữu kích thước và sức mạnh vượt xa các giống ngựa bình thường.
Người La Mã từng vô cùng ấn tượng trước sức khỏe phi thường và độ lì lợm của giống ngựa này khi chạm trán với Đế quốc Parthia. Người ta tin rằng Bucephalus – con vật cưỡi huyền thoại của Alexander Đại đế chính là một chú ngựa Nisean.
Giống ngựa Nisean thời đó quý và quan trọng đến mức thường xuyên trở thành đề tài chính gây ra các cuộc chiến tranh giữa nhiều quốc gia quanh khu vực Iran ngày nay.
Các Cataphract cầm Kontos bằng 2 tay.
Các Cataphract cầm Kontos bằng 2 tay.
Không chỉ sở hữu bộ giáp sắt thể hiện sự mạnh mẽ, các Cataphract còn là bậc thầy trong việc sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau, bao gồm cung tên, chùy, giáo, gươm… Tuy nhiên vũ khí thông dụng nhất của họ là một ngọn thương dài 3,6-4m có tên gọi là Kontos.
Các Cataphract thời kỳ đầu không sử dụng khiên vì lý do họ phải cầm Kontos bằng 2 tay. Với tốc độ của ngựa cùng trọng lượng siêu “khủng”, các Cataphract lao tới đối phương xuyên thủng hàng phòng ngự bằng trường thương Kontos.
Theo sử gia Plutarch, ngọn thương của các Cataphract có thể đâm xuyên 2 người mặc giáp cùng lúc. Đó quả là một cỗ xe ủi đúng nghĩa trên chiến trường cổ đại.
Tuy nhiên không có gì là hoàn hảo và các Cataphract cũng vậy. Bên cạnh “chi phí bảo dưỡng” cực đắt cho bộ giáp, sự nặng nề của chúng khiến cho việc xoay trở vô cùng khó khăn. Do vậy, kỵ binh Cataphract chậm chạp hơn nhiều lần so với các kỵ binh khác.
Đặc biệt là vào thời cổ đại, khi bàn đạp trên ngựa chưa được phát minh, việc điều khiển được những chú ngựa Nisean siêu khỏe càng trở nên khó khăn hơn.
Sử sách không ghi nhiều về những thất bại của Cataphract nhưng chúng ta cũng có thể hình dung ra, nếu bị ngã ngựa thì các Cataphract chưa chắc đã đứng dậy nổi. Sử gia Heliodorus mô tả Cataphract không ngựa giống như những thanh gỗ nằm dưới đất vậy.

Trí Minh (sưu tầm)

Source http://vothuat.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.