LTG: Bài viết này của tôi sao buồn quá, nhưng biết làm sao được, bởi vì đó là sự thật,
cho tôi viết một lần này thôi, như nhớ về một kỷ niệm, một kỷ niệm rưng rưng.
Anh ạ! tháng tư mềm nắng lụa,
Hoa táo hoa lê nở trắng vườn,
Quê nhà thăm thẳm sau trùng núi,
Em mở lòng xem lại vết thương,
Anh ạ! tháng tư sương mỏng lắm,
Sao em nhìn mãi chẳng thấy quê,
Hay sương thành lệ tra vào mắt,
Mờ khuất trong em mọi nẻo về.
Sau khi đọc bài thơ này của Nhà thơ Trần Mộng Tú, trong lòng tôi chợt cảm thấy bàng hoàng thảng thốt. Đã 37 tháng tư trôi qua, bao nhiêu nước đã chảy qua cầu, vết thương trong lòng tôi vẫn còn âm ỉ, tôi nghĩ nó sẽ chẳng bao giờ lành cho tới ngày tôi nhắm mắt. Bốn mươi mốt năm về trước, đám sĩ quan trẻ chúng tôi chỉ mới ngoài 20, đến nay đầu đã lớm chớm bạc, “cùng một lứa bên trời lận đận”, sau cơn Đại hồng thủy tháng tư năm 75, lũ chúng tôi tản mác khắp bốn phương trời: “Thằng thì đang còng lưng trong các Shop may tại Santa Ana Cali, thằng đang làm bồi bàn ở Paris, thằng đang chăn cừu ở New Zealand, thằng thì đang cắt cỏ ở Texas, và cũng có thằng đang đạp xích lô ở Sài gòn”(trích). Mỗi năm đến ngày 30-4, tất cả chúng tôi đều bàng hoàng ngơ ngác như kẻ mất hồn. Không còn ai trách cứ chúng tôi hết, chỉ có chúng tôi tự trách mình, chúng tôi đã làm gì cho Tổ quốc?.
Trước năm 75, tôi là người lính trong hàng ngũ Quân đội Miền Nam, với cấp bậc thấp nhất là Thiếu Úy, với chức vụ nhỏ nhất là Trung đội trưởng, ngoài số lương đủ sống mà tôi lãnh hàng tháng, tôi không hề nhận được bất cứ bổng lộc nào từ phía “triều đình”. Tôi chỉ là một người lính vô danh tầm thường như trăm ngàn người lính khác, ngoài cuộc sống cực kỳ gian khổ và hiểm nguy, chúng tôi không có gì hết, kể cả hạnh phúc riêng tư của chính mình. Cho nên, tôi không hề có một mơ tưởng nào về một hào quang của ngày tháng cũ, và tôi cũng không muốn tiếp tục một hành trình “Việt Nam Cộng Hòa kéo dài”. Tôi viết như để thắp hương tưởng niệm, những đồng đội của tôi đã nằm xuống cho tôi được sống, rộng lớn hơn hàng trăm ngàn người đã chết để chúng ta có cuộc sống ngày hôm nay tại hải ngoại này.
Mùa Hè năm 1972, người Miền Nam thời ấy gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa, mượn cái tên từ Tập bút ký chiến trường rất nổi tiếng của Phan Nhật Nam . Mùa Hè đỏ lửa năm 72 là năm Quân đội của hai miền Nam-Bắc dốc sức đánh một trận chiến sinh tử, bên nào kiệt lực bên đó sẽ bại vong. Niên khóa năm 71-72, tôi là Sinh viên Ban Sử Địa thuộc Đại Học Văn Khoa Saigon, năm đó tôi đi học trong một tâm trạng bồn chồn không sao tả được, và tôi cũng không còn tâm trí đâu để mà học hành, tin tức chiến sự từ các mặt trận gởi về dồn dập, lúc đó bạn bè tôi lớp chết lớp bị thương, lũ lượt kéo nhau về. Sau này ngẫm nghĩ lại,tôi thấy miền Nam lúc đó không còn sinh khí nữa, những bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn được hỗ trợ bằng tiếng hát ma quái Khánh Ly, đã làm băng hoại chán chường cả một thế hệ thanh niên thời đó. Ngoài ra, còn khá nhiều những bài ca những tiếng hát đã đâm thấu lòng người “anh trở về trên đôi nạng gỗ, anh trở về bại tướng cụt chân, anh trở về hòm gỗ cài hoa, trên trực thăng sơn màu tang trắng…” Tại sao trong một đất nước đang có chiến tranh mà có những điều kỳ lạ này xuất hiện. Điềm Trời báo trước chăng?.
Chính quyền Miền Nam sau đó ra lịnh tổng động viên, tất cả các nam sinh viên đều phải nhập ngũ, trừ những người xuất sắc. Lúc đó những gia đình có tiền của, họ chạy đôn chạy đáo lo cho con cái của họ chui vào chỗ này chui vào chỗ nọ, miễn sao khỏi ra mặt trận. Đối với họ,chuyện ngoài mặt trận là chuyện của ai khác, không liên quan gì đến gia đình họ Hằng ngày họ xem TV thấy cảnh khói lửa ngập trời, người chết hàng hàng lớp lớp, họ coi đó là chuyện ở đâu đâu, chẳng ăn nhập gì tới họ. Còn tôi thì ngược lại, tôi muốn ra mặt trận càng sớm càng tốt, hình như định mạng đã an bài cho tôi. Trong bài “Đại bác ru đêm” của Trinh Công Sơn có một câu rất “độc”, “đại bác đêm đêm dội về Thành phố, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe”, tôi chính là người phu quét đường đó. Tiếng đại bác đã làm lòng dạ tôi nôn nao, tôi muốn ra mặt trận để chia lửa với những người bạn cùng thời với tôi, để chịu chung khổ nạn với đồng bào tôi, trong những ngày tháng điêu linh nhất của đất nước. Tiếng đại bác đã ầm ĩ trong lòng tôi, kéo dài mãi từ ngày đó cho tới tận bây giờ.
Thế rồi cũng đến phiên tôi nhập ngũ, giã từ Trường Văn Khoa với Đại Giảng Đường 2 bát ngát, giã từ những bài giảng rất lôi cuốn của Linh Mục Thanh Lãng, của Giáo Sư Nguyễn Thế Anh, thôi nhé giã từ hết những ước vọng của thời mới lớn. Tôi trình diện Khóa 4/72 tại Trường Bộ Binh Thủ Đức, năm đó quân trường Thủ Đức chứa không xuể các thanh niên nhập ngũ nên đã đưa một số ra thụ huấn ngoài Trường Đồng Đế Nha Trang, toàn bộ tinh hoa của Miền Nam được tập trung vào hai quân trường này, Miền Nam đã vét cạn tài nguyên nhân lực để đưa vào cuộc chiến.
Vào quân trường, Khóa 4/72 toàn là các sinh viên các trường ĐH tụ họp về đây, chúng tôi làng xoàng tuổi nhau nên đùa vui như Tết, tuổi trẻ mà, lúc nào cũng vui cũng phơi phới yêu đời, chuyện ngày mai đã có Trời tính. Thời gian 6 tháng quân trường gian khổ sao kể xiết, bởi vì sự huấn luyện nhằm biến đổi một con người dân sự thành một người lính thực thụ là điều không đơn giản. Không phải chỉ có các kiến thức về quân sự, mà còn tạo dựng một cơ thể gang thép, rèn luyện gian khổ bất kể ngày đêm, bất kể nắng nóng nung người hay mưa dầm bão táp. Trong 5 tuần lễ đầu tiên vào trường, gọi là giai đoạn “huấn nhục”, đây là giai đoạn kinh hãi nhất trong đời lính mới của chúng tôi. Hằng ngày chúng tôi tuân phục sự chỉ huy điều động của các huynh trưởng khóa đàn anh, khi ra lịnh họ hét lên nghe kinh hồn bạt vía, họ nghĩ ra đủ mọi hình phạt để phạt chúng tôi bò lê bò càng, trong giai đoạn này chỉ có chạy không được đi… các huynh trưởng quần chúng tôi từ sáng sớm tới chiều tối, buông ra là chúng tôi ngất lịm, ngủ vùi không còn biết gì nữa hết. Sau 5 tuần lễ huấn nhục, ai vượt qua được, sẽ tham dự lễ gắn Alpha, để chính thức trở thành Sinh Viên Sĩ Quan. Ngày quì xuống Vũ Đình Trường để nhận cái lon Alpha vào vai áo, chúng tôi cảm thấy rất tự hào, vì đã lập một kỳ công là tự chiến thắng chính mình để trở thành một người lính, không còn hèn yếu bạc nhược như xưa nữa.
Khi chúng tôi quá quen thuộc với các bãi tập như: bãi Cây Đa, đồi 30, bãi Nhà Xập, cầu Bến Nọc… cũng là lúc sắp đến ngày ra trường. Gần tới cuối khóa, chúng tôi còn phải vượt qua những bài học cam go như bài đại đội vượt sông, đại đội di hành dã trại… Cuối cùng điều mà chúng tôi mong đợi từ lâu, đó là ngày làm lễ ra trường, tất cả chúng tôi trong quân phục Đại Lễ, xếp hàng ngay ngắn tại Vũ Đình Trường, rồi một tiếng thét lồng lộng của Sinh viên Sĩ quan chỉ huy buổi Lễ: “Quì xuống các SVSQ”, sau khi đọc các lời tuyên thệ và được gắn lon Chuẩn Úy, tiếng thét chỉ huy lại cất lên một lần nũa: “Đứng lên các Tân Sĩ Quan”. Trong số chúng tôi có người muốn ứa nước mắt, cái lon mới được gắn lên vai, đã đánh đổi bằng biết bao mồ hôi gian khổ sao kể xiết.
Ngày hôm sau chúng tôi tụ họp lên hội trường để chọn đơn vị, tới phiên tôi lên chọn có một điều làm tôi nhớ mãi. Đứng trước tấm bảng phân chia về các đơn vị, tôi định chọn về Sư Đoàn 7 cho gần Sài gòn, bỗng cái Ông Thượng sĩ đứng phụ trách tấm bảng bèn đưa ra lời bàn: “Chuẩn Úy nên chọn về Sư Đoàn 9 vì vùng trách nhiệm nhẹ hơn, SĐ 7 trách nhiệm vùng Cái Bè Cai Lậy rất nặng nề”. Oái oăm thay ngày hành quân đầu tiên của tôi là vùng Cái Bè, bởi lẽ đơn vị tôi tăng cường cho SĐ 7.
Tôi trình diện Bộ Tư Lịnh SĐ 9 tại Vĩnh Long. SĐ này có 3 Trung Đoàn: 14,15 và 16. Tôi được đưa về Trung đoàn 14. Tôi lại mang vác ba lô về trung đoàn 14 đang hành quân vùng Cái Bè. Từ Sài gòn qua Ngã ba Trung Lương, chạy thêm một đoạn xa nữa thì tới Cai Lậy rồi tới Cái Bè, xong quẹo mặt, chạy tít mù vào sâu bên trong khoảng 20 cây số, tới cuối đường lộ thì gặp một cái xã mang tên Hậu Mỹ, ngay tại đây chính là cái ruột của Đồng Tháp Mười, lính tráng hành quân vùng này nghe cái tên Hậu Mỹ là đủ ớn xương sống. Không hiểu sao, ở giữa ĐTM lại có một nơi dân cư sinh sống bằng nghề nông rất trù phú. Đám Tân SQ chúng tôi sau khi trình diện Trung Đoàn trưởng thì được giữ lại Bộ Chỉ huy vài hôm để tập làm quen với cách làm việc của nơi này. Sau đó Ban Quân Số phân chia về các nơi. Vị Sĩ quan Quân số hỏi có Chuẩn Úy nào tình nguyện về Đại Đội Trinh Sát hay không? Tôi đáp nhận. Nói theo kiểu Cao Xuân Huy trong “Tháng Ba Gẫy Súng” tôi chọn về đơn vị tác chiến thứ thiệt này, mà trong lòng không có một chút oán thù nào về phía bên kia, mà chỉ vì cái máu ngông nghênh của tuổi trẻ, và kế đó là bị kích thích bởi cảm giác mạnh của chiến trường.
Một Trung Đoàn Bộ Binh có 3 Tiểu Đoàn và 1 Đại Đội Trinh Sát, đám chúng tôi có 12 thằng, được phân chia về các Tiểu Đoàn, chỉ có mình tôi về Trinh Sát. Sau khi chia tay ở sân cờ xong, chúng tôi ra đi biền biệt, hầu như không còn gặp nhau nữa. ĐĐ/TS cho người lên dẫn tôi về trình diện Đại Đội Trưởng, lúc đó đơn vị đóng ở ngoài căn cứ của Trung Đoàn. Trung Úy Đại đội trưởng có biệt danh là Đại Bàng, dáng người cao to trông rất dữ dằn, cặp mắt ti hí luôn luôn nhìn chằm chằm tóe lửa, giong nói gầm gừ trong họng, tất cả đều toát ra một nét uy phong làm khiếp sợ người đối diện (trong đó có tôi). Tôi đứng nghiêm chào trình diện theo đúng quân phong quân kỷ: “Chuẩn úy NĐC, số quân 72/150181, trình diện Đại Bàng”. Ông ta nhướng mắt nhìn tôi, trên gương mặt hình như có nét thất vọng (mãi về sau này tôi biết điều đó đúng như vậy). Nhìn tôi một hồi, rồi ông ta phán cho tôi một câu nhớ đời: “Anh về làm Trung đội Phó Viễn Thám”. Trời đất, tôi nghĩ thầm, cái bằng tốt nghiệp của tôi là Trung đội trưởng, mà giao cho tôi làm Trung đội phó là sao nhĩ? Lúc đó tôi không biết rằng làm Trung đội phó là còn may, các Sĩ quan về sau nữa có khi còn làm Trưởng toán Viễn thám, thiệt là chết dở.
Đai Đội lúc đó có khoảng trên trăm người, được chia làm 2 Trung đội Trinh Sát và 1 Trung đội Viễn Thám. Các Sĩ quan Trung đội trưởng ra trường trước tôi vài khóa mà trông rất ngầu, uống rượu như điên đồng thời nói năng rất bạt mạng. Còn lính tráng nữa chứ, tôi nhìn họ mà sợ lắm, họ được tuyển chọn từ các nơi khác về đây, nên trông rất khiếp hồn, phần lớn họ là gốc nhà nông, chỉ biết đọc biết viết là nhiều. Lạ một điều là tất cả những người lính này đều đối với tôi rất lễ độ, có lẽ phát xuất từ kỷ luật quân đội chăng? Sau một thời gian sống gần gũi với họ, tôi thấy họ là những người rất đáng mến, thật thà chất phác, rất tôn trọng nghĩa tình, một khi họ quí trọng một cấp chỉ huy nào thì họ sẵn sàng xả thân, họ hoàn toàn không dễ sợ như tôi nghĩ lúc đầu.
Vài hôm sau, gặp bữa Đại đội tề tựu đông đủ, Đại Bàng đưa tôi ra giới thiệu trước ĐĐ, rồi bảo tôi phát biểu. Trời đất ơi ! Tôi run quá, hai đầu gối cứ run lẩy bẩy, tôi có bao giờ nói chuyện trước một đám đông trông khiếp hồn như thế này bao giờ đâu, cho nên tôi ngượng nghịu lắm, vừa nói vừa ngó xuống đất, không dám ngó mặt ai, bẽn lẽn như cô dâu mới về nhà chồng, bây giờ nghĩ lại tôi không còn nhớ tôi nói cái gì nữa, nhưng tôi vẫn nhớ tiếng chắc lưỡi bực mình của Đại Bàng đứng sau lưng tôi, nói được chừng 10 phút thì tôi hụt hơi hết sức, Đại Bàng phải ra lịnh giải tán đám đông. Ông giận dữ kéo tôi ra chỗ vắng, rồi hất hàm hỏi tôi:
– Chuẩn Úy tốt nghiệp Trường Sĩ quan nào vậy?
Tôi biết ngay là có chuyện không ổn, bởi vì khi ông xếp gọi mình bằng cấp bậc là tai họa đến nơi rồi. Tôi đáp:
– Tôi tốt nghiệp từ Trường Bộ Binh Thủ Đức.
Ông ta bèn xáng cho tôi một câu nhớ đời:
– Vậy mà tôi tưởng Chuẩn Úy tốt nghiệp từ Trường Nữ Quân Nhân chứ !
Tôi nghe mà choáng váng mặt mày, ông ta đã điểm trúng tử huyệt của tôi, vì hồi còn là Sinh viên Sĩ quan trong Thủ Đức, chúng tôi coi là điều sỉ nhục, khi bị cấp trên mắng là Nữ Quân Nhân. Tối hôm đó khi đi ngủ tôi buồn lắm, hình như tôi bị quăng vào môi trường sống không phù hợp với mình, một nơi chốn mà tôi chưa từng biết bao giờ, bởi lẽ trước nay tôi chỉ là anh học trò, bấy lâu chỉ làm bạn với sách vở, với bạn bè với trường lớp. Bây giờ giữa chốn ba quân này, tôi bỗng nổi bật lên như cái gì đó không giống ai. Lúc đó, tôi nhớ Ba mẹ tôi ở nhà, và tôi nghiệm ra một điều rằng, ăn chén cơm của Ba Mẹ tôi sao mà sung sướng quá, bởi lẽ Ba Mẹ chớ hề sỉ nhục tôi, còn khi ra đời, ăn chén cơm của người đời sao đầy cay đắng, tôi lặng lẽ ứa nước mắt.
Tôi về làm Phó cho Chuẩn Úy Vương Hoàng Thắng, khóa 3/72. Anh ta là người trí thức có bằng Cử nhân CTKD, thấy tôi cà ngơ cà ngáo, anh ta thương tình kêu đệ tử giúp đỡ cho tôi mọi chuyện. Chiều hôm đó, tôi lại gặp một chuyện khôi hài dở khóc dở cười, không sao quên được. Chiều đến, lính tráng kéo ra bờ sông tắm giặt, tôi cũng đi tắm như họ, thay vì nhảy ào xuống sông bơi lội như mọi người, nhưng tôi lại rất sợ đỉa nên đứng trên bờ cầm nón sắt múc nước sông mà xối lên người. Tắm một hồi, tôi cảm giác có cái gì đó là lạ, nhìn quanh thấy mọi người chăm chú nhìn tôi, và xầm xì bàn tán chuyện gì đó, rồi bỗng nhiên cả đám cười rộ lên, có tên lính lên tiếng: “Sao Chuẩn Úy không xuống tắm như tụi tôi mà đứng chi trên bờ, ý trời ơi! Sao da của Chuẩn Úy trắng nõn như da con gái vậy?”. Tôi ngượng điếng người, máu chạy rần rần trên mặt, muốn chui xuống đất mà trốn cho đỡ xấu hổ. Vậy mà đã hết đâu, có cái ông Thượng sĩ già đứng gần, còn đớp cho tôi thêm một nhát: “Ý cha! cái bàn chân Chuẩn Úy sao mà đẹp quá, bàn chân này có số sung sướng lắm đây!!!” Thiệt là khổ cho cái thân học trò của tôi, hết làm Nữ Quân Nhân, bây giờ lại giống con gái, thiệt là chán.
Miền Tây là vùng đất nổi danh sình lầy. Hậu Mỹ là nơi đã tiếp đón tôi trong những ngày đầu về đơn vị, cũng là nơi sình lầy ghê khiếp. Dân trong xã người ta cất nhà dọc kinh Tổng Đốc Lộc, ra khỏi mí vườn là ruộng lúa sạ ngút ngàn. Sáng sớm, lính tráng lo cơm nước xong xuôi là bắt đầu nai nịt lên đường, súng đạn ba lô trên vai, để tham dự cuộc hành quân thường ngày, bước ra khỏi mí vườn là bắt đầu lội ruộng, trước tiên nước đến ngang đấu gối, rồi khi qua những trãng sâu, nước cao tới ngực, và cứ thế quần áo ướt sũng từ sáng tới chiều, cho nên quần áo tụi tôi nhuộm phèn vàng chạch, trong rất kỳ quái.
Khi ở quân trường tôi tưởng nỗi gian khổ của người lính là cao nhất, sau khi ra đơn vị tôi mới thấy được rằng, nỗi khổ quân trường chỉ là khúc dạo đầu, không thấm thía gì so với ngoài thực tế. Vùng Hậu Mỹ là vùng lúa sạ nên rất ít bờ ruộng, khi đặt chân xuống ruộng là phải đi một mạch tới bờ bên kia cách xa vài cây số, không ngừng giữa đường được. Đất ruộng người dân họ cày xới lên từng tảng to nhỏ như trái dừa, ngổn ngang lỗ chỗ, và nước lấp xấp. Tôi vừa đi vừa lựa thế để đặt chân xuống, sình lầy bám chặt nên rút bàn chân lên thật khó nhọc, mặt trời rọi ánh nắng gay gắt, mồ hôi tuôn ra đầm đìa, lúc đầu tôi còn lấy tay áo gạt mồ hôi, sau cứ để mặc, mồ hôi nhỏ lăn tăn lên mặt ruộng. Đó là tôi mang ba lô rất nhẹ, chỉ có quần áo đồ đạc cá nhân, còn lương thực lều võng đã có đệ tử mang vác phụ. Tôi ngó qua những người lính đi chung quanh, thấy họ mang vác rất nhọc nhằn, họ phải oằn lưng mang lều võng, súng đạn, mìn bẫy, gạo, cá khô, đồ hộp, mắm muối… Người thì đeo trên ba lô cái nồi, người thì mang cái chảo, họ lặng lẽ bước đi, tôi không hề nghe một lời than van nào hết, họ cắn răng lại mà cam chịu, có than van cũng không ai nghe. Khi đi tới bờ kinh ở tít đằng xa, áo tôi ướt sũng mồ hôi, cho đến nỗi, tôi cởi áo ra vắt, mồ hôi chảy ra ròng ròng. Tôi mệt muốn đứt thở, bèn nằm vật xuống đất, tôi mặc kệ hết mọi điều, không còn biết trời trăng gì nữa hết, lúc đó tôi nghĩ có ai bắn cho tôi một phát súng ân huệ, chắc còn sướng hơn, đời lính sao mà khổ quá!
Theo Đặc San Cư An Tư Nguy (câu này là châm ngôn của Trường BB Thủ Đức) phát hành tại San Diego, thì Quân Trường này đã đào tạo 55 ngàn Sĩ quan, trong số đó có 15 ngàn SQ đã tử trận, và không dưới 10 ngàn người đã trở thành Phế-binh thương tật. Trung đội trưởng là chức vụ đầu tiên của Sĩ quan mới ra trường, và là chức vụ duy nhất chỉ huy bằng miệng (các cấp cao hơn thì chỉ huy qua máy truyền tin). Khi xung phong chiếm mục tiêu, Trung đội trưởng cũng ôm súng chạy ngang hàng với lính, khi đóng quân phòng thủ đêm, Trung đội trưởng cũng nằm ngang với lính. Trước mặt Trung đội trưởng không có bạn nữa mà chỉ có phía bên kia. Cho nên lính dễ chết thì Trung đội trưởng cũng dễ chết y như vậy, súng đạn vô tình nên không phân biệt ai với ai, quan với lính đều bình đẳng trước cái chết. Đó là lý do giải thích tại sao Chuẩn úy mới ra trường chết như rạ là vì thế. Vậy mà tôi còn làm Trung đội phó, không biết nói sao nữa.
Có một bữa, tôi lội hành quân với đơn vị, đang bì bõm lội sình, thì tiếng súng nở rộ lên phía trước, Trung đội tản ra, tôi cùng Chuẩn úy Thắng và đám đệ tử tấp vào một lùm chuối khá lớn. Tôi đứng đó nhìn trời hiu quạnh một hồi rồi bỗng thấy làm lạ sao thấy C/U Thắng im lìm không có lịnh lạc gì cả. Bỗng tay lính Truyền tin nói với C/U Thắng: “Đại Bàng kêu C/U lên trình diện gấp.” C/U Thắng bỏ đi một đoạn, thì lính Truyền tin lại bảo tôi: “Đại Bàng muốn gặp C/U Châu”. Tôi cầm ống nghe áp vào tai, thì nghe Đại Bàng chửi xối xả, giọng Ông lồng lộng một cách giận dữ, té ra là do C/U Thắng quá sợ nên không dám tấn công, ông hét lên bảo tôi: ” Nè! C/U Châu, tôi giao Trung đội lại cho ông, ông có dám dẫn quân lên đánh mục tiêu trước mặt hay không?”.Tôi nghe mà sợ muốn “té đái”, run lập cà lập cập, rồi trả lời ông xin tuân lịnh. Tôi tháo ba lô quăng lên bờ ruộng cho nhẹ người, rồi vói tay lấy khẩu súng trường của người lính bên cạnh, miệng chỉ kịp kêu lớn: “Tất cả theo tôi”. Lúc đó tôi “quíu” quá, nên không nhớ bài bản chiến thuật nào mà tôi từng học ở quân trường, tôi xông lên vừa chạy vừa bắn vừa la (không biết la cái gì nữa). Cả trung đội hoảng hốt sợ tôi bị bắn chết, nên cũng vùng dậy chạy theo tôi. Phía người anh em bên kia, thấy tôi chạy dẫn đầu rất hung hãn, tưởng tôi bị điên, bèn lập tức tháo lui, trong lúc vội vã họ còn quăng lại tặng tôi mấy cây súng nữa chứ. Tôi thanh toán mục tiêu chỉ đâu chừng 10 phút, ai cũng tưởng tôi gan dạ, chứ đâu biết rằng tôi làm thế vì quá sợ ông xếp của mình. Thiệt là khôi hài. Đại Bàng kéo quân lên ông nhìn tôi gườm gườm, có lẽ ông chưa thấy một Sĩ quan nào lập chiến công “khùng điên ba trợn” như tôi. Hết cơn giận, ông trả quyền chỉ huy lại cho C/U Thắng, tôi trở về vị trí cũ.
Sau đó tôi được điều qua các Trung Đội khác, phụ trách công việc tạm thời cho các Trung đội trưởng đi phép hay bị thương… Một điều may mắn cho tôi, (hay Trời đãi kẻ khù khờ), khi tôi nắm quyền tạm thời đó, những trận đánh mà tôi tham dự, tôi đều hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách tốt đẹp. Đại Bàng đã nhìn tôi bằng cặp mắt đỡ ái ngại hơn ngày đầu mới gặp tôi. Đại Bàng sau đó được thuyên chuyển qua một đơn vị khác và một Đại Bàng mới đến thay thế. Ông Trung úy mới đến này có dáng dấp thư sinh, ăn nói nhỏ nhẹ, khiến tôi rất có cảm tình. Trong bữa nhậu bàn giao chức vụ, Đại Bàng cũ giới thiệu các Sĩ quan trong đơn vị cho ĐB mới được biết. Sau khi điểm mặt 3 Trung đội trưởng, cuối cùng ông ta chỉ tôi là một Trung đội phó, rồi đưa ra một nhận xét làm sửng sốt mọi người: ”Đây là một tay Sĩ Quan xuất sắc, một tay chơi tới bến… “Hai người sửng sốt nhất hôm đó là tôi và ông Đại Bàng mới. Đối với tôi, tôi chỉ cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình và cũng không hề muốn bươn chải về phía trước. Đối với ĐB mới, ông ta lấy làm lạ là phải, bởi vì ông cứ ngỡ SQ xuất sắc nhất phải là mấy ông Trung đội trưởng, sao lại là cái ông Trung đội phó trông hết sức ngớ ngẩn này. Tôi cũng không ngờ, cái lời nhận xét đó đã đẩy tôi vào một khúc ngoặt khác, đầy hung hiểm chết người.
Một thời gian ngắn sau đó, tôi được Đại Bàng mới cất nhắc lên làm Trung Đội trưởng thực thụ. Tham dự hết trận đánh này đến trận đánh khác, để sống còn, không còn con đường nào khác, tôi phải “động não” đến cao độ cho công việc của mình. Càng ngày tôi càng đạt được sự tin cậy cao nơi cấp Chỉ huy, chính điều đó đã đẩy Trung đội tôi vào nơi Tử địa. Khi Đại đội tiến quân vào nơi nguy hiểm, Trung đội tôi được lịnh đi đầu, và khi rút quân từ nơi đó, Tr.đội tôi được lịnh bao chót. Khi tấn công tôi được giao chỗ khó gặm nhất, và khi phòng thủ Trung đội tôi được nằm ở vị trí nặng nề nhất. Người ta thường nói: “Nhất Tướng công thành vạn cốt khô”, tôi không phải là Tướng, chỉ là một Sĩ quan có cấp bậc và chức vụ thấp nhất, nhưng lính tráng dưới quyền tôi đã chết la liệt, có khi chết nhiều đến nỗi, tôi chưa kịp nhớ mặt người lính của mình nữa. Bởi sự tin cậy của Đại Bàng dành cho tôi, mà Trung đội tôi phải gánh chịu những tai ương này. Ông ta rất quí mến tôi, ông chưa hề quát mắng tôi một tiếng nặng lời, có món nào ngon ông sai đệ tử đi mời tôi đến cùng ăn với ông, có Huy chương nào quí giá, ông cũng ưu tiên dành cho tôi. Ông quí tôi như vậy vì ông biết rằng, nếu ông cứ sử dụng tôi như vậy, trước sau gì tôi cũng chết. Làm sao tôi sống nổi, khi xua quân đi hết mặt trận này đến mặt trận khác, mà toàn là những nơi đầu sóng ngọn gió. Vậy mà tôi sống, mới kỳ.
Khi về đơn vị này, tôi có được một sự may mắn là đơn vị lưu động khắp các tỉnh Miền Tây. Khởi đầu của tôi tại Cái Bè -Cai lậy với các địa danh nổi tiếng như Hậu Mỹ, Mỹ Phước Tây, Bà Bèo, Láng Biển… Từ Cai Lậy đi về hướng Bắc khoảng 60 cây số là tới Mộc Hóa, từ Tuyên Nhơn kéo qua Tuyên Bình, có một chỗ tận cùng tên Bình Thạnh Thôn, đây là một trong những chiến trường ác liệt nhất của đồng bằng Sông Cửu Long. Từ nơi này chúng tôi ngồi thiết giáp băng ngang qua Đồng Tháp Mười để tới Hồng Ngự, và chính cái lúc băng ngang này, tôi mới biết rõ về Đồng Tháp Mười, đây là một vùng đầm lầy kinh sợ nhất, đi suốt 1 ngày với xe thiết giáp, tôi không thấy một cây cỏ nào mọc nổi ngoại trừ loại cây bàng (một loại cây họ cỏ dùng dệt chiếu), không có một bóng chim, không có một con cá, nước phèn màu vàng chạch, tóm lại không có 1 sinh vật nào sống nổi trong vùng này, đừng nói chi đến con người. Vùng đầm lầy dài ngút mắt đến chân trời, khung cảnh im lìm đến ghê rợn. Rời Mỹ Tho, chúng tôi băng ngang Sông Tiền bởi phà Mỹ Thuận, rồi băng ngang Sông Hậu với phà Cần Thơ, xuôi theo lộ tới Cái Răng – Phụng Hiệp, rồi rẽ vào Phong Điền – Cầu Nhím, tôi ngạc nhiên trước một vùng đất giàu có tột bực này. Ở đây người dân sinh sống bằng vườn cây ăn trái, sáng sớm ghe chở trái cây chạy lềnh trên mặt sông để đến điểm tập trung giao hàng đi các nơi, nhà cửa ở miệt vườn mà trông rất bề thế. Rồi chúng tôi đến Phong Phú-Ô Môn, tiến sâu vào bên trong chúng tôi đến Thới Lai – Cờ Đỏ, sự trù phú không sao kể xiết, có khi chúng tôi ngồi Tắc-ráng đi từ Thới Lai đến Cờ Đỏ, 2 bên bờ kinh nhà cửa nguy nga tráng lệ, không hề có nhà tranh vách đất nào cả, nhà nào cũng có xe máy cày đậu trước sân. Tuy nhiên vào sâu hơn nữa, chúng tôi cũng gặp những vùng hoang vu như Bà Đầm -Thát Lát, dân chúng tản cư đi hết, nhà cửa hoang phế, trông rất âm u rợn người.
Trong tất cả những vùng mà tôi đã đi qua, có một vùng đất hết sức lạ lùng, và là một nơi đối với tôi đầy ắp kỷ niệm, vừa thích thú vừa buồn rầu. Mỗi khi hồi tưởng về một thời chiến trận, tôi đều nhớ về nơi ấy. Cuộc chiến đã ngừng 37 năm qua, vậy mà tôi chưa hề một lần nào trở về lại nơi chiến trường xưa, để thắp một nén hương tưởng mộ những đồng đội của tôi đã nằm xuống nơi này.
Mùa Khô năm 74, Đại Đội chúng tôi được trực thăng bốc từ phi trường Cao Lãnh, đổ xuống một cánh đồng bát ngát nằm cạnh biên giới Campuchia. Trung đội tôi nhảy líp đầu. Khi xuống tới đất tôi hết sức ngạc nhiên về vùng đất nơi đây. Cánh đồng khô khốc và phẳng lì, không hề có một bờ ruộng nào cả (sau này tôi được biết đây là vùng nước nổi, khi nước từ Biển Hồ tràn về, thì không có bờ ruộng nào chịu đựng nổi, nên người ta cứ để trống trơn như vậy, ruộng của ai người đó biết). Trên cánh đồng lại có rất nhiều gò nổi lúp xúp ở khắp nơi. Khi Trung đội tôi rời khỏi trực thăng, tôi lập tức ra lịnh tiến quân theo thế chân vạc thiệt nhanh nhằm chiếm 1 gò nổi trước mặt, khi cách gò chừng một trăm thước, tôi cho tất cả dừng lại dàn hàng ngang yểm trợ, rồi tôi phóng 3 khinh binh vào lục soát, sau một hồi thấy không có gì, họ khoát tay cho cả Trung đội tiến vào. Khi vào tới nơi, sau khi bố trí xong, tôi thấy trên gò có thật nhiều cây xanh che bóng mát, và có vài đìa cá, lính tráng lội ùa xuống xúm lại tát đìa, khi đìa cạn, cá lộ ra lội đặc lềnh như bánh canh. Một lát sau cả Đại đội theo trực thăng kéo tới kéo vào gò trú ẩn cũng vừa đủ.
Đêm tới, chờ trời tối hẳn, Đại Bàng ra lịnh kéo cả đơn vị ra đồng trống để đóng quân đêm, vì vị trí ban ngày đã bị lộ. Đêm đó chúng tôi không ngủ được gì cả, vì lũ chuột đồng ở đâu kéo tới, chúng bò ngang dọc, lùng sục chỗ đóng quân của chúng tôi, lại còn chui tọt vào mùng gặm nhắm chân tay của chúng tôi nữa chứ. Tờ mờ sáng hôm sau, có 1 đoàn xe bò đông đảo khoảng mười mấy chiếc kéo ngang chỗ đóng quân. Lính tráng hỏi họ đi đâu, họ nói họ kéo nhau đi tát đìa, trời đất, tát đìa mà kéo một đoàn xe bò như thế này ư! Chiều đến, không biết họ đi đến đâu, mà khi kéo xe về, xe nào cũng đầy ắp cá, họ chứa lủ khủ trong thùng trong chậu lớn, sau đó họ kéo ra bờ sông giao cho ghe hàng chờ sẵn, chở cá về Hồng Ngự
Hôm sau chúng tôi kéo vào xóm nhà cất dọc theo bờ rạch, có tên là Rạch Cái Cái. Khi vào đến nơi tôi lại đứng trố mắt ra nhìn, nhà gì mà kỳ dị như thế này. Người dân họ cất nhà cao lêu nghêu theo kiểu nhà sàn, tôi biết ngay là họ phải cất nhà như thế để sống cùng với lũ. Nơi đây đúng là cùng trời cuối đất, tiếng bình dân gọi là hóc-bà-tó. Đây cũng là vùng đất tranh chấp giữa hai bên, chiến trận nổ ra liên miên, nên người dân họ sống rất là tạm bợ. Cả xã có vài ngàn người mà chỉ có vài người biết đọc biết viết. Họ thông thương với bên ngoài bằng các ghe hàng tạp hóa, hay ghe hàng bông (rau quả), được chở tới từ Hồng Ngự. Nhà nào cũng có một lu mắm cá, có nhà còn có lu mắm chuột đồng, đó là thức ăn phòng hờ cho mùa nước nổi. Ghé vào nhà chơi, chủ nhà rất hiếu khách và xởi lởi, bưng ngay ra một chai rượi đế, rồi hối người nhà xé mắm sống trộn giấm tỏi ớt đường, bưng ra mời chúng tôi ăn với khoai lang hay bắp luộc.
Lúc đầu tôi thấy sợ lắm không dám ăn, sau vì nhiều người ép quá nên tôi cũng nếm được. Còn mắm chuột đồng thì cho tôi xá, nhìn thấy đã hãi nói chi tới ăn. Đám lính chúng tôi đang lội sình mệt nghỉ, được đưa về một nơi khô ráo, lại đầy ắp thức ăn, thiệt là đã đời, chúng tôi hành quân mà như đi picnic. Nhưng trong tôi linh cảm điều gì đó không ổn, đơn vị chúng tôi luôn luôn được tung vào những nơi hiểm địa, chớ đâu phải đi chơi như thế này.
Sau một thời gian hoạt động đơn độc, chúng tôi được tăng cường 1 Chi đoàn thiết giáp, có khoảng 12 xe bọc sắt M113. Với sự phối hợp này vùng hoạt động của chúng tôi rộng lớn hơn. Hằng ngày, chúng tôi ngồi trên xe thiết giáp hành quân lục soát nơi này nơi nọ, vẫn yên bình, không hề có tiếng súng. Rồi cái ngày giông bão đó đã đến. Hôm đó, bình thường như mọi ngày, chúng tôi lên xe đi hành quân. Đi đến các điểm đã được chỉ định sẵn trên bản đồ, đi đến chỗ này lục soát, không có gì lại đi đến chỗ khác. Cuối cùng đoàn xe đến 1 điểm, bất chợt đoàn xe dàn hàng ngang ngoài ruộng, hướng về mục tiêu là một bờ vườn rậm rạp. Lính Trinh Sát tụi tôi được lịnh xuống xe, tiến vào bờ vườn. Trung đội tôi tiến về phía bên trái của đội hình Đại đội. Đang đi tôi bỗng lên tiếng: ”Tất cả tản ra mau, đi túm tụm như vầy dễ ăn đạn lắm!” Không ngờ lời nói của tôi “linh như miễu”. Đạn phát nổ vang trời dậy đất, tôi bị trúng đạn, bật người ngã xuống đất, máu ở đâu chảy xuống mặt tôi thành dòng, tôi ra lịnh bắn trả xối xả, nếu không phía bên kia họ thừa thắng xông lên thì thật là nguy khốn. Súng nổ một chập thì im lặng, lúc đó tôi mới rảnh rờ rẩm khắp người xem mình bị thương nơi đâu. Tôi giật mình kinh ngạc và cảm thấy hết sức lạ lùng, bởi vì tôi bị bắn trúng một lượt 2 viên đạn súng tiểu liên AK, một viên bắn trúng vào đầu mũi súng ngắn tôi nhét trước bụng, viên đạn bể ra văng tứ tán lên mặt lên cánh tay, nên máu tuôn ra thành dòng là vì thế, song phần còn lại của viên đạn chui tọt vào đùi, máu tuôn ra khá nhiều nhưng không nguy hiểm. Viên đạn thứ 2, mới thật là ghê rợn, viên đạn bắn trúng vào cái bóp tôi để trên túi áo trái, ở phía trước trái tim, viên đạn quậy nát cái bóp, tôi để rất nhiều tiền vì mới lãnh lương, tiền và giấy tờ đã cuốn viên đạn lại, nằm yên trong đó, có lẽ viên đạn được bắn ra trong khoảng cách quá gần, làm viên đạn không đủ sức xuyên phá. Lúc đó tôi sợ lắm, bởi vì tôi nghĩ phải có một phép lạ thiêng liêng nào đó đã che chở cho tôi, chứ trên đời này hiếm có ai bị bắn trúng một lượt 2 viên đạn mà còn sống như tôi vậy
Cũng ngay lúc ấy, tôi chợt nghe một tiếng rên yếu ớt của người lính đệ tử của tôi: ”Thiếu Úy ơi! cứu em! “ Tôi nghe xong mà sợ điếng hồn, té ra nãy giờ đệ tử của tôi bị trúng đạn mà tôi không hay biết, bởi vì cỏ cao che khuất nên tôi không thấy anh ta nằm trước mặt, cách tôi chừng dăm ba thước. Thông thường các Sĩ quan Trung đội Trưởng có 2 người lính đệ tử, 2 người này có nhiệm vụ lo chỗ ăn chỗ ngủ và lo mang vác đồ đạc cho ông Thầy. Những người lính đệ tử của tôi thường đối với tôi rất chí tình, họ sẵn sàng sống chết vì tôi mà không hề so đo tính toán. Khi tôi dẫn Trung đội xung trận, 2 người lính này theo sát để bảo vệ cho tôi. Hôm nay, một trong hai người đệ tử đã hứng đạn cho tôi, khi ngã xuống đã kêu lên lời cầu cứu đến tôi. Ít lâu sau thì anh ta chết, tiếng kêu thảm sầu của anh ta đã xoáy vào lòng tôi, và ở yên trong đó từ ngày ấy cho đến bây giờ. Vậy mà 37 năm đã trôi qua, tôi chưa có một lần nào về đứng trước mộ anh, để đốt một nén nhang nói lời cảm tạ. Anh ta là Hạ sĩ Nguyễn Văn Đồng, một cái tên vừa bình thường vừa vô danh, nằm lẫn khuất đâu đó trong một triệu người đã nằm xuống trong cuộc chiến tranh tức tưởi này.
Sau khi tôi bị thương, tôi giao Trung đội lại cho Trung đội phó là Chuẩn Úy Nguyễn Thọ Tường. Tôi ra ngoài, leo lên xe Thiết giáp ngồi nghĩ và ngó vào trận địa, tôi chợt thấy Chuẩn Úy Tường dàn đội hình hàng ngang xung phong vô mục tiêu, tôi kêu lên thảng thốt: ”Đừng làm thế, Tường ơi! “. Sau đó, Trung đội tôi bị bắn tan tác, Chuẩn Úy Tường bị trúng đạn chết tại mặt trận, mắt vẫn mở thao láo, có lẽ anh ta không biết sao mình lại chết như vầy. Trung đội tôi coi như tan hàng xóa sổ. “Tường ơi! Vĩnh Biệt!”
Không biết sao đại đội tôi đóng quân bên bờ Rạch Cái Cái rất lâu. Rồi tới ngày Mùa Nước Nổi kéo về, nước chảy ào ào một chiều duy nhất, không có cảnh nước ròng nước lớn gì nữa hết. Nước mỗi ngày dâng cao cả gang tay, đến lúc này đây mới thấy lúa sạ là một loại lúa kỳ diệu, nước dâng tới đâu thì lúa dâng tới đó, nước sâu 5-6 mét thì cây lúa cũng dài nhằng ra 5-6 mét, tôi chưa nơi nào cây lúa lại kỳ dị như vậy. Rồi đến lượt cá Linh tràn về, cá nhiều đến nỗi không biết cơ man nào kể cho xiết, có khi tôi thấy cá Linh nổi lềnh lên cả một khúc sông, và kỳ lạ một điều nữa là người dân ở đây thà ăn mắm ăn muối chớ họ không ăn cá linh, họ nói họ thấy cá Linh cả đời nên tự nhiên họ đâm ngán tới cổ. Ô! nước cứ dâng lên mãi, khiến chúng tôi kiếm chổ đóng quân khá vất vả, chúng tôi rút lên gò thì rắn với chuột cũng kéo lên gò, ban đêm chúng cứ bò xục xạo trong mùng chúng tôi trông thật ghê khiếp. Cả đơn vị phải chẻ nhỏ ra thành từng toán. Vào hôm đó toán của thầy trò chúng tôi đi tới một cái gò còn khô ráo.
Đêm đó như thường lệ tôi ngủ dưới một mái lều, tới nửa đêm tôi đang ngủ mê mệt, thì cảm thấy có ai đang khều khều đầu mình. Ở chốn trận tiền ai ngủ cũng phải thật nhạy thức, tôi cũng vậy, tôi tưởng lính gác báo động nên vội ngồi dậy ngay. Tôi ngó ra ngoài lều thì thấy dưới bóng trăng sáng vắng vặc một em bé gái khoảng 13-14 tuổi đứng nhìn tôi và mỉm cười thật tươi tắn. Tôi trố mắt nhìn ngẩn ngơ một hồi rồi mới biết đó là hồn ma, tôi sợ quá vội vàng nằm xuống kéo mền trùm kín đầu. Sáng hôm sau, tôi thấy chỗ tôi ngủ nằm kề bên 1 cái bàn thờ bằng gỗ xiêu vẹo mục nát. Tôi bèn rảo bước vào xóm để hỏi thăm về cái gò này, được người dân cho biết, trước kia có một em bé nhà nghèo lắm, hàng ngày chèo xuồng ra đồng nhổ bông súng, đem vô xóm bán dạo. Một hôm em cũng chèo ghe ra đồng như hàng ngày, sau đó súng đạn nổ ran, em bị đạn lạc chết trên gò, em chết trẻ hồn thiêng không siêu thoát, đêm đêm hiện về khóc lóc thảm thiết, dân làng thấy vậy bèn làm cho em một cái bàn thờ gỗ để nhang khói cho em. Câu chuyện thật tội nghiệp. Ở nơi chốn tên bay đạn lạc này,đời sống người dân khốn khổ không sao kể xiết,nếu họ muốn đi đến một nơi chốn an lành khác, họ cũng không biết đi đâu, mà nếu có đi cũng không biết lấy gì mà sống.
Trong đời lính của tôi, tôi sợ nhất là phải đi báo tin tử trận hoặc thăm viếng những gia đình có người thân chết trận, vậy mà có một lần tôi đã phải làm chuyện này một cách bất đắc dĩ. Chuẩn Úy Nguyễn Mạnh Hà ra trường sau tôi khoảng một năm, lúc đó anh ta mới 19 tuổi, còn đặc sệt nét con nít. Tôi nhớ hồi tôi mới ra trường trông đã rất chán, anh chàng này trông còn chán hơn tôi nữa. Mặt của Hà còn đầy mụn trứng cá, suốt ngày chỉ thích ngậm kẹo, có ai rủ nhậu, nể lắm anh ta mới uống, vừa uống vừa chắc lưỡi hít hà như uống thuốc độc. Điều đặc biệt nhất của Hà là anh ta rất sợ tiếng nổ, khi nghe súng nổ anh ta nhắm chặt mắt, bịt kín lỗ tai, và mặt mày thì tái mét. Anh ta về làm Phó cho tôi, làm giọng “chảnh”, tôi hỏi anh ta một cách xách mé: “Sao ông nhát như vậy mà xin về Trinh Sát”. Anh ta bèn phân trần, anh ta đâu có xin xỏ gì đâu. Ban Quân số thấy không có ai tình nguyện nên chỉ định bừa, dè đâu trúng ngay anh ta. Khi đụng trận tôi lo cuống cuồng đủ mọi chuyện, còn phải để ý đến anh ta nữa chứ, anh ta có biết gì đâu, thiệt khổ. Càng về sau các Sĩ quan rơi rụng dần dần, C/U Hà cũng được đưa lên làm Trung đội trưởng. Cái ngày định mệnh dành cho Hà là tại mặt trận Mộc Hóa. Cả đại đội được lịnh tấn công vào mục tiêu. Trung đội của Hà và một trung đội nữa vỗ vào mặt chính diện, trung đội tôi thọc vào bên cạnh sườn. Hà dẫn tổ đại liên chạy đến ẩn nấp vào một gò mả bằng đá ong, ngay lúc ấy phía bên kia phóng ra 1 trái hỏa tiển B40, trúng ngay gò mả, viên đạn nổ tạt ra trúng ngay vào người Hà. Tội nghiệp Hà chết không toàn thây. Lúc Hà còn sống, mỗi khi tôi về phép, Hà thường nhờ tôi ghé qua nhà Hà ở Sài gòn, để mang dùm quà của gia đình xuống cho Hà, vì thế tôi khá thân thuộc với gia đình của anh ta. Hà mất được chừng một tháng, thì tôi xin được cái phép 6 ngày về thăm gia đình. Tôi bèn ghé qua nhà Hà nhằm nói lời chia buồn với gia đính anh ta. Tôi vừa tới, Ba Má của Hà chạy ùa ra nắm lấy tay tôi, rồi hỏi dồn dập:
– Sao cái hôm em Hà nó chết, mà cháu lại không về đưa đám tang em?.
Tôi lúng túng trả lời:
– Thưa, lúc đó chúng cháu đánh nhau tưng bừng, làm sao cháu bỏ đơn vị mà về cho được.
Thế là vừa ngồi xuống ghế, hai ông bà khóc ngất ngất, lúc đầu ông bà còn lấy tay lau nước mắt, lúc sau thì để mặc, nước mắt tuôn ra xối xả làm ướt đầm cả ngực áo. Tôi kinh hoàng ngồi chết điếng, tôi chưa bao giờ gặp phải một trường hợp bi thương tột độ đến như vậy. Ông bà vừa khóc vừa kể lể tiếc thương cho đứa con không sao kể xiết. Cha mẹ nào có con ra mặt trận, coi như đã chết nửa linh hồn, đêm ngày sống trong hốt hoảng lo âu, mong ngóng con mình, mãi về sau tôi mới nghiệm ra được điều này. Nghe ông bà than khóc một hồi, tôi không chịu đựng nổi nữa và tôi cũng không nói một lời phân ưu gì nữa hết, bởi vì lời nói nào cho đủ trước một mất mát quá lớn lao này. Rồi tôi nghĩ đến tôi, đến Ba Mẹ tôi, trong lòng tôi bỗng xộc lên một nỗi buồn khủng khiếp. Tôi lảo đảo đứng dậy từ giã hai ông bà để ra về. Trên đường về tôi ghé vào một quán cóc, ngồi uống rượu một mình, tôi buồn lắm. Tối hôm đó tôi về đến nhà khá muộn, cả nhà chờ cơm tôi quá lâu nên đã dùng trước. Tôi ngồi vào bàn, Mẹ tôi bày thức ăn la liệt trên bàn cho tôi ăn. Vừa ăn tôi vừa nghĩ, mai kia nếu mình có chết, Mẹ cũng bày đồ cúng cho mình như thế này đây. Tôi chợt nhớ đến khuôn mặt đầm đìa nước mắt của cha mẹ Hà, lúc đó bỗng nhiên tôi thương Ba Mẹ tôi vô cùng. Tôi vừa ăn vừa lặng lẽ chảy nước mắt.
Cuối cùng vào tháng 2 năm 75, tôi bị thương một lần nữa tại mặt trận Mộc Hóa. Tôi được đưa về điều trị tại Bịnh xá Tiểu đoàn 9 Quân Y tại Vĩnh Long. Tại Bịnh xá, tôi theo dõi tình hình chiến sự trên cả nước, khi mất Ban Mê Thuột, tôi linh cảm có điều gì đó không lành. Đến ngày 30-4-75, khi nghe lịnh buông súng đầu hàng, trong lòng tôi nát bấy. Sáng ngày 1-5, tôi bước ra khỏi Bịnh xá, đứng trên Quốc lộ 4, tôi nhìn về hướng Cần Thơ, thấy mặt trời lên đỏ rực, báo hiệu một ngày mới. Lúc đó tôi không hề biết rằng, đó là cái ngày đầu tiên của một hành trình bi thảm khác, có tên gọi là “Mạt Lộ”.
Bài viết này của tôi sao buồn quá, nhưng biết làm sao được, bởi vì đó là sự thật, cho tôi viết một lần này thôi, như nhớ về một kỷ niệm, một kỷ niệm rưng rưng.
NĐC
Source Internet.
Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016
TRƯỜNG XUÂN - TRƯỜNG XUÂN
Giao Chỉ - San Jose
Tàu Trường Xuân.
Tháng 4 năm 1975-Saigon / “ Một con tàu ngơ ngác ra khơi ” (Nam Lộc) / Một thuyền trưởng tuyệt vọng / Gần 4 ngàn hành khách của định mệnh / Cuộc hành trình không bờ bến / Vỏn vẹn 3 ngày hải hành trôi nổi / Hai người tự tử thủy táng / Hai đứa trẻ ra đời / Con tàu kéo Song An, cứu tinh số 1 / Thương thuyền nhân đạo Đan Mạch, cứu tinh số 2 / Sau cùng, tàu Trường Xuân không chìm được kéo về Hồng Kông với thi hài của người khách cuối cùng: Đại tá Wong A Sáng, sư đoàn 5 bộ binh / Câu chuyện 40 năm trước được kể lại vào dịp ghi dấu 40 năm sau (1975-2015 ). / Và giới thiệu người con gái của biển Đông: Chiêu Anh. (Shining Light).Chuyện này tôi kể đi kể lại. 10 năm trước. 5 năm trước và bây giờ. Trăm năm sau biết ai còn kể lại...* * *
Có con tầu nằm trên bến đỗ...
Ngày xưa tại Việt Nam gần như chỉ có 1 hãng thương thuyền hàng hải lớn nhất là Vishipcoline của chủ nhân Trần đình Trường. Ông Trường là nhà tư bản có nhiều tài sản và hotel tại Nữu Ước. Ông qua đời và dường như sắp giỗ lần thứ ba...
Thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy.
Một trong các thương thuyền của hãng là tàu Trường Xuân, vị thuyền trưởng lúc đó là ông Phạm Ngọc Lũy. Ông Lũy sinh quán tại Nam Định, ra đời năm 1919. Vào tháng 5-1975 thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy đã có 30 năm kinh nghiệm hàng hải.
Ngày 26 tháng 4 năm 1975, Trường Xuân đã xuống hàng hoàn tất chuẩn bị chở sắt vụn đi Manila. Một chuyến đi vô thưởng vô phạt. Thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy lúc đó 56 tuổi, Bắc kỳ di cư, quyết không ở lại sống với cộng sản. Ông tìm đường ra đi bằng mọi giá. Ông ước mong dùng được Trường Xuân chở đồng bào tỵ nạn. Trên đống sắt vụn của Trường Xuân lần này phải là sinh mệnh của những con người. Ông cần có thủy thủ đoàn và ông cần cả hành khách. Trải qua bao nhiêu là gian nan phức tạp vào tuần lễ cuối cùng của cái tháng 4 đen oan nghiệt. Sau cùng tới 29 tháng 4-1975 thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy viết lên tàu hàng chữ định mệnh. Tàu Trường Xuân khởi hành 12 giờ trưa 30/4/75.
Thông thường thủy thủ đoàn gần 30 người nhưng ông chỉ có vỏn vẹn 5 người. Có lẽ ông cần chừng 300 hay 400 hành khách, nhưng chưa có người nào. Con tàu Trường Xuân ngủ yên trên bến Saigon giữa đêm 29 rạng ngày 30 tháng 4-1975.
Saigon hấp hối
Tại Saigon mặt trận Long Khánh đã tan vỡ, tất cả 3 quân khu đều nằm trong tay giặc. Chỉ còn miền tây vẫn yên tĩnh. Sáu sư đoàn cộng quân 3 mặt tiến về Saigon. Các đơn vị pháo của Bắc quân đã chuẩn bị trận địa pháo vào thủ đô. Các tiền sát viên chỉ điểm cộng sản đã có mặt tại các vị trí quân sự.
Phi cơ trực thăng Hoa Kỳ đang bay di tản những phi vụ cuối cùng. Nội các mới của Việt Nam Cộng Hòa họp bàn về việc bỏ súng và bàn giao. Đài phát thanh Saigon chuẩn bị đọc những lời tuyên bố đau thương của tổng thống Dương văn Minh gửi người anh em phía bên kia, xin mời vào nói chuyện. Thủ tướng Vũ văn Mẫu kêu gọi người anh em đồng minh Hoa Kỳ phía bên này, xin vui lòng ra đi.
Giữa mùa hè chói chang, radio của quân đội Hoa Kỳ chơi bài Tuyết Trắng, một ám hiệu kêu gọi ra đi lúc trái gió trở trời. Đài quân đội Việt Nam Cộng Hòa hát nhạc quân hành trong tuyệt vọng. Đó là Saigon của đêm 29 rạng ngày 30 tháng 4-1975. Con tầu Trường Xuân bụng đầy sắt vụn vẫn nằm ngủ yên trên bến sông Khánh Hội. Lửa bắt đầu bốc cháy bên kho đạn Thành Tuy Hạ.
Cô gái thuyền nhân trong bụng mẹ
Cũng vào cái tuần lễ sau cùng của tháng 4 nghiệt ngã đó, có bà sản phụ vào nhà thương ngày 27/4/1975 để chuẩn bị sanh đứa con thứ hai. Bà dược sĩ trẻ tuổi có mang 9 tháng 10 ngày. Đứa bé sẽ ra đời bất cứ lúc nào. Bây giờ tính sao đây. Xin mổ để sanh sớm rồi chạy, hay là tìm đường chạy rồi muốn ra sao thì ra. Chợt có được giấy phép di tản bèn bỏ nhà thương vào tòa đại sứ Mỹ. Nhưng rồi máy bay chuyến cuối cùng không trở lại. Cộng sản vào đến cửa ngõ Saigon. Gia đình bà tìm đường xuống Khánh Hội. Tìm ghe chạy ra tàu Trường Xuân sáng 30 tháng 4-75. Bà bầu cùng gia đình, mẹ già, con trai nhỏ 2 tuổi leo giây lên Trường Xuân.
40 năm nhìn lại
Kể từ tháng 4-75 cho đến tháng 4-2015 chúng ta có 40 năm nhìn lại. Nhưng 5 năm trước chúng tôi đã chọn nhiều nhân vật hay sự kiện để giới thiệu. Trên sân khấu CPA của San Jose tháng 5-2010, người đầu tiên được giới thiệu sẽ là cô Chiêu Anh, Shining Light.
Cô sẽ hiện diện với thân mẫu từ Canada, với bác thuyền trưởng Phạm ngọc Lũy 91 tuổi, với hình ảnh của Trường Xuân, của Song An, và của con tàu Đan Mạch.
Khởi đầu từ năm 75 trở đi, qua 76, 77 cho đến 2009 và 2010. Lịch sử giở lại từng trang. Bi thảm, hào hùng, tuyệt vọng và hy vọng. Nhưng mở đầu vẫn là chuyến hải hành ngắn ngủi nhưng hết sức đặc thù. Bây giờ lại nhắc lại. Mãi mãi không quên
Chuyến đi của Trường Xuân
Tháng 11/1974, tàu Trường Xuân ra Hòn Khói lấy muối để chở đi Singapore. Gió Đông Bắc thổi mạnh, lùa từng cơn gió giật vào vịnh, khiến những ghe nhỏ không thể cặp vào tầu để vợi muối. Số muối dự định chở sang Singapore phải bỏ lại đến 1 phần 3.
Tàu Trường Xuân rời Việt Nam đang lúc tình hình chiến sự nghiêm trọng. Giao kèo chuyên chở hàng hóa trong vùng Đông Nam Á đến hết tháng 6/75 mới có thể trở về Việt Nam. Tôi thật sự lo lắng miền Nam không thể đứng vững, vì đồng minh đã bỏ chạy, còn Bắc quân có cả một hậu phương rộng lớn: Trung Cộng và các nước trong khối Liên Xô.
Trường Xuân đến Singapore, ghé Bangkok, rồi đi Phi Luật Tân... Hết Cebu đến Manila, qua Ternate Nam Dương rồi đến Balik Papan thuộc Borneo.Trong khi đó coi trên TV thấy tình hình đất nước ngày một khẩn trương. Qua đài BBC, VOA, hết Quảng Trị, Đà Nẵng, Qui Nhơn, đến Nha Trang, miền Cao Nguyên Trung Phần rơi vào tay Cộng Sản. Quân đội miền Nam tiếp tục di tản, cảnh dân chạy loạn thật hỗn loạn, bi thảm. Những sà lan, những ghe thuyền chở đồng bào tị nạn từ miền Trung trôi dạt ngoài biển, không lương thực, không nước uống.
Hình ảnh những bao rác đựng xác trẻ con đem từ các sà lan xếp thành hàng dài ngoài bãi biển Vũng Tàu cùng những hình ảnh bầy trẻ lạc cha mẹ trong các trại tị nạn đã gây nhiều bàng hoàng và xúc động mãnh liêt.
Tôi không phải là một sĩ quan trong quân đội cầm súng chống quân thù. Tôi là một nhà hàng hải, có thể giúp được gì cho Quê Hương, cho đồng bào trong cảnh khói lửa điêu linh này? Tôi rất muốn được giúp đồng bào tôi, được cùng chia xẻ với đồng bào trong giờ phút đau thương này. Ngồi trên con tàu cách xa quê hương ngàn dặm mà lòng tôi bồn chồn như lửa đốt...
Tôi cố hồi tưởng và viết lại những sự kiện đã giúp cho 3628 đồng bào chúng tôi bất chấp hiểm nguy, cùng nhau vượt biển khơi để tránh khỏi rơi vào tay Cộng Sản và đi tìm Tự Do. Sau đây là diễn tiến của nhiều việc đã đưa đến chuyến đi định mệnh của tàu Trường Xuân. Những sự kiện mà sau này lúc ngẫm nghĩ lại thì tôi thấy dường như đã được sắp đặt một cách huyền diệu để đưa tàu Trường Xuân ra khơi, để thử thách mọi người trên tàu phải phấn đấu để đạt được niềm ước vọng quí giá là hai chữ Tự Do.
Bến Kho 5, Khánh Hội, Saigon, 30/4/1975
Tàu Trường Xuân rời bến Kho Năm, Khánh Hội, Saigon hồi 1 giờ 25 phút trưa ngày 30/4/1975 sau khi Tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, và quân Cộng sản tiến chiếm Saigon hồi 10 giờ sáng...Diễn tiến lịch trình của Trường Xuân như sau.
(1) Ngày 3/4/75, đài phát thanh Úc loan tin: “Quân đội Cộng sản còn cách Thủ đô Saigòn 60 cây số và đang tiến về Thủ đô không gặp sự kháng cự nào.” Tàu cặp bến Pare Pare, tôi loan tin trên cho thủy thủ đoàn. Tất cả đều muốn về với gia đình. Tàu Trường Xuân quyết định chỉ ghé Singapore lấy hàng rồi quay trở về Saigon.
(2) Lúc ghé Singapore, Cơ khí trưởng tàu Trường Xuân đi phố chơi, ăn nhậu say, khi về đến cổng thương cảng thì bị vấp ngã, bị thương ở đầu bất tỉnh nhân sự. Cảnh sát phải chở đi nhà thương điều trị. Tàu Trường Xuân về đến Saigon, Cơ khí trưởng xin tạm nghỉ việc để điều trị vết thương. Vị Cơ khí trưởng này thường phát biểu ý tưởng có nhiều thiện cảm với phe bên kia cho nên tôi nghĩ rằng nếu anh ta không gặp tai nạn thì đến ngày 30/4 chưa chắc anh ta đã chịu xuống tàu để di tản và đến giờ phút cuối cùng thì không dễ gì tìm được một người Cơ khí trưởng.
(3) Tàu Trường Xuân về đến Saigon ngày 17/4/75, cặp bến Thương cảng Khánh Hội gặp nước ròng nên tàu cặp bến quay lái (phía sau tàu) ra biển. Tàu đã đến hạn lên ụ để tu sửa đại kỳ hàng năm. Vì công xưởng hải quân bận việc nên tàu chỉ tu sửa những bộ phận cần thiết ngay tại bến thay vì nằm ụ cả tháng trời. Tàu lấy hàng 300 tấn sắt vụn, lấy 80 tấn dầu, 100 tấn nước ngọt và 10 bao gạo để chuẩn bị đi Manila. Tàu có thể khởi hành ngày 24/4/75 nhưng tôi nấn ná chưa khởi hành vì tình hình đất nước mỗi ngày một nghiêm trọng...
(4) Tôi xin Công Ty Vishipco tuyển dụng Cơ khí trưởng Lê Hồng Phi. Mãi đến sáng ngày 29/4/75 Công Ty mới chấp thuận cho Cơ khí trưởng Phi nhận việc.
(5) 5 giờ chiều ngày 29/4/75, tôi xuống tàu không gặp Cơ khí trưởng Phi, và sĩ quan phụ tá cho biết là Phi đã về nhà đưa gia đình ra bến thương cảng để cùng di tản. Tôi dùng phấn viết lệnh rời bến lên bảng đen cho thủy thủ đoàn: “Tàu rời bến ngày 30/4/75 hồi 11:30 sáng.”
(6) 6 giờ sáng 30/4/75, Trần Khắc Thuyên chở tôi ra tàu cùng với Phạm Trúc Lâm. Đường sang thương cảng Khánh Hội bị chắn nhiều khu phố. Sau khi quan sát tàu, Thuyên đưa tôi về nhà để hướng dẫn hai xe GMC chở khoảng 200 người gồm gia đình, thân nhân và bà con lối xóm, ra thương cảng...
(7) Bình thường trước khi tàu khởi hành, sĩ quan phụ tá phải cho thử tay lái trên đài chỉ huy để bảo đảm chạy tốt, và chính tôi cũng thân hành tự kiểm soát lại. Tuy nhiên sáng 30/4/75, tôi nhớ là đã tự nhủ phải đi kiểm soát lại tay lái xem có gì trục trặc không, nhưng tôi lại quyết định không thử tay lái vì bụng bảo dạ: “Giờ này mà còn đi lo những việc nhỏ... Cộng quân đã tiến vào Saigon rồi... Việc thử tay lái đã có sĩ quan phụ tá lo...” Rồi tôi lại tự trách sao lại đi lo những chuyện không đáng lo. Và thực ra không hiểu vì sao chính sĩ quan phụ tá lần đó cũng quên thử tay lái trước khi nhổ neo, vì nếu được biết trước tay lái đã bị hỏng hay bị phá hoại thì tôi đã không dám cho tàu rời bến.
(8) 9 giờ sáng 30/4/75, Sĩ quan Vô tuyến điện Nguyễn Văn Diệt yêu cầu tôi ra cổng thương cảng để can thiệp với nhân viên cảnh sát gác cổng cho gia đình anh vào trong lên tàu để di tản. Ra đến cổng thì thấy đồng bào chạy nhớn nhác như một đại nạn đang ập đến. Không thấy gia đình, Diệt xin nghỉ ở lại tìm gia đình... Một thủy thủ đoàn tối thiểu phải có Thuyền Trưởng, Cơ khí trưởng và Sĩ quan Vô tuyến, nhưng bây giờ Sĩ quan Vô tuyến đã xin ở lại. Tôi đành phải chấp thuận vì biết dù có ra lệnh buộc anh phải đi cũng chẳng được... (Ba năm sau anh Diệt di tản bằng thuyền, định cư ở vùng Virginia. Sau bị tai nạn xe cộ đã mất.)
Tôi buồn bã trở về tàu, trong lòng hoang mang lo ngại vì không biết tìm đâu ra một Sĩ quan Vô tuyến điện trong giờ phút này. Vừa về đến tàu thì gặp anh Nguyễn Ngọc Thanh, Sĩ quan Vô tuyến điện của một tàu khác đến xin nhận việc. Tôi mừng rỡ nhận lời ngay và thầm cảm ơn Trời Phật sao đã khéo léo xếp đặt. (Anh Nguyễn Ngọc Thanh đã mất tại Pháp quốc.)
(9) Khoảng 12 giờ trưa 30/4/75 , dân cũng như quân ào ào đổ xuống tàu. Cầu thang để leo lên tàu đã bị gãy. Cơ khí trưởng Phi báo tin tàu có thể khởi hành và tôi ra lệnh khởi hành. Vừa mở giây buộc cho tàu tiến nhẹ, bẻ nhẹ tay lái sang phải, tàu chạy thẳng. Tay lái không ăn! Tàu ngừng chạy, cặp lại bến. Tôi mới nhận ra là tay lái đã bị hỏng. Hệ thống tay lái dùng dầu ép để điều khiển bánh lái, nhưng sau được biết hệ thống điều khiển bánh lái đã bị kẻ nào phá hoại trút dầu ra và cho nước vào. Thật là một sự kiện kinh hoàng đến choáng óc. Tôi đã thoáng nghĩ đến việc hủy bỏ chuyến đi... Cơ khí trưởng sau khi xem xét lại hệ thống lái, cho biết tay lái phòng hờ còn xử dụng được. Trong suốt cuộc đời làm Thuyền trưởng tôi chưa bao giờ phải xử dụng tay lái phòng hờ, mà bây giờ lại không có lấy được một người thủy thủ biết lái. Chưa biết đối phó với tình huống nan giải thì một người đứng gần đó tự nguyện nhận điều khiển tay lái phụ...
(10) Khoảng 13 giờ, (1 giờ chiều 30 tháng tư-75) nước bắt đầu lớn - thủy triều lên. Tôi cho mở giây ở phía lái tàu để tàu tự động xoay 180 độ trên sông, hướng mũi ra khơi... Ngay lúc tàu vừa rời bến, một cơn gió nhẹ thổi từ bờ đẩy tầu ra giữa sông. 13 giờ 25 tàu khởi hành. Từ đài chỉ huy, tôi ra lệnh lái tàu qua một ống loa dài chừng 20 thước dẫn đến người bẻ bánh lái ngồi trong một cái chòi ở phía sau tàu. Lúc đầu tôi ra lệnh sang phải 10 độ thì tàu lại hướng sang phía trái. Tôi chợt nhận ra ngay là núm điều khiển tay lái phụ chỉ ngược chiều với hướng tàu chạy. Bắt đầu từ đó, muốn tàu sang bên phải thì tôi lại ra lệnh ngược lại. Cứ thế mà đi trên sông.
(11) Đến khúc sông rộng, tàu đang chạy ngon trớn, bỗng Cơ khí trưởng hét lên qua ống loa: “Thuyền trưởng cho bỏ neo ngay! Phải ngừng máy đèn!” Ai bỏ neo bây giờ? Bỏ neo rồi làm sao kéo neo lên? Máy tàu ngưng, tàu vẫn chạy ngon trớn.
Đầu óc rối như tơ vò! Nhưng lúc này cần phải bình tĩnh, không thể làm một quyết định sai lầm. Tôi biết rằng không thể bỏ neo ngay lúc này khi máy trên tàu bị hỏng và sẽ không dùng máy để kéo neo lên được. Cũng không thể để tàu chết máy nằm dọc bờ sông vì khi nước triều xuống thì tàu sẽ mắc cạn và tầu sẽ lật nghiêng. Cách còn lại duy nhất mà tàu có thể tự cứu vãn là tìm cách cho tàu lên cạn, mũi ghếch lên bờ, chân vịt chìm dưới nước. Chờ máy sửa xong thì tàu sẽ tự rút ra được. Chiều xuống, tàu vẫn đâm mũi vào bờ chờ sửa máy. Hỏa châu của Cộng sản mừng thắng trận nổ vang rền, sáng rực khu Rừng Sát. Tàu không thể rút ra được vì không còn hơi ép cho nổ máy. Cái nguy căn bản nhất là không còn hơi ép để cho chạy máy đèn. Máy đèn chạy mới có thể có hơi ép làm nổ máy cái. Cơ khí trưởng Phi cho biết nhân viên châm dầu đã tự ý khóa hệ thống làm nguội máy đèn... Đây có thể là một hành động vô ý thức hay là phá hoại, nhưng tôi nghĩ bây giờ không phải là lúc xét xử và điều tra mà phải làm sao cứu vãn được con tàu.
Tàu Clara Maersk và Trường Xuân
(15) Nhờ có Sĩ quan Vô tuyến gửi đi những tiếng kêu cầu cứu nên con tàu thiên thần Clara Maersk (Đan Mạch) đã đến cứu và đưa chúng ta đến bến bờ Tự Do.
(16) Ngày 2/5/75, khi tất cả mọi người đã được chuyển sang tàu Clara Maersk an toàn thì một người từ phòng máy đi lên, thấy tôi vẫn đứng một mình trên đài chỉ huy.
Lòng tôi vẫn luyến tiếc con tàu đã cứu bao nhiêu đồng bào và gia đình mặc dù họ đã phải trải qua những hoàn cảnh cực kỳ nguy hiểm. Thân hữu này nhìn tôi với cặp mắt thật buồn rồi nói: “Tôi vừa ở phòng máy lên, phòng máy đã ngập nước. Thuyền trưởng phải rời tàu ngay.” Nói xong anh lặng lẽ bước sang tàu Clara Maersk. Tôi đã đi nhiều nơi và gặp nhiều thân hữu Trường Xuân, có để ý tìm gặp vị thân hữu này nhưng vẫn chưa tìm ra.
(17) Hội Ngộ Trường Xuân 30 năm ở Houston vào đúng ngày 30/4/2005, tôi đã gặp Đại Úy Cơ khí trưởng Nguyễn Thế Phiệt, người đã tự nguyện xử dụng tay lái phụ.
(18)Ngày 12/6/2006, tôi được gặp lại Trưởng Ban Lực Lượng Đặc Biệt Bùi Đăng Sự đi trên chiếc tàu Hải Quân nhỏ từ Saigon chạy ra. Anh đã bắn phát súng thị uy bằng súng phóng lựu M79, nên tàu Song An đã quay lại đưa 3628 người chúng ta ra khơi. Anh Sự và một số người trên tàu Hải quân đã lên tàu Trường Xuân trong lúc tàu Song An buộc dây kéo tàu Trường Xuân ra khỏi cạn.
(19) 40 năm đã trôi qua mà hình ảnh và diễn tiến chuyến đi định mệnh của tàu Trường Xuân vẫn còn in rõ trong tâm trí tôi. Những sự kiện dường như đã được tiền định để cho tất cả chúng ta cùng gặp nhau trên con tàu để phải cùng phấn đấu và cùng đến được bến Tự Do.
Phạm Ngọc Lũy
Tàu Trường Xuân.
Tháng 4 năm 1975-Saigon / “ Một con tàu ngơ ngác ra khơi ” (Nam Lộc) / Một thuyền trưởng tuyệt vọng / Gần 4 ngàn hành khách của định mệnh / Cuộc hành trình không bờ bến / Vỏn vẹn 3 ngày hải hành trôi nổi / Hai người tự tử thủy táng / Hai đứa trẻ ra đời / Con tàu kéo Song An, cứu tinh số 1 / Thương thuyền nhân đạo Đan Mạch, cứu tinh số 2 / Sau cùng, tàu Trường Xuân không chìm được kéo về Hồng Kông với thi hài của người khách cuối cùng: Đại tá Wong A Sáng, sư đoàn 5 bộ binh / Câu chuyện 40 năm trước được kể lại vào dịp ghi dấu 40 năm sau (1975-2015 ). / Và giới thiệu người con gái của biển Đông: Chiêu Anh. (Shining Light).Chuyện này tôi kể đi kể lại. 10 năm trước. 5 năm trước và bây giờ. Trăm năm sau biết ai còn kể lại...* * *
Có con tầu nằm trên bến đỗ...
Ngày xưa tại Việt Nam gần như chỉ có 1 hãng thương thuyền hàng hải lớn nhất là Vishipcoline của chủ nhân Trần đình Trường. Ông Trường là nhà tư bản có nhiều tài sản và hotel tại Nữu Ước. Ông qua đời và dường như sắp giỗ lần thứ ba...
Thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy.
Một trong các thương thuyền của hãng là tàu Trường Xuân, vị thuyền trưởng lúc đó là ông Phạm Ngọc Lũy. Ông Lũy sinh quán tại Nam Định, ra đời năm 1919. Vào tháng 5-1975 thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy đã có 30 năm kinh nghiệm hàng hải.
Ngày 26 tháng 4 năm 1975, Trường Xuân đã xuống hàng hoàn tất chuẩn bị chở sắt vụn đi Manila. Một chuyến đi vô thưởng vô phạt. Thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy lúc đó 56 tuổi, Bắc kỳ di cư, quyết không ở lại sống với cộng sản. Ông tìm đường ra đi bằng mọi giá. Ông ước mong dùng được Trường Xuân chở đồng bào tỵ nạn. Trên đống sắt vụn của Trường Xuân lần này phải là sinh mệnh của những con người. Ông cần có thủy thủ đoàn và ông cần cả hành khách. Trải qua bao nhiêu là gian nan phức tạp vào tuần lễ cuối cùng của cái tháng 4 đen oan nghiệt. Sau cùng tới 29 tháng 4-1975 thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy viết lên tàu hàng chữ định mệnh. Tàu Trường Xuân khởi hành 12 giờ trưa 30/4/75.
Thông thường thủy thủ đoàn gần 30 người nhưng ông chỉ có vỏn vẹn 5 người. Có lẽ ông cần chừng 300 hay 400 hành khách, nhưng chưa có người nào. Con tàu Trường Xuân ngủ yên trên bến Saigon giữa đêm 29 rạng ngày 30 tháng 4-1975.
Saigon hấp hối
Tại Saigon mặt trận Long Khánh đã tan vỡ, tất cả 3 quân khu đều nằm trong tay giặc. Chỉ còn miền tây vẫn yên tĩnh. Sáu sư đoàn cộng quân 3 mặt tiến về Saigon. Các đơn vị pháo của Bắc quân đã chuẩn bị trận địa pháo vào thủ đô. Các tiền sát viên chỉ điểm cộng sản đã có mặt tại các vị trí quân sự.
Phi cơ trực thăng Hoa Kỳ đang bay di tản những phi vụ cuối cùng. Nội các mới của Việt Nam Cộng Hòa họp bàn về việc bỏ súng và bàn giao. Đài phát thanh Saigon chuẩn bị đọc những lời tuyên bố đau thương của tổng thống Dương văn Minh gửi người anh em phía bên kia, xin mời vào nói chuyện. Thủ tướng Vũ văn Mẫu kêu gọi người anh em đồng minh Hoa Kỳ phía bên này, xin vui lòng ra đi.
Giữa mùa hè chói chang, radio của quân đội Hoa Kỳ chơi bài Tuyết Trắng, một ám hiệu kêu gọi ra đi lúc trái gió trở trời. Đài quân đội Việt Nam Cộng Hòa hát nhạc quân hành trong tuyệt vọng. Đó là Saigon của đêm 29 rạng ngày 30 tháng 4-1975. Con tầu Trường Xuân bụng đầy sắt vụn vẫn nằm ngủ yên trên bến sông Khánh Hội. Lửa bắt đầu bốc cháy bên kho đạn Thành Tuy Hạ.
Cô gái thuyền nhân trong bụng mẹ
Cũng vào cái tuần lễ sau cùng của tháng 4 nghiệt ngã đó, có bà sản phụ vào nhà thương ngày 27/4/1975 để chuẩn bị sanh đứa con thứ hai. Bà dược sĩ trẻ tuổi có mang 9 tháng 10 ngày. Đứa bé sẽ ra đời bất cứ lúc nào. Bây giờ tính sao đây. Xin mổ để sanh sớm rồi chạy, hay là tìm đường chạy rồi muốn ra sao thì ra. Chợt có được giấy phép di tản bèn bỏ nhà thương vào tòa đại sứ Mỹ. Nhưng rồi máy bay chuyến cuối cùng không trở lại. Cộng sản vào đến cửa ngõ Saigon. Gia đình bà tìm đường xuống Khánh Hội. Tìm ghe chạy ra tàu Trường Xuân sáng 30 tháng 4-75. Bà bầu cùng gia đình, mẹ già, con trai nhỏ 2 tuổi leo giây lên Trường Xuân.
Gia đình bà dược sĩ Saigon, mới ra trường năm 1972 đã thành những người khách không mời của chuyến hải hành vô định trên tàu Trường Xuân, ra đi xế chiều 30 tháng 4-1975.
Đứa bé gái hoài thai từ Saigon tự do, nhưng gan lì nằm trong bụng mẹ hay sợ súng đạn nên không chịu chào đời. Cho đến khi Trường Xuân ra đến hải phận quốc tế. Đứa bé mới chịu ra đời. Đó là câu chuyện 40 năm trước viết lại cho ngày kỷ niệm 40 năm sau. Trở lại với Trường Xuân
Vào chiều 30 tháng 4-1975, con tàu Trường Xuân sau khi đã thành lập xong 1 thủy thủ đoàn tình nguyện và có gần 4,000 hành khách ngẫu nhiên đã lên đường hết sức vất vả trong điều kiện kỹ thuật tồi tệ và bị phá hoại mọi bề. Hành khách không vé của Trường Xuân gồm đủ tất cả hai ba thế hệ Việt Nam Cộng Hòa, mọi thành phần, mọi giai cấp, mọi hoàn cảnh. Đủ cả ba ngành lập, hành và tư pháp. Có mặt sĩ nông công thương binh. Không hề thiếu nam phụ lão ấu. Các nghệ sĩ sáng tác và nghệ sĩ trình diễn. Chuyến hải hành vào chân trời vô định với một ông thuyền trưởng nhân đạo và hết sức kiên định. Những tay phụ tá tình nguyện rất xuất sắc và sau cùng định mệnh đã đưa 3,628 con người đi tìm tự do đến được bến tự do. Thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy đã nói rằng Trường Xuân sẽ không thoát được nếu không có Song An. Song An là ai ? Đây chỉ là tên con tàu kéo nhỏ bé đang trên đường từ Vũng Tàu về cảng Saigon. Anh già Trường Xuân đang mắc cạn bèn túm lấy đứa bé Song An đòi nó kéo. Vậy mà nó kéo được. Ra đến hải phận, cho đến lúc anh già Trường Xuân tự chạy được bác cháu mới chia tay. Lẽ dĩ nhiên câu chuyện hải hành của đêm dài 30 tháng 4-75 không giản dị như thế ! Với lửa cháy ngập trời Thành Tuy Hạ và tiếng súng đuổi theo trên sông Lòng Tào, đêm hôm đó là đêm dài nhất của cuộc đời Trường Xuân. Khi anh già Trường Xuân từ giã cậu bé Song An trên đại dương, khách Trường Xuân góp tiền cho Song An trở về Saigon. Hai, ba bị tiền hàng chục triệu đồng Việt Nam đưa qua. Lái tàu Song An nói 1 câu kỳ diệu “ Thôi ! tiền nhiều quá, đủ rồi. Đừng đưa nữa “.Trong đời chúng ta hiếm khi nào nghe được những lời nói đó. Với tâm tình như vậy, tàu kéo Song An từ giã Trường Xuân. Tiếng còi tạm biệt trên trùng khơi nghe những nghẹn ngào. Có vài hành khách bỏ Trường Xuân nhẩy theo Song An trở về Saigon. Trên 3,600 khách Trường Xuân ngó theo Song An nhỏ dần trên đường trở lại quê hương. Khóe miệng chợt thấy vị mặn. Đây là nước biển sóng đánh bên thành tàu hay là nước mắt biệt ly. Rồi con tàu Trường Xuân chạy 1 mình. Gần 4,000 hành khách. Không đủ nước, không có thức ăn. Máy móc trục trặc. Nước tràn vào khoang tàu. Sắt vụn vô tri dưới hầm tầu. Con người tuyệt vọng ở trên boong.Hai người tự tử được thủy táng. Việt cộng phá hoại chỗ này. Máy tàu hư hỏng chỗ kia. Con tàu vô định có thể sẽ là quan tài nổi. Một hỏa diệm sơn chưa nổ. Các tin tức bi quan được lệnh của thuyền trưởng phải dấu kín. Trường Xuân nín thở, ỳ ạch tiếp tục chạy. Chợt có tiếng kêu : “Có người rớt xuống biển.”. Ông thuyền trưởng Nam Định đứng im trên đài chỉ huy lặng người bất động. Nửa giờ trôi qua như 1 thế kỷ. Captain Phạm ngọc Lũy sau cùng ra lệnh quay tàu lại vớt người. Một quyết định vô vọng. Hành khách nói. Một quyết định sai lầm. Hành khách nói. Hy sinh 4,000 người để cứu 1 người là nhầm lẫn. Hành khách nói. Captain điên rồi. Tại sao ? Thuyền trưởng sau này trả lời. Tìm vớt 1 người để cứu 4,000 người. Như vậy có thể hiểu rằng con tàu Trường Xuân đang là một hỏa diệm sơn sẵn sàng phun lửa nổi loạn. Hành động bình tĩnh quay tầu lại tìm 1 người là bài học nhân đạo cho mọi người và giữ cho được sự bình an của toàn thể con tàu. Có thể Thượng Đế trên cao đã nhìn thấy chuyện vớt người giửa biển của Trường Xuân nên đã đem lại vị cứu tinh số hai. Đó là con tàu Đan Mạch. Tiếng Trường Xuân kêu cứu vọng trên đại dương. Tàu Đan Mạch trên đường viễn du hỏi rằng thế đã kêu hạm đội Mỹ chưa? Trả lời : “Có số đâu mà kêu.” Đan Mạch thở dài. “Thôi chờ đó, chúng tôi sẽ đến tiếp tế và rước chừng 1,500 đàn bà trẻ con.”
Ra đời giữa trời biển mênh mông
Trước đó vài giờ đồng hồ, sáng ngày 2/5/75, bà dược sĩ họ Bùi đau đẻ. Gần 4,000 con người phải chừa ra 1 chỗ trống cho sản phụ. Đứa bé gái ra đời khoảng 2 giờ sáng. Con bé gốc Saigon Việt Nam, nằm trong bụng mẹ trên Trường Xuân, được kéo đi bởi Song An. Sanh ra giữa biển Đông, Thái bình dương. Không sữa, không nước, không cơm, không cháo. Một người dúi vào tay sản phụ miếng cam thảo. Bà nhai ra rồi lấy nước miếng bôi vào miệng con gái. Tiếng khóc chào đời vang trên biển rộng mênh mông. Một thanh niên nhấc bổng đứa bé đưa qua tàu Đan Mạch. Bà mẹ nhìn theo bóng con vươn lên trời xanh, nước mắt một lần nữa lại như vị mặn của biển khơi. Khai sanh của cháu đề ngày 2/5/1975 trên tàu Đan Mạch, tên cháu là Chiêu Anh.
Trường Xuân: Ôi, Trường Xuân !
Như vậy là tổng cộng ba ngàn sáu trăm hai mươi tám người đến bến tự do, bây giờ định cư ở bốn phương trời. Một thế hệ Trường Xuân ra đời và nối tiếp.Thoạt tiên tất cả được đưa về tạm trú ở Hồng Kông. Nhà chức trách Hương Cảng hứa hẹn sẽ không trả về Việt Nam.Trước khi rời con tàu, thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy đi thanh sát một vòng. Hình ảnh cảm động sau cùng là một người đàn ông mệt mỏi cúi xuống cõng bà mẹ già tê liệt. Trên khoang tàu mênh mông hiện chỉ còn là bãi rác. Một người đàn ông ạch đụi cõng mẹ qua tàu Đan Mạch, quả thực là hình ảnh hết sức ngậm ngùi. Đó là ông thiếu tá nhẩy dù Phan Huy Hoàng, sau này đưa mẹ về định cư tại Texas. Khi vị thuyền trưởng rời tàu Trường Xuân thì nước đã tràn vào khoang máy. Vẫn còn dưới hầm, thân xác 1 ông già sẽ thủy táng theo con tàu. Nhưng sau này được biết, khi người lên hết tàu Đan Mạch, Trường Xuân ngập nước nhưng không chìm. Hai tháng sau được kéo về Hồng Kông, đi theo hành khách của nó. Con rể của ông già nằm trên Trường Xuân đã nhận xác cha. Di hài vị dân biểu gốc Nùng của Việt Nam Cộng Hòa: Đại tá Wong A Sáng của sư đoàn 5 bộ binh, một thời đồn trú tại Sông Mao. Con người và con tàu, cả hai đều làm xong nhiệm vụ cuối cùng cho hai chữ tự do.
Một thế hệ tương lai
Bà dược sĩ trẻ tuổi họ Bùi bây giờ định cư tại Montreal, Canada và học lại nghề cũ từ 1977. Pharmacie BUI tại Gia nã Đại có từ ngày đó. Đứa bé gái Chiêu Anh ra đời giữa Thái Bình Dương tháng 5-75, hai mươi tư năm sau vẽ 1 bức tranh họa cảnh tàu Trường Xuân nộp cho trường đại học Parkson school of Design, New York. Cô được nhận vào học và tốt nghiệp danh dự với huy chương vàng về ngành sáng tạo y phục thời trang. Hiện Chiêu Anh còn độc thân và làm việc tại San Francisco Hoa Kỳ. Trong một bản văn tự thuật bằng Anh ngữ, Chiêu Anh kể chuyện mình như sau: “Con là Trường Xuân Baby. Từ biển cả, con là một thuyền nhân sống xót. Khi Sài Gòn thất thủ, cha mẹ chạy xuống tầu Trường Xuân của thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy. Trong cái đêm dài sâu thẳm, vào lúc 2 giờ sáng 2 tháng 5-75 con sanh ra đời. Đó là giây phút của hãi hùng và hy vọng. Đời con khởi sự vất vả. Mắt hài nhi không mở. Xương quai bị gẫy, vai bị cụp. Mẹ đói không có sữa cho con. Vị cam thảo ngọt bôi vào miệng sơ sinh vẫn còn ghi nhận cho đến ngày nay. Tầu Danish của thuyền trưởng Đan Mạch Anton Martin Olsen đã cứu gia đình con và đưa vào nhà thương Anh Quốc tại Hồng Kông. Khai sanh của con với chứng chỉ công dân Denmark trên tầu MS Clara Maersk. Vì những giấy tờ này, tòa đại sứ Đan Mạch lo cho cả gia đình định cư tại Canada trong 21 ngày. Con đã tiếp tục sống trong những ngày thơ ấu khó khăn vất vả như những gia đình tỵ nạn khác. Cùng với người anh hơn con 2 tuổi, chúng con cố sức học hành để xây dựng tương lai. Con xin được học bổng để theo ngành sáng tạo thời trang và tốt nghiệp 1998 với bằng danh dự tại đại học hàng đầu New York. Con bắt đầu làm việc cho các hãng thời trang nổi tiếng tại Paris, New York và San Francisco. Con đã có dịp đi đến tất cả các đô thị lớn nhỏ từ Âu châu, Á châu, Mỹ châu trong thế giới của ngành sáng tạo thời trang. Nhưng con luôn luôn nhớ rằng mãi mãi vẫn là một thuyền nhân sống xót, một Trường Xuân Baby.”
Đứa bé gái hoài thai từ Saigon tự do, nhưng gan lì nằm trong bụng mẹ hay sợ súng đạn nên không chịu chào đời. Cho đến khi Trường Xuân ra đến hải phận quốc tế. Đứa bé mới chịu ra đời. Đó là câu chuyện 40 năm trước viết lại cho ngày kỷ niệm 40 năm sau. Trở lại với Trường Xuân
Vào chiều 30 tháng 4-1975, con tàu Trường Xuân sau khi đã thành lập xong 1 thủy thủ đoàn tình nguyện và có gần 4,000 hành khách ngẫu nhiên đã lên đường hết sức vất vả trong điều kiện kỹ thuật tồi tệ và bị phá hoại mọi bề. Hành khách không vé của Trường Xuân gồm đủ tất cả hai ba thế hệ Việt Nam Cộng Hòa, mọi thành phần, mọi giai cấp, mọi hoàn cảnh. Đủ cả ba ngành lập, hành và tư pháp. Có mặt sĩ nông công thương binh. Không hề thiếu nam phụ lão ấu. Các nghệ sĩ sáng tác và nghệ sĩ trình diễn. Chuyến hải hành vào chân trời vô định với một ông thuyền trưởng nhân đạo và hết sức kiên định. Những tay phụ tá tình nguyện rất xuất sắc và sau cùng định mệnh đã đưa 3,628 con người đi tìm tự do đến được bến tự do. Thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy đã nói rằng Trường Xuân sẽ không thoát được nếu không có Song An. Song An là ai ? Đây chỉ là tên con tàu kéo nhỏ bé đang trên đường từ Vũng Tàu về cảng Saigon. Anh già Trường Xuân đang mắc cạn bèn túm lấy đứa bé Song An đòi nó kéo. Vậy mà nó kéo được. Ra đến hải phận, cho đến lúc anh già Trường Xuân tự chạy được bác cháu mới chia tay. Lẽ dĩ nhiên câu chuyện hải hành của đêm dài 30 tháng 4-75 không giản dị như thế ! Với lửa cháy ngập trời Thành Tuy Hạ và tiếng súng đuổi theo trên sông Lòng Tào, đêm hôm đó là đêm dài nhất của cuộc đời Trường Xuân. Khi anh già Trường Xuân từ giã cậu bé Song An trên đại dương, khách Trường Xuân góp tiền cho Song An trở về Saigon. Hai, ba bị tiền hàng chục triệu đồng Việt Nam đưa qua. Lái tàu Song An nói 1 câu kỳ diệu “ Thôi ! tiền nhiều quá, đủ rồi. Đừng đưa nữa “.Trong đời chúng ta hiếm khi nào nghe được những lời nói đó. Với tâm tình như vậy, tàu kéo Song An từ giã Trường Xuân. Tiếng còi tạm biệt trên trùng khơi nghe những nghẹn ngào. Có vài hành khách bỏ Trường Xuân nhẩy theo Song An trở về Saigon. Trên 3,600 khách Trường Xuân ngó theo Song An nhỏ dần trên đường trở lại quê hương. Khóe miệng chợt thấy vị mặn. Đây là nước biển sóng đánh bên thành tàu hay là nước mắt biệt ly. Rồi con tàu Trường Xuân chạy 1 mình. Gần 4,000 hành khách. Không đủ nước, không có thức ăn. Máy móc trục trặc. Nước tràn vào khoang tàu. Sắt vụn vô tri dưới hầm tầu. Con người tuyệt vọng ở trên boong.Hai người tự tử được thủy táng. Việt cộng phá hoại chỗ này. Máy tàu hư hỏng chỗ kia. Con tàu vô định có thể sẽ là quan tài nổi. Một hỏa diệm sơn chưa nổ. Các tin tức bi quan được lệnh của thuyền trưởng phải dấu kín. Trường Xuân nín thở, ỳ ạch tiếp tục chạy. Chợt có tiếng kêu : “Có người rớt xuống biển.”. Ông thuyền trưởng Nam Định đứng im trên đài chỉ huy lặng người bất động. Nửa giờ trôi qua như 1 thế kỷ. Captain Phạm ngọc Lũy sau cùng ra lệnh quay tàu lại vớt người. Một quyết định vô vọng. Hành khách nói. Một quyết định sai lầm. Hành khách nói. Hy sinh 4,000 người để cứu 1 người là nhầm lẫn. Hành khách nói. Captain điên rồi. Tại sao ? Thuyền trưởng sau này trả lời. Tìm vớt 1 người để cứu 4,000 người. Như vậy có thể hiểu rằng con tàu Trường Xuân đang là một hỏa diệm sơn sẵn sàng phun lửa nổi loạn. Hành động bình tĩnh quay tầu lại tìm 1 người là bài học nhân đạo cho mọi người và giữ cho được sự bình an của toàn thể con tàu. Có thể Thượng Đế trên cao đã nhìn thấy chuyện vớt người giửa biển của Trường Xuân nên đã đem lại vị cứu tinh số hai. Đó là con tàu Đan Mạch. Tiếng Trường Xuân kêu cứu vọng trên đại dương. Tàu Đan Mạch trên đường viễn du hỏi rằng thế đã kêu hạm đội Mỹ chưa? Trả lời : “Có số đâu mà kêu.” Đan Mạch thở dài. “Thôi chờ đó, chúng tôi sẽ đến tiếp tế và rước chừng 1,500 đàn bà trẻ con.”
Ra đời giữa trời biển mênh mông
Trước đó vài giờ đồng hồ, sáng ngày 2/5/75, bà dược sĩ họ Bùi đau đẻ. Gần 4,000 con người phải chừa ra 1 chỗ trống cho sản phụ. Đứa bé gái ra đời khoảng 2 giờ sáng. Con bé gốc Saigon Việt Nam, nằm trong bụng mẹ trên Trường Xuân, được kéo đi bởi Song An. Sanh ra giữa biển Đông, Thái bình dương. Không sữa, không nước, không cơm, không cháo. Một người dúi vào tay sản phụ miếng cam thảo. Bà nhai ra rồi lấy nước miếng bôi vào miệng con gái. Tiếng khóc chào đời vang trên biển rộng mênh mông. Một thanh niên nhấc bổng đứa bé đưa qua tàu Đan Mạch. Bà mẹ nhìn theo bóng con vươn lên trời xanh, nước mắt một lần nữa lại như vị mặn của biển khơi. Khai sanh của cháu đề ngày 2/5/1975 trên tàu Đan Mạch, tên cháu là Chiêu Anh.
Trường Xuân: Ôi, Trường Xuân !
Như vậy là tổng cộng ba ngàn sáu trăm hai mươi tám người đến bến tự do, bây giờ định cư ở bốn phương trời. Một thế hệ Trường Xuân ra đời và nối tiếp.Thoạt tiên tất cả được đưa về tạm trú ở Hồng Kông. Nhà chức trách Hương Cảng hứa hẹn sẽ không trả về Việt Nam.Trước khi rời con tàu, thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy đi thanh sát một vòng. Hình ảnh cảm động sau cùng là một người đàn ông mệt mỏi cúi xuống cõng bà mẹ già tê liệt. Trên khoang tàu mênh mông hiện chỉ còn là bãi rác. Một người đàn ông ạch đụi cõng mẹ qua tàu Đan Mạch, quả thực là hình ảnh hết sức ngậm ngùi. Đó là ông thiếu tá nhẩy dù Phan Huy Hoàng, sau này đưa mẹ về định cư tại Texas. Khi vị thuyền trưởng rời tàu Trường Xuân thì nước đã tràn vào khoang máy. Vẫn còn dưới hầm, thân xác 1 ông già sẽ thủy táng theo con tàu. Nhưng sau này được biết, khi người lên hết tàu Đan Mạch, Trường Xuân ngập nước nhưng không chìm. Hai tháng sau được kéo về Hồng Kông, đi theo hành khách của nó. Con rể của ông già nằm trên Trường Xuân đã nhận xác cha. Di hài vị dân biểu gốc Nùng của Việt Nam Cộng Hòa: Đại tá Wong A Sáng của sư đoàn 5 bộ binh, một thời đồn trú tại Sông Mao. Con người và con tàu, cả hai đều làm xong nhiệm vụ cuối cùng cho hai chữ tự do.
Một thế hệ tương lai
Bà dược sĩ trẻ tuổi họ Bùi bây giờ định cư tại Montreal, Canada và học lại nghề cũ từ 1977. Pharmacie BUI tại Gia nã Đại có từ ngày đó. Đứa bé gái Chiêu Anh ra đời giữa Thái Bình Dương tháng 5-75, hai mươi tư năm sau vẽ 1 bức tranh họa cảnh tàu Trường Xuân nộp cho trường đại học Parkson school of Design, New York. Cô được nhận vào học và tốt nghiệp danh dự với huy chương vàng về ngành sáng tạo y phục thời trang. Hiện Chiêu Anh còn độc thân và làm việc tại San Francisco Hoa Kỳ. Trong một bản văn tự thuật bằng Anh ngữ, Chiêu Anh kể chuyện mình như sau: “Con là Trường Xuân Baby. Từ biển cả, con là một thuyền nhân sống xót. Khi Sài Gòn thất thủ, cha mẹ chạy xuống tầu Trường Xuân của thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy. Trong cái đêm dài sâu thẳm, vào lúc 2 giờ sáng 2 tháng 5-75 con sanh ra đời. Đó là giây phút của hãi hùng và hy vọng. Đời con khởi sự vất vả. Mắt hài nhi không mở. Xương quai bị gẫy, vai bị cụp. Mẹ đói không có sữa cho con. Vị cam thảo ngọt bôi vào miệng sơ sinh vẫn còn ghi nhận cho đến ngày nay. Tầu Danish của thuyền trưởng Đan Mạch Anton Martin Olsen đã cứu gia đình con và đưa vào nhà thương Anh Quốc tại Hồng Kông. Khai sanh của con với chứng chỉ công dân Denmark trên tầu MS Clara Maersk. Vì những giấy tờ này, tòa đại sứ Đan Mạch lo cho cả gia đình định cư tại Canada trong 21 ngày. Con đã tiếp tục sống trong những ngày thơ ấu khó khăn vất vả như những gia đình tỵ nạn khác. Cùng với người anh hơn con 2 tuổi, chúng con cố sức học hành để xây dựng tương lai. Con xin được học bổng để theo ngành sáng tạo thời trang và tốt nghiệp 1998 với bằng danh dự tại đại học hàng đầu New York. Con bắt đầu làm việc cho các hãng thời trang nổi tiếng tại Paris, New York và San Francisco. Con đã có dịp đi đến tất cả các đô thị lớn nhỏ từ Âu châu, Á châu, Mỹ châu trong thế giới của ngành sáng tạo thời trang. Nhưng con luôn luôn nhớ rằng mãi mãi vẫn là một thuyền nhân sống xót, một Trường Xuân Baby.”
40 năm nhìn lại
Kể từ tháng 4-75 cho đến tháng 4-2015 chúng ta có 40 năm nhìn lại. Nhưng 5 năm trước chúng tôi đã chọn nhiều nhân vật hay sự kiện để giới thiệu. Trên sân khấu CPA của San Jose tháng 5-2010, người đầu tiên được giới thiệu sẽ là cô Chiêu Anh, Shining Light.
Cô sẽ hiện diện với thân mẫu từ Canada, với bác thuyền trưởng Phạm ngọc Lũy 91 tuổi, với hình ảnh của Trường Xuân, của Song An, và của con tàu Đan Mạch.
Khởi đầu từ năm 75 trở đi, qua 76, 77 cho đến 2009 và 2010. Lịch sử giở lại từng trang. Bi thảm, hào hùng, tuyệt vọng và hy vọng. Nhưng mở đầu vẫn là chuyến hải hành ngắn ngủi nhưng hết sức đặc thù. Bây giờ lại nhắc lại. Mãi mãi không quên
Chuyến đi của Trường Xuân
Trường Xuân, ơi Trường Xuân, Saigon tháng 4 đen. Bốn ngàn người vượt biển, Bỏ đất nước điêu linh. Trên con tàu vô định. Trường Xuân, ơi Trường Xuân. 40 năm nhìn lại. Xem ai còn ai mất, Lệ tuôn khắp dặm trường. Bốn phương trời thế giới. Trường Xuân, ơi Trường Xuân. Gần bốn ngàn người sống.Với ba mạng tử vong. 2 đứa bé lọt lòng. Giữa mênh mông trời biển. Trường Xuân, ơi Trường Xuân. Một thế kỷ vừa qua...Tương lai rồi sáng chói. Chuyện này cần kể lại...Trường Xuân, ơi Trường Xuân, Ngàn năm còn nhớ mãi...
Nhân dịp 40 năm, tôi viết chuyện Trường Xuân. Phần tiếp theo là cụ Lũy kể lại.
**************************************************
Phạm Ngọc Lũy
Tháng 11/1974, tàu Trường Xuân ra Hòn Khói lấy muối để chở đi Singapore. Gió Đông Bắc thổi mạnh, lùa từng cơn gió giật vào vịnh, khiến những ghe nhỏ không thể cặp vào tầu để vợi muối. Số muối dự định chở sang Singapore phải bỏ lại đến 1 phần 3.
Tàu Trường Xuân rời Việt Nam đang lúc tình hình chiến sự nghiêm trọng. Giao kèo chuyên chở hàng hóa trong vùng Đông Nam Á đến hết tháng 6/75 mới có thể trở về Việt Nam. Tôi thật sự lo lắng miền Nam không thể đứng vững, vì đồng minh đã bỏ chạy, còn Bắc quân có cả một hậu phương rộng lớn: Trung Cộng và các nước trong khối Liên Xô.
Trường Xuân đến Singapore, ghé Bangkok, rồi đi Phi Luật Tân... Hết Cebu đến Manila, qua Ternate Nam Dương rồi đến Balik Papan thuộc Borneo.Trong khi đó coi trên TV thấy tình hình đất nước ngày một khẩn trương. Qua đài BBC, VOA, hết Quảng Trị, Đà Nẵng, Qui Nhơn, đến Nha Trang, miền Cao Nguyên Trung Phần rơi vào tay Cộng Sản. Quân đội miền Nam tiếp tục di tản, cảnh dân chạy loạn thật hỗn loạn, bi thảm. Những sà lan, những ghe thuyền chở đồng bào tị nạn từ miền Trung trôi dạt ngoài biển, không lương thực, không nước uống.
Hình ảnh những bao rác đựng xác trẻ con đem từ các sà lan xếp thành hàng dài ngoài bãi biển Vũng Tàu cùng những hình ảnh bầy trẻ lạc cha mẹ trong các trại tị nạn đã gây nhiều bàng hoàng và xúc động mãnh liêt.
Tôi không phải là một sĩ quan trong quân đội cầm súng chống quân thù. Tôi là một nhà hàng hải, có thể giúp được gì cho Quê Hương, cho đồng bào trong cảnh khói lửa điêu linh này? Tôi rất muốn được giúp đồng bào tôi, được cùng chia xẻ với đồng bào trong giờ phút đau thương này. Ngồi trên con tàu cách xa quê hương ngàn dặm mà lòng tôi bồn chồn như lửa đốt...
Tôi cố hồi tưởng và viết lại những sự kiện đã giúp cho 3628 đồng bào chúng tôi bất chấp hiểm nguy, cùng nhau vượt biển khơi để tránh khỏi rơi vào tay Cộng Sản và đi tìm Tự Do. Sau đây là diễn tiến của nhiều việc đã đưa đến chuyến đi định mệnh của tàu Trường Xuân. Những sự kiện mà sau này lúc ngẫm nghĩ lại thì tôi thấy dường như đã được sắp đặt một cách huyền diệu để đưa tàu Trường Xuân ra khơi, để thử thách mọi người trên tàu phải phấn đấu để đạt được niềm ước vọng quí giá là hai chữ Tự Do.
Bến Kho 5, Khánh Hội, Saigon, 30/4/1975
Tàu Trường Xuân rời bến Kho Năm, Khánh Hội, Saigon hồi 1 giờ 25 phút trưa ngày 30/4/1975 sau khi Tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, và quân Cộng sản tiến chiếm Saigon hồi 10 giờ sáng...Diễn tiến lịch trình của Trường Xuân như sau.
(1) Ngày 3/4/75, đài phát thanh Úc loan tin: “Quân đội Cộng sản còn cách Thủ đô Saigòn 60 cây số và đang tiến về Thủ đô không gặp sự kháng cự nào.” Tàu cặp bến Pare Pare, tôi loan tin trên cho thủy thủ đoàn. Tất cả đều muốn về với gia đình. Tàu Trường Xuân quyết định chỉ ghé Singapore lấy hàng rồi quay trở về Saigon.
(2) Lúc ghé Singapore, Cơ khí trưởng tàu Trường Xuân đi phố chơi, ăn nhậu say, khi về đến cổng thương cảng thì bị vấp ngã, bị thương ở đầu bất tỉnh nhân sự. Cảnh sát phải chở đi nhà thương điều trị. Tàu Trường Xuân về đến Saigon, Cơ khí trưởng xin tạm nghỉ việc để điều trị vết thương. Vị Cơ khí trưởng này thường phát biểu ý tưởng có nhiều thiện cảm với phe bên kia cho nên tôi nghĩ rằng nếu anh ta không gặp tai nạn thì đến ngày 30/4 chưa chắc anh ta đã chịu xuống tàu để di tản và đến giờ phút cuối cùng thì không dễ gì tìm được một người Cơ khí trưởng.
(3) Tàu Trường Xuân về đến Saigon ngày 17/4/75, cặp bến Thương cảng Khánh Hội gặp nước ròng nên tàu cặp bến quay lái (phía sau tàu) ra biển. Tàu đã đến hạn lên ụ để tu sửa đại kỳ hàng năm. Vì công xưởng hải quân bận việc nên tàu chỉ tu sửa những bộ phận cần thiết ngay tại bến thay vì nằm ụ cả tháng trời. Tàu lấy hàng 300 tấn sắt vụn, lấy 80 tấn dầu, 100 tấn nước ngọt và 10 bao gạo để chuẩn bị đi Manila. Tàu có thể khởi hành ngày 24/4/75 nhưng tôi nấn ná chưa khởi hành vì tình hình đất nước mỗi ngày một nghiêm trọng...
(4) Tôi xin Công Ty Vishipco tuyển dụng Cơ khí trưởng Lê Hồng Phi. Mãi đến sáng ngày 29/4/75 Công Ty mới chấp thuận cho Cơ khí trưởng Phi nhận việc.
(5) 5 giờ chiều ngày 29/4/75, tôi xuống tàu không gặp Cơ khí trưởng Phi, và sĩ quan phụ tá cho biết là Phi đã về nhà đưa gia đình ra bến thương cảng để cùng di tản. Tôi dùng phấn viết lệnh rời bến lên bảng đen cho thủy thủ đoàn: “Tàu rời bến ngày 30/4/75 hồi 11:30 sáng.”
(6) 6 giờ sáng 30/4/75, Trần Khắc Thuyên chở tôi ra tàu cùng với Phạm Trúc Lâm. Đường sang thương cảng Khánh Hội bị chắn nhiều khu phố. Sau khi quan sát tàu, Thuyên đưa tôi về nhà để hướng dẫn hai xe GMC chở khoảng 200 người gồm gia đình, thân nhân và bà con lối xóm, ra thương cảng...
(7) Bình thường trước khi tàu khởi hành, sĩ quan phụ tá phải cho thử tay lái trên đài chỉ huy để bảo đảm chạy tốt, và chính tôi cũng thân hành tự kiểm soát lại. Tuy nhiên sáng 30/4/75, tôi nhớ là đã tự nhủ phải đi kiểm soát lại tay lái xem có gì trục trặc không, nhưng tôi lại quyết định không thử tay lái vì bụng bảo dạ: “Giờ này mà còn đi lo những việc nhỏ... Cộng quân đã tiến vào Saigon rồi... Việc thử tay lái đã có sĩ quan phụ tá lo...” Rồi tôi lại tự trách sao lại đi lo những chuyện không đáng lo. Và thực ra không hiểu vì sao chính sĩ quan phụ tá lần đó cũng quên thử tay lái trước khi nhổ neo, vì nếu được biết trước tay lái đã bị hỏng hay bị phá hoại thì tôi đã không dám cho tàu rời bến.
(8) 9 giờ sáng 30/4/75, Sĩ quan Vô tuyến điện Nguyễn Văn Diệt yêu cầu tôi ra cổng thương cảng để can thiệp với nhân viên cảnh sát gác cổng cho gia đình anh vào trong lên tàu để di tản. Ra đến cổng thì thấy đồng bào chạy nhớn nhác như một đại nạn đang ập đến. Không thấy gia đình, Diệt xin nghỉ ở lại tìm gia đình... Một thủy thủ đoàn tối thiểu phải có Thuyền Trưởng, Cơ khí trưởng và Sĩ quan Vô tuyến, nhưng bây giờ Sĩ quan Vô tuyến đã xin ở lại. Tôi đành phải chấp thuận vì biết dù có ra lệnh buộc anh phải đi cũng chẳng được... (Ba năm sau anh Diệt di tản bằng thuyền, định cư ở vùng Virginia. Sau bị tai nạn xe cộ đã mất.)
Tôi buồn bã trở về tàu, trong lòng hoang mang lo ngại vì không biết tìm đâu ra một Sĩ quan Vô tuyến điện trong giờ phút này. Vừa về đến tàu thì gặp anh Nguyễn Ngọc Thanh, Sĩ quan Vô tuyến điện của một tàu khác đến xin nhận việc. Tôi mừng rỡ nhận lời ngay và thầm cảm ơn Trời Phật sao đã khéo léo xếp đặt. (Anh Nguyễn Ngọc Thanh đã mất tại Pháp quốc.)
(9) Khoảng 12 giờ trưa 30/4/75 , dân cũng như quân ào ào đổ xuống tàu. Cầu thang để leo lên tàu đã bị gãy. Cơ khí trưởng Phi báo tin tàu có thể khởi hành và tôi ra lệnh khởi hành. Vừa mở giây buộc cho tàu tiến nhẹ, bẻ nhẹ tay lái sang phải, tàu chạy thẳng. Tay lái không ăn! Tàu ngừng chạy, cặp lại bến. Tôi mới nhận ra là tay lái đã bị hỏng. Hệ thống tay lái dùng dầu ép để điều khiển bánh lái, nhưng sau được biết hệ thống điều khiển bánh lái đã bị kẻ nào phá hoại trút dầu ra và cho nước vào. Thật là một sự kiện kinh hoàng đến choáng óc. Tôi đã thoáng nghĩ đến việc hủy bỏ chuyến đi... Cơ khí trưởng sau khi xem xét lại hệ thống lái, cho biết tay lái phòng hờ còn xử dụng được. Trong suốt cuộc đời làm Thuyền trưởng tôi chưa bao giờ phải xử dụng tay lái phòng hờ, mà bây giờ lại không có lấy được một người thủy thủ biết lái. Chưa biết đối phó với tình huống nan giải thì một người đứng gần đó tự nguyện nhận điều khiển tay lái phụ...
(10) Khoảng 13 giờ, (1 giờ chiều 30 tháng tư-75) nước bắt đầu lớn - thủy triều lên. Tôi cho mở giây ở phía lái tàu để tàu tự động xoay 180 độ trên sông, hướng mũi ra khơi... Ngay lúc tàu vừa rời bến, một cơn gió nhẹ thổi từ bờ đẩy tầu ra giữa sông. 13 giờ 25 tàu khởi hành. Từ đài chỉ huy, tôi ra lệnh lái tàu qua một ống loa dài chừng 20 thước dẫn đến người bẻ bánh lái ngồi trong một cái chòi ở phía sau tàu. Lúc đầu tôi ra lệnh sang phải 10 độ thì tàu lại hướng sang phía trái. Tôi chợt nhận ra ngay là núm điều khiển tay lái phụ chỉ ngược chiều với hướng tàu chạy. Bắt đầu từ đó, muốn tàu sang bên phải thì tôi lại ra lệnh ngược lại. Cứ thế mà đi trên sông.
(11) Đến khúc sông rộng, tàu đang chạy ngon trớn, bỗng Cơ khí trưởng hét lên qua ống loa: “Thuyền trưởng cho bỏ neo ngay! Phải ngừng máy đèn!” Ai bỏ neo bây giờ? Bỏ neo rồi làm sao kéo neo lên? Máy tàu ngưng, tàu vẫn chạy ngon trớn.
Đầu óc rối như tơ vò! Nhưng lúc này cần phải bình tĩnh, không thể làm một quyết định sai lầm. Tôi biết rằng không thể bỏ neo ngay lúc này khi máy trên tàu bị hỏng và sẽ không dùng máy để kéo neo lên được. Cũng không thể để tàu chết máy nằm dọc bờ sông vì khi nước triều xuống thì tàu sẽ mắc cạn và tầu sẽ lật nghiêng. Cách còn lại duy nhất mà tàu có thể tự cứu vãn là tìm cách cho tàu lên cạn, mũi ghếch lên bờ, chân vịt chìm dưới nước. Chờ máy sửa xong thì tàu sẽ tự rút ra được. Chiều xuống, tàu vẫn đâm mũi vào bờ chờ sửa máy. Hỏa châu của Cộng sản mừng thắng trận nổ vang rền, sáng rực khu Rừng Sát. Tàu không thể rút ra được vì không còn hơi ép cho nổ máy. Cái nguy căn bản nhất là không còn hơi ép để cho chạy máy đèn. Máy đèn chạy mới có thể có hơi ép làm nổ máy cái. Cơ khí trưởng Phi cho biết nhân viên châm dầu đã tự ý khóa hệ thống làm nguội máy đèn... Đây có thể là một hành động vô ý thức hay là phá hoại, nhưng tôi nghĩ bây giờ không phải là lúc xét xử và điều tra mà phải làm sao cứu vãn được con tàu.
Tàu Trường Xuân chờ Tàu kéo Song An, Saigon, 30/4/1975
Tàu ở tình trạng hiểm nghèo. Tôi đã phải tự trấn an: “Cần bình tĩnh! Nếu tàu nằm mắc cạn ở đây chắc chắn Cộng sản sẽ bắt hết mọi người. Cùng lắm chúng xử bắn mình là cùng...” Tự nhủ như thế để tâm trí không bị rối loạn vì nếu làm những điều sai lầm trong giờ phút này là mất hết. Tàu kéo Song An từ Vũng Tàu về đi ngang vào đúng lúc này. Nhiều người lên tiếng kêu cầu cứu nhưng Song An vẫn chạy thẳng. Trong lúc đó có một chiếc tàu Hải quân nhỏ chạy từ hướng Saigon đến. Tàu Hải quân thấy vậy bèn nổ một phát súng thị uy. Tiếng nổ ầm vang chấn dội lồng ngực, Song An phải quay trở lại. Sau nhiều lần cố gắng kéo tàu Trường Xuân giây kéo đều bị đứt. Đến gần tối thì nước lớn, Song An mới kéo được tàu Trường Xuân ra sông, rồi tiếp tục kéo cho mãi đến 8 giờ ngày 1/5/75 mới tới Vũng Tàu.
(12) Rút kinh nghiệm di tản từ miền Trung đã có bạo động trên những xà lan, cho nên tàu vừa rời bến Saigon, tôi đã kêu gọi thành lập Ban Trật tự và Ban Cứu thương. Nhờ sự tận tâm của Ban Trật tự nên không xảy ra bạo động. Nhờ Ban Cứu thương, đã có em bé sinh ra trên tàu, giữa biển cả, được mẹ tròn con vuông.
(13) Vừa tới hải phận quốc tế, (ngày 1 tháng 5-75) lệnh hạ khí giới được triệt để tôn trọng.
Tàu khởi hành ra khơi mà tám cần trục kéo hàng vẫn chưa được hạ xuống. Thật là may mắn khi chúng ta gặp biển lặng và sóng êm. Nếu biển động những dây buộc cần trục sẽ bị đứt. Cần trục nặng cả tấn sẽ rớt xuống tàu và nhiều người có thể bị thương hay bị thiệt mạng vì tai nạn khủng khiếp này.
(14) Một người rớt xuống biển. Gần tối ngày 1/5/75, sau khi vớt được anh Vũ Văn Thụ, tôi cảm thấy yên tâm hơn. Tôi tin tưởng đồng bào đều chứng kiến việc làm đầy thiện chí, lo lắng cho sự an nguy của một nhân mạng, mà mọi người cũng sẽ từ bỏ lòng vị kỷ và nghĩ đến những người đồng cảnh ngộ với mình.
Tàu ở tình trạng hiểm nghèo. Tôi đã phải tự trấn an: “Cần bình tĩnh! Nếu tàu nằm mắc cạn ở đây chắc chắn Cộng sản sẽ bắt hết mọi người. Cùng lắm chúng xử bắn mình là cùng...” Tự nhủ như thế để tâm trí không bị rối loạn vì nếu làm những điều sai lầm trong giờ phút này là mất hết. Tàu kéo Song An từ Vũng Tàu về đi ngang vào đúng lúc này. Nhiều người lên tiếng kêu cầu cứu nhưng Song An vẫn chạy thẳng. Trong lúc đó có một chiếc tàu Hải quân nhỏ chạy từ hướng Saigon đến. Tàu Hải quân thấy vậy bèn nổ một phát súng thị uy. Tiếng nổ ầm vang chấn dội lồng ngực, Song An phải quay trở lại. Sau nhiều lần cố gắng kéo tàu Trường Xuân giây kéo đều bị đứt. Đến gần tối thì nước lớn, Song An mới kéo được tàu Trường Xuân ra sông, rồi tiếp tục kéo cho mãi đến 8 giờ ngày 1/5/75 mới tới Vũng Tàu.
(12) Rút kinh nghiệm di tản từ miền Trung đã có bạo động trên những xà lan, cho nên tàu vừa rời bến Saigon, tôi đã kêu gọi thành lập Ban Trật tự và Ban Cứu thương. Nhờ sự tận tâm của Ban Trật tự nên không xảy ra bạo động. Nhờ Ban Cứu thương, đã có em bé sinh ra trên tàu, giữa biển cả, được mẹ tròn con vuông.
(13) Vừa tới hải phận quốc tế, (ngày 1 tháng 5-75) lệnh hạ khí giới được triệt để tôn trọng.
Tàu khởi hành ra khơi mà tám cần trục kéo hàng vẫn chưa được hạ xuống. Thật là may mắn khi chúng ta gặp biển lặng và sóng êm. Nếu biển động những dây buộc cần trục sẽ bị đứt. Cần trục nặng cả tấn sẽ rớt xuống tàu và nhiều người có thể bị thương hay bị thiệt mạng vì tai nạn khủng khiếp này.
(14) Một người rớt xuống biển. Gần tối ngày 1/5/75, sau khi vớt được anh Vũ Văn Thụ, tôi cảm thấy yên tâm hơn. Tôi tin tưởng đồng bào đều chứng kiến việc làm đầy thiện chí, lo lắng cho sự an nguy của một nhân mạng, mà mọi người cũng sẽ từ bỏ lòng vị kỷ và nghĩ đến những người đồng cảnh ngộ với mình.
Tàu Clara Maersk và Trường Xuân
(15) Nhờ có Sĩ quan Vô tuyến gửi đi những tiếng kêu cầu cứu nên con tàu thiên thần Clara Maersk (Đan Mạch) đã đến cứu và đưa chúng ta đến bến bờ Tự Do.
(16) Ngày 2/5/75, khi tất cả mọi người đã được chuyển sang tàu Clara Maersk an toàn thì một người từ phòng máy đi lên, thấy tôi vẫn đứng một mình trên đài chỉ huy.
Lòng tôi vẫn luyến tiếc con tàu đã cứu bao nhiêu đồng bào và gia đình mặc dù họ đã phải trải qua những hoàn cảnh cực kỳ nguy hiểm. Thân hữu này nhìn tôi với cặp mắt thật buồn rồi nói: “Tôi vừa ở phòng máy lên, phòng máy đã ngập nước. Thuyền trưởng phải rời tàu ngay.” Nói xong anh lặng lẽ bước sang tàu Clara Maersk. Tôi đã đi nhiều nơi và gặp nhiều thân hữu Trường Xuân, có để ý tìm gặp vị thân hữu này nhưng vẫn chưa tìm ra.
(17) Hội Ngộ Trường Xuân 30 năm ở Houston vào đúng ngày 30/4/2005, tôi đã gặp Đại Úy Cơ khí trưởng Nguyễn Thế Phiệt, người đã tự nguyện xử dụng tay lái phụ.
(18)Ngày 12/6/2006, tôi được gặp lại Trưởng Ban Lực Lượng Đặc Biệt Bùi Đăng Sự đi trên chiếc tàu Hải Quân nhỏ từ Saigon chạy ra. Anh đã bắn phát súng thị uy bằng súng phóng lựu M79, nên tàu Song An đã quay lại đưa 3628 người chúng ta ra khơi. Anh Sự và một số người trên tàu Hải quân đã lên tàu Trường Xuân trong lúc tàu Song An buộc dây kéo tàu Trường Xuân ra khỏi cạn.
(19) 40 năm đã trôi qua mà hình ảnh và diễn tiến chuyến đi định mệnh của tàu Trường Xuân vẫn còn in rõ trong tâm trí tôi. Những sự kiện dường như đã được tiền định để cho tất cả chúng ta cùng gặp nhau trên con tàu để phải cùng phấn đấu và cùng đến được bến Tự Do.
Phạm Ngọc Lũy
Source https://vietbao.com
Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016
ANH ĐÀN EM HÁT NÍU XUÂN XANH
Một trong những thất bại lớn nhất của con người là không vượt qua được cái chết, trong đó tuổi già là một chặng đường tiên báo và là nỗi ám ảnh về giới hạn của sức khỏe, tư duy.
Nếu anh còn trẻ như năm cũ
Quyết đón em về sống với anh
Những khi chiều vàng phơ phất đến
Anh đàn, em hát níu xuân xanh
Quyết đón em về sống với anh
Những khi chiều vàng phơ phất đến
Anh đàn, em hát níu xuân xanh
4 câu đầu của bài thơ “tình cầm” của Hoàng Cầm được Phạm Duy phổ nhạc nói lên sự tiếc nuối, đồng thời là một ước mơ.
Nếu anh còn trẻ như năm cũ.
“Nếu” là điều kiện. Làm sao anh trẻ lại như năm cũ được. Thời gian đi qua, thời gian không trở lại. Nhưng đây là khát vọng - tuyệt vọng, mặc dù khát vọng chỉ mong đạt đến: “Quyết đón em về sống với anh”.
Làm sao anh có thể trẻ lại được như năm cũ. Đời người: sinh, lão, bệnh, tử. Đó là những hoàn cảnh giới hạn mà con người không thể vượt qua. Kars Jaspers gọi là những Situations de limités. Ý thức là vô hạn, nhưng thân xác thì hữu hạn.
Khát vọng “anh còn trẻ” là khát vọng tuyệt đối, khát vọng vô cùng.
Như vậy chỉ còn cách?
“Những khi chiều vàng, phơ phất đến.
Anh đàn em hát níu xuân xanh”
Từ “níu” làm tôi nghĩ tới sự luân chuyển của thời gian đồng thời nói lên sự cố gắng để kềm hãm tuổi thanh xuân, nghĩa là “thời gian ơi xin ngừng lại”.
Làm thế nào để níu xuân xanh?
- Anh đàn, Em hát.
Bức tranh phác họa hạnh phúc rất dễ thương, đơn giản. Âm nhạc trở thành cứu cánh để con người sống trẻ.
Âm nhạc có tác dụng, ảnh hưởng nhiều trong đời sống. Nó làm tiêu tan nỗi phiền muộn. Con người yêu đời hơn, trẻ trung hơn. Trong âm nhạc, nó chuyển tãi đến người nghe, người cảm thụ ngôn ngữ kép: ngôn ngữ của giai điệu, của nhạc (phối âm) và ngôn ngữ của tiếng nói.
Nho giáo đề cao nhạc. Khổng Tử cho rằng nhạc là cầu nối của lễ. Đối với Kim Dung thì âm nhạc có sức mạnh ghê gớm, nó là nguồn chưởng lực mà kẻ nào không có nội công thâm hậu thì lục phủ ngủ tạng sẽ bị xé nát. Trong Anh hùng xạ điêu, chúng ta chứng kiến trận thư hùng giữa Hoàng Dược sư và Tây độc Âu Dương Phong trên đảo Đào hoa giữa hai nhạc cụ Tiếng sáo và tiếng Đàn giây. Sức mạnh phóng ra từ hai nhạc cụ làm cho cây cối gảy đỗ, và Quách Tỉnh phải vận dụng nội công để khỏi bị … hộc máu mồm.
Ngôn ngữ âm nhạc làm cho con người gần nhau, xóa tan thành kiến ngộ nhận, hận thù. Biến thù thành bạn. Trong Tiếu ngạo Gang hồ, chúng ta cảm động biết bao khi Khúc Dương và Lưu Chính Phong kết bạn với nhau nhờ âm nhạc mà vì giáo phái bất đồng nên đành chết bên nhau.
Nói tắt lại, âm nhạc có một vị trí quan trọng trong đời sóng của chúng ta. Ngày nay âm nhạc được dùng trong chữa bệnh. Y học khuyến khích bệnh nhân tim, mạch, huyết áp nghe nhạc cổ điển. Các thống kê cho thấy nhạc cổ điển là liệu pháp chữa trị có hiệu quả chứng lên huyết áp, chứng co thắt tim, tim rối loạn,…
Âm nhạc được dùng để giáo dục cho trẻ, ngay cả khi còn trong bào thai. Âm nhạc làm cho con người yêu đời, sống động, xua tan các phiền muộn, có khả năng làm chậm sự lão hóa của các tế bào.
Như vậy phải chăng âm nhạc làm cho con người kéo dài tuổi thanh xuân?
Nói cho cùng thì con người không vượt qua được giới hạn của tuổi già và sự chết. Nó là bi kịch lớn của nhân loại. Triết học Tây phương với các trào lưu lớn đều bắt nguồn từ nỗi ám ảnh này: ám ảnh về cái chết. Tôi sống nghĩa là tôi đang chết. và Tuổi già là tiên báo cho cái chết gần kề.
Tâm lý con người, ai cũng đều sợ chết. Chúng ta không quên câu chuyện của Lafontaine: Thần chết với lão tiều phu, đời sống lam lũ khổ sở khiến lão tiều phu ước ao được chết đi cho rảnh nợ. Bất ngờ thần chết xuất hiện, với lưởi hái và hỏi lão tiều phu: “nếu lão muốn chết thì ta sẽ thỏa mãn ý nguyện của lão”. Tiều phu sợ hãi xin được tiếp tục sống.
Quyền lực, tiền tài danh vọng càng cao, con người càng sợ tuổi già, sợ chết. Tần Thủy Hoàng, khi đạt được tuyệt đỉnh quyền lực, ông nghĩ đến cái chết và sợ hãi, truyền cho người đi tìm thuốc trường sinh bất tử. Cuối cùng Tần Thủy Hoàng chết trong sự khủng hoảng tinh thần năm ông 49 tuổi.
Chuyện cổ tích Nhật Bản “Giòng suối diệu kỳ” nói lên khát vọng được trẻ mãi, cho dù từ một bi kịch này chuyển sang một bi kịch khác.
Lão tiều phu đốn cũi nhờ uống nước của một giòng suối diệu kỳ đã trẻ lại, thành một chàng trai tuấn tú. Bà vợ lão tiều phu, vì muốn trẻ hơn chồng đã ham hố, uống quá nhiều. Biến thành một đứa bé còn đỏ hõn.
Bi kịch bắt đầu. Với người chồng, nàng là vợ nhưng đồng thời cũng là con!!!
Ở Việt Nam, một giai cấp mới nở rộ, giai cấp tư sản đỏ, quyền lực đi đôi với tiền bạc, do đó họ phát sinh tâm trạng sợ chết. Chết vì bệnh tật, chết vì tuổi già. Từ đó họ cầu cứu đến một đấng thần linh, siêu hình giúp họ sống lâu. Hiện tượng cúng bái, cầu hồn, mê tín dị đoan hiện nay rất phổ biến tại VN, mà nhiều nhất chính là giai cấp tư bản đỏ, giới đại gia.
Ngược lại với người ý thức một cách sáng suốt quy luật của tạo hóa, có sinh thì phải có tử. Con người trở nên cô đơn.
Néron, đại đế La Mã quyền lực tột đỉnh, đốt thành La Mã rồi làm thơ và nhảy vào biển lửa tự tử.
Lê Long Đĩnh giải trí bằng cách để mía trên đầu các nhà sư để róc.
Nhà thơ Huy Cận, trước 1954, thời kỳ còn là một chàng trai lãng mạn, như lời tự tình:
”Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm
Gió trăng ơi nay còn nhớ người chăng
Hơn một lần chàng đã gửi cho trăng
Nổi cô độc của hồn buồn không cớ”
ý thức một cách sáng suốt nỗi cô đơn của mình, kêu gọi Thượng đế cho mình được chết:
“Hởi Thượng đế, tôi cúi đầu trả lại
Linh hồn tôi đà một kiếp đi hoang
Sầu đã chín xin người thôi, hãy hái
Nhận tôi di dù địa ngục hay thiên đường”.
Nhạc sĩ Phạm Duy, thấy trước cõi chết và muốn được cùng tha nhân dìu nhau sang bên kia thế giới:
“Dìu nhau sang bên kia thế giới Dìu nhau nương thân ven chín suối Dắt dìu về tới xa vời, đời đời Dìu nhau đưa nhau vào ngàn thu”
Các nhà nho, các bậc tiền bối, thấu rõ luật tuần hoàn của tạo hóa, khi đang còn sống đã chuẩn bị cái chết cho mình. Họ mua quan tài trước để trong phòng ngủ, kê làm giường ngủ.
Và nghệ sĩ, ca nhân càng ý thức cái chết, càng yêu cuộc sống biết bao nhiêu.
4 câu cuối của bài “Tình cầm” thật cảm động. Anh chỉ ước mơ, nếu có ngày nào em quay gót, lui về thăm lại bến thu xưa, ngôi nhà cũ “Thì đôi mái tóc không còn xanh nữa”, nhưng tình yêu của tôi vẫn tha thiết, nồng nàn như ngày nào.
“Nếu có ngày nào em quay gót
Lui về thăm lại bến thu xưa
Thì đôi mái tóc không còn xanh nữa
Mây bạc trăng vàng vẫn thướt tha”.
Viễn cảnh được gặp em, được sống với em những thời khắc hạnh phúc, ở đó:
Có mây bàng bạc gây thương nhớ
Có ánh trăng vàng soi giấc mơ
Có anh ngồi lại so phím cũ
Mong chờ em hát khúc xuân xưa
Nhưng thuyền em buộc trên sông hận
Anh chẳng quay về với trúc tơ
Ngày tháng tỳ bà vương ánh nguyệt
Mộng héo bên sông vẫn đợi chờ
Người già thường sống với kỉ niệm để níu kéo tuổi thanh xuân. Quá khứ là cuốn phim tái hiện: Ngôi nhà anh ở, không gian anh sống mang từng dấu tích của em, nào đâu tiếng nói, nụ cười của em, nào đâu những giờ khắc hạnh phúc bên nhau với lời ca tiếng nhạc. Tất cả, tất cả như vừa mới đây, trong khoảng khắc. Vậy mà …giờ đây, sự mong chờ bên sông đã héo úa theo năm tháng.
Tuy vậy anh vẫn chờ, cho dù, một ngày nào đó
Tất cả chỉ còn là hư vô cùng với những bài ca để lại.
Nếu anh còn trẻ như năm cũ.
“Nếu” là điều kiện. Làm sao anh trẻ lại như năm cũ được. Thời gian đi qua, thời gian không trở lại. Nhưng đây là khát vọng - tuyệt vọng, mặc dù khát vọng chỉ mong đạt đến: “Quyết đón em về sống với anh”.
Làm sao anh có thể trẻ lại được như năm cũ. Đời người: sinh, lão, bệnh, tử. Đó là những hoàn cảnh giới hạn mà con người không thể vượt qua. Kars Jaspers gọi là những Situations de limités. Ý thức là vô hạn, nhưng thân xác thì hữu hạn.
Khát vọng “anh còn trẻ” là khát vọng tuyệt đối, khát vọng vô cùng.
Như vậy chỉ còn cách?
“Những khi chiều vàng, phơ phất đến.
Anh đàn em hát níu xuân xanh”
Từ “níu” làm tôi nghĩ tới sự luân chuyển của thời gian đồng thời nói lên sự cố gắng để kềm hãm tuổi thanh xuân, nghĩa là “thời gian ơi xin ngừng lại”.
Làm thế nào để níu xuân xanh?
- Anh đàn, Em hát.
Bức tranh phác họa hạnh phúc rất dễ thương, đơn giản. Âm nhạc trở thành cứu cánh để con người sống trẻ.
Âm nhạc có tác dụng, ảnh hưởng nhiều trong đời sống. Nó làm tiêu tan nỗi phiền muộn. Con người yêu đời hơn, trẻ trung hơn. Trong âm nhạc, nó chuyển tãi đến người nghe, người cảm thụ ngôn ngữ kép: ngôn ngữ của giai điệu, của nhạc (phối âm) và ngôn ngữ của tiếng nói.
Nho giáo đề cao nhạc. Khổng Tử cho rằng nhạc là cầu nối của lễ. Đối với Kim Dung thì âm nhạc có sức mạnh ghê gớm, nó là nguồn chưởng lực mà kẻ nào không có nội công thâm hậu thì lục phủ ngủ tạng sẽ bị xé nát. Trong Anh hùng xạ điêu, chúng ta chứng kiến trận thư hùng giữa Hoàng Dược sư và Tây độc Âu Dương Phong trên đảo Đào hoa giữa hai nhạc cụ Tiếng sáo và tiếng Đàn giây. Sức mạnh phóng ra từ hai nhạc cụ làm cho cây cối gảy đỗ, và Quách Tỉnh phải vận dụng nội công để khỏi bị … hộc máu mồm.
Ngôn ngữ âm nhạc làm cho con người gần nhau, xóa tan thành kiến ngộ nhận, hận thù. Biến thù thành bạn. Trong Tiếu ngạo Gang hồ, chúng ta cảm động biết bao khi Khúc Dương và Lưu Chính Phong kết bạn với nhau nhờ âm nhạc mà vì giáo phái bất đồng nên đành chết bên nhau.
Nói tắt lại, âm nhạc có một vị trí quan trọng trong đời sóng của chúng ta. Ngày nay âm nhạc được dùng trong chữa bệnh. Y học khuyến khích bệnh nhân tim, mạch, huyết áp nghe nhạc cổ điển. Các thống kê cho thấy nhạc cổ điển là liệu pháp chữa trị có hiệu quả chứng lên huyết áp, chứng co thắt tim, tim rối loạn,…
Âm nhạc được dùng để giáo dục cho trẻ, ngay cả khi còn trong bào thai. Âm nhạc làm cho con người yêu đời, sống động, xua tan các phiền muộn, có khả năng làm chậm sự lão hóa của các tế bào.
Như vậy phải chăng âm nhạc làm cho con người kéo dài tuổi thanh xuân?
Nói cho cùng thì con người không vượt qua được giới hạn của tuổi già và sự chết. Nó là bi kịch lớn của nhân loại. Triết học Tây phương với các trào lưu lớn đều bắt nguồn từ nỗi ám ảnh này: ám ảnh về cái chết. Tôi sống nghĩa là tôi đang chết. và Tuổi già là tiên báo cho cái chết gần kề.
Tâm lý con người, ai cũng đều sợ chết. Chúng ta không quên câu chuyện của Lafontaine: Thần chết với lão tiều phu, đời sống lam lũ khổ sở khiến lão tiều phu ước ao được chết đi cho rảnh nợ. Bất ngờ thần chết xuất hiện, với lưởi hái và hỏi lão tiều phu: “nếu lão muốn chết thì ta sẽ thỏa mãn ý nguyện của lão”. Tiều phu sợ hãi xin được tiếp tục sống.
Quyền lực, tiền tài danh vọng càng cao, con người càng sợ tuổi già, sợ chết. Tần Thủy Hoàng, khi đạt được tuyệt đỉnh quyền lực, ông nghĩ đến cái chết và sợ hãi, truyền cho người đi tìm thuốc trường sinh bất tử. Cuối cùng Tần Thủy Hoàng chết trong sự khủng hoảng tinh thần năm ông 49 tuổi.
Chuyện cổ tích Nhật Bản “Giòng suối diệu kỳ” nói lên khát vọng được trẻ mãi, cho dù từ một bi kịch này chuyển sang một bi kịch khác.
Lão tiều phu đốn cũi nhờ uống nước của một giòng suối diệu kỳ đã trẻ lại, thành một chàng trai tuấn tú. Bà vợ lão tiều phu, vì muốn trẻ hơn chồng đã ham hố, uống quá nhiều. Biến thành một đứa bé còn đỏ hõn.
Bi kịch bắt đầu. Với người chồng, nàng là vợ nhưng đồng thời cũng là con!!!
Ở Việt Nam, một giai cấp mới nở rộ, giai cấp tư sản đỏ, quyền lực đi đôi với tiền bạc, do đó họ phát sinh tâm trạng sợ chết. Chết vì bệnh tật, chết vì tuổi già. Từ đó họ cầu cứu đến một đấng thần linh, siêu hình giúp họ sống lâu. Hiện tượng cúng bái, cầu hồn, mê tín dị đoan hiện nay rất phổ biến tại VN, mà nhiều nhất chính là giai cấp tư bản đỏ, giới đại gia.
Ngược lại với người ý thức một cách sáng suốt quy luật của tạo hóa, có sinh thì phải có tử. Con người trở nên cô đơn.
Néron, đại đế La Mã quyền lực tột đỉnh, đốt thành La Mã rồi làm thơ và nhảy vào biển lửa tự tử.
Lê Long Đĩnh giải trí bằng cách để mía trên đầu các nhà sư để róc.
Nhà thơ Huy Cận, trước 1954, thời kỳ còn là một chàng trai lãng mạn, như lời tự tình:
”Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm
Gió trăng ơi nay còn nhớ người chăng
Hơn một lần chàng đã gửi cho trăng
Nổi cô độc của hồn buồn không cớ”
ý thức một cách sáng suốt nỗi cô đơn của mình, kêu gọi Thượng đế cho mình được chết:
“Hởi Thượng đế, tôi cúi đầu trả lại
Linh hồn tôi đà một kiếp đi hoang
Sầu đã chín xin người thôi, hãy hái
Nhận tôi di dù địa ngục hay thiên đường”.
Nhạc sĩ Phạm Duy, thấy trước cõi chết và muốn được cùng tha nhân dìu nhau sang bên kia thế giới:
“Dìu nhau sang bên kia thế giới Dìu nhau nương thân ven chín suối Dắt dìu về tới xa vời, đời đời Dìu nhau đưa nhau vào ngàn thu”
Các nhà nho, các bậc tiền bối, thấu rõ luật tuần hoàn của tạo hóa, khi đang còn sống đã chuẩn bị cái chết cho mình. Họ mua quan tài trước để trong phòng ngủ, kê làm giường ngủ.
Và nghệ sĩ, ca nhân càng ý thức cái chết, càng yêu cuộc sống biết bao nhiêu.
4 câu cuối của bài “Tình cầm” thật cảm động. Anh chỉ ước mơ, nếu có ngày nào em quay gót, lui về thăm lại bến thu xưa, ngôi nhà cũ “Thì đôi mái tóc không còn xanh nữa”, nhưng tình yêu của tôi vẫn tha thiết, nồng nàn như ngày nào.
“Nếu có ngày nào em quay gót
Lui về thăm lại bến thu xưa
Thì đôi mái tóc không còn xanh nữa
Mây bạc trăng vàng vẫn thướt tha”.
Viễn cảnh được gặp em, được sống với em những thời khắc hạnh phúc, ở đó:
Có mây bàng bạc gây thương nhớ
Có ánh trăng vàng soi giấc mơ
Có anh ngồi lại so phím cũ
Mong chờ em hát khúc xuân xưa
Nhưng thuyền em buộc trên sông hận
Anh chẳng quay về với trúc tơ
Ngày tháng tỳ bà vương ánh nguyệt
Mộng héo bên sông vẫn đợi chờ
Người già thường sống với kỉ niệm để níu kéo tuổi thanh xuân. Quá khứ là cuốn phim tái hiện: Ngôi nhà anh ở, không gian anh sống mang từng dấu tích của em, nào đâu tiếng nói, nụ cười của em, nào đâu những giờ khắc hạnh phúc bên nhau với lời ca tiếng nhạc. Tất cả, tất cả như vừa mới đây, trong khoảng khắc. Vậy mà …giờ đây, sự mong chờ bên sông đã héo úa theo năm tháng.
Tuy vậy anh vẫn chờ, cho dù, một ngày nào đó
Tất cả chỉ còn là hư vô cùng với những bài ca để lại.
Tuan Nguyen.
Source Internet.
Ông già và bầu ngực cô gái
Có một câu chuyện rất hay phía sau nhiều bức tranh, bức điêu khắc trên thế giới về một ông già đang ngậm bầu sữa cô gái trẻ.
Ở bảo tàng nghệ thuật Lourve có một bức điêu khắc của Jean Goujon khiến những người lần đầu đi qua đều phải đỏ mặt xấu hổ khi nhìn vào. Đó là bức tượng một cô gái trẻ đang vạch bầu ngực cho người đàn ông già nua. Không chỉ ở Lourve mà còn nhiều bảo tàng khác trên thế giới có những tấm điêu khắc, tranh vẽ về hai nhân vật này.
Bức điêu khắc của Jean Goujon trong bảo tàng Lourve, Pháp.
Bức điêu khắc và nhiều tác phẩm tranh ấy mang một cái tên chung: Cimon and Pero, và nó mang một câu chuyện đậm tính nhân văn khiến người ta phải khóc, chứ không phải che mắt ngoảnh đi. Pero là con gái của Cimon. Hành động tưởng như ghê tởm ấy chính là tình cảm của cô con gái dành cho người cha đang chết dần chết mòn của mình.
Nếu không hiểu câu chuyện phía sau, hẳn nhiều người sẽ lên tiếng chế nhạo, cười chê phía bảo tàng. Thật, làm sao có thể đặt một bức tượng, bức tranh vẽ cảnh tượng ấy ngay trong khuôn viên bảo tàng nghệ thuật, vốn được biết dành cho sự tinh tế cao thượng.
Tới ngày hôm nay, bức "Cimon and Pero" lại một lần nữa khuấy động mạng xã hội, từ Facebook đến Tumblr khắp nơi chia sẻ lại bức tranh của danh họa Rubens cùng câu chuyện cảm động về tình cha con ấy.
Bức "Cimon and Pero" của danh họa Peter Paul Rubens vẽ năm 1640.
Câu chuyện mà tác giả kể đúng ở phần chi tiết cốt lõi: Pero đang sử dụng bầu ngực của mình để cứu sống người cha đang phải chịu án tử trong tù của mình. Tuy nhiên, thực tế, nguyên tác lại khác hơn một chút.
Nguyên gốc câu chuyện có tên Roman Charity là chuyện về lòng hiếu thảo, được ghi lại trong cuốn IV bộ Nine Books of Memorable Acts and Sayings of the Ancient Romans (9 cuốn sách về hành động và câu nói đáng nhớ của người La Mã cổ đại) của nhà sử học Valerius Maximus viết vào những năm 30 Kỷ Công Nguyên. Hầu hết những câu chuyện trong sách đều dựa trên các khía cạnh cuộc sống đời thường của người Hy Lạp cổ. Bởi vậy, chi tiết nói Cimon là chiến binh anh hùng của Puerto Rico là không chính xác.
Ở truyện gốc, không có Cimon và Pero, chỉ có một người đàn bà bị quan kết án tử phải ngồi tù. Nhưng vì quản giáo thương tình đã không bóp cổ chết ngay, chỉ để mụ phải dần dần chết đói sau chấn song, đồng thời cho phép con gái vào thăm mụ, chỉ cấm không được tiếp tế đồ ăn.
Nhiều ngày trôi qua, quản giáo ngạc nhiên vì mụ vẫn còn sống, chỉ hơi mệt mỏi tiều tụy mà thôi. Thế là vị quản giáo bí mật theo dõi những lần thăm mẹ của cô con gái kia có gì khuất tất hay không. Rồi ông phát hiện ra trong cuộc thăm viếng, cô con gái vạch bầu ngực của mình ra để mẹ bú sữa để bà không chết đói trong tù.
Chuyện đến tai quan không lâu sau đó, nhưng vì cảm động với sự hiếu thảo của cô con gái dành cho mẹ, vị quan đã trình báo lên Bồi thẩm đoàn và quyết định thả tự do cho người đàn bà về với con gái.
Vốn đã là truyện thì thường có dị bản, mà "Cimon and Pero" chính là dị bản của câu chuyện người mẹ bú sữa con gái trong tù bên trên. Cimon có vai trò thay thế bà lão, còn Pero, vẫn mang nhiệm vụ cô con gái hiếu thuận tìm mọi cách nuôi bố mẹ trong tù.
Tác phẩm khác cùng đề tài của danh họa Peter Paul Rubens.
Cimon bị kết tội tử hình phải ngồi tù và đang bị bỏ đói trước khi hành hình. Pero không muốn cha phải chịu khổ đau đã lén lút để cha bú sữa trong những lần thăm cha. Cuối cùng vụ việc bị phát hiện, nhưng vì sự đẹp đẽ phía sau hành động ấy, Cimon đã được trả tự do cùng con gái hiếu thảo của mình.
Câu chuyện về lòng hiếu thuận La Mã đã trở thành cảm hứng sáng tác cho rất nhiều nghệ sỹ ở thế kỷ 17, 18. Bức điêu khắc của Jean Goujon là một trong số đó. Ngoài ra, còn có bức tranh sơn dầu của danh họa Peter Paul Rubens.
Tạm gác câu chuyện nguyên tác, dị bản sang một bên, chúng ta bàn về "hiệu ứng bức tranh" trước đã. Bạn có thấy, con người đã để óc phán xét hoạt động quá dễ dàng? Thay vì tìm hiểu ngọn ngành, chúng ta rất nhanh có thể chê bôi, bình luận bêu riếu một sự việc, con người nào đó chỉ bằng những nhận định ban đầu.
Dân gian có câu "đừng trông mặt mà bắt hình dong" cũng là để nói về điều này.
VIDEO
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)