Lê Trọng Nguyễn là một nhạc sĩ thuộc thời kỳ đầu của nền tân nhạc Việt Nam. Trong khoảng 50 ca khúc mà ông sáng tác, có gần 30 bài phổ biến. Riêng bàiNắng Chiều là phổ biến nhất, được chuyển lời sang tiếng Hoa, Nhật, Anh, Thái Lan và Khmer với các tên gọi như Nam Hải tình ca, Việt Nam tình ca, Tịch dương...
Trước 1975 ở miền Nam như Tinh hoa (Huế), Tinh hoa miền Nam (Sài Gòn),An Phú (Sài Gòn)... đã tái bản nhạc Lê Trọng Nguyễn rất nhiều lần, mỗi lần in 3.000 bản. Riêng ca khúc Nắng Chiều thì được in vài chục lần, tổng số bản in thực tế (chưa nói bản chép tay, vốn phổ biến thời này) lên đến cả trăm ngàn bản. Ca khúc này cũng liên tục được yêu cầu phát trên một số đài phát thanh tại Huế, Sài Gòn từ 1953 trở về sau.
Cơ duyên đầu tiên cho Nắng chiều được ra đời là trong thời kỳ Nhật đảo chính Pháp (1945), có một gia đình công chức Nam triều từ Quy Nhơn chạy ra tá túc ở Hội An, gần nhà của Lê Trọng Nguyễn. Gia đình này chỉ có duy nhất cô con gái đang tuổi xuân thì. Tình yêu giữa đôi bạn trẻ chớm nở, đẹp và mong manh như cánh hoa trong thời ly loạn. Chỉ ít lâu sau, gia đình nàng lại rời bỏ Hội An.Một thời gian sau, Lê Trọng Nguyễn cũng bỏ Hội An ra Huế. Ở đây anh có người bạn thân Vũ Đức Duy, anh này là cháu họ bà Từ Cung (thân mẫu vua Bảo Đại). Anh bạn này thường rủ Lê Trọng Nguyễn đến thăm bà Từ Cung ở cung An Định (cung này không nằm trong thành Nội mà ở sát bờ sông An Cựu) vừa ngắm cảnh. Chính từ những chuyến đi chơi này mà Lê Trọng Nguyễn gặp được “chất bột” thứ hai: nàng thiếu nữ họ Hoàng, hoa khôi của đất thần kinh. Một chiều ngồi bên hồ sen, bất chợt cô gái ấy đi qua. Bóng dáng thướt tha ấy “ngược sáng” trong ánh tà dương. Nhìn “cô này”, bất giác Nguyễn… nhớ “cô kia” quá đỗi! Thế là bật lên tứ nhạc: “Qua bến nước xưa lá hoa về chiều. Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa. Khi đến cuối thôn chân bước không hồn. Nhớ sao là nhớ, bóng người ngày xưa…”. Chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ, Lê Trọng Nguyễn đã viết xong Nắng Chiều (1952). Ở Huế, Lê Trọng Nguyễn còn chơi thân với nhóm bạn văn nghệ (Minh Trang, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Hiền, Kim Tước…) nên khi bản Nắng Chiều được xuất bản, chính Minh Trang là người hát và thu âm đầu tiên. Bản thu âm được phát thường xuyên trên hai đài phát thanh Huế và Sài Gòn từ năm 1953 trở về sau khiến Nắng Chiều lan tỏa khắp Trung - Nam.
Theo vài tư liệu, năm 1957 ban nhạc Toho Geino (Nhật Bản) sang Việt Nam lưu diễn, và họ đã nhờ phía Việt Nam chọn 12 ca khúc đang nổi tiếng trong nước để tập và sẽ hát “giao lưu” với khán giả. Duyên trời đã đưa đẩy nữ Ca sĩ Midori Satsuki chọn hát Nắng Chiều và cô đã được khán giả ở Hội chợ Thị Nghè hoan hô nhiệt liệt. Thích quá, Midori Satsuki quyết định chuyển soạn cho Nắng Chiều có cả lời Nhật lẫn lời Anh (với tựa Evening sunshine hoặc Afternoon sun), và cô đã thể hiện rất thành công trên đài phát thanh Sài Gòn và Tokyo trong suốt nhiều năm với bản nhạc “tủ” này. Vậy là Nắng Chiều không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn vang vọng khắp xứ Phù Tang…Sau dịp gặp nhau lần đó, hai người thư qua tin lại khá nhiều, tỏ ra tâm đầu ý hợp, cho đến khi Satsuki Midori qua đời do một tai nạn trong lúc ghi hình một hai năm sau đó.
Năm 1960, nữ ca sĩ Kỷ Lộ Hà từ Đài Loan sang trình diễn tại Đà Nẵng, Việt Nam, đã làm cho giới thưởng thức bất ngờ khi hát Nắng Chiều, do Thận Chi đặt lời Hoa. Khi gặp Lê Trọng Nguyễn để xin bản quyền phổ biến lời mới của ca khúc này, Kỷ Lộ Hà cũng bị “hớp hồn” bởi tài năng, vẻ hào hoa của nhạc sĩ, nên hết sức quyến luyến. Không chỉ viết thư để đơn phương tỏ tình, Kỷ Lộ Hà còn ra đĩa nhựa 33 vòng cho Nắng chiều, được khán giả Đài Loan, Hong Kong, Thượng Hải... yêu thích trong nhiều thập niên; được phong tặng “bản tình ca đẹp nhất” thập niên 1970 tại Đài Loan. Gần đây, ca sĩ Đào Tô Dung hát lại ca khúc này, cũng được rất nhiều thính giả yêu thích.
Tuy không chính thức lên tiếng về hai mối tình ngắn ngủi mà đằm thắm này, nhưng trong các cuộc trò chuyện về sau, Lê Trọng Nguyễn cũng vài lần nhắc lại với lời lẽ rất trân trọng, trìu mến.
Về Nắng Chiều, Lê Trọng Nguyễn từng tâm sự: “Ca khúc này chỉ là một trong số những bài của tôi được phổ biến rộng rãi, nhưng tôi cũng không thích nó lắm, dù tình cảm tôi gửi vào đó rất mặn nồng. Tôi cũng không biết vì sao mình không thích bài này cho lắm, dù lúc mới viết xong mình rất khoái, vì nó rất chững chạc, chững vô cùng, nó cân phương đủ mặt. Ðây cũng là một loại tâm trạng. Người ta hát nhiều quá, mình đâm ra ghét”.
Cũng xin nói thêm, nhà biên kịch, nhà soạn nhạc Thận Chi (1928-1988) là một tên tuổi rất lớn của các kênh Truyền hình gắn với ca nhạc của Đài Loan, tên tuổi của ông được nhắc đến tại nhiều nước, vì đã đặt lời thành công cho nhiều ca khúc nổi tiếng như Spirit of Love (1963), Lemon Last Night (1984),Halfmoon Bend (1986), La Vie en Rose (1987)... Việt Nam tình ca mà ông “chuyển soạn” từ Nắng Chiều cũng thuộc nhóm những ca khúc đặt lời nổi tiếng của ông.
Chính sức ảnh hưởng của Thận Chi đã làm cho Nắng Chiều có mặt tại Thái Lan , với lời Thái, tạm phiên âm là Pleng Ruk Talay Taii, không biết do ai đặt lời. Cộng đồng người Khmer cũng không xa lạ với ca khúc này. Nắng Chiều cũng có tên tiếng Anh là Evening-Sunshine, vốn do Satsuki Midori hát đầu thập niên 1960.
Hiện nay, ra các tiệm đĩa tại Đài Loan, Hong Kong, Thượng Hải... hoặc Chợ Lớn (Sài Gòn) vẫn có thể mua được Việt Nam tình ca do Giọng ca vàng Phí Ngọc Thanh (sinh 1955) trình bày, đây là nam ca sĩ có ảnh hưởng nhất tại Đài Loan năm 2009. Một tên tuổi khác là danh ca Hoàng Thanh Nguyên, ông rất có ảnh hưởng đến lịch sử nhạc pop tiếng Hoa, cũng đã nhiều lần trình bày ca khúc này.
Hà Đình Nguyên: "Nghĩ cũng… ngộ, Nắng Chiều được hình thành từ cảm hứng do hai giai nhân “Nội” mà tác giả thoáng gặp, thoáng yêu đem lại. Rồi Nắng Chiều nổi tiếng lan ra hải ngoại lại cũng do hai bóng hồng “Ngoại” đến với nhạc sĩ: gặp một thoáng, yêu một thoáng. Thoáng tụ, thoáng tan như vạt nắng chiều...".
Hôm nay xin chia sẻ cùng Thân hữu bản Nhạc "Nắng Chiều" qua lời Việt và lời Nhật, một sáng tác nổi tiếng khắp nơi với bắt đầu và kết thúc do Cơ Duyên.
Source NNS Lá Thư Úc Châu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.