Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

Phật tính


Phật tính 
Buddha-Nature

***



Nội dung
1. Tổng quan về Phật tính.
2. Phật giáo Bắc truyền và Phật tính.
3. Phật giáo Nam truyền và Phật tính.
NBS: Minh Tâm 11/2015
 
Phật tính

***
1. Tổng quan về Phật tính.
Phật tính hay Phật tánh (佛性;  P: Buddhatta;  S: Buddhatā;  E: Buddha-Nature, True Nature) là từ ít được dùng trong Phật giáo Nam truyền, nhưng lại phổ biến trong Phật giáo Bắc truyền, lẫn lộn với một số từ khác, hoặc đánh đồng với nhau. Từ Phật tính được xem là xuất hiện sớm nhất trong kinh Niết-bàn (Mahāparinirvana - Sūtra).   Kinh Niết-bàn truyền đến Trung Quốc, có hai bản dịch:
1. Kinh Đại-bát Nê-hoàn, 6 quyển, do Pháp Hiển dịch.
2. Kinh Đại-bát Niết-bàn, 40 quyển, về sau gọi là bản Bắc, do Đàm Vô Sấm dịch. Về sau, bản Bắc được chỉnh sửa lại, còn 36 quyển, gọi là bản Nam.
Ngày nay bản Bắc, 40 quyển được phổ biến nhất. Do bản dịch khác nhau nên thuyết Phật tính trong kinh Niết bàn cũng có một số điểm khác nhau.  Riêng 30 quyển sau (11-40), đại sư Ấn Thuận chia thành bốn phần có liên hệ đến nghĩa của Phật tính:
1. Từ quyển 11 đến quyển 26 có thể nói là theo nghĩa kinh Bát nhã để giải thích Phật tính.
2. Từ quyển 27 đến quyển 32 và phẩm “Sư Tử Hống bồ tát”, là theo Duyên khởi, Đệ nhất nghĩa Không, Trung đạo mà luận.
3. Từ quyển 33 đến quyển 38, phẩm Ca Diếp, là cường điệu duyên khởi.
4. Từ quyển 39 đến quyển 40, phẩm “Kiều Trần Như”, thì không nói về ý nghĩa của Phật tính.
Đại sư Ấn Thuận kết luận: “Nghĩa Không trong kinh Bát nhã và thuyết “Trung đạo Duyên khởi” của Long Thọ đã tạo nên sắc thái của Phật tính[52].  Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, nhưng Phật tính của chúng sinh nói lên giả chúng duyên (mượn các duyên), đãi chúng duyên (đợi các duyên) mà hình thành, là vô tự tính Không, không phải bản hữu (vốn có)”.
Một thuật ngữ chỉ Phật tính khác là Bản lai thành Phật (本來成佛), nhưng ít phổ biến.  Chủ ý có nghĩa là Phật tính ở khắp mọi nơi, tất cả chúng sinh xưa nay vốn có Phật tính. Khái niệm này thường thấy trong các bộ kinh và luận của Phật giáo Bắc truyền, như trong Viên Giác kinh  Đại thừa khởi tín luận.
Có ý tưởng phân biệt cho rằng loài hữu tình thì gọi là Phật tính (Buddha-dhātu, Buddha-gotra), Như Lai tạng v.v., còn chỉ chung cho vạn hữu thì gọi là Pháp tính, Chân như (s, p:  Bhūtatathatā).
Về sau, các nhà giải thích nghĩa Phật tính, phần nhiều đều căn cứ vào sức hiểu kinh luận mà mình có được, khiến cho từ Phật tính không thống nhất, nhất là bản Phạn của kinh Niết-bàn lại bị rách nát.
Sau đây là kiến giải của vài nhà Phật học:
1/. Đại sư Cát Tạng 吉藏 (549 – 623) trong Đại thừa huyền luận, quyển 3, có ghi:
          - Kinh Niết bàn gọi là Phật tính;
- Kinh Hoa nghiêm[1] gọi là Pháp giới;
- Kinh Thắng man gọi là Như Lai tạng (Tathāgata - garbha);
- Kinh Lăng già[2] gọi là Bát thức;
- Kinh Thủ lăng nghiêm[3] gọi là Thủ lăng nghiêm Tam muội;
- Kinh Pháp hoa[4] gọi là Nhất đạo Nhất thừa;
- Kinh Đại phẩm gi là Bát nhã Pháp tính;
- Kinh Duy Ma[5] gọi là Vô trụ Thật tế.
Những từ như vậy đều chỉ cho tên gọi khác của Phật tính.”[6]   
Điều này được Cát Tạng[7]  giải thích như sau:
Danh nghĩa tuy khác, nhưng lý thì hoàn toàn không hai. Đại đạo bình đẳng là tính giác ngộ của chúng sinh nên gọi là Phật tính. Nghĩa ẩn tàng trong sinh tử nên gọi là Như Lai tạng. Dung nhiếp các thức tính, rốt ráo thanh tịnh, nên gọi là Tự tính Thanh tịnh tâm. Thể tính của các pháp gọi là Pháp tính. Diệu thực không hai nên gọi là Chân như. Tột cùng chân thật nên gọi là Thật tế[8]. Lý thì bặt động tĩnh nên gọi là Tam muội. Lý thì không có gì để biết, nhưng không gì không biết nên gọi là Bát nhã (Prajñā). Thiện ác bình đẳng. Tốt xấu  hoạt động không hai, gọi là Nhất thừa. Lý đồng với viên tịch, gọi là Niết-bàn v.v. Có nhiều tên gọi nhưng tướng thì không hai, không có hai tướng, cho nên nói: Danh tự tuy khác, lý thật không hai[9].
          2/. Đai sư Ấn Thuận 印順 (1906 - 2005), trong tác phẩm Phật giáo Ấn Độ, có ghi: “Như Lai Pháp tính tức là Như Lai tạngViên giácThường trụChân tâmPhật tính, cho đến Bồ đề tâmĐại Niết-bànPháp thân (dharmakāya), Không tính (śunyatā), Chân thường là như nhau đều xem là một, ”.[10] 
3/. Theo Ogwa Ichijo, học giả Nhật Bản, đã đối chiếu hai bản luận Bảo tính –  tác giả được cho là Kiên Tuệ (Sāramati), bằng Phạn văn và Hán văn, và kết quả, ông đã phát hiện từ Phật tính được dịch bằng các từ sau: Buddadhātu, Buddhagotra, Buddhagarbha v.v., chủ yếu là từ Buddha và Dhātu hoặc Gotra hay Garbha tổ hợp thành[11].
          1. Buddhadhātu (佛界 - Phật giới), tức là nghĩa Phật tính. Ngữ căn của Dhātu là Dha, có nghĩa là tầng lớp, nền tảng, thành tố v.v.[12].  Dhātu là giới; từ này bao hàm nghĩa Lĩnh vực và Bản nguyên.  Lĩnh vực là chỉ lĩnh vực Phật, đây là căn cứ theo quả vị Phật mà nói, còn Bản nguyên là chỉ bản tính vốn có của chúng sinh, khi sinh ra đã có [13].
           2. Buddhagotra (佛種性 - Phật chủng tính) tức là nghĩa Phật tính. Gotra hàm nhiều nghĩa: chủng tính, chủng tộc, chủng thuộc hoặc tộc tính v.v.
Chữ chủng  hàm nghĩa chủng tử  chủng tử 種籽, tức hạt giống.   
Chữ tính  hàm nghĩa tính chất.
           Phật chủng tính cho thấy đó là những tính chất cơ bản tiên khởi nơi từng chúng sinh là mầm móng, là nhân cho sự giác ngộ.     
          3. Buddhagarbha (佛藏: Phật tạng) tức là nghĩa Phật tính. Ngữ căn của Garbha là Gṛbh (nắm, giữ…) mà ra.[14].  Tạng  - Garbha  hàm nghĩa thai tạng (cái thai; E: embryo).  Theo đó, Phật tạng có thể giải thích là nhân và sở tàng cho sự thành tựu Phật quả.  Cũng có thể hiểu rằng Phật cũng từ nơi chúng sinh do tu hành mà thành tựu; cho nên nói chúng sinh có tính tiềm tàng bên trong, tu hành sẽ thành Phật.
          Nói chung, Phật tính không là một thực thể, mà chỉ nói lên tính chất hàm tàng hay bản tính vốn hiện hữu nơi mọi chúng sinh, như là phôi mầm mà nếu như có duyên lành sẽ kích ứng chuyển hóa hình thành tuệ giác.
Cái tính chất “mầm giác ngộ” này vốn sẵn tồn tại trong mọi chúng sinh một cách hiển nhiên, còn được ghi nhận qua các kinh điển sau:
Kinh Phạm Võng chép rằng:
Tất cả chúng sinh đều có Phật tính.”
Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng cũng viết:
Dẫu kẻ ngu, dẫu người trí cũng đều có Phật tính như nhau. Chỉ tại sự mê, ngộ chẳng đồng đó thôi.”
Theo trên, cho thấy rằng, khái niệm về Phật tính là để cho chúng sinh sinh khởi tín tâm tu hành Phật đạo, mặt khác cũng phá luôn quan điểm chấp trước các pháp có tự tính của ngoại đạo. Phật tính quan cho rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tính, nhưng Phật tính không thể chấp hữu, cũng không thể chấp vô,  mà Phật tính chính là một tiềm năng tri kiến Phật dẫn đến giác ngộ.


2. Phật giáo Bắc truyền và Phật tính.
Trong Phật giáo Bắc truyền, có nhiều quan điểm khác nhau về Phật tính (佛性; S: buddhatā, buddha-svabhāva) – như tranh cãi liệu tất cả mọi loài đều có Phật tính hay không, liệu thiên nhiên vô sinh vô tri như đất đá có Phật tính hay không. Nhưng nói chung, phần lớn Phật tính được xem là bản thể bất sinh bất diệt của mọi loài. Theo đó, mọi loài đều có thể đạt giác ngộ và trở thành một vị Phật, không bị đời sống hiện tại hạn chế.
 Bản thể mọi loài nói chung là bất khả thuyết và bất khả tư nghì, không có tự thể (ngã) khi ám chỉ ý niệm tuyệt đối, ám chỉ lẽ thật hay ám chỉ thời khắc xuất thế. Tuy nhiên ở bình diện tương đối, tức thời khắc nhập thế thì vẫn không trở ngại, có thể tạm dùng giả danh quy ước, ví như từ năng lượng để chỉ bản thể “Phật tính”. Phật tính nói lên tính bình đẳng với các biểu hiện cảm nhận như sau:
 1/ Cảm nhận sự vượt thoát. Qua các tông phái sự vượt thoát này được diễn tả với các tên gọi sau :
+  Pháp Tướng tông    :   phế thuyên,  đàm chỉ   :   miễn bàn, miễn nói.
+  Tam Luận tông       :   ngôn vong,  lự tuyệt    :  quên lời, bỏ nghĩ.
+  Thiền tông              :   bất lập văn tự              :   không dùng văn từ.
+  Tịnh Độ tông          :   bất khả tư nghì            :   không thể nghĩ bàn.
+  Chân Ngôn tông     :   xuất quá ngôn ngữ      :   vượt trên ngôn từ.
2/ Cảm nhận sự tịch tĩnh :  tính chất này có các tên gọi như Hư Không,  Hư Vô, Chân Không,  Chân Không Diệu Hữu,  Không Tịch.
“ Hư Không hàm tàng hết sắc tướng, vạn vật ”.
                                               K . Pháp Bảo Đàn.
3/  Cảm nhận sự đủ đầy (viên dung) :  tính chất này có các tên gọi như  Nhất Thể, Nhất Như,  Nhất Tâm,  Như Như.
 “ Ta và chúng sinh là Nhất Thể, lấy bệnh của chúng sinh làm bệnh của ta, lấy bệnh của ta làm bệnh làm bệnh của chúng sinh “.                               
                                             K. Duy Ma Cật.
          4/ Cảm nhận sự chính yếu (cốt lõi) :  tính chất này có các tên gọi như  Pháp Thân,  Pháp Thể
Pháp Thân của Như Lai là Chân Thường, Chân Lạc, Chân Ngã, Chân Tịnh “                                                                                                         
                                            K. Thắng Man.
          5/ Cảm nhận sự hoàn thiện :   tính chất này có các tên gọi như   Chân Như,  Chân Tâm,  Thật Tướng,  Chân Thật Tướng,  Viên Thành Thật Tướng.
                                    “  Vạn pháp từ Chân Tâm biến hiện “.                       
                                            K. Lăng nghiêm. 
 

 
3. Phật giáo Nam truyền và Phật tính.

Phật giáo Nam truyền tuy ít dùng tên gọi Phật tính (P: Buddhatta), nhưng nhận chân được  tính chất chân thật  nơi tự thân của mọi sự vật, đó là Vô thường – biểu thị cho hiện tượng biến đổi theo cấu trúc thời gian, và Vô ngã – biểu thị cho bản chất duyên hợp theo cấu trúc không gian, nơi vạn sự vạn vật.

                    Chân tính = Vô thường tính + Vô ngã tính = Không tính = Phật tính

 Phật tính vì thế thể hiện, Chân tính (Chân thật tính, Chân thường tính), Bình đẳng tính … nơi vạn sự vạn vật. Vì thế,  có thể nói rằng con chó, con mèo, cái ly, cái chén, quả núi, dòng sông … đều tròn đầy Phật tính – đó là Vô thường tính và Vô ngã tính luôn hiện hữu nơi tự thân của chúng.

Trong các kinh luận Phật giáo Bắc truyền như Duy Thức Tam Thập Tụng, Thành Duy Thức Luận, kinh Giải Thâm Mật (Sandhi-nirmocara),  kinh Lăng Già Tâm Ấn (Lankâvatâra-Sutra)  còn mô tả về tính chất hiện hữu nơi tự thân của vạn sự vạn vật, được gọi là Tự tính (xem Tam Tự tính), trong đó Viên Thành thật Tự tính là một cách mô tả khác về Phật tính, mà Vô thường tính + Vô ngã tính chính là nội dung của mô tả này.

Chánh niệm “Vô thường tính + Vô ngã tính” chính là Niệm Phật theo lý sự viên dung, là Niệm Phật tính của Thiền tông (kiến tính = kiến Phật tính) hay Niệm Phật Thật tướng của Tịnh Độ tông.

Có thể nói rằng Chánh niệm về Phật tính là một phương tiện thù thắng để chuyển hóa nội tâm nhằm bứng tận gốc rễ các khổ đau, là hạt nhân để đi tới Phật quả.

Phật tính do đó có thể được xem là yếu tố nhận thức và quán niệm trong tu tập vô cùng quan trọng, vì giá trị chuyển hóa nội tâm của nó là rất lớn, như đức Phật đã từng xác định như sau :

        “ Có lần, đức Phật thuyết pháp cho ông Cấp Cô Độc về công đức của sự cúng dường. Đức Phật nói :  ‘ Cúng dường cho Phật và Tăng chúng thì có công đức rất lớn. Nhưng có công đức lớn hơn là xây tu viện cho Tăng chúng ăn ở và tu học.  Có công đức lớn hơn  xây tu viện là thọ tam quy Phật, Pháp, Tăng.  Có công đức lớn hơn thọ tam quy là giữ năm giới.  Có công đức lớn hơn giữ năm giới là giữ tâm niệm Từ Bi, dù là trong giây phút.  Nhưng có công đức lớn hơn tất cả, đó là quán niệm sâu sắc đạo lý duyên sinh – Vô thường, Vô ngã – của sự vật ‘.”
                                                                                                                          K. Tăng Chi 4, tr. 264-:-265.
Chú thích:
[1]. S: Buddhavatamsaka- mahavai pulyasutra.
[2]. S: Laṅkāvatāra - sūtra, T: Laṇkar - gśe - gs pa.
[3]. S: Śūraṃgama -  samādhi - sūtra.
[4]. S: Saddharapuṇḍarīka - sūtra.
[5]. S: Vimalakīrti - nirdeśa - sūtra.
[6]. Ấn Thuận trước, Ấn Độ chi Phật giáo, tr. 271: “Cố ư Niết bàn kinh trung, danh vi Phật tính; tắc ư Hoa nghiêm, danh vi pháp giới; ư Thắng Man trung, danh vi Như Lai tạng tự tính thanh tịnh tâm; Lăng già danh vi bát thức; Thủ lăng nghiêm kinh danh vi thủ lăng nghiêm tam muội; Pháp hoa danh vi nhất đạo nhất thừa; Đại phẩm danh vibát nhã pháp tínhDuy Ma danh vi vô trụ thật tế; như thị đẳng danh, giai thị Phật tính chi dị danh”. (Đại Chánh, q45, p41c). 故於涅槃經中,名為佛性;則於華嚴,名為法界;於勝鬘中,名為如來藏自性清靜心;楞伽名為八識;首楞嚴經名首楞嚴三昧;法華名為一道一乘;大品名為般若法性;維摩名為無住實際;如是等名,皆是佛性之異名。(大正4541c
[7].  “Như Lai pháp tính tức Như Lai tạng, viên giác, thường trụ, chân tâm, Phật tính dĩ cập bồ đề tâm, đại niết bàn, pháp thân, không tính, chân thường luận giả tịnh thị vi nhất sự.”         如來法性」,即「如來藏」、「圓覺」、「常住」、「真心」、「佛性」,以及「菩提心」、「大涅槃」、「法身」、「空性」,真常論者並視為一事。
[8] Thật tế Bhūta - koṭi tột cùng chân thực, thật sự tột cùng của khởi thủy chúng sinh.
[9]. ĐC, q 45, tr. 41 -  42a: 名義雖異理實無二,...  平等大道為諸眾生覺悟之性,名為佛性。義隱生死名如來藏。融諸識性究竟清靜,名為自性清靜心。為諸法體性名為法性。妙實不二故名為真如。盡原之實故名為實際。理動靜名為三昧。理無所知,無所不知,名為般若。善惡平等妙運不二,名為一乘。理同圓寂名為涅槃。……雖有諸名,實無二相。以是故,云名字雖異理實無二也。(大正4541c - 42a
[10]Cát tạng吉藏, j: kichizō, 549 - 623, cũng được gọi là Gia Tường Ðại sư Cát Tạng, một trong những danh nhân của Tam luận tông và là đệ tử giỏi nhất của Pháp Lãng. Sư viết nhiều bài luận nổi tiếng về ba bài luận (Tam luận) căn bản của tông này, đó là Trung quán luận(s: madhyamaka - śāstra), Thập nhị môn luận (s: dvādaśadvāra - śāstra) của Long Thọ(s: nāgārjuna) và Bách luận (s: śata - śāstra) của Thánh Thiên(s: āryadeva). Sư cũng viết nhiều bài luận về những bộ kinh Đại thừa, một luận nói về lý thuyết Tam luận tông (Tam luận huyền nghĩa 三論玄義). Sư được xem là người đã đưa giáo lý Tam luận tông đến tuyệt đỉnh. Lúc còn trú tại chùa Gia Tường 嘉祥寺, sư thường được gọi là Đại Sư Gia Tường
[11]. Takasaki Jikido高崎直道Sự hình thành tư tưởng Như Lai tạng , tr. 137, 141, 142.
[12]. Jikido TakasakiDarmata, Dharmadhatu, Dharmakaya and Buddhadhatu - Structure of the Ultimate Vale in Mahayana Buddhism, Ấn Độ học Phật giáo nghiên cứu, q14, tr. 916.
[13]. Trần Bái Nhiên 陳沛然 trước, Trúc Đạo Sinh, tr. 20.
[14]. Takasaki Jikidotrước, Lý Thế Kiệt dịch, Như Lai tạng tư tưởng đích lịch sử dữ văn hiến, chương “Như Lai tạng tư tưởng”, tr. 24.
Source Internet
S

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.