-Phạm Thành Sơn.
Kết quả các cuộc nghiên cứu xã hội cho chúng ta một cái nhìn thực tế và khách quan hơn về cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.
Từ mấy chục năm qua, đã có rất nhiều
bài viết trên các phương tiện truyền thông đề cập đến sự thành đạt của
người Việt đang sinh sống ở khắp thế giới, nhiều người trong số này đã
có những đóng góp không nhỏ trong công cuộc phát triển ở quê nhà. Đa
phần những Việt kiều ấy là người đã thành danh ở đất khách, đặc biệt là
tại Hoa Kỳ. Mặc dù vậy, con số này không phải là nhiều so với cộng đồng
người Việt đang sinh sống tại Mỹ.
Mới
đây, một số bài viết của các tác giả ở nước ngoài cũng như kết quả các
cuộc nghiên cứu xã hội cho chúng ta một cái nhìn thực tế và khách quan
hơn về cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Bài viết sau đây tổng hợp từ
các nguồn thông tin vừa nói.
Một vài con số
"Nghiên cứu về cộng đồng người Mỹ" (
American Community Survey - ACS ) là bộ phận quan trọng của chương
trình điều tra dân số thập niên 2010, do chính phủ Mỹ thực hiện từ năm
2005, với sự tham dự của khoảng ba triệu đơn vị gia cư. Công bố của ACS
cách đây hơn một năm cho thấy người Việt đang sống tại Hoa Kỳ chiếm
khoảng 10,5% tổng số người Mỹ gốc châu Á, là cộng đồng lớn thứ tư sau
người Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines; đông hơn các cộng đồng Nhật Bản,
Lào, Pakistan, Campuchia, Thái Lan và Đài Loan. Trong tổng số gần 1,3
triệu người Việt đang sống tại Mỹ thì hơn 50% nhập cư vào nước này từ
sau năm 1990.
Nghiên cứu cho
thấy người Việt tại Hoa Kỳ là cộng đồng Á châu trẻ thứ hai sau người Ấn
Độ với 73,5% dưới 44 tuổi, trong số này có gần một phần tư là thanh
thiếu niên dưới 18.
Về mặt xã hội,
tài liệu ACS cho chúng ta một số thông tin rất đáng quan tâm. Chẳng hạn
về khả năng sinh sản, cứ 1.000 phụ nữ Việt ở Mỹ thì có đến 71,8 lần
sinh trong một năm, cao hơn nhiều so với phụ nữ Hàn Quốc (chỉ 45,9
lần). Nhưng điều đáng nói là phụ nữ Việt Nam đứng đầu về tỷ lệ "single
mom" với 18,6% không chồng mà có con, vượt xa mức trung bình của phụ nữ
các nước Á châu khác ở Mỹ.
Điều này đặt ra
cho các bậc làm cha mẹ người Việt - vốn còn ràng buộc ít nhiều tập quán
phương Đông - một sự lo lắng và cần phải quan tâm hơn nữa về vấn đề
giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên.
Về tổ chức gia
đình thì gia đình người Việt đông thứ nhì sau người Philippines, nhưng
tỷ lệ gia đình có đầy đủ chồng-vợ lại thấp nhất trong cộng đồng người
châu Á. Phải chăng đây là con số biểu thị tình hình ly dị của người
Việt thuộc loại cao, qua danh sách số phụ nữ Việt phải cưu mang gia
đình (không có đàn ông) xếp hạng nhì sau người Philippines; đặc biệt số
đàn ông Việt làm.
Khả năng nói tiếng Mỹ và học vấn chưa cao
Mặc dù cộng đồng người Việt có tỷ lệ
đến 79,1% sinh ra tại Mỹ và có cha hay mẹ là dân Mỹ hoặc đã trở thành
công dân Mỹ, nhưng về khả năng Anh ngữ thì bảng phân tích cho thấy đây
là cộng đồng gìn giữ tiếng quê nhà cao nhất trong sinh hoạt gia đình,
chỉ có 11,8% dân Việt nói tiếng Mỹ ở nhà so với 16,9% ở người Hàn hay
53% ở người Nhật. Trong chừng mực, chính điều này đã hạn chế khả năng
giao tiếp xã hội khi mà cộng đồng người Việt ở Mỹ có tỷ lệ người kém
khả năng Anh ngữ cao nhất, lên đến 55,1% so với 47,6% người Trung Quốc
và 48,9% người Hàn Quốc.
Chính
khả năng về ngôn ngữ còn thấp khiến cho cộng đồng người Việt ở Mỹ có tỷ
số người học lực dưới trung học nhiều nhất (30%). Con số người Việt tại
Mỹ tốt nghiệp cử nhân và có bằng cấp sau đại học cũng thấp nhất trong
cộng đồng người Mỹ gốc Á châu (23,5%), dưới mức trung bình của toàn
nước Mỹ.
Nghề nghiệp và mức sống
Số liệu về phân bố nghề nghiệp, thu
nhập trung bình cho thấy tỷ lệ người Việt ở Mỹ làm nghề lao động xí
nghiệp và vận tải hàng hóa cao nhất trong cộng đồng châu Á với 21,0%,
so với 10% của người Philippines và Hàn Quốc, hai sắc dân có tỷ lệ hành
nghề lao động cao đứng ngay sau Việt Nam.
Cũng theo thống
kê được công bố, tỷ lệ người Việt tại Mỹ làm việc trong ngành quản trị
và chuyên nghiệp thấp nhất so với những sắc dân gốc châu Á khác với
29,2% so với 60,6% người Ấn (mức cao nhất).
Người Việt ở Mỹ
có lợi tức gia đình trung bình hằng năm là 45.980 USD và tỷ lệ nghèo là
14%, chỉ cao hơn cộng đồng người Hàn Quốc (có lợi tức gia đình trung
bình 43.195 USD và tỷ lệ nghèo 14,9%). Tất nhiên đây là mức nghèo theo
tiêu chuẩn Mỹ: chẳng hạn, một gia đình ba người có một trẻ dưới 18 tuổi
được xem là nghèo nếu lợi tức gia đình ít hơn 14.974 USD/năm.
Trong hoàn cảnh
nghèo hoặc khó khăn nhưng người Việt, cũng như đa phần những người gốc
châu Á khác, vẫn thích mua nhà hơn là ở nhà thuê. Có 61,3% người Việt
sở hữu nhà tại Mỹ, đứng đầu bảng thống kê. Cho dù không ít người Việt
làm ăn thành công tại Mỹ sở hữu những căn nhà vài triệu USD, thì trị
giá trung bình của gia cư người Việt chỉ ở mức 207.577 USD, thấp hơn
nhiều so với các sắc dân châu Á khác ( 300.000 USD ).
Có thể nói, sau mấy chục năm tạo dựng
cuộc sống mới nơi xứ người, cộng đồng người Việt tại Mỹ đã có những
phát triển tích cực và thành đạt nhất định.
Tuy nhiên, thống kê của ACS cũng đã
cho thấy một vài điều đáng lưu ý: tỷ lệ nghèo cao nhất nhì; số lượng
người làm nghề lao động cao nhất, tỷ lệ thuận với trình độ học vấn và
khả năng Anh ngữ kém nhất; tỷ lệ phụ nữ độc thân sinh con gấp đôi trung
bình của người gốc Á châu và gần bắt kịp người Mỹ da trắng.
Đó chính là
những vấn nạn cần được các tổ chức xã hội của người Việt quan tâm hầu
có những phương án khả thi và hiệu quả để điều chỉnh.
Ông Nguyễn Xuân
Vinh, giáo sư danh dự ngành Kỹ thuật không gian của Đại học Michigan -
Hoa Kỳ, trong quyển sách về người Việt tại Mỹ đã viết với tất cả tâm
tình của mình rằng: "...Tôi mong rằng thế hệ của tôi chỉ là lớp người
đi trước đặt những viên đá sơ sài lót đường... Sau này các bạn sẽ đạt
được những thành công rực rỡ xây nên một đại lộ thênh thang cho toàn
thể những người Việt cùng tiến bước, cho non sông được mở mặt với
đời....".
Đó có lẽ cũng là mơ ước của tất cả những người Việt, không chỉ ở đất Mỹ mà ở trên toàn thế giới.
Phạm Thành Sơn
Source Internet.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.