Việt
Nam thuở khai nguyên chỉ có các tỉnh miền thượng du đổ xuống đồng bằng sông
Hồng, sông Thái Bình chạy dài ra biển, xuôi về hướng Nam, dọc theo dãy Trường
Sơn tới Thanh Nghệ Tĩnh, vươn lên phía Bắc là Quảng Đông, Quảng Tây, nhưng Trung
Hoa đã chiếm ngay từ đầu Bắc thuộc cho tới ngày nay. Các triều đại vua chúa
suốt hơn 4500 năm trước đều đóng đô ở Phong Châu, có khi đổi tên Cổ Loa, Đại
La, Thăng Long mà nay là Thủ đô Hà Nội. Do đó mới nói miền Bắc là cái nôi dân
tộc và Hà Nội là cái nôi văn vật một thời. Vì phía Bắc là sức nặng Trung Hoa
khổng lồ, cha ông mình mới rút dần về tới Ải Nam Quan để trấn thủ. Rồi tiến vào
phía Nam mở mang bờ cõi, tới đầu thế kỷ 17, đến tận Hà Tiên, Cà Mau là điểm
cuối cùng nằm sát biển. Sài Gòn nằm ngay trung tâm chạy về các tỉnh Miền Nam,
xuyên ra Miền Trung, dẫn lên Cao Nguyên, tựa cửa Bạch Đằng ra biển Thái Bình,
cho nên Sài Gòn trở thành Thủ Đô của nước Việt Nam Cộng Hòa một thời, và những
câu thơ : “Đây Sài Gòn đây Thủ Đô nước Việt. Trái tim chung của dân tộc anh
hùng. Đời đang lên bao hứa hẹn trẻ trung. Ba trăm tuổi mới đi vào lịch sử”,
phản ảnh cụ thể vai trò, vị thế và lịch sử của Sài Gòn, tên gọi thân yêu.
Bản
đồ chữ S, theo vòng cung gồm các tỉnh phía Bắc mà Ải Nam Quan là đỉnh đầu giáp
với Trung Hoa. Phía Tây là dãy Trường Sơn, từ thượng du Miền Bắc, đi vào cao
nguyên Miền Trung lên Đà Lạt, lệch về Nam là núi Bà Đen Tây Ninh, nối theo là dãy Thất Sơn Châu
Đốc, Ba Thê tại Hà Tiên. Bên kia Trường Sơn là Lào, Kampuchia. Phía đông từ Bắc
vào Nam chạy cặp theo bờ biển tới vịnh Thái Lan, được uốn tròn thành mũi Cà
Mau, điểm cuối chữ S là Rạch Giá, Hà Tiên. VN có bốn sông lớn : Hồng Hà, Thái
Bình, Cửu Long, Đồng Nai. Chiều dài từ Nam Quan tới Cà Mau 1500km, bờ biển Hải
Phòng - Hà Tiên 2200km, biên giới đất liền với Trung Hoa, Lào, Cam Bốt dài
2500km. Vị trí ngắn nhất là cái eo chữ S các tỉnh miền Trung : Bình-Trị-Thiên,
Thanh-Nghệ-Tĩnh mà ngang Đồng Hới chỉ độ 37km.
VN
có nhiều bờ biển rất đẹp như Đồ Sơn, Sầm Sơn, Nha Trang, Vũng Tàu. Nhiều thạch
động nổi tiếng Hòn Chồng, Hòn Gai, Phong Nha, Thiên Thai, Hà Tiên. Nhiều hồ rất
nên thơ như Hồ Gươm, Hồ Tây, hồ Than Thở. Còn nữa, nào Thác Cam Ly, Thác Prenn,
suối Vàng, suối Bạc, nào Chùa Trấn Quốc, Chùa Hương, Chùa Một Cột… Các cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, Cam Ranh. Nhiều nơi
nghỉ mát lý tưởng như Đà Lạt, Chapa, Việt Bắc. Cái đẹp sông Hương, Cần Thơ, Gò
Công. Rồi Hà Nội 36 phố phường, Sài Gòn hòn ngọc viễn đông. “Từ Nam Quan Cà
Mau, từ non cao rừng sâu…, Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình…, Từ Bắc vô Nam
tay liền nắm tay…”, “Mắt Mẹ Già biển Đông ngóng đợi, Mắt Cha Già núi Thái chờ
trông” là vóc dáng hình hài, giang sơn gấm vóc, sông núi mỹ miều, đất Mẹ Việt Nam
ơi, quê Cha Việt Nam ơi, quê hương ta đó !
Người
Cha đầu tiên của VN là vua Lạc Long Quân, thuộc giống Rồng mang họ Hồng Bàng,
sắc dân Lạc Việt, gặp Mẹ VN là bà Âu Cơ, thuộc giống Tiên. Ông Bà là Rồng Tiên
nên không sinh nở con một, con hai, hay năm, bảy là nhiều của thường tình nhân
loại xưa nay, mà cùng một lúc, một trăm cái trứng nằm chung trong một bọc, tựu
thành một trăm hài nhi, được sinh ra một lần, đều khỏe mạnh, tuấn tú, thông
minh, thương yêu nhau lắm, “anh em như thể tay chân”, nên chỉ có dân tộc VN mới
gọi là đồng bào (cùng bọc), và không nên lẫn lộn hoặc có khi nói hai chữ đồng bào
với các sắc tộc khác. Trăm anh em, nửa cùng Mẹ lên núi, trung du, thượng du, kiếm
cây trái, mật ong và mọi lâm sản tự nhiên của núi rừng để sống, nửa theo Cha xuống
trung châu, đồng bằng, vùng thấp khai khẩn, gieo trồng, rau húng, tía tô và tìm
các loài thủy sản để sống. Có được gì, họ đều mang về chia cho nhau, bảo vệ lẫn
nhau, và nuôi đàn con nhỏ dại.
Một
ngày kia, đàn con khôn lớn trưởng thành, vì là Rồng Tiên nên trước khi qui ẩn,
truyền ngôi lại cho người con lớn lên làm vua là Hùng Vương thứ nhất, đặt tên
nước Văn Lang. Họ Hồng Bàng thay nhau làm vua trải qua 18 đời, đều mang hiệu là
Hùng Vương, kéo dài từ năm 2809 đến năm 258 trước tây lịch. Một gia đình có 100
anh em, dựng vợ gả chồng, con cháu đầy đàn, chia ra nhiều nhánh, với nhiều sắc
dân khác, tương ái tương thân sống trên nước Văn Lang suốt 2551 năm ấy, lúc nào
cũng bảo vệ gìn giữ cho nhau, nên chữ tình ruột thịt, nghĩa đồng bào “Bầu ơi
thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, keo sơn gắn bó,
trở thành nếp sống truyền thống gia đình, làng xã, bà con dòng họ của người
Việt Nam.
Hiện
nay dân số VN lên tới gần 90 triệu người trong nước, khoảng 5 triệu người ở
nước ngoài, và mãi mãi mai sau đều cùng da vàng máu đỏ trong tim, mang tên dân
tộc VN, là con Lạc cháu Hồng của nòi giống Rồng Tiên, đều nhớ, đều thờ và Giỗ
Tổ Hùng Vương, là do người anh cả đầu tiên tức Vua Hùng Vương mở nước, giữ nước
và đến hôm nay là năm 2012 sau dương lịch, nên gọi VN có lịch sử gần 5000 năm
văn hiến.
Vua
Hùng Vương thứ 18 có cô công chúa Mỵ Nương đẹp lắm, Vua Thục muốn cưới mà Hùng
Vương không chịu, lại gả cho Sơn Tinh. Do mang mối hận này và muốn trả thù, đến
đời cháu có tên Thục Phán, mới chiếm được nước Văn Lang năm 258, đổi thành Âu
Lạc, xưng An Dương Vương, xây thành Cổ Loa làm kinh đô. Đến năm 207 trước dương
lịch, chuyện ly kỳ về mỹ nhân lại tái diễn, Văn Lang mất do Mỵ Nương, thì Âu
Lạc của An Dương Vương lại mất về tay Triệu Đà cũng vì công chúa Mỵ Châu, đổi
thành nước Nam Việt.
Chuyện
Sơn Tinh - Thủy Tinh, chuyện Trọng Thủy - Mỵ Châu để lại bao niềm thương cảm
sau này. Nhà Triệu truyền đến đời thứ 5 là Dương Vương, thì năm 111 trước dương
lịch bị Trung Hoa xâm chiếm, kết thúc quyền tự chủ, tự trị, độc lập đất nước
Việt Nam của người Việt Nam. Việt Nam bị trị đến năm 40 sau dương lịch thì giành độc lập
nhưng rất tiếc chỉ có 3 năm, lại bị Tàu tiếp tục xâm lăng. Đến năm 248, mới có
một cuộc khởi nghĩa nữa nhưng thất bại. Điều muốn nói ở đây là, khoảng thời
gian 359 năm bị xâm lăng đằng đẵng đó, rất nhiều cuộc chống ngoại xâm diễn ra
nhưng chỉ có hai lần khởi nghĩa đi đến thành công đều do bậc nữ lưu đề xướng.
Năm 40 hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị xuất thân đất Mê Linh, tôn hiệu Trưng
Vương nhưng vì mình thoa sức nữ, không chống nổi sự trả thù của 50 vạn hùng
binh, phải trầm mình tuẫn tiết tại sông Hát Giang. Nối tiếp nữ kiệt Trắc Nhị là
cô gái mang tên Triệu Thị Trinh mới 19 tuổi, chiêu mộ nghĩa sĩ, huấn luyện quân
binh 4 năm trường, đánh thắng trên nhiều mặt trận làm cho quân giặc thất điên
bát đảo, nhưng vì bị nội thù phản bội, nên đã hy sinh tại núi Tùng, Thanh Hóa
mới vừa tròn 23 tuổi.
Thời
gian 359 năm đó: nhà Hán Lưu Bang, tam quốc Ngụy-Thục-Ngô bên Tàu. Nữ giới xuất
thân cứu nước và chết vì nước trong tuổi còn xuân. Trưng Trắc mới vừa lấy
chồng, Cô Trinh mới vừa 23 năm lẻ. Nơi đây, xin nhỏ giọt nước mắt cho ba cô gái
VN Trắc, Nhị, Trinh, mà các đời vua sau tôn nhiều thánh hiệu, lập đền thờ, xưng
tụng Bà Trưng, Bà Triệu, dù trong lứa tuổi mới đôi mươi. Tên tuổi ba người được
khắc ghi trên nhiều đường phố, khắp mọi thị thành ba miền nước Việt dấu yêu, và
ngời trang sử sách để thương để nhớ.
Sau
thời kỳ này, có vài giai đoạn khởi chống ngoại xâm giành độc lập như : Lý Nam
Đế lập nước Vạn Xuân 544-602 (nhà Lương bên Tàu) ; Mai Hắc Đế - vua mặt đen,
xây thành Vạn An năm 722 (nhà Đường bên Tàu, họ đổi tên nước mình thành An Nam)
; Bố Cái Đại Vương dấy nghiệp chống Tàu 41 năm 761-802 (cũng thuộc nhà Đường) ;
Khúc Thừa Dụ lập khu kháng chiến suốt từ năm 906 đến năm 923. Bấy giờ nhà Đường
mất ngôi bá chủ, nước Tàu suy vi thành năm nước nhỏ tranh nhau, cơ hội tốt nhất
để Tướng tài ba Dương Đình Nghệ khởi binh từ Thanh Hóa, chiếm thành Đại La,
đuổi Tàu về nước năm 931, giành độc lập, nhưng bị Kiều Công Tiễn hãm hại nắm
quyền (931-938). Bình minh VN mới vừa ló dạng bị đe dọa.
Ngô
Quyền người Ba Vì, Hà Nội, đánh dẹp Công Tiễn, chiến thắng quân Nam Hán tại
Bạch Đằng, và năm 939, lên ngôi, lập triều đại Nhà Ngô 939-965, đóng đô tại Cổ
Loa, bổ nhậm triều ca, kiến thiết sơn hà, chấm dứt 1000 năm nô lệ Trung Hoa. Cuối
đời Ngô, anh hùng tý hon cờ lau tập trận Đinh Bộ Lĩnh, người đất Hoa Lư, Ninh
Bình dẹp yên loạn 12 sứ quân, lập Nhà Đinh 968-980, tức Vua Đinh Tiên Hoàng,
đổi tên nước là Đại Cồ Việt. Nhờ Thái hậu Dương Vân Nga, Vua Lê Đại Hành người
Thanh Hóa kế nghiệp, lập nên nhà Tiền Lê 980-1009. Thiền sư Vạn Hạnh giúp Lý
Công Uẩn người Hà Bắc dựng nên Nhà Lý 1010-1225, đổi Đại La thành Thăng Long,
tên nước là Đại Việt. Công chúa làm vua Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng
người Thái Bình, nhờ bàn tay của Trần Thủ Độ, lên ngôi tức Trần Thái Tôn, lập
Nhà Trần 1225-1400. Từ nhà Ngô đến nhà Trần 461 năm này vàng son nhất, kiêu hùng
nhất, oanh liệt nhất, viết lên trang sử phi thường nhất, giữ yên bờ cõi, đánh đuổi
ngoại xâm, bình Nam dẹp Bắc của gần 5 thế kỷ dân tộc VN, nhất là 2 triều đại Lý
- Trần. Phía Nam, mở mang đất nước. Phía Bắc, quân Tàu kinh hồn, gót giày xâm lược
Nguyên Mông tung hoành các nước tới Âu Châu, Trung Đông nhưng phải ngã gục và 3
lần tan nát trước khí thế đường đường của quân dân Việt Nam.
Hồ
Quý Ly người Nghệ An đổi ngôi, lập Nhà Hồ 1400-1407, thành nước Đại Ngu. Hai
cha con bị quân Minh bắt, và nhà Minh chiếm nước ta. Lê Lợi anh hùng áo vải Lam
Sơn người Thanh Hóa, với sự giúp sức lỗi lạc của Nguyễn Trãi, đánh đuổi quân
Minh lập Nhà Lê 100 năm (1428-1527). Mạc Đăng Dung người Hải Dương cướp ngôi Lê
lập Nhà Mạc. Trịnh Kiểm, Nguyễn Kim giúp Vua Lê chống lại hơn 50 năm, lấy Nghệ
An làm ranh giới, trở thành Nam - Bắc Triều 1527-1592. Nhà Mạc tàn, thì Trịnh- Nguyễn
(anh rể em vợ, người Thanh Hóa) phân tranh 178 năm, lấy Sông Gianh làm ranh
giới. Miền Bắc có cảnh Vua Lê Chúa Trịnh. Miền Nam, Chúa Nguyễn mở mang bờ cõi tới tận Cà Mau. Nguyễn Nhạc,
Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ ba anh em áo vải Tây Sơn, Bình Định xuất hiện, dẹp Bắc
chinh Nam, thắng cả Nhà Thanh tại Đống Đa, lập nên Nhà Nguyễn Tây Sơn
1778-1802. Vua Quang Trung băng hà sớm, Chúa Nguyễn Ánh từ Thái Lan kéo quân về
lập Triều Nguyễn Gia Long 1802-1945, đổi thành nước Việt Nam, đặt kinh đô tại
Huế, và Bảo Đại là vị vua cuối cùng, kết thúc mọi triều đại vua chúa Việt Nam. Thời
kỳ này dùng tiếng la tinh làm chữ quốc ngữ tức chữ Việt bây giờ, 24 chữ cái rất
đơn giản nhưng vô cùng phong phú, chỉ cần học vài tuần, tối đa vài tháng, là
biết đọc, biết viết bất cứ chữ nào, vấn đề chỉ còn là lỗi chính tả, hiểu sâu
hay cạn mà thôi.
Đời
Vua Tự Đức năm thứ 9, tức năm 1856, chiến thuyền Pháp bắn vào Đà Nẵng, mở đầu
xâm lăng và VN rơi vào thời Pháp thuộc 100 năm, bị chia làm ba nước nhỏ : Bắc
Kỳ bảo hộ, Trung Kỳ tự trị, Nam Kỳ thuộc địa, và cái chữ “KỲ” khó nghe này,
đúng ra bị đã cuốn phăng theo giặc Pháp vào 1954, không dùng nữa nhưng vẫn tồn
tại đến ngày hôm nay!
Đệ
Nhị Thế Chiến 1939-1945, vào năm 1940 Nhật Bản có qua chiếm nước ta. Năm 1945
Thế Chiến kết thúc, Nhật đầu hàng vô điều kiện, Pháp bị giải giới cuốn rút, nước
ta tranh thủ giành độc lập, Bảo Đại tuyên bố thoái vị và là vị vua cuối cùng
của nước VN.
Thế
độc lập đất nước Việt Nam của dân tộc Việt Nam quá non trẻ sau thời gian dài đô
hộ chưa kịp hồi lực hồi sức hồi sinh, chưa đủ vươn tầm vươn thế, trong khi các
thế lực liệt quốc liệt cường tranh hùng tranh bá phân chia, và Thực dân Pháp
quay lại tiếp tục xâu xé Việt Nam. Dân tộc mình lại tiếp tục giai đoạn 9 năm chống
Pháp.
Năm
1954, sau trận chiến Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève ra đời, Việt Nam bị chia cắt
làm đôi tại Giới tuyến 17 – Sông Bến Hải làm cột mốc, Miền Bắc được gọi Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hòa với Thủ đô Hà Nội, Miền Nam được xưng Việt Nam Cộng Hòa với
Thủ đô Sài Gòn.
Hai
Miền Nam Bắc tiếp tục lâm vào cuộc chiến kéo dài 21 năm gọi là Cuộc chiến Quốc
- Cộng, và kết thúc vào ngày 30-4-1975. Tên nước đổi thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, chọn Hà Nội làm
Thủ đô, Sài Gòn đổi tên Thành phố.
Thời
Pháp thuộc, có một số ít người Việt Nam phải sống xa quê hương với tên gọi lưu vong hay lưu đày.
Sau 1975, làn sóng người Việt tha phương ồ ạt hơn, đông hơn gấp bội, hàng vài
triệu người với tên gọi tỵ nạn.
Nhớ
người VN lưu đày bên Tân Đảo hay các nước Phi Châu thời trước. Nhớ người Việt
lưu vong ở Thái Lan của những năm nào. Khóc thương cho gần một triệu người đã
nằm yên dưới đáy biển hay giữa rừng sâu, da thịt có lẽ cũng không còn. Phi Luật
Tân tiêu điều mà vẫn có làng tỵ nạn. Trên khắp năm châu đâu đâu cũng có người
tỵ nạn, hai chữ tỵ nạn thương đau được mang và có lẽ mang đến cuối đời.
Có
tật dậy sớm, mùa đông, ly cà phê lạnh rất nhanh. Nơi đây, tôi vẫn nghe tiếng dế
đêm trường, vẫn nghe tiếng quốc kêu sương. Trong tâm thức sâu xa và đáy vực của
tâm hồn, lại vang lên tiếng em bé nghèo “bánh mì nóng giòn đây” để kiếm chút
tiền sách vở đến trường, tiếng bà Mẹ già nặng gánh trĩu vai “cháo đây, xôi đây”
để kiếm áo kiếm cơm. Trong mắt tôi lại thấy nhiều bà Mẹ già VN mua bán ve chai,
nhiều em bé sống lây lất qua các bãi rác, cả Nam Trung Bắc từ thị thành cho đến
miền quê nơi đâu cũng có. Lại thấy nhiều em bé gái Việt Nam bị đi ra nước ngoài, có em thì “làm dâu” ngoại quốc,
có em thì lạc cõi phiêu bồng.
Bỗng
dưng giọt lệ làm ấm bờ mi : “Gia tài của Mẹ để lại cho con, Mẹ khuyên con tiếng
nói thật thà, Mẹ khuyên con chớ quên màu da”. Dù ở đâu, ra sao, và làm gì, hãy
nhớ nghe, văn hóa còn, đạo đức còn thì Dân tộc còn, nước Việt còn. Là con Rồng,
là cháu Tiên, chúng ta dễ nhận ra nhau dòng giống Lạc Hồng, và một ngày kia cùng
nhau bồi đắp Văn Lang.
Trọng đông 2012
TNT Mặc Giang
Source Internet.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.