Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2010

Gia Cát Lượng đã mượn đao giết Quan Vũ? (Phần I)

Gia Cát Lượng đã mượn đao giết Quan Vũ? (Phần I)

Quan Vũ

Lâu nay người ta vẫn coi Khổng Minh như một biểu tượng của của tài trí, mưu lược và cả sự chính nghĩa. Thực tế, trong cách nhìn mang tính lịch sử, Khổng Minh trước hết vẫn là một kẻ làm chính trị đúng theo nghĩa thực của từ này. Tại sao Khổng Minh bái Lưu Bị làm chủ? Lý do hẳn đã vì nhà Hán? Tại sao Khổng Minh thấy Quan Vũ chết mà không một binh một tốt cứu viện?... Vẫn còn rất nhiều sự kiện lịch sử khiến hậu nhân phải nghi ngờ. Bài viết dưới đây của giáo sư Chu Tử Ngạn là một cách lý giải khác về những sự kiện lịch sử còn đầy những tồn nghi đó.


Chọn Lưu Bị, Khổng Minh vì mình trước nhất?

Gia Các Lượng (Khổng Minh)

Gia Cát Lượng ở Long Trung, tự xưng mình “chỉ mong bảo toàn tính mệnh thời loạn, chẳng cầu tiếng tăm nơi chốn chư hầu” (Thục thư - Gia Cát Lượng truyện), nhưng thực ra lại là kẻ lòng mang đầy chí lớn. Từng nói với Mạnh Thao, Từ Thứ, Mạnh Kiến rằng: “Ba người ắt làm quan tới thích sử, quận thú vậy”. Khi đó ba người bèn hỏi Gia Cát Lượng làm quan tới bậc nào? Lượng chỉ cười mà không đáp (Thục thư - Gia Cát Lượng truyện” chú dẫn Ngụy lược). Cười mà không đáp là cớ gì? Bởi quan là thích sử hay quận thú đều không ở trong mắt của Lượng, trí lớn sao đã vội có thể nói cho người khác nghe được.

Gia Cát Lượng có tài kinh luân tế thế “Mỗi lần đều tự sánh mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị” (Thục thư - Gia Cát Lượng truyện). Tuy nhiên Quản, Nhạc vốn chưa phải là người kiến công cái thế, làm quan chẳng qua cũng chỉ là tướng dưới tay chư hầu mà thôi. Gia Cát Lượng chí cao, tự sánh với Quản, Nhạc cũng có thể chỉ đơn thuần là mục tiêu nhỏ. Nếu lấy tình thế đương thời mà xét, cũng không loại trừ khả năng Gia Cát Lượng cũng có trí tranh đoạt thiên hạ, hùng tâm xây dựng nghiệp bá.

Những năm cuối Đông Hán, triều cương hỗn loạn, các chư hầu tranh nhau khởi binh. Xưng cô, gọi quả (xưng đế, xưng vương) cũng chẳng ít. Tào Tháo, Viên Thiệu, Tôn Sách, Tôn Quyền, Lưu Bị đều mang trong mình chí lớn quét sạch bốn bể mà thống nhất thiên hạ. Chẳng lẽ Gia Cát Lượng lại không bằng họ? Chẳng lẽ chỉ có thể làm thần tử mà không thể xưng vương?

Đáng tiếc ở chỗ, Gia Cát Lượng xuất sơn quá muộn (So với Tào Tháo, Viên Thiệu, Lưu Bị thì muộn hơn ít nhất hai mươi năm). Gia Cát Lượng chưa rời khỏi Long Trung “Tào Tháo đã có bách vạn hùng binh, ép thiên tử mà lệnh chư hầu, Tôn Quyền đã đóng ở Giang Đông tới ba đời, thế nước hiểm mà lòng dân thì theo, lại được hiền tài phò tá” (Thục thư - Gia Cát Lượng truyện). Những thế lực quân phiệt khác như Lưu Biểu thì nắm Kinh Châu, “đất dài ngàn dặm, mang binh giáp hơn mười vạn” (Ngụy Thư - Lưu Biểu truyện), Lưu Chương chiếm cứ Ích Châu, Chương Lỗ giữ Hán Trung, Mã Đằng, Hàn Toạn xưng hùng ở Quan Trung.

Minh hoạ Tào Tháo trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, vào thời nhà Thanh
Minh hoạ Tào Tháo trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, vào thời nhà Thanh

Mười ba châu của nhà Hán đã bị các lộ chư hầu chiếm cứ hết, Gia Cát Lượng đã mất đi cơ hội để độc bá một phương tự xưng chư hầu. Lòng mang tài kinh bang tế thế, để có thể xưng nghiệp vương bá như Gia Cát Lượng nếu muốn leo lên đỉnh cao của quyền lực, con đường duy nhất chỉ có thể là chọn chủ mà phục vụ. Đây đối với Gia Cát Lượng cũng chính là lùi để mà tiến. Điều này, Lượng cũng như Tư Mã Ý, thờ chủ thực tế cũng chỉ là một thủ đoạn để thực hiện mục tiêu chính trị của mình thôi.

Điều đáng nói ở đây chính là tiêu chuẩn của chủ mà Gia Cát Lượng chọn là gì? Tôi cho rằng, Gia Cát Lượng chọn chủ không ngoài 2 điều: Một là chủ nhân phải là một minh quân có hùng tài đại lược. Hai là, bản thân phải chắc chắn thành cánh tay của chủ, phải được chủ nhân đặc biệt trọng dụng.

Từ Long trung đối (cuộc đối thoại ở Long Trung) có thể thấy, Gia Cát Lượng đối với anh hùng trong thiên hạ đã nắm rõ trong lòng bàn tay. Lưu Biểu, Lưu Chương, Trương Lỗ… những kẻ bất tài vô năng này không đáng để suy xét. Những vị minh quân đáng suy xét đối với Gia Cát Lượng không ngoài ba người “Tào Tháo, Tôn Quyền, Lưu Bị”. Từ tình thế chính trị lúc bấy giờ mà nói, kẻ có khả năng nhất thống thiên hạ là Tào Tháo, vì sao Gia Cát Lượng lại không lựa chọn? Đây thực cũng chẳng phải vì Tào Tháo “danh là tướng nhà Hán, mà thân thực là giặc nhà Hán”. Gia Cát Lượng không lựa chọn Tào Tháo chính vì Trung Nguyên quá nhiều nhân tài, Tào Tháo sau khi bình định phương Bắc đã không còn như thời mới khởi binh nữa, mãnh tướng, mưu thần trong tay lúc này nhiều như mây. Gia Cát Lượng mới ra khỏi lều cỏ mà muốn được thăng tiến trong Tào Tháo bá phủ đâu phả là chuyện dễ dàng. Đối với chuyện này, Gia Cát Lượng đã thực sự hiểu rõ.
Lưu Bị

Khi người bạn Mạnh Kiến có lòng nhớ nhà, muốn trở về Trung nguyên mà tìm công danh, Gia Cát Lượng từng khuyên rằng “Trung Quốc nhiều sĩ đại phu, rong chơi hà tất phải là cố hương”. Về sau Gia Cát Lượng thảo phạt Ngụy bắt được Từ Thứ đang nhậm chức Ngự sử trung thừa, Thạch Thao nhậm chức Quận thú thì cảm khái mà nói: “Ngụy nhiều kẻ sĩ nên coi thường mà chẳng dùng hai người này sao!” (Thục thư - Gia Cát Lượng truyện). Gia Cát Lượng vì Từ, Thạch hai người mà nói lên bất bình (thực tế hai người làm quan tới hai nghìn thạch, không thể nói là Tào Tháo không hề trọng dụng), chưa từng vì chuyện mình không theo Ngụy mà cảm thấy vinh hạnh!

Bằng con mắt trí tuệ của Gia Cát Lượng đương nhiên cũng có thể biết Tôn Quyền là người chủ có hùng tài đại lược, huống hồ anh trai là Cẩn cũng đang giữ chức ở Đông Ngô. Nhưng khi trọng thần Trương Chiêu tiến cử với Ngô chủ thì Gia Cát Lượng lập tức từ chối mà rằng “Tôn tướng quân là chủ, xem thấy đức độ,có thể dùng Lượng nhưng không thể dùng hết Lượng, nên ta chẳng thể ở” (Thục thư - Gia Cát Lượng truyện, dẫn chú Viên tử)

Vì sao cuối cùng Gia Cát Lượng lại chọn Lưu Bị? Lưu Bị có hùng tài, biết người lại giỏi dụng tự nhiên là điều kiện tốt để Gia Cát Lượng tuyển chủ. Lại thêm Bị đang cầu hiền như khát nước, ba lần tới lều tranh. Gia Cát Lượng “do lòng cảm kích, mà theo Tiên đế” (Thục thư – Gia Cát Lượng truyện). Ngoài những điều đó, những lời bàn khác đều cho là Gia Cát Lượng có lòng với nhà Hán, cùng với Lưu Bị chủ yếu chính là kiến lập trên lập trường “phò Lưu yên Hán”: “Vận Hán sắp mất nên lấy việc hưng suy kế tuyệt làm nhiệm vụ của mình” (Thục thư - Gia Cát Lượng truyện, Bản chú của Bùi Tùng). Bản chú của Bùi Tùng được rất nhiều sử gia dẫn dụng, để luận chứng cho việc Gia Cát Lượng có lòng “phục hưng Hán thất”, lấy đó làm nhiệm vụ của mình.

Đối với phân tích này tôi cho có phần không hẳn là như vậy. Vào giữa Đông Hán hoạn quan, ngoại thích thay nhau chuyên quyền chấp chính, triều chính ngày một suy vi. Những năm cuối Đông Hán, Đổng Trác làm loạn, quân phiệt chiến loạn, Triều đình nhà Hán chỉ còn những hơi thở cuối. Trong Sử sách có nói: “Từ An đế tới nay, quốc thống suy vi, duy chỉ còn tiếng, tấc đất ngọn cỏ đã không còn là của nhà Hán, kỳ vận đã mất từ lâu” (Ngụy thư - Vũ Đế Kỷ, dẫn chú Ngụy Lược). Đối với tình hình này, người thông minh như Gia Cát Lượng chẳng nhẽ nhìn không ra hay sao?

Gia Cát Lượng không theo Tôn Quyền lý do rất đơn giản, là vì Tôn Quyền “có thể dùng Lượng nhưng không thể dùng hết Lượng” chứ không phải vì Tôn Quyền họ Tôn không phải họ Lưu. Rốt cuộc vì sao Gia Cát Lượng lại phò tá cho Lưu Bị, một kẻ chạy đông chạy tây, dưới trướng người khác, không một tấc đất mà lập nghiệp?

Xưa nay hầu như tất cả các nhà chính luận đều chưa tìm hiểu sâu về điều bí mật này, phần lớn đều cho rằng Gia Cát Lượng nhìn xa trông rộng, không quan tâm tới thực lực quân sự và hiền tài dưới trướng của Lưu Bị, hoặc Lưu, Gia Cát kết hợp là bởi hai người trí lớn hợp nhau. Kỳ thực, điểm thú vị ở đây là ở chỗ, những điểm yếu, những chỗ thiếu của Lưu Bị trong mắt của Gia Cát Lượng lại là ưu thế. Thử nghĩ, nếu Lưu Bị cũng như Tào Tháo binh nhiều thế mạnh, nhân tài như mây, Gia Cát Lượng còn có thể được trọng dụng như thế không? Chính bởi dưới tay Lưu Bị, võ tướng chẳng qua chỉ là Quan Vũ, Triệu Vân, Trương Phi. Mưu thần chũng chẳng qua có Phí Trúc, Tôn Càn, Giản Ung vài người… Tập đoàn của Lưu Bị hiếm người tài như thế, cũng chính là một vũ đài rộng lớn để Gia Cát Lượng thi thố tài năng của mình.



Điều kiện để xuất sơn của Gia Cát Lượng rất cao. Chủ không những phải biết hiền, mà còn phải biết tận (dụng hết). Hai chữ “Hiền”, “Tận” ngụ ý sâu xa. Hiền – tức phải coi Gia Cát Lượng thành hiền sĩ, quy cách đối với hiền sĩ cao nhất đó chính là đối đãi với quốc sĩ. Như Trí Bá đối với Dự Nhượng thời Xuân Thu, Yên Chiêu Vương đối với Quách Hòe thời Chiến Quốc. Đối với Gia Cát Lượng điều này vốn là chẳng đủ. Mà Tận lượng thì thật khó dùng một hai câu mà biểu đạt ý mình. Gia Cát Lượng rất cao ngạo, tuy đang còn trẻ, lại mới ra khỏi lều tranh nhưng tuyệt đối không định từng bước từng bước làm những công việc thấp kém, mà muốn phải ở ngay vị trí cao. Nếu muốn dùng hết tài của Lượng thì phải đặt tới vị trí nắm trọng quyền trong triều chính.

Gia Cát Lượng nằm ở Long Trung, tuy được những danh sĩ như Tư Mã Huy, Bàng Đức công tiến cử, ở Kinh Tương cũng có một chút danh tiếng nhưng nhiều kẻ vẫn không cho là thế. Lượng “mỗi lần nói đều tự sánh mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị, người đương thời đều không cho là vậy”. Chỉ có vài người bạn cho là như vậy mà thôi (Thục thư - Gia Cát Lượng truyện). Đối với những khu vực như Trung Nguyên, Giang Nam đều không nói tới, vẫn chỉ là một nhân vật vô danh mà thôi.

Khi còn chưa thành danh Gia Cát Lượng đã muốn chủ nhân sử dụng phải Tận. Tâm cao khí ngạo là thế đối với những tập đoàn đã có đầy thực lực như Tào, Tôn thì không thể đạt được. Đối với Lưu Bị thì hoàn toàn khác. Lưu Bị tuy quan đã là tả tướng quân, Dự Châu mục. Theo chế độ của nhà Hán, tướng quân, châu mục đều có thể mở phủ mà tham chính, nhưng dưới trướng Lưu Bị nhân tài thiếu thốn. Triệu Dực từng nói “Nhân tài thời nay đã bị hai nước Ngụy, Ngô thu hết vậy”. Trong con mắt của Gia Cát Lượng, đây lại chính là “ưu thế” của Lưu Bị mà các thế lực chư hầu khác không thể bằng được. Cho nên Gia Cát Lượng đã đầu thân cho Lưu Bị.

Quan Vũ chết trận, lỗi tại Khổng Minh?

Kỳ thực Gia Cát Lượng sau khi đầu thân vào tập đoàn Lưu Bị thì địa vị và quyền lực dần dần được nâng lên rõ rệt. Sau trận Xích Bích (năm 208), Lượng làm Quân sư trung lang tướng, bổng lộc tương đương hai ngàn thạch (120 tấn thóc). Lưu Bị lấy được Ích châu, Lượng thăng làm Quân sư tướng quân, bổng lộc lên tới hai ngàn thạch. Năm thứ 5 Kiến An (năm 200) Quan Vũ được phong làm Thiên tướng quân, Hán Thọ Đình Hầu. Sau Xích Bích, Vũ làm Đãng khấu tướng quân, bổng lộc hai ngàn thạch. Lưu Bị xưng Hán Trung vương, Vũ làm Tiền tướng quân, chức chỉ dưới tam công. Trương Phi ở năm Kiến An thứ 4 làm Trung lang tướng, Sau Xích Bích làm Chinh Lỗ tướng quân, Nghi Đô thái thú, bổng lộc là hai ngàn thạch. Lưu Bị xưng Hán Trung Vương thăng Phi làm Hữu tướng quân, (Thục thư – Trương Phi truyện) vị dưới Tam công.

Có thể thấy, trước khi Lưu Bị xưng đế Quan Vũ, Trương Phi địa vị đều cao hơn Gia Cát Lượng. Đối với những người khác như Triệu Vân, Bàng Thống, Pháp Chính, Hoàng Trung, Mã Siêu đều không dưới Gia Cát Lượng, đúng như đại đa số các sử gia đều nói rằng quan hệ giữa Lưu Bị và Quan Vũ, Trương Phi có hơn Gia Cát Lượng một bậc. Bọn họ “ ngủ nghỉ cùng giường, tình thân như anh em” (Thục thư – Quan Vũ truyện). Cho nên bất kỳ người nào vào tập đoàn Lưu Bị đều chỉ có thể ở dưới ba người này mà thôi.Đối với người một lòng muốn hơn vạn người, có lòng giành đoạt thiên hạ như Gia Cát Lượng mà nói đây chính là một chướng ngại lớn trên bước đường hoạn lộ của mình.

Kỳ thực Lưu Bị đối với Gia Cát lượng không phải ngay từ đầu đã coi là tâm phúc, quân thần như cá với nước. Xông pha gần nửa đời, trải gần mười năm chiến loạn rèn rũa, Lưu Bị bây giờ đã là một chính trị gia lão luyện, trước khi Gia Cát Lượng xuất sơn, Bị không thể tính hết được năng lực của Lượng là cao hay thấp, cho nên Lưu Bị lấy được Kinh Châu, bốn quận Giang Nam, không hề cho Gia Cát Lượng giữ chức trọng yếu trong quân chính mà cho làm chức thu thuế vụ ở ba quận Trường Sa, Linh Lăng, Quế Dương để bổ sung quân lực mà thôi.


Nhận thức lại Long Trung đối cũng chỉ rõ rằng: “Lưu Bị vốn không lấy Long Trung đối làm phương lược, đương nhiên cũng không đặt Gia Cát Lượng vào địa vị vận trù mưu lược trong màn chướng. Trước khi Lưu Bị chết, Gia Cát Lượng một thời gian dài không ở bên Lưu Bị, những việc đại chính đều không phải trong thời gian Gia Cát Lượng tham tán. Quyết kế vào Thục, phản công Lưu Chương là mưu của Pháp Chính, Bàng Thống, Lượng ở Kinh không tham dự vào việc nhập Thục. Cho nên những việc quan trọng này là đúng hay sai đều không có liên can tới Lượng”. Tôi cho rằng những lời này của Điền tiên sinh là chính xác. Chỉ rõ Gia Cát Lượng trong một thời gian dài hoàn toàn không phải là nhân vật số 1 dưới trướng của Lưu Bị.

(Còn nữa)

http://chuyenhvt.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.