Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

Không có chuột túi ở Áo

***

Vài lời về tác giả Sheila Pham

Sheila Pham là một người viết văn, một phát thanh viên radio, một chuyên viên trong lãnh vực truyền thông & sức khỏe cộng đồng.  Những bài viết của cô đã được đăng trong các tuyển tập, trang mạng & ấn phẩm như The Big Issue &  Kill Your Darlings

Bài dưới đây được đăng trên trang mạng SBS Úc Châu, Làng Nam xin mạo muội chuyển ngữ.

***

Ba viết tên người bạn của mình trên một mảnh giấy xanh nhàu nát.  Ba chẳng nhớ số điện thoại hoặc địa chỉ, chỉ nhớ bạn của Ba sống ở Salzburg, giống một địa danh trong bộ phim "Âm Thanh của Âm Nhạc (The Sound of Music)".  Những chi tiết liên lạc đã bị thất lạc từ lâu, chắc đâu vào khoảng giữa những năm 90.  Tôi đoán chắc là tôi phải mất nhiều thời gian để tìm tin tức về một người đàn ông Việt Nam sáu mấy tuổi sống ở Áo, một quốc gia chỉ có 8 triệu dân ... nhưng với Google, tôi chỉ cần 30 giây.  Kết quả tìm kiếm chỉ có một tên.  Thì ra ở Áo chỉ có khoảng 2 ngàn người tỵ nạn Việt Nam, một phần quá nhỏ so với số người tỵ nạn mà nước Úc đã nhận.


Áo là một trong những quốc gia đầu tiên tôi nghe đến khi tôi còn nhỏ bởi Ba tôi thường hay nhắc đến một người bạn thân đang sống ở đó, một người bạn đã gần gũi với Ba thời trai trẻ ở Cần Thơ và sau đó đã cùng nhau tổ chức vượt biên.  Là một quốc gia, Áo dường như không thể; phải chăng Ba tôi & Bác ấy muốn xin đi Úc nhưng viết lầm thành Áo.

Tôi đã ngạc nhiên khi biết Ba đã thật sự điền đơn xin tỵ nạn ở Áo cho Ba và ông bạn của Ba.  Tuy nhiên Ba đã bị từ chối trong khi bạn của Ba và gia đình của Bác ấy đã được nhận.  Tôi không tưởng tượng tôi có thể lớn lên nói tiếng Đức thay vì tiếng Anh.

Năm rồi, tôi đã sắp xếp để gặp người bạn đã mất liên lạc lâu nay của Ba, bác Công cùng với vợ của bác ấy, và họ đã gặp tôi tại ga xe lửa Salzburg.  Một cuộc gặp gỡ thật thân tình, giống như cuộc gặp của những người bạn cố tri.  Mặc dù chúng tôi chưa bao giờ gặp nhau trước đây vì đây là lần đầu tiên tôi đến Áo quốc ... và hai bác ấy đã rời trại tỵ nạn Pulau Bidong vào tháng 6 năm 1980.  Tôi đã được sinh ra ở Úc đúng một năm sau đó.  Cho đến thời khắc đó, tôi chỉ gặp những người bà con đi cùng tàu vượt biên, để cuộc hành trình gian khổ đó trở thành huyền thoại.  Đây là lần đầu tiên tôi gặp những người khác đi cùng tàu, chuyện này cuối cùng đã giúp tôi cởi bỏ những thắc mắc về họ.  Khi tôi gặp một cặp cao niên người Việt ở Salzburg, nhiều điều đã được sáng tỏ.  Tôi hiếm khi nói tiếng Việt trong suốt cả năm trời sống ở Châu Âu.

"Nhưng tại sao lại là Áo quốc?" Tôi hỏi họ.

"Vì hai Bác có hai người con còn bị kẹt lại ở Việt Nam, bởi thế hai Bác không thể chờ lâu ở đảo," Bác Công bảo tôi.  "Hai Bác muốn được định cư sớm ở một nơi nào đó để có thể bảo lãnh con sang.  Áo quốc nhận hai Bác sau có 3 tuần."

Hai Bác đưa tôi về căn chung cư khiêm tốn của mình, đây là khu chung cư chính phủ ở Salzburg.  Hai Bác dọn về căn chung cư nhỏ này gần một thập niên từ khi 6 người con của hai Bác đã trưởng thành và đến sống ở Vienna, họ chỉ quay về Salzburg mỗi khi thăm viếng.  Tôi có thể hiểu tại sao họ đều muốn sống ở cái thành phố lớn đó và muốn hai Bác cùng chuyển ra đó sống gần với họ.  

"Tôi thì chẳng nề hà để chuyển đi," Bác gái nói (tôi gọi Bác là bác Công gái).  "Nhưng bác Công không muốn thêm sự bất ổn nào trong đời mình nữa."

Nhà của hai Bác trông giống như bất cứ một căn nhà Việt Nam nào tôi đã đến: giày để ở ngoài, mang dép khi vào nhà, vài tấm sơn mài với cảnh các cô thôn nữ đội nón lá trên những cánh đồng lúa, một tấm bản đồ Vietnam thật lớn đã cũ treo trên tường.  Nhưng nó chung chung rất bề bộn với cảm giác quen quen - chẳng hạn như một cái tủ cũ kỹ trưng đầy những đồ trang trí vô bổ và những chiếc ly uống nước bằng thủy tinh, một phòng tắm với ngổn ngang những dầu gội đầu & dầu tắm.  Một cảm giác thoải mái được ở lại trong một căn nhà Việt Nam. Bác Công vào phòng ngủ của Bác để nghỉ trưa, và chẳng bao lâu sau tiếng ngáy của Bác vang cả căn chung cư nhỏ bé.  Bác Công gái cứ đòi nấu cho tôi một món lót dạ buổi chiều.  Một tô mì ăn liền được trang điểm với mấy cộng giá sống & mấy cộng hẹ phi.  Bác ấy bỏ thêm một ít chả lụa Bác tự làm ở nhà bởi nơi gần nhất có thể mua món ham Việt Nam này là ở Đức.  Hai Bác đến thành phố Munich mỗi vài tháng để mua sắm tại những tiệm thực phẩm Á Châu và để đi lễ chùa. Khoảng cách từ phố hai Bác ở đến Đức quốc còn gần hơn là đến thành phố Vienna.

"Bác phải học để tự làm nhiều món ăn trong nhà," Bác gái nói, "Nó không phải giống như ở Úc đâu mà con có thể mua mọi thứ một cách dễ dàng."  Thế mà tôi vẫn thường nghe Ba Mẹ tôi càm ràm về những thực phẩm Việt Nam không thể mua được ở bên Úc.


Bác Công đã lâu không đi làm bởi Bác không được khỏe, những mảnh đạn thời chiến tranh vẫn hành hạ trong cơ thể Bác.  Ngày hôm sau, trong lúc Bác Công có cuộc hẹn về sức khỏe như thường lệ, tôi đi theo Bác Công gái và gặp một trong những người quen của Bác trên xe bus, một người phụ nữ Việt đã có tuổi ăn mặc trang nhã.  

Tôi có thể nghe giọng Đức rất chuẩn của bà, không giống như hai Bác của tôi.  Bác Công gái giải thích: "Bà ta là người Việt duy nhất khi hai Bác đến vùng này, bà từng là người thông dịch cho hai Bác.  Bà là con của một gia đình khá giả và đã đi du học ở Áo trong thời chiến tranh rồi sau đó lấy chồng là một người đàn ông người Áo."


Một khu mua sắm khang trang duy nhất ở Salzburg nằm hơi xa ngoài trung tâm. Khi chúng tôi bước đến cánh cửa kính tự động, một luồn khí mát tuôn ra làm dịu hẳn cái nóng oi bức của một ngày hè.  

"Mình tìm cái gì để ăn trưa," Bác gái  nói & dắt tôi đến một quầy ăn nhanh đồ biển.  Chỉ 10 euros bạn có thể mua một phần cơm với cá chiên bột rải ít ngò tây, một miếng chanh & ít sốt màu trắng chả biết là loại gì.

"Nếu con ở chừng tuần lễ," Bác gái nói, "thì con sẽ thấy Bác trai rất vui vẻ & dễ chịu.  Nhưng con mà ở lâu hơn nữa thì sẽ thấy Bác ấy không phải dễ chìu đâu ..."

"Sao Bác không thỉnh thoảng gọi nói chuyện với má con," tôi nói. "Bác với má con có biết bao điều để tâm sự."

Mặc dù tình cảm giữa tôi và ba tôi ngày càng tốt hơn trong những năm qua, có thể nói là tôi & ba hiểu nhau hơn, nhưng trong lúc này tôi hiểu rất rõ nỗi khó khăn mà Bác ấy ám chỉ, bởi nó làm tôi liên tưởng đến những gì tôi đã trải qua. Và không phải chỉ mình tôi, mà rất nhiều người tôi đã gặp qua, những người cha thuộc về một thời đại & nơi chốn khác. 

"Bác đã làm việc toàn thời và chăm sóc các con của Bác," Bác gái nói. "Bác trai cũng giúp khi nào bác ấy có thể nhưng với những thương tật của bác ấy ... thì, hai Bác cũng chẳng có gì than thở cả, chính phủ Áo đã cưu mang gia đình Bác.  Thời gian đầu chẳng có ai biết tí gì về người Việt.  Nhưng bây giờ càng ngày họ càng hiểu ra, mọi chuyện ngày càng tốt đẹp hơn."

Tác giả Sheila Pham

Source: http://www.sbs.com.au/yourlanguage/vietnamese/vi/article/2015/05/12/there-are-no-kangaroos-austria-sheila-pham?language=vi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.