Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

Tác Phẩm Lớn, Tác Phẩm Nhỏ



Võ Phiến

Viết được cuốn sách có nhiều người tranh nhau đọc là cái thú. Nhưng viết được cuốn sách lớn, mới thật là điều đáng ước ao.

Sách, biết đâu là lớn là bé? Thỉnh thoảng có những tác giả nghe nói đến một đồng nghiệp có sách bán chạy liền tỏ ý khinh thị. Sách mà chạy quá là điều để hoài nghi về giá trị: “Những ai đọc mà đông đảo đến thế? Dám chắc thích hợp với các em sến; thế thì thấp bỏ mẹ, đây không thèm thuồng sự thành công ấy”.

Thấp với cao, lắm khi chỉ là chuyện kỹ thuật. Viết giản dị, ai cũng hiểu được, có thể coi là thấp; viết thế nào mà ít người đoán ra ý của tác giả là cao. Kỹ thuật, nhiều người có uy tín chê nó thậm tệ: văn nghệ sĩ mà chỉ những lo ngay ngáy về kỹ thuật, về khía cạnh nghề nghiệp, thì sẽ tầm thường mãn kiếp, rồi không hơn gì những thợ thịt khéo tay trổ tài múa dao mổ lợn mổ gà.


Kỹ thuật cao cường không làm nên tác phẩm lớn. Anh cao anh thấp tha hồ chê nhau khinh nhau, rốt cuộc vẫn không phân biệt được lớn với bé.

Tuy vậy, thiết nghĩ vấn đề lớn bé có thực. Khen một tác phẩm là lớn lao, là vĩ đại, không phải nói chuyện vu vơ, vô bằng.

Nam hoa kinh là một tác phẩm lớn; chắc chắn nó lớn hơn một cuốn sách hoặc dạy làm mắm, hoặc bàn về cách trồng tỏi, hoặc hướng dẫn phương pháp nuôi gà v.v... Tôi chắc chắn được nhiều người đồng ý như thế, quả quyết đồng ý không do dự.

Lại bảo cuốn Người xa lạ của Albert Camus, cuốn Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust, cuốn Cái chết của Ivan Ilitch của Tolstoi... lớn hơn loại truyện gián điệp 007, truyện võ hiệp của chàng Trương Vô Kỵ v.v..., tôi vẫn hy vọng được nhiều người tán đồng, dù không quả quyết chăng nữa.

Như vậy đã là quý. Khó quả quyết về một điều không có tiêu chuẩn rõ rệt. Chỉ có cảm tưởng, chỉ thấy ngờ ngợ, thế thôi.

Không riêng đối với các tác phẩm văn nghệ, mà trước hành vi thái độ của con người chúng ta cũng có những cảm tưởng khác nhau như vậy. “Bà mẹ” đau khổ trong cuốn truyện nổi tiếng của Pearl Buck, vài lần trong đời, vào những giờ phút cực kỳ bi thảm, đơn độc, bà tìm đến gục đầu lên một nấm mồ hoang mà khóc nức nở; mọi người lặng lẽ tránh ra, để mặc “bà mẹ” khóc. Chúng ta có cảm tưởng cái khóc ấy lớn hơn cái khóc của con trẻ đòi kẹo.

Một ông chú phiêu lãng, quá nửa đời người bôn ba thất bại, trở về quê hương, lặng lờ, chán nản. Một buổi chiều nào đó, ông chú già thất chí ngồi giữa cánh đồng rút ống sáo ra thổi. Đứa cháu bé theo chơi bên cạnh, mơ hồ tưởng tượng đến cái quá khứ đầy bí ẩn của chú, và có cảm tưởng nỗi buồn man mác bao la gửi trong tiếng sáo có cái gì lớn hơn nỗi buồn của mình vừa bị cô giáo cốc mấy chiếc vào đầu.
Các bà vợ trong gia đình có cảm tưởng những lo lắng về nồi cơm khê con cá ươn của mình không lớn bằng những lo toan của chồng, bao trùm cuộc sống của xóm giềng làng mạc.
Một cuốn sách bé với một cuốn sách lớn, sự khác biệt cũng đại khái như vậy.


Một kẻ cầm bút lên viết sách, thế nào hắn cũng đang chú ý đến một cái gì. Trong đầu hắn hoặc có điều lý thú lắm, hoặc có điều làm hắn bực dọc uất ức lắm. Có thể hắn mới được dự một trận túc cầu, và đầy cao hứng phấn khởi hắn phóng tay viết thiên truyện tuyệt tác nhan đề là Trận banh đầu. Có thể hắn rình rập, theo dõi, chứng kiến một cuộc xung đột gay cấn ở nhà bên cạnh, và nắm vững đề tài hắn vung bút sáng tác văn phẩm xuất sắc Trận đòn ghen v.v...

Không còn nghi ngờ gì nữa, kẻ thiên tài có thể viết nên tác phẩm hay bất cứ về đề tài gì. Quan sát tinh tế, lời lẽ dí dỏm thông minh, thì kể trận banh đầu, trận đòn ghen sao lại không thu hút độc giả, không khiến ai nấy tấm tắc ngợi khen?

Tuy vậy giữa con người thiên tài để hết tâm trí vào một cuộc đá banh vào một cuộc đánh lộn, với con người thiên tài khác để tâm đến thân phận A Q. trong thời cách mạng, giữa hai con người ấy tâm hồn có sự khác nhau về kích thước. Cũng như giữa bậc thiên tài suy nghĩ về vấn đề xung đột quyền lợi giữa các thành phần trong xã hội, xung đột mới cũ, giữa mẹ chồng nàng dâu, và bậc thiên tài băn khoăn về ý nghĩa của kiếp người, về lẽ sống chết v.v...

Đọc Thanh Tịnh kể chuyện lấy bong bóng lợn đắp nhựa cây bút bút vào làm trái banh đá chơi, rồi đọc Đoạn tuyệt của Nhất Linh, chúng ta có cảm tưởng leo thang. Đọc Đoạn tuyệt về sự tranh chấp giữa vài hạng người, rồi lại đọc Dịch hạch của Camus đề cập đến cả định mệnh nhân loại, lại có cảm tưởng leo thang.
Như thể nghe chuyện con ve con chim cưu bay lên cây du cây phong, rồi lại nghe chuyện con cá côn con chim bằng bay sang Ao Trời, đập cánh làm cho nước nổi sóng suốt ba nghìn dặm dài.

Trang Tử nói: “Thử tiểu đại chi biện dã”.

Lớn với nhỏ khác nhau như thế. Tác phẩm nghệ thuật lớn nhỏ khác nhau ở chỗ bận tâm của tác giả. Có nỗi bận tâm của con ve, có nỗi bận tâm của chim bằng. Nỗi bận tâm nào cũng có thể tìm ra cách thể hiện tuyệt mỹ của nó.


So sánh chỗ bận tâm thì có bận tâm nào lớn lao hơn nỗi bận tâm bao quát cả thế cuộc nhân sinh, nỗi bận tâm siêu hình vẫn ám ảnh con người từ xưa tới nay: đời người có nghĩa gì chăng? nhân loại từ đâu đến? đi về đâu? có nhiệm vụ nào ở cõi đời này chăng? v.v...

Hình như cho tới nay những nghĩ ngợi về vấn đề ấy đều tỏ ra vô bổ, chẳng giải quyết được gì, chẳng đem lại được cái lợi gì rõ rệt. Tuy nhiên cái lớn lao không buộc phải lợi ích. Vả lại tác phẩm văn nghệ không có nhiệm vụ giải quyết, kể cả giải quyết cái hóc hiểm của nhân sinh và vũ trụ. Cho nên chẳng ai trách văn nghệ sĩ phí công vô ích vào những cái xa vời. Trái lại, không xa vời thì không lớn. “Không hề có một kịch tác gia nào thực sự lớn lao nếu ở phía sau kịch tuồng của ông ta người ta không đoán thấy có một thế giới quan, một Weltanschaung...” André Maurois chứng minh: “Shakespeare và Goethe có một quan điểm siêu hình. Có lẽ họ không trình bày ra một cách minh bạch. Tuy vậy chúng ta đoán thấy và nó làm chúng ta xúc động”. Vì vậy Shakespeare và Goethe đều lớn.

Kịch thế nào thì thơ ca, tiểu thuyết v.v...cũng thế ấy. Dostoievski viết những cuốn truyện lớn. Tolstoi viết cũng lớn không kém, là vì ở cả hai người đều có những băn khoăn không thuộc loại trận túc cầu hào hứng, cơn mưa đầu mùa, gió lạnh nửa đêm v.v..., mà thuộc các vấn đề bao trùm nhân sinh.

Những băn khoăn ấy có thể đưa ra làm đề tài của tác phẩm, mà cũng có thể không hề được nêu ra rõ ràng. Bởi vậy André Maurois mới nói: “ở phía sau kịch tuồng”, “người ta không đoán thấy”, “chúng ta đoán thấy” v.v... Kịch có thể lấy đề tài một câu chuyện tình, một vụ tranh giành quyền thế, truyện có thể chỉ là chuyện một thành phố mắc chứng dịch truyền nhiễm, một ông quan tòa té ngã, đau, chết v.v... đề tài có thể là những cái rất thông thường, nhưng trong khi tác giả viết về những cái ấy tâm tư lại không ngớt hướng về các băn khoăn siêu hình. Như thế, ông ta lớn.

Anna Karénine là một câu chuyện ngoại tình, nhưng Melchior de Vogue không chỉ thấy có chuyện ngoại tình: “Phía sau những hình nộm nhân vật mà ông điều khiển cho múa may, không phải tôi thấy bàn tay người thảm thương của ông, mà thấy một cái gì huyền bí và dữ dội, cái bóng vô cùng luôn luôn hiện diện... một nỗi thắc mắc câm lặng đối với cái bất khả thấu đạt, một tiếng thở dài xa xôi của định mệnh trong cõi hư vô”. Còn A. Maurois thì bảo: “Quả đúng là ở phía sau tấm thảm kịch nhân bản quá đơn giản và thực ra quá tầm thường ấy, có một tấn thảm kịch siêu hình làm cho nó có tính cách lớn lao.” (...)
Vẫn lại: phía sau, siêu hình, lớn lao. Đối với Maurois siêu hình với lớn lao dính liền nhau. Hãy đọc các tác phẩm văn nghệ rồi lắng nghe cảm tưởng mình, chúng ta sẽ nghiệm thấy ông có lý khi đưa ra tiêu chuẩn nọ.


Các vấn đề siêu hình dĩ nhiên không làm bận tâm các văn nghệ sĩ ở những nước cộng sản. Bởi vậy, sách họ không lớn. Sự lo lắng trong Đất vỡ hoang từ đầu tới cuối là lo sao cho dân chịu góp tài sản vào nông trường, sao cho mưu cán bộ thắng mưu địa chủ phản động. Lo lắng trong Sự biến đổi ở Lý gia trang là lo sao cho mấy ngoe phong kiến sớm bị dân nghèo đánh đổ trừng trị. Đọc những tác giả ấy, chúng ta tưởng tượng được tiếp xúc với những con người thật đứng đắn, đầy tinh thần trách nhiệm, đầy thiện chí tốt lành, tóm lại những con người rất thực tiễn và rất được việc. Còn Sartre thì không được việc chút nào: đọc Buồn nôn, Ác quỉ và Thượng đế v.v... chỉ có bàng hoàng xao xuyến. Camus, Tolstoi, Buzzati v.v... đều không được việc. Họ chỉ giỏi nêu ra những cái làm ta bối rối hoang mang. Một bên bám sát lấy cuộc sống xã hội để đôn đốc, chỉ bảo, hướng dẫn, cải thiện cuộc sống. Một bên như bỗng ngưng sống, tự tách lìa khỏi cuộc sống, thắc mắc nhìn vào đời người với cái nhìn xoi mói, ngỡ ngàng; sự tìm hiểu của họ lôi cuốn độc giả vào một niềm xúc động sâu xa đến tận cội rễ tâm hồn. Độc giả tấm tắc cảm phục: mấy người này thật lớn!

Những Triệu Thụ Lý, Cholokhov, Simonov, Chu Dương v.v... sẽ bật cười khinh thị: “Lớn? chúng nó nói cái gì vậy? nhân dân đâu cần cái đó?”

Thật đúng. Viết sách đã là chuyện không cần thiết. Viết sách lớn lại càng không cần thiết.

Chẳng qua những tâm hồn lớn thì tác phẩm thể hiện tự nó lớn, những tâm hồn bận bịu về các điều nhỏ nhặt tế toái tự nhiên sản sinh ra sách nhỏ. Kẻ có tâm hồn lớn dù không đề cập tới những đề tài lớn lao tự nhiên cái lớn lao vẫn phảng phất sau đề tài. Kẻ có tâm hồn nhỏ mà xông vào những chuyện lớn lao chỉ sớm làm cho xuất lộ sự bất lực, rỗng tuếch.

Sách lớn tự dưng nó lớn, không phải muốn mà được. Viết được sách lớn tự dưng thấy khoái, dù nó không cần thiết. Quả thật nó không cần thiết bằng sách dạy đánh du kích, sách dạy bón phân hóa học.

Ngoài trường hợp sách lớn vì mối bận tâm của tác giả, lại còn có trường hợp sách lớn vì kích thước của chính nó.

Balzac dù không hay băn khoăn về triết lý, toàn thể bộ truyện của ông vẫn vĩ đại: nó dựng lên cả một xã hội mênh mông, đông đảo, đủ các hạng người, với tất cả cái phức tạp trong sinh hoạt của tập thể cũng như cái rắc rối trong tâm lý từng cá nhân. Đọc qua một pho truyện mà gặp trong đó từ thằng ăn cắp cho đến ông bộ trưởng, từ ông lão bạc đầu cho đến những đứa bé chí chóe, gặp những mưu mô xảo quyệt, những tham vọng điên cuồng của giới doanh thương, của bọn viên chức, chính khách, cho đến các niềm rung động thầm kín của một nỗi lòng thiếu nữ, từ cảnh dông gió hãi hùng cho đến cảnh trăng thanh gió mát an hòa v.v..., đọc một pho truyện mà tưởng như sống giữa một thế giới, sống trọn một cuộc đời; như thế làm sao không thấy nó lớn cho được. André Maurois nói về Balzac: “Tạo lập được một thế giới, đó là một trong các phương diện của sự lớn lao”.

Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần, Những người thiện chí của Jules Romains, Dòng họ Thibault của Roger Martin Du Gard, Chiến tranh và hòa bình của Tolstoi v.v. là những sách chứa đựng cả một thế giới.

Lại còn như Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust, nó không chứa hàng năm bảy trăm nhân vật thuộc đủ thành phần, nó không đề cập đến nhiều hoạt động xã hội; tuy nhiên cái công trình trước tác năm nghìn trang sách, đi vào chi tiết thì li ti ngọn ngành, mà nhìn toàn diện thì bố trí chặt chẽ cân đối, công trình tuyệt mỹ ấy cũng lại lớn nữa.

Mấy nghìn trang sách về trước, một chiếc bánh nhúng vào tách trà nhắc vài kỷ niệm; mấy nghìn trang sách về sau một viên gạch long lại nhắc vài kỷ niệm; giữa hai chút việc nhỏ nhặt: bao nhiêu nước chảy qua dưới cầu, bao nhiêu biến cố tang thương, nhiều mối tình nhóm lên rồi dần dà tan rã, có những cô gái mất lần các bí ẩn hấp dẫn để xuất lộ chân tướng tầm thường nhạt nhẽo, có những nhà quí phái hào hoa già nua theo năm tháng, hóa lẩm cẩm vô vị v.v... Người đọc mải miết theo dõi, đến một lúc nào đó bỗng sững sờ: có một trí óc đã quán xuyến tất cả những cái đó, đã sắp đặt tất cả từ một chút hình mây bóng nắng, một biến đổi cỏn con, cho đến sự chuyển di thong thả, man mác, của thời gian. Người đọc thán phục: thật lớn!

Nói về chuyện kiến trúc, lại cũng André Maurois có lần nghĩ rằng một vòng tròn vẽ trên tờ giấy chẳng thành ra một công trình mỹ thuật gì cả, nhưng cái vòm tròn bao la trong một tòa lâu đài lại đẹp. Chỉ vì một đàng thì nhỏ, một đàng thì to và do đó thực hiện khó khăn. Thắng được cái khó khăn ấy, sẽ gây được xúc động. “Cái đồ sộ, chế ngự được, thành ra cái cao cả” (L’énorme, dompté, devient le sublime). Vậy thì to cũng có khi là lớn.

7 – 1968


Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.