Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

Nửa người đàn ông, và trứng chiên


Yesterday, nửa người đàn ông, và trứng chiên
Trúc Xanh

Ngày 5 tháng 10, 2012 đánh dấu một sự kiện quan trọng trong lịch sử âm nhạc thế giới, đó là kỷ niệm 50 năm bài hát “Love Me Do”, bài hát đầu tiên của Beatles ra mắt khán giả dưới dạng single (1), khởi đầu cho thành công của họ cho đến khi các thành viên của nhóm nhạc đầy huyền thoại này chia tay nhau vào năm 1970.

Nhưng ca khúc “Yesterday” mới chính là sáng tác được ưa chuộng nhất. (2)
Yesterday, all my troubles seemed so far away
Now it looks as though they're here to stay
Oh, I believe in yesterday.
Suddenly I'm not half the man I used to be
There's a shadow hanging over me
Oh, yesterday came suddenly.
Why she had to go I don't know, she wouldn't say
I said something wrong. Now I long for yesterday…
Yesterday love was such an easy game to play
Now I need a place to hide away
Oh, I believe in yesterday.
Tôi cũng rất mê “Yesterday”.

Khi 4 chàng nhạc sĩ rock tóc bồng, ăn mặc nghiêm trang ấy nổi tiếng, tôi vẫn chưa có mặt trên đời. Đến lúc biết cái hay của giòng nhạc thì chung quanh tôi chỉ toàn những tiếng ong óng “Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước”, hay, “Còn giặc Mỹ cọp beo, em còn vót chông nhiều làm cạm bẫy”,… lâu lâu mới nghe vài bài có chút yêu đương như “Trường Sơn Đông-Trường Sơn Tây”, “Con Kênh Ta Đào”,… nhưng ở đó, hai người yêu nhau không nhìn vào mắt nhau, cũng không nhìn về một hướng, mà phải nhìn về một công tác nào đó, đánh giặc, đào kinh, hay ra đồng làm ruộng.

Nên những lời ca kiểu “Mới hôm qua, buồn phiền trong tôi như đã bay đi xa”của Yesterday, hay, “Giây phút ban đầu ngày ta gặp nhau,mắt yêu thầm trao những câu ân tình…” của Romeo & Juliet, đều bị dán mác “trí thức tiểu tư sản, xa rời thực tế, ủy mị” - Cấm! Bất cứ cái gì tình tứ lãng mạn đều là “tư tưởng Mỹ-Ngụy-đồi-trụy” - Cấm! 

Nhưng làm sao cấm được cái háo hức tuổi trẻ, nó chỉ cần biết vớ vẩn vài nốt nhạc, biết ngân nga vài câu hát, vậy là đủ cho giai điệu man mác buồn và lời ca sâu lắng nở hoài trên môi “Mãi đến hôm nay tim còn thấy hoan ca, tôi còn ngỡ như là ngày hôm qua…” (3). Tôi lúc đó chưa biết tiếng Anh nên chỉ hát lời Việt, vậy mà vẫn đủ thấy tim ngây ngất. Đâu cần thất tình mới có cảm giác ấy, cái cảm giác hụt hẫng buồn chán của ngày hôm nay mà ngày hôm qua mình tưởng sẽ không bao giờ tới.

“Yesterday” cứ thế đi bên tôi dù lúc đó tôi không biết lời ca tiếng Anh, không biết tác giả, càng không biết đến ban nhạc. Mãi về sau, khi đã học Anh văn, tôi mới biết “yesterday” là “hôm qua”, mới biết “Yesterday” diễn tả tâm trạng một người đàn ông hối hận đã nói lỡ lời và làm buồn lòng người tình, nhưng quá muộn, nàng đã ra đi; người đàn ông ước gì có thể ngược thời gian, đi trở về “ngày hôm qua”.

Tôi gọi người đàn ông của “Yesterday” là “người đàn ông dấu mặt”.

Sở dĩ dấu mặt vì hiếm khi được thấy. Đàn ông thường không để lộ cảm xúc, càng không để lộ tình cảm hụt hẫng vì quá yêu. Đàn ông mà buồn vì tình sẽ bị coi là yếu đuối. Người Việt (bắt chước Tàu, 儿 女 情 长, 英 雄 气 短) chê đó là “Nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản”, khi mê đắm đàn bà, đàn ông kém đi cái chất oai hùng; vì thế cần coi nhẹ chuyện luyến ái, “Huynh đệ như thủ túc – Phu thê như y phục”, vợ như tấm áo cái quần, không có cái này thì shopping mua cái khác, chuyện nhỏ! 

Vậy mà người đàn ông của “Yesterday” không ngại ngần bày tỏ, nàng đi rồi sao ta chợt trống vắng lao đao quá, ta như chỉ còn phân nửa người đàn ông lúc trước – half a man. Những nữ danh ca – như Gladys Knight hay Eva Cassidy – khi hát Yesterday đã đổi “half a man” qua “half a girl”, nghe cũng okay nhưng mất đi cái bí ẩn và u uẩn của “nửa người đàn ông” với nỗi buồn kín bưng.

Nhưng ít ai biết những lời mang mác buồn ấy đã từng có khởi đầu rất nghịch ngợm. Tên bài hát, ban đầu, không phải “Yesterday” mà là “Scamble Eggs”.
Scramble Eggs.
Oh, my baby how I love your legs!
Not as much as I love scramble eggs.
Oh, we should eat some scramble eggs…

Tại sao món trứng chiên nhảy vào đây? Theo Paul McCarney, “scramble eggs” được dùng cho dễ nhớ. Còn John Lennon kể rằng:
“Bài hát (Yesterday) đã có giai điệu từ cả nhiều tháng trước khi chúng tôi hoàn thành nó. Cứ mỗi lần hai đứa cùng viết bài hát cho mùa thâu dĩa thì giai điệu ấy lại xuất hiện. Chúng tôi viết gần xong, lời ca hầu hết của Paul, nhưng không sao chọn được tựa đề. Chúng tôi gọi tạm là “Scramble Eggs” và nó trở thành trò đùa giữa hai đứa. Chúng tôi nhất định phải kiếm cho bằng được cái tên chỉ đúng một chữ thôi, nhưng không cách gì tìm ra. Rồi vào một buổi sáng nọ, Paul thức dậy sau giấc ngủ với toàn bộ ca khúc, cả lời hát lẫn tên bài hát. Vậy là xong. Nhưng nói thiệt nha, tôi lại đâm buồn vì hai đứa nhờ nó mà có dịp cười quá chừng”. (4)
Nhiều người cho rằng sở dĩ những ca khúc của Beatles nổi tiếng không những vì giai điệu trẻ trung, lời ca tươi mới mà còn vì có chút gì đó triết lý. Như Yesterday, tuy diễn tả tâm trạng một người đau buồn vì mất tình yêu nhưng đồng thời cho thấy tính mong manh của kiếp người: hôm qua vui sướng, tự tin là thế, hôm nay bỗng thành ra yếu đuối rụt rè. 

Các danh ca thế giới như Elvis Presley, Marvin Gaye, Frank Sinatra,… đã từng “thử giọng” với “Yesterday”; lả lướt như Elvis, nức nở như Marvin, đầy nam tính như Frank, mỗi người mỗi vẻ. Nhưng cuối cùng, cái giọng tỉnh tỉnh, khô khô của Paul vẫn tuyệt nhất; tới câu “I don’t know” giọng anh nhỏ lại, gần như khựng hẳn như cơn đau chợt dấy lên khiến nghẹn lời. 

Dù đã có cả ngàn cách thể hiện khác nhau, nhưng giai điệu cuối cùng còn đọng lại trong lòng người vẫn là những nốt nhạc chậm, lãng đãng như một tâm sự buồn. Điều đó phải chăng khiến “Yesterday” không bao giờ là bài hát của ngày… hôm qua.

(1) - Trong âm nhạc, một “single” (nhạc phẩm đơn) hay “record single” (thu âm đơn) là dĩa nhạc có ít vòng quay hơn một LP record (Long Play record) hay album. Trong nhiều trường hợp, single là một ca khúc được phát hành riêng lẻ nhưng vẫn xuất hiện chung trong một album, thường đó là bài hay nhất được phát hành riêng nhằm quảng cáo cho album ấy, nhưng cũng có trường hợp single không nằm chung trong album.
(2) – 
“50 năm “Love Me Do” bài hát đầu tiên của Beatles” - Yesterday do Paul McCarney sáng tác và ra mắt công chúng lần đầu tiên trong album “Help” ngày 06/08/1965 ở Anh quốc, được Sách Kỷ lục Guinness (2009) ghi nhận là sáng tác được hát lại (tức là được những ca sĩ, nhóm nhạc khác ngoài Beatles hát lại) nhiều nhất trong lịch sử âm nhạc thế giới. Chỉ riêng trong thế kỷ 20 vừa qua bài hát này đã được hát lại 3.000 lần. Đây cũng là một trong những bài hát được phát nhiều nhất trên các đài phát thanh toàn cầu với tổng cộng 7 triệu lần phát trên đài. - Thanh Phương, RFI, 06/10/2012 
(3) – Nghe 
“Hôm Qua – Yesterday”, lời Việt của Nam Lộc – trình diễn Tuấn Ngọc, Thái Thảo, Duy Quang, Thái Hiền.
Mới hôm qua,
Buồn phiền trong tôi như đã bay đi xa.
Mãi đến hôm nay tim còn thấy hoan ca,
Tôi còn ngỡ như là ngày hôm qua.
Biết không em,
Tưởng chừng như thời gian đã quên không trôi.
Khiến chúng ta không hề nghĩ tới chia phôi.
Bao ngày đã qua còn trong tim tôi.
Bởi vì, em đã muốn đi thật xa tôi nào biết gì.
Giờ này, tôi cố gắng quên thời gian,
Nhưng lòng vẫn nhớ…
Mới hôm qua,
Tình yêu như bông hoa nở trong tim ta.
Mãi đến hôm nay em dù đã đi xa,
Tôi còn ngỡ như là ngày hôm qua…

Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.