Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

Cruise Caribbean



Chuyến cruise thứ nhì trong đời vào tháng 10 năm ngoái đi Mexican Riviera từ Los Angeles trên con tầu 5-sao Sapphire Princess ăn uống vô giới hạn, nghe nhạc sống, xem ca vũ nhạc mỗi tối và du lịch ở ba thành phố Cabo San Lucas, Puerto Vallarta, Mazetlan, Mễ-Tây-Cơ làm tôi về nhà tiếc lấy tiếc để mấy chục năm nay sợ không dám đi tầu. Vì thế, lợi dụng nhân dịp 35 năm kể từ ngày rời bỏ quê hương sang Mỹ trên chiếc tầu của Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ, để nhớ lại một quãng đời lịch sử lênh đênh giữa biển cả mênh mông, tôi vào Internet nghiên cứu tìm một cruise khác để đi.
Lần này tôi muốn đi vùng biển Caribbean, một dẫy đảo ở Trung Mỹ, phía Nam của Florida và Cuba, nổi tiếng với nước ấm và trong veo. Rút kinh nghiệm đi từ hai lần trước, tôi muốn đi con tầu nào năm sao, mới xây, giá rẻ. Chiếc Liberty of the Seas của hãng Royal Caribbean hội đủ ba điều kiện đó. Nó xây năm 2007, chở 4375 hành khách cùng 1360 thủy thủ đoàn và theo website http://www.vacationstogo.com/cruise_ships.cfm, nó xếp hạng năm sao. Khi khánh thành, nó và hai chiếc nữa, Freedom of the Seas và Independence of the Seas, là ba chiếc cruise lớn nhất thế giới. Chiếc Freedom of The Seas đi vùng biển East Caribbean khởi hành từ Port Canaveral, Florida, trong khi chiếc Independence of The Seas đi Âu Châu, Phi Châu từ London.
Chuyến cruise Liberty of The Seas này bắt đầu từ 4 giờ chiều Chủ Nhật 25-April và trở về 7 giờ sáng Chủ Nhật 2-May từ Miami, Florida. Chương trình như sau:
Ngày Nơi đến Giờ đến
Chủ Nhật Miami , 4 giờ chiều rời bến.
Thứ Hai Trên biển
Thứ Ba Labadee, Haiti 8:00 AM
Thứ Tư Ocho Rios, Jamaica 9:00AM
Thứ Năm Grand Cayman – Georgetown 8:00 AM
Cayman Islands
Thứ Sáu Cozumel, Mexico 10:00 AM
Thứ Bẩy Trên biển
Chủ Nhật Miami, Florida 7:00 AM

Một tháng sau khi mua vé, tôi nhận được tin vui vợ chồng anh Sơn và Cô Hai Sen ở Fort Erie, Canada cũng sẽ theo gót chúng tôi đi cùng một chuyến. Đây là lần đầu tiên hai người đi cruise nên rất hào hứng, nôn nóng đến độ mỗi đêm thao thức không ngủ được, đầu óc bị chi phối chỉ nghĩ đến chuyến đi cruise sắp đến nên cả một tháng trời hai vợ chồng quên luôn cả việc giờ Tí Canh Ba.
Tôi không muốn ngủ lại ở Miami một đêm trước ngày cruise nên chọn chuyến bay qua đêm khởi hành từ Los Angeles lúc 9 giờ rưỡi tối Thứ Bẩy, đến Miami 5 giờ sáng Chủ Nhật. Tôi không thích đi máy bay vì thường bị nhức đầu hay ói mửa. Hơn nữa, đối với tôi, giao tính mạng mình cho phi công mà không biết ông ta lái như thế nào là cả một sự khiếp đảm vĩ đại. Nỗi lo sợ ấy tương tự như khi đi xe hơi cùng bất đắc dĩ buồn ngủ quá phải để cho vợ lái: không bao giờ tôi ngồi trong xe ngủ yên vì lo sợ khi nàng cầm vô-lăng thì có thể nhớ lại lỗi lầm tôi làm 20 năm về trước, ủi xe đại vào một gốc cây nào đó cho tôi lên tiên cảnh. Chuyến bay này cũng trần ai như những chuyến khác tôi đã đi: ghế ngồi chật hẹp, chân tay khó co dãn, ngồi năm giờ đồng hồ tôi ngủ được nửa tiếng là khá lắm.
Chiếc máy bay American Airlines đáp xuống phi trường Miami lúc 4:45 AM, mười lăm phút sớm hơn dự định. Chúng tôi phải xuống khu hành lý để lấy thêm một chiếc valise gửi vì vợ tôi đi du lịch một tuần, một chiếc hành lý không thể chứa hết quần áo của nàng. Đàn ông như tôi thì dễ dàng, mặc chiếc áo vest để khỏi tốn chỗ valise (trên tầu hai ngày họ bắt mặc quần áo lịch sự ăn tối), giầy thì tôi chỉ mang có mỗi một đôi tennis, đi dạo, đi tập thể thao, đi ăn tối cũng cùng một đôi giầy để khỏi choán chỗ valise, trong khi vợ tôi thì phải mang ít nhất là năm đôi! Một bà mang năm đôi, 2200 hành khách là 11,000 đôi giầy. Chốc nữa lên tầu 11,000 đôi giầy nặng quá họ phải để lại thực phẩm trên tầu thì tôi biểu quyết cho mấy bà nhịn một bữa ăn tối.
Anh Sơn và Cô Hai Sen đã lái xe đến Miami tối hôm qua. Trước khi lên máy bay Cô Hai Sen đã dặn tôi qua điện thoại là vừa đến thì gọi ngay để hai vợ chồng ra đón. Tôi nói là tôi đến sớm lắm, năm giờ sáng nên hai vợ chồng cứ ngủ, tôi sẽ đợi đến 6 giờ rồi mới dám khua hai vợ chồng dậy. Mình là người Bắc lịch sự, làm gì dám quấy rầy người khác nửa đêm về sáng khi vợ chồng người ta còn đang lo chuyện giờ Tí canh Ba, canh Tư, canh Năm, hay canh Sáu không biết chừng.
Ngồi bên trong nhà ga gần đến sáu giờ, tôi ra ngoài gọi điện thoại. Miami tháng Tư 6 giờ sáng mà đã nóng hừng hực. Đi cruise vào tháng 4 ở Florida không bao giờ mang theo áo lạnh! Mùi đất ẩm ướt hắt lên mũi không khác gì ở Việt Nam, Paris, Toronto, hay các tiểu bang miền Đông Hoa Kỳ. Cái mùi đất nóng ẩm đó California không bao giờ có vì California thời tiết không ẩm ướt và ban đêm nhiệt độ lúc nào cũng rút xuống mát hơn ban ngày rất nhiều. Tôi gọi số phone tay của anh Sơn:
-Hello anh Sơn , em nè, Tài Ngọc.
-Tài Ngọc đến rồi hả?
-Anh thức giấc chưa, em sợ anh còn ngủ.
-Đã dậy chừng nửa tiếng rồi. Sen thì lục đục dậy từ 3 giờ rưỡi sáng đến giờ chờ Bác Tài với Cẩm Loan rồi đó chứ. Hồi nãy tụi này có gọi nhưng không ai bắt phone.
-Em ở dưới hầm không có sóng nên điện thoại không nghe được.
-OK, tụi này tới liền.
Mười lăm phút sau anh Sơn lái xe đến đón chúng tôi. Vừa mới gặp nhau hai năm trước đây ở Canada nên nhan sắc không một ai thay đổi. Hai người kể là Thứ Sáu ghé Savanah, Georgia xem phong cảnh rồi ngủ ở đó một đêm, hôm sau lái đi Miami. Tôi phục lăn anh Sơn. Anh ấy hơn tôi ba, bốn tuổi mà sức khỏe như Arnold Schwarzenegger, lái xe từ nhà ở Fort Erie gần Niagara Falls, Canada đến Miami gần 2000 cây số. Tôi thì chịu, đi đường xa lái độ hai giờ là đã buồn ngủ, trong khi anh ấy nói có sức lái thẳng xuống Miami nhưng muốn xem phong cảnh nên ngừng ở Savanah. Tôi mà là Tổng Thống thì sẽ phong cho anh Sơn chức Bộ Trưởng Bộ Vận Tải Đường Bộ chuyên đặc trách Xe đò Hoàng.
Sau khi trở lại khách sạn ăn điểm tâm và bỏ hết valise vào xe, anh Sơn chở chúng tôi đi xem biển Miami ở South Beach. Miami cũng như Los Angeles, nhiều cây dừa (dừa ở Miami có trái, Los Angeles thì không), nhiều người thiểu số (Miami nhiều người Cuban, Los Angeles nhiều người Mễ), biển cát mịn (nước biển Miami ấm, Los Angeles lạnh). Tuy rằng trên website họ viết giờ check in là một giờ, rút kinh nghiệm chuyến đi cruise trước, 10 giờ 30 sáng là chúng tôi đã lái xe đến địa điểm tầu đậu. Hành khách của chuyến cruise trước vẫn còn ra đầy trước cổng. Anh Sơn bỏ mọi người xuống để đi đậu xe. Hành khách có thể đưa hành lý cho nhân viên hãng cruise ở trước cổng mang vào tầu. Cái lợi là mình đi tay không, không vướng víu hành lý (và lúc về ngược lại cũng vậy), nhưng cái bất lợi là có thể họ giao hành lý đến phòng rất lâu. Có phòng tôi thấy hơn 6 giờ chiều họ mới giao. Tôi chọn kéo theo hành lý, vì không nặng nhọc cho lắm. Số người đến còn ít nên việc check in nhanh chóng, mỗi người được phát một thẻ vừa dùng làm căn cước, vừa dùng làm credit card để trả tiền trên tầu. Trên thẻ này có in tên nhà hàng, số bàn , giờ ăn. Thẻ chúng tôi là nhà hàng Botticelli ở tầng thứ 5, số bàn 593, giờ ăn: 6 giờ chiều. Trong suốt chuyến đi từ giờ trở đi, đây là nhà hàng mà chúng tôi sẽ đến ăn mỗi tối. (hình trang 7, hai hàng cuối cùng: http://s775.photobucket.com/albums/yy38/taingoc4/Carribbean%20Cruise%202/?start=120 )
Đã gần một giờ trưa nên chúng tôi lên từng thứ 11 ở cuối tầu, nhà hàng Windjammer Café ăn trưa. Đây là nhà hàng duy nhất cho hơn 4000 hành khách ăn trưa nên mặc dù nó rất là to và giờ mở cửa từ 11:30 đến 3:30 PM, hoặc có ngày đến 5 giờ chiều, đi hơi trễ một tí thì hơi khó tìm bàn. Ăn sáng thì có thêm một nhà hàng khác ở tầng thứ 3 đầu tầu, ăn tối thì thêm hai nhà hàng khác mở với giờ giấc ấn định sẵn nên việc tìm bàn trống tương đối dễ dàng. Một trong lý do đi cruise là ngày ba bữa không phải lo nấu cơm, không phải suy nghĩ hôm nay đi ăn gì, ở nhà hàng nào. Thức ăn tuy không nhiều khủng khiếp 40, 50 món như những nhà hàng trong khách sạn ở Vegas, nhưng cũng gần đến cỡ đó. Ăn mệt không nên nghỉ, cứ ăn tiếp vì tầu mang thức ăn đủ chín tháng mười ngày. Theo người giám đốc tầu Libery of the Seas, mỗi ngày họ rửa 80,000 bát đĩa lớn nhỏ! Chia ra 5800 người, trung bình một người dùng 14 bát đĩa. Thảo nào khi xong chuyến cruise, người nào người nấy đều có thể nộp đơn vào trường dậy võ sumo của Nhật Bản. Trong suốt chuyến đi, buổi nào chúng tôi cũng đi ăn sớm, tìm bàn sát kính nhìn ra biển không một chút khó khăn, ngồi ăn ngắm mặt biển cảnh trí thật hữu tình. Ở Los Angeles mấy khi tôi đến một nhà hàng sang trọng gần biển, tìm được một chỗ ngồi sát nước trông ra biển, trong khi ở đây ba ngày một lần bàn chúng tôi luôn luôn sát kính tầu nhìn ra biển, thỉnh thoảng ngồi ngay đuôi nhìn vệt dài bọt biển trắng của con tầu rẽ nước, ngồi ăn bao nhiêu lâu cũng không ai nói. Thiên đường không phải đây thì là đâu nữa.
Thức ăn trên tầu miễn phí nhưng soda, bia và rượu phải trả tiền. Những ai thích uống soda như Coke, Pepsi, thì khi mua vé họ dụ mua thẻ uống vô giới hạn giá $70, mình phải trả tiền trước. Đừng mua trước, đợi khi lên tầu hãy mua vì ngày đầu tiên hãng cruise nào cũng vậy, rao bán sale chỉ còn $40, $45, mà họ còn cho một bình plastic Coke để làm kỷ niệm.
Cái thích thú của đi cruise vào ngày đầu tiên là đi thám hiểm xem phòng ốc, hàng quán như thế nào, và ở đâu. Tất cả tầu của Royal Caribbean trọng tải từ 138,000 tấn trở lên (chiếc Liberty of The Sea là 160,000 tấn) ở giữa vào khoảng tầng thứ năm họ xây “Royal Promenade”, một con đường cao bốn tầng, dài hơn sân đá banh với hai bên đường là hàng quán, tiệm ăn. (hình trang 4 đến trang 6 : http://s775.photobucket.com/albums/yy38/taingoc4/Carribbean%20Cruise%202/?start=60 ). Hai hãng cruise tôi đi trước đây, Carnival và Princess, không có thiết kế này. Ở mỗi đầu Promenade có một hành lang bắt ngang qua. Sáng trưa chiều tối thỉnh thoảng có ban nhạc, ca sĩ, vũ công đứng ở hành lang hát để người đi dưới đường xem. Một vài ngày họ tổ chức diễn hành…Ngồi ở những quán nước ngắm thiên hạ qua lại tấp nập vui nhộn không thua gì ngồi uống cà-phê trên những con đường ở SàiGòn, Paris hay Vegas vào tối New Year’s Eve. Tối ngày thứ Hai trên tầu đi ăn nhà hàng phải mặc quần áo trịnh trọng (một tuần có hai hôm mặc quần áo trịnh trọng, mục đích chính là nhân viên họ chụp hình rồi dụ khách mua. Hầu như ai cũng mua vì vợ chồng con cái ai cũng mặc quần áo đẹp. Một bức ảnh 8 x 10 họ bán $20, cắt cổ khách còn hơn là cắt cổ gà). Ngay tối này họ tổ chức buổi Thuyền Trưởng ra mắt và phát champagne cho mọi người uống miễn phí. Ban nhạc chơi nhạc tour và khách trong áo quần trịnh trọng nhẩy múa khắp nơi đầy hết con đường Promenade. Lần này đi chúng tôi quá bận rộn: xuống đảo, nghe nhạc, xem show, xem trò chơi…, không một lần nào chúng tôi có dịp ngồi uống nước ngoài đường ngắm thiên hạ đi qua lại.
Promenade ở tầng thứ năm. Đây cũng là nơi có quầy tiếp tân và giải quyết tất cả dịch vụ cho khách. Mỗi một buổi tối người làm phòng để một tờ chương trình liệt kê tất cả sinh hoạt cho ngày hôm sau (họ làm phòng một ngày ba lần!) Ở quầy tiếp tân này họ để sẵn những tờ giấy chương trình đó. Ngoài những tờ in bằng tiếng Anh còn có những tờ in bằng tiếng Tây-Ban-Nha, Pháp, Đức và Bồ-Đào-Nha. Tầu chỉ chở hành khách đến đảo. Họ có nhiều chương trình du ngoạn trên đảo, xem đời sống dân địa phượng, bơi xem cá… tất cả đều phải trả tiền và đây là nơi mình đến để đặt mua. Ở tầng thứ tư và thứ ba là sân trượt tuyết, phòng thu thanh, phòng họp, rạp ciné, hí viện, mấy cái nhà hàng lớn, night club, sports club, phòng bán tranh, phòng ban nhạc trình diễn, nơi bán rượu, cocktail, phòng uống nước nghe nhạc, casino, phòng trưng bày hình chụp hành khách (để bán)… …
Hành khách ở tầng thứ 6 đến 11, một số ít ở tầng 2 vả 3. Tầng 11, 12 là mấy cái hồ bơi, nhà hàng buffet, phòng tập thể dục, spa, trò chơi surfing, sân bóng rổ, leo tường, bóng bàn. Tầng thứ 13,14 là thêm quầy rượu, phòng nghe nhạc, phòng chơi game /sinh hoạt cho con nít, và nhà thờ. Thư viện và phòng Internet ở tầng thứ 7 và thứ 8. Lệ phí Internet tầu này “rẻ” hơn tầu Sapphire của Princess: 65 cents một phút và không phải mua tối thiểu là bao nhiêu.
Chiếc tầu này xây mới vài năm nay nên kiến trúc tân kỳ, vật liệu đắt tiền, gỗ lim bóng lộn, bậc thang làm bằng kính trong vắt, những nơi cần làm bằng kim khí thì là bằng thau bóng lưỡng. Ta thường nói nhìn y phục của một người mình có thể biết tư cách người đó: Restroom công cộng khắp nơi trên tầu trông còn đẹp hơn phòng khách của nhà mình thì đủ biết con tầu sang trọng đến bực nào.
Tối nào cũng có hai xuất ca vũ nhạc ở hí viện rất lớn, có lẽ chứa được 1300 người. Hai xuất giống nhau, hành khách nào không kịp xem xuất này thì xem xuất kia. Đêm đầu tiên chúng tôi xem một người juggler thẩy banh và một người đánh đàn đứng nói chọc cười. Cả hai người đều khá hay thế nhưng show của những đêm sau tuy là dàn sân khấu cầu kỳ đủ mọi cảnh khác nhau, y phục tỉ mỉ sặc sỡ đủ loại, vũ công thiện nghệ, show không hay lắm vì nhạc viết riêng cho show nghe tương đối dở.
Ngày thứ Hai tầu lênh đênh trên biển. Anh Sơn và chị Sen mới từ tủ lạnh Bắc cực Canada xuống nên nằm trên boong tầu nắng chói chang phơi nắng. Lần tới tôi sẽ tìm chuyến du lịch đi Hawaii bốn đêm ngủ cắm trại cạnh hoả diệm sơn lava phun sùng sục mầu đỏ tía, rồi rủ hai vợ chồng Canadian và các bạn bên Âu Châu, bảo đảm ai cũng muốn đi. Tôi sợ nắng, nằm dan nắng nột phút cũng sợ nên kéo ghế bố vào chỗ mát nằm nghe nhạc và xem nhân viên trên tầu dậy mọi người line dance: tất cả mọi người nhẩy cùng một điệu theo tiếng nhạc, trông rất là vui.
Sáng thứ Ba 7 giờ tầu ghé đảo đầu tiên, Labadee, Haiti (trang 2 đến trang 5 : http://s775.photobucket.com/albums/yy38/taingoc4/Caribbean%20Cruise%20-%20April%2025%20%202010/?start=20 ). Tầu chạy ban đêm, sáng đến bến, ngừng cho mọi người đi chơi rồi chiều nhổ neo chạy suốt đêm đến đảo thứ nhì và cứ thế mà tiếp tục. Labadee là tên của một người Pháp, Labadie. Họ đổi thành Labadee để người Mỹ đọc phát âm cho đúng chữ Labadie. Ai chứ ông Mỹ thì chán lắm. Tên địa danh của nước nào thì nên đọc theo lối phát âm của nước đó, thế nhưng không. Ông ta đọc theo lối phát âm của tiếng mẹ đẻ của ông ấy. Thành ra Paris thay vì đọc Pa-Ri, ông ta đọc ra là Pe-Rịtz, Ép-Phên (Eiffel) ông ta đổi thành Ai-Phồ. Nghe cứ như là người Việt mình bỏ chữ “Angeles”, đọc Los Angeles thành “Los” vậy. “Cô đi đâu? Tui đi Los” , nói nghe ngứa tai không thể tả.
Labidee nằm ở phía Bắc Haiti, cô lập không có đường xá dẫn đến, chỉ đến được bằng tầu. Hãng Royal Caribbean thuê phần đất này của xứ Haiti rồi độc quyền chở khách đến đây (chiếc Freedom of The Seas, to tương tự như chiếc Liberty of the Seas, đi Caribbean từ Port Canaveral ghé ngang CocoCay, Bahamas. CocoCay giống như Labadee: nó là đảo riêng biệt do Royal Caribbean làm chủ). Họ xây vài nhà kho, mấy gian không tường để đầy bàn ghế ăn picnic, móc võng khắp nơi, đầy ghế bố và dù che cho khách trên tầu dùng không tốn tiền. Họ mướn vài người Haiti làm việc, những người này đến đây bằng thuyền. Mình muốn ghế bố, dù hay phao nổi thì chỉ cần cho tiền tip, họ sẽ khiêng ra bãi biển cho mình. Khi chúng tôi không biết, hỏi giá mướn ghế và dù là bao nhiêu thì họ nói tất cả thuộc về cruise không tốn tiền, chỉ cho họ “good tip”. Cô Hai Sen cho anh chàng đó $10, hỏi anh ta có phải là “good tip” không, anh ta nhanh nhẩu đi lấy hai ghế bố và dù cho chúng tôi để ngay trên bãi biển. Nhân viên trên tầu xuống đảo chỗ mấy gian nhà bán cocktail, soda, bia, rượu, để phục vụ hành khách. Họ đi vòng vòng chụp hình để hôm sau gạ bán cho khách trên tầu. Những trò chơi kéo dù, chèo ghe, đu dây… có đủ cả, và vì phần đất này của hãng Royal Caribbean, khách dùng thẻ ID của hãng cung cấp để trả tiền cũng được. Họ mang xe chở thức ăn từ trên tầu xuống làm BBQ cho hành khách ăn trưa miễn phí vì xem như là mình ăn buffet trên tầu. Cảm tưởng của tôi là giống như mình đi picnic ở biển nhưng có người lo thức ăn cho mình. Khung cảnh an toàn vì dân đi biển toàn là khách trên tầu, không có người địa phương xen lẫn. Nước biển trong veo, ấm, không sóng, nhiều chỗ đất cạn, cá bơi với người, hết sẩy thế nhưng chỉ tiếc một cái là phần bãi biển khi vừa xuống nước đá lởm chởm đi đau chân và rất nhiều chỗ rong rêu mọc ở đáy biển. Lần tới đi tour này phải mang theo dép lưới đi biển.
Ngày hôm sau tầu đến đảo thứ hai : Ocho Rios. (Trang 6 đến hai bức ảnh đầu trang 9: http://s775.photobucket.com/albums/yy38/taingoc4/Caribbean%20Cruise%20-%20April%2025%20%202010/?start=100 ) Ocho Rios, 8 con sông, là thành phố phía Bắc của Jamaica. Trước khi độc lập, Jamaica bị Tây-Ban-Nha và Anh quốc đô hộ. Nước Anh đô hộ sau nên ngôn ngữ chính của Jamaica là Anh ngữ. Jamaica là một trong 14 nước nằm trong Commonwealth của Anh (gồm cả Canada, Úc, Tân Tây Lan…) với Elizabeth II là Nữ hoàng.
Lần trước và cả lần này tôi không mua tour trước ở trên tầu nên khi xuống đất liền chúng tôi tự túc lo lấy. Jamaica tổ chức quy củ hơn những thành phố Mễ tôi đã đến thăm là tất cả taxi, xe bus du lịch đậu ngay cảng tầu cập bến. Mọi người Jamaica trong khu vực này đều đeo giấy phép làm việc của nhà nước. Đi trả giá một mình với người địa phương ngại vấn đề cướp bóc và bị hố, thế nhưng lần này có anh Sơn vạm vỡ đi theo, ăn cướp có đến thì một mình anh Sơn đủ sức ở lại chiến đấu bảo vệ Cô Hai Sen và vợ tôi, rảnh tay cho tôi chạy thoát trước bỏ lại cả ba. Sau khi trả tiền $30/ một người cho tour ba giờ đồng hồ, chúng tôi leo lên chiếc xe bus nhỏ một cô làm hướng dẫn viên, một anh làm tài xế. Hai người đen hơn củ súng. Chở chúng tôi lòng vòng thành phố xem cảnh trí dân tình, cô da đen nói liếng thoắng không ngừng. Nghe cô ta nói chuyện là chúng tôi biết ngay cô này thuộc loại chị Ba gánh nước ở chợ Trần Quốc Toản. Ngoài việc giải thích cho chúng tôi biết đời sống, ngôn ngữ của người Jamaica, cô ta rất tự hào với đàn ông Jamaica, vạm vỡ, khỏe mạnh, luôn làm cho đàn bà Jamaica “happy”. Cô ta nói cũng có lý vì kỷ lục thế giới chạy 100 thước rút bây giờ , 9.58 giây, là của Usain Bolt, người Jamaica. Người Jamaica tự hào về đàn ông của họ nên khắp các tiệm bán đồ gỗ khắc cho du khách, tiệm nào cũng có tượng gỗ đàn ông Jamaica trần truồng với cái của quý còn to hơn súng cà-nông. Khi ngừng lại một tiệm hoang dã với cây chuối, đu đủ trồng như ở miền quê Việt Nam, anh tài xế chỉ cho CHS tượng một đàn ông bằng gỗ và nhất định nói CHS thử sờ của quý của nó. CHS rất vui tính, anh kia nói thì đến rờ liền, nhưng vừa rờ vào thì nó rớt xuống đất (hình ở trang 6) . Hoá ra họ khắc chỗ ấy là một cái lỗ rồi tiện một miếng gỗ tròn đút vào, không có keo dán gì hết nên đụng một tí thì nó sút ra. Cả bọn có một trận cười sập nhà. Đàn ông Jamaica vạm vỡ khỏe mạnh thật nhưng giòn rụm, đụng một cái rớt xuống đất thì còn làm ăn cái gì được nữa.
Trên đường đi qua một thác nước, cô Jamaican hỏi chúng tôi có muốn ghé vào xem không thì phải trả tiền một người năm dollars. Biết rằng chả có gì để xem nhưng chúng tôi cũng trả tiền vào để chụp hình. Cái thác cao bằng ..vòi nước tắm trong nhà! Anh chị Sơn ở kế ngay cái thác vĩ đại Niagara Falls, còn tụi tôi thì lái xe ba giờ là xem được thác cao vòi vọi ở Yosemite, thế mà vì là du khách nên chúng tôi trả 5 dollars một người không luyến tiếc.
Gần cuối tour, họ cho chúng tôi ngừng ở một khu shopping “cao cấp’”, duty free để đi xem cho biết. Hầu hết những đảo chúng tôi ghé thăm chỗ nào cũng bán hột xoàn, theo lời của chuyên gia vợ tôi và Cô Hai Sen thì rất rẻ so với bên Mỹ. Trong khi họ shopping, tôi đứng dựa cột nhà để đợi. Một anh lùn quét nhà tên Maurice (hình cuối trang 7) thấy tôi cầm trong tay cái nón có hình hàng không mẫu hạm Reagan, hỏi tôi có phải đó là Tổng Thống Reagan không. Tôi nói phải, nón tôi mua ở thư viện ông ta nên có hình chiếc chiến hạm mang tên Reagan. Anh ta bắt đầu nói thao thao về Reagan, về chính trị Mỹ làm tôi ngạc nhiên vô cùng, một người có kiến thức cao như vậy sao lại đi quét rác. Anh ta nói không tìm được việc nào khác. Tôi hỏi nhà anh ta ở đâu, anh ta trả lời cách xa 45 cây số, đi xe bus một ngày mất 10 dollars nhưng tiền lương chỉ có 50 dollars một tuần. Tuy rằng tiền lương trả hết vào tiền xe bus, anh ta thích ra khu thị tứ xem thiên hạ qua lại và để có việc làm qua ngày giết thì giờ. Tôi cho anh tiền ăn trưa và xin anh một tấm ảnh kỷ niệm.
Sau chuyến đi tour vòng đảo, họ thả chúng tôi ở bãi biển ngay chỗ tầu đậu. Biển ở Ocho Rios kỳ lạ, có chỗ lạnh chỗ nóng. Cái kính bơi của tôi tròng kính theo độ cận thị mắt của tôi nên khi bơi hay lặn tôi thấy rất rõ (một chị ở Việt Nam mua đặc biệt gửi sang cho tôi) , thế nhưng chỉ ở biển Ocho Rios thì tôi thấy lúc rõ lúc mờ. Đến giờ tôi vẫn không hiểu có phải vì giòng nước nóng lạnh trộn lẫn làm mình không thấy rõ hay không? Ở biển này tôi không thấy cá nhưng khi bơi ra sâu lặn xuống đáy thì đầy những con sea urchin mầu đen. Tôi lặn xuống thử bắt bằng tay nhưng nó đâm đau tay nên trở vào bờ lấy cái nón lặn xuống dùng nón xúc nó lên rồi mang lại vào bờ chụp hình (trang 8).
Khi đến giờ trở về, lúc đi trên cầu trở lại tầu thì chúng tôi nghe tiếng người nói oang oang từ dưới biển. Ngạc nhiên nhìn về hướng tiếng nói phát xuất thì chúng tôi phát hiện quả thật có một người Haiti đang bơi dưới biển miệng liên tục xin tiền bằng tiếng Anh. Anh ta chắc đã đứng nước cả giờ để xin tiền từ những người đi bộ trở về tầu. Cô Hai Sen mở rộng lòng từ bi thẩy mấy đô-la giấy, anh ta cảm ơn rối rít (hình cuối trang 8). Một người có khả năng đứng nước cả giờ thật đáng cho tiền vì bơi phải rất giỏi.
Ngày thứ Năm tầu ghé đến Cayman Islands (hình trang 9, 10). Ở đây không có cảng đậu nên tầu đậu ngoài khơi rồi họ cho tầu nhỏ chở vào (tầu nhỏ này tiếng Anh gọi là tender, chỗ từ trong tầu mình đi ra vào là gangway). Cayman Islands ngày xưa cũng bị Anh cai trị, cũng được trả độc lập như Jamaica, nhưng khôn hơn Jamaica là họ không muốn độc lập, vẫn muốn trực thuộc người Anh. Thống Đốc ở đây do bên Anh phái sang. Đó là lý do tại sao tuy rằng dân số chỉ có 59000 người so với Jamaica 2.8 triệu, nhà cửa ở đây tươm tất, sạch sẽ, và tân kỳ. Chúng tôi tìm được một anh taxi bao cả xe $80 và $10 tiền bồi dưỡng, chở chúng tôi đi vòng đảo. Không biết ở đây có cướp nhiều không mà mỗi lần dừng lại là anh tài xế kéo cửa sổ lên, khoá cái xe Toyota Van 4 máy cẩn thận dù rằng nó cũ xì mấy chục năm. Cũng như Jamaica, xe cộ ở đây tay lái bên phải, chạy ngược chiều bên Mỹ. Cayman Islands có một đặc điểm lạ. Cái đảo nhỏ xíu mà theo lời anh tài xế có 590 nhà băng. Lý do? Cayman không đánh thuế. Dân ở đây giầu nhất vùng Caribbean và đứng một trong hàng đầu trên thế giới với lợi tức trung bình một người $51,000 US dollars một năm.
Cayman nổi tiếng với 7-mile beach, xem cá đuối và rùa biển. Sau khi tour một vòng đảo, anh tài xế Clive chở chúng tôi đến bãi biển Royal Palms. Trong tất cả các bãi biển tôi có dịp đến từ xưa đến giờ, biển này đẹp và tốt nhất. Biển ấm, sóng yên, cát trắng mịn, nước trong veo, và đặc biệt cái nhất ở đây là không cần bơi đi đâu xa, chỉ cần đứng nước đến ngang đầu gối hay đùi là đã thấy cá bơi dưới nước. Cá to chứ không nhỏ. Anh Sơn không những lái xe giỏi mà bơi cũng nghề. Cộng thêm chức Bộ trưởng Vận Tải phụ trách Xe đò Hoàng, tôi sẽ phong chức cho anh Sơn là Chủ Tịch Tổng Cuộc Người Nhái Phụ Nữ Việt Nam. Tôi và anh ấy bơi ra sâu hụt đầu, hai anh em tha hồ xem cá đủ mầu sắc xanh đỏ tím vàng bơi lội, và đặc biệt là thấy cá đuối. Tôi không ngờ nước trong, êm và có cá đuối đẹp như vậy. Lần tới có đi chuyến cruise khác tầu ghé Cayman Islands, nhất định tôi phải mua tour bơi xem cá đuối họ bán trước ở trên tầu.
Ngày Thứ Sáu tầu ghé Cozumel, Mexico (hình trang 11,12,13). Cũng giống như bên Mexican Riviera về phía Tây, nơi taxi đón khách trên tầu xuống của Cozumel hỗn loạn vô trật tự. Tôi bị hố vì không nghiên cứu kỹ: Trên tầu tôi đọc tour họ quảng cáo đi xem di tích của nền văn minh Mayan ở Tulum giá $100 / một người. Quá đắt, nên khi đứng điều đình với một người Mễ cầm biển quảng cáo đi tour, anh ta nói đi một vòng đảo ba tiếng cộng với xem di tích nền văn minh Mayan chỉ có $30/ một người, đưa anh ta đặt cọc $40 trước. $30 so với $100 thí quá rẻ nên tôi đồng ý. Vừa đưa cho anh ta $40 thì anh ta ngoắc một chiếc xe Van taxi, giải thích cho người tài xế là tôi muốn đi đâu, xong rồi thì chúng tôi sẽ trả $80 cho anh tài xế. Như thế là anh ta ăn $40 trong chớp nhoáng mà không làm gì cả. Đến chỗ di tích lịch sử Mayan, tôi khám phá ra phải trả thêm $7/ một người để vào xem, và cái di tích này ở Cozumel thì nhỏ xíu, không phải cái to ở thành phố Tulum, phải đi trên tầu nhỏ chở vào đất liền.
Nước biển ở Cozumel tuy trong nhưng sóng rất lớn, lớn như sóng ở phía Bắc của đảo Oahu, Hawaii. Bãi biển cũng có nhiều đá nên sau khi đi tour một vòng đảo chúng tôi không muốn tắm biển, ghé vào downtown ăn trưa. Đường xá, nhà cửa, và ngay cả xe cộ -rất nhiều xe gắn máy Honda Dame 50 phân khối- không khác gì ở SàiGòn.
Bốn ngày xuống đảo xem như chúng tôi bận rộn cả ngày. Giờ rảnh rỗi chỉều tối thì một phần dành một giờ đi ăn tối, một giờ xem show ca vũ nhạc chính yếu. Tầu này hai ngày họ có show vũ trượt tuyết, đặc biệt có một cặp vợ chồng vũ công trượt tuyết người Nga làm ảo thuật thay quần áo chớp nhoáng liên tục trong vài giây khi họ múa vũ trên tuyết, hay xuất sắc. Thì giờ còn lại thì chúng tôi đi xem show nhỏ lỉnh kỉnh, nghe nhạc hết ban này đến ban khác. Trên tầu có bốn ban nhạc khác nhau: một ban nhạc ba anh Mễ, một ban nhạc bốn anh da đen, một ban nhạc chơi nhạc nổi tiếng đời 70, và một ban nhạc chơi nhạc “Big Band”, nhạc mấy ông bà già. Họ luân chuyển hát khắp nơi trên tầu. Tội nghiệp cho ban nhạc Big Band nhất vì trong khi mấy ban nhạc kia phòng lúc nào cũng đầy người, ban nhạc này buồn ngủ quá người xem càng ngày càng bỏ dậy đi ra ngoài. Người nào biết nhẩy, thích nhẩy, đi cruise là sướng nhất vì tha hồ đi nghe ban nhạc chơi nhạc sống để mình nhẩy đầm. Anh Sơn và Cô Hai Sen thiện nghệ nhẩy nên có dịp trổ tài lả lướt, nhiều người vỗ tay tán thưởng. Mấy lần Loan muốn tôi ra nhẩy với Loan nhưng tôi học chỉ có một lần rồi bỏ không thực tập, bây giờ không biết đi như thế nào thì làm sao dám ra múa rìu trước mắt thiên hạ?
Bẩy ngày trôi qua quá nhanh. Sáu giờ sáng Chủ Nhật tầu đã cặp bến Miami, chúng tôi lên ăn điểm tâm một lần cuối truớc khi về. Nếu muốn tầu mang hành lý ra ngoài, mình phải đóng sẵn valise để cho họ mang đi trong khoảng 7 đến 11 giờ tối hôm trước. Chúng tôi chọn tự xách valise theo, và chọn giờ ra trước nhất nên trong trường hợp của tôi, chưa đầy 15 phút đã ra khỏi tầu. Anh Sơn và chị Sen là dân Canada nên hơi lâu hơn một tí. Nhìn mặt anh Sơn Hải quan Mỹ thấy giống mấy người Hồi khả nghi nên gọi riêng anh vào hỏi thăm sức khỏe.
3 giờ chiều chúng tôi mới bay về Los Angeles nên dùng GPS, tôi tìm nhà hàng Việt Nam ăn sáng. GPS tìm được nhà hàng với chữ Việt Nam nhưng quá xa, hơn 40 mile, nên tôi bèn tìm chữ “Phở”. Có Phở 78 ở Pembroke Pines, Fort Lauderdale, cách xa 30 cây số nên chúng tôi trực chỉ. Pembroke Pines tương đối nghèo nàn, lác đác vài hàng quán. Cạnh tiệm Phở 78 là chợ Thái Bình. Anh Sơn và Cô Hai Sen còn xuống Key West ở hai ngày nữa, một tuần trên tầu sáng trưa chiều tối ăn toàn thức ăn Mỹ nên bây giờ anh Sơn thèm ..mì gói, muốn mua. Chúng tôi lên máy bay không cho ăn nên cũng muốn mua vài ổ bánh mì. Gặp một cậu VN trạc 40 tuổi đang xếp đặt hàng cho ngăn nắp, Đại Sứ Liên Hiệp Quốc Cô Hai Sen bắt chuyện:
-Em ở đây lâu chưa?
-Dạ ba năm rồi.
-Trước đó em ở đâu?
-Dạ, trước đây em ở California, San Jose. Vợ em làm nail. San Jose đông người Việt quá nên khách Việt Nam chứ không phải Mễ hay Mỹ nhe chị. Việt Nam thì chị biết đó, họ vào làm nail mà trả giá như sấm, tụi em kiếm tiền không được nên phải chạy qua đây. Ở đây thì ít người Việt làm nail nên làm ăn được lắm. Anh chị ở đâu đến?
-Tụi tui ở Canada, Niagara Falls. Còn cái ông mặt giống tướng cướp này ở California. Chừng nào em có dịp qua Canada thì ghé đến nhà tụi này chơi. Cô Hai Sen trả lời.

Đi một vòng tiệm xem họ bán món gì rồi chúng tôi qua bên tiệm phở ngay bên cạnh, định chốc nữa ăn xong sẽ ghé trở lại mua, khỏi tốn công xách bao bị lỉnh kỉnh. Người bồi bàn ở tiệm phở là một anh da đen khoảng 42 tuổi. Tôi nghĩ anh ta là người Mỹ cho đến khi anh ta đến bàn hỏi chúng tôi lấy thực đơn bằng tiếng Việt. Tôi bắt chuyện:
-Tụi tôi mới đi cruise ở Miami, tìm tiệm Việt Nam không có nên chạy lên đây.
-Người Việt Nam không có ở Miami đâu anh ơi. Đông nhất là Orlando, rồi Fort Lauderdale. Em ngày xưa ở Atlanta 17 năm, bên đó dân Việt Nam đông hơn.
-Em có vợ con gì chưa? Cô Hai Sen hỏi.
-Dạ có, nhưng tụi em chia tay đã từ lâu. Em có một đứa con, nó lớn rồi.
-Nó ở với ai?
-Dạ nó ở với má nó chứ ở với em làm chi cho khổ. Em đi lông bông đây đó, em mới dọn qua Florida này chỉ có một năm. Em ở cái apartment đằng sau tiệm phở, bên này mướn nhà mắc lắm. Cái apartment hai phòng ngủ em trả $960 một tháng. Ở Atlanta trả $450 là cao lắm mà em làm tới $17/1 giờ, bên đây trả có mấy đồng.
-Vậy làm sao em đủ tiền sống?
-Sống đâu quen đó chị ơi. Bên đây có sòng bài, em ghiền đánh bài.
-Ghiền đánh bài là chết. Em phải lo sao có đời sống ổn định chứ.
-Hổng sao đâu chị ơi. Em định về Việt Nam ở luôn. Hai năm trước em về Việt Nam hai lần mỗi lần sáu tháng.
-Tại sao em không ở luôn một năm mà phải bay về Mỹ?
-Dạ tại em chưa phải là công dân Mỹ, em chỉ có thẻ xanh. Em không muốn nộp đơn xin vào công dân vì em về Việt Nam làm ăn được hơn. Em có hùn vốn với thằng em em mở một cái tiệm ở Rạch Giá, khu nhà của em ở Việt Nam. Anh chị biết không? Hồi lúc chưa đi Mỹ em lên SàiGòn bán chổi lông gà sáu năm liền.

Chúng tôi nghe nói, thấy thương hại cho anh ta cực nhọc vì miếng ăn thì anh ta tiếp:
-Bán chổi lông gà coi vậy mà lời lắm.
-Vậy sao? Mọi người trố mắt.
-Một cái chổi em bán 35000 đồng Việt Nam. Chị biết em lấy vốn bao nhiêu không? Có 1200 đồng một cây hà! Thành ra anh chị về Việt Nam muốn mua cái gì, hễ anh chị mở miệng trả giá là bị lỗ rồi đó. Có cái bà này bả nghe em nói 35000, bả nói em làm gì mà nói thách dữ vậy bả trả em 1500, coi như là bả trả cho bõ ghét, vậy mà em bán cho bả luôn! Bả mừng quá, tưởng hôm đó em ế nên bán tháo chứ bả đâu có biết em bán 1500 đồng vẫn còn được lời 300! Ở SàiGòn có hai thứ bán lời lắm là bán chổi lông gà với bán chiếu đó anh chị.

Chúng tôi phá lên cười khám phá ra sự thật bên trong của việc bán hàng. Trả tiền từ giã anh bồi bàn vui tính, Cô Hai Sen nói:
-Chị ở Canada, bữa nào em qua Canada ghé thăm chị nhe.
Trở lại chợ Việt Nam bên cạnh, chúng tôi mua mấy nón đã định sẵn, xôi, chả, bánh mì thịt, mì ly. Món gì cũng đắt hơn California nhiều. Cô Hai Sen đi đâu là làm quen đến đó, nói chuyện thao thao với vợ chồng cô tính tiền hỏi thăm họ sinh sống ra sao và cuối cùng cũng đề nghị nếu có dịp sang Canada thì ghé thăm Cô Hai Sen. Lúc này thì tôi mới cất tiếng:
-CHS à, nãy giờ tui thấy gặp người nào cô cũng mời người ta đến nhà mình ở Canada, thế nhưng tui chưa thấy cô đưa số phone và địa chỉ cho ai thì làm sao người ta mò đến nhà cô được? Mấy lúc này cô có quen tính Bắc Kỳ của ai không vậy?
Cô Hai Sen phá lên cười:
-Bác Tài làm bể mánh hết.
Chuyến đi cruise lần này sóng gió yên, tầu êm đến nỗi khách có cảm tưởng như trong khách sạn casino Las Vegas ở đất liền. Cruise lần này đẹp nhất và cũng đắt nhất so với hai lần trước tôi đi. Carnival tương đối rẻ tiền nên nhiều giới trẻ đi, ồn ào náo nhiệt. Chuyến Sapphire Princess tôi đã đi thì ngược hẳn lại, phần lớn là ông bà già. Trong khi tầu Liberty of The Seas của Royal Caribbean lần này thì nhiều người tuổi chỉ trung niên, rất nhiều du khách từ bên Âu Châu sang. Đi lần này tầu đẹp, biển đẹp, cảnh trí đẹp (Tháng cao điểm đi Caribbean là từ tháng 12 đến tháng 4 vì mùa bão hurricane ở Florida bắt đầu từ tháng 6 đến hết tháng 11). Tôi thật thích bãi biển Labadee, Haiti và Cayman Islands. 70% cruise của cả thế giới là từ Bắc Mỹ, và trong số 70% này, phần lớn đi vùng Caribbean. Có đi một lần thì bây giờ tôi mới biết tại sao người ta thích đi vùng biển Caribbean này. Ban đầu nghĩ chỉ có hai vợ chồng chúng tôi đi nên tôi mang theo cái laptop, định bụng lúc rảnh rỗi vợ đọc sách thì tôi viết lách thế nhưng cuối cùng vợ chồng anh Sơn và chị Sen cũng đi theo nên rất là vui, ngày nào cả bốn người cũng đi chơi “xả láng” sáng đêm, tối khuya 12 giờ, một giờ đêm mới về phòng, không có thì giờ để viết đến một chữ. Bây giờ nhớ lại trong suốt bẩy ngày đi cruise, chỉ có ngày Thứ Bẩy cuối cùng tôi vào phòng ngủ trưa một giấc độ hơn một tiếng đồng hồ, còn ngoài ra thì lúc nào cả bốn người cũng lang thang đây đó khắp tầu. Nhìn anh Sơn nhẩy thật là “nhuyễn” làm tôi về nhà muốn đi học nhẩy cấp tốc như trong Dancing of the stars, sáu bẩy tuần trở thành điêu luyện để chuẩn bị cho chuyến đi cruise lần tới.
Còn mục đích đi cruise lần này để nhớ lại dĩ vãng cùng ngày này 35 năm trước tôi rời bỏ nơi sinh đẻ, lênh đênh trên thuyền sang Mỹ? Thú thật mà nói, tôi quên tuốt. Bây giờ thì tôi chỉ nghĩ đến chuyến cruise lần tới sẽ đi đâu, đi Caribbean nhưng đến đảo khác, hay sang Âu Châu viếng thăm miền Địa Trung Hải?

Nguyễn Tài Ngọc

Source Internet.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.