Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Bs Bùi Duy Tâm: Hành trình thử thách không cản được bước chân tuổi già.

Loan Lê

Ngày 20 tháng 4 năm 2006, Giáo sư Bùi Duy Tâm đã đặt chân tới Bắc Cực và được chứng nhận là người Việt Nam đầu tiên đến Bắc Cực, năm đó ông 72 tuổi và cũng là người cao tuổi nhất trong đoàn thám hiểm.

Có lẽ, ai cũng từng một lần nghe đến những vùng đất xa xôi như Bắc Cực, Nam Cực, đỉnh Everest - nóc nhà thế giới hay Fansipan - nóc nhà Đông Dương, nhưng nói đến từ chinh phục, thì hầu hết mọi người đều hiện lên trong đầu sự e ngại. Bởi vì, những nơi ấy quá xa xôi, quá lạnh giá, quá hiểm trở để có thể thử sức. Và ai cũng nghĩ, phải đam mê lắm, phải có sức khỏe vô địch, phải có sự kiên nhẫn thì mới nghĩ đến việc khám phá những nơi như thế. Nhưng có một cụ già tuổi đã gần 80 lại nắm giữ hầu hết những kỷ lục đáng kinh ngạc khi đã lần lượt chinh phục bằng hết những nơi này. Và có một điều đặc biệt là ông luôn giữ kỷ lục là người cao niên nhất của mọi đoàn thám hiểm. Ông đã đi hết chiều dài của nước Việt Nam từ đất mũi Cà Mau đến địa đầu Lũng Cú, ông cũng từng cưỡi lạc đà qua sa mạc Gobi hoang vu của Nội Mông hay sa mạc cát nóng Sahara ở tận Bắc Phi, từng trượt tuyết trên núi cao, lặn xuống biển sâu bắt cá Kình, qua Phi châu ngắm tuyết phủ trên đỉnh Kilimanjaro, xuống đáy Nam Cực chơi đùa cùng chim cánh cụt, cưỡi Yak trên cao nguyên Tây Tạng…Và gần đây nhất, khi đã ở tuổi 80, từ ngày 26 – 28 tháng 9/2013, ông đã đi vòng quanh Kailash – ngọn núi thiêng nhất châu Á trên độ cao 6700 m, nơi mỗi năm có hàng ngàn người “Tam Bộ, Nhất Bái” vòng quanh sườn núi trong 3 ngày, gọi là vòng CORA. Với độ cao 6700 m, Kailash rất thiếu oxy và đường đi vô cùng hiểm trở, nên để thực hiện được hành trình CORA, mọi người phải dùng đến bình dưỡng khí thế nhưng ông không cần dùng đến một bình oxy nào mà vẫn có được một chuyến đi an toàn và đầy sự thú vị, khi chụp được đỉnh núi thiêng với trời mây trong xanh một cách hiếm có. Từ Kailash, ông vượt 1000 km với những đoạn đường vô cùng khó đi vì toàn đá để đến chân núi Everest và thực hiện hành trình chinh phục nóc nhà thế giới. Sau đó, ông đến tu viện Hang Cọp huyền thoại (hay còn gọi là Paro Taktsang Palphug) cheo leo trên dốc núi thuộc tỉnh Paro xứ Bhutan sau khi đi ngựa leo dốc 5 km rồi leo thêm 800 bậc thang đá để đến nơi được mệnh danh “thiên đàng nơi hạ giới”. Và trong chuyến đi lần này, ông đã suýt chết vì tụt huyết áp đột ngột khi leo 800 bậc thang để trở xuống.

Một “nếp nhà” rất Việt Nam trong lòng San Francisco

Căn nhà của GS Bùi Duy Tâm ở thành phố San Francisco, bang California, được nhiều người nhận xét là “thuần Việt hơn rất nhiều ngôi nhà ở Việt Nam” bởi đó là một bảo tàng thu nhỏ, trưng bày những đồ vật mang đậm hơi thở Việt Nam, từ những vật lưu niệm hình phụ nữ Việt trong tà áo dài, đến chiếc giường nằm, hay chiếc đàn đá ông đặt ngoài vườn.... Mỗi dịp Tết đến Xuân về, dù bộn bề với rất nhiều công việc, nhưng gia đình ông luôn cố gắng thu xếp để cả đại gia đình có một ngày để sum họp, tưởng nhớ tới ông bà, tổ tiên, quê hương, Tổ quốc. Và có một điều rất thú vị, trong tất cả các buổi lễ lạt, họp mặt quan trọng trong gia đình hay tiếp khách quý, GS Tâm đều yêu cầu con cháu mặc trang phục truyền thống Việt Nam. Con cháu dâu rể của ông rất tự hào vì được mặc kiểu áo cung đình may bằng vải gấm rất trang nhã, kiêu sa và mang một niềm kiêu hãnh dân tộc của ông cha, tiên tổ của Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ. Buổi họp mặt cũng có những nghi lễ truyền thống, tuy đơn giản nhưng rất đậm nét văn hóa gia đình Việt, các con cháu làm lễ “dâng trà” và “dâng các lời chúc tụng” lên ông bà, cha mẹ. Ông bà hỏi thăm việc làm ăn, học hành của con cháu, răn đe những việc chưa tốt và khen ngợi khuyến khích các thành quả tốt, mừng tuổi cho các cháu. Sau phần gia huấn là phần lì xì mừng tuổi cho các cháu và rồi cả gia đình phá cỗ mừng Xuân. Mâm cỗ Tết của gia đình ông bao giờ cũng phải có bánh chưng, chả giò, nem cuốn. Đồng thời, đây cũng là dịp nhắc nhở con cháu về nguồn gốc “Con Rồng cháu Tiên” và giải thích cho chúng hiểu là người Việt Nam lúc nào cũng ưa chuộng hòa bình, bác ái, hiền lành, nhân từ, hòa nhã với mọi người như Tiên, nhưng khi bị xâm lược thì cương quyết chống trả dũng mãnh như Rồng. Những đứa cháu của ông tuy sinh ra và lớn lên hoàn toàn trên đất Mỹ nhưng vẫn được ông dạy rất nhiều về sử Việt nên mỗi lần ông nhắc đến một vị tướng, một trận chiến, lũ cháu lại nhao nhao lên kể, từ chuyện Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, cho đến kháng chiến chống Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ...

Ông kể, chúng còn biết “Trần Bình Trọng thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”… Đó là cách ông lưu giữ “nếp nhà”, lưu giữ cội nguồn dân tộc cho các thế hệ sau bởi với ông, giữ gìn Văn hóa Việt giống như giữ lấy một chỗ dựa tinh thần. Với nỗ lực bảo tồn nếp sống Văn hoá truyền thống, như: phong tục thờ cúng tổ tiên, tổ chức ma chay, cưới hỏi theo kiểu Việt Nam…, ông và người thân vơi bớt nỗi nhớ khi phải sống xa quê hương, nguồn cội.

Khí chất và ý chí Việt Nam

“Với một tâm hồn lãng tử và một thể chất bền bỉ dẻo dai, Bùi Duy Tâm của các bạn đã thực sự là một Tài Tử của cuộc đời” – ông đã tự nhận xét về mình như thế. Ngày 20/04/2006, khi đứng trên đỉnh Bắc Cực, ông không đem theo cờ quạt gì cả, chỉ đeo một tấm bảng đơn giản “Việt Nam – Bùi Duy Tâm” để tỏ tình hữu nghị và để cho thế giới biết rằng người Việt Nam đã đặt chân đến đây với một sự thân thiện, hiền hòa. Ông xúc động bày tỏ “Ôi! Đeo cái bảng đó trên ngực là mang theo biết bao Tình Quê, Tình Nhà, Tình Bạn lên cái chóp của quả đất này”.

Chính tình yêu và ý chí vì Việt Nam, ý thức danh dự của dân tộc đã thôi thúc ông thực hiện chuyến đi đặc biệt này.
Xin được trích lời Nhà văn Nguyễn Khắc Phê thay cho lời kết: “Với người xa xứ như Bùi Duy Tâm, “Tổ quốc”, “Đồng bào” luôn luôn là mối bận tâm và là ý niệm thiêng liêng trong suốt cuộc đời, cho dù đã phải nếm trải những cuộc bể dâu… Và có phải đó là nơi hội tụ của những thái cực, làm nên cốt cách Bùi Duy Tâm: Học Tây y mà phụng thờ Hải Thượng Lãn Ông, ở trời Tây mà luôn nghĩ về phương Đông… Ngẫm ra thì cũng không có gì lạ, như âm dương luôn kết hợp, như Nam Cực nối với Bắc Cực mới thành Trái Đất - quê chung của mọi kiếp nhân sinh…”...(hết trích). (Source: Man Life Magazine, tháng 10-13. Bs Bùi Duy Tâm gởi).

Source Lá Thư Úc Châu - Tony Son Nguyen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.