Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Thầy

Hôm nay ngày 20/11 là ngày để nhớ đến Thầy Cô giáo, trên mạng có nhiều thảo luận về chữ Thầy làm tôi có một vài suy nghĩ. Xin mạo muội mạn đàm một chút về đề tài này, nếu có quá lời xin các vị bỏ quá cho ...

Theo tôi, đây là một truyền thống tốt đẹp, chắc không mấy ai không đồng ý. Ngày xưa có thời người ta còn xếp Thầy trên cả Cha Mẹ (Quân, Thần, Sư, Phụ). Việc ca ngợi "công ơn trời bể" v.v. tôi nghĩ có không thiếu người nói đến. Có thể cho tôi là người thích "nói ngược" hay với người cởi mở chút cho tôi là người có "tư tưởng cách mạng" cũng tốt.

Tôi xin có lời xin lỗi đến các vị "chân sư", "chân phụ" v.v, tôi chỉ muốn đề cập đến những trường hợp ngược lại, những người lạm dụng những chữ này một cách quá đáng.

Tôi được một vị Thầy kể lại, khi Ông mới đặt chân sang Úc có một vị Thầy khác liên lạc với Ông và rủ Ông mở võ đường và vị đó đã nói rằng "Mình có đi dạy thì người ta mới gọi mình bằng Thầy ...". Cũng theo lời bình luận của vị Thầy đã kể cho tôi nghe rằng "Vậy ra Thầy ấy mở võ đường chỉ muốn được làm Thầy chăng?".

Nhân nói đến chữ "Thầy" thì cũng xin lang mang đến chữ "Cha". Ở họ đạo nơi tôi cư ngụ, có một vị linh mục Việt Nam được dân chúng hết sức thương mến. Nói đến đây có lẽ vài vị sẽ cho rằng việc giáo dân thương mến linh mục của họ đạo mình thì có gì là lạ. Xin thưa, ở VN có lẽ dễ hơn nhưng ở đây giáo dân là dân Tây, họ không chỉ thương hay nể vị linh mục bởi vì chỉ đơn giản ông là linh mục.

Ở VN vì nhiều lý do khách quan, một vị linh mục thường đương nhiên được kính nể trong giáo xứ của mình. Tuy nhiên ở đây, quan niệm sống trình độ dân trí có khác nên một vị linh mục được yêu mến có lẽ phần nhiều vì cái "đức" của Ngài. Vị linh mục tôi kể là một người hết sức khiêm nhường, tuy ở địa vị một linh mục nhưng mỗi lần đến thăm gia đình giáo dân Ông cứ xưng hô "Em, Cháu, Con" mặc dầu ai cũng kính nể một tiếng "Thưa Cha" hai tiếng "Thưa Cha". Có lẽ bởi sự yêu mến của giáo dân mà gần đây Ngài lại được bổ nhiệm làm Cha chánh xứ luôn cả hai xứ & làm hiệu trưởng mấy trường học một lúc.


Kể chuyện vị linh mục ấy để so sánh với một vị linh mục khác, tuy tuổi còn rất trẻ nhưng lại rất thích xưng "Cha". Vị linh mục trẻ này không lạ gì với tôi nên lúc trước tôi vẫn liên lạc "anh anh em em" với nhau. Dĩ nhiên trong nhà thờ và trước mặt cộng đoàn ai mà không gọi vị này là "Cha", nhưng khổ nỗi đến email riêng tư với nhau cứ vài tiếng lại chuyển từ "anh" sang "cha" nghe hoài phát chán. Thế là từ đó liên lạc dần dần cũng không còn. Và sau đó tôi không ngạc nhiên khi nhiều lần tôi bị "mắng vốn" bởi giáo dân về vị linh mục này vì họ cứ cho tôi có "dây mơ rễ má" với Ngài mới khổ chứ ...


Tôi cũng đã từng được/bị gọi "Thầy" nhưng có lần tôi nói với môn sinh, tôi chẳng câu nệ cứ gọi tôi bằng "Anh, em, con, cháu" tùy ý, tôi chỉ quý cái tâm & tôi không thích (hay có thể nói là tôi ghét) hình thức.


Tôi biết có những chuyện rất buồn cười, có những người tự dựng lên bàn thờ, để ở đó mấy tấm hình của vài vị Thầy quá cố có uy tín trong nhà mình rồi đặt những cái tên nghe "rất kêu". Chẳng hiểu các vị này nghĩ chỉ làm vậy thôi thì thiên hạ sẽ đến "thờ cúng" nơi nhà mình chăng? Tôi không biết đây là lòng thành kính hay chỉ với mục đích riêng tư?

Con người theo lẽ tự nhiên ai cũng có cái tính biết ơn, nhưng cả ngày ra rả cứ mang chữ "ơn, trung, hiếu v.v" ra để nằng nặc thì phải cần suy nghĩ lại. Có lần tôi nghe Đoàn Thế Ngữ bình về chữ "Ngu Trung & Ngu Hiếu" khi bình về truyện Kiều mà thấy có lý lắm lắm.

Trung là đứng tính tốt, nhưng Trung với "Ngu Quân" thì mình trở thành "Ngu Trung". Hiếu cũng vậy, làm con hay làm cha mẹ gì chữ Hiếu cũng đáng quý cả, nhưng đọc tin tức VN, thấy có những bậc cha mẹ đem con mình đi bán sang Campuchia làm gái mại dâm nghe mới đau lòng làm sao. Lại còn có lắm cô dâu Hàn Quốc, Đài Loan chấp nhận lấy những người chồng tâm thần bịnh hoạn để "trả hiếu". Những bậc cha mẹ của những cô dâu này có thật sự bần cùng đến như vậy không? Hay nhiều khi vì tham lam sĩ diện muốn có nhà đẹp trong xóm, muốn chẳng thua kém ai mà coi con mình như một vật buôn bán. Những trường hợp như vậy mà người con không nhận ra cứ nhất nhất tuân theo để "trả hiếu" là "Ngu Hiếu" vậy.

Bởi vậy làm bậc cha mẹ, thầy cô cũng đừng lạm dụng chữ Ơn, chữ Trung, chữ Hiếu nhiều quá & làm con làm trò cũng không nên quên những chữ ấy nhưng cũng không nên để bị lạm dụng ...

"Hữu xạ tự nhiên Hương", một ông vua tốt dân sẽ biết, một ông thầy tốt trò sẽ biết, một người cha mẹ tốt con cái sẽ biết. Hãy nghĩ càng ngày thế hệ trẻ càng thông minh & có kiến thức dồi dào hơn mình. Việt Nam chẳng có câu "Con hơn cha là nhà có phúc" sao. Ông bà mình từ ngàn xưa đã hiểu thấu chuyện này vậy mình cũng không nên quá coi thường sự suy nghĩ, cảm xúc, nhận thức v.v. của thế hệ sau mình .


LÀNG NAM
11/2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.