Vừa rồi nhân đọc một bài trên trang mạng NewYorker ( http://www.newyorker.com/books/page-turner/how-a-poet-named-ocean-means-to-fix-the-english-language )
Nói về một tác giả trẻ tên Ocean Vuong người Mỹ gốc Việt ("How a Poet Named Ocean Means to Fix the English Language" BY DANIEL WENGER), trong đó có trích một đoạn thơ sau:
“An American soldier fucked a Vietnamese farmgirl.
Thus my mother exists.
Thus I exist.
Thus no bombs = no family = no me.”
Làng Nam gởi cho một số anh bạn và muốn xem các anh dịch đoạn này thế nào ... Đây là lời dịch của một anh bạn:
"Anh lính Mỹ trong cuộc chiến lấy một cô thôn nữ Viêt sinh ra mẹ tôi. Mẹ tôi sinh ra tôi. Do đó nếu không có chiến tranh thì gia đình tôi sẽ không hiện hửu trên thế gian này."
Tuy nhiên Làng Nam muốn giữ chất "thơ" & cảm xúc của tác giả nên mạo muội dịch như sau:
"Một Anh lính Mỹ
Đè một cô thôn nữ
Thế là mẹ tôi hiện hữu
Thế là tôi hiện hữu
Nếu không có bom rơi
Thì đâu có gia đình tôi
Và cũng không có tôi ..."
***
Cũng nhân nói về đề tài dịch thuật, một anh bạn khác đã gởi cho Làng Nam một bài phỏng vấn dưới đây của Lương Thư Trung nói chuyện với nữ dịch giả Đinh Từ Bích-Thúy (http://www.luanhoan.net/GioiThieuTacGia/html/bm%2022-6-18.htm)
Bởi lòng ngưỡng mộ về kiến thức uyên bác của chị, Làng Nam xin mạo muội đăng bài này trên blog của mình ...
***
hãy luôn khao khát,
hãy cứ dấn thân:
trò chuyện với
Đinh Từ Bích Thúy
về dịch thuật
Lương Thư Trung
Dịch giả Đinh Từ Bích-Thúy (nguồn tạp chí Da Màu)
LTT: Mến chào Đinh Từ Bích Thúy,
Lâu nay, tôi thường đọc các bản dịch của Đinh Từ Bích Thúy (ĐTBT) trên Da Màu, kể cả văn lẫn thơ. Là một bạn trẻ đã theo học ngành văn chương và luật pháp, sự yêu chuộng ngôn ngữ của bạn đã làm người đọc rất dễ nhận ra sao rồi, nhưng để được hiểu rõ hơn về sự chọn lựa này, ĐTBT có thể chia sẻ thêm về mục đích cùng sự ưa thích công việc dịch thuật ấy của bạn không?
ĐTBT: Cám ơn anh đã có nhã ý khai triển câu chuyện dịch thuật với Thúy. Câu hỏi này ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh đời sống, tư tưởng, nền giáo dục của Thúy. Thúy sẽ cố gắng trả lời anh.
Thúy nhận ra rằng trong ngành dịch thuật văn chương, hình như vẫn rất ít phụ nữ. Trong lịch sử văn chương Việt Nam, Đoàn thị Điểm là dịch giả tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn, nhưng ngoài bà Thúy không biết còn vị phụ nữ nào đã là dịch giả trước thế kỷ 20? Ở hải ngoại thì gần đây có Phạm thị Hoài là người dịch các nhà văn Đức như Franz Kafka, Bertolt Brecht, Thomas Bernhard và Friedrich Dürrenmatt sang tiếng Việt. Thái Kim Lan dịch thơ của Brecht, Goethe, Rilke, Holderlin và văn chương của Herman Hesse sang tiếng Việt, cùng dịch sang tiếng Đức thơ của Hoàng Hưng, Lê Đạt và Chế Lan Viên. Nguyễn Nguyệt Cầm cùng với chồng là giáo sư Peter Zinoman đã dịch Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng sang tiếng Anh cùng biên tập và dịch (với Dana Sachs) các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Đoàn Cầm Thi là người đã dịch tuyển tập truyện ngắn Au-Rez-De Chaussée Du Paradis (Tầng trệt thiên đường) giới thiệu 14 nhà văn Việt Nam đương đại với độc giả Pháp.
Tại sao văn chương Việt Nam không có nhiều dịch giả chuyên nghiệp phái nữ hơn? Hay vì dịch thuật đòi hỏi khả năng phân tích, hoặc kiến thức hàn lâm, mà các nữ văn sĩ, thi sĩ Việt Nam trong khi đó cảm thấy gần gũi, thoải mái hơn trong khía cạnh sáng tác? Thật sự ra thì đây là một ngành mà Thúy không chủ tâm chọn chỉ vì nó chưa được nhiều dịch giả phụ nữ tham dự, tuy sự hiện diện của phái nữ cũng là điều cần thiết. Cho dù văn chương không nên có biên cương về giới tính, một dịch giả phụ nữ có lẽ cũng đưa vào những văn bản dịch một cái nhìn khác hơn, phong phú hơn, qua kiến thức và kinh nghiệm sống của mình?
Đối với Thúy, mục đích của dịch thuật bao hàm một ý nghĩa thơ mộng, cởi mở. Nghĩa La-tinh của chữ "translator" là người băng qua khoảng trống.
Gần hai tháng qua báo chí không ngớt bàn tán về cái chết của Steve Jobs, người sáng lập giang sơn vi tính Apple. Người ta ngợi khen Steve Jobs như một nhà phát minh khoa học ngang hàng với Einstein, nhưng Thúy nghĩ ông ta thật ra là một dịch giả. Không phải là dịch giả văn chương, nhưng vẫn là một dịch giả theo đúng nghĩa của nó: biến mọi điều trừu tượng và xa lạ thành một cái gì đó rất thông dụng và gần gũi với cuộc sống con người.
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1985 với tạp chí Playboy – lúc Steve Jobs chỉ mới 30 và là một trong những tỉ phú trẻ nhất của Hoa Kỳ– ông nhận xét: "kỹ thuật vi tính rút ngắn thời gian và không gian, giúp cho con người có một cuộc sống nhàn hạ, phong phú hơn về tinh thần. Con người không cần hiểu rõ những chi tiết rắc rối đằng sau kỹ thuật, nếu họ hiểu được tác dụng của kỹ thuật. Nhờ phát minh của điện thoại và máy vi tính, mà ngôn ngữ, từ người đến người, đã cất tiếng hát.” Thúy rất ngạc nhiên và cảm động khi đọc những lời nói này của Steve Jobs. Tuy là một chuyên gia kỹ thuật, Steve Jobs thấu hiểu sức mạnh của ngôn ngữ. Máy vitính, iphone, iPad, cuối cùng cũng chỉ là những phương tiện chuyển tải tư tưởng và tình cảm của con người. Nó rút ngắn không gian và thời gian, và nó biến dụng cụ kỹ thuật thành một cám dỗ …ngọt như quả táo, hoặc là một quả địa cầu nhỏ trong lòng bàn tay. Một dịch giả văn chương cũng là người phải rút ngắn, san bằng không gian và thời gian.
Thúy không nhớ là lúc nào mình đã muốn trở thành một người dịch. Có lẽ dịch thuật không phát xuất từ “cái muốn,” mà từ sự thiếu thốn, khao khát. Ở đây Thúy cũng nhớ đến lời khuyên nhủ của Steve Jobs trong bàidiễn văn mùa hè 2005 cho các sinh viên tốt nghiệp Đại học Stanford, “Stay hungry. Stay foolish.” Nhiều dịch giả trên mạng đã dịch lời khuyên bất hủ này sang tiếng Việt là, “Hãy luôn khao khát. Hãy luôn dại khờ.” Đây là một điểm khá thú vị, về mặt dịch thuật cũng như về khía cạnh văn hóa.
Thúy nghĩ người Việt, hoặc có lẽ người Á Đông nói chung, không có khái niệm “foolish/điên” tương đương như cách mà Steve Jobs muốn diễn tả, vì văn hóa của chúng ta không đề cao những chuyện bốc đồng, lập dị hay điên rồ. Tuy khái niệm “foolish” của Steve Jobs có phần nào biểu lộ sự ngây thơ cả tin của một đứa trẻ, Thúy nghĩ nó không hẳn là sự dại khờ, mà là niềm tin vào cái khác người, một tinh thần xung phong, tiền vệ, tiêu biểu cho thế hệ của những người trẻ trong thập niên 60—là thế hệ mà Hoa Kỳ có kỳ vọng chinh phục không gian. Vì vậy, có lẽ cách dịch chính xác hơn hơn cho “foolish” là “dấn thân,” “mạo hiểm,” hoặc “khác người.” Thường thường những người “trẻ” thì thích dấn thân, mạo hiểm, khác người, và không đắn đo nhiều về hậu quả, tuy nhiên điều này không có nghĩa là họ dại khờ.
Để trở lại câu hỏi của anh, có lẽ Thúy thích tìm hiểu về dịch thuật vì từ lúc mới định cư ở Mỹ Thúy đã luôn tự hỏi mình: làm thế nào để môi trường văn hóa của chính Thúy không còn là một cái gì xa lạ, với đầy những đe dọa và bấp bênh, làm thế nào để ngôn ngữ trong nhà (trong tiếng Việt) không xung đột với ngôn ngữ bên ngoài (trong tiếng Anh), làm thế nào để không còn sự chia cách giữa tâm trạng di dân với tinh thần bản xứ, làm thế nào để không còn một ngăn trở giữa "vỉa hè" và "phố chính." Tóm lại, sự cách trở giữa “trong” và “ngoài” có cần thiết hay không? Xưa Thiên Chúa đã trừng phạt con người bằng cách tạo ra Tháp Babel với những ngôn ngữ dị biệt để không còn ai hiểu ai, cho nên hoài bão được "băng qua khoảng trống" là hoài bão được trở về một thế giới hoàn hảo và gần gũi. Dịch cũng là cách kéo lại giây đồng hồ, trở về với quá khứ, hướng đến tương lai, hoặc vượt qua mọi biên giới thời gian và không gian, để lúc nào cũng sống trong hiện tại – hiện tại trong khuôn khổ một bài thơ, trong thế giới văn chương của một truyện ngắn, hay một tác phẩm tiểu thuyết.
LTT: Theo Nguyễn Hiến Lê (NHL),"Dịch văn không phải là dịch chữ, mà là dịch cái nghĩa, cái tinh thần của câu văn, nên mỗi lần dịch, phải đọc kỹ nguyên văn, tìm hiểu ý và tinh thần của nó, rồi tự hỏi:"Một người Việt không biết một ngoại ngữ nào cả, muốn diễn đúng những ý đó, tinh thần trong câu đó, sẽ nói ra sao?" Nếu tìm mà không thấy cách nào phô diễn được hoàn toàn đúng ý của tác giả thì chẳng thà bỏ bớt những tế nhị đặc biệt của ngoại ngữ đi mà giữ cho câu văn dịch cái tính cách Việt Nam ." Ngoài ra, NHL cũng còn nói:"Hễ dịch thì phải cam chịu đánh mất một phần cái hay trong nguyên tác. Giữ được chừng nào thì giữ, không giữ được thì phải bỏ." (1)
Với kinh nghiệm riêng của ĐTBT, bạn nghĩ sao về hai nhận xét vừa nêu của bậc tiên sinh như NHL?
ĐTBT: Thưa anh, Thúy nghĩ học giả Nguyễn Hiến Lê ở trên muốn cảnh giác trường hợp những dịch giả bị chi phối bởi cái lạ của cấu trúc và ngữ pháp trong nguyên bản, rồi khi dịch sang tiếng Việt thì lại dịch máy móc theo tự điển mà không quan tâm đến ý nghĩa hay lô-gích của tư tưởng được diễn tả trong câu văn. Thật ra, điều lý tưởng nhất vẫn là làm sao chuyển tải được trọn ý cùng cái hay của văn phong trong nguyên bản sang ngôn ngữ dịch, mà vẫn duy trì nét tự nhiên của văn dịch, để khi đọc lên thấy như một bài sáng tác chứ không như văn dịch.
Thúy sang đây năm 13 tuổi, nên Thúy không phải là một người viết có cách suy nghĩ, hành văn thuần túy theo ngữ pháp, văn phạm Việt, và thật ra Thúy cũng không biết "thuần túy" là thế nào nữa, vì trong cuộc sống hàng ngày Thúy sử dụng Anh ngữ nhiều hơn là Việt ngữ. Do đó, Thúy chỉ biết cố hết sức để cách dịch của mình không quá "cứng" mà thôi. Trên hết, Thúy vẫn nghĩ ngôn ngữ nói nên được gần gũi với ngôn ngữ viết. Khi dịch một câu văn từ tiếng Anh sang tiếng Việt, Thúy thường đọc nó lên, nghe ngóng xem đã xuôi tai chưa, nếu chưa xuôi tai, thì phải sửa.
(Ở đây Thúy nhớ đến câu mở đầu tác phẩm Don Quixote. Trong tiếng Tây Ban Nha, câu mở đầu của Cervantes có rất nhiều vần điệu của nhạc: “En un lugar de la Mancha, de cuyo nombre no quiero acordarme.” (Ở chỗ nào đó trong miền thôn dã La Mancha , một nơi mà tôi chả thèm nhớ cả tên …)
Tuy nhiên, lời nhận xét của Nguyễn Hiến Lê hình như không đề cập đến sự khác biệt giữa dịch thuật văn chương và dịch thuật trong những ngành chuyên môn khác. Thiết nghĩ, nếu nhiệm vụ dịch trên hết chỉ là chuyển tải thông tin (chứ không hẳn là nghệ thuật) thì ý nghĩa là điều quan trọng. Trái lại, dịch thuật trong địa hạt văn chương cho người dịch nhiều sự tự do và sáng tạo hơn, vì ngôn từ và ý nghĩa trong một văn bản không có tính cách nhất định hay tuyệt đối. Nếu người dịch có thể chuyển tải được cái hay, cái lạ, cái phong phú mông lung của ngôn ngữ trong nguyên bản sang ngôn ngữ dịch, thì vẫn là điều nên cố gắng làm.
Thúy cũng nghĩ rằng trong quá trình dịch một người dịch không nên bắt đầu bằng sự “cam chịu đánh mất một phần cái hay trong nguyên tác” như Nguyễn Hiến Lê trình bày ở trên. Và ở đây có lẽ quan điểm về giới tính và văn hóa đã ảnh hưởng đến cách suy nghĩ của Thúy. Khi một người bị áp đặt vào một tình cảnh chưa được xác định, họ sẽ bất tuân hiện trạng (status quo) kêu gọi họ phải “chịu đựng” hay “nhân nhượng.” Hơn nữa, vì dịch thuật là một quá trình mở, luôn luôn tiến triển, từ thế hệ này sang thế hệ khác, thiết nghĩ không nên có sự “cam chịu đánh mất.”
Theo Lydia Davis, nữ dịch giả Mỹ của Madame Bovary (bản dịch Anh ngữ thứ 19, xuất bản năm 2010), giá trị và bản chất của một bản dịch (nếu dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Anh) lệ thuộc ít nhất vào ba yếu tố: (1) kiến thức của dịch giả về ngôn ngữ, lịch sử, và văn hóa Pháp; (2) khái niệm của dịch giả về công trình dịch thuật; và (3) khả năng văn chương của dịch giả trong Anh ngữ. Thúy nghĩ vấn nạn “cam chịu đánh mất” sẽ giảm thiểu nếu kiến thức ngôn ngữ và văn hóa của người dịch được coi là tương đương giữa ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ dịch.
Thí dụ sau đây liên hệ mật thiết đến kiến thức văn hóa của người dịch. Câu văn dẫn đầu – cũng là một câu văn rất nổi tiếng trong tiểu thuyết Moby Dick của Herman Melville (về con cá voi bạch tạng làm nhiều thủy thủ đắm tàu) là: “Call me Ishmael.” Chỉ vậy thôi.Bốn âm tiết ngắn ngủi, nhưng cũng rất huyền thoại, như câu mở đầu cho một chương Sáng Thế. Theo Kinh Thánh Cựu Uớc và văn chương Hồi giáo, Ishmael là con trai đầu của Abraham và Hagar. Hagar là người hầu Ai-Cập của vợ Abraham là bà Sara. Vì Sara và Abraham hiếm muộn, Abraham đã có con với Hagar để nối dõi tông đường. Nhưng Sara nổi cơn ghen đuổi Hagar và Ishmael ra khỏi nhà, làm hai mẹ con phải đi lang thang nhiều năm tháng trong sa mạc. Về sau, hậu sinh của Hagar là những người dân Ả rập theotruyền thống Hồi giáo. Với tác phẩm Moby Dick, có lẽ Herman Melville đã muốn thiết lập một truyền thống văn chương mới cho Hoa Kỳ, tách lìa ra khỏi “kinh điển” của nền văn chương Châu Âu, nên đã bắt đầu bằng câu văn dẫn đầu, “Call Me Ishmael.”
Làm sao để một dịch giả người Việt dịch thoát câu văn này sang tiếng Việt? Trước tiên, người dịch phải biết truyền thuyết và ý nghĩa của cái tên Ishmael. Ishmael không phải là con của “vợ chính thức” mà xuất thân từ giòng dõi nô lệ. Ishmael, như vậy, là nhân vật “bất hợp pháp” nhưng lại rất tự tin và có phần nào trịch thượng.“Call Me Ishmael,” người kể chuyện đã ra lệnh ngay từ đầu câu chuyện. Vì y phán, “Hãy gọi tôi là …,” thay vì chỉ nói, “Tên tôi là …,” có lẽ Ishmael không phải là tên thật của y, mà là một cái tên huyền thoại, dùng để bôi xóa một quá khứ không tốt đẹp? Hay có lẽ Ishmael không trịch thượng, mà thật ra rất thân thiện và gần gũi, như cách hai người bạn thân gọi nhau bằng “tao,” “mày” hoặc dùng tên gọi, thay vì tên họ. Như vậy có 3 cách dịch:
(a) Phải dịch làm sao để giọng điệu trịch thượng của một nhân vật “bất hợp pháp” (và do đó không đủ uy tín) được chuyển tải?
(b) Phải dịch làm sao để sự “thân thiện” của nhân vật này được biểu lộ?
(c) Phải dịch làm sao để cả hai ý tưởng trịch thượng/thân thiện được hiểu (ngầm) trong tiếng Việt?
“Hãy gọi tên tôi là ‘Ishmael’”? “Hãy xướng tên ta là ‘Ishmael’”? “Cứ kêu tớ là ‘Ishmael’”? Tùy theo cách đọcMoby Dick của một dịch giả/độc giả, cách xưng hô trong tiếng Việt, “tôi,” “tui,” “tao,” “ta”, “tớ” v.v… sẽ thiết lập văn phong và cấu trúc tâm lý cho toàn bộ tác phẩm.
Dù sao, quá trình dịch thuật, dù cho bất cứ ai đã có kinh nghiệm, vẫn không thể “dễ” hoặc “nhanh.” Không một dịch giả nào có thể nói là chuyện dịch dễ như ăn bánh, hay cả quyết đại khái rằng họ có thể dịch xong một truyện ngắn hay một bài thơ chỉ trong vài giờ (trừ phi họ tin 100% vào cách dịch của Google Translate(!) Sự tự mãn và cách suy nghĩ máy móc của người dịch –phát xuất từ kiến thức ngôn ngữ chưa nắm vững–chính là những yếu tố giảm phẩm chất của một bản dịch, nếu không muốn nói là “diệt” bản dịch.
LTT: Thật ra, riêng về chuyện dịch thoát hay dịch sát, Nguyễn Hiến Lê cũng có cho biết: “Nếu ta thiên về khảo cứu thì phải dịch sát, nếu thiên về văn chương thì có thể dịch thoát.”
Rất thú vị qua dẫn chứng của ĐTBT về cách dịch câu “Call me Ishmael.” Về cách dịch để biểu lộ đặc điểm văn hóa lịch sử của nguyên bản, NHL cũng nhấn mạnh về “cái nét riêng của mỗi dân tộc có cách phô diễn tư tưởng riêng và có ngôn ngữ riêng với các đặc điểm riêng của nó. Lại thêm, mỗi tiếng có nhiều nghĩa và phải lựa cái nghĩa hợp với bài mà dịch.” (2)
Đúng như ĐTBT cho biết “Sự tự mãn và cách làm việc máy móc của người dịch chính là những yếu tố giảm phẩm chất của một bản dịch.” Trong bài nghị luận “Ngũ Đại Sử Linh Quan Truyện Luận”, Âu Dương Tu có nhắc lời trong Kinh Thư: “Mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích” và Nguyễn Hiến Lê dịch: “Kinh Thư nói:” Tự mãn thì tổn hại, khiêm hư thì được tăng ích.”(3) .
Thường thì ĐTBT chọn thể thơ nào trong tiếng Anh để dịch thơ Việt? Việc chuyển từ thể thơ này ra thể thơ khác ĐTBT có gặp nhiều trở ngại lắm không?
ĐTBT: Trước đây, khi Thúy cộng tác dịch thơ lần đầu với nhà thơ Martha Collins cho tuyển tập Cốm Non (Green Rice) của chị Lâm thị Mỹ Dạ, một số các bài thơ trong tuyển tập này–vì có một không khí tĩnh lặng, gần như cổ truyền, đã được chuyển tải sang thể thơsonnet trong tiếng Anh, là thể thơ có 14 dòng, có 8 đến 10 âm tiết mỗi dòng, theo vần cuối dòng, hoặc cách dòng. Hai bài Gặt Đêm (Night Harvest) và bài Hương Vườn (Garden Fragrance) là hai bài khá nổi tiếng, và được hai nhà thơ Mỹ là Robert Pinsky (nhà thơ danh dự của Mỹ năm 1997-2000) và Edward Hirsch yêu chuộng.
Tuy chuyện phải tìm một thể thơ trong Anh ngữ để tương xứng với các thể thơ như thể lục bát, song thất lục bát, thơ năm chữ, sáu chữ, bảy chữ, tám chữ v.v… trong tiếng Việt không phải là điều cốt yếu, trong một vài trường hợp nó làm cho bản dịch được sát hơn với nội dung và tình cảm của nguyên bản. Vì hồn thơ của Lâm thị Mỹ Dạ có nhiều màu sắc dân gian, sâu sắc và trữ tình, thể thơsonnet đã được coi là tương xứng nhất với phần đông thơ của chị.
Những trở ngại, khó khăn trong quá trình dịch thuật thường liên hệ đến các danh từ về thực vật hoặc trái cây, vì khí hậu và cây cỏ của Việt Nam khác nhiều với môi trường miền lục địa Bắc Mỹ. Thí dụ điển hình nhất là bài “Hai Sắc Hoa Ti Gôn” của T.T.K.H mà Thúy và bà Martha dịch cho tuyển tập Nàng Thơ Ngạo Mạn: Thi Ca Phụ Nữ Việt Nam từ Thượng Cổ Đến Hiện Đại (The Defiant Muse: Vietnamese Feminist Poems from Antiquity to the Present). Bài này nói đến loại hoa ti-gôn, từ chữ antigone xuất phát từ văn chương Thượng Cổ Hy lạp về huyền thoại Antigone là con gái vua Oedipus – hậu quả của cuộc hôn nhân loạn luân giữa Oedipus và mẹ là Jocasta. Tuy nhiên, trong tiếng Anh, hoa ti-gôn có tên là “Queen’s Wreath,” cho nên tựa bài thơ này được Thúy và bà Martha Collins dịch sang tiếng Anh là “Queen’s Wreath in Two Colors.”
Hoa quỳnh cũng là một loại hoa mà Thúy phải khảo cứu trước khi khám phá rằng trong tiếng Anh, hoa được gọi là “Night-Blooming Cereus,”một loại hoa liên hệ đến xương rồng, và còn có tên trong tiếng Tây Ban Nha là “Hoàng hậu của Đêm” (Reina de la Noche).
Ở tuyển tập Cốm Non, trong bài thơ “Bạn Gái,” cách Lâm thị Mỹ Dạ tả những người bạn thân của chị – có những đặc tính “rạng rỡ như trái gấc,” “thảo thơm sắc thị nhà,” “góc cạnh như quả khế” và “sầu riêng sau gai góc” – rất linh động nhưng khó dịch thoát sang tiếng Anh. Vì người Việt biết quả gấc là quả có màu sắc tươi, đỏ, câu “rạng rỡ như trái gấc” rất tượng hình, nhưng trong tiếng Anh, “bright as red monordica” có lẽ không cho người đọc một ý niệm rõ rệt nào cả, vì ở Mỹ, không ai biết quả “monordica” là quả gì. Đây có lẽ là một vấn đề về ngôn ngữ mà bà Martha Collins và Thúy có lẽ không/chưa giải quyết được.
Hai câu:
Sầu riêng sau gai góc
Niềm đau tỏa hương trời
Niềm đau tỏa hương trời
mà Thúy và bà Martha Collins dịch sang tiếng Anh là:
The durian behind its thorn
Exudes an unearthly scent
Exudes an unearthly scent
cũng biểu lộ giới hạn của ngôn ngữ dịch. Tuy câu thơ trong Anh ngữ diễn tả được hình dạng và mùi quả sầu riêng, nó chưa bộc lộ được ẩn nghĩa của câu thơ, là nỗi buồn vừa u uất, vừa mãnh liệt như mùi sầu riêng.(Người Việt mình có câu “buồn thúi ruột.”) Chính chữ “durian” cũng không bày tỏ được nghĩa bóng của “sầu riêng”- là nỗi buồn không chia sẻ được với ai.
Một thử thách nữa là những điển tích, địa danh trong lịch sử Việt Nam . Một bài thơ sẽ gây dị ứng cho người đọc nếu có quá nhiều chú dẫn (footnotes). Tuy nhiên, một bài thơ cũng sẽ làm nản lòng người đọc nếu có những khái niệm, dữ kiện văn hóa lịch sử không được tác giả hoặc dịch giả giải thích. Theo Thúy được biết, bài thơ “Bên Tượng Mỵ Châu” của chị Mỹ Dạ (được dịch bởi Nguyễn Bá Chung và Martha Collins) là một bài tương đối khó dịch vì độc giả Mỹ không biết điển tích Trọng Thủy Mỵ Châu mà phải đoán từ nội dung bài thơ. Trong bài, “Kinh thành Ốc” nếu chỉ dịch là “Ốc Royal City” thì độc giả Mỹ sẽ không hình dung ra được, vì vậy giải pháp đã là, “the spiraling city of Ốc” (thành phố (hình) xoắn tên là Ốc).
Tuy thực vật, dữ kiện lịch sử, và địa danh văn hóa là những vấn đề cho người dịch nói chung, nếu chỉ nói chuyện dịch thuật liên hệ đến văn chương Việt, thử thách lớn nhất vẫn là khuynh hướng của độc giả Tây Phương về khái niệm “Việt Nam.” Đối với người Mỹ, chiến tranh Việt Nam thường chỉ bao gồm hai quan điểm, Mỹ và người Cộng sản. Văn chương miền Nam, ngoài một vài truyện ngắn của Nhã Ca, Võ Phiến, và Thảo Trường đã được dịch sang tiếng Anh, phần lớn vẫn chưa có sự hiện diện trong giòng chính. Ngay cả cụm từ “chiến tranh Việt Nam ” cũng vẫn gây nhiều tranh cãi. Trong bản thảo bài giới thiệu cho Cốm Non, bà Martha Collins lúc đầu đã viết, “Green Rice, like Lâm thị Mỹ Dạ’s writing career itself, begins in the American War.” (“Cốm Non, như sự nghiệp văn chương của Lâm thị Mỹ Dạ, bắt đầu vào thời chiến tranh (chống) Mỹ.”) Khi Thúy trình bày với bà rằng đối với người miền Nam, “American War” thật ra được gọi là “chiến tranh Việt Nam,” và như vậy chữ “American War” không có nghĩa nhất định, mà tùy vào quan điểm của mỗi nhân chứng của cuộc chiến. Về sau, câu văn trên của bà Martha Collins đã được sửa lại, và xuất hiện trên bản in (năm 2005) là, “Green Rice, like Lâm thị Mỹ Dạ’s writing career itself, begins in what Americans call the Vietnam War.” (“Cốm Non, như sự nghiệp văn chương của Lâm thị Mỹ Dạ, bắt đầu vào thời điểm mà người Mỹ gọi là chiến tranh Việt Nam .”) Dĩ nhiên, câu sửa lại vẫn chưa là một giải pháp ổn thỏa.
Qua cái nhìn của phần đông giới hàn lâm và văn nghệ sĩ Mỹ, những bài thơ của các nhà thơ phụ nữ trong nước được đề cao là có khuynh hướng “nữ quyền” vì chúng biểu hiện tinh thần tranh đấu cho độc lập tổ quốc. Sự chú ý của giòng chính Hoa kỳ đến thi ca Việt Nam vì vậy trở thành một con dao hai lưỡi. Ở một đằng, nó sẽ tạo cơ hội cho nhiều tác phẩm văn học của Việt Nam được dịch sang tiếng Anh. Ở mặt khác, sự chú ý của giòng chính đơn giản hóa tâm trạng đa diện và u uẩn của người phụ nữ Việt, hiện vẫn còn chịu đựng những hậu quả của chế độ phụ hệ. Tóm lại, văn chương Việt trong Anh ngữ chưa cho độc giả Tây Phương vượt qua “vấn nạn Việt Nam .”
Thi ca phụ nữ trong bối cảnh Việt Nam xã hội chủ nghĩa vẫn là thể loại thi ca bị chế ngự bởi chính sách của các lãnh tụ đàn ông—Marx, Engels, và Hồ Chí Minh. Sự “ngạo mạn” của người nữ trước những tai ương của chiến trận nghĩ cho cùng chỉ là sự quy phục trước ý tưởng hệ, hoặc là sự chấp nhận số phận vì cái chết đã trở thành một cái gì quá quen thuộc trong đời sống. Trong bài thơ “Gặt Đêm” của Lâm thị Mỹ Dạ, người đọc cảm nhận sâu xa nỗi kinh khiếp của chiến tranh vì nó đã trở thành quá hiển nhiên:
Màu vàng bom bi lẫn trong màu vàng của lúa
Bom nổ chậm không làm ta sợ nữa
Bao năm chiến tranh lòng đã quen rồi
Nào chị em mình gặt đi thôi
Bom nổ chậm không làm ta sợ nữa
Bao năm chiến tranh lòng đã quen rồi
Nào chị em mình gặt đi thôi
Trong quyển The Making of A Sonnet, Nhà thơ Edward Hirsch của Mỹ khen bài thơ “Gặt Đêm” vì nó thể hiện tinh thần “nhẫn nhục, đùa cợt, và hoàn toàn không sợ sệt” (stoic, playful and completely unafraid) của phụ nữ Việt Nam . Có lẽ ông muốn nói đến hai câu thơ lục bát cuối trong bài thơ:
Đạn bom rơi chẳng sợ đâu
Chỉ e sương ướt mái đầu lá chanh.
Chỉ e sương ướt mái đầu lá chanh.
Đối với Thúy, hai câu thơ cuối bao hàm nhiều ẩn ý phức tạp và khó dịch thoát. Tùy cách hiểu của người đọc, nó có thể là hai câu thơ có đôi chút mai mỉa, tương phản sự nghiêm trọng của đạn bom với chuyện người phụ nữ gặt đêm lo sương thấm ướt mái đầu vừa gội với lá chanh của nàng. “Chẳng sợ [bom]” đây không có nghĩa là “hoàn toàn không sợ bom,” mà ngụ ý rằng vì chuyện bom đạn là điều xảy ra thường ngày và không thể ngăn ngừa, người phụ nữ chỉ còn tâm trí lo chuyện nhỏ, là chuyện sẽ bị ốm vì sương làm ướt đầu, hoặc vì sương làm tóc hết thơm mùi lá chanh. Có lẽ vì tiếng Anh là một ngôn ngữ cụ thể hơn tiếng Việt, hoặc vì khả năng của người dịch chưa đạt, cho nên hai câu thơ trong bản Anh ngữ của Thúy và bà Collins đã trở thành một sự khẳng định, mất đi một phần nào cái ý nghĩa phức tạp của nguyên bản:
We are not frightened by bullets and bombs in the air
Only by dew wetting our lime-scented hair.
Only by dew wetting our lime-scented hair.
LTT: “Dịch nghĩa thì thường dễ, diễn cái hồn trong thơ càng khó hơn vì cái hồn không phải chỉ trong các chữ, mà còn ở cách sắp đặt bài thơ, ở cách các ý tứ ràng buộc với nhau.”(4)
ĐTBT có lần nào gặp phải các tình huống khó khăn ấy không? Nếu có, thì thường thường ĐTBT giải quyết như thế nào?
ĐTBT: Theo cách Thúy hiểu câu anh trích ở trên, người dịch không bao giờ thỏa mãn với công trình dịch của mình. (Xin xem thí dụ Gặt Đêm ở trên). Như một văn bản, việc dịch thuật, và cái nhìn của người dịch, cũng biến chuyển với thời gian. Do đó quá trình dịch thuật là một quá trình mâu thuẫn: quá trình này không bao giờ chấm dứt, chính vì một bản dịch không bao giờ là một bản dịch bất diệt. Một bản dịch sẽ bị “diệt” và được “hồi sinh” lại qua nhiều quãng đời và nhiều không gian, để chứng minh cái vô biên của văn bản. Cái vô biên của văn bản là chuyện không thể tách rời phần “nghĩa” ra khỏi phần “hồn” của một bài thơ. Đồng thời “nghĩa” và “hồn” của một bài thơ cũng không phải là hai yếu tố bất di bất dịch.
Bây giờ đọc lại bản dịch của Cốm Non, gần 7 năm sau khi tác phẩm được xuất bản, và 12 năm sau khi Thúy khởi sự dịch thơ Lâm thị Mỹ Dạ, Thúy thấy rằng có một vài bài thơ nên được đọc lại hoặc tu sửa lại, vì nó nêu ra những vấn đề mà lúc trước, do sự thiếu kinh nghiệm, Thúy đã chưa nhìn thấy.
Hình như Thúy có duyên dịch các nhà thơ người Huế. Thúy đã dịch thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, Nhã Ca, Trịnh Công Sơn, Thường Quán và hiện nay vừa dịch xong bài thơ “Từ Một Cuống Rún” của Nguyễn thị Thanh Bình. Có lẽ dịch bài “Tình Sầu” (“Meditations on Love”) của Trịnh Công Sơn là một trong những kinh nghiệm thử thách nhất.
Nói chung thì Thúy thích âm điệu giọng Huế, và nhân sinh quan rất đa cảm, lãng mạn của người Huế. Người Mỹ có câu “opposites attract” (những con người/trạng thái đối nghịch thường đến với nhau). Có lẽ Thúy đã tìm đến những nhà thơ Huế vì qua quá trình dịch, Thúy mong được hấp thụ tinh thần thơ của người Huế vào bút pháp của mình. Nhưng phải nói những nhà thơ Huế là những nhà thơ khó dịch nhất. Ngôn ngữ của các nhà thơ này đượm màu sắc vô thức, huyễn hoặc của Thiền, và không dễ bị lô-gích áp đảo. “Tình Sầu” rất khó dịch vì ca từ không theo cấu trúc nhân quả (cause and effect) theo khuynh hướng Tây Phương. Ngay câu đầu của bài đã là một thử thách, và như anh biết, đã gây nhiều tranh cãi trong giới học giả, dịch giả:
Tình yêu như trái phá. Con tim mù lòa.
Thúy đã dịch câu này là: “Love as an artillery shell that blinds the heart.” Nhưng hiện nay thấy rằng “trái phá” không phải chỉ là “artillery shell” hay “bomb” hay “lựu đạn,” mà cũng có thể là “trái cấm,” tạo dựng bởi thiên nhiên hoặc theo chu kỳ tuần hoàn của thiên nhiên. Chuyện “con tim mù lòa” như một mệnh đề độc lập, hay song song với “tình yêu như trái phá” đã được các học giả Thái Kim Lan, và Bùi Vĩnh Phúc thảo luận, nên Thúy sẽ không lập lại ở đây.
LTT: Trong bài “Tuệ Sỹ, điệp khúc dương trần,”giáo sư Đặng Tiến có viết: “Thơ gì, thơ ai, thơ nước nào, trong ngôn ngữ vẫn là một thứ ngoại ngữ; người đọc một bài thơ trong tiếng mẹ đẻ là đã dịch bài thơ ấy ra ngôn ngữ của riêng mình – [g]ọi là tiếng lòng.”(5) Bạn nghĩ sao về nhận định này?
ĐTBT: Thưa anh, Thúy đã đọc bài viết này và nghĩ rằng ông Đặng Tiến muốn nói đến sự bất khả thi của dịch thuật trong trường hợp Tuệ Sỹ. Theo Đặng Tiến, thơ của Tuệ Sỹ sẽ mất đi “nghệ thuật thuần túy” của kiến trúc ngôn ngữ “lấp lánh ánh sáng tâm cảm … trầm tư và huyễn mộng” nếu được chuyển tải sang ngoại ngữ, vì dịch thuật chính là diễn giải, sẽ mang vào văn bản của Tuệ Sỹ “tạp chất lẫn lộn nhiều ngoại tố.” Đặng Tiến nói “[đ]ưa lời thơ Tuệ Sĩ vào ngôn ngữ thế tục e dễ thành dung tục” vì theo ông, thơ Tuệ Sỹ đã “thăng hoa, thành một siêu thức.”
Tuy vậy, ngay chính trong bài, Đặng Tiến cũng nhận xét rằng “Ngôn ngữ của ai đi nữa thì cũng mang sử tính.Thơ thiền sư làm bằng ngôn ngữ hàng ngày vẫn vang âm xã hội và lịch sử.” Có lẽ Đặng Tiến đã cố ý nêu lên sự mâu thuẫn này để diễn tả đặc tính vô thường nhưng cũng thật phổ quát trong thơ của bậc cao tăng. Sự mâu thuẫn trong chính cách lập luận của Đặng Tiến đã phản ảnh nỗi nghi vấn, như một cánh cửa mở: nghệ thuật thuần túy trong thơ Tuệ Sỹ vẫn có thể “băng qua” biên giới ngôn ngữ, vượt ra khỏi khuôn khổ tiếng mẹ đẻ, vì những băn khoăn của Tuệ Sỹ cũng là những băn khoăn chung của con người. Đặng Tiến ở cuối bài cũng đã nhận xét, “tất cả thi ca trên cõi trần này biết đâu chẳng là ảo giác của ảo giác ?”) Thể chất “pur” của thi ca Thiền trong tiếng Việt không phủ nhận đặc điểm hoàn cầu của nó. Nếu lời nhận định của Đặng Tiến không được hiểu theo nghĩa rộng, thì e rằng sẽ không bao giờ có một nhịp cầu giao cảm giữa Việt ngữ và các ngôn ngữ khác, giữa Tuệ Sỹ và các độc giả ngoại quốc của thầy. Thúy cũng không nghĩ sự cô lập trong cái “nguyên sơ siêu thức” là nguyện vọng của Tuệ Sỹ.
LTT: Một người già không am hiểu ngoại ngữ như tôi, tôi nghĩ đọc một quyển sách ngoại ngữ Anh hoặc Pháp mà hiểu được ý chính trong sách đã khó, còn cảm được cái hay trong sách về nội dung và chữ dùng cùng cách viết lại càng khó gắp vạn lần. Hồi còn nhỏ, lúc học trung học đệ nhất cấp tôi chỉ đọc được vài quyển truyện tiếng Pháp thuộc loại bỏ túi như Contes Du Lundi của Alphonse Daudet (Hachette: 1952), Les Misérables của Victor Hugo (Hachette: 1950) …, ngoài ra không biết đọc sách gì cao hơn, nên buộc lòng tôi phải đọc sách dịch; nhưng qua sách vở bàn về dịch thuật mà tôi đọc được thì có nhiều trường hợp các dịch giả cũng dịch sai vài chỗ trong các bản dịch ấy. Với hoàn cảnh của cá nhân tôi như vậy, với tư cách là một người từng trải trong dịch thuật và thông suốt ngoại ngữ như ĐTBT, bạn sẽ khuyên tôi tin vào các sách dịch chừng mấy mươi phần trăm? Và nếu cần khuyên các bạn trẻ sau này bước vào công việc dịch thuật văn chương Việt ra ngoại ngữ hoặc dịch các tác phẩm viết bằng ngoại ngữ ra tiếng Việt, ĐTBT sẽ khuyên họ những gì ?
ĐTBT: Sự khiếm khuyết của một bản dịch không ngăn ngừa tinh thần khai phá của độc giả, và cũng không giảm đi cái đẹp, cái hay của nguyên bản. Cho dù các bản dịch của Les Misérables, Chiến Tranh và Hòa Bình,Madame Bovary, v.v… bất cứ trong ngôn ngữ nào không được hoàn hảo đi nữa, Thúy nghĩ một độc giả vẫn nhận ra cái tuyệt tác thần sầu của tác phẩm và tác giả. Dịch không phải là diệt. Dịch là bay, là mở, là nhận. Dịch thuật, như cuộc sống, là một quá trình tiến hóa.
Thúy không dám nhận mình là một “người từng trải trong dịch thuật và thông suốt ngoại ngữ” như anh đã khen.Hậu quả của kinh nghiệm di dân là tâm trạng bất an, không cảm thấy mình hoàn toàn thuộc về một văn hóa nào cả, và như vậy, không thể “thông suốt” trong ngôn ngữ. Một người dịch luôn là một người du hành trong cuộc hành trình mới, một tay novice mới vào nghề, một con người thích mơ mộng. Jacques Prévert, trong đoản kịch thơ L’Accent Grave nhại câu hỏi căn bản của Hamlet, thay vì être ou ne pas être (hiện hữu hay không hiện hữu), nhà thơ đổi lại là être òu ne pas être (hiện hữu nơi không hiện hữu) – đây cũng nên là châm phương của một người dịch. Một người dịch nên luôn luôn cởi mở, sáng tạo, và dạn dĩ trước mọi thử thách ngôn ngữ, và đừng nản lòng nếu bị ai đó chỉ trích là mình đã dịch sai, hoặc hiểu sai, vì công trình dịch thuật, như Thúy đã nêu lên ở trên, là một công trình không bao giờ chấm dứt. Lời khuyên của Steve Jobs, “Hãy luôn khao khát. Hãy luôn [dấn thân],” tưởng cũng có thể áp dụng được cho công trình dịch thuật.
Vì dịch cũng là đọc, một người dịch trên hết nên đọc nhiều, đọc rộng các thể loại văn chương. Kiến thức đọc giúp nguời dịch hiểu thêm về cấu trúc, ngữ pháp, và ký hiệu ngôn ngữ. Nó cũng giúp người dịch tuyển chọn các tác phẩm hợp xứng để chuyển tải cho khán giả/môi trường văn hóa của mình.
LTT: Khi chọn các bản dịch thơ và văn xuôi từ các dịch giả khắp nơi gởi tới, Ban Biên Tập Da Màu (BBT) chắc chắn sẽ dựa vào một số tiêu chuẩn cần thiết nào đó để chọn lựa bài cho lên trang báo. Là một trong những thành viên của BBT, ĐTBT có thể chia sẻ một cách sơ lược về cách chọn lọc này? BBT có lần nào đặt ra trường hợp dịch giả quen và chưa quen không?
ĐTBT: Thông thường Da Màu chọn những bản dịch tương đối chuẩn, không cần nhiều sửa chữa. Da Màu thường chỉ góp ý về những điểm biên tập tương đối nhỏ. Nếu bài có quá nhiều lỗi về cách dịch, Da Màu sẽ yêu cầu người dịch gửi lại bản mới. Cũng có vài trường hợp Da Màu “đặt hàng” những bản dịch cho số chuyên đề, nhưng thông thường đề tài dịch hoặc tác phẩm dịch là do quyết định, sở thích của người dịch. Da Màu không phân biệt giữa dịch giả “quen” và “lạ,” mà chỉ chú trọng đến phẩm chất và tiêu chuẩn, sự thích hợp của bản dịch cho độc giả Da Màu. Những bản dịch liên hệ đến chuyện thời sự văn học chính trị, vì yếu tố thời gian, nhiều lúc được đăng trước những bản dịch văn chương. Thông thường bản dịch các bài thơ sẽ có phần đối chiếu giữa hai ngôn ngữ, vì thơ thường ngắn hơn văn xuôi và cũng để tạo dịp cho người đọc so sánh bản dịch với nguyên bản.Những bài dịch văn xuôi, vì độ dài, thường chỉ cần tạo link vào nguyên bản.
LTT: Dù rất bận rộn nhiều công việc ngoài đời cũng như công việc văn chương, dịch thuật, báo chí mà ĐTBT vẫn dành ra thời giờ hồi đáp vài thắc mắc của tôi vừa rồi một cách hết lòng. Xin chân thành cảm ơn ĐTBT về những chia sẻ này, qua đó tôi đã học hỏi ở bạn nhiều điều mà từ trước đến nay tôi không biết hỏi ai.
ĐTBT: Cám ơn anh Trung đã cho Thúy cơ hội trò chuyện (khá dài) về đề tài dịch thuật. Nhờ được dịp này Thúy cũng có thời gian suy niệm thêm về các vấn đề khúc mắc trong ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử Việt Nam , và đồng thời xét lại những nỗ lực của mình trong những năm vừa qua. Mong sẽ có dịp trò chuyện với anh về những đề tài văn chương khác trong tương lai.
LTT: Mến chào ĐTBT. Thân chúc ĐTBT và gia đình luôn may mắn, an vui, hạnh phúc.
Cước chú:
1/. Luyện Văn, quyển ba, của Nguyễn Hiến Lê, do nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê ấn hành, Sài Gòn, năm 1957, Chương XI (Dịch cũng là một cách luyện văn), trang 149.
2/. Luyện Văn , quyển ba (sđd), trang 161.
3/. Cổ Văn Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê, do nhà xuất bản Tao Đàn ấn hành, Sài Gòn, năm 1966 , Phần V.- (Đời Tống), mục Âu Dương Tu, trang 320.
4/. Luyện Văn, quyển ba (sđd), trang 174.
5/. Trích từ bài “Tuệ Sỹ, điệp khúc dương trần” của Đặng Tiến viết ngày 17 tháng 8 năm 2009, đăng lại trên trang Báo Cali Today, ngày 28 tháng 9 năm 2011.
Source: http://www.luanhoan.net/GioiThieuTacGia/html/bm%2022-6-18.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.