Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

Thu với Thi Nhân…


Thủy Nam
Từ trước đến nay khắp đông tây kim cổ, Mùa Thu thường được người nghệ sĩ nâng niu, trân trọng & đưa vào tác phẩm của mình như là những hình ảnh thiên nhiên quyến rũ tuyệt vời nhất trong thế giới nghệ thuật nói chung & trong thi ca nói riêng. Trong âm nhạc chúng ta đã không quên những khúc hát Mùa thu bất hủ: Đêm thu, Thu ca,Thu vàng,Thu sầu, Tiếng thu, Hoài thu, Thu chiến trường, Thu quyến rũ, Giọt mưa thu, Buồn tàn thu, Mùa Thu chết, Thu hát cho người, & Nước mắt mùa thu, Mùa Thu không trở lại... của nhiều nhạc sĩ VN nổi tiếng xưa nay.
Nhưng trong thi ca, chân dung mùa thu lại càng in dấu đậm nét &

phong phú hơn. Có thể nói: mùa thu là mùa của thi nhân. Nhiều nhà thơ trân trọng dùng mùa thu đặt tên cho thi tập nổi tiếng của mình như nữ sĩ Tương Phố với "Giọt Lệ Thu", Lưu Trọng Lư với "Tiếng Thu"; mùa thu cũng được gắn liền với tên tuổi những thi hào trên thế

giới, qua những tác phẩm lừng danh kim cổ: Paul Verlaine với Chanson D' Automne (Thu Ca) , Âu Dương Tu với Thu thanh phú (Bài phú Tiếng Thu), mùa thu bàng bạc trong Tiền, Hậu Xích Bích phú của Tô Đông Pha, nhất là trong Đoạn Trường tân thanh của Nguyễn Du:


"Người lên ngựa, kẻ chia bào

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.

Bụi hồng ngựa cuốn chinh an

Trông với đã khuất mấy ngàn dâu xanh.

Người về chiếc bóng năm canh,

Kẻ đi muôn đặm một mình xa xôi.

Vừng trăng ai xẻ làm đôi

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.


Chúng ta hãy thưởng ngoạn một bức tranh hết sức sống động,

quyến rũ, vô cùng lộng lẫy & chan chứa sắc thu:


"Long lanh đáy nước in trời,

Thành xây khói biếc, non phơi ánh vàng"...

Và:


Nàng thì dặm khách xa xăm;

Bạc phau cầu giá đen rầm ngàn mây.

Vi lô san sát heo may,

Một trời thu để riêng ai một người…

Đêm khuya ngất tạnh mù khơi,

Thấy trăng mà thẹn những lời non sông.


Với Tam Nguyên Yên Đỗ, sắc thu đậm nét phong vị đồng quê VN với 3 bài thơ mùa thu nổi tiếng: Thu điếu (Mùa thu câu cá), Thu vịnh (Vịnh mùa thu) & Thu ẩm (Uống rượu mùa thu)...


Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo

Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo...

(Thu điếu)

Và:

Trời thu xanh ngắt mấy từng cao,

Cần trúc lơ thơ gió hắt hiu.

Mặt nước trông như tầng khói phủ,

Song thưa để mặc gió trăng vào...

(Thu vịnh)

Hay:

Năm gian nhà cỏ thấp le te,

Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe.

Lưng giậu phất phơ mầu khói nhạt,

Làn ao lóng lánh bóng trăng loe…

(Thu ẩm)


Nhà thơ núi Tản sông Đà cũng thường khắc họa rõ nét một mùa

cổ điển quen thuộc, với những hình ảnh tiêu biểu, những đường nét, những sắc mầu chung, muôn năm không đổi trong ngôn ngữ thi ca đông phương nhưng đã được tác giả sắp xếp một cách thi vị & đầy tính sáng tạo nơi hình thái diễn đạt:


"Từ vào thu đến nay,

Gió thu hiu hắt,

Sương thu lạnh,

Trăng thu bạch,

Khói thu xây thành,

Lá thu rơi rụng đầu ghềnh,

Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly..."

(Cảm thu, tiễn thu)


& nhất là cảnh sắc thu, hồn thu, tình thu, hơi thu, sầu thu, không gian, thời gian thu... chan chứa vô vàn trong bài thơ Gió thu sau đây:


"Trận gió thu phong rụng lá vàng,

Lá rơi hàng xóm lá bay sang.

Vàng bay mấy lá, năm già nửa,

Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng?


Trận gió thu phong rụng lá hồng,

Lá rơi tường bắc, lá sang đông.

Hồng bay mấy lá năm hồ hết,

Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng trông?"


Mùa thu nơi chốn cao nguyên rừng núi lại có những khác biệt về thiên nhiên, cây cỏ…Mùa thu nơi đây thường mang vẻ tịch liêu, cô quạnh, hoang sơ. Chúng ta hãy cùng chiêm ngưỡng Thu rừng với Huy Cận:

Nai cao gót lẫn trong mù

Xuống rừng nẻo thuộc, nhìn thu mới về...

Hay:

Sầu thu lên vút song song,

Với cây hiu quạnh với lòng quạnh hiu!


Và những cơn mưa thu triền miên trong nỗi niềm hoài thu lai láng, nghe ra như một mối vạn cổ sầu:


Đêm mưa làm nhớ không gian

Lòng đơn thêm lạnh nẻo hàn bao la.

Tai nương nước giọt mái nhà

Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn.

Nghe đi rời rạc trong hồn

Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi…

Rơi rơi… dìu dịu rơi rơi…

Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ…

Và:

Gió về, lòng rộng khôn che

Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư…

(Buồn đêm mưa)


Thi nhân & thế nhân thường say mê chìm đắm trong 1 thế giới sắc thu cô đọng, phảng phất hương thu dịu dàng, êm ái, có một chút gì thật mơ hồ, thật xao xuyến đầy quyến rũ trên bước thu về nhè nhẹ, xa xôi:


Hôm qua thu mới về,

Với một cành hoa gẫy,

Sương nặng gieo đầu tre

Lạnh tràn theo gió đẩy.


Thu tới trong vườn bên;

Ngợ ngàng mầu cúc mới,

Đêm qua bên láng giềng,

Êm tựa nhàn, thu tới...

(Thu - Huy Cận)

Và như thế, mùa thu phiêu du, lãng đãng, trôi nổi, không bến bờ,

không giới hạn, không ngừng nghỉ trong nhiều thế hệ thi ca VN:

Trong thơ Xuân Diệu, mùa thu bàng bạc, tha thướt u uẩn gợi chia ly & hiu hắt buồn như tia nhìn của những nàng thiếu nữ mới chớm xuân thì:


Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng;

Đây mùa thu tới - mùa thu tới

Với áo mơ phai dệt lá vàng.


Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ...

Non xa khởi sự nhạt sương mờ...

Đã nghe rét mướt luồn trong gió...

Đã vắng người sang những chuyến đò....


Mây vẩn từng không, chim bay đi

Khí trời u uất hận chia ly.

Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói

Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì...

(Đây mùa thu tới)



Mưa thu giăng giăng, rét mướt buồn, vương mầu sương khói

chiến chinh trong thơ Quang Dũng. Hình ảnh một mùa thu xót xa

sâu thẳm trong nỗi nhớ niềm thương & cả trong đôi mắt người yêu bé nhỏ nơi cuối trời quê hương nghìn trùng xa cách:


Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai

Sông xa từng lớp lớp mưa dài.

Mắt xưa em có sầu cô quạnh

Khi chớm thu về một sớm mai...


Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự

Kinh thành em có nhớ bên kia?

Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến

Hiu hắt chiều sương lạnh đất tề...


Xa quá rồi em người mỗi ngã

Bên này đất nước nhớ thương nhau.

Em đi áo mỏng buông hờn tủi

Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?

(Đôi bờ)


Nàng thu đầy lãng mạn, chan chứa tình hoài trong thơ Nguyên Sa, làm người ta như mơ mộng, như tương tư, như bàng hoàng nuối tiếc ngẩn ngơ khi vọng bước thu về:


Tôi đã gặp em tự bao giờ

Kể từ nguyệt bạch đến sương khuya,

Kể từ gió thổi trong vừng tóc,

Hay lúc thu về cánh nhạn kia?...


Có phải mùa xuân sắp sửa về,

Hay là gió lạnh lúc đêm khuya.

Hay là em chọn sai mầu áo

Để nắng thu vàng giữa lối đi!

(Tương tư)



Mùa thu ngai ngái nhớ nhung, mơ hồ và lơ lửng khói sương, đầy tình tứ mà cũng đầy bâng khuâng gợi nhớ biết bao hình ảnh êm

đềm & sắc mầu xưa cũ trong thơ Hồ Dzếnh:


Trời không nắng cũng không mưa,

Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung.

Chiều buồn như mối sầu chung,

Lòng êm nghe thoảng tơ chùng chốn xa...

Đâu hình tàu chậm sân ga,

Bâng khuâng, gió nhớ về qua lá đầy...

&

Dưới chân, mỗi lối thu vàng

Tình xa lăm lắm, tôi càng muốn yêu!

(Mầu thu năm ngoái)

Có 1 điều đáng ghi nhận là Hồ Dzếnh đã lấy lại 2 câu thơ đầu của

bài thơ này, chỉ đổi có một chữ để mở đầu cho 1 bài thơ khác, như ta sẽ thấy sau đây trong bài thơ Hà Nội sang thu:

Trời không nắng cũng không mưa,

Chỉ hiu hiu gió cho vừa nhớ nhung...

Em còn nhớ đến quê không?

Bãi dâu vẫn đợi, dòng sông vẫn chờ...


Trong thơ Bích Khê, sắc mầu, thanh âm, nhạc tính của mùa thu rất mới mẻ, lạ lùng mặc dù thu vẫn mang vóc dáng một mùa thu vàng mênh mông đời đời không thay đổi:


Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng

Vàng rơi! Vàng rơi: thu mêng mông...

(Tỳ bà)

Ta cũng bắt gặp sắc thái đó trong những câu thơ của Xuân Diệu:


Sương nương theo mây ngừng lưng trời

Tương tư nâng lòng lên chơi vơi!


Hay:

Thu lạnh, càng thêm nguyệt tỏ ngời

Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi!

Long lanh tiếng sỏi vang vang hận:

Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người…

(Nguyệt cầm)


Nhưng không nơi đâu tâm tình người ta xao xuyến da diết, đồng cảm sâu sắc với những rạo rực, những thổn thức, những chờ mong phơi phới trong lòng người chinh phụ qua hình ảnh một mùa thu

não nề trong thơ Lưu Trọng Lư:


Em không nghe mùa thu

Dưới trăng mờ thổn thức?

Em không nghe rạo rực

Hình ảnh kẻ chinh phu

Trong lòng người cô phụ?


Em không nghe rừng thu

Lá thu rơi xào xạc?

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô!

(Tiếng thu)


Mùa thu còn lãng đãng sương khói mơ màng & lửng thửng những

bước thu vàng êm ái hoặc sụt sùi gió mưa, mang sầu não buồn thương vô cớ về cho bao người…trong thơ của nhiều thi nhân khác như Bà Huyện Thanh Quan, Thế Lữ, Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương, Quách Tấn, TTKH, Cung Trầm Tưởng…

Để kết thúc bài tiểu luận "Mùa Thu với Thi nhân" , chúng tôi xin mời quý vị chiêm ngưỡng chân dung một nàng thu trọn vẹn với sắc thu rực rỡ, hương thu man mác, tình thu rộn ràng, ý thu lai láng, hồn thu tha thiết, bâng khuâng… trong phần trích đoạn bài thơ Khúc ca mùa Thu của thi sĩ Đinh Hùng sau đây:

Hôm nay có phải là thu?

Mây năm xưa đã phiêu du trở về.

Cảm vì em bước chân đi

Nước in mặt ngọc lưu ly phớt buồn!

Ai về xa mãi cô thôn

Một mình trông khói hoàng hôn nhớ nhà.

Ngày em mới bước chân ra

Tuy rằng cách mặt mà ta chửa sầu.

Nắng trôi vàng chảy về đâu?

Hôm nay mới thực bắt đầu mùa thu...

Thủy Nam
Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.