"Khổng Minh giết Quan Vũ": Những khảo cứu lịch sử (Phần II)


(...) Chiến dịch Tương Phàn bắt đầu năm tháng 7 năm Kiến An thứ 24, kết thúc vào cuối tháng 12 năm đó, từ đầu chí cuối khoảng nửa năm. Bước ngoặt trong toàn bộ chiến dịch là vào tháng 10, khi Đông Ngô bội minh ước, Lã Mông vượt sông, không mất một binh một tốt đoạt được Kinh Châu. Quan Vũ chạy về Mạch Thành, đột phá vòng vây tới Lâm Thư thì bị quân của Tôn Ngô vây giết vào tháng 12.

Điều này cho thấy quá trình thất bại của Quan Vũ trong thời gian khoảng 2 tháng. Điều khiến nhiều người tốn giấy mực là ở chỗ, lẽ nào trong thời gian khá dài ấy, Lưu Bị và Gia Cát Lượng không nghe một chút tin tức nào về toàn bộ diễn biến của chiến dịch? Lẽ nào, Quan Vũ và thống soái của Thục Hán, đại bản doanh của Thục lại đánh mất toàn bộ liên lạc? Lẽ nào ngay cả khi Thục Hán mới được kiến lập mà đội quân tình báo đã tận diệt, hoàn toàn tê liệt? Theo những kiến thức quân sự thông thường nhất, Tương Phàn chiến dịch bắt đầu, cả Ngụy, Thục, Ngô đều phải chú ý, toàn bộ tập trung vào chiến trường Kinh Châu. Thục Hán ở Ích Châu không hề chịu bất cứ sự uy hiếp nào của quân Ngụy hay Ngô, tuyệt không thể bịt mắt bưng tai với diễn biến chiến dịch ở Kinh Châu được. Nguyên cớ là do đâu?

Tập tin:Three Brothers.jpg

Ba Anh Em Lưu Bị, Quang Vân Trường,Trương Phi

Điều đáng phải chỉ ra là, thời Tam Quốc, hệ thống tình báo trong quân đội đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh. Các nhà sử học đối với vấn đề này đã nghiên cứu rất hệ thống. Thời Đông Hán, có nhân viên chuyên trách, chịu trách nhiệm thu thập tin tức, sự tình, thông báo tình hình chiến trận được gọi là “Xích hậu”. Thượng Thư – Vũ Cống chép: “Hầu, chính là vương hầu vậy. Xích hậu mà phụng sự”, Khổng Dĩnh Đạt chú rằng: “Xích hậu, chính là kiểm tra sự khó khăn vậy”. Sử ký – Lý tướng quân truyện: “Song cũng xa xích hậu, chưa từng gặp hại”. Tư Mã Trinh sách dẫn Hứa Thận chú Hoài nam tử rằng: “Xích là đo vậy, hậu là nhìn, xem vậy”, cũng là để chỉ binh mã làm công việc trinh sát. Tam Quốc chí – Gia Cát Lượng truyện chép: “Xa thì đuổi xích hậu”. Tam quốc chí – Tôn Thiều truyện có ghi: “Thường rất nhạy cảm với chiến trường, từ xa đã lấy xích hậu làm nhiệm vụ”.

Có thể thấy, hai nước Ngụy, Ngô rất coi trọng đối với công tác tình báo quân sự. Thục Hán lại càng không phải ngoại lệ. Ví như, Lưu Bị sau khi công chiếm Hán Trung, để tăng cường thông tin liên lạc giữa Thành Đô và Hán Trung đã “xây nhà trọ, dựng nhà nghỉ, từ Thành Đô tới Bạch Thủy Quan hơn 400 khu” (Tam Quốc chí – Tiên chủ truyện, quyển 13, chú dẫn Kinh lược). Khi Lưu Bị phạt Ngô, ven đường đã phái rất nhiều “xích hậu” để đảm bảo giữa tiền phương và hậu phương liên lạc được thông suốt, không gặp phải trở ngại gì.

Đương nhiên chúng ta cũng có thể giả thiết rằng, Lã Mông sau khi đánh chiếm Giang Lăng, phong bế tin tức, quân của Quan Vũ tại Kinh Châu toàn bộ đều bị bắt, không một người nào thoát ra để về báo tin. Nhưng vấn đề là, Đông Ngô vì chiến quả to lớn vừa giành được ra lệnh cho Lục Tốn “không lấy Nghi Đô, Tỉ Quy, Chi Lăng, Di Đạo, thuần phục Di Lăng, Ninh Hiệp khẩu để phòng bị quân Thục” (Tam Quốc chí – quyển 47, Tôn Quyền truyện). Cương vực của Tôn Ngô đã phát triển đến Vĩnh An, tức Bạch Đế thành, nằm ở phía Tây Thục Hán. Trong thế tiến công mạnh mẽ của Đông Ngô, “thái thú Phàn Hữu của Nghi Đô do Hán Trung Vương Lưu Bị cắt đặt”, bỏ thành mà chạy về Thành Đô (Tam Quốc chí – quyển 58, Lục Tốn truyện). Không cần nghi ngờ rằng, Lưu Bị, Gia Cát Lượng khi đó biết rất rõ tình hình chiến sự ở Kinh Châu, chỉ là việc Quan Vũ sống chết ra sao thì không biết được. Tam Quốc chí – Lục Tốn truyện có ghi rất rõ thời gian Nghi Đô thất thủ là vào “tháng 11 năm Kiến An thứ 12”, nghĩa là cho tới thời điểm Quan Vũ bị bắt còn hơn một tháng nữa.

Tôi cho rằng, nếu như khi đó Lưu, Lượng lập tức phát binh, ngày đêm gấp gáp tới cứu Quan Vũ, có thể còn cơ hội, cũng có thể không đạt đến mục đích, cứu binh chưa tới nơi thì Quan Vũ đã có thể gặp bất hạnh, Lưu, Lượng trong việc xử lý toàn cục còn có chút tình lý. Có thể nói là “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” được. Nhưng nếu như ngay cả người đặt mưu cũng không tận sức, thì sẽ phải giải thích ra sao đây?

Khổng Minh giết Quan Vũ, nguyên nhân vì đâu?

Vấn đề là, Trần Thọ khi biên soạn Tam Quốc chí và bản chú của Bùi Tùng đều không có dòng nào nói về cuộc bàn luận giữa Lưu Lượng về chuyện phát binh cứu trợ Quan Vũ. Điều này đương nhiên khiến người đời sau gặp không ít khó khăn. Chương Thái Viêm là bậc đại sư nghiên cứu quốc học thời cận đại, nhờ bản lĩnh học thuật rất dày dặn, nghiên cứu nghiêm cẩn mà trở nên nổi danh. Trong Cừu thư có chỉ ra “Gia Cát Lượng mượn tay người Ngô mà lấy mệnh Quan Vũ”. Đây tuy chỉ là dự đoán nhưng xác thực là có chỗ hợp lý, tuyệt đối không phải là lời bàn luận vu vơ.

Nhà sử học Phương Thi Minh cũng sử dụng quan điểm của Chương Thái Viêm, nhưng ông lại cho rằng không phải là Gia Cát Lượng muốn trừ Quan Vũ mà chính là Lưu Bị muốn trừ Quan Vũ. Lý do chính là Quan Vũ kiêu ngạo cuồng vọng, “không những đời sau khó không chế mà ngay cả khi Lưu Bị còn sống cũng cảm thấy khó mà nắm bắt được” (Phương Thi Minh, Tam Quốc nhân vật tán luận, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 2000, trang 236 - 238). Do đó có thể thấy, quan điểm của Chương Thái Viêm đã nhận được sự tiếp nhận của nhiều chuyên gia về Tam Quốc, chỉ là tập trung thảo luận Lưu, Lượng một trong hai người ai mới là kẻ muốn mượn đao Đông Ngô mà giết Quan Vũ.

Tôi cho rằng, gác sang một bên chuyện “đào viên kết nghĩa” mà mọi người đều biết, Tam Quốc chí – Quan Vũ truyện, có ghi rõ Lưu, Quan, Chương ba người “ngủ cùng giường, tình như thủ túc”, Quan, Trương “vì tiên chủ (Lưu Bị) mà bỏ sức, không ngại nguy hiểm, gian khổ”. Lòng trung của họ đối với Lưu Bị luôn luôn vững chắc, nghĩa làm lay động cả thần linh. Đồng thời, Lưu Bị đối với Quan, Trương tình như thủ túc cũng cảm đến trời xanh. Sau khi Quan Vũ chết, Lưu Bị rất hận con nuôi là Lưu Phong, không hề nghĩ đến tình cha con khi xưa mà xử tử Lưu Phong. Hành động lớn nhất của Lưu Bị sau khi xưng đế là thống lĩnh quân đội phạt Ngô báo thù. Quần thần phân tích lợi hại, cực lực phản đối, Lưu càng thịnh nộ không nghe. Cuối cùng khi phạt Ngô thất bại, cũng không thể báo thù cho Quan Vũ, mang bệnh mà chết. Sự thực cho thấy, kiến giải của Phương Thi Minh là có chỗ cần phải cân nhắc lại. Bởi vì, quan điểm của Chương Thái Viêm tuy là gan lớn, nhưng có thể nói là có đạo lý.



Trong bài viết trước, tôi từng phân tích mâu thuẫn giữa Gia Cát Lượng và Quan Vũ. Tôi muốn bổ sung một chút nữa. Kỳ thực, giữa Vũ và Lượng không chỉ có sự tranh quyền ngấm ngầm mà điểm trọng yếu chính là quan điểm ngoại giao của họ đối với bên ngoài trong chiến lược tranh đoạt thiên hạ của Thục Hán là bất đồng. Liên Ngô, kháng Ngụy là hạt nhân trong chiến lược ngoại giao của Gia Cát Lượng, “giao hảo với Ngô, dựa vào Ngô mà Bắc phạt” (Vương Phu Chi, Độc thông giám luận, quyển 10). Gia Cát Lượng vì việc giao hảo với Ngô hao tổn không ít tâm sức trở thành tâm niệm xuyên suốt, đến chết cũng không bỏ sách lược ngoại giao này.

Nhưng Quan Vũ lại không mảy may thông hiểu sự lao tâm khổ tứ của Gia Cát Lượng. Vũ đối với chiến lược liên Ngô kháng Ngụy chỗ nào cũng đối lập với Gia Cát Lượng. Quan Vũ nhục mạ Tôn Quyền là cầm thú, còn nói rằng: “Nếu có Phàn Thành, ta lại chẳng tiêu diệt cái tà ác của người hay sao”. Ý của Quan Vũ là có một ngày chiếm được Phàn Thành, sẽ lập tức tích binh lực để diệt Ngô. Do đó có thể thấy, mỗi việc làm đều là phá hoại phương kế chiến lược của Gia Cát Lượng đề ra tại Long Trung đối. Vì thế, Chương Thái Viêm chỉ ra rằng nếu Gia Cát Lượng không trừ Quan Vũ, tất “sẽ là trở ngại đối với sách lược của ta”.

Vương Phu chi tường nói: “Muốn hợp họ Tôn để cùng nhau tính toán chuyện Trung Nguyên là Lỗ Túc, muốn họp cùng họ Tôn để cùng chống Tào, chính là Khổng Minh” (Vương Phu Chi, Độc thông giám luận, quyển 9).Trong trận chiến Xích Bích, Vũ không có chút công lao nào, “vì thế mà ghét Lượng, ghét Túc, vì thế ghét Ngô mà ghét Lượng, Túc kế đã thành nên mới làm cho mọi chuyện đổ vỡ để không thể như ý”. Thuyền Sơn tiên sinh phân tích cũng rất thấu đáo, Quan Vũ đã trở thành một hòn đá cản đường trong sách lược liên Ngô kháng Ngụy của Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng trước chiến bại của Lâm Thư của Quan Vũ mà thấy chết không cứu cũng không phải không có nguyên do. Chúng ta hà tất phải quá kinh ngạc!

Cuối cùng, còn có một vấn đề nữa cần phải thảo luận, đó là việc Thục Hán có hay không bàn đến chuyện phát binh cứu trợ Quan Vũ. Tôi cảm thấy trong sự việc này còn có rất nhiều ẩn tình. Ở trên đã đề cập đến việc cả trong Tam Quốc chí và bản chú của Bùi Tùng hoàn toàn không xuất hiện một dòng nào về sự việc này. Điều này đối với người đời sau mà nói, thực là câu đố thiên cổ. Kỳ thực, chỉ sợ tác giả của Tam Quốc chí - Trần Thọ không nắm rõ sự thực lịch sử. Bởi vì khi Trần Thọ sinh (năm 233) cách khá xa với thời điểm Quan Vũ gặp nạn (năm 219). Đương nhiên đó chỉ là thứ yếu, quan trọng chính là ở chỗ, nhà Thục một đời không lập sử quan. Cho nên Trần Thọ sửa Thục thư, thu thập tư liệu không được như Ngụy, Ngô (Ngụy, Ngô đều đặt sử quan từ rất sớm). Ở Thục không có nơi lưu trữ của nhà nước, việc chỉ dựa vào những câu chuyện dân gian ít tin cậy, Trần Thọ khi soạn Tam Quốc chí cũng khó mà có thể biết được sự thật ra sao. Vì thế, số quyển Thục thư trong Tam Quốc chí rất ít, cũng rất giản lược. Điều quan trọng nữa là, phần Quan Vũ truyện trong Tam Quốc chí cũng rất ngắn, khiến cho hậu nhân không thể khảo chứng một cách chi tiết.

Thục Hán vì sao không tu sửa quốc sử, nguyên nhân cũng không rõ ràng. Tôi cho rằng, là ông vua khai quốc, trách nhiệm của Lưu Bị không lớn, nhưng thời gian ông làm hoàng đế rất ngắn, chưa đầy 3 năm thì đã mất ở Bạch Đế thành. Lưu Thiện lên ngôi, “việc chính sự không kể to nhỏ, tất đều giao cho Lượng” (Tam Quốc chí, quyển 35, Gia Cát Lượng truyện). Vì thế, việc Thục Hán không có sử quan có quan hệ rất lớn với Gia Cát Lượng. Còn vì sao Lượng lại làm trái nề nếp của nhà Hán thì rất khó nghiên cứu sâu được. Nhưng có thể mạnh dạn suy đoán rằng, rất có thể giai cấp thống trị Thục Hán có rất nhiều bí mật bê bối không muốn tiết lộ quá rộng rãi nên đã không đặt chức sử quan.

http://chuyenhvt.net
Nguồn từ: http://chuyenhvt.net