Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Không được tin bất cứ gì ...


Trong Kinh Kalama, Đức Phật dạy rằng:"Không được tin bất cứ gì Ta nói là đúng, chỉ vì đấy là do Ta nói. 
Trái lại phải mang ra thử nghiệm những lời giáo huấn của Ta giống như một người thợ kim hoàn thử vàng. 
Nếu sau khi quán xét các lời dạy của Ta mà nghiệm thấy là đúng, thì lúc ấy mới nên mang ra thực hành. 
Dầu sao thì nhất định cũng không phải là vì kính trọng ta mà mang ra thực hành"
 "Believe nothing, no matter where you read it or who has said it, not even if I have said it, 
unless it agrees with your own reason and your own common sense." Buddha said.
Vì vậy niềm tin của đạo Phật được xây dựng dựa trên nền tảng của trí tuệ, tu tập và thực nghiệm cho nên trong những buổi thuyết pháp,
 Đức Phật thường nhắc đến câu: "Mời bạn đến để mà thấy, không phải đến để mà tin", để giảng dạy là vậy.
         Thập Triền, Thập Sử dẫn đắt đưa đẩy con người sa vào hố của tội lỗi đau thương.
1.Thập triền: là mười món phiền não nương vào tham, sân, si mà khởi, tương ưng với tâm nhiễm ô, tạo các ác hạnh để trói buộc chúng sinh trong sinh tử.
-Vô tàm: Không biết hổ thẹn.
-Vô quý: Không biết hổ thẹn đối với những tội lỗi do mình tạo ra khi bị người khác thấy biết.
-Tật: Tâm đố kỵ đối với những việc hưng thịnh của người khác.
-San: Bỏn sẻn, keo kiệt.
-Hối: Hối hận vì những lỗi xấu của mình đã làm, khiến tâm bất an.
-Miên: Mê ngủ khiến tâm mờ tối, không có năng lực tỉnh xét.
-Điệu cử: Thân dao động khiến tâm không yên, không thể nào thành tựu các thiền quán.
-Hôn trầm: Thần thức u mê, thân tâm không có năng lực an trụ trong thiện pháp.
-Phẫn: Đối với cảnh trái ý mình thì sinh tâm tức giận, đánh mất chánh niệm.
-Phú: Che đậy tội lỗi của mình.
Nếu hằng ngày chúng sinh không giữ vững chánh niệm, sống trong tỉnh thức thì mười món này sẽ trói buộc (triền) con người không có lối thoát.
2.Thập sử chính là xiềng xích, là gông cùm đã cột chặt, sai sử con người suốt cả cuộc đời để làm nô lệ cho vô minh phiền não. Căn bản phiền não có sáu món là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Phần ác kiến lại chia làm năm phần: Thân kiến, Biên kiến, Tà kiến, Kiến thủ, Giới cấm thủ. Thập sử là tên gọi dựa theo Duy Thức Học còn tên thông thường là Tư Hoặc và Kiến Hoặc trong phần Tập Đế. Do đó con đường duy nhất để có giải thoát ra khỏi sinh tử luân hồi là phải phá cho được Tư Hoặc và Kiến Hoặc chứng đắc thánh quả A la hán. Năm món tham, sân, si, mạn, nghi gọi là năm món “độn sử” bởi vì nó ngấm ngầm sai sử con người cũng như than đỏ trong tro làm chướng ngại ba món vô lậu Giới Định Tuệ. Ví dụ, cũng vì muốn thỏa mãn lòng tham mà có người dám làm những chuyện tày trời, phạm luân thường đạo lý, không kể hậu quả sau này sẽ vào tù ra khám. Khi cơn giận nổi lên thì bất chấp phải trái ngay cả giết người họ cũng làm. Hoặc một khi lòng si mê tham đắm dục tình bùng cháy trong tâm, người đàn bà có thể giết chồng, bỏ con để chạy theo tiếng gọi của con tim. Nói chung hằng ngày tham, sân, si, mạn, nghi sai sử chúng ta trên mọi phương diện của cuộc sống và chúng nhận chúng ta vào trong bể ái sông mê. Vì thế chỉ có chánh niệm tỉnh thức giúp chúng sinh quay về niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm để lắng nghe tiếng nói Diệu Âm trong suốt thanh tịnh trong lòng ta thì mới đủ công năng đánh thức con người quay về sống đúng với chơn tánh của mình tức là chính mình đã chặt đứt những sợi dây vô hình đã cột chân,  cột tay chúng ta vào con đường bất thiện.
Giáo lý Phật Đà là Phật giáo trí tuệ giúp người tu khai tâm mở tánh, làm lành lánh dử, luôn sống trong tỉnh thức chánh niệm, làm chủ đời mình thì sẽ có an lạc tự tại mà không cần cầu xin, van lạy ai hết.
Các tôn giáo thần quyền trên thế giới nói rằng Thượng đế của họ có thể rửa sạch mọi tội lỗi mà con người đã làm. Nhưng ở đây, Đức Phật đã khẳng định rằng tội do một người làm thì không bao giờ có thể được rửa sạch bởi một người khácThực sự cả Đức Phật lẫn Thượng Đế đều không thể làm được điều đó. Trong kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật dùng thí dụ Phật thọ trai thì người khác không no được nghĩa là ai ăn người ấy no, ai uống người đó hết khác. Nói thế có nghĩa là bạn tạo tác tội nghiệp gì thì chính bạn phải thọ lãnh kết quả đó. Khi một người sắp chết nói rằng ông ta tin vào Thượng Đế, suy cho cùng những điều tội lỗi ông đã phạm ấy thử hỏi Thượng Đế có thể làm cho hết đi được không? Thí dụbạn là người rất thích uống rượu và bạn biết điều đó là sai nhưng bạn lại không biết làm cách nào để loại trừ tính xấu ấy. Vì thế bạn đi đến Thượng Đế để cầu nguyện và xin Ngài làm ơn lấy thói xấu ấy ra khỏi tâm cho bạn, bạn nghĩ có vị Thượng Đế nào làm được điều đó không? Bạn có thể đi đến Đức Phật và cầu xin Ngài. Nhưng Đức Phật cũng không thể lấy tánh xấu đó ra khỏi tâm bạn được mà Đức Phật chỉ có thểdạy cho bạn biết cách làm thế nào để loại trừ thói hư tật xấu đó bằng tất cả nỗ lực của bạn mà thôi.
Thế thì không ai có thể giúp bạn ngoại trừ bản thân bạn qua sự hiểu biếtvà nỗ lực của bạn. Chính bạn là người phải nhận ra rằng "tật uống rượunày thật nguy hiểm, nó có thể tạo ra nhiều điều phiền muộn, rắc rối và khó khăn, làm hại bản thân ta và người khác. Ta phải cố gắng giảm thói hư tật xấu này bằng cách dùng nghị lực của ta và sự quyết tâm mạnh mẽ sáng tạo của ta để nhổ bật  ra khỏi tâm”.
Vì vậy cho dù là Đức Phật hay Thượng Đế thì cũng không thể rửa sạch những tội lỗi do chúng ta tạo ra mà chỉ có một mình chúng ta làm được điều đó bởi vì đạo Phật là đạo chuyển nghiệp. Nghiệp ác chẳng khác nào những tảng đá đè nặng lên ta, bây giờ nếu ta dùng tất cả nghị lực xô tảng đá đó xuống thì thân, tâm sẽ được nghẹ nhàng thanh thoát. Đức Phật có đưa ra một lời khuyên, nếu một người phạm phải một ác nghiệp (karma) họ không thể loại trừ được quả báo bằng cách cầu nguyện Thượng Đế hay Đức Phật. Tuy nhiên khi họ biết mình đã phạm ác nghiệp, họ phải dừng lại không tạo thêm ác nghiệp nữa. Họ phải quyết tâm mạnh mẽ tạo thật nhiều thiện nghiệp hay những việc phước đức. Khi họ tạo được nhiều thiện nghiệp như vậy, quả của ác nghiệp họ đã làm trước đây có thể nhờ thiện nghiệp này mà bị triệt tiêu hay giảm nhẹ. Ác nghiệp có thể ví như viên thuốc độc, nếu uống thì bạn sẽ chết ngay. Nhưng bạn tạo rất nhiều thiện nghiệp, vun bồi phước đức lộng lớn chẳng khác nào nước chứa trong đầy cái hồ lớn. Bây giờ lấy viên thuốc độc đó bỏ vào cái hồ nước rồi múc vài ly uống bạn vẫn thản nhiên, không hề hấn gì hết.
Đức Phật đã khẳng định rằng không một một ai trên thế gian này có thể chuyển quả của người khác được. Vì vậy, giáo lý Phật Đà có mục đích  giúp chúng sinh gieo nhân lành, giống tốt, nhưng một khi đã thành quả rồi thì phải lãnh chịu quả báo thế thôi.
Đức Phật dạy rằng:
Ta có Nghiệp (Karma) là tài sản của chính ta, ta thừa kế Nghiệp  của ta, Nghiệp là hậu duệ của ta, Nghiệp là quyến thuộc của ta, Nghiệp là nơi nương tựa của ta. Bất kể ta làm việc tốt hay xấu, ta sẽ thừa kế các quả của hành động đó”.
Những lời dạy của Đức Phật vô cùng mạnh mẽ không chỉ dành riêng cho các vị Tỳ-khưu mà còn đối với tất cả mọi người. Mọi người phải nhận thức rằng Nghiệp là tài sản của ta. Ta phải thừa kế Nghiệp của ta. Hậu duệ thực sự của ta là Nghiệp của ta. Người bạn đường thủy chung nhất là Nghiệp sẽ luôn theo sát bất kỳ nơi nào ta tái sanh. Bất kể hành động và nhân của Nghiệp ta đã gieo trồng là tốt hay xấu, ta sẽ phải gặt hái quả của hành động đó. Đó là điều mà Đức Thế Tôn muốn nhắn nhủ chúng ta.
Đức Phật đã khẳng định rất rõ ràng rằng ta gieo nhân thì chính ta phải gặt quả và không có tha nhân nào, cho dù đó là Đức Phật hay Bồ Tát Quán Thế Âm có thể chuyển “quả” của chúng ta được. Nói cách khác, mình gieo nhân thì tự gặt quả lấy, hoàn toàn không có một tác nhân của Phật, Chúa Trời, Thần, Quỷ … can dự vô nhân quả của mình được. Mình gieo nhân tốt, không cần sự cứu rỗi của ai cũng được sanh lên các cảnh giới an lành. Nếu mình làm chuyện bất thiện thì sau khi chết, nghiệp bất thiện nầy tương ứng với cảnh giới của những người bất thiện, khiến tâm thức của người ấy sanh về cảnh giới chịu khổ sở để trả quả báo ác độc chớ không có một vị thần nào đày ta xuống cõi âm ti, địa ngục cả.
Tuy nhiên, muốn lìa khổ được vui, đạo Phật dạy chúng sinh chuyển nghiệp tức là chuyển mê thành ngộ.
Cơ quan phát ra và tạo thành nghiệp gồm có: thân, khẩu, ý. Trong 3 thứ nầy, quan trọng nhứt là ý. Ý nghiệp, là những suy tính, so đo phân biệt, Duy Thức Học gọi nó là “liễu biệt cảnh thức”. Ý là chủ động tạo nghiệp. Khi ý nghĩ điều lành, thì nó thúc đẩy cái miệng nói ra điều lành và cái thân làm điều lành. Ngược lại, khi ý nghĩ điều xấu ác, thì nó xúi giục cái miệng nói điều xấu ác hung dữ và thân hành động tàn bạo độc ác. Chính ba nghiệp nầy là động cơ tạo thành thiên đường hay địa ngục ở thế gian. Tất cả mọi khổ vui của con người, từ cá nhân, đến đoàn thể, nói rộng ra là tất cả nhân quần xã hội khắp năm châu bốn biển, đều do thân, khẩu, ý tạo ra cả. Cho nên, trong nhà Phật rất chú ý đến 3 nghiệp quan trọng nầy.Sự tu hành của người Phật tử, Phật dạy không cần tu đâu xa, chỉ cần tu chuyển đổi ở nơi 3 nghiệp nầy. Chuyển đổi 3 nghiệp ác thành 3 nghiệp lành. Như trước kia, chúng ta hay nghĩ xấu ác rồi nói năng hành động xấu ác, như miệng chửi rủa, mắng nhiếc, thân hành động tà hạnh, cướp của, giết người v.v… nay biết chánh pháp, chúng ta nên chuyển đổi lại quyết định không gây tạo những điều xấu ác đó nữa. Đó là chúng ta khéo biết tu và khéo chuyển 3 nghiệp. Thí dụ như trước kia, vì si mê khờ dại và nghèo khó ta đi vào con đường trộm cướp, nay ta biết được tai hại của việc trộm đồ cướp của  nầy rất nguy hiểm, ta quyết định từ bỏ trộm cướp và kiếm việc làm lương thiện nuôi thân, nuôi gia đình, đó là ta đã chuyển nghiệp xấu thành nghiệp tốt. Khi đã chuyển nghiệp rồi, đời ta thật vui vẻ hạnh phúc biết bao và ta có rất nhiều tự do, không còn lo sợ bị tù tội, bị người đánh đập hay giết hại ta nữa. Một người biết tu chuyển nghiệp, thì chính người đó được lợi lạc trong hiện tại và mai sau. Gia đình nào biết tu chuyển nghiệp xấu thành nghiệp tốt, thì gia đình đó được hạnh phúc, hòa thuận, êm ấm. Và từ đó, lan rộng ra xã hội được trật tự, an bình, hạnh phúc, lợi lạc, đó là mục đích mà người Phật tử hướng đến.
Thế thì tu là chuyển nghiệp bởi vì nếu nghiệp không chuyển được thì không ai tu làm gì. Chuyển là chuyển xấu thành tốt, chuyển ác thành thiện, chuyển tà thành chánh, chuyển dở thành hay v.v… Sở dĩ nói chuyển nghiệp mà không nói sửa nghiệp, bởi chữ chuyển ngầm ý nói lên bên trong nội tâm hơn là nói cái bên ngoài. Chuyển đổi từ ý niệm xấu để trở thành ý niệm tốt. Do đó, nhà Phật nói chuyển nghiệp mà không nói sửa nghiệp là vậy.
Lê Sỹ Minh Tùng
Source Internet.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.