Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016
Dòng Danube xanh lơ
Vài lời về tác giả Shirley Le
Shirley Le 23 tuổi người Úc gốc Việt, sống ở miền Tây thành phố Sydney, cô có niềm đam mê trong lãnh vực truyền thông cho giới trẻ và viết lách.
Bài viết dưới đây được đăng trên web site SBS Úc Châu trong chương trình tiếng Việt. Thấy bài viết hay, Làng Nam xin mạo muội chuyển ngữ & đổi tựa đề thành "Dòng Danube xanh lơ" trên blog Làng Nam.
***
Johann Strauss ở Yagoona (Johann Strauss in Yagoona)
Tác giả Shirley Le
Đó là một tối thứ Ba tại nhà bà Seaton ở vùng Guildford và tôi đang ngồi chờ lớp piano của mình. Căn nhà của bà Seaton giống như một cái bánh chán phèo. Bạn có hiểu ý tôi muốn nói "Cái bánh chán phèo" là gì không? Có một loại bánh rất màu mè mà chúng ta thường ăn trong những bữa tiệc sinh nhật, nhưng nó lại được người lớn ưa thích. Loại bánh này có màu nâu đậm được trộn với rất nhiều nho khô. Đó là lý do tại sao tôi ngửi thấy mùi loại bánh này mỗi khi tôi đến nhà bà Seaton.
Bà ta trang hoàng một lô tượng mèo nhỏ trên lò sưởi của bà. Tôi nghĩ nếu mấy con mèo này mà thật thì chúng chắc sẽ có những bộ lông êm ái và thích ngủ trên đùi của bạn. Chúng không giống những con mèo mà tôi thường thấy ở ga xe lửa Yagoona mỗi sáng tôi đi học. Mấy con mèo này thường xé những hộp giấy đựng đồ ăn từ tiệm ăn nhanh KFC mà thiên hạ vẫn quăng ở bãi đậu xe sau siêu thị IGA. Nếu mà tôi phải nặn tượng cho mấy con mèo này thì tôi sẽ mất rất nhiều thời gian, bởi vì tôi phải gắn thêm bao bộ phận bị thiếu như mắt, đuôi chẳng hạn.
"Em đã sẵn sàng vào học piano chưa?", bà Seaton hỏi tôi sau tiếng tằng hắng & tôi có thể ngửi thấy mùi bà ta, tôi nghĩ bà hôi mùi hoa hồng.
Tôi theo bà vào một căn phòng khác và ngồi trước một chiếc đàn piano đen nhánh bóng loáng. Chiếc đàn trông như một con cá voi đã nuốt chững Pinocchio và ông nội của hắn. Tôi nhắm mắt lại và thở một hơi dài trước khi đánh bản "Dòng Danube xanh lơ (The Blue Danube)" sáng tác bởi nhạc sĩ Johann Strauss. Trước khi tôi đánh đến dòng thứ 5 trong bản nhạc, bà Seaton đã đưa tay ra dấu ngừng lại.
- Ừm, nghe chẳng ra làm sao cả. Thiếu hồn. Phải tưởng tượng mình đang múa nhảy bên một dòng sông ở Áo quốc. Bấy giờ em mới cảm nhận được sự lãng mạng của bản nhạc"
Đôi mắt nâu của bà nhìn chằm chằm vào tôi nhưng tôi sợ nhìn thẳng vào chúng, thay vào đó tôi nhìn vào những lọn tóc buông xõa quanh gương mặt của bà. Chúng trông có vẻ mềm mại và trắng như con gấu Morris một trong những người bạn của con gấu Teddy. Tôi mơ tưởng đang ngồi trên chiếc sofa tại nhà với con gấu bông Teddy và chú mèo Jemima của tôi. Nhưng sự thật phũ phàng, tôi đang ngồi cạnh bà Seaton đánh bản "Dòng Danube Xanh Lơ" đến khi các ngón tay tôi tê cứng. Tôi có cảm giác những ngón tay của tôi không còn dính vào bàn tay của mình nữa.
Cuối cùng bà Seaton phê mấy dòng như sau vào cuốn tập của tôi trước khi cho tôi về.
"Em cần những giá trị âm nhạc bao quanh em. Và dĩ nhiên là tập, tập, tập ..."
Trước khi bà đóng nắp đậy đàn lại, bà lấy một chiếc khăn tay và bắt đầu lau sạch những dấu tay của tôi trên những phím đàn. Từng cái từng cái một, tôi nhìn những dấu tay của mình biến mất trên những phím trắng ngà. Giống như tôi chưa bao giờ đụng đến nó vậy. Tôi chỉ đóan vì tôi không dám chắc cái ý của bà về giá trị âm nhạc bà muốn ám chỉ, có lẽ tôi nghĩ bà muốn tôi tập đàn nhiều hơn nữa.
Và đêm đó, tôi đã tập trên chiếc đàn piano của tôi cho đến khi cây kim dài của chiếc đồng hồ chỉ con số 12 & cây kim ngắn chỉ số 8. Chiếc đàn piano ở nhà là chiếc đàn cũ màu nâu. Những phím đàn đã ngả sang màu vàng ố. Những ngón tay của tôi gõ trên phím đàn nhưng tai của tôi thì vẫn nghe những âm thanh trong nhà. Từ nhà bếp, tôi nghe giọng tụng kinh trầm trầm của một nhà sư từ chiếc máy cassette. Ông ấy vừa gõ vào chiếc bát đồng vừa hướng dẫn thính giả hít vào và thở ra. Mẹ tôi nhắm mắt & thở ra trong lúc nghe, bà bắt đầu lầm thầm.
“Nam Mô A Di Đà Phật”
Thân hình nhỏ nhắn của mẹ nhìn như mềm nhũn, nhưng mái tóc uốn của mẹ vẫn đen tuyền. Mẹ sắt trái bầu dài xanh được cắt từ cây bầu trồng sau vườn. Sau đó mẹ đem nấu những miếng bầu.
Anh tôi bước ra khỏi phòng của mình. Anh ta đang mặc một chiếc áo choàng màu vàng hiệu Adidas với chiếc mũ trùm cả cái đầu cạo trọc của anh. Anh đang đi về hướng bếp, miệng lẩm nhẩm nhạc rap của Tu Pac.
"Rượu & chiến lợi phẩm như những lời kêu mời / chúng ta vẫn thường chơi lúc trai trẻ một thời / bạn nhớ không hỡi bạn ơi?"
Tôi ngưng đàn & hỏi anh:
“Anh Hai, tại sao anh thích Tu Pac quá vậy? Nghe như hắn ta cần một ít thuốc an thần.”
Anh ta đảo cặp mắt đen nhánh, mũi khịt khịt như con chó bulldog:
"Tu Pac chết tiệt thế đấy hiểu chưa? Hắn chỉ nói những gì hắn thích. Em chẳng hiểu được đâu. Cứ mà nghe nhạc êm dịu Beethoven hay cái quái gì đó của em đi."
Anh ấy đâu có biết là tôi đã từng lẻn vào phòng anh ta và đã thấy bìa cái dĩa nhạc Tu Pac "Tôi chống cả thế giới". Trong cái hình bìa đó, Tupac mặc một chiếc áo sơ mi đen không nút choàng ngoài chiếc áo ba lỗ màu trắng và đầu hắn cạo trọc lóc.
Anh Hai nhìn tôi như có vẻ thầm hỏi tôi có ngầu đủ để làm bạn với anh ta không vậy. Thỉnh thoảng khi bạn của anh ta đến nhà chơi, tôi cũng thấy mấy anh đó cũng ăn mặc như vậy. Anh Tuấn là người Việt Nam còn Alex là người Macedonian nhưng họ nhìn một kiểu như nhau. Tóc thì vuốt keo dựng đứng như cái cùi bắp bị mấy con chim cockatoos rỉa ở những sân chơi trong trường học. Tôi suy nghĩ về Tu Pac & anh Hai trong khi những ngón tay tôi vẫn không ngừng chạy trên phím đàn. Không biết nhạc sĩ đại tài Beethoven có quan trọng hơn Tu Pac không? Nếu anh Hai thích Beethoven, không biết anh có ăn mặc như Beethoven chăng?
Anh Hai quay lại phòng khách với tô canh bầu của mẹ vừa nấu và mở TV lên. Anh ta tắt âm thanh TV chỉ xem hình với phụ đề trong lúc tôi đang tập bài "Dòng Danube Xanh Lơ". Tôi có thể nhìn thấy những hình ảnh trên màn TV phản chiếu qua mặt gỗ bóng loáng của chiếc đàn piano. Một viên cảnh sát đang truy đuổi mấy thiếu niên da đen trên đường phố. Ông ta rút súng ra và tôi nghĩ ông ta bắn một gã nhưng tôi không biết vì chiếc TV bỗng vụt tắc. Ai đó vỗ trên vai tôi. Thì ra là Ba. Gương mặt sạm nắng của Ba trông rất giận dữ bởi cặp lông mày rậm chau vào nhau và đôi môi bặm lại.
“Ba cần nói chuyện với con,” Ba nói và bước vào bếp.
Ba và tôi ngồi tại bàn ăn, ba khoanh tay lại. Tôi có thể thấy từng chiếc mụn ruồi màu chocolate trên lớp da dày của ba.
"Cô giáo dạy piano của con mới gọi cho Ba. Cô ấy không nghĩ là con tiến triển chút nào."
Mẹ lắc đầu nguầy nguậy & chặc lưỡi trong lúc lau chiếc lò nướng.
“Tốn bao nhiêu tiền bạc mà học không ra gì hết! Thôi đi ngủ đi.” Ba thở dài và tôi có thể thấy những sợi tóc bạc lưa thưa trên mảng đầu hói của ba.
Tôi vào phòng của tôi, nằm trên giường nhìn chằm chằm vào những ngôi sao lấp lánh dán trên trần nhà. Có vài chiếc đã bong ra.
Tôi nghe Ba đang ở trong garage, lau xe và nghe văng vẳng đĩa nhạc “Những Ca Khúc Hay Nhất Của Thanh Tuyền”. Thanh Tuyền là cô ca sĩ ba hâm mộ. Cô ta có nụ cười dịu hiền, mái tóc đen dài, rất nhiều người hâm mộ cô, cô ta có một sự cuốn hút kỳ lạ. Ba tôi thường nói giọng cô ta ngọt. Cô ta đang hát một bản về chuyện tình một cô gái chẳng biết khi nào người yêu cô sẽ trở về. Có thể đây là ý nghĩa của lãng mạn chăng, nhưng nó có vẻ buồn hơn là lãng mạn như bà Seaton đã đề cập.
Ba đã lau xe xong và tắt hết đèn. Tất cả bây giờ là bóng tối & sự im lặng. Có vẻ như ngôi nhà của chúng tôi đã chìm vào biển cả ...
Source http://www.sbs.com.au/yourlanguage/vietnamese/vi/article/2015/05/12/johann-strauss-yagoona-shirley-le?language=vi
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.