Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

Xóm Tha La ngày xưa



Nam Sơn Trần Văn Chi
                                                                                        

 
Ðây mênh mông xóm đạo với rừng già
Nắng lổ đổ rụng trên đầu viễn khách.
(Tha La Xóm Ðạo)


 
              Khởi đầu, địa danh Tha La chỉ được một ít người biết tới nhờ một bài thơ của Vũ Anh Khanh từ thời kháng chiến chống Pháp.




Họ đạo Tha La. (Hình: Internet)

             Rồi “Tha La Xóm Ðạo” của Vũ Anh Khanh được công chúng biết tới rộng rãi nhờ hai nhạc sĩ Dzũng Chinh và Sơn Thảo phổ thành 2 bài hành hai ca: “Tha La xóm đạo” và “Hận Tha La.”


             Nay dầu có nhiều người thuộc thơ và nhạc, nhưng chắc không biết đích thị xóm đạo Tha La ở đâu. Bởi Tha La có ở Tây Ninh và cũng có ở miền Tây Nam Lục Tỉnh.


                                                   ***


             Tha La thuộc địa phận xã An Hòa, huyện Trảng Bàng tỉnh Tây Ninh. Năm 1863, khi chiếm 3 tỉnh miền Nam Nam Kỳ thì họ khuyến khích và giúp đỡ giáo dân Gia-tô tụ lại Tha La và họ đạo Tha La được chính thức thành lập, trực thuộc Tòa Thánh La Mã.


            Nhà thờ có nơi cố định, đầu tiên được xây cất, với vật liệu đơn sơ, từ điểm nầy, các cha tiếp nối đi đến các địa phương khác để truyền đạo và lập thêm xứ đạo mới.


           Tây Ninh, nơi đạo Công Giáo phát triển. Ði đâu cũng thấy nhà thờ. Pháp giúp họ đạo Tha La phát triển ngày càng mạnh mẽ và vững vàng. Vào đầu thế kỷ 20 nhà thờ được xây cất qui mô hơn.


                 Tha La xóm đạo trong thơ Vũ Anh Khanh
          Ông tên thật là Võ Văn Khanh sinh năm 1926 tại Mũi Né, Bình Thuận.


          Sách của ông không nhiều vì cuộc sống của nhà văn ngắn ngủi, hơn nữa trong lúc văn thi tài đang lên như diều gặp gió, thì năm 1950 ông đột ngột từ bỏ thành đô hoa lệ, để dấn thân vào cuộc kháng chiến chống Pháp đang bùng nổ dữ dội khắp nước,


         Bấy giờ nhiều sách của ông bán chạy như chuyện dài “Bạc Xíu Lìn,” được Tiếng Chuông xuất bản năm 1949, chỉ trong 2 tháng đã bán hết 10,000 cuốn, sau đó phải tái bản nhiều lần vẫn không cung ứng nhu cầu của người ái mộ.


         Riêng bài thơ “Tha La Xóm Ðạo” của ông, sau này được nhạc sĩ Dzũng Chinh, tên thật là Nguyễn văn Chính, cũng là người Phan Thiết, phổ nhạc và rất được mọi người ưa thích.


         Không biết Tha La có tham gia phong trào chống Pháp hay không, nhưng chính thời điểm nầy, nhà thơ Vũ Anh Khanh cũng gia nhập đi theo phong trào kháng chiến, ông đã làm bài thơ để đời, trong đó có những câu cho thấy rằng người Tha La đã đặt tình yêu quê hương tổ quốc lên trên hết.


                               Tha La xóm đạo Tây Ninh


               Xóm đạo Tha La hình thành họ đạo đầu tiên ở Tây Ninh, vào giữa thế kỷ XIX, thuộc ấp An Hội, xã An Hòa, huyện Trảng Bàng.


          Tha La có gốc từ chữ Khmer là Schla, người Việt đọc trại thành Tha La. Trong tiếng Việt thì không có ý nghĩa gì cả. Thế nhưng theo chữ Khmer, Schla là nhà mát hay trạm, trại, là một nơi dừng lại để nghỉ ngơi.


          Hơn 200 năm trước, nơi đây là một vùng hoang sơ, trùng điệp rừng già, có nhiều nơi lầy lội. Thế nhưng được nhiều người biết đến và đã trở nên quen thuộc cho đến bây giờ vì Tha La trên đất Trảng Bàng-Tây Ninh có Xóm Ðạo, xóm đạo đầu tiên.


           Ở Tây Ninh các họ đạo và xây dựng các nhà thờ phần lớn đều xuất phát từ ba bộ phận giáo dân: những người dân địa phương đầu tiên khai phá các nơi định cư; đồng bào từ miền Bắc di cư vào từ năm 1954.


           Theo lịch sử, vào năm 1837 một bộ phận giáo dân khoảng vài chục hộ từ Huế theo ông Cosimo Nguyễn Hữu Trí, vốn là một tín đồ Thiên Chúa Giáo ở Huế. Ông đã đưa gia đình vào Nam né tránh lệnh cấm đạo dưới triều vua Minh Mạng.


            Họ đến Tha La sinh sống khai phá, mở rộng đất đai và biến những vùng hoang vu thành đất hoa màu sản xuất và ổn định cuộc sống. Ông Trí cũng mời các vị linh mục từ các nơi khác đến thuyết giảng. Ðến triều Tự Ðức, khi thực dân Pháp đánh vào Ðà Nẵng và Sài Gòn, việc cấm đạo càng khắt khe hơn. Năm 1860, ông Trí cùng một số giáo dân khác bị bắt và ông qua đời trong tù ngục vì sức yếu, tuổi già. Hiện nay mộ của người đầu tiên xây dựng họ đạo Tha La vẫn còn ở phía trước núi Ðức Mẹ nhà thờ Tha La.


            Xã An Hòa ngày ấy gọi là làng Bình Tịnh, sau đó chia ra thành 2 làng An Hòa và An Tịnh. Từ những năm 1837-1840 họ đạo Tha La đã hình thành với trên 20 gia đình giáo dân. Hai nhà thờ đầu tiên chỉ được xây cất thô sơ, mái tranh, vách lá tại Lò Mo và Trường Ðà (nay thuộc ấp An Lợi, xã An Hòa). Ðến năm 1860 linh mục đầu tiên về đây phục vụ là Besombes Hạnh. Năm 1881, Linh Mục Laurenco Bính đến Tha La và vận động công sức, quyên góp tiền của từ nhiều giáo dân để xây dựng một nhà thờ mới. Sau 3 năm liên tục xây dựng, nhà thờ mới hoàn thành.


             Ngày 22 tháng 9, 1966 giáo xứ Tha La mới được chính thức thành lập. Ngày 10 tháng 9, 1967, giám mục địa phận Phú Cường đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Tha La kiên cố. Ngày chủ nhật 13.12.1970 công việc xây dựng hoàn tất và nhà thờ chính thức khánh thành.


              Sau gần 170 năm hình thành và phát triển (1840-2009) giáo xứ Tha La đã có khoảng 48 linh mục đến phục vụ và hiện nay giáo xứ có khoảng 4,756 người.


                                 Về Tha La tìm ăn món ngon
             Lấy Quốc Lộ 1 từ Sài Gòn chạy thẳng về Gò Dầu Tây Ninh, con đường này đưa bạn về Trảng Bàng nơi có địa danh Tha La Xóm Ðạo.Trảng Bàng và Sài Gòn cách nhau khoảng 50 cây số mà thôi. Từ Trảng Bàng mon men về hướng tây thêm 6 cây số thì chúng ta vào đất Tha La.

               Người Tha La và người Trảng Bàng không thể nào không biết những món ăn địa phương tại đây là món bánh canh giò heo hay bánh tráng cuốn thịt heo.

            Người Tây Ninh hãnh diện đặc biệt, với những ai đã từng ghé thăm Tha La để hiểu tình người Tha La vốn chân chất và hiếu khách.


            Vào quán ăn, nghe lại bản nhạc Tha La Xóm Ðạo chắc khách không khỏi dâng lên nỗi niềm bâng khuâng trong lòng... Tha La Huyền diệu!...



Source Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.