"Khổng Minh giết Quan Vũ": Những khảo cứu lịch sử (Phần I)


Sau khi được đăng tải, bài báo Gia Cát Lượng mượn đao giết Quan Vũ đã gây không ít phản ứng trong những người yêu thích văn hóa cũng như giới học thuật. Hầu hết mọi người đều tỏ ý không thể chấp nhận quan điểm đã đưa ra. Vì thế, bài viết sau đây hướng tới mục đích là một lần nữa cùng với các học giả bàn luận kỹ lưỡng về vấn đề còn nhiều tồn nghi này.

Thân làm quân sư mà không tận lực, lỗi ở Khổng Minh trước nhất!

Điểm chủ yếu tạo nên phản ứng của các học giả là, Quan Vũ trước khi tấn công Tương Phàn, bắt Vu Cấm, chém Bàng Đức, vây khốn Tào Nhân ở Phàn Thành, về mặt quân sự mọi mặt đều là thắng lợi, Gia Cát Lượng không nhất thiết phải phái viện binh Thục đến cứu viện. Sau đó, Vũ mất Kinh Châu, chạy tới Mạch Thành, thời gian rất ngắn, Gia Cát Lượng không thể biết được cũng không thể tăng cường viện binh. Bề ngoài, đây có thể là một lý do rất đầy đủ nhưng nếu căn cứ vào sự thật lịch sử, thêm sự khảo đính cẩn thận, vẫn còn những tồn nghi lớn.




Tôi cho rằng, Quan Vũ quân ít mà Bắc phạt, tấn công Tương Phàn là một sai lầm nghiêm trọng về mặt chiến lược. Bất cứ ai đọc qua Tam Quốc đều biết, quyết sách của Gia Cát Lượng tại Long trung đối (cuộc đối thoại ở Long Trung) là đợi thiên hạ có biến, Ích Châu và Kinh Châu hai quân cùng lúc phạt Ngụy, một tấn công Uyển Lạc, một tấn công Trường An, khiến Tào Ngụy đầu cuối không thể tiếp ứng cho nhau. Việc Quan Vũ cầm đầu quân Kinh Châu, thực chất chỉ đóng vai trò yểm trợ và phối hợp với quân tại Thục Hán. Nhưng khi quân Thục Hán không có manh động nào, Quan Vũ lại dùng quân yểm trợ đơn độc tổ chức một cuộc tấn công rất quy mô Tào Ngụy thì rõ ràng là một sự mạo hiểm rất lớn.

Hơn nữa, khi đó, mối quan hệ giữa hai nhà Tôn Lưu đã có những dấu hiệu bị rạn nứt. Không còn giống như năm Kiến An thứ 19, khi Tào Tháo tấn công Hán Trung, Lưu Bị và Tông Quyền vì tranh đoạt Kinh Châu tựa hồ đã nói đến vũ lực nhưng vẫn nhẫn nhịn mà gặp mặt. Quan Vũ xuất binh tấn công Tương Phàn, Kinh Châu đương nhiên bị bỏ trống. Trong tình huống đó, đương nhiên phải phòng bị Tôn Quyền từ phía sau, thừa cơ đánh úp Kinh Châu. Gia Cát Lượng cả một đời dụng binh cẩn trọng, lại mười phần coi trọng tình trạng của liên minh Tôn Lưu, lẽ nào lại coi nhẹ chuyện đó?

Quan Vũ tuy thống soái quân ở Kinh Châu, nhưng không có lệnh của Lưu Bị, Quan Vũ tuyệt không dám tùy tiện xuất binh. Gia Cát Lượng biết rõ điều kiện để Quan Vũ tấn công Ngụy chưa chín muồi, lại càng đi ngược lại sách lược của bản thân đã đề ra ở Long Trung đối, vậy tại sao lại không tận lực thực hiện trách nhiệm của một quân sư, nỗ lực can gián. Đây là nghi điểm thứ nhất.

Thấy chết không cứu, Gia Cát Lượng “tiễn” Quan Vũ lên đoạn đầu đài

Cuộc chiến Tương Thành ngay từ khi bắt đầu, phía Tào Tháo đã rất coi trọng. Thân tại Lạc Dương, song Tào Tháo ngày đêm cùng Tư Mã Ý, Lưu Diệp, Tương Tề, Hoàn Giai,… rất nhiều mưu sĩ phân tích chiến sự, thảo luận sách lược. Tào Tháo còn không ngừng điều động các đội quan tinh nhuệ, tướng tài bổ sung lực lượng cho Phàn Thành. Người viết khảo chứng sử liệu, phát hiện rằng, Tào Tháo trước sau phái rất nhiều quân tăng viện đến Phàn Thành.


Lưu Bị qua nét vẽ của Diêm Lập Bản, họa sĩ thời nhà Đường.
Lưu Bị qua nét vẽ của Diêm Lập Bản, họa sĩ thời nhà Đường.


Tam Quốc chí – Quan Vũ truyện, viết: “Kiến An, năm thứ 24, Tiên chủ làm Hán Trung Vương, lập Vũ làm Tiền tướng quân. Năm đó, Vũ dẫn quân tấn công Tào Nhân ở Phàn Thành. Tào công (Tào Tháo) phái Vu Cấm dẫn quân tiếp viện Tào Nhân”. Tam Quốc chí – Từ Hoảng truyện có chép: “Lại sai Hoảng (Từ Hoảng) giúp Tào Nhân chống Quan Vũ. Quan Vũ vây Tào Nhân ở Phàn Thành, cũng vây tướng quân Lã Thường ở Tương Dương. Tướng của Hoảng đa phần mới còn trẻ khó mà đối địch với Vũ được, vì thế trước khi tớ Dương Lăng đã bị thuần phục. Thái tổ lại phái Từ Thương, Lã Kiến giúp đỡ Hoảng. Trước sau Thái Tổ phái Ân Thự, Chu Thiện, mười hai tiểu đoàn đến giúp Hoảng”. Tam Quốc chí – Trương Liêu truyện cũng chép: “Quan Vũ vây Tào Nhân ở Phàn Thành, Ngụy vương ra lệnh cho Liêu (Trương Liêu) và chư tướng tới cứu Nhân”…

Từ sử liệu có thể thấy để giải vây Phàn Thành, Tào Tháo đã phái đi năm tốp cứu viện: Một là Vu Cấm, Bàng Đức dẫn 7 quân đoàn, tốp thứ hai là tinh binh của Từ Hoảng, tốp thứ ba là quân của Từ Thương, Lã Kiến, bốn là mười hai tiểu đoàn của Ân Thư, Chu Thiện. Năm là con át chủ bài tinh nhuệ nhất dướ trướng của Tào Tháo, người từng đối chọi với quân của Tôn Quyền ở Hợp Phì: quân đội của Trương Liêu. Đến như vậy mà Tào Tháo vẫn chưa yên tâm, còn tự mình thống xuất hơn 10 vạn tinh binh đóng ở Ma Bi, cách không xa Tương Phàn, đề phòng có lúc phải tăng viện cho Tương Phàn. Từ đó có thể thấy, để đối phó với chiến dịch của Quan Vũ, phía Tào Ngụy đã thực hiện cuộc tổng động viên trên toàn quốc.

Ngược lại, phía Thục Hán lại không hề có bất cứ một hành động nào, không có bất cứ một sự sắp xếp quân sự nào. Theo Tam Quốc chi – Cam Ninh truyện có ghi: “Dưới cờ Vũ có 3 vạn người”. Quan Vũ có ba vạn nhân mã, thì hơn một nữa đã phải để lại phòng thủ cứ địa Kinh Châu, lại muốn đánh chiếm căn cứ quan trọng của Tào Ngụy là Tương Phàn, thật chẳng khác gì châu chấu đá xe. Do Quan Vũ binh nhỏ tướng ít, nên ngay cả tháng 8, “nước sông Hán Thủy dâng cao, Phàn Thành thấp hơn mặt nước 5 - 6 trượng”, cũng không thể chiếm được Phàn Thành. Đến khi quân tướng các lộ của Tào Tháo tập trung ở Phàn Thành thì quân của Quan Vũ đã rơi vào hoàn cảnh cực kì xấu.

Cũng có người nói rằng, Gia Cát Lượng đâu phải thần nhân, khó mà dự liệu được chuyện Lã Mông tập kích Kinh Châu, cho nên mới không phái viện binh cho Quan Vũ. Kỳ thực, ngay cả khi Tôn Ngô không bội minh ước với Vũ thì Vũ cũng khó mà dùng đội quân yểm trợ này để chiếm Tương Phàn. Mà khi Tào Tháo phái Từ Hoảng đến yểm trợ Tào Nhân tấn công Quan Vũ, thì Quan Vũ đã lâm vào nguy cơ thất bại rồi. Sử chép: “Quan vũ đáp thuyền đến thành, lập vòng vây trùng trùng, bên trong và bên ngoài (thành) bị cắt đứt” (Tư trị thông giám, quyển 68, Hồ Tam Tiêu chú). Nhưng đại tướng Từ Hoảng của Tào Ngụy dựa vào ưu thế về binh lực mà phá vòng vây của Quan Vũ. Sử chép: “Quan Vũ thấy sắp hỏng, tự mình dẫn 5 ngàn binh mã xuất chiến. Hoảng tấn công, Vũ thoái lui, Hoảng bèn đuổi theo và vây lại. Quân Quan Vũ kẻ bỏ chạy, kẻ nhảy xuống Miến Thủy mà chết” (Tam Quốc chí – quyển 17 – Từ Hoảng truyện).

Quân của Quan Vũ thương vong nặng nề, chỉ có thể bỏ Tương Phàn mà chạy về phía Nam. Chỉ vì Tào Tháo muốn làm ngư ông đắc lợi, mới dừng việc truy bức tàn quân của Quan Vũ. Hồ Tam Tiêu bình luận rằng: “Khiến lã Mông không dám tập kích Giang Lăng, Vũ cũng không dám phá Tháo. Tháo mượn tay Mông để mình làm ngư ông đắc lợi”. Vương Phu Chi cũng chỉ ra rằng: “Lật Vũ cũng là nằm ngoài cái ý của Mông, nhưng mà không có sự quấy nhiễu của Mông, Vũ có thể thoát khỏi cái chết hay sao? Vây Tào Nhân thì dư sức, nhưng đối địch Tháo, Vũ vẫn còn có chỗ bất túc vậy” (Vương Phu Chi, Độc thông giám luận, quyển 10).

Chiến dịch Tương Phàn liên quan đến đại kế phạt Ngụy của Thục Hán, Gia Cát Lượng vốn lấy “phục hưng nhà Hán” làm trách nhiệm của mình, sao có thể không quan tâm nhất cử nhất động của chiến dịch này? Lượng cũng từng trấn thủ Kinh Châu nhiều năm, đối với trang bị, binh lực quân sự của Kinh Châu, càng nắm rõ như lòng bàn tay, vì sao khi Tào Ngụy gần như xuất toàn lực, tình thế quân sự nghiêm trọng như vậy mà không có mảy may quan tâm? Quân chủ lực của Thục Hán tại Ích Châu không thể rút ra một đoàn để tăng viện Kinh Châu? Sao lại để đám quân nhỏ bé của Quan Vũ đơn độc chống lại hơn 10 vạn tinh binh của Tào Ngụy. Điều này thật cũng khó mà lý giải được.

Tào Tháo

Cũng có người cho rằng, vì Quan Vũ quá cuồng ngạo khinh địch nên mới mắc mưu của Lã Mông, Lục Tốn, đã đem toàn bộ số quân phòng bị ở Kinh Châu tấn công Phàn Thành, để hậu phương trống rỗng, tạo cơ hội cho Tôn Quyền tập kích. Kỳ thực điểm này cũng cần phải phân tích cho rõ ràng. Quan Vũ điều binh trấn thủ Giang Lăng tăng viện cho Tương Phàn, cố nhiên là đã không đánh giá hết khả năng tập kích của quân Đông Ngô, nhưng nếu như không phải vì binh lực không đủ, Phàn Thành tấn công lâu mà vẫn chưa khuất phục được, Quan Vũ hà tất phải “liền hô Lưu Phong, Mạnh Đạt, phát binh tương trợ”? Nếu như lúc này quân ở Thành Đô hoặc Hán Trung có thể kịp thời đến, Quan Vũ hà tất phải dùng đến những lão binh trông giữ thành ở Giang Lăng. Quan Vũ nam chinh bắc chiến đã nhiều năm, tuy không thể nói là bậc túc trí đa mưu nhưng cũng không phải là kẻ dũng phu, sao có thể nghĩ không đến những điều như vậy. Ông ta phải dùng đến hạ sách đó, e rằng có điều khó nói là đã chắc chắn ở Thục không sẽ không phát binh tương trợ.

(Còn nữa)

http://chuyenhvt.net
Nguồn từ: http://chuyenhvt.net