Lê Vinh Huy
Người Tàu có món bánh làm bằng bột mì chiên dầu, có hình dạng như hai cây xúc xích dính liền nhau, ăn bùi và giòn tan. Món này ngoài Bắc gọi là “quẩy”, trong Nam kêu bằng “dầu chá quẩy”. “Dầu chá quẩy” là phiên âm tiếng Quảng Đông của chữ “Du tạc quỷ” (油炸鬼 – Yau ja gwai), nghĩa là con quỷ bị chiên dầu. Món bánh này không biết xuất hiện tự khi nào, nhưng nó được gắn liền với một sự tích bi thảm: nó là tượng trưng cho vợ chồng Tần Cối bị hình phạt bỏ vạc dầu, ăn “dầu chá quẩy” là nhai vợ chồng kẻ gian phi, là yêu nước!
Trong dân gian lại loan truyền đơm đặt thêm đủ thứ giai thoại truyền kỳ, thậm chí sang đến đời Thanh, còn có cả tên thầy chùa dựng chuyện, cho rằng có con heo nọ là kiếp đầu thai chịu tội thứ 7 của gian thần Tần Cối, xem ra lũ vô lương hợp tác cường quyền điên đảo thị phi đời nào cũng có!
Không chỉ dùng bột chiên, heo nọc làm biểu tượng suông, người ta còn tạo dựng cả hình tượng cụ thể. Năm thứ 9 niên hiệu Chính Đức đời Minh Vũ tôn (1513), viên Đô chỉ huy của phủ Hàng Châu là Lý Long cho đúc đồng năm hình nhân bán loã quỳ trước mộ Nhạc Phi ở Tây Hồ. Năm tượng đó là Vương Tuấn, Vạn Sĩ, Tần Cối cùng vợ là Dương thị, và Trương Tuấn. Năm người này bị sử qui cho tội danh ám hại toàn gia Nhạc Phi – vị danh tướng được xem như chiến thần của Trung Hoa. Họ Lý kia quả đã làm một việc hay: từ đó, ở các nơi có đền thờ Nhạc Phi rải từ Hàng Châu tới Giang Tây, Hà Nam, Giang Tô, Hồ Bắc… các nơi đều noi theo. Toàn đại lục tính ra có 208 tượng Tần Cối trong tư thế mình trần quỳ gối, hai tay bị xích ra sau. Đặc biệt ở lăng Thái Hạo thuộc huyện Hoài Dương tỉnh Hà Nam, mỗi năm vào mùng 5 Tết, người ta lại tổ chức ngày hội lớn gọi là hội “đả Tần Cối”.
Các tượng đồng trải hơn 500 năm nay bị đánh bị vỗ không ngừng, đến nỗi đều bóng lưỡng. Dương thị, vợ Tần Cối, dù là phụ nữ nhưng cũng bị phanh trần thân trên hệt như “đồng đảng”, pho tượng của bà ở lăng Thái Hạo có điểm độc đáo là đôi bầu ngực bị sờ sáng choang.
* * *
Tội trạng Hán gian bán nước, cũng như tội danh giết hại Nhạc Phi của Tần Cối, đến nay vẫn chưa hề có một bằng chứng cụ thể; trong khi cái chết của Nhạc Phi là hệ quả tất yếu, do họ Nhạc tự rước lấy.
Nhà Bắc Tống hủ bại, đang khi bộ tộc Nữ Chân quật khởi ở phương Bắc, giành lại lãnh thổ từ Cao Ly, tiêu diệt nước Liêu, lập nên Kim quốc, thì vua tôi Tống vẫn an nhàn hưởng lạc, xây dựng văn minh đạo đức lễ nghĩa, Tống Huy tôn say mê chìm trong sáng tác, trở thành họa sĩ tài danh lừng lẫy cổ kim, chừng Kim quốc hưng binh chinh phạt thì ông vua tài tử sợ hãi đến mức phải nhường ngôi cho con là Khâm tôn. Niên hiệu Tĩnh Khang 1127, hùng binh Đại Kim thâm nhập kinh thành Biện Kinh, bắt cả vua cha vua con cùng số đông tôn thất mang đi, “sự biến Tĩnh Khang” trở thành nỗi nhục lớn nhất của Trung Hoa suốt hơn 5.000 năm lập quốc.
Nam Tống chỉ còn lại nửa mảnh giang sơn, để đối phó với tình thế đó, triều đình của Tống Anh tôn chia làm hai chủ trương: chủ chiến và chủ hòa. Phe chủ chiến do đại nguyên soái Nhạc Phi cầm đầu, phe chủ hòa do tể tướng Tần Cối làm thủ lĩnh. Nhạc Phi tự cho mình hùng tài thao lược, được thiên hạ suy tôn là bậc trung quân ái quốc, ông chết chính bởi bốn chữ “trung quân ái quốc” đó. “Trung quân” của ông là trung với hai vua trước, quyết đánh ra Bắc để rước hai vua về, thật không hiểu tại sao Nhạc Phi không hề chịu hiểu, nếu cha và anh của Anh tôn trở về thì đương kim hoàng đế sẽ phải mất ngôi. Đã thế, dẫn quân vào sâu đất địch trong khi quân của Đại Kim vốn là quân du mục thiện chiến, khác nào dắt dê vào miệng sói, thu phục giang san đâu chưa biết, nhưng chắc chắn là sinh linh đồ thán, đại quân mai một, mất nửa nước còn lại như chơi.
Những kẻ viết sử cứ hay khoa trương tinh thần yêu nước, nên hết lời ca ngợi hào khí vạn trượng kia, và quay lại đả kích phái chủ hòa, ít người nhìn nhận công lao của Tần Cối: đó là nhờ có ông ra sức chèo chống mà nửa mảnh giang san còn lại của Đại Tống kéo dài thêm được trăm năm, mãi đến khi đội quân hùng mạnh nhất thế giới, đại quân Mông Cổ, tiêu diệt cả Kim cả Tống.
* * *
Nhưng không phải trong thiên hạ ai cũng nhắm mắt tin theo sử sách do bọn cầm quyền tự ý phao vu giải láo lịch sử tùy thích. Năm 2011, tại Viện bảo tàng khu Giang Ninh thành phố Nam Kinh (quê hương Tần Cối), khánh thành bức tượng Tần Cối ngồi lên trên ghế, với đầy đủ phẩm phục áo mão triều đình, tay trái cầm cuộn giấy – chắc hẳn là thư trần tình. Trước đó, năm 2005, tại một điểm trưng bày ở Thượng Hải, nhà điêu khắc Kim Phong cho ra mắt tượng hai vợ chồng Tần Cối đứng thẳng lên. Nhưng những cố gắng giúp đỡ cho hình tượng Tần Cối chịu tội này khiến quần chúng nhân dân phẫn nộ. Người ta cần có tội đồ để nguyền rủa ngàn năm cho sướng miệng!
Ném đá Tần Cối” là một nhu cầu thiết thực của số đông bầy đàn man rợ, nó chính là cái van do nhà cầm quyền Trung Nam Hải dành để nhân dân trút xả bất mãn. Lạy Tần tể tướng! Lạy Dương phu nhân! Bao giờ tượng đồng hai người giũ bỏ xích xiềng, đứng thẳng lưng lên, quảy đít đi khỏi Nhạc vương miếu thì trung hồn Nhạc Phi mới yên dạ, và dân tộc Trung Hoa mới mong sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Source: http://nghiencuulichsu.com/2015/07/29/nem-da-nghin-nam/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.